Những góc nhìn Văn hoá

“Thi pháp đại dương” trong tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung của Đỗ Quyên

Với tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung, Đỗ Quyên đã gắn kết một cách tự nhiên các hình tượng phân mảnh, rời rạc, cắt dán ngẫu nhiên bằng một cảm hứng giễu nhại mang tính gợi mở, khiến người đọc cảm nhận được bóng dáng của một đại tự sự mà theo nguyên tắc phải bị gạt ra khỏi thi pháp hậu hiện đại như nhà văn đã chọn.

Đó là một đại tự sự về mối quan hệ quái dị giữa hai nước Trung, Việt đã bị nhà văn đội cho chiếc mũ trào tiếu của anh hề rồi ném thẳng vào đại dương liên tưởng tự do mênh mông cuồn cuộn sóng. Những chuỗi hình tượng ẩn dụ vừa cụ thể, vừa tượng trưng, vừa khái quát, vừa hài hước ấy đã phát lộ chân tướng của mối quan hệ Trung-Việt Việt-Trung, dẫn dắt người đọc lặn dần xuống những luồng hải lưu văn hóa chính trị ở chiều sâu, thám hiểm mối quan hệ láng giềng định mệnh, “vừa hợp tác vừa đấu tranh” đầy những éo le, bất ngờ và thú vị.

Ẩn dụ về láng giềng định mệnh

Qua cách kể chuyện tưng tửng, lan man, nhà văn đã lộn trái đại tự sự trong đời thành một đại tự sự trên sân khấu của những anh hề. Cắt dán và giễu nhại các nhân vật Việt, Trung từ mọi nguồn trong cảnh ngộ họ vướng mắc vào nhau, xoắn xuýt với nhau, đâm va vào nhau trong quá trình trôi dạt trên đại dương lịch sử và nghệ thuật; mô tả một cách tỉ mẩn những hành tung và những phát ngôn của các nhân vật này để lật tẩy các thủ đoạn, cho người đọc thấy chất keo văn hóa chính trị đã tạo nên sự gắn kết Việt-Trung Trung-Việt một cách bi thảm, hài hước và lố bịch.

Truyện khoa học giả tưởng CHUYỆN TỔ QUỐC MOVING BẤT THÀNH có thể coi là ẩn dụ cay đắng và hoành tráng nhất về kẻ láng giềng định mệnh Trung Hoa. Để chạy trốn khỏi kẻ láng giềng đê mạt này, một dự án khủng được triển khai nhằm “moving toàn bộ nước Đại Việt - con người và thể chế, nhà cửa và sông núi, phong tục và phong thủy, linh hồn và mồ mả…”*) tới Kanada, an tọa tại bang Orange, sống chung với các láng giềng mới tử tế, suốt ngày đêm hát múa, vẽ tranh tạc tượng, uống bia… chỉ với một điều kiện khá khắt khe là không được quyền làm thơ và gây chiến. Nhưng “Hội nghị Diên Hồng vi mô” của Đại Việt đã phủ quyết quốc sách “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” với hy vọng sẽ cân đối được hai phương châm trái ngược nhau như nước với lửa là “Chủ quyền bất khả xâm phạm” “Hữu nghị bất khả từ nan”, thành ra hồ sơ moving bị xếp lại, sẽ được tái xét với hiến luật mới của nước Kanada và châu Cực Nam trong 150 năm tới!?

Ẩn dụ về láng giềng định mệnh này giống như tình huống trong tiểu thuyết Của chuột và người, tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Mỹ John Steinbeck. Ở tiểu thuyết ấy hai người bạn đồng hành George và Lennie lang thang khắp vùng đồng quê nước Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái để thực hiện mơ ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn… Lennie là kẻ hoàn toàn bản năng và thú vật, hành xử thô bạo, nhưng lại trở thành niềm mơ ước hão huyền, thành nhà tù và chỗ dựa của Geogre, một người hiền lành có lý trí. Ngay cả khi tức giận nhất, George cũng không dám rời bỏ Lennie. Nhưng liên minh của chuột và người đó luôn luôn thất bại, đúng như câu thơ của Robert Burns: “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”. Ở tiểu thuyết Của chuột và người cuối cùng George cũng bắn chết Lennie, nhưng trong quan hệ siêu quái dị Trung-Việt Việt-Trung thì cái kết vẫn đang bỏ ngỏ cho những tưởng tượng viễn mơ như của Đỗ Quyên có đất tung hoành.

CHUYỆN CÁI MŨI KHOAN VÀ BOM DỊ BÀO là câu chuyện tình ái - gián điệp - khoa học viễn tưởng và hài hước kể về nữ sĩ quan tình báo Vương Thúy Kiều, biệt danh Thúy MC, đã làm tình với Lưu Tiểu Tinh Đan - diễn viên đóng vai Tôn Ngộ Không nổi tiếng trong phim truyền hình dài tập Tây Du Ký - để gài bom sinh học dị bào Việt vào dòng giống Trung Hoa. Những “đặc công trứng” này đã chui sâu vào dòng máu kẻ thù để làm nên chiến thắng lẫy lừng trên biển Đông, cản phá thắng lợi “giàn khoan HD-189” khi giàn khoan đó xâm phạm lãnh hải Đại Việt. Câu chuyện là một ẩn dụ viễn tưởng nhẹ nhàng hài hước nhưng thâm thúy, giễu nhại ảo vọng chiến đấu trong tư duy tự lừa mình và cái khoái cảm dan díu và giao hoan trần tục qua các chương trình hợp tác.

Hình tượng giễu nhại Vương Thúy Kiều không chịu chỉ làm một ẩn dụ về ảo tưởng chiến đấu trong quan hệ Việt - Trung, mà còn tiếp tục sống cái bi kịch sông Tiền Đường trong thời đại mới. Nói cách khác, hình tượng sĩ quan đặc nhiệm Vương Thúy Kiều không chịu nằm yên trong vai trò ẩn dụ giễu nhại mà còn sống tiếp thân phận văn hóa truyền kiếp của mình trong môi trường xã hội của thế kỷ tương lai.

Những dòng sử hoang mang còn nóng hổi

Không chỉ dùng thủ pháp ẩn dụ để đóng gói hồn cốt của quan hệ Việt-Trung Trung-Việt, Đỗ Quyên còn dành hàng trăm trang để chép sử biên niên theo lối các sử quan thời xưa, cắt dán chi tiết từng ngày, từng giờ các diễn biến quan trọng của quan hệ ngoại giao Trung - Việt trong thời tiết chính trị toàn cầu từ thời điểm giàn khoan HD-981 đến nay, đan xen với những tâm tư lo lắng hoang mang, tuyệt vọng rồi hy vọng của trăm triệu con người.

Nhà văn dẫn ta đi qua rừng rậm thông tin các kiểu với bao nhiêu hồi hộp lo âu thắc thỏm buồn vui, căm giận, hoài nghi của toàn dân tộc dõi theo từng động thái, từng biến động trong quan hệ Trung-Việt Việt-Trung. Bản giao hưởng bi hùng của dân tộc giữa ngã ba thời đại với tiếng sóng biển Đông gào thét, tiếng thét hỏi Trời xanh những câu hỏi lớn trong tâm can của toàn dân tộc: Ai là ai? Đi với ai? Tin tưởng ai? Thoát khỏi ai?

Theo từng dòng biên niên sử kỳ khu, ý nhị của Đỗ Quyên, ta có thể thấy những nhếch nhác yếu hèn đã lùi đi, cái sáng suốt, tự tin và hùng mạnh của dân trí và dân khí đã trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ từ cánh rừng rậm rịt những sự kiện láo nháo bi hùng hài pha trộn giữa tiếu lâm và lịch sử, giữa những chuyện tầm phào quán nước và những khát vọng ngàn năm thập thò qua lỗ thủng thông tin.

Những mạch ngầm văn hóa cội nguồn kỳ vĩ

Cuốn tiểu thuyết của Đỗ Quyên không dừng lại ở những biếm họa về lịch sử dan díu, lịch sử dối lừa của quan hệ Trung-Việt Việt-Trung, mà còn cắt nghĩa căn nguyên sâu thẳm của quan hệ này từ tầm nhìn văn hóa vạn năm. Những mảng cắt dán liên văn bản về văn hóa Việt thời tiền sử cho ta thấy ở chiều sâu của quan hệ láng giềng định mệnh này là những nền tảng văn hóa cội nguồn khác nhau như nước với lửa của Đại Việt và Trung Hoa, những kỳ tích, những sự thật về văn minh Việt đã và đang bị vùi lấp trong ngộ nhận và che giấu.

Nền tảng văn hóa chiều sâu đó giống như một đại tự sự ẩn được Đỗ Quyên tưng tửng chỉ ra trong những chuyện có vẻ vu vơ, thậm chí bông phèng. Từ những chuyện ngẫu nhiên nhớ đến như chuyện khác biệt văn hóa người Việt ăn cơm xôi, cầm đũa người Hoa ăn bánh, ăn cháo, đến chuyện chính thống hơn về phẩm chất khách quan khoa học hào phóng trong hành vi bị coi là “phản dân tộc”, “ngụy khoa học” của nhân vật tác giả Tạ Đạo trong công trình nghiên cứu về thủy tổ người Việt - người Mường làm Trung Quốc mừng rơn vì cướp được bản quyền văn hóa Mẹ. Từ đó, đại tự sự về cội nguồn và bản chất văn hóa Việt - Trung được hiển thị dần qua các liên văn bản về việc các nhà bác học thế giới công bố kết quả khảo cổ học và di truyền học mới nhất khẳng định rằng người Việt mang đa dạng di truyền cao nhất trong 7 nhóm dân Đông Á, và cho thấy đất Việt hiện nay từng là cái nôi của các dân tộc châu Á và cũng là nôi văn minh châu Á. Vào khoảng 70.000 năm trước các nhóm người Homo Sapiens từ châu Phi đã lần ven biển Nam Á đặt chân vào Đại Việt. Rồi từ “Địa đàng phương Đông” ấy, người Việt lan tỏa ra Đông Nam Á, tràn ngang sang đất Ấn Độ, và quan trọng nhất họ đã tiến thẳng lên khai khẩn vùng đất bao la hiện nay có tên là Trung Quốc để tạo ra ở đó nền văn hóa nông nghiệp vĩ đại, tạo ra chữ tượng hình của người Việt cổ mà sau này thành chữ vuông của dân tộc Trung Hoa. Hiệu ứng của các đại tự sự văn minh văn hóa Việt hoành tráng trong quá khứ đã soi sáng chiều kích nô lệ ươn hèn trong ứng xử Việt - Trung hiện tại, làm cho những người đọc nhạy cảm rưng rưng một nỗi đau thăm thẳm vạn năm.

Những ngõ ngách u buồn nhếch nhác của văn chương

Các mạch ngầm văn hóa trong tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung được Đỗ Quyên kết nối đan xen với các mạch nổi văn chương, làm bật lên sự nhếch nhác, sa sút của một nòi giống từng khai sáng cho văn minh nhân loại. 

Chuyện văn chương ngẫu hứng lan man vừa rải rác vừa tràng giang đại hải cả trăm trang trong tiểu thuyết; từ chuyện Mạc Ngôn viết truyện Ma chiến hữu bôi nhọ Việt Nam xuyên tạc cuộc chiến xâm lược biên giới năm 1979, đến chuyện văn chương “dở ông dở thằng” và các tổ chức văn bút giao thời trong nước Việt, chuyện tâm trạng văn nhân Việt bị ám ảnh về cái bóng của văn hóa Trung Hoa... đã tạo nên chuỗi ẩn dụ về tinh thần văn hóa hổ lốn tạp nham trong sinh hoạt văn chương Việt Nam đương đại.

Nhà văn kiên trì len lỏi vào từng ngõ ngách văn chương u tối, ồn ào và nhạt vịcủa Hà Thành để truy lùng những ám ảnh Trung Hoa, những vết thương trong tâm hồn và nhân cách văn nhân do con thú văn hóa và chính trị Trung Quốc gây ra cho độc giả thấy rõ tấn bi kịch muôn màu muôn vẻ của cốt cách dân tộc do văn hóa ngoại giao Việt-Trung Trung-Việt gây ra. […]. Rõ ràng, chuyện giàn khoan, chuyện biển Đông và chuyện quan hệ Trung-Việt Việt-Trung đã soi sáng tư cách và thân phận trí thức Việt, văn nhân Việt, làm họ bừng ngộ bao lẽ đời gắn liền cùng bao chân lý thẳm sâu. […].

Chuyện về biển Đông và Thi pháp Đại dương

Từ hai thập kỷ qua, trong sáng tác văn chương của người Việt trong và ngoài nước đã có một số tác phẩm thơ ca, tiểu thuyết cắt dán, giễu nhại, liên văn bản được coi là “hậu hiện đại”, nhưng hầu hết vẫn chỉ là biến tấu của một thứ ngụ ngôn cổ xưa. Bên cạnh số ít tác phẩm thú vị, thành công, gây hiệu quả thẩm mỹ hậu hiện đại trong sứ mệnh giải thiêng thầm lặng, hầu hết những tác phẩm khác đều là những cách nói lóng đơn giản. Những tác phẩm này giống như thứ văn chương ám chỉ kiểu mới mà thông điệp cũ cứ trồi lên trên bề mặt, bắt cóc hết mọi sắc thái thẩm mỹ độc lập của hình tượng và câu chữ để ép nó thành những chiến binh lập dị.

Tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung của Đỗ Quyên hầu như không có những trang, những đoạn mang cảm hứng Chiến tranh lạnh lỗi mốt kiểu này. Trái lại, các tư liệu đa ngành đa dạng bộn bề trong tiểu thuyết đã kết nối thành những hình tượng cắt dán liên văn bản mang nội dung độc lập và sắc thái thẩm mỹ của cái phân mảnh tự thân, thẳng thừng giễu nhại, giải thiêng thứ văn hóa chính trị nhu nhược, giả hình, ảo tưởng và tự sướng.

Điều thú vị là, trong Trung-Việt Việt-Trung,đại dươngvừa là không gian văn chương, vừa là thi pháp. Một sự trùng khớp hiếm hoi trong lịch sử sáng tạo văn học.

 

Câu chuyện éo le đầy nghịch lý quái đản về quan hệ Trung-Việt Việt-Trung là một đại tự sự của thời đại hôm nay trên sân khấu đại dương. Nhưng cái đại tự sự định mệnh đang cuốn hút sự quan tâm lo lắng của toàn nhân loại trong đời thực ấy đã bị chính thi-pháp-đại-dương phá hủy, xé vụn, đập nát khi đưa vào tác phẩm.

Nói cách khác, Đỗ Quyên đã sử dụng thi pháp đại dương để biến đại tự sự văn hóa và chính trị trong đời thực hôm nay thành những vụn mảnh thông tin và sự kiện vật vờ, ngẫu nhiên, trôi nổi theo các luồng hải lưu thời đại, theo sự xô đẩy của các đợt sóng ngầm nghệ thuật để bập bềnh trôi dạt từ góc biển ký ức này sang góc trời kia, gặp gỡ nhau tình cờ trong những đợt sóng liên tưởng rồi bị xoắn chặt vào nhau, chung nhau một vũ điệu giễu nhại, một nghi lễ suy tư hay một trò đùa bôi xóa... để rồi lại bị đợt sóng liên tưởng khác đánh bật khỏi nhau, chìm vào quên lãng hay tiếp tục lang thang chờ đợi cuộc hôn nhân chớp nhoáng trên sóng cả...

Một mảnh báo thời sự hay một trang tiểu thuyết, một trích đoạn phê bình hay một dòng xã luận, một thông tin khảo cổ hay một vũ khí sinh học viễn mơ, một nhà văn Trung Hoa hư cấu hay các tổ chức văn đàn Việt Nam cắt dán, một nàng Kiều mang thân phận văn hóa Việt hay một Tôn Ngộ Không mang sứ mệnh kép hòa trộn tình hữu nghị cổ xưa với bộ phim ăn khách bây giờ... - tất thảy những hình tượng cắt dán phân mảnh này đều bị nước biển hậu hiện đại làm nhòe mờ đi đôi nét tên tuổi, nhưng đều rõ mặt và đều điệu nghệ trong trò ngụp lặn nghệ thuật phi định hướng, dập dềnh trên sóng như những “người chết trôi đẹp nhất trần gian” của Gabriel Márquez. Các hình tượng này giống như những thuyền nhân bị bứt khỏi quê hương ngôn từ, mất phương hướng đại tự sự, mất căn cước thể loại, lang thang vô vọng trong đại dương nghệ thuật của Đỗ Quyên. Nhưng khác với các thuyền nhân và rác biển ngoài đời, những thuyền-nhân-nghệ-thuật ấy được cấp ngay căn cước thể loại mới với mã zen thẩm mỹ mới để trở thành công dân của “Vương quốc nghệ thuật Hậu hiện đại” ngay khi còn đang dập dềnh trôi nổi bị sóng đánh tung lên rồi bị cuốn sâu xuống đáy đại dương.

Trung-Việt Việt-Trung là cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại trí tuệ, chua chát, hài hước, mới mẻ và hấp dẫn về thân phận thăng trầm éo le, bấp bênh đầy nghịch cảnh của dân tộc Việt Nam trong sự xoay vần của quan hệ Việt – Trung, và về những tâm tư bộn bề giằng xé lo âu của người trí thức trước thân phận giống nòi khi cái bóng Trung Quốc đè nặng trong tâm tưởng, đe dọa cả tương lai, làm biến dạng thậm chí đảo ngược các giá trị văn minh, văn hóa đã chuyển giao bền vững ngàn đời.

Lời kết

Đọc Trung-Việt Việt-Trung, tôi chợt nhớ đến một ý kiến sâu sắc và tinh tế của nhà nghiên cứu người Nga Konstantin Kornev trong bàiChủnghĩaHậuhiệnđạiphươngTây  phương ĐôngmàĐỗ Quyên từng nhắc đến ở một tham luận: “Chủ nghĩa Hậu hiện đại đem lại cho con người phương Đông cơ hội chiến thắng văn hóa Tây phương trong chính mình, chiến thắng tính duy lý Tây phương đã bóp méo ý thức của hắn, nhờ chính thuốc trị Tây phương”; “Như vậy, Hậu hiện đại có hai bộ mặt - Đông và Tây. Cái ở phương Tây là sự tự hủy, thì ở phương Đông lại là sự giải phóng và sự trở về mình.” (NgânXuyêndịch). Tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trungkhông chỉ là một minh chứng của nội lực hậu hiện đại trong tâm cảm con người phương Đông nói chung mà còn bộc lộ khả năng tự trào ngoạn mục của chính phương Đông. Hơn thế nữa, tác phẩm gần gũi mà cao siêu này còn hé lộ bản chất hậu hiện đại trong đời sống Việt và bản lĩnh thiền sư “không chấp hình tướng” trong trí tưởng tượng sáng tạo văn chương.

Từng đọc những bài thơ đầu tiên của Đỗ Quyên từ thập kỷ 80 khi nhà thơ còn ở Hà Thành, lại là thành viên gắn bó của một diễn đàn về trí thức mà Đỗ Quyên đồng sáng lập hồi đầu thế kỷ 21, tôi chỉ biết nhiều về nội lực thơ, nhãn quan lý luận văn học uyên bác của anh và khả năng tổ chức các cuộc chơi trí tuệ với những ứng xử tinh tế và lịch lãm liên kết nhiều cực đoan khác biệt của những người chơi, hòa giải những mâu thuẫn cá nhân, những xung đột chính trị và văn hóa nên rất bất ngờ trước cuốn tiểu thuyết vừa thời sự, vừa muôn thuở, vừa mang tính độc sáng tự trào như thế. Đây là nụ cười minh triết của một võ sĩ cao tay, vừa đánh võ vô chiêu vừa mỉm cười bí ẩn - một nụ cười Di Lặc hé ra niềm hoan lạc sáng tạo từ thẳm sâu giác ngộ của mình. 

 

---------

*) Các chữ in nghiêng trong ngoặc kép trích từ tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114498544

Hôm nay

274

Hôm qua

2374

Tuần này

2833

Tháng này

215937

Tháng qua

120308

Tất cả

114498544