Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Quỳ Châu là nơi lưu giữ và trưng bày hiện vật, tài liệu về văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Nghệ An. Tuy nhiên lượt khách đến đây chỉ tính trên đầu ngón tay. Hi hữu lắm mới có các đoàn học sinh tại các trường địa phương đến tham quan học tập. Anh Vi Văn Dũng - cán bộ bảo tàng ở đây cho chúng tôi biết: “Khách đến đây ít lắm; chỉ khi nào có khách thì chúng tôi mới mở cổng, còn không, thì thôi”!
Không khó để nhận thấy, ở hầu hết các bảo tàng, đều có kiểu trưng bày na ná nhau, đơn điệu. Bảo tảng Văn hóa các dân tộc Quỳ Châu trưng bày trang phục truyền thống của nam giới, nữ giới các tộc người bằng cách treo lên các móc áo chẳng khác gì ở các tủ quần áo gia đình. Các hiện vật khác cũng được trưng bày một cách đơn giản, không sử dụng các thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật trưng bày để tôn hiện vật lên, gây ấn tượng, tạo cảm xúc cho người xem. Du khách thật là khó khăn để tiếp nhận được những thông tin, thông điệp về văn hóa các tộc người từ các hệ thống trưng bày này.
Đến Bảo tàng Quân Khu IV, du khách cũng sẽ gặp tình trạng trên. Không gian trưng bày chật chội; hệ thống trưng bày dàn trải, không có điểm nhấn; Hệ thống ánh sáng đơn điệu, không tôn dduwwocj hiện vật... Với hình thức trưng bày này, các hiện vật đã không tự nói lên được giá trị của mình, không đem lại được nhiều tri thức và tình cảm cho người xem.
Hệ thống trưng bày còn nhiều hạn chế đã đành, cơ sở vật chất ở một số bảo tàng cũng đã có biểu hiện xuống cấp. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Quỳ Châu mới được nâng cấp, tu bổ từ năm 2009, nhưng đến nay, các bục trong khuôn viên phòng trưng bày đã bị mục, vỡ. Có những vết nứt rạn, cán bộ bảo tàng phải “chữa cháy” bằng cách… trải vải lên để che khuất. Nhìn lên: trần nhà bị ẩm - dột mỗi khi mùa mưa về. Nhìn xuống: từng vũng nước đọng trên sàn nhà. Ở Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, một số mặt kính các tủ trưng bày cũng đang rơi vào tình trạng mờ, đục, khó nhìn,... mặc dù hệ thống này mới hoàn thành tu sửa và đưa vào phục vụ cách đây vài tháng.
Tiếp tục lí giải cho câu hỏi tại sao các bảo tàng ở Nghệ An chưa phải là điểm đến trong các tour của các hãng lữu hành, anh Dương Danh Hùng (Trung tâm lữ hành quốc tế Tst Travel) nói: “Các bảo tàng trên địa bàn tỉnh chưa phát triển vì không có sự đầu tư đồng bộ. Nhất là công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và công tác quảng bá hình ảnh”.
Công tác thuyết minh còn thiếu chuyên nghiệp, khả năng ngoại ngữ nước còn hạn chế,…. Anh Dũng (bảo tàng Văn hóa các dân tộc Quỳ Châu) bộc bạch: “Ở đây chỉ có 2 người làm bảo tàng, vì thế vừa thuyết minh vừa quản lí, vừa kiêm luôn công việc vệ sinh cho bảo tàng, nhiều lúc làm không kịp”. Anh còn cho biết thêm, trước đây anh làm ở phòng khác, nhưng sau này bảo tàng thiếu người nên chuyển sang, có nhiều khi vừa làm việc chung của cơ quan, vừa gánh trách nhiệm về công việc của bảo tàng.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự vắng vẻ của các bảo tàng là hoạt động quảng bá, tuyên truyền về bảo tàng còn quá ít và chưa có hiệu quả. Trong số các bảo tàng trên địa bàn thì chỉ duy nhất bảo tàng xô viết Nghệ Tĩnh có website nhưng cũng đã dừng hoạt động khá lâu. Thông tin, hình ảnh các bảo tàng quá ít ỏi trên các phương tiện truyền thông, nếu có thì cũng đơn điệu, chưa có sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh.
Nhưng thiết nghĩ nguyên nhân cơ bản là do nội dung của các bảo tàng chứ ‘khớp” với nhu cầu của du khách, nhất là khách ngoại quốc. Họ đến xứ sở của ta là cốt nhất tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa bản địa của chúng ta. Nhưng nội dung trưng bày ở các bảo tàng của ta hiện có lại đang chủ yếu là diễn trình về lịch sử đấu tranh và chiến tranh cách mạng. Nội dung có thể phù hợp và hấp dẫn được du khách là bảo tàng Văn hóa các dân tộc ở Quỳ châu thì lại xa quá và nội dung còn chưa phong phú, chưa độc đáo, phương pháp và hình thức trưng bày còn giản đơn, lạc hậu.
Chị Thủy, thuyết minh viên tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cho biết: “Công ty du lịch Việt Travel đã đến đây khảo sát mấy lần rồi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đưa bảo tàng vào tour tham quan được, cũng không biết đến bao giờ mới có thể làm được”...
Khắc phục tình trạng này bằng cách nào đây? Các bảo tàng và các tổ chức kinh doanh du lịch hãy lên tiếng hộ!
“Khi nào có khách thì mở cổng Bảo tàng, còn không có thì thôi” – Anh Vi Văn Dũng chia sẻ.