Văn hoá học đường

Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi

Khu di tích Kim Liên từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các em học sinh khắp mọi miền đất nước. Hằng năm, Khu Di tích Kim Liên đón tiếp hàng ngàn đoàn học sinh đến tham quan, tưởng niệm và học tập. Tuy nhiên, với các em nhỏ vùng cao, ở những ngôi trường xa trung tâm thì việc nhà trường tổ chức cho các em một chuyến tham quan thực sự rất khó khăn.

Cán bộ Khu di tích Kim Liên nói chuyện chuyên đề tại Trường THCS Thành Thọ, Xã Thành Sơn, Huyện Anh Sơn

Với mong muốn có thể giúp các em nhỏ ở vùng cao - những nơi ít có điều kiện tham quan thực tế tại điểm di tích được hiểu rõ hơn về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thân thế sự nghiệp của Người, chúng tôi - những thuyết minh viên của Khu Di tích Kim Liên đã tổ chức các buổi đi nói chuyện, thuyết minh tại các huyện miền núi Nghệ An.   

Khu di tích Kim Liên trao quà cho các em học sinh khó khăn tại trường THCS Thành Thọ, huyện Anh Sơn

Điểm đến đầu tiên trong hành trình của chúng tôi trong tháng 3 này là Trường Tiểu học và THCS Nậm Nhoóng của xã Nậm Nhoóng huyện Quế Phong và lần này là các trường học ở hai huyện Anh Sơn và Con Cuông. Đối với chị em thuyết minh chúng tôi mà nói, đây là một hành trình đặc biệt mà mỗi chúng tôi đều hăm hở và hăng hái xung phong, bởi chúng tôi đều mong muốn được đặt chân đến mọi vùng miền trong tỉnh và hơn thế, bởi chúng tôi biết rằng ở đó, các bạn nhỏ đang vô cùng háo hức và chờ đón mình. Vượt qua quãng đường chừng hơn 100km quanh co, chúng tôi đến với ngôi trường THCS Thành Thọ, xã Thành Sơn của huyện Anh Sơn. Đây là một trong hai xã xa xôi và gần như khó khăn nhất của huyện Anh Sơn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đường sá ở đây được làm rất đẹp, nên hành trình của chúng tôi khá dễ dàng. Không như chúng tôi hình dung từ trước, đập vào mắt chúng tôi là một ngôi trường cấp hai khá khang trang và chờ đợi chúng tôi là sự niềm nở của toàn thể các thầy cô giáo và sự háo hức mong chờ của các em học sinh. Chúng tôi thực sự bất ngờ và cảm động trước sự chuẩn bị chu đáo, sự đón tiếp tận tình của các thầy cô và các em học sinh. Mở đầu là những tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc múa hát về Bác Hồ do các em học sinh và giáo viên nhà trường thể hiện. Buổi nói chuyện diễn ra với sự tham gia của hơn 300 học sinh của hai phân hiệu và còn có sự có mặt của cán bộ Huyện đoàn Anh Sơn, cán bộ hai xã Thành Sơn và Thọ Sơn... Các em học sinh rất say sưa, hào hứng bởi lối kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn nhưng cũng rất tình cảm của cô thuyết minh và kèm theo đó là những phần quà khi các em trả lời đúng các câu hỏi. Sau buổi nói chuyện, chúng tôi thay mặt Khu Di tích Kim Liên gửi tặng 20 phần quà nhỏ cho các em có thành tích xuất sắc trong học tập và một số sách cho thư viện nhà trường. Tuyệt vời nhất là kết thúc buổi nói chuyện, nhà trường đã tổ chức màn đồng diễn với những điệu nhảy sạp, múa xòe truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái vô cùng ấn tượng. Được hòa cùng các em trong điệu nhảy sạp, múa xòe, đối với chúng tôi mà nói đây là trải nghiệm vô cùng khó quên.

Cán bộ Khu di tích Kim Liên kể chuyện về Bác Hồ cho các em học sinh trường tiểu học Đôn Phục, huyện Con Cuông

Ngày công tác thứ hai, chúng tôi đến với các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Đôn Phục tại xã Đôn Phục của huyện Con Cuông với chủ đề “Quê hương gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của Bác Hồ dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng". Đôn Phục cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Con Cuông. Cũng giống như các em học sinh ở Thành Thọ, chúng tôi cảm nhận được những tình cảm, niềm vui, phấn khởi của các em học sinh khi được cô thuyết minh kể chuyện về Bác Hồ, được nhận những món quà nhỏ xinh khi trả lời đúng câu hỏi, không khí buổi nói chuyện rất sôi nổi và ấm áp. Qua buổi nói chuyện, các em hiểu hơn về truyền thống quê hương, truyền thống gia đình và tuổi thơ đầy khó khăn nhưng rất nhiều trải nghiệm của Bác; rằng Bác của chúng ta cũng được sinh ra ở một miền quê nghèo như bao miền quê khác, nhưng nhờ ý chí ham học hỏi, nhờ tình yêu quê hương đất nước, với hoài bão lớn lao đã làm nên những điều vĩ đại. Qua những câu chuyện nhỏ, chúng tôi muốn khơi gợi trong các em tình yêu quê hương đất nước, khích lệ các em vươn lên, vượt qua khó khăn để học tập và trở về xây dựng quê hương giàu đẹp. Chúng tôi tin rằng, buổi nói chuyện đã đem lại cho các em nhiều cảm xúc và các em cũng cảm nhận được sự ấm áp, chân tình từ các cô, chú đến từ Khu Di tích Kim Liên.

Cán bộ Khu di tích Kim Liên trao quà cho các em học sinh khó khăn tại trường Tiểu học Đôn Phục

Chia tay các em ra về, trong lòng chúng tôi thật nhiều cảm xúc khó tả, vui vì được chứng kiến sự đổi thay trên những vùng cao của xứ Nghệ, đời sống đồng bào đang dần khá lên, cuộc sống của các em được quan tâm, tạo điều kiện nên đỡ vất vả hơn rất nhiều; vui vì đã đem đến cho các em một niềm vui nho nhỏ. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi vẫn có chút chạnh lòng và trăn trở. So với các bạn miền xuôi, hành trình đi tìm kiếm tri thức của các em vùng cao vẫn còn nhiều vất vả, thiệt thòi. Tôi nhớ mãi hình ảnh, khi cô thuyết minh hỏi: Trong các em ở đây, đã có em nào được về thăm quê Bác? Hơn 300 học sinh nhưng chỉ lèo tèo vài ba cánh tay dơ lên. Bởi vậy, chia tay thầy cô và các em nhỏ, trong lòng chúng tôi còn nhiều trăn trở và mong muốn có thể đi đến được nhiều vùng miền, nhiều ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa hơn nữa, có thể tiếp cận được với nhiều bạn nhỏ hơn và có nhiều giúp đỡ thiết thực hơn nữa đối với nhà trường và các em. Và cũng mong rằng, trong một ngày không xa, sẽ được đón các em trực tiếp về thăm quê hương Bác, được tận mắt chứng kiến những kỉ vật gắn liền với Bác và gia đình những năm tháng tuổi thơ, được sống trong khung cảnh làng quê Việt Nam cuối thế kỷ XIX, và cảm nhận rõ hơn về những yếu tố đã góp phần nâng bước chân người Thanh niên Nguyễn Tất Thành trên con đường cứu nước, cứu dân.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441774

Hôm nay

2174

Hôm qua

2317

Tuần này

21678

Tháng này

216948

Tháng qua

112676

Tất cả

114441774