Những góc nhìn Văn hoá

Cảm nhận ban đầu khi đọc hai bài viết của Cha Leopold-Michel Cadiere về chùa Quốc Ân (Huế)

 

Trong hai tập B.A.V.H. 1 và 2, phát hành vào các năm 1914, 1915, do Nhà Xuất bản Thuận Hóa cho dịch và in năm 1997, có hai bài viết của Cha Leopold-Michel Cadiere về chùa Quốc Ân.

Đó là : CHÙA QUỐC ÂN: NGƯỜI SÁNG LẬP (từ trang 160 đến trang 176, tập 1, 1914) và CHÙA QUỐC ÂN : CÁC VỊ TRỤ TRÌ (từ trang 279 đến trang 296, tập 2, 1915).

 
Nghiền ngẫm hai công trình nghiên cứu trên, cảm nhận ban đầu của tôi là tính vô tư, khách quan, nghiêm cẩn và trung thực của tác giả. Tôi nghĩ mình phải học tập phương pháp nghiên cứu, lập luận và cách viết này. Vậy là, đọc rồi đọc lại. Càng đọc tôi càng thấy nhân cách của người cầm bút viết nên hai bài trên trong sáng biết nhường nào.
 
Thông thường những người truyền đạo tầm thường, ít khi vô tư với các đối tượng ngoại đạo. Tính định kiến cố hữu thường đẩy quan điểm của những người đó sang cực đối lập. Đôi khi quá cực đoan. Cha Leopold-Michel Cadiere là một Linh mục thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Paris, viết về một ngôi chùa Phật giáo cổ ở Việt Nam, nơi ông có sứ mệnh truyền đạo Thiên Chúa của mình, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Cha tỏ ra thiếu tôn trọng. Chưa nói đến biểu hiện định kiến, gièm pha. Nhất là ngôi chùa đó lại do một người truyền đạo từ Trung Hoa khai sơn.
 
Từ suy nghĩ đó, tuy Cha không trực tiếp đứng trên bục giảng để truyền cho tôi kiến thức của Người, tôi vẫn coi Cha là vị thầy đáng kính của mình.
 
Trong sáng về tư duy cọng với vốn kiến thức dồi dào và nhân cách mẫu mực kết hợp phương pháp luận khách quan khoa học đã đưa Cha góp phần làm nên “Những Người Bạn Của Cố Đô Huế”.
 
 Ưu thế đó thể hiện trong từng chi tiết cụ thể của bài viết. Ví như tính niên đại ghi trên các lạc khoản, bia, biển, văn tự ... có thể sai lệch do đất nước ở những thế kỷ Nam - Bắc phân tranh gây nên. Các chúa Nguyễn hùng cứ một phương, nhưng lại phải dùng niên hiệu nhà Lê trên các loại ghi nhớ của mình. Mà vua Lê lại nằm trong tay họ Trịnh. Sự thay đổi, phế truất ngôi vua là chuyện xẩy ra không mấy bình thường. Lẽ đó có khi ngoài Đông Đô thay niên hiệu rồi nhưng trong Phú Xuân không biết. Cứ niên hiệu cũ mà ghi. Một số bia, biển, vạc đồng ở Huế đôi chỗ đã thể hiện điều này.
 
Cha Leopold-Michel Cadiere là người sớm nhận ra những sai lệch đó. Sự tinh tế và tỉnh táo này đối với công tác nghiên cứu khoa học vô cùng cần thiết. “Sai một ly đi một dặm”. Niên đại kéo theo thời đại. Mỗi sự kiện trong quá khứ chỉ có giá trị khi đặt đúng thời điểm xuất hiện của sự kiện đó. Lạc đi là hoàn toàn vô nghĩa. Một người Pháp, rộng hơn là một người châu Âu, Cha Leopold-Michel Cadiere lại biết tường tận về cách tính tuổi hoặc ghi năm tháng theo hệ can, chi của người Á Đông và rất công tâm, luôn luôn “cảnh giác”, tránh mọi sự ngộ nhận nhầm lẫn không đáng có.
 
Để xác định năm nhà sư Tạ Nguyên Thiều đến Việt Nam, Cha đã áp dụng cả phương pháp nghiên cứu như là tam đoạn luận của Triết học, bác bỏ một niên đại nghi vấn mà nhiều nguồn tư liệu đã ghi sai. Đó là năm 1665 mà có người cho là năm nhà sư Nguyên Thiều đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam.
 
Xin được trích đoạn viết dưới đây trong bài : “Chùa Quốc Ân: Người Sáng Lập”
 
Theo ghi chép thì có nói là năm Ất Tỵ (1665) là ngày đến. Các tài liệu khác cũng đều nói như vậy nhưng lại chỉ rõ là vào niên hiệu 17 Hiền Vương. Nếu như chi tiết này là đúng thì lại không phải vào năm ấy. Có hai lý để buộc chúng ta không chấp nhận được.
 
Chúng ta thấy ở trên, theo bia đá thì Nguyên Thiều tu ở chùa Báo Tư vào năm 19 tuổi. Ông ấy sinh năm 1648. Nếu chúng ta tính 19 tuổi theo kiểu Trung Hoa và Việt Nam thì phải đến năm 1666 (mới vào tu ở chùa Báo Tư - mkứ chú thêm). Vậy làm sao ông ấy có mặt ở An-nam năm 1665?
 
Trên bia phía dưới ghi giữa lúc ông đến An-nam là lúc mất  (có lẽ dịch chưa thoát. mkư chú) vào năm Mậu Thân (1728) và phải tính là đã 51 năm. Nếu trừ 1728 cho 51 chúng ta có không phải là năm 1665 mà là 1677.
 
Chính năm 1677 mà chúng ta xem là chính xác ngày Nguyên Thiều sang An-nam. Sự nhầm lẫn của người làm bia hay những người cho thông tin cũng dễ thôi. Mỗi năm theo chu kỳ can, chi đều gọi bằng hai từ mà từ đầu trở lại vòng 10 năm và từ sau trở lại vòng 12 năm cộng lại là giai đoạn 60 năm. Đó là chu kỳ. Nhưng thật ra, thông thường tên năm thường không nói đến. Một người An-nam nói với ông “Tôi sinh năm Tỵ”, nếu người ta yêu cầu nói rõ thì họ mới thêm chữ đầu: “Tôi sinh năm Đinh Tỵ”. Và khi họ về già, khi bị lú lẩn, thì có thể quên mà trả lời rằng: “Tôi sinh năm Ất Tỵ hay Kỷ Tỵ”. Như vậy là họ có thể tăng tuổi thọ lên 12 năm hay bớt đi 12 năm.
 
Trong trường hợp ngày đến của Nguyên Thiều cũng vậy. Ông biết hay người ta nhớ là ông đến năm Tỵ. Như thế có thể là 1677 - Đinh Tỵ; 1665 - Ất Tỵ hay năm 1689 - Kỷ Tỵ. Người ta thường quên chữ đầu của chu kỳ. Người ta có ghi trên bia năm Kỷ Tỵ - 1789 (?). Năm Nguyên Thiều đi về Trung Hoa. Như chúng ta đã biết, người ta bỏ quên. Ngày chính xác Đinh Tỵ - 1677 mà người ta ghi Ất Tỵ - 1665 mà không hiểu rằng ngày ấy không phù hợp với hai ngày khác trên bia đã ghi tuổi mà Nguyên Thiều vào chùa tu Báo Tư và với những năm sống ở An-nam”...
                                                                  (Tập 1 trang 165-166)
 
Như vậy không phải là năm 1665 mà chắc chắn là 1677 Nguyên Thiều đến An-nam”.
(nt, trang 167).
 
Sau bài viết Chùa Quốc Ân: Người Sáng Lập, Cha Leopold-Michel Cadiere viết tiếp bài Chùa Quốc Ân: Các Vị Trụ Trì. Cùng với mạch tư duy khách quan, vô tư vốn có, không hề định kiến, không hời hợt, Cha lập luận vững chắc và khẳng định nhà sư Nguyên Thiều, người khai sơn chùa Quốc Ân, là người trụ trì đầu tiên, liên tục rồi viên tịch tại chùa này, đồng thời lần lượt điểm qua quá trình truyền thừa và các vị trụ trì chùa Quốc Ân từ năm 1728 đến năm 1914 khi Cha trực tiếp trò chuyện với nhà sư hiện diện tại chùa Quốc Ân lúc đó.
 
Tinh thần làm việc như thế, tấm lòng chân thành như thế, mới làm nên những trang viết “vàng” để lại hôm nay.
 
Một điều lý thú là Cha đã đính chính sự hiểu nhầm của nhiều người cho rằng: sau khi sang Trung Quốc theo đề cử của Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái trở về, nhà sư Nguyên Thiều “bị đẩy xuống chùa Hà Trung” không được trụ trì chùa Quốc Ân nữa. Thực tế Ngài được giao giám tự chùa Hà Trung là có thật nhưng đó là kiêm nhiệm. Như cuối thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Thiện Siêu trụ trì chùa Từ Đàm vẫn là Giám tự chùa Thuyền Tôn vậy. Về điều này Cha Leopold-Michel Cadiere quả thật tinh tế. Người viết :
 
Sau một đợt hành trình sang Trung Hoa vào năm 1687 - 1690, ông được bổ nhiệm trụ trì nghĩa là vị sư cả chùa Hà Trung, về phía Đông Nam của Thừa Thiên. Chúng ta rất ngạc nhiên về sự phong vị này vì chúng ta xem như là một sự thất sủng. Nói như thế không đúng. Chức vụ mới này cho Nguyên Thiều chứng tỏ ông không hề bị buộc phải xa Huế và việc trụ trì kiêm nhiệm thường xẩy ra trong các chùa ở Huế thời đó. Một sư phụ của một chùa này có thể cai quản hai, ba cho đến bốn chùa. Có thể làm trụ trì ở đây đồng thời làm tăng cang nơi khác...
 
Có hai lý do để chứng tỏ là tháp của ông không ở xa chùa Quốc Ân lắm, như thế là ông đã mất tại chùa này. Nếu ông có mặt ở chùa Hà Trung cách Huế nửa ngày đường thì ông cũng đã được chôn ở Hà Trung chứ người ta không được đưa thi hài ông lên Huế.
 
Một lý do thứ hai nữa quan trọng hơn và tên của vị trụ trì vẫn thấy có ở chùa Quốc Ân sau khi Nguyên Thiều mất. Như vậy là người sáng lập chùa Quốc Ân vẫn trụ trì ở chùa cho đến khi mất.
                                         (Tập 2 trang 279-280)
 
Nghiêm túc, thận trong, vô tư, khách quan Cha đã để lại cho hậu thế những trang viết giàu tính thuyết phục và nêu một tấm gương mẫu mực cho mỗi chúng ta hôm nay.
 
Nhân Năm Thánh 2010 của Giao Hội Công Giáo Việt Nam, kỷ niệm 350 năm thiết lập hai Giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659 - 2009), 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm (1960 - 2010) và tưởng niệm 55 năm ngày Linh mục Leopold-Michel Cadiere (1955-2010) từ trần, tôi xin dâng lên Cha - Con Chim đầu đàn về nghiên cứu văn hóa Huế (cho phép tôi được dùng mệnh đề này) bài viết thô thiển với tấm lòng tri ân vô hạn.
                                                                  
                                                                             Huế, 15 tháng 8 năm 2010
                                                                            

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529304

Hôm nay

247

Hôm qua

2304

Tuần này

21577

Tháng này

216000

Tháng qua

0

Tất cả

114529304