Những góc nhìn Văn hoá

Trí thức với vấn đề tư duy

Đặt vấn đề:

  1. Loài người sở dĩ thành chúa tể của muôn loài là nhờ được Thượng đế ban riêng cho bộ đại não để tư duy. Kết quả của mọi hành vi của loài người, từ lớn đến nhỏ, từ cao siêu đến bình dị, từ phức tạp đến giản đơn, xét đến cùng đều do trình độ năng lực tư duy quyết định.

  • Trên đất nước ta, từ khi có đường lối đổi mới, giường như đã có trào lưu đổi mới tư duy. Từ các nhà lãnh đạo đất nước, các bộ ngành, các cơ quan, đều nói đổi mới tư duy. Một số bậc thức giả cùng bàn đến thế nào là đổi mới tư duy. Đó là điều đáng mứng cho đất nước. Bởi chính sự đổi mới tư duy, nâng cao phẩm chất, tư duy, hơn gì hết, mới là động lực phát triển đất nước.
  • Tuy nhiên, hiểu thế nào là đổi mới tư duy sao cho thật đúng, thật tường minh, hẳn là chuyện hoàn toàn không đơn giản mà không tường minh về sự đổi mới tư duy thì chắc chắn ý nghĩa thực tiễn, tác dụng thực tiễn sẽ bị hạn chế, nếu không muốn nói là vô tác dụng.
  • Để tường minh thế nào là đổi mới tư duy trên phạm vi đất nước hôm nay, không thể không thông qua công việc nghiên cứu, hội thảo khoa học. Và ở đây, vai trò của trí thức phải được đặt lên hàng đầu. Hàng đầu trong việc khai mở nâng cao phẩm chất tư duy cho xã hội. Hàng đầu trong việc tự nâng cao phẩm chất tư duy của chính mính là tri thức. Trong việc nâng cao phẩm chất tư duy của xã hội, trước hết lại phải đặt ra với ngành giáo dục và đào tạo.
  •  
    I. NHẬN DIỆN TƯ DUY
    1. Tư duy là đối tượng nghiên cứu của cả hai ngành khoa học lớn: tự nhiên (sciences natureles) và xã hội (sciences sociales). Với khoa học tự nhiên mà cụ thể là sinh học đã nghiên cứu đại não thần kinh vốn là rất vi diệu. Thành tựu nghiên cứu này ngày một lớn nhưng vẫn chưa phải đã hết vấn đề: Nhờ những thành tựu đó mà y học hiện đại, kết hợp với vật lý học hiện đại, đưa lại những bước tiến phi thường trong việc chữa bệnh cho loài người. Với khoa học xã hội, tư duy là đối tượng nghiên cứu trước hết của tâm lý học, kế đến là triết học, ngôn ngữ học, rồi nữa là giáo dục học, nghệ thuật học, xã hội học, kinh tế học, quân sự học… Các tôn giáo, ví như Phật giáo, cũng đã có những kiến giải rất phong phú về tư duy Phật giáo. Trên thế giới, kể cả ở Việt Nam ta, đã có khoa học về tư duy. Theo chỗ tôi biết, ở Việt Nam ta, công trình nghiên cứu tư duy đáng được quan tâm, trước hết là công trình “Tìm nguồn gốc ngôn ngữ và tư duy” (Recherches sur l’origine du langague et de la conscience) của triết gia Trần Đức Thảo, viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Pháp, được dịch ở một số nước, và cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Công trình này chính là dựa vào thành tựu của sinh vật học mà tổng kết trên phương diện triết học sự phát triển của ý thức và ngôn ngữ. Trước đó, giáo trình “Biện chứng pháp thần kinh” (1956-1957) cũng đã nghiên cứu từ trạng thái vô sinh đến hữu sinh và phát triển qua các loài từ giun đến bò sát, đến cá, đến chim, đến động vật có vú, đến vượn người, đến người có đại não. Với loài người, sự xuất hiện của ngôn ngữ sẽ khẳng định sự tồn tại của tư duy. Phan Đình Diệu trong một tiểu luận về lịch sử phát triển tư duy cũng cho người đọc thấy sự phát triển là từ tư duy huyền thoại đến suy luận lôgic, đến trí tuệ khoa học (xen vào là tư duy lôgic hình thức), đến tư duy hệ thống… từ trực giác thị giác đến trực giác trí tuệ.
    2. Tổng hợp kết quả nghiên cứu, phát hiện, định danh về thế giới tư duy của nhiền ngành, nhiều phương tiện, rất mực phong phú, chứng tỏ sự phong phú, huyền diệu, kể cả sự bí ẩn của tư duy loài người thì có: cảm giác, tri giác, lý tính, trực giác, ý thức, vô thức, tiềm thức, tiền ý thức, cảm xúc, cảm tưởng, cảm tình, cảm thức, tâm thức, tâm tưởng, tâm linh, tâm thế, tâm trạng, tâm khảm, tâm giao, tâm địa, tâm lý, tâm thần, tâm tính, tâm hồn, hoàn hồn, thần kinh, thần sắc, thần thái, thần tình, thần diệu, thần giao, thần giao cách cảm, tinh thần, tư tưởng, ý tưởng, tưởng tượng, liên tưởng, ảo tưởng, mộng tưởng, tương tư, suy tưởng, viễn tưởng, hồi tưởng, hồi ức, hồi vọng, trí tuệ, trí năng, tuệ năng, ngộ, đốn ngộ, giác ngộ, diệu ngộ, nhập diệu, thiền định, nhập thiền, mặc cảm, mặc định, tư duy huyền thoại, tư duy lôgic, tư duy khái niệm, tư duy trừu tượng, tư duy cụ thể, v.v… tư duy văn học, tư duy toán học, tư duy triết học.v.v..
    Đúng tư duy là một sản phẩm kỳ diệu tuyệt vời được Thượng đế ban cho loài người và phát triển cùng sự phát triển sự sống của loài người để ngày một xứng đáng là chúa tể của muôn loài.
    3. Tính chất cá thể và sự phái sinh của tư duy:
    Nhân loại có 6 tỷ người là có 6 tỷ tư duy cá thể. Hai anh em sinh đôi thì mỗi người vẫn là một tư duy. Nhưng tư duy lại đã phái sinh một cách thiên hình vạn trạng theo sự sống thiên hình vạn trạng của loài người. Từ đó mà có tư duy dân tộc, sắc tộc, tư duy giới tính, tư duy lứa tuổi, tư duy theo trình độ học vấn, theo trình độ thể chất, theo cái ngành nghề, theo cái hình thái thiết chế xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội, luật pháp, quân sự.v.v..
    Theo sự phân ngành phân nhánh trong khoa học tự nhiên và xã hội, vừa ở cấp độ khái quát vĩ mô vừa ở cấp độ vi mô cụ thể. Chỉ nói riêng ở bộ môn văn trong ngành nghệ thuật, đã có tư duy sáng tạo, tư duy lý luận, tư duy phê bình, tư duy nghiên cứu. Riêng trong sáng tác, cũng đã có bao nhiêu là kiểu tư duy liên quan đến từng thể loại. Tư duy văn khác tư duy thơ. Trong văn, tư duy tiểu thuyết khác tư duy truyện ngắn, khác tư duy phóng sự, ký sự, tuỳ bút… Trong thơ cũng vậy, mỗi thể thơ có một kiểu tư duy riêng. Tư duy Đường luật khác tư duy thơ tự do, khác tư duy thơ lục bát. Tư duy trường ca khác tư duy thơ thông thường… Tư duy văn học thời trọng đại khác thời hiện đại. Tư duy được phái sinh không phải là bất biến mà có vận động. Không phải tự biệt lập mà còn có sự đan xen, liên kết.
    Rõ ràng ta lại thấy thế giới của tư duy là vô cùng phong phú đa dạng, đa diện, vô cùng huyền diệu, kể cả ví ẩn.
    4. Nói qua về sự khác nhau giữa kiểu tư duy phương Đông (trong đó có Việt Nam) với kiểu tư duy phương Tây.
    Nói đến vấn đề này, vô hình trung, ít nhiều đã đặt mình vào cái thế chơi vơi bởi lẽ đã gặp phải tính xác định không đơn giản về hai khái niệm Đông Tây mà trong nhận thức lịch sử từng có sự biến đổi này nọ. Tuy vậy, trong giới hạn đó, thực tế đã có người từng nêu lên vấn đề mà không phải là không có điều khả thủ. Với tôi đã thu nhận được hai điều như sau:
    a) Sự khác nhau về kiểu tư duy:
    Nếu tôi không lầm thì người Việt Nam đầu tiên nói đến sự khác biệt giữa tư duy phương Đông và phương Tây là chủ bút Nam Phong – Phạm Quỳnh khi đã viết: “…. đúng là sự khác biệt cơ bản chia cách phương Đông và phương Tây, châu Á và châu Âu. Một phía là niềm say mê cái tuyệt đối và cái toàn thể, phái kia, chủ ý vào cái ngẫu nhiên và cái riêng biệt”.
    Người tiếp sau là học giả Cao Xuân Huy trong sách “Tư tưởng phương Đông – gợi những điềm nhìn tham chiếu” NXB Văn học 1994. ở Thiên II “Phương thức chủ toàn” và phương thức “chủ biệt” của tư tưởng và từ đó mà có hai ngả rẽ Đông Tây khác nhau. Từ quan điểm của hai học giả này, đặc biệt là từ hai khái niệm “chủ toàn” “chủ biệt”, người ta đã nói tiếp về hai kiểu tư duy: cầu tính” (esprit sphèrique, globale) của phương Đông, tuyến tính (esprit linéaire) của phương Tây. Đặc điểm của tư duy cầu tính là tính hỗn hợp trong tư duy. Do đó kém tinh thần duy lý và khả năng phân tách (analytique). Ngược lại, với kiểu tư duy tuyến tính thì lại rất giàu khả năng phân tách, do đó mà thuận lợi cho việc phát triển khoa học thực nghiệm, khoa học kỹ thuật để tạo ra một nền văn minh vật chất khổng lồ. Học giả Phạm Quỳnh cũng đã viết tiếp: “chỉ cần rút ra từ đó tất cả các hệ quả để khắc hoạ nên những nét của cái nền văn mình phương Tây và phương Đông. Đắm mình trong chiêm ngưỡng cái lý tưởng chăm chăm vào cuộc tìm kiếm và đuổi theo cái tuyệt đối phương Đông đã đông cứng lại trong sự phát triển của mình, dửng dưng với tất cả những tiến bộ của thế giới bên ngoài, không đủ sức chống lại các bộ lạc du mục man dã xâm chiếm đất nước mình… và mỗi lần như vậy lại rơi vào cảnh phụ thuộc nhục nhã, một nỗi kinh hoàng tinh thần” mà cái dân tộc của họ không bao giờ cuộc sống có thể hoàn toàn bình phục được”. Các nhà duy tân đầu thế kỷ XX cũng đã đưa ra hai khái niệm: văn minh tĩnh và văn minh động để nói về sự khác nhau giữa văn minh phươg Đônog và văn minh phương Tây xuất phát từ sự khác nhau về hai kiểu tư duy như trên đã nói.
    b. Từ sự khác nhau về tư duy giữa phương Đông và phương Tây cũng đã dẫn đến thực tế: một bên coi trọng chủ nghĩa duy linh, một bên coi trọng chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa duy linh thiên về hướng nội, chủ nghĩa duy lý thiên về hướng ngoại. Hướng nội nên có đời sống tâm linh phong phú nổi trội. Hướng ngoại nên phát triển khoa học kỹ thuật từ đó tạo ra một nền văn minh vật chất bậc cụ so với phương Đông. Với phương Đông, chữ Tâm có nội dung bao la đầy đặn, khác chữ Tâm của phương Tây. Năm 1937, giáo sư Đặng Thai Mai viết thư hỏi vị nhạc phục là cụ cử nhân Hán học Hồ Phi Thống về tình hình triết học thế giới. Trong bức thư trả lời con rể, vị nhạc phụ vốn say mê triết học này đã nói về cuộc đấu tranh sôi động ở phương Tây giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Nhưng lưu ý ông con rể cần phân biệt chữ Tâm của phương Đông và của phương Tây. Một sự lưu ý quá đỗi đích đáng. Với chữ tâm phương Đông, Nguyễn Du chẳng đã viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Xem Từ Hải của Trung Quốc sẽ thấy khối lượng từ tố đứng đầu là chữ tâm rất lớn. Điều đó cũng chứng tỏ ở phương Đông (cụ thể ở Trung Hoa) với văn hoá Hán, chữ Tâm có một vị trí lớn lao biết chừng nào.
    Tư duy phương Đông đã tạo ra cho phương Đông một đời sống vật chất rõ ràng là kém phương Tây. Tuy nhiên, việc đánh giá hơn thua ở đây lại không đơn giản. Bởi đã đến lúc cần nhìn thêm vào mặt trái của cái huân chương phương Tây. Phát triển, giàu có phi thường nhưng cũng phá hoại môi sinh một cách phi thường. Chẳng phải đã có người của phương Tây kêu gọi phương Tây hãy tìm về phương Đông, dĩ nhiên là phương Đông cổ trung đại vốn coi trọng đời sống tinh thần, có đời sống tâm linh siêu hình nhưng lại có ý nghĩa thực tiễn không nhỏ chút nào. Muốn hiểu đúng phương Đông cổ trung đại thì phải hiểu đúng đời sống tâm linh trong đó có thuyết “thiên mệnh”, thuyết tai dị” và những hình thức thiết chế hoá đời sống tâm linh như đã có.
    Những gì được nói trên đây chủ yếu là nói về phương Đông và phương Tây cổ trung đại. Chứ trên tiến trình giao lưu Đông Tây ngày một mở rộng thì sự khác biệt đó đã nhường chỗ dần cho sự thống nhất trong đó, dĩ nhiên, ảnh hưởng của phương Tây đối với phương Đông là chính.
    II. THỬ BÀN VỀ YÊU CẦU ĐỔI MỚI TƯ DUY ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC HÔM NAY VÀ MAI SAU
    Đúng là đang có trào lưu đổi mới tư duy mà tôi không thể theo dõi hết những gì đã có. Tuy nhiên, sơ bộ cũng thấy sự đổi mới tư duy đang được diễn ra chủ yếu ở hai bình diện sau:
    a) Trước hết và phổ biến là ở cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến các bộ, các ngành, các cơ quan cụ thể. Ví như với bộ Giáo dục và đào tạo của tôi thì đó là “đổi mới tư duy quản lý”. Ví như với ga Hàng Cỏ mà tôi biết được qua đài báo là “đổi mới tư duy bán vé”.v.v..
    b) Bàn đến sự đổi mới tư duy ở cấp độ vĩ mô, thuộc phạm vi toàn bộ sự sống của đất nước mà có vị đã chủ trương: hãy từ bỏ chủ nghĩa duy tình duy cảm để chuyển sang chủ nghĩa duy lí.
    Chúng ta nghĩ gì trước hiện tình đổi mới tư duy ở hai trạng thái đó? Đúng là không thể phủ nhận ý nghĩa và tác dụng của việc đổi mới tư duy đã có đó. Nhưng cũng xin phép được nói thực lòng: quan niệm đổi rmới tư duy như trên chưa thật sự trúng vấn đề, chưa đủ sự chắc chắn của vấn đề. Bởi với trạng thái thứ nhất thì nói là đổi mới tư duy cũng được vì làm việc gì mà chẳng liên quan đến tư duy. Hôm qua, quản lý bằng các việc làm, cách làm này thì có tư duy của việc làm, cách làm này. Hôm nay, quản lý bằng các việc làm khác, cách làm khác thì cũng có tư duy của việc làm khác, cách làm khác. Không ai có thể bác được điều đó. Nhưng ở đây, trong thực tế, lại có hiện tượng vẫn là tư duy cũ, dù hôm qua làm thế này, hôm nay làm thế khác. Rõ là thay đổi cách làm, chưa hẳn đã thay đổi tư duy. Đổi mới tư duy với yêu cầu đích thực, còn có vấn đề khác cơ bản hơn, nền tảng hơn.
    Còn chủ trương rằng đổi mưói tư duy là từ bỏ chủ nghĩa duy tình duy cảm để chuyển sang chủ nghĩa duy lí thì quả có chút “hạt nhân hợp lý” bởi lẽ đất nước đang cần phát triển chủ nghĩa duy lý. Nhưng xét ở cấp độ vĩ mô, trước hiện tượng thiên hình vạn trung rất mực biến huyễn, huyền diệu, thậm chí còn là bí ẩn như đã nói thì cách đặt vấn đề như thế là phiến diện, bất ổn. Điều cần từ bỏ là chủ nghĩa duy tình duy cảm cực đoan phiến diện, một chiều chứ không phải là chủ nghĩa duy cảm duy tình. Thứ này mà bỏ đi thì con người sẽ là thế nào? Riêng với văn chương, đặc biệt là với thơ ca vốn là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, thì còn đâu mảnh đất để tồn tại nếu đã khai tử chủ nghĩa duy tình, duy cảm.
    Vậy thì đổi mới tư duy là thế nào? Theo ý chúng tôi, nội dung đổi mới tư duy vẫn phải được đặt ra ở hai bình diện như đã có. Bình diện thuộc phạm vi cụ thể của cái hình thái hoạt động cụ thể vốn là thiên hình vạn trạng trong sự sống của đất nước. Bình diện thuộc phạm vi vĩ mô, bao trùm lên toàn bộ sự sống của đất nước. Mỗi bình diện có nội dung riêng cần đổi mới, nhưng vẫn có quan hệ hỗ trương. Ở bình diện cụ thể, sẽ là chuyện người người đổi mới, ngành ngành đổi mới, việc việc đổi mới… Mà muốn đổi mới thực sự để có kết quả thì phải hiểu đúng thế nào là đổi mới chứ không phải là chuyện “sáng bốn chiều ba” “sáng ba chiều bốn” (triêu tam mộ tứ) của Thư Công nuôi khỉ thuở xưa. Cuốn sách “Bản đồ tư duy trong công việc” (Mind maps at work) của Tony Buzan, công cụ tư duy, đang được hơn 250 triệu người trên thế giới sử dụng và được Nhóm tự duy mới (New Thinking Group) dịch. Nhà xuất bản Lao động – Xã hội Việt Nam - năm 2007, hẳn sẽ hỗ trợ đắc lực cho chúng ta ở bình diện cụ thể này. Mặc dù chủ yếu là trên phương diện kỹ thuật, thao tác. Qua “Lời giới thiệu” sách (cho bản tiếng Việt), được biết các bạn sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã ứng dụng thành công “Bản đồ tư duy” mà đạt kết quả học tập rất cao. Phải chăng, có thể và mở rộng phong trào ứng dụng “Bản đồ tư duy” này, nếu đúng đã có kết quả thực.
    Trở lên là nói về sự đổi mới tư duy ở bình diện việc làm cụ thể trong cuộc sống. Đến đây, xin nói về sự đổi mới tư duy ở cấp độ vĩ mô bao trùm toàn bộ sự sống của đất nước, cho hôm nay và mai sau.
    Nội dung tư duy cần đổi mới ở cấp độ bao trùm này lại phải dựa theo quy luật phát triển tư duy để phát triển cuộc sống của lịch sử nhân loại nói chung. Trong thực tế, những nội dung tư duy cần được đổi mới này cũng chính là những điều mà đất nước chưa có, hoặc có nhưng chưa tới độ cần thiết cho sự phát triển đất nước hôm nay và mai sau. Và từ chỗ chưa có, hoặc có nhưng còn thấp đến chỗ có cho ra có hoàn toàn không đơn giản. Vấn đề là phải nhận chân được điều cần có để tìm mọi cách phát động dân tộc, trước hết là ở tầng lớp lãnh đạo quốc gia, đặc biệt tầng lớp trí thức phải đi đầu trong công cuộc khai mở, xây dựng cho đất nước có được những phẩm chất tư duy cần có đó.
    Với quan niệm như trên, tôi xin đề xuất mấy vấn đề sau đây:
    1. Phát triển tư duy trừu tượng khoa học
    Trong tư duy của loài người, có hai kiểu, hai phương thức tư duy tiêu biểu: tư duy trừu tượng và tư duy cụ thể. Năng lực tư duy trừu tượng khoa học là năng lực nhận thức sự vật không chỉ ở cấp độ hiện tượng mà quan trọng hơn với nó là nhận thức về mối quan hệ vốn dĩ là trừu tượng và cũng rất phức tạp, chằng chịt của các hiện tượng. Trong khi năng lực tư duy cụ thể thì kết quả nhận thức sự vật chủ yếu ngừng ở hiện tượng cụ thể nếu có nhận thức được quan hệ giữa các hiện tượng thì cũng chỉ ở mức đơn giản, thô sơ. Trong năng lực tư duy trừu tượng lại có hai trạng thái: Một thứ trừu tượng từng được mệnh danh là trừu tượng khoa học bởi lẽ nó xuất phát từ hiện thực khách quan của sự sống. Một thứ trừu tượng được mệnh danh là tư biện (spéculatif) là thứ trừu tượng đơn thuần không dựa trên thực tế khách quan. Dĩ nhiên, điều cần phát triển là tư duy trừu tượng khoa học. Ngược lại, với trừu tượng tư biện thì cần loại bỏ.
    Có thể nói được rằng: Người Việt Nam ta giàu về tư duy cụ thể mà nghèo về tư duy trừu tượng. Cứ nhìn vào kho từ vựng tiếng Việt thì thấy rõ điều đó. Từ cụ thể thì phong phú vô cùng. Còn từ trừu tượng thì nghèo và chủ yếu là ngoại nhập. Với ta, cùng một động tác di chuyển một vật thể đến một chỗ khác thì có không biết bao nhiêu là từ: mang, xách, ẵm, gồng, gánh, bê, bưng… trong khi với ngôn ngữ Pháp chẳng hạn một từ “porter” là đủ.
    Ở ta, không có truyền thống tư duy trừu tượng là do kinh tế Việt Nam xưa là kinh tế nông nghiệp. Tuy dã có kinh tế hàng hoá nhưng không phát triển như ở các nước đã phát triển tư bản chủ nghĩa. Chính kinh tế hàng hoá là cơ sở phát triển tư duy trừu tượng. “Hàng hoá” là biểu tượng có khả năng trừu tượng hoá mọi vật thể, kể cả lương tâm. Điều đáng nói là ở ta do không có truyền thống tư duy trừu tượng nên về cơ bản cũng không có truyền thống khoa học, và cũng có thể nói là không có triết học. Vì không có truyền thống tư duy trừu tượng, nên hễ có ai nói giọng trừu tượng thì thường bị coi là tư biện cả. Ngày nay, trên đã phát triển, đặc biệt là trong tình hình giao lưu quốc tế được tăng lên gấp bội, thì khả năng tư duy trừu tượng của người Việt ta có được nâng cao, tăng trưởng nhưng so với yêu cầu vẫn bất cập, so với thế giới đó đây vẫn thua kém. Với người Việt Nam giỏi toán thì trong lao động toán học đã tỏ ra có năng lực tư duy trừu tượng rất cao. Nhưng rời toán học, về lại đời thường, vẫn là thuộc tình trạng chung của đất nước.
    Sự yếu kém về tư duy trừu tượng khoa học đã kéo theo một loạt sự yếu kém đối với các hình thái thao tác tư duy khác như: tư duy hệ thống, tư duy tích hợp, tư duy so sánh, tư duy lựa chọn, tư duy quy luật, tư duy sáng tạo nói chung. Cứ nhìn vào tình trạng chung quanh vấn đề an toàn thực phẩm mà việc qui trách nhiệm không biết thuộc về bộ nào: Nông nghiệp? Y tế? Thương mại…? Cứ nhìn vào chuyện phát triển xây dựng nhà cửa, đường sá lộn xộn ở Hà Nội để gây ra tình trạng ngập lụt, ách tắc giao thông. Cứ nhìn vào tình trạng ngành giáo dục trong công cuộc cải cách giáo dục, chăm lo cải tiến sách giáo khoa mà thiếu sự quan tâm xây dựng phòng thực hành để rồi sách mới ra nhưng không có điều kiện thí nghiệm. Cứ nhìn vào việc tha hồ cho xây dựng xưởng máy này nọ mà quên mất khâu bảo vệ môi trường để rồi xảy ra các sự cố như công ty Vêđan xả nước bẩn làm hại môi trường sống của nhân dân trên sông Đông Nai. Đúng là cứ nhìn… cứ nhìn… đâu cũng thấy có chuyện khập khễnh, gây bất lợi cho cuộc sống đất nước nhãn tiền đủ biết là sự thiếu tư duy hệ thống, tư duy tích hợp… đã gây tác hại biết chừng nào. Ngay trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học. cứ chăm chăm vào việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cảm thụ mà quên chăm lo năng lực tư duy trừu tượng thì có chuyện gặp đâu nói đấy, có chuyện thầy bói sờ voi cũng không phải là hiếm.
    2. Phát triển tư duy triết học
    Tạm hiểu tư duy triết học là tư duy có khả năng nhận thức, phát hiện những quy luật của cuộc sống và cũng là năng lực nhận thức sự sống con người ở độ sâu sắc nhất, tinh diện nhất, kể cả sự bí ẩn. Quả là Việt Nam ta, chưa có truyền thống tư duy trừu tượng khoa học do đó cũng chưa có truyền thống tư duy triết học. Thông thường, trước những vấn đề của cuộc sống vốn dĩ là thiên hình vạn trạng, là vô cùng phức tạp, khả năng nhận thức của chúng ta vẫn chủ yếu ngừng ở trình độ nhận thức xã hội học thường là chỉ ở phạm vi bề ngoài của sự sống. Cũng do thiếu năng lực tư duy triết học nên đã có sự ngự trị của tư duy chính trị một cách không bình thường và không lợi cho sự phát triển đất nước. Hẳn là ở ta, hiện đã có viện triết học, có một số giáo sư, phó giáo sư triết học. Nhưng liệu như thế đã có thể nói là có triết học được chưa. Xin mượn lời của giáo sư Trần Văn Giàu vốn được dư luận coi là vị giáo sư triết học sáng giá nhất dưới chính thể cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nói trong bài viết về giáo sư Trần Đức Thảo rằng: trên đất nước ta, nếu có một người xứng đáng là triết gia thì không ai khác là Trần Đức Thảo. Giàu này chỉ là một giáo sự dạy triết học. Quả là một sự tỉnh táo, trung thực. Bởi lẽ triết gia thì phải tạo ra triết thuyết riêng. Chứ đâu như giáo sư triết học chỉ là người đọc sách triết của người khác rồi truyền đạt lại cho học trò.
    Đất nước chẳng phải ngày nay không có triết gia mà trong quá khứ cũng đâu đã có. Hạn chế của văn hoá Việt Nam là thế. Vì thiếu một năng lực tư duy triết học, nên ngay ở việc tiếp nhận triết học của thế giới vào nước mình cũng thiếu bản lĩnh. Đáng nói nhất là vì không có tư duy triết học, nến có bao nhiêu quy luật của cuộc sống đang diễn ra một cách rõ mồn một, mà không thấy giới khoa học xã hội Việt Nam, các vị tự nhận là nhà nghiên cứu triết học nói đến. Ví như các quy luật: về sự đối trọng, về cạnh tranh sinh tồn, về sự trỗi dậy của cái tôi cá thể, vệ sự trỗi dạy của đời sống tâm linh, về quy luật “Sự văn minh tiến hoá bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hoá bấy nhiêu”, quy luật về sự khập khễnh, không tương đồng giữa giàu có và đạo lý…
    Nói riêng trong lãnh vực nghiên cứu văn học của chúng tôi, mà chủ yếu là thuộc khả năng nhận thức về thế giới con người, sự sống con người vốn dĩ rất phức tạp, rất kỳ diệu, kể cả sự bí ẩn, bí hiểm thì cũng dễ thấy sự hạn chế không nhỏ do thiếu tư duy triết học. Một ví dụ “Chuyện người con gái Nam Xương” trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ mà từ trước tới nay, sách giáo khoa vẫn theo lối nhìn xã hội học giản đơn để cho rằng cuộc đời Vũ Nương tan nát đến phải tự vẫn là do chế độ nam nữ bất bình đẳng và chiến tranh. Trong khi, nếu nhìn theo triết học thì chẳng phải thế. Bởi lẽ, nam nữ có bình đẳng đến đâu, Trương sinh không đi trận mà đi xa với bất cứ trạng thái nào, về nhà, con không nhận cha, lại bảo cha là người khác thì chuyện Trương Sinh đánh ghen vẫn xảy ra và chuyện Vũ Nương uất quá đến tự vẫn, là chuyện dễ có, dể hiểu. Với cách nhìn triết học, sẽ thấy ở chuyện “Người con gái Nam Xương” chính là chuyền về cái mong manh vô cùng mong manh của hạnh phúc đàn bà, trước sự trớ trêu, sự bất trắc không ai có thể lường trước được mà cuộc đời phải tan nát. Con hỏi mẹ bố đâu? Mẹ chỉ vào bóng mình trên vách bảo là cha đó. Đó không phải là sự đồng nhất tuyệt đối trong tình vợ chồng sao? Nhưng trời ôi, sự tan vỡ đời Vũ Nương oái ăm thay bắt đầu lại chính từ gắn bó đồng nhất đó với chồng. Giả sử, khi con hỏi bố đâu? Vũ Nương nói cha đi trận. Thì đâu đến phải tan nát cuộc đời. Rồi nữa, tham gia vào phá nát cuộc đời Vũ Nương, không ai khác lại chính bé Đản do nàng đứt ruột đẻ ra, mà nó thì trong trắng, ngây thơ nhưng trong trường hợp này lại trở thành tác nhân trực tiếp phá nát đời mẹ nó. Trớ trêu, oái ăm trong sự sống con người mà liên quan đến hạnh phúc Vũ Nương là ma quái thế đó. Rồi nữa, còn là cái máu ghen mà tạo hoá cũng đã trớ trêu một lúc ban cho các cặp vợ chồng, các cặp trai gái tình yêu nồng thắm ngây ngất mãnh liệt thế kia nhưng cũng ban nốt cho họ cái máu ghen để rồi như một quả mìn đặt sẵn dưới giường hạnh phúc gái trai và nổ lúc nào không biết.
    Đúng là đất nước trên đường đi lên phải làm sao có được năng lực nhận thức sự sống bằng triết học để từ đó có cách xử sự trong cuộc sống vững chắc hơn. Lấy thêm một ví dụ cho điều đang muốn nói ở đây. Đó là nếu có được nhận thức triết học về quy luật đối trọng mà học thuyết âm dương trong Kinh Dịch đã gợi mở để áp dụng vào việc xây dựng cuộc sống, điều hành đất nước, chắc chắn sẽ hay hơn nhiều so với những gì đang là hiện thực trước mắt. Vào những ngày đầu đổi mới, trên báo chí đã thấy xuất hiện ý tưởng đó mà tiếc rằng người đưa ra cũng chưa hiểu chắc vấn đề, rồi người phản đối lại cũng không hiểu vấn đề. Dĩ nhiên đây là chuyện không giản đơn chút nào. Mong có dịp khác sẽ nói rõ hơn.
    3. Vấn đề tư duy cá thể
    Chính đây là vấn đề cơ bản nhất, trọng tâm nhất mà công cuộc đổi mới tư duy của đất nước phải đặt ra để giải quyết và quyết tâm thực hiện theo yêu cầu phát triển vững chắc, bề thế, đích thực của đất nước, không chỉ là trước mắt mà còn lâu dài. Để có được điều này, trước hết phải có sự nhận thức trường minh và vấn đề con người – cá thể trong sự sống của loài người là gì? Một vấn đề của triết học mà tiếc rằng giới nghiên cứu triết nói riêng, giới khoa học xã hội nhân văn nói chung ở nước ta còn bỏ quên hoặc lảng tránh. Chúng ta đều biết sở dĩ có loài người là do có những con người – cá thể (l’individu). Con người – cá thể là tế bào tạo nên cơ thể là các hình thái cộng đồng xã hội. Nó vừa là thực thể xã hội có quy luật sinh học tự thân, vừa là thực thể xã hội với hai thuộc tính: cá thể và cộng đồng. Trong thực tiễn cuộc sống, nó là một nhưng thành hai. Một thuộc bản chất nhân văn chân chính có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nên cầu nguyện cho nó sớm trỗi dậy càng mãnh liệt bao nhiêu càng tốt, càng có lợi cho đất nước, cho nhân quần bấy nhiêu. Một nữa thì ngược lại, phản nhân văn, nhân bản, huỷ hoại lợi ích của cộng đồng, nên tiêu diệt được nó sớm phút nào là xã hội, nhân dân được nhờ phút ấy. Ở đây quả là có hai thuật ngữ: con người – cá thể (l’individu) và chủ nghĩa cá nhân (l’ individualisme). Tiếc rằng, ở ta, do thiếu tư duy triết học và cũng là thiếu óc duy lý, thiếu khả năng tư duy phân tách nên đã không tách bạch được hai phạm trù cá thể đó tuy xuất phát từ một nhưng đã thành hai ngả đối lập nhau như nước với lửa. Mà thực tế, tình hình nhận thức lại giường như chỉ ngừng ở ngả sau. Cho nên hễ nói đến con người – cá thể thì chỉ thấy đó là chủ nghĩa cá nhân mà thôi. Điều này, dĩ nhiên cũng liên quan đến một thực tế ở nước ta là nặng về tâm lý cộng đồng vốn là một nét đẹp, trong chủ nghĩa nhân văn Việt Nam nhưng ngay ở đó lại là có mặt trái của vấn đề là coi nhẹ, là không nhận thức đầy đủ và cần thiết về con người cá thể. Chính đây là điều có sự khác nhau giữa phương Đông và phương Tây, bởi phương Tây, nhờ có sự phát triển sớm nền kinh tế tiền tư bản và tư bản chủ nghĩa nên cũng đã sớm phát hiện được con người cá thể và biết tận dụng nó để phát triển cuộc sống, đưa xứ sở lên cõi văn minh phi thường. Còn phương Đông chậm phát hiện cái tôi, cá thể xét đến cùng cũng là do trong quá khứ sống chủ yếu với nền kinh tế nông nghiệp dù ít nhiều cũng có kinh tế hàng hoá. Và điều đó, dĩ nhiên đã gây bất lợi cho phương Đông không ít. Những gì nói về con người – cá thể như trên quả là còn sơ sài nhưng thiết tưởng cũng đã đủ để nói về vấn đề tư duy – cá thể. Không ai khác, chính Đề các (Descartes) triết gia của Pháp ở thế kỷ XVII là người đầu tiên phát hiện ra vấn đề này với mệnh đề “ Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại” (Je pense donc je suis). Đúng thế, con người hơn muôn loài là nhờ ở tư duy như đã nói. Có tư duy mà không tư duy thì khác gì muôn loài. Tư duy cá thể là để tự tìm lấy chân lý, chứ không phải là để nghĩ lung tung bừa bãi. Hiện tình ở nước ta, không ít người vì không tường minh vấn đề nên hễ nói đến tư duy – cá thể là sợ có tình trạng bừa bãi, nghĩ và nói lung tung vô chính phủ. Tình trạng bao cấp về tư tưởng khá nặng nề một thời mà đến nay dù đã có sự phê phán nhưng trong thực tế không dễ gì thanh toán được tệ hại đó, kể cả tệ nạn độc tài tư tưởng không phải không có. Chính đó là những cản trở lớn trước yêu cầu đổi mới tư duy để có tư duy cá thể. Trong nhà trường, cũng đã có khẩu hiệu: phát huy độc lập suy nghĩ của học sinh, dĩ nhiên cũng đã có tác dụng nhất định nhưng về cơ bản vẫn chưa ăn thua gì cả. Bởi nói chung, cả xã hội, chủ yếu vẫn sống theo tình trạng trên bảo sao, dưới nghe vậy điều mà tư duy chính trị với công tác tuyên huấn rất muốn như vậy. Ở ta, chủ yếu vẫn sống trong tình trạng rót chân lý vào đầu các cá thể mà chưa phải là để các cá thể tự tìm lấy chân lí. Trẻ con nằm trên nôi, thì được mẹ qua lời ru, rót cho “chân lý”: “Việt Nam đất nước ta ơi. Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”. Tiếp đến, cô giáo mẫu giáo rót tiếp, rồi nhà trường cấp I, cấp II, cấp III… cứ thế mà rót. Phải nói rằng những gì được rót đó không phải không là chân lý nhưng về mặt khoa học, sự rót vẫn là bất lợi về cơ bản. Có thể nói, nếu cứ sống mãi với tình trạng này thì chẳng bao giờ đất nước này có giải thưởng Nobel dù rằng người Việt Nam ta khả năng trí tuệ không hề thua kém, một số nước đã có giải thưởng Nobel. Giải quyết được vấn đề tư duy – cá thể một cách thực sự đúng hướng như đã nói thì cũng là điều kiện tất yếu để giải quyết tốt vấn đề dân chủ, dân quyền một điều mà chính đất nước đang muốn giải quyết. Để đảm bảo cho việc giải quyết vấn đề tư duy – cá thể đi đúng hướng, không sợ gây ra mặt trái của vấn đề thì phải áp dụng quy luật đối trọng. Cụ thể là cùng một lúc khuyến khích và tạo điều kiện cho tư duy. – cá thể được thực thi thì phải phát triển mạnh mẽ tư duy pháp luật, ý thức pháp luật. Để cuối cùng là trên cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật nhà nước mà tha hồ tự do tư duy, kế đó là tự do phát ngôn chân lý tự mình đã trải qua quá trình tư duy nghiêm túc và công phu để tìm được, mà không ai có thể cấm đoán, gây khó dễ.
    Như đã nói vấn đề tư duy – cá thể là vấn đề cơ bản nhất, trọng đại nhất của công cuộc đổi mới tư duy phải được đặt ra với toàn bộ đất nước, với mọi người dân. Nhưng thiết thực hơn thì trước hết là phải đặt ra với đội ngũ trí thức, nhất là trí thức khoa học xã hội và nhân văn. Bởi đặc trưng bản chất của trí thức là hơn người về trí tuệ, có năng lực tư duy hơn ai hết. Do đó, trí thức phải được giải phóng khỏi tình trạng thụ động về tư duy để có được độc lập về tư duy, đặng có thể làm đầu tầu cho công cuộc đổi mới tư duy. Ở đây, rất cần được thiết chế hoá, chế tài hoá một cách chân chính cần cho sự đổi mới tư duy để có tư duy – cá thể. Tiếp sau vấn đề với tri thức, là vấn đề đối với tuổi trẻ học đường mà hiện thời đã có mầm mống nhất định. Khẩu hiệu chống lại tình trạng nặng về thuyết giảng, thầy giảng, trò ghi, trò nhớ, trò nói lại như vẹt là điều đáng khuyến khích và phải có cách làm sao cơ bản hơn những gì đang có, cũng là chuyện vô cùng khó khăn. Các nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo ngành giáo dục phải nhận thức được rằng: Nếu muốn có một cuộc cải cách giáo dục thực sự đích thực thì không thể không đặt lên hàng đầu vấn đề tư duy – cá thể. Có thể nói không sợ sai rằng: chừng nào vấn đề tư duy – cá thể chưa được giải quyết thì chừng đó nền giáo dục nước nhà vẫn là nền giáo dục lạc hậu. Rộng ra, cũng có thể nói, chừng nào vấn đề tư duy – cá thể với đất nước, chưa được giải quyết thấu đáo và thành hiện thực thì chừng ấy khả năng phát triển đất nước vẫn ỳ ạch, chậm chạp so với khu vực, với thế giới văn minh.
    *
    * *
    Bạn đọc kính mến!
    Những gì được trình bày trên đây dù là đã được suy nghĩ từ nhiều năm tháng, và không kém phần tâm huyết, nhưng bản thân vẫn thấy chưa dễ gì dã được quí bạn chấp nhận. Và những gì được viết trên đây cũng chưa thể hiện hết những gì đã nghĩ mà chưa thể nói ra hết. Chỉ mong được qúi vị chỉ bảo thêm, trao đổi thêm, kể các đối thoại để mong rằng có sự hợp lựi trong việc nâng cao chất lượng vấn đề. Và điều quan trọng hơn nữa là làm sao có thể đưa vấn đề vào cuộc sống của đất nước mà trước hết là cuộc sống trí thức, cuộc sống học đường.
    HàNội,tháng7năm2010
    Đón chào 1000 năm Thăng Long
     

    tin tức liên quan

    Thống kê truy cập

    114529304

    Hôm nay

    247

    Hôm qua

    2304

    Tuần này

    21577

    Tháng này

    216000

    Tháng qua

    0

    Tất cả

    114529304