Những góc nhìn Văn hoá

Câu chuyện kỷ lục và thước đo giá trị

Không hiểu từ bao giờ người Việt ta lại có phong trào xác lập kỷ lục. Đặc biệt vào những dịp lễ hội, cuối năm, hàng loạt kỷ lục lần lượt được ra đời. Nơi nào cũng mong muốn có công trình được ghi nhận là lớn nhất nước, cao nhất nước, hoành tráng nhất nước, rồi vươn tầm ra cả khu vực, thế giới.

Hẳn chúng ta không còn xa lạ với những kỷ lục liên tiếp ra đời trong các năm gần đây. Trên hầu hết mọi lĩnh vực, hoạt động đều có những kỳ tích được xác lập: bánh chưng khổng lồ nặng 4,3 tấn cùng bánh dày 5 tạ trong lễ hội Mẫu Tổ Âu Cơ Hưng Yên; bánh tét dài 39m tại Nha Trang; mâm ngũ quả nặng 5 tấn, dài 14m tại Cao Lãnh, Đồng Tháp; kỷ lục nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh; bánh xèo to nhất; cặp câu đối có nội dung dài nhất với 50 chữ, do 50 nhà thư pháp viết trên dải lụa vàng dài 54m, rộng 1,2m trong ngày hội ngộ ông đồ Việt Nam lần thứ 1 Ninh Bình; Rồi những pho tượng hàng trăm tỷ lớn nhất khu vực……Rất nhiều, rất nhiều những kỷ lục đã và sẽ tiếp tục được ra đời ấy nói lên điều gì? Sự giàu có, phồn vinh của đất nước? Sự cải thiện đời sống nhân dân? Cái tài của người Việt? Hay chỉ là một tâm lý chạy theo hình thức vô nghĩa?

Tất cả những việc xác lập trên chỉ mang lại niềm vui, hân hoan trong giây lát. Đổi lại là sự lãng phí, là biểu hiện của một lối sống chạy theo những giá trị ảo và đi ngược lại với văn hóa dân tộc. Khi chứng kiến những kỷ lục ra đời, những biến đổi trong quan niệm của người dân về đẳng cấp, về sự giàu có tôi chợt băn khoăn về thước đo giá trị mà chúng ta đang sử dụng. Hình như hiện nay giá trị của một công trình, một sự kiện, một con người chỉ thuần được đo bằng vật chất. Bởi thế giá trị càng lớn khi kích thước, khối lượng lớn, đắt tiền, tốn kém. Một người được đánh giá cao nếu sở hữu nhiều tiền, nhiều biệt thự, xe hơi sang trọng, áo quần hàng hiệu,…Những giá trị về đạo đức, thẩm mỹ hoặc trở nên khuất lấp, hoặc sai lệch. Bởi nếu xét đến thẩm mỹ và văn hóa Việt thì chúng ta không chuộng những thứ to, lớn, hùng vĩ. Nếu như hiểu bản sắc nằm ở việc lựa chọn kiểu giá trị sống thì bản sắc của dân tộc Việt phải là kiểu lựa chọn những cái đẹp thanh, nhã, vừa vặn, bình dị, gần gũi. Trong Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc, Trần Đình Hượu đã chỉ rõ:Với người Việt “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình hợp lí. Áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”. Phong cách kiến trúc truyền thống của người Việt vì thế cũng ưa chuộng những công trình không quá cao. Trong các đền, chùa, tượng thờ cũng không quá to, lớn, kích thước phần lớn là bằng kích thước người thật. Đặc biệt, đường nét của tượng tinh tế, mềm mại và tạo sự gần gũi với con người. Trái với hiện nay, các chùa, đền luôn thể hiện sự uy nghi của mình bằng những pho tượng to lớn, xa lạ, lắm khi là dữ tợn, cách biệt với con người. Trong cuốn Văn minh vật chất của người Việt, tác giả Phan Cẩm Thượng chỉ ra: “Nếu như truyền thống kiến trúc của người Việt tinh tế và đep đẽ biết bao nhiêu, những thành tựu của kiến trúc Pháp có thể học hỏi biết bao nhiêu, thì kiến trúc hiện đại chỉ là những cái hang bê tông[….] Ai nấy đều muốn to cao kệch cớm, bầy những bộ xa long choán hết cả đường đi lối lại, những hoành phi câu đối vàng son giả lộng lẫy hơn cả đình chùa, còn chữ Nho thì rất nguệch ngoạc, và những hương án quá cỡ, những bàn ghế gỗ chạm trổ cầu kỳ đến mức không ai muốn ngồi, bên cạnh những lục bình to tướng cao hơn đầu người.[1] Tất cả những hiện tượng trên phải chăng phản ánh một sự lệch lạc trong quan niệm về giá trị? Một lối sống chạy theo hình thức, trong một xã hội căn bệnh hình thức đã ăn sâu bám rễ? Chính sự vật chất hóa ấy đang khiến cho tính thẩm mỹ, giá trị văn hóa ngày càng mai một. Không biết khi tạo ra những công trình kỳ vĩ kia người ta có nghĩ đến giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ và văn hóa hay không? Điểm khác biệt của con người với loài vật là ở biết nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp, là sự sáng tạo. Chính vì thế mỗi công trình, tác phẩm do con người tạo ra đều mang trong nó đặc điểm tâm hồn, tư duy, tính thẩm mỹ, ước vọng,…của cá nhân hay của cộng đồng. Nghĩa là nó mang giá trị văn hóa, tinh thần vượt xa những thứ vật chất hiện hữu. Vậy mà những gì đang diễn ra ngày nay, khi xã hội ngày một văn minh lại là vật chất hóa, tầm thường hóa các công trình bằng một chuẩn giá trị sai lệch.

Mỗi khi Tết đến nghe về các cặp bánh nặng hàng tấn, hàng tạ, tôi lại chợt nhớ đến những người cửu vạn mình gặp trên đường phố Vinh. Năm ngoái họ nói với tôi: “Chúng tôi chưa biết gì đến Tết hết, phải tầm 29, 30 tháng Chạp mới lo. Giờ lo cho bữa ăn mỗi ngày trước đã”. Chao ôi, số tiền hàng nghìn tỷ, những tấn, tạ làm bánh xác lập kỷ lục kia có thể lo được bao nhiêu bữa ăn?

 

 



[1] Phan Cẩm Thương, Văn minh vật chất của người Việt, NXB Tri thức, HN, 2015, tr. 580.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511896

Hôm nay

2222

Hôm qua

2337

Tuần này

22270

Tháng này

218769

Tháng qua

121356

Tất cả

114511896