Đó là mọi hoạt động của chính quyền, đoàn thể đều phải tôn trọng lợi ích của của dân. Xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, đến năm 2009, đã có 9/9 làng được công nhận làng văn hóa, 86% gia đình đạt gia đình văn hóa, gia đình thể thao đạt 35%, hộ nghèo chiếm 3,8%; năm 2014, xã trở thành xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, và đang phấn đấu đến năm 2015 đạt danh hiệu xã văn hóa. Thành công này là nhờ vào cách vận động đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Hiểu được đặc thù nông dân cần có sân phơi, có đường đi lối lại để chở lúa, chở phân được thông thoáng, cán bộ thôn, xã vận động hiến đất mở rộng đường xây dựng nông thôn mới và nhanh chóng được nhân dân hưởng ửng. “Hiến đất là đúng rồi, vừa là đường đi, vừa là sân phơi”, chị Thương, xóm 3, Hưng Tân chia sẻ. Vì vậy, công tác xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, cổng làng với mức đóng góp từ 500 đến một triệu đồng một khẩu vẫn nhận được sự hưởng ứng từ nhân dân.
Muốn đoàn kết toàn dân, cán bộ phải hiểu dân. Người cán bộ muốn thật sự hiểu dân thì phải hiểu văn hóa của dân, nắm bắt được tâm lý và tôn trọng văn hóa của họ. Chỉ có hiểu dân mới được dân mến, dân tin, tập hợp và huy động được sức dân. Để vận động dân hiến đất xây dựng các công trình, cán bộ xã Quỳnh Nghĩa đã dựa trên các phong tục, tập quán văn hóa cư dân địa phương là tôn trọng và chăm lo lợi ích làng xóm, để có cahs vận động phù hợp. Bác Hồ Thanh Tùng hiến 22,6 m2 đất để làm đường, cho biết: “Đây là đất tổ tiên, ai mua bằng bất cứ giá nào cũng không bán, nhưng hiến đất thì hiến. Đây là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm chung của mỗi người, vì tương lai của con cháu. Mình làm người phải sống cho ra còn người không nên vì lợi ích của bản thân mà ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng.” Và nhiều gia đình khác như ông Phạm Hữu Sơn (24,9m2), Hồ Đượm (24,2m2), Hồ Đoàn (18,6m2). Cũng ở vùng này, người dân rất đề cao danh dự và truyền thống dòng họ, nên cán bộ thôn Nghĩa Phú đã vận động dân hiến đất theo tổ chức dòng họ, nhờ anh em trong họ tộc động viên các gia đình trong dòng họ hưởng ứng.
Hiểu được tâm lý hướng về cội nguồn, mong muốn quê hương phát triển giàu đẹp, lãnh đạo xã Hưng Tân đã vận động sự ủng hộ từ con em của quê hương làm ăn xa. Các công trình văn hóa trong của xã có sự đóng góp rất lớn từ những người xa quê. Cổng làng Cần mới được xây dựng hết 400 triệu đồng, con em xa quê ủng hộ 200 triệu đồng.
Ý chí và nguyện vọng của dân là điều không thể bỏ qua trong vận động đoàn kết toàn dân. Người cán bộ phải hiểu dân mong muốn điều gì và đưa ra phương án phù hợp với lòng dân. Thôn 3 của xã Quỳnh Nghĩa có phần lớn dân cư làm nghề đi biển, trong đó có 70% hộ gia đình có phần tàu, với 30 chiếc tàu đánh bắt xa bờ trên 400CV, 50 chiếc thuyền nhựa dán composite 20CV. Đi biển là nghề nghiệp mang tính rủi ro cao, hơn nữa tài sản thừa kế có giá trị lớn, vì vậy, các gia đình đều mong muốn có con trai, thậm chí có nhiều con trai. Chị Hồ Thị Hằng, vì cố đẻ được con trai nên đã có 5 con gái chia sẻ: “Mình là dân đi biển, thấy người ta có con trai, mình không có con trai thấy tủi thân cho bố”. Thấy rõ rằng, đối với dân đi biển, việc có con trai là một mong muốn khẩn thiết, hơn nữa, họ hoàn toàn đáp ứng được điều kiện kinh tế nuôi con nên việc vận động thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình ở đây là việc khó, cần nắm bắt được nguyện vọng của người dân để có phương pháp phù hợp, có hiệu quả, không cực đoan, máy móc và nóng vội
Tôn trọng dân là đặt người dân vào vị trí trung tâm của cuộc vận động. Cách làm đó giúp nhân dân nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình đối với phong trào. Đoàn kết trong nhân dân từ đó mà ra.
Kinh nghiệm thực tiễn của phong trào cho thấy đảm bảo dân chủ trong mọi sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa của người dân là điều kiện cần để đoàn kết toàn dân. Thực hiệndân chủ, trước hết là thực hiện công bằng trong tất cả các mối quan hệ, giữa tất cả các cá nhân trong cộng đồng dân cư. Đó là sự công bằng giữa chính quyền với người dân, giữa người Đảng viên với người không là Đảng viên, giữa người có đạo với người không theo đạo,… Nhân dân được tham gia tất cả các công việc của cộng đồng, luôn có sự góp mặt của người dân từ khâu bàn bạc đến quá trình thực hiện. Bí thư chi bộ thôn 6, xã Hưng Tân chia sẻ: các chủ trương của chính quyền đều có sự tham gia ý kiến của người dân, mọi việc chi bộ đưa ra dân bàn bạc, dân thảo luận, đồng ý rồi mới triển khai. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện mọi việc đều được tiến hành công khai, nhân dân được cử ra một tổ giám sát, các khoản thu chi được minh bạch, thông báo trên loa phát thanh, để tránh nghi kỵ. Thôn Nghĩa Phú, nhờ để dân tự làm, tự kiểm tra giám sát, đã tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng khi làm đường.
Muốn nhân dân đoàn kết thì cán bộ phải đoàn kết để làm gương cho dân noi theo. Đoàn kết của cán bộ là đoàn kết trong các tổ chức Đảng, trong các cơ quan công quyền. Các cán bộ, đảng viên phải làm việc nhiệt tình, công tâm, không đấu đá, không tranh chấp quyền lực.
Khi nhân dân thấy được sự gương mẫu mực của người lãnh đạo sẽ tin tưởng đi theo và làm theo. Những mâu thuẫn trong đội ngũ cán bộ sẽ khiến dân mất niềm tin, sự chỉ đạo của tổ chức Đảng, của cơ quan chính quyền sẽ giảm hiệu lực, cán bộ mất uy tín, sẽ không nhận được sự đồng tình hưởng ứng từ người dân.
Ở thôn Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa, để đạt mục tiêu về đích về đích nông thôn mới trước thời hạn một năm (2014), cả chi bộ, ban cán sự thôn, các đoàn thể quần chúng cùng nỗ lực ra quân, vào cuộc vận động nhân dân hiến đất, hiến công, hiến tài sản, cho thôn vay tiền, cho nợ tiền công, ủng hộ tiền. Các Đảng viên phát huy vai trò tiên phong để tập hợp, động viên bà con trong thôn nhiệt tình hưởng ứng quần chúng. Trưởng thôn Nghĩa Phú, ông Trương Đắc Kỷ, đã cho thôn vay 210 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn. Hành động của ông Kỷ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, đường làm đến đâu, dân ở đó sẵn sàng cho vay và ủng hộ tiền, cho nợ tiền công. Để hoàn thành con đường của thôn, bà con đã cho vay 590 triệu đồng, cho nợ tiền công 250 triệu đồng, ủng hộ tiền mặt gần 39 triệu đồng và điện, nước,…
Nâng cao dân trílà nền tảng hàng đầu để thực hiện đoàn kết toàn dân. Dân trí được nâng cao là tiền đề để người dân tăng cường khả năng nắm bắt thông tin, từ đó tiếp thu và nâng cao tri thức, phát triển kinh tế và văn hóa. Dân trí được cải thiện, nâng cao, các vấn đề trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng sẽ được giải quyết thỏa đáng và có hiệu quả tốt đẹp hơn như về chăm sóc sức khỏe, tránh các tệ nạn xã hội, học cách bảo vệ bản thân và gia đình,…
Ở xã Quỳnh Nghĩa, thôn Nghĩa Phú, đã thành lập được hai câu lạc bộ “Tình làng” và “Chăm sóc sức khỏe sinh sản”. Câu lạc bộ “Tình làng” thành lập năm 2007 với 5 hội viên ban đầu đến nay đã có 200 hộ/ 287 hộ của thôn tham gia. Câu lạc bộ mỗi tháng sinh hoạt một lần. Nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ là các sinh hoạt văn nghệ, nói chuyện thời sự, biểu dương người tốt việc tốt. Do tình trạng sinh con thứ ba tăng đáng báo động, năm 2010, câu lạc bộ “Chăm sóc sức khỏe sinh sản” được thành lập, với 50 hội viên ban đầu, nay đã có 201 người tham gia. Nội dung hoạt động là tuyên truyền về sức khỏe vị thành niên, sức khỏe phụ nữ sinh sản, chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh; cách phòng chống bệnh khi phụ nữ mang thai, tiêm chủng đúng kỳ hạn. Hoạt động của câu lạc bộ đã góp phần làm giảm bệnh tật ở phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, người sinh con thứ ba giảm. Thành viên trẻ tham gia càng ngày càng đông.
Đoàn kết toàn dân là một việc không dễ, muốn tạo nên một phong trào mạnh mẽ trong nhân dân cần phải lấy dân làm gốc rễ. Nhân dân tham gia làm chủ, giúp họ ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng, phát huy được sức mạnh của tập thể. Bên cạnh, sự hưởng ứng của nhân dân, cán bộ cần quyết tâm và phải gương mẫu để nhân dân tin theo. Chỉ có vậy mới tập hợp được nhân dân với tâm thế chủ động và tư thế làm chủ.