2.Bây giờ, hãy coi hồ Thiền Quang và Hoàn Kiếm như hai tâm điểm của hai khu vực. Điều này hòan toàn có thể chấp nhận được nếu ta đồng thời xem xét hai điều: i) quanh hai hồ đó quả thực tồn tại hai khu vực khác biệt về tổ chức dân cư và mức độ giàu có (quanh Thiền Quang là khu vực dân cư mới so với Hoàn Kiếm) và ii) có thể xem sự tồn tại của hai hồ là dấu tích của cuộc lấn hồ làm nhà, do đó mà bản thân nó là một tâm điểm của quá trình xâm lấn. Từ đây, cuộc du ngoạn chốc lát qua Phan Chu Trinh đến Lý Thái Tổ có thể bắt đầu: chắc chắn, người ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng đoạn phân cắt giữa hai khu vực Thiền Quang và Hoàn Kiếm cũng là điểm đánh dấu sự bố trí khác nhau dọc theo các cạnh đường.
2.1 Hãy tiến tới từ đoạn kết của phố Lê Văn Hưu để khảo sát Phan Chu Trinh. Con đường này có sự khác biệt giữa bên trái với bên phải đường rất rõ rệt. Nhìn theo hướng Phan Chu Trinh – Lý Thái Tổ, bên trái Phan Chu Trinh không nhiều những cửa hàng kinh doanh như bên phải của nó. Bên trái đa phần là các công trình lớn đang xây dở, các ngân hàng, cơ quan nhà nước, cửa hiệu ăn cùng các tiệm kinh doanh xa hoa mà vào lúc gần 9h sáng của ngày cuối tuần thì nó lại giữ nguyên vẻ yên lặng vốn thường có của những khu phố buồn. Có lẽ nó cũng đáng buồn nữa, khi ngoài những xe máy thỉnh thoảng lại chất đầy thì chính nó cũng bẩn thỉu, bởi bụi cát công trường, bởi rác bẩn, bởi những vết ố dọc con đường không ai tẩy rửa. Ngược với khung cảnh buồn bã bẩn thỉu đó, bên phải của con đường tương đối còn rộng rãi này của Hà Nội là những cửa hiệu nhỏ nối nhau, những quán làm tóc, hiệu ăn nhỏ, tiệm nước uống và chỉ thỉnh thoảng mới đan cài các công trình lớn. Mặc dù cũng bẩn thỉu, nhưng ít ra người ta còn có thể thấy le lói bên phải đường những ngõ nhỏ tẹo dẫn vào một khu dân cư cũng bé nhỏ - những ngõ như thế bên trái đường có ít hơn. Chính những khu dân cư như thế là sức sống tiềm tàng của đô thị. Bên đường nào có đông dân cư hơn thì đồng thời cũng thường xuyên có người qua lại hơn, và trong chừng mực đó ít ra nó giữ được chút nào sức sống. Ở bên trái đường, ngòai một vài đoạn nhô ra cái quán cóc bé tẹo có đôi người ngẩn ngơ ngồi, thì sức sống của nó có lẽ bị sự giàu có che lấp bằng vẻ bóng lộn.
Nói chung người ta không thể hi vọng thấy được trên Phan Chu Trinh những gương mặt Hà Nội thanh nhã hoặc hiền lành như truyện xưa hay kể. Khuôn mặt của con người trên tuyến đường này đều lanh lợi, pha chút tàn nhẫn và đuôi mắtlúc nào cũng chực nhướng lên. Chẳng nhiều người có đủ sức mở ra một cửa hàng đẹp đẽ trên con đường rộng lớn này: hẳn đa phần là những chủ tư bản lắm tiền từ nhiều nơi đến thuê địa điểm làm ăn.
2.2 Đoạn tiếp theo của Lý Thái Tổ cho đến Nhà Hát Lớn cũng trong tình trạng tương tự. Nếu so sánh với Nguyễn Du, Lê Văn Hưu thì đoạn Phan Chu Trinh cùng với một đoạn nhỏ Lý Thái Tổ như vậy thật vắng vẻ. Dù có thể vào chiều hoặc muộn hơn thì những cửa hiệu ở đoạn này mới bừng sáng và hái ra tiền, nhưng vào thời điểm sáng muộn thì người ta chỉ có thể thấy rằng Phan Chu Trinh là một đoạn đường tẻ ngắt.
Đoạn đường từ Nhà Hát Lớn tới đoạn cắt Lê Lai có lẽ là một đoạn chuyển tiếp, nơi hai bên đường đều đa phần là những công trình lớn. Dù cũng không được sạch sẽ lắm, nhưng người công nhân làm đường cùng đám người bán trà đá lẻ đều có mặt mũi hiền lành hơn và ánh mắt tươi sáng hơn.
Vượt qua đoạn đó, phần còn lại của Lý Thái Tổ chứng kiến một khung cảnh đối ngược với sự phân bố của Phan Chu Trinh. Bây giờ, bên trái đường lại sầm uất với nhiều của hiệu đan xen, nhiều màu sắc lẫn lộn. Còn bên phải đường lại nhiều những công trình lớn, tối màu thậm chí là xấu xí. Dù thế, cần thấy rằng ở đoạn này các khu dân cư lẩn khuất là nhiều hơn, và các cửa hàng có vẻ đều là các cửa hàng do chính chủ nhà mở ra hơn là cho thuê (nên ta cũng sẽ thấy rằng nó nặng tính bản địa hơn đoạn trước). Cũng có thể do đoạn đường này được khảo sát vào lúc sau 9h, nên sự nhộn nhịp của nó vượt trội so với Phan Chu Trinh. Cần nói rằng con người ở đây giọng nói thanh hơn ở Phan Chu Trinh và đôi mắt cũng hiền hòa hơn nữa. Sự bẩn thỉu của lề đường bị những người lại qua làm mờ đi.
3. Ta không thể biết chắc chắn tại sao sự phân bố lại thay đổi từ trái sang phải như vậy khi đi qua Phan Chu Trinh tới Lý Thái Tổ, nhưng ta lại có thể kết luận rằng Phan Chu Trinh có lẽ nên coi là đoạn chuyển tiếp từ khu vực hồThiền Quang sang hồ Hoàn Kiếm. Cũng như nhiều trường hợp khác, vùng đệm giữa các trung tâm thường vắng vẻ, thậm chí có phần nghèo sơ với các tâm điểm của vùng. Dù thế, cũng nên nói thêm rằng Phan Chu Trinh mang đủ cái lốt mới của đô thị mới còn Lý Thái Tổ lại nặng hơn về tính chất của Hà Nội cổ với những hàng quán nhỏ nhắn hơn, bản địa hơn. Ta sẽ càng thấy điều này đúng khi xét rằng Phan Chu Trinh là nơi kết thúc của trung tâm Thiền Quang, còn Lý Thái Tổ lại là đoạn dựa lưng vào cả một Hà Nội sầm uất: Hà Nội của phố cổ. Có điều, là đoạn kết của một trung tâm đang thành hình, Phan Chu Trinh có phần nhếch nhác và lộn xộn. Còn Lý Thái Tổ, dựa lưng vào khu vực sầm uất cũ, lại đôi phần hiền lành và sạch sẽ hơn, lại cũng đông đúc hơn.
Nhưng đi dạo qua Phan Chu Trinh đến Nhà Hát lớn vào cuối tuần trong cái thời gian sáng muộn cũng sẽ mang lại một cảm hứng đặc biệt: sự vắng lặng của nó là sự vắng lặng Hà Nội từng tự hào. Những người chán trường cảnh xô lấn nghẹt thở trong phố cổ có thể dạo bước qua Phan Chu Trinh vào giờ này, hít thở không khí trong lành hiếm hoi của Hà Nội, dừng chân ở vườn hoa Lý Thái Tổ và ngắm nhìn Hồ Gươm. Có lẽ đây là cung đường thú vị bậc nhất để người ta cố gắng cảm nhận được chút nào đó phần hồn của Hà Nội, cái phần hồn chỉ còn vương vãi mỗi nơi một chút…
II
Hà Nội: xã hội di dân
qua kết quả phỏng vấn
1.Di dân là một hiện tượng thường xuyên trong lịch sử loài người cũng như trong lịch sử Việt Nam. Nó biểu hiện sự tái phân phối các nguồn lực quốc gia ở tầm vĩ mô nhất, do đó cũng gây ra sự đảo lộn mọi mặt của đời sống xã hội một cách ghê gớm nhất. Đặc biệt, đối với các nước thế giới thứ ba, những xã hội đi vay, thì những cuộc di dân từ vùng này qua vùng khác, nhằm hút máu những nguồn lợi được cho là dễ dãi, càng diễn ra liên tục và gây ra những hậu quả ghê gớm hơn gấp bội. Thời kì hiện đại hóa ở các nước này đáng để, trong những giai đoạn sôi nổi nhất, gọi bằng tên đô thị hóa. Quá trình di dân dưới trào lưu đô thị này đã liên tục thay máu cho Hà Nội, biến nó trở thành đô thị năng động, trẻ trung, cùng với tất cả sự bồng bột, thậm chí bệnh hoạn của quốc gia.
2.Kết quả khảo sát, trên một lượng không nhiều người, của chúng tôi, đã minh họa thực trạng Hà Nội như xã hội di dân. Bên cạnh số lượng phỏng vấn quá ít là phương pháp phỏng vấn non nớt – chúng tôi không giỏi khai thác đời sống của những người dân vốn nhạy cảm, tuy thích buôn chuyện, nhưng nhiều phần kín đáo.
2.1 Trước tiên, tôi phân loại các nhóm trong sau cuộc khảo sát. Nhóm thứ nhất (i) cho thấy những người sinh ở các tỉnh khác nhưng hiện đang sinh sống tại nội thành Hà Nội; nhóm thứ hai (ii) cho thấy người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng không thuộc khu vực nội thành. Hãy nhớ rằng, những người sinh ra và lớn lên ở ngoại thành Hà Nội, theo nghĩa khu vực cận trung tâm, hay cận tâm/ hướng tâm (mà ngày nay có thể giàu có không thua kém khu vực trung tâm), trong lịch sử cũng là những người nghèo, di dân, ngụ cư… Do đó tôi xếp (i) và (ii) như là hai nhóm hủy hoại tính cách Hà Nội theo cách nói của những nhà văn hóa nghèo túng nhưng thanh cao (tôi không hề có ý giễu cợt cũng như tỏ thái độ rằng sự hủy hoại đó là đúng hay sai, tốt hay xấu). Nhóm thứ ba (iii) biểu hiện cho những người sinh ra và lớn lên ở khu vực trung tâm. Cũng cần nói rằng những người được khảo sát ở đây là kết quả ngẫu nhiên về những người hiện đang sống ở khu vực trung tâm, mà một số trong đó được dân ngoại tỉnh quan niệm như người Hà Nội, còn dân Hà Nội gốc thì phần nào đó vẫn coi họ như người nhà quê. Ta hãy bắt đầu khảo sát (i), (ii) và (iii).
2.2 Trong số 40 người được phỏng vấn, chỉ có 9 người gốc thuần Hà Nội (loại trừ những người có sự di chuyển khỏi Hà Nội rồi trở lại). Con số này tự nó nói lên rằng các tính cách Hà Nội là yếu so với các tính cách phi Hà Nội. Điều này đặc biệt quan trọng để thấy rằng sự chiếm lĩnh khu vực trung tâm của người dân gốc không thuộc khu vực trung tâm đã cho thấy: (1) những người dân khu vực trung tâm không kịp bành trướng dân số để chiếm lĩnh lấy khu vực này; (2) những người dân ngoại tỉnh đã có ưu thế hơn (trong bối cảnh xã hội cụ thể) đối với sự tranh giành khu vực sống; và (3) do giá đất ngày càng tăng, có thể tạm cho rằng những người dân ngoại tỉnh là giàu có hơn người Hà Nội gốc (hay, giàu có hơn những người Hà Nội phải thuyên chuyển khỏi khu vực trung tâm). Nhóm (iii), do đó, có sức ảnh hưởng yếu hơn các nhóm khác trong quan hệ tác động qua lại. Ta sẽ không thấy ngạc nhiên rằng những người Hà Nội gốc đó, mặc dù có tuổi trẻ đẹp đẽ và sự giáo dục chu đáo, nhưng lại không thực sự thành công trong bối cảnh hiện tại của xã hội. Nếu họ kiên trì giữ lấy cuộc sống cũ, họ nghèo. Họ chỉ khá hơn nhờ vào việc cho thuê những cửa hàng, ki ốt. Đức tính Hà Nội nổi tiếng, đức tính của những người buôn bán tinh tế biết thưởng thức, trở nên một gánh nặng tinh thần thầm lặng đối với họ. Họ không trở thành những người ảnh hưởng hay tạo nên ảnh hưởng lớn. Nói thẳng thắn, họ là những kẻ thua cuộc trong thời hiện đại, những người đánh mất mình (về tinh thần) và sống dựa vào cả kỉ niệm và chút lợi ích mà vị trí địa lý của họ để lại. Ta hãy để ý: đó là Hà Nội thứ nhất, Hà Nội cũ kĩ và suy tàn, mà thời hoàng kim nhất mà nó còn có thể hồi tưởng là thời bao cấp.
2.2 Hà Nội đã diễn ra một quá trình “thay máu” lí thú. Cho đến 1974 (tôi chọn mốc này một cách trực quan, dựa vào kết quả phỏng vấn cho thấy đến 1974 sự dịch chuyển dân số chững lại), Hà Nội mà ta thấy là một Hà Nội xáo động. 31/40 người được phỏng vấn có xuất thân phi trung tâm. Để ý thêm nữa, (i) và (ii) có xu hướng trộn lẫn với nhau, nghĩa là những người vốn không thuộc Hà Nội trung tâm có khuynh hướng thay đổi địa điểm sống liên tục. Quan trọng hơn nữa, cần thấy rằng (i) và (ii) cấu thành trực tiếp nên người Hà Nội ngày hôm nay. Chúng tôi thu được trong các bài phỏng vấn rằng, với những người thuộc nhóm (i) và (ii), các sự kiện cuộc đời được chính họ miêu tả với sự thích thú hơn là về gia đình; trong khi có thể thấy điều ngược lại ở những người Hà Nội gốc. Tính cách Hà Nội hôm nay, hay Hà Nội trong biểu đồ của chúng ta, được tạo nên từ (i) và (ii) một cách trực tiếp. Nó cho thấy nhóm (i) cùng (ii) có một sức sống mạnh mẽ đi cùng thái độ sống sôi động hơn hẳn. Sự ưu việt của niềm say mê kiếm tìm cuộc sống giàu có tỏ ra tương thích đặc biệt với cá tính của hai nhóm này. Không cần phải ngạc nhiên: nó đúng với đa số các xã hội đang lên - và nhiều hơn thế, nó đủ sức mạnh để tạo nên một môi trường xã hội cạnh tranh đặc trưng, nơi sự khác biệt được phán xét bởi sự thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo nàn. Môi trường này không hề đếm xỉa đến các cá tính Hà Nội cũ, tinh tế hoặc học thức và có vẻ hiền lành. Quá trình những người phi trung tâm trở thành gương mặt Hà Nội, quá trình thay máu Hà Nội, cũng là quá trình Hà Nội ngày nay của chúng ta ra đời. Hà Nội mới không phải là một môi trường dễ thở, cũng sẽ không đánh mất đi tính cách đô thị của mình, nhưng nó chỉ giữ được niềm tự hào của nó bằng của cải, chứ không phải bằng các giá trị tinh thần vốn là niềm tự hào của mọi nền văn minh.
3. Từ sau 1997 (vẫn là sự lựa chọn mốc trực quan theo khảo sát của chúng tôi), Hà Nội mới thực sự hình thành và dường như cố định lại: (i) và (ii) chuyển hóa thành (iii). Đó cũng là thời điểm Hà Nội ngày càng bụi bặm, bẩn thỉu, nhem nhuốc. Người ta chỉ còn có thể cảm giác lại Hà Nội bằng cách đi dọc những khu phố nhỏ bé nghèo nàn, nơi sự buôn bán và nhiều yếu tố khác không cho phép người dân nỗ lực xây nên những căn nhà xấu xí vô trật tự.
Hà Nội cũ dường như lắng lại ở đâu đó, nơi những con người tốt đẹp không quen đua chen đang héo mòn bên viền nghèo nàn của khu trung tâm, hoặc đã bỏ đi khỏi khu trung tâm cũ. Như một bức tranh biếm họa về thế giới đa cực, Hà Nôi ngày nay cũng đa cực: các trung tâm giàu có đã xuất hiện thêm nhiều, tiêu biểu là khu vực Cầu Giấy – Mỹ Đình. Ta có thể hi vọng, dù không rõ ràng, phú quý sinh lễ nghĩa: một ngày nào đó, Hà Nội, dù không còn thanh khiết mà ngày càng chật chội, sẽ lấy lại vẻ đẹp tinh thần của nó, vẻ đẹp của sự tinh tế chứ không phải vẻ đẹp của sự hưởng thụ, cũng như vẻ đẹp của một đời sống tinh thần văn minh chứ không phải vẻ đẹp của sự bon chen loại trừ nhau.
III
Hệ lụy
1.Chấm dứt những số liệu và khảo sát, hai Hà Nội, một thanh khiết -nghèo nàn, một bẩn thỉu - giàu có hiện lên trong nhận thức của tôi một cách rõ ràng. Tôi hoàn toàn minh bạch rằng tôi đã khắc hoạ sự tương phản đó như là kết quả của Hà Nội di dân, một Hà Nội pha tạp của quá nhiều nhóm người. Nhìn lại chính mình, tôi biết thái độ đó cũng xuất phát từ sự nuối tiếc của chính tôi về thời thơ ấu và những chuyện kể nhiều hơn là những phân tích xác đáng: phải thừa nhận, tôi đã bước đầu dấn chân vào một thứ chủ nghĩa huyết tộc – chủ nghĩa địa phương nghèo nàn và cay nghiệt.
2.Trong quá trình tôi tiếp xúc với các nhóm người địa phương – nông thôn hay ngoài Hà Nội tìm tới Thủ đô, tôi nhận ra nhiều trong số họ ban đầu vẫn ấp ủ các giá trị, thái độ, cách nghĩ thuần khiết, hiền lành hoặc đạo đức một cách tự nhiên. Tôi cũng chứng kiến đa phần trong họ bị biến chất theo thời gian sống ở Hà Nội, dần dần chấp nhận những giá trị đạo đức – luân lý tiêu cực cũng như tự họ nảy sinh một lối sống khôn ngoan, tính toán. Hiện tượng đó đã khiến tôi tự nhận định lại thái độ của mình đối với những người ngoài Hà Nội và một lần nữa tôi phải tự minh định vấn đề lan truyền một thứ giá trị kiến tạo bản sắc làm khủng hoảng lối sống lành mạnh của xã hội.
Tôi sẽ tránh việc định nghĩa hoặc đưa ra những giá trị đạo đức – luân lý lành mạnh – tích cực ra ở đây vì công việc đó chỉ khiến chúng ta rơi vào một cạm bẫy của ngôn từ. Với tư cách những kinh nghiệm cá nhân, khi tôi đề cập tới những giá trị cũ hay những giá trị tích cực, lành mạnh thì bản thân chúng ta đã có một ấn tượng hay lượng định của mỗi người ở trong đó. Tôi sử dụng một lối phân tích thống nhất của chủ nghĩa duy lý phê phán trong đó định nghĩa tự được đem đến trong người đọc nếu nó không gây ra hiểu nhầm nào và chúng ta có thể tự tìm kiếm nó trong chính mình. Vả lại, chẳng phải các giá trị, đạo đức và luân lý luôn chỉ là những quy ước xã hội sao? Và chẳng phải vì thế mà việc định nghĩa chúng chẳng qua lại rơi vào sự áp đặt giá trị sao?
2.1 Bản thân gia đình tôi vốn không có gốc Hà Nội, mà có gốc từ miền Trung, cụ thể là Nghệ An. Tôi thừa nhận, so với những người Hà Nội gốc mà tôi quen biết, tính chất thị dân nửa mùa trong đời sống của tôi là rõ ràng cũng như còn nặng chất quê kệch. Do một số nhân tố thuộc về truyền thống trí thức, lối sinh hoạt của gia đình tôi đã lai ghép vào những giá trị văn hóa của người Hà Nội, dù không đầy đủ; và những giá trị này không phải không có nguồn gốc từ sự phản kháng của gia đình tôi đối với những lối sống tiêu cực bên ngoài/ bên cạnh gia đình tôi. Tôi buộc phải nhận ra rằng, chính trong sự phản kháng đó, một thứ bản sắc gia đình – con người đã được hình thành. Điều này đã dẫn đến một luận đề khác, không kém suy đoán nhưng quan trọng, rằng chính trong cuộc phản kháng và giành giật giữa hai Hà Nội, tôi có thể nhìn ra một bản sắc xã hội nói chung – cái bản sắc mà đến giờ tôi buộc phải thừa nhận rằng nó đã cấy những giá trị phổ biến lên các thành viên của nó. Cuộc chống trả và suy tàn của Hà Nội cũ chỉ càng cho thấy sự thất bại hay chấm dứt của một xã hội lỗi thời/ hết thời trước sự lấn lướt khá thô bạo của một Hà Nội mới.
Những người ngoài Hà Nội đã thay đổi chính họ để có ý thức và vô ý thức góp phần làm nên một Hà Nội đang bị xáo trộn như thế nào? Hẳn sự thay đổi đó là kết quả của quá trình thích nghi của họ. Với những giá trị văn hóa sẵn có trong họ, họ sẽ nối vào xã hội “mới” bằng một số các quy tắc sống, các cách sống hay “các chiến lược xã hội của cá nhân”. Xã hội, xét như một hệ thống, sẽ đào thải những người có “chiến lược” không phù hợp với sự vận hành của nó. Thấp hơn sự đào thải con người là sự đào thải các giá trị trong mỗi người. Khi nhận thấy một số quy tắc sống của mình là mang lại kết quả kém cùng lúc nhận ra những quy tắc sống của người khác lại mang lại kết quả tốt, thì quá trình thay thế giá trị cũng diễn ra. Những người kiên trì bám trụ vào giá trị không ưu thế, dù với bất cứ lý do nào, cũng sẽ lùi vào một tình thế phản kháng vô vọng hoặc thất bại. Các sinh viên đơn giản trong nhận thức mà tôi gặp đa phần đều thay đổi theo một xu hướng như thế. Đặc biệt, với mật độ giao tiếp xã hội mạnh, một sinh viên có thể biến chất rất nhanh, trở nên tính toán và khôn lỏi hay độc ác.
Như thế, dường như họ đã gặp phải những mối quan hệ đa phần là tiêu cực, ích kỉ, thiếu tin tưởng và không “trong sáng”, khiến họ buộc phải thay đổi tập chiến lược sống của mình và hình thành những quy tắc sống mới. Nói một cách khác, họ đã chịu ảnh hưởng của một môi trường sống đặc thù có tính phổ quát ở đô thị. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong thời đại ngày nay, ưu thế của đô thị khiến các giá trị được sản xuất ra trong nó trở nên vượt trội, lan tràn đến các cộng đồng ngoài đô thị.
Dĩ nhiên, để tránh ngộ nhận, tôi cũng đồng ý rằng những giá trị văn hóa tiêu cực cũng tồn tại ở làng quê. Thế nhưng, tính chất tiêu cực của nó lại thấp hơn sự tha hóa nhân cách ở đô thị. Đặc biệt, môi trường làng quê hạn chế những hậu quả bi đát của lối sống tiêu cực dựa vào chuyện phiếm cùng những quan hệ mật thiết. Sự khống chế đó đã bị tan rã khi những sức hút đô thị đổ về, lôi kéo nó và làm vụn vỡ những vùng đất hiền lành. Mặt khác, những thói nông dân tủn mủn khi bước vào đô thị, vốn bị mất đi sự kiềm chế của môi trường cũ, cũng đã cấy ghép vào khuôn mặt đô thị vốn đã nhiều vấn đề càng trở nên nhốn nháo.
2.2 Vậy đâu là cơ sở của cái môi trường Hà Nội mới đó? Tôi cho rằng, chính những giá trị được chấp nhận rộng rãi trong xã hội đã hình thành nên cái phần cao nhất của nó, mà bên dưới mới đến lượt vai trò của một loạt các căn bệnh xã hội làm băng hoại đời sống lành mạnh.
Trước hết, các giá trị phổ biến trong xã hội bao giờ cũng đi liền với lực lượng xã hội nắm giữ ưu thế kinh tế. Sự sinh thành của tầng lớp giàu có bất thường với những tính cách bị cho là tồi tệ cùng sự tự tung tự tác của họ trong xã hội (biểu hiện ra bằng các hoạt động hối lộ, lạm quyền, tham nhũng) cho dù gặp phải một thái độ ghét bỏ của dân chúng, nhưng đáng nói làm sao lại dần dần hợp thức hóa những biểu hiện nhân cách của họ như là thường tình. Những người giàu có đã mở đầu vở bi kịch Hà Nội với các quán karaoke, gái điếm, sàn nhảy rồi kích thích sự phát triển của nó trên toàn xã hội. Tôi đã chứng kiến khu vực Đội Cấn với con đường karaoke cùng khu vực đường Láng với phố cave đã được bắt đầu với chuyện kể về các công tử nhà giàu. Hình thức kinh doanh băng hoại đó đã thấm vào máu xã hội và cấy vào tâm thức người dân một cảm giác kép của sự ghê tởm và sự thích thú. Cái tình trạng đó được mở rộng suốt quá trình mở rộng kinh tế của Hà Nội. Tầng lớp giàu có đông lên nhanh chóng đi kèm với sự gia tăng của các hoạt động tệ nạn rộng lớn hơn cùng các băng nhóm xã hội đen. Sự giàu có đã đi liền với giá trị nào để tạo ra một tình huống phát triển thê thảm như vậy? Giá trị nào đã kích thích sự đê tiện của con người và đã biến sự đê tiện đó, sự băng hoại đó thành một giá trị hợp lý trước cộng đồng?
Câu trả lời có lẽ là một câu hỏi thích đáng: điều gì đã khiến những con người mang theo những giá trị tiêu cực đó trở thành tầng lớp giàu có? Và chắc chắn không phải sự giàu có làm băng hoại con người, mà ban đầu phải có những con người băng hoại - giàu có đã kiến tạo nên lối sống mới, mà tất cả sự đê tiện của họ đã trực tiếp phân tán trong xã hội thành các giá trị tiêu cực lan tràn. Chính họ đã tạo nên một bầu không khí văn hóa – một môi trường văn hóa mới trọng dụng sự đê tiện, trọng dụng những tính cách – tính chất – giá trị đã giúp họ đạt được sự giàu có đó.
Từ Hà Nội, nhìn rộng ra, có thể nói rằng bản sắc xã hội Việt Nam hiện nay tồn tại sự lai ghép giữa một số giá trị tiêu cực truyền thống của xã hội nông dân với một đời sống văn minh nửa mùa. Tác hại của nó chúng ta không lấy làm lạ.
Nỗi dằn vặt mà chúng ta phải chịu đựng khi nghiêm túc nhìn vào xã hội hiện nay mà không nỗ lực chống lại nó bằng các hoạt động thực tế sẽ phải trả giá. Nhưng cái giá đó đến đâu, e rằng nhất thời, không ai trong chúng ta thực sự lường tính được.
IV
Hy vọng
1. Những suy tư của tôi về sự bành trướng của Hà Nội mới cùng sự héo mòn của Hà Nội cũ cuối cùng đặt ra trước chính tôi một thực tế: tôi cũng là một cá nhân tham gia vào tình trạng đứt đoạn giữa nông thôn với đô thị. Tình trạng này không mới mẻ gì: những thành quả tăng trưởng ở đô thị đã không kích thích được nông thôn phát triển theo một nhịp độ tương ứng, mà chủ yếu gây nên những huyền thoại về sự giàu có cũng như gieo rắc vào nông thôn một căn bệnh của thứ đạo lý tiền bạc vốn cũng không mới và cũng không phải không có sẵn căn rễ trong lịch sử. Sự phê phán của tôi đã khoét sâu vào cái tình trạng chênh vênh của nông thôn với đô thị; mà xét đến cùng cái ác cảm với những người nông thôn, vốn do sự cách biệt với đời sống của họ gây nên ở tôi, chính là nguyên nhân sâu xa nhất cho thái độ cay nghiệt và nuối tiếc cho một bầu không khí thanh sạch của Hà Nội cũ.
Sự thực trên khiến tôi cũng đặt ra một câu hỏi cho chính mình: liệu đằng sau cái tương lai đen tối của một nền văn minh bệnh hoạn, có một hi vọng nào có thể được nhìn thấy không? Và nữa, liệu chúng ta có nên trông chờ, như trong lịch sử đã có, nông thôn là chỗ trú chân cuối cùng của luân lý – sức mạnh xã hội Việt Nam không?
2. Nỗi suy tư về một tình trạng phát triển xã hội Việt Nam đã dẫn lối cho cái nhìn của tôi. Nỗi suy tư đó xuất phát từ một nhận thức rõ ràng rằng bản sắc xã hội Việt Nam thể hiện qua trường hợp đô thị tiêu biểu của nó, Hà Nội. Ở đây, có thể thấy rằng, những giá trị được kế thừa để tồn tại chứ không phải để phát triển, và chính điều đó dường như đã sắp đặt lại một tấn bi kịch cũ/mới của đất nước này. Nỗi ám ảnh của lịch sử như là hậu quả không hề mất đi trong những người hiểu biết lịch sử, còn nỗi ám ảnh của truyền thống xét như những quy tắc vận hành lại đang buộc tương lai phải chịu đựng những vết nứt vốn chỉ có thể được hàn gắn, gá lắp, chắp vá tạm thời bằng chủ nghĩa yêu nước vốn rất dễ bị thao túng. Tôi đã không thể thấy được nhiều hơn cái nguy cơ rình rập của một sự đổ vỡ, mà toàn xã hội, xét như một hệ thống, đang cạn kiệt cái năng lượng dùng để kháng cự lại những đợt sóng đang chực đập vỡ con đê bảo vệ sự yên bình rữa nát mà chúng ta đang được tận hưởng ngày qua ngày.
2.1 Có thể, đám mây mù bi quan đó đã đẩy tôi ra xa khỏi một điểm nhìn lạc quan, rằng chính sức ép của những xu thế xã hội tiêu cực đang kích thích và tích lũy nhiều hơn những phản ứng tích cực từ nhiều nguồn của xã hội, cho dù những phản ứng này phải chịu đựng sự kiềm chế, kiểm soát và ngăn chặn rất mạnh của mọi cấp độ uy quyền trong xã hội. Có thể kể ra những cuộc đình công của công nhân, cuộc phục hưng và đổi mới học thuật của nhiều trí thức, sự khinh rẻ và ghê tởm ngấm ngầm gia tăng trong toàn xã hội đối với tình trạng suy bại của luân lý, đạo đức trong mọi mặt của đời sống… Nhưng ảnh hưởng của những phản kháng tích cực đó là yếu trên bình diện ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Những giá trị cũng như tinh thần của sự phản kháng đó đã bị co hẹp lại và biến thành một ức chế tinh thần cho một bộ phận xã hội, mà giá trị đáng nói nhất của nó là chuẩn bị sẵn một sự phục hưng những giá trị tích cực của truyền thống trong tình huống xấu nhất của tương lai. Đó là còn chưa kể một tâm thế kép, của sự ghê tởm, nuối tiếc và sự chấp nhận, tha hóa đại chúng, cũng khiến các phản kháng xã hội tích cực rơi vào một khoảng không lạnh lùng. Một lần nữa, đáng để nhấn mạnh rằng, Hà Nội cũ và Hà Nội mới là biểu tượng buồn bã của sự phát huy những truyền thống tiêu cực cùng sự suy sụp những giá trị tích cực trong văn hóa Việt Nam khi đối diện với làn sóng hiện đại hóa của thời đại toàn cầu.
Tuy vậy, người ta có thể đặt hy vọng vào sự ra đời của các nhóm trí thức mới trong xã hội với sự trang bị tri thức nhân loại qua hệ thống thông tin toàn cầu của internet. Nhưng hy vọng này cũng thực tẻ nhạt: cái không khí bon chen, các công cụ giải trí cùng nhu cầu vật chất sẽ rút cạn đa phần năng lượng sống/ đấu tranh/ phản kháng của họ trước xã hội. Nhưng người không bị nó rút cạn đi sinh lực để tranh đấu khó lòng tập hợp lại với nhau cũng như vô năng thực hiện một cuộc tiến hóa nhân cách đối với xã hội. Sự bất lực chung của giới trí thức bị phân tán dù nắm giữ các giá trị tinh hoa, tích cực là kết quả của một môi trường không kích thích nó. Những ánh sáng từ đô thị do đó lại phải trông chờ vào sự bùng nổ xã hội khác. Sự bùng nổ ấy, nếu có, sẽ nhận lấy giới trí thức tinh hoa này như là nguồn lửa của ý thức xã hội.
2.2 Nông thôn trong sự tách rời với đô thị chỉ có thể mô hình hóa lại nỗi đau văn hóa trong những thị trấn nhỏ bé. Các thị trấn này đến lượt mình đóng vai trò như trạm xã hội nối liền trung ương với địa phương, đô thị với nông thôn một cách đứt đoạn, yếu ớt. Những ai thấy rằng sự sinh thành của hệ thống trị trấn là minh chứng cho công cuộc phát triển kinh tế cũng như là mắt xích kích thích nông thôn hướng tới một sự giàu có thì thường đủ hân hoan để không nhận ra rằng chính ở đó, các sức hút làm vụn vỡ khu vực nông thôn cùng các giá trị tiêu cực đang hoành hành ở đô thị trung tâm được truyền tới làng quê với những hình ảnh huyền thoại của một đời sống sung túc. Nông thôn, qua các thị trấn của nó, đang chịu một lực của sự mô hình hóa các giá trị đô thị, khiến dân cư ở khu vực này bị hấp dẫn bởi cuộc hành trình tới đô thị hay rời bỏ làng quê.
Thật bất ngờ, dù không hẳn đáng lạc quan, phong trào phục hưng liên hệ huyết tộc – dòng họ đang bắt đầu nổi lên mạnh mẽ. Phong trào này trở thành những sợi dây chằng nối liền nông thôn – đô thị. Truyền thống của những quan hệ nặng tính cộng đồng đang đường hoàng trở lại sân khấu văn hóa ở một quy mô đáng nói. Nó đã vượt qua giai đoạn xóm làng tệ hại để mang lấy những hình thức tổ chức và liên hệ dòng họ tinh vi hơn. Chính trong phong trào này, một thứ giá trị tích cực được thúc đẩy: sự thành công cá nhân (về thành tích, địa vị xã hội, học vị…) được coi như là đóng góp lớn cho tập thể lớn hơn và nhận được hưởng ứng/ động viên từ tập thể ấy. Điều cần nói ở đây là, sự thành công ấy không bị ép buộc vào trong kỳ vọng đóng góp về của cải cho dòng họ. Nói cách khác, chủ nghĩa cá nhân kiểu phương Tây đang được tiếp nhận bằng hình thức tập thể có sẵn trong truyền thống.
Đáng hy vọng hay đáng ngờ? Phong trào dòng họ này chắc chắn chưa rũ sạch các thói nghĩ tiêu cực, tủn mủn cũ kĩ được tích lũy trong làng quê. Tôi đã gặp những người đang sinh sống ở Hà Nội, tích cực tham gia vào mối liên hệ mạnh mẽ đó của huyết tộc. Họ có thể chỉ có một đời sống bình thường trung lưu ở đô thị, hoặc đang sống một đời sống thượng lưu với vật chất đầy đủ… Tôi chỉ được chứng kiến cái ý thức dòng họ, đặc biệt các nhánh chính, mạnh của dòng họ đang nỗ lực biểu dương cái tinh thần dòng tộc của mình bằng đủ loại thành công – trong giới hạn đó, tôi mới chỉ nhận thấy rất rõ ràng mặt tích cực của nó. Đáng tiếc, bản thân tôi không tham gia vào nó cũng không có dịp thâm nhập để khảo sát sự vận hành của phong trào dòng họ này. Trong giới hạn của những trải nghiệm cá nhân, tôi chỉ dám xem xét nó như một hi vọng. Chúng ta tuyệt đối không ngộ nhận rằng đó là một biểu tượng đẹp đẽ của truyền thống và đáng khuyến khích. Dòng họ không được cấu thành từ gia đình mạnh với căn bản giáo dục tốt sẽ chỉ tạo ra những mối liên hệ nứt gãy, ganh đua, tiêu phí nguồn lực xã hội. Thiết chế gia đình vẫn là thiết chế đầu tiên, căn bản nhất nuôi dưỡng con người cũng như bồi dưỡng nhân cách của cá nhân trước khi nó bước ra xã hội với một ý thức ích kỉ về bản thân mình. Các lực xã hội đang đập vỡ nông thôn cũng đang xé nát gia đình mà không mang đến một nền tảng đức lý tích cực nào làm chỗ dựa cho cá nhân, và đó mới là mối lo chính của tương lai nền văn minh chúng ta. Dòng họ chỉ có thể phục dựng được phần nào đó cái ý thức truyền thống – nghĩa vụ đạo đức bằng sự thành đạt và phẩm hạnh cá nhân, nhưng nó cũng không phải không tăng cường một ham vọng thành công mọi giá của các cá nhân dính líu tới nó. Ở khía cạnh đó, dòng họ xét như sợi dây nối kết giữa nông thôn – đô thị, cá nhân – gia đình cũng đồng thời có thể trở thành công cụ cho sự lan truyền những giá trị văn hóa tiêu cực của xã hội.
3. Hy vọng cuối cùng vào những phong trào xã hội yếu ớt dường như chỉ góp phần khẳng định hơn cho tình trạng đáng lo âu của nền văn minh mà chúng ta đang sống trong đó. Buộc phải chấp nhận nó, nhưng không bao giờ là muộn để mỗi người tự thắp lấy cho mình một ngọn nến khi mặt trời chưa trở lại trên bầu trời nhân cách. Những người cho rằng sự phấn đấu cá nhân để tự mang lấy cho mình một sức phản kháng xã hội là vô vọng cũng đang biến thành một nô lệ tình nguyện cho toàn thể sự tha hóa của xã hội – chính họ cũng là sản phẩm của sự tha hóa ấy.
Trong thế kỷ này, tương lai chung của chúng ta không còn được đảm bảo bởi Tản Viên hay Thánh Gióng, những anh hùng chống ngoại xâm: Xã hội cần một năng lượng để lớn mạnh, cần sự phát triển nội tại trong lòng nó, cần bầu không khí của nền văn minh sạch sẽ hơn. Muốn thế, phải xuất hiện một nhóm xã hội đông đảo những người có thể phát huy các giá trị tích cực của truyền thống, đem nó tích hợp vào các xu thế lớn của thời đại.