Nhìn ra thế giới

Vai trò của xã hội dân sự trong hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng ở CHLB Đức, gợi mở cho Việt Nam*

Tóm tắt: Trong việc xây dựng mô hình phát triển bền vững trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra là cần phải nghiên cứu những biến đổi xã hội trên phạm vi lớn ở khắp đất nước, đặc biệt ở từng vùng miền. Với phương châm: “lấy ngoài phục vụ trong”, đặc biệt cần đi sâu tìm hiểu những kinh nghiệm quốc tế nhằm gợi mở cho Việt Nam. Vì vậy, bài viết này chúng tôi sẽ cố gắng tập trung luận giải sự kiểm soát những biến đổi xã hội cấp vùng ở CHLB Đức (trường hợp điển hình nghiên cứu ở châu Âu) và vai trò của xã hội dân sự (XHDS) trong hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng ở CHLB Đức, từ đó sẽ rút ra những kinh nghiệm có tính gợi mở cho việc nghiên cứu ở Việt Nam.

1.     Những khái niệm cơ bản

2.1. Biến đổi xã hội?

Có nhiều định nghĩa về “biến đổi xã hội”. August cho rằng biến đổi xã hội là: “chắc chắn sẽ xảy ra, nó theo một con đường phát triển, những tiến bộ tất nhiên hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn”. Và ông cho rằng “thông qua biến đổi xã hội, nhân loại sẽ chuyển từ nguyên thủy dốt nát đến con người được giáo dục”. Hai nhà xã hội học Việt Nam làm Phạm Tất Dong và Lê Ngọc Hùng cũng đã đưa ra những định nghĩa về biến đổi xã hội như sau: “Biến đổi xã hội là một quá trình qua đó những khuôn mẫu của các hành vi, các quan hệ, các thiết chế xã hội và các hệ thống phân tầng được thay đổi qua thời gian”. Từ định nghĩa đó, hai ông đã đưa ra hai loại hình biến đổi xã hội như sau:

Thứ nhất là biến đổi vĩ mô, nó diễn ra trên một phạm vi rộng lớn, diễn ra trong một thời gian dài.

Thứ hai là biến đổi vi mô, liên quan đến những biến đổi nhỏ, diễn ra nhanh hơn. Và đặc trưng của biến đổi xã hội bao gồm:

(1)Được diễn ra trong những môi trường, các không gian xã hội khác nhau

(2)Có tốc độ và tính chất khác nhau

(3)Được diễn ra trên nhiều phương diện khác nhau

(4)   Nó vừa có tính tự giác, mang tính phi kế hoạch, có những biến đổi mà con người có thể lường trước được và không thể lường trước được.

(5)Nó vừa mang kết quả tốt, nhưng cũng mang lại những hậu quả xấu.

(6)   Có những biến đổi diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng cũng có những biến đổi xã hội diễn ra trong thời gian rất lâu dài.

Như thế, biến đổi xã hội là khái niệm “trung tính” để chỉ sự thay đổi đa dạng của xã hội: như từ bên trong và bên ngoài, vĩ mô và vi mô, bộ phận và tổng thể, tích cực hoặc tiêu cực, đi lên hoặc đi xuống…

Và các khía cạnh trong biến đổi xã hội bao gồm: (1) Biến đổi dân số, (2) Biến đổi môi trường, (3) Biến đổi về chính trị, (4) Biến đổi về kinh tế, (5) Biến đổi về tư tưởng, (6) Biến đổi về văn hóa và tôn giáo, (7) Biến đổi về công nghệ và kỹ thuật…

1.2. Hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội?

-   “Hệ thống” là một tập hợp các phần tử khác nhau, giữa chúng có mối liên hệ và tác động qua lại theo một quy luật nhất định tạo thành một chỉnh thể, có khả năng thực hiện được những chức năng cụ thể nhất định.

Ở đây, “phần tử” là những tế bào có tính độc lập tương đối tạo nên hệ thống. Mỗi phần tử có những tính chất riêng của nó.

-   “Hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội” là hệ thống kiểm tra, giám sát những khuôn mẫu của các hành vi xã hội, các quan hệ xã hội, các thiết chế xã hội và các hệ thống phân tầng xã hội được thay đổi theo thời gian. Cụ thể, hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội bao gồm hệ thống kiểm soát biến đổi dân số, biến đổi môi trường tự nhiên, biến đổi về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, công nghệ và kỹ thuật, tôn giáo v.v…

-   “Hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng ở một số nước châu Âu”, là hệ thống kiểm soát những biến đổi xã hội ở cấp vùng lãnh thổ ở một số nước châu Âu. Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra trường hợp nghiên cứu ở CHLB Đức làm đối chứng để nghiên cứu.

2. Những nội dung chính trong hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng ở CHLB Đức

CHLB Đức có diện tích 357.000 km2 với dân số khoảng 82.400.000 người (năm 2007), có 16 bang, trong đó có 3 thành phố thẩm quyền bang là Berlin, Humburg và Bremen.

Theo miền địa hình của Đức, nước Đức được chia thành 3 vùng địa hình là:

(1)Đồng bằng Đức: vùng đất dọc biển Baltic và Bắc Hải.

Đây là một phần của đồng bằng châu Âu nằm giữa biển Bắc Hải và biển Baltic trải rộng về phía Nam và Đông Đức, đồng bằng Bắc Đức là vùng thấp. Đây là vùng đồng bằng có nhiều tài nguyên khoáng sản, có nhiều thành phố nổi tiếng như Hanover, Hamburg, Bremer, thủ đô Berlin, Dresden.

(2)Vùng miền núi và cao nguyên phía Nam

Thay vì miền đất thấp của đồng bằng Bắc Đức, cao nguyên phía Nam là sự kết hợp giữa vùng đồi tròn với các thung lũng hấp dẫn, dễ yêu. Vùng này bao gồm các thành phố như Munich, Stuttgart.

(3)Vùng đất sông RHINE, hành lang tấp nập của Đức

Nơi bắt nguồn của con sông Rhine nằm trong số các đỉnh núi phủ tuyết cao của dãy Alps của Thụy Sĩ. Trong khoảng 288 km, sông Rhine chảy êm đềm qua các thung lũng nước Đức để chảy vào Hà Lan. Vùng này có các thành phố như Frankfurt, thành phố ở thung lũng sông Main (thành phố lớn thứ 5 nước Đức sau Berlin, Hamburg, Munich, Cologne); thành phố cổ Binge; thủ đô CHLB Đức cũ: Bonn; thành phố Cologne (thành phố lớn nhất của thung lũng sông Rhine); thung lũng song Ruhr: vùng công nghiệp lớn nhất nước Đức với các thành phố Bochum, Essem, Duisburg.

Nếu xét về tổ chức hành chính, ở CHLB Đức, cơ cấu nhà nước được chia thành 4 cấp: cấp liên bang, cấp bang, cấp vùng, cấp địa phương (thành phố, xã).

 

                                                                            

 

Như thế, cấp vùng là cấp dưới bang và trên cấp xã và thành phố, ở cấp vùng, người dân sẽ bầu ra cơ quan đại diện (giống như Hội đồng nhân dân) thời hạn 5 năm và chủ tịch vùng (thời hạn 8 năm). Hội đồng có 85 thành viên, chủ tịch là thành viên của hội đồng vùng và có quyền bỏ phiếu. Chủ tịch là nhân vật có thế lực mạnh, phụ trách toàn bộ bộ máy hành chính. Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính của vùng Hannover khá đơn giản, gồm có chủ tịch vùng và 4 ban phụ trách các mảng khác nhau, với khoảng 2000 nhân viên. Ngoài 2000 công chức, viên chức trực thuộc bộ máy chính quyền vùng còn có khoảng 14000 nhân viên làm việc tại các tổ chức khác như bệnh viện, giao thông, xử lý rác… cũng thuộc quản lý của vùng, đây là những công ty hoạt động theo luật công.

Nhiệm vụ của chính quyền vùng được quy định trong luật vùng Hannover, trong đó quan trọng nhất là những nhiệm vụ mà cấp địa phương thực hiện sẽ không hiệu quả như vấn đề về giao thông nội vùng, khuyến khích phát triển kinh tế, dạy nghề… Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, vùng có ngân sách khoảng gần 1,5 tỷ EUR mỗi năm, trong đó chi lớn nhất là cho an sinh xã hội, tiếp theo là giao thông công cộng. Nguồn thu của ngân sách vùng bao gồm: (1) phần đóng góp từ các địa phương thuộc địa bàn, (2) Các khoản hỗ trợ ngân sách từ liên bang và từ EU (các chương trình hỗ trợ có liên quan). Vùng không có nguồn thu trực tiếp từ thuế, vì vậy vùng có ít khả năng tác động vào nguồn thu của mình.

Mỗi bang (trong 16 bang) có nhiều vùng, ví dụ bang Baden-württemberg có 4 vùng, bang Bayern có 7 vùng, bang Hessen có 3 vùng, bang Nordrhein – Westfalen có 5 vùng, bang Sachen có 3 vùng v.v…

Nhưng nói đến nước Đức, người ta thường xem xét sự phát triển kinh tế, xã hội qua 2 vùng là miền phía Đông và Tây. Sau thế chiến thứ II (1945), nước Đức bị chia cắt làm hai vùng miền Đông và Tây. Đông Đức là sản phẩm của chủ nghĩa xã hội, còn Tây Đức là vùng đất phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Sau khi bức tường Berlin, hàng rào ngăn cách hai chế độ phát triển khác nhau: TBCN – XHCN bị sụp đổ (1989), đến ngày 9/11/2014, nước Đức đã kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước, dù ¼ thế kỷ đã trôi qua, nhưng đến nay sự phát triển kinh tế - xã hội giữa hai vùng miền Đông – Tây vẫn còn khoảng cách khác biệt rất xa. Tây Đức phát triển mạnh mẽ, còn Đông Đức phát triểm chậm chạp. Theo Viện nghiên cứu kinh tế Halle, khu vực vùng phía Đông Đức có tốc độ phát triển kinh tế chậm hơn, các cơ sở công nghiệp yếu kém hơn so với vùng phíaTây Đức; các nhà đầu tư cũng ưu tiên khu vực Baden-württemberg, Nordrhein – Westfalen ở vùng miền Tây nước Đức thay vì vùng Thüringen, Sachsen thuộc vùng miền Đông Đức. Tỷ lệ thất nghiệp ở vùng Đông Đức đang ở mức khá cao 9,7% so với mức trung bình trên cả nước Đức chỉ là 5,4%. Những tập đoàn kinh tế khổng lồ của nước Đức tập trung chủ yếu ở miền Tây khi môi trường kinh tế ở đây thuận lợi hơn nhiều so với miền Đông. Điển hình là các tập đoàn hàng đầu của Đức do Forbes bình chọn như Daimier Chrysler, Siemens, Deutsche Bank đều có trụ sở chính tại Stuttgart, Munich, Frankfurt, những thành phố giàu có ở miền Tây nước Đức. Theo những con số mới nhất được thống kê gần đây thì khoảng cách về thu nhập giữa hai vùng  miền Đông và Tây nước Đức đang ngày càng cách xa nhau. Nếu như năm 2008, mỗi công dân Tây Đức có thu nhập trung bình 19.838 EUR, thì tại vùng Đông Đức chỉ là 15.484 EUR. Theo thống kê, Humburg là thành phố phía Tây mà người dân có thu nhập bình quân lớn nhất, còn Mecklenburg là thành phố phía Đông có thu nhập thấp nhất đất nước. Những con số nhận được từ dữ liệu thống kê của văn phòng nhà nước Soxon cho thấy: khoảng cách về thu nhập trung bình giữa hai vùng miền Đông – Tây nước Đức đã lớn hơn mọi năm. So với năm 2008, mức tăng trưởng về thu nhập bình quân đầu người ở Tây Đức là 2, 9%, còn ở Đông Đức chỉ là 2, 5%. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự chênh lệch tiền lương giữa 2 vùng miền nước Đức, trong đó có thể kể đến do giá các dịch vụ ở Đông Đức thấp hơn so với Tây Đức, và nguồn vốn đổ vào đầu tư tại Đông Đức cũng thấp hơn đáng kể so với Tây Đức .

Thành phố

Thu nhập bình quân đầu người (EUR)

Thành phố

Thu nhập bình quân đầu người (EUR)

Hamburg

23.455

Rheinland – Pfalz

18. 509

Bremer

21.068

Neidersachsen

18.206

Baden -württemberg

20.748

Brandenberg

15.913

Beyern

20.339

Berlin

15.736

Nordrhein -Westfalen

19.837

Sachsen

15.708

Hessen

19.824

Thuringen

15.297

Saarland

19.022

Sachsen – Anhalt

15.192

Schleswig - Holstein

18.466

Mecklenburg – Vorpommen

14.944

 

 

Dựa vào những khía cạnh biến đổi xã hội như: biến đổi về dân số, biến đổi về môi trường tự nhiên, biến đổi về chính trị, biến đổi về kinh tế, biến đổi về tư tưởng, tôn giáo, biến đổi về văn hóa, biến đổi về công nghệ và kỹ thuật, thì những biến đổi xã hội theo 2 vùng phía Đông và Tây nước Đức trong những năm gần đây có những thay đổi lớn, theo xu hướng khoảng cách chênh lệch ngày càng xa, mức độ ngày càng sâu sắc. Đã sau 25 năm thống nhất nước Đức, nhưng vẫn còn tồn tại “bức tường Berlin” giữa hai vùng miền Đông – Tây nước Đức. Sự chênh lệch, biến đổi xã hội được thể hiện trên tất cả các khía cạnh, đặc biệt trên 3 lĩnh vực chính: chính trị, kinh tế, xã hội. Muốn san lấp khoảng cách chênh lệch giữa 2 miền Đông – Tây nước Đức, đòi hỏi cần có sự cố gắng to lớn của chính phủ các cấp, của quần chúng nhân dân. Mà công việc đầu tiên phải xây dựng được hệ thống kiểm soát những biến đổi xã hội ở Đức, trên cả 2 cấp độ: một là ở cấp chính quyền nhà nước và địa phương, thứ hai là xây dựng hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội trong các tổ chức xã hội dân sự.

Ở cấp độ hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng thông qua chính quyền nhà nước và địa phương tại CHLB Đức, nhà nước Đức đã thông qua các bộ luật, đặc biệt là thông qua Hiến pháp liên bang (trong điều 72), đó là các cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho việc hình thành các chính sách phát triển vùng và kiểm soát những biến đổi xã hội cấp vùng. Nước Đức trong vài thập kỷ vừa qua đã chấp nhận sự tồn tại một số trung tâm phát triển nhanh hơn, sự di động mạnh hơn. Nhiều ví dụ ở vùng Đông Đức đã chỉ rõ, mặc dù nhà nước liên bang đã đổ ra rất nhiều tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, song vẫn không thu hút được các nhà đầu tư, và không ngăn được làn sóng di dân, đặc biệt là đội ngũ lao động trẻ, từ nông thôn ra các trung tâm đô thị, từ Đông Đức sang Tây Đức. Và có một câu hỏi đặt ra là liệu nhà nước liên bang có cần thiết phải bỏ ra nhiều tiền của để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở những vùng “bị mất dân” hay không? Để trả lời câu hỏi đó, buộc các chính quyền từ trung ương xuống địa phương phải xem xét lại quan điểm và hình mẫu trong quá trình hoạch định chính sách phát triển vùng. Từ đó xem xét lại những hệ lụy biến đổi xã hội cấp vùng ở Đức. Và từ đó xây dựng có hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng cho hợp lý và đúng đắn hơn. Việc làm đầu tiên là nhà nước, chính quyền  các cấp địa phương phải đưa ra các cơ sở pháp lý rõ ràng, các bộ luật cụ thể. Thứ hai, các chính sách đưa ra phải rõ ràng, minh bạch, tập trung vào những nội dung quan trọng như vấn đề quy hoạch phát triển vùng: chính sách kinh tế vùng, chính sách cơ cấu, chính sách quy hoạch cơ sở hạ tầng: giao thông, trường học, bệnh viện, các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công như cấp thoát nước, quy hoạch cảnh quan và chính sách nông nghiệp, các chính sách bảo vệ tài nguyên, bao gồm cả những di sản văn hóa, những chính sách xã hội: an sinh xã hội, vấn đề già hóa dân số, phân tầng xã hội, những chính sách về biến động dân số, những chính sách về bảo vệ môi trường sinh thái… Thứ ba, đảm bảo sự hợp tác giữa các chính quyền địa phương ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của quá trình phát triển hiện nay. Thứ tư, xây dựng và đề cao vai trò của hệ thống kiểm tra, kiểm soát, giám sát những biến đổi xã hội từ nhà nước liên bang  đến các bang, vùng, địa phương.

Ở cấp độ hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng thông qua các tổ chức xã hội dân sự ở CHLB Đức

Hiện nay, ở Đức, thuật ngữ “tổ chức xã hội dân sự” không thông dụng, phổ biến. mà người ta thường dùng thuật ngữ “các tổ chức phi lợi nhuận” và các tổ chức đặc biệt như quỹ, hiệp hội. Trong hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng ở CHLB Đức hiện nay, vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận như quỹ, hiệp hội là rất quan trọng. Có khoảng 34% dân cư tham gia vào một hoặc nhiều hình thức hoạt động tình nguyện. Nói cách khác, có đến 22 triệu dân Đức tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội dân sự. Trong quá trình phát triển vùng, kiểm soát biến đổi xã hội vùng, thì vai trò của các hội, hiệp hội với sự tham gia của các địa phương trong vùng, trong việc quy hoạch vùng, liên kết giữa các địa phương để thành lập các công ty phi lợi nhuận, xây dựng các quỹ phát triển vũng, các quỹ hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ phát triển nông thôn, quỹ phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các ngân hàng dữ liệu phục vụ doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ lập nghiệp, quỹ tư vấn doanh nghiệp, quỹ giúp đỡ nhóm “bên lề xã hội” cần được trợ giúp xã hội ngày càng phát triển rộng rãi và mạnh mẽ. Ví dụ, hiệp hội quy hoạch vùng Munchen với thành viên của 185 xã, thành phố, 18 liên xã và Munchen- thành phố thủ phủ bang đã bầu ra chủ tịch luân phiên giữa thủ phủ, liên xã và các xã (2 năm 1 lần) với nhiệm vụ xử lý các nhiệm vụ chủ đề quy hoạch, phát triển vùng vượt quá phạm vi một xã, liên xã, với các chủ đề chuyên môn về khu dân cư, đường sá giao thông, kinh doanh, năng lượng, nghỉ ngơi thư giãn, kiểm soát biến đổi kinh tế, xã hội.

Ví dụ, ngoài Hiệp hội quy hoạch vùng, còn có các tổ chức khác trong vùng như:

-       Hiệp hội IVT: đảm bảo nhu cầu thư giãn cho người dân, kiểm soát sự biến đổi xã hội.

-            Hội MVV: đảm bảo nhu cầu nghỉ ngơi, những nhu cầu xã hội tối thiểu

-       Hội Dachanser: đảm bảo cảnh quan, đầm lầy, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

-       Phòng thương mại và công nghiệp, đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững, đặc biệt giữa phát triển kinh tế và xã hội, môi trường.

-       Hiệp hội vùng đô thị châu Âu Munchen: phục vụ công tác lập quy hoạch ở vùng phía Nam của bang Bayern đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội, môi trường, lấy tiêu chí phục vụ con người là cao nhất.

Tóm lại, những tổ chức xã hội dân sự  cấp vùng ở CHLB Đức có vai trò kiểm tra, kiểm soát, phản biện xã hội nhằm giúp các chính quyền các cấp trong công việc kiểm soát những biến đổi xã hội như biến đổi dân số, môi trường tự nhiên, biến đổi chính trị, tôn giáo, văn hóa, tư tưởng, biến đổi kinh tế, biến đổi công nghệ và kỹ thuật v.v…

3.    Những gợi ý cho phát triển bền vững vùng ở Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam có 6 vùng kinh tế bao gồm: (1) Miền núi và trung du Bắc Bộ, (2) Đồng bằng Bắc Bộ, (3) Nam Trung Bộ và duyên hải miền Trung, (4) Tây Nguyên, (5) Đông Nam Bộ, (6) Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan nào quản lý và theo dõi phát triển vùng (hiện nay chỉ có 3 ban chỉ đạo của Ban chấp hành TƯ Đảng là Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ). Chính vì vậy, có thể nói rằng chính sách vùng chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam trong suốt giai đoạn qua.

Trong giai đoạn tới, nếu không có những cải thiện kịp thời về chính sách vùng, sự chênh lệch mức độ phá triển giữa các vùng tiếp tục gia tăng, thì chắc chắn sẽ xuất hiện không ít những vấn đề biến đổi xã hội theo hướng xấu như di dân và hệ lụy tiếp theo là những khó khăn trong việc đáp ứng hạ tầng đô thị, vấn đề ô nhiễm, tàn phá môi trường, phá vỡ văn hóa truyền thống, thậm chí có thể xuất hiện những bất ổn về chính trị và xã hội.

Nếu chính sách vùng ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức thì việc liên kết phát triển giữa các địa phương lại còn tồi tệ hơn nữa. Hình ảnh nền kinh tế Việt Nam bao gồm 63 nền kinh tế của các địa phương sẽ phát triển mạnh ai, nấy đi, thiếu liên kết theo chiều ngang giữa các địa phương, sẽ làm lãng phí nguồn nhân lực, triệt tiêu chính sách của địa phương vùng với địa phương lân cận.

Không kiểm soát, sự biến đổi xã hội giữa các vùng sẽ  ngày càng lớn, theo xu hướng xấu càng gia tăng, vì vậy nếu không xây dựng hệ thống kiểm soát những biến đổi xã hội thì những hậu quả trong tương lai sẽ rất khó lường. Qua nghiên cứu vấn đề phát triển vùng và kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng, trường hợp của CHLB Đức, có thể rút ra một vài gợi mở như sau:

(1)Về chính sách phát triển vùng

-       Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chính sách vùng là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng (điều này đã được xác định tại Hiến pháp của CHLB Đức).

-       Hình thức tổ chức vùng có thể tồn tại ở những mức độ phân cấp khác nhau, có thể đó là một cấp chính quyền có đầy đủ các thẩm quyền (được dân bầu, hoặc dựa vào 1 đạo luật) hoặc có thể đó là một tổ chức đại diện cho chính quyền cấp Bang ở vùng đó với quyền hạn bị hạn chế hơn nhiều.

-       Những công cụ hỗ trợ quan trọng và thường xuyên được sử dụng trong việc thực hiện chính sách vùng là: hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lập nghiệp tại các vùng kém phát triển.

-        Đã có sự thay đổi quan điểm về chính sách vùng của Đức theo hướng mở rộng phạm vi các vùng cần được hỗ trợ.

-        Chính sách vùng không thể thành công nếu như chính sách vùng không phối hợp, không thực hiện “nhuần nhuyễn” vào trong các quy hoạch, chính sách phát triển ngành.

(2)Về liên kết phát triển giữa các địa phương

-   Quá trình phân cấp luôn phải gắn với sự phối hợp, do vậy việc phối hợp giữa các địa phương trong quá trình phát triển luôn cần thiết ở bất cứ một quốc gia nào.

-   Nhân tố quan trọng nhất tạo cơ sở cho việc liên kết là quy hoạch không gian vùng, phải đảm bảo nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch xây dựng địa phương không được trái với quy hoạch không gian của vùng (tương tự như vậy với quy hoạch vùng với quy hoạch bang, liên bang).

-  Đảm bảo sự hài hòa, có sự thảo luận trao đổi qua lại giữa các cấp, phải công khai, có ý kiến của người dân.

-  Do tính độc lập của các địa phương ở Đức tương đối cao (theo thể chế liên bang) và các địa phương cũng có điều kiện để đảm bảo cân đối ngân sách, nên việc liên kết phát triển giữa các địa phương ở Đức luôn được hình thành trên cơ sở tự nguyện.

-  Phạm vi các hoạt động liên kết luôn dược giới hạn ở những lĩnh vực (hoặc vấn đề) mà mỗi địa phương không thể đảm nhận riêng lẻ được, hoặc nếu tự thực hiện thì sẽ không hiệu quả.

-  Cơ sở duy trì liên kết giữa các địa phương là phải có một tài sản chung và các địa phương có quyền khai thác tài sản này để phục vụ cho nhu cầu của mình và tham gia đóng góp cho tài sản chung đó (ví dụ, bệnh viện, trường dạy nghể chung, công ty xe buýt…)

-  Tài sản chung đó có thể tồn tại dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh của các vùng, trong từng giai đoạn phát triển, đó có thể là một tổ chức, hoặc doanh nghiệp phi lợi nhuận, có thể là tổ chức theo hướng lợi nhuận, có thể 100% của nhà nước địa phương, có thể là hình thức hợp tác công tư (PPP).

(3) Hình thành đa dạng các hình thức liên kết phát triển

-       Hoạt động liên kết giữa các địa phương không chỉ được thực hiện thông qua các tổ chức nhà nước, mà còn được thực hiện bởi nhiều tổ chức phi chính phủ.

-       Hình thức pháp lý các tổ chức cung ứng hoạt động liên kết cũng rất đa dạng, có thể theo luật công, cũng có thể theo luật tư dưới dạng hiệp hội, công ty…

-       Dưới hình thức pháp lý nào thì các tổ chức phi chính phủ trên cũng đều hoạt động một cách độc lập, không có sự can thiệp trực tiếp của chính quyền.

-       Sự tham gia của các tổ chức ngoài hệ thống chính quyền trong việc liên kết giữa các địa phương không những làm giảm tải bộ máy chính quyền, mà còn làm tăng hiệu quả hoạt động của nó.

(4)Hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng ở Đức

-       Phát triển vùng dẫn đến những biến đổi xã hội ở vùng đó theo hai hướng hoặc tốt lên hoặc xấu đi. Vì vậy việc xây dựng hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng là rất quan trọng và cấp bách.

-       Sự biến đổi xã hội theo các lĩnh vực như: biến đổi dân số, biến đổi môi trường, biến đổi chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, tư tưởng, công nghệ và kỹ thuật theo hướng tốt lên và xấu đi, tùy theo sự phát triển vùng như thế nào. Vì vậy, hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội, cấp vùng có vai trò như lá chắn cảnh báo sớm cho chính quyền các cấp có biện pháp, giải pháp ứng phó kịp thới.

-       Hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng cần tuân thủ nghiêm ngặt theo luật pháp đã quy định (hiến pháp, luật, thông tứ, nghị định…) thông qua sự hoạt động của các chính quyền các cấp từ liên bang; bang; vùng; thành phố và xã và thông qua sự hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự với vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội nhằm phát huy tính độc lập, làm chủ của người dân, đề cao sự minh bạch và tính giải trình cao.

Những phân tích từ trường hợp CHLB Đức trên đây sẽ có ý nghĩa nhất định trong việc gợi mở về sự phát triển bền vững và xây dựng hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội vùng ở Việt Nam hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Viện quản lý kinh tế trung ương: “Báo cáo khảo sát liên kết giữa các địa phương trong phát triển vùng tại CHLB Đức”, Hà Nội, 10/2011.

2.  Tôn Thất Thông: “Kinh nghiệm hậu chiến cho Việt Nam: chính sách phát triển của Tây Đức sau năm 1945”, Hội thảo Khoa học Berlin 2015.

3.  Hoàng Chí Bảo: “Biến đổi xã hội ở Việt Nam qua hơn 20 năm đổi mới”, Hội đồng lý luận trung ương, VNH3.TB6.798.

4.  “Biến đổi xã hội trong môn xã hội học”,http://kenhsinhvien.net.

5.  Ngô Văn Huấn, “Biến đổi xã hội”, http://ngohuan.blogspot.com.

6.  “16 bang của Cộng hòa Liên bang Đức”– tài liệu đại sứ quán Đức tại Hà Nội, http://www.hanoi.diplo.de.

7.  Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ nội vụ: “Tự quản địa phương và cơ chế kiểm soát của chính phủ Trung ương_kinh nghiệm của một số nước trên thế giới”, http://isos.gov.vn.

8.  “Vẫn tồn tại “bức tường Berlin”giữa hai miền nước Đức?”, kienthuc.net.vn.

9.  Đức Giang, “Khoảng cách thu nhập giữa hai miền Đông – Tây ngày càng lớn”, http://www.duhocduc.de.

10.   “Cộng hòa Liên bang Đức”, http://cacnuocchauau.com.

11.  “Tài liệu cơ bản về CHLB Đức và quan hệ Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức”, Bộ Ngoại giao Việt Nam, http://www.mofa.gov.vn.

12.   Bùi Nhật Quang, “Chính sách phát triển vùng của Italia”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 2006.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528729

Hôm nay

2110

Hôm qua

2275

Tuần này

21002

Tháng này

215425

Tháng qua

0

Tất cả

114528729