Diễn đàn

Lại bàn về tiếng Nghệ

 
TÔi là dân “âm thổ” Quỳnh Lưu, “xa xứ” đã vài chục năm. Rất may mắn được theo dõi Tạp chí Văn hóa  Nghệ An. Qua đọc các bài viết trên diễn đàn của các vị Thái Hữu Thịnh, Nguyễn Phương Thoan, Phạm Xuân Cần bàn về nội dung người Nghệ nên nói tiếng gì?

Xin mạn phép tỏ đôi lời như sau:

Cả ba bài viết của quý vị đều trên tinh thần chung là bàn thảo Người Nghệ nên nói giọng Nghệ như thế nào. Vì năng lực, tôi xin phép không bình luận hay nhận xét gì về ba bài viết, nhưng thật tâm đắc với bài “Người Nghệ cần và nên nói tiếng gì” của ông Phạm Xuân Cần. Với góc độ một người Nghệ đã từng sinh ra, trưởng thành trên đất Nghệ; Rồi đi xa, có điều kiện làm nhiều công việc trong và ngoài nước, xin tỏ vài ý kiến như sau:
Nói người Nghệ, xứ Nghệ, tức nói đến Nghệ An và Hà Tĩnh, là nói đến Văn hóa Hồng Lam. Chất liệu hình thành nên ngôn ngữ xứ Nghệ thuộc nền văn hóa ấy, đã qua chọn lọc bởi nhiều thế hệ và thời gian. Rõ ràng, Xứ Nghệ ta mặc nhiên có một nét truyền thống văn hóa rất đặc sắc, riêng biệt, không thể trộn lẫn. Chúng ta, những người Nghệ, phải biết tự hào, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tiếp thu, bảo tồn, lưu giữ lấy tài sản quý giá ấy.
Nói về người Nghệ, thì từ cổ chí kim, chúng ta rất tự hào về truyền thống xứ Nghệ trên mọi lĩnh vực. Thật xứng đáng với một vùng “địa linh nhân kiệt”. Người Nghệ cho dù ở đâu cũng đã, đang và sẽ mãi mãi tự hào mình được là người xứ Nghệ. Một niềm tự hào chính đáng và kiêu hãnh.
Về âm điệu của giọng nói của mỗi vùng miền, là thói quen được dắt dẫn nối tiếp từ đời này qua đời khác. Nó trải qua sự lựa chọn của cuộc sinh tồn qua thời gian. Mặc nhiên, nó mang sắc thái riêng biệt mỗi vùng miền. Trên thế giới, hầu như dân tộc nào cũng có chung đặc điểm này. Chính vì vậy, giọng nói, ngôn ngữ là đặc trưng cho vùng, miền mà con người được tiếp thu ngay từ khi bập bẹ học nói, nó là phản xạ có điều kiện.
Tôi nghĩ rằng, chẳng có thứ tiếng nào hay hoặc dở, chỉ vì ta chưa nhận biết hết cái hay và cái dở của nó. Với tiếng Nghệ đã tồn tại và qua thử thách muôn đời, thì muôn đời sau tiếng Nghệ vẫn như ngày nay về chất giọng. Thật buồn, khi người xa xứ tìm cách hướng về, lưu giữ ngôn ngữ chân quê, thì có nhiều người tìm cách “chạy trốn” khỏi nó, dẫu có thể là vô thức!
Tôi xin nêu một vài ý kiến kính mong bạn đọc tham khảo:
I - NGƯỜI NGHỆ XA XỨ NÓI GIỌNG GÌ?
Tôi xin khẳng định là gần hết nói giọng Nghệ, kể cả các thế hệ thứ 2, thứ 3 hiện nay; Dẫu là con dâu hay con rể là người “bản xứ”. Về việc này, có lần tôi tâm sự với nhiều người, kể cả các bậc học giả về ngôn ngữ, họ cũng cho đây là việc cần bàn tới. Nhưng đây là việc “nói” và “giọng”. Mạn phép thấy rằng, trừ một bộ phận bà con ta khi sinh sống xa quê, nhất là Hà Nội, đã tập và làm quen nói giọng “xứ người”, nhưng thật lòng, nghe là biết “Nghệ” ngay! Thậm chí chính người Nghệ còn đàm tiếu về vấn đề này ! Tuy nhiên, đó là sở thích của cá nhân, họ có sự lựa chọn của họ. Việc ta đang bàn là về vấn đề thể hiện tiêu biểu cho đại đa số bà con xứ Nghệ của chúng ta.
Cũng có người vì công việc có tính đặc thù, trước công chúng họ (phải) nói giọng khác, nhưng khi trở lại với cuộc sống thường nhật, họ nói giọng rất Nghệ.
Bà con xứ Nghệ ở miền Nam thì khỏi bàn, hầu hết vẫn rất “rặt” Nghệ. Rặt từ cách nói, ngữ điệu, ngôn từ…Và cả văn hóa ẩm thực (có dịp xin được bàn sau).
II- BÀN VỀ SỬ DỤNG NGÔN TỪ:
Dù người Nghệ hay người xứ nào, dân tộc nào, thì trong sử dụng ngôn từ trong giao tiếp với xã hội, nhất là viết bằng văn bản, thuyết trình với công chúng, không bao giờ bỏ qua hoặc sai phạm từ phổ thông và kết cấu ngữ pháp. Tuy nhiên, khi nói, khi đọc đâu cần phải “đá” giọng miền này miền khác. Biết bao nhà hoạt động chính trị, văn chương…họ vẫn rất thành công trong nghệ thuật này. Cũng có rất nhiều trường hợp, giọng nói có nhẹ đi, có pha chút vùng miền khác, vì sinh sống quá lâu nơi đó, nhưng vẫn thấy trong đó chất Nghệ.
Trong giao tiếp thường nhật, với bà con “nội bộ” thì không nói làm gì, nhưng với công chúng, nhiều khi dùng ngôn từ Nghệ mà người nơi khác họ vẫn hiểu, thậm chí có rất nhiều từ trùng lắp và giống nhau. Như đồng bào Nam bộ vẫn dùng “vô” (vào), hôm “tê” (trước) v.v…
Chúng ta thấy, theo ý kiến bà con Nam bộ, đồng bào xa Tổ quốc, Đài THVN đã sử dụng phát thanh viên nói giọng Nam bộ trong chương trình thời sự để phục vụ. Chính người Nghệ ta nghe vẫn thấy ấm áp, thân thương và dễ hiểu.
Tại chương trình cầu truyền hình trực tiếp 19/5/2010, Mc Diệp Chi (quê gốc Nam Đàn), nói giọng Nghệ vô cùng truyền cảm, ấm áp, làm cho tất cả mọi người rất dễ hiểu và cảm động. Qua đó, chương trình trở nên sống động; Hình tượng Bác Hồ trở nên gần gũi nhưng rất linh thiêng.
III- VẤN ĐỀ THIẾT THỰC:
Qua đây xin chân thành góp ý với các anh chị em nghệ sỹ, các biên tập viên, phát thanh viên, MC của Đài PT và TH xứ Nghệ rằng: Công chúng rất cần anh chị em cố gắng giữ gìn giọng và điệu nói của người Nghệ.
Vì thứ nhất, là sự phát huy và bảo tồn văn hóa xứ Nghệ. Thể hiện chương trình là của xứ Nghệ. Phải biết tự hào mình là người Nghệ, đang làm việc vì xứ Nghệ; Thể hiện “Đây là xứ Nghệ”.
Thứ hai, các bạn là đại diện cho việc phát ngôn “tiếng Nghệ”, nó sẽ lan toả, ngấm sâu, lưu truyền đến mọi người.
Thứ ba, là đối tượng được các bạn phục vụ, nhất là bà con xứ Nghệ sinh sống xa quê khắp muôn nẻo được cảm thấy tự hào và thỏa mãn.
 Đừng nên dùng “ch” thay “tr” , dùng “x” thay “s”, “d” thay “r” v.v…, Ngay cả các vùng miền khác họ cũng đang cố gắng sửa chữa, huống chi ta. Thử nghe: “chên dòng xông Lam, phía xau Quyết” …Mà giọng Nghệ thì thật không ổn chút nào.
Đừng nên bắt chước đến gượng gạo giọng Bắc giọng Nam làm gì, rất khó nghe, và tréo ngoe ! Nói thật, nó như thế nào ấy, rất khó chịu! Thậm chí người nghe cảm thấy rầy rà giùm cho người nói!
 Cứ dùng từ phổ thông, giọng Nghệ, tránh tối đa chồng lắp các dấu hỏi, ngã, nặng hoặc mất dấu, chắc chắn công chúng ủng hộ và ca ngợi. Tuy nhiên, thật không dễ dàng, nhưng đây cũng là một phần của lao động nghệ thuật.
Thế thì, thế nào là “giọng Nghệ”? Vấn đề thật không đơn giản. 
Chúng ta thấy chưa có một giọng nào được công nhận là giọng Nghệ chuẩn cả! Tôi nghĩ, chúng ta có sao dùng vậy, rồi thì đến lúc cuộc sống sẽ mặc nhiên công nhận. Nói thế kể ra có phần vô trách nhiệm, nhưng nó lại là như thế. Nếu có một lời bàn, tôi xin có ý kiến thế này: Qua các cuộc thi tuyển, ta chọn những người có giọng nói hay, có chút đặc trưng chất liệu Nghệ, ta cứ dùng. Trong quá trình sử dụng, tốt nhất nội bộ các cơ quan chủ quản nên có cách tổng kết và rút tỉa, chọn lọc. Ngành Văn hóa Nghệ An và Hà Tĩnh cũng phải có kế hoạch tìm tòi, sàng lọc, nghiên cứu như một chuyên đề. Nếu cần chúng ta có thể có những cuộc hội thảo khoa học, hoặc mở một diễn đàn.
Có chủ quan không, tôi thấy trong các vở kịch, trong nhiều cuộc giao tiếp, có gì đó mang dấu ấn giọng Nam Đàn, pha chút Thanh Chương, Nghĩa Đàn… khá dễ nghe. Giọng của Mc Diệp Chi thể hiện trong buổi cầu truyền hình trực tiếp ngày 19 tháng 5 năm 2010 là một trong những mẫu giọng Nghệ ta cần lưu ý.
Trên chương trình NTV, chuyên mục “Người Nghệ xa quê” hiện đang phát sóng, chúng ta được thưởng thức giọng nói của Mc Hương Trà, Lê Chi, Việt Anh, ca sỹ Phương Thảo, cô giáo Hoàng Thị Kim Liên…, những giọng nói rất Nghệ, dùng từ phổ thông uyển chuyển, rất truyền cảm, rất dễ nghe. Tôi đề nghị chúng ta cần suy nghĩ và đặt vấn đề làm cho giọng Nghệ được như thế là khá ổn. Giáo sư Phan Ngọc, 84 tuổi, thông thạo 13 ngoại ngữ, vẫn dùng tiếng Nghệ chân chất mạch lạc, truyền cảm.  
Tôi cũng đồng ý với ý kiến, giọng Vinh (đến nay) chưa phải là giọng chuẩn, như quý vị đã nói.
Nên chăng, trước mắt chúng ta học hỏi, tham khảo cách đặt vấn đề và cách làm của Đài PT và TH Huế, Quảng Bình…cùng những nơi khác có điều kiện na ná giống ta.
Vài lời mạo muội xin ngỏ cùng mọi người chia sẻ.r


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445881

Hôm nay

296

Hôm qua

2285

Tuần này

21490

Tháng này

212140

Tháng qua

120141

Tất cả

114445881