Những góc nhìn Văn hoá

Hình ảnh Hà Nội từ tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô đến phim Hà Nội mùa đông năm 46

Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ, điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, ra đời rất lâu sau văn học, kịch, âm nhạc, múa, hội họa, kiến trúc. Sự phát triển của văn học đã cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho sự phát triển của điện ảnh. Điều ấy có thể thấy rõ trong lịch sử nghệ thuật thế giới và cả Việt Nam. Văn học sở dĩ có vai trò quan trọng đối với truyền thông điện ảnh là do tính phong phú của nội hàm và ngoại diên của nó.

Thực tế cho thấy, những tác phẩm văn học lớn thường gợi nhiều cảm hứng cho các nhà làm phim. Có không ít tác phẩm văn học là tiền đề cho tác phẩm điện ảnh và được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. Một số trường hợp, tác phẩm điện ảnh và tác phẩm văn học gặp gỡ nhau ở cùng một chủ đề, một đối tượng phản ánh, một nguồn cảm hứng; một số khác lại là sự hồi đáp, là tiếng vọng của nhau. Nói chung quan hệ giữa chúng ngày càng đa dạng. Tìm hiểu quan hệ giữa chúng là tìm hiểu cái mà khoa học hiện đại gọi là “quan hệ liên văn bản”. Nếu coi tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh là hai hệ thống kí hiệu khác nhau thì trong trường hợp này, mối quan hệ liên văn bản giữa văn bản văn học và văn bản điện ảnh càng trở nên phức tạp vì đây là sự tham chiếu giữa hai loại văn bản thuộc hai loại hình nghệ thuật khác nhau, giữa văn bản văn học và văn bản phi - văn học tạo nên mạng lưới mở rộng tập trung nhiều loại kí hiệu văn hóa.

Đặt tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng và bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 trong mối liên hệ với nhau, người viết muốn tìm hiểu tính tương hỗ, tính liên văn bản giữa các văn bản không cùng kiểu kí hiệu với nhau, nhưng lại biểu hiện cùng một chủ đề là tìm lại hình ảnh Hà Nội. Hình ảnh Hà Nội có thể xem là một mã văn hóa vừa cố định vừa có tính gợi mở, vậy cách xử lí của mỗi tác giả, mỗi loại hình nghệ thuật đối với mã văn hóa đó như thế nào?

Từ Hà Nội trong Sống mãi với thủ đô...

Hình ảnh Hà Nội trong trang văn của Nguyễn Huy Tưởng thấp thoáng trong Hà Nội mùa đông năm 46, có khi hiển hiện rõ nét, có những sai biệt, có những tương đồng. Xem Hà Nội mùa đông năm 46, không thể không liên tưởng đến Sống mãi với thủ đô nếu ai đã từng đọc tiểu thuyết này rồi. Cũng tinh thần ấy, cũng không khí ấy, không gian ấy và phần nào hình sắc ấy, có thể nói, lịch sử đã đi vào văn học và điện ảnh theo các cách khác nhau nhưng cùng thể hiện chung một tính chất.

Nguyễn Huy Tưởng vẫn được biết đến với tư cách là người Hà Nội, nhà văn Hà Nội. Niềm tự hào đó gắn liền với sáng tác của ông từ Đêm hội Long Trì, đến Vũ Như Tô, An Tư, Những người ở lại, Lũy hoa, Sống mãi với thủ đô. Ông từng ấp ủ dự định sáng tác một tiểu thuyết dài. Sống mãi với thủ đô là kết quả của dự định đó, dù cuốn sách chỉ mới đi được một nửa chặng đường nhưng vẫn có sức khái quát rộng lớn và khả năng lan toả mạnh mẽ. Sự dang dở đáng tiếc của Sống mãi với thủ đô đã được bù đắp lại khá đầy đủ ở kịch phim Lũy hoa. Lịch sử đã trở thành lạch nguồn cho sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng ngay từ những ngày đầu cầm bút. Những nghiên cứu, tìm tòi và hiểu biết của nhà văn về lịch sử được thể hiện qua các tác phẩm, và mỗi vở kịch, mỗi tiểu thuyết của ông, do vậy, đã ghi dấu một giai đoạn, một thời điểm của lịch sử. Song nhà văn không lệ thuộc hoàn toàn vào tư liệu lịch sử, bằng cách riêng của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã đưa lịch sử về gần hơn với người đọc.

Sống mãi với thủ đô có thể xem là một “bộ sưu tập” về Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng cùng lúc vẽ ra nhiều bức tranh Hà Nội: Hà Nội truyền thống, Hà Nội hào hoa, Hà Nội lầm than, Hà Nội khói lửa, Hà Nội đau khổ, Hà Nội anh hùng, Hà Nội của chính nhà văn và Hà Nội của nhiều người Hà Nội, nhiều người không phải ở Hà Nội. Nhưng quan trọng nhất là Hà Nội ở điểm thời gian khởi đầu: khởi đầu của cuộc kháng chiến và khởi đầu của một năm mới. Lựa chọn biến cố Hà Nội trong đêm nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc làm tâm điểm, Nguyễn Huy Tưởng đã dựng lại được cả một giai đoạn lịch sử bi tráng và lưu giữ được hình ảnh Hà Nội, không khí Hà Nội trong thời điểm cam go ấy của lịch sử.

Trở lại với những ngày cuối năm 1946, Thực dân Pháp đi ngược lại với Hiệp ước sơ bộ 6/3 và Tạm ước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí với Chính phủ thuộc địa Pháp, lính Pháp ngang nhiên khiêu khích ta ở ngay Hà Nội. Cả thành phố đều sục sôi căm thù và đang từng ngày chờ đợi quyết định cuối cùng của cụ Hồ. Khắp các ngôi nhà, ngõ phố thủ đô đều như đang “lên dây cót” chuẩn bị kháng chiến. Và rồi tiếng súng báo hiệu cuộc kháng chiến chống Pháp đã nổ vào đêm 19-12-1946. Hà Nội bước vào những ngày tháng quyết liệt để bảo vệ thành quả cách mạng của chính quyền mới. Đây cũng là lúc để “thử lửa” tinh thần người Hà Nội. Hàng loạt nhân vật thuộc các tầng lớp khác nhau: từ người lao động bình dân, người buôn bán đến các trí thức, các cán bộ cách mạng... cùng lúc được đưa lên “sân khấu”. Mỗi nhân vật đã thể hiện được một vẻ của tính cách Hà Nội, tâm hồn Hà Nội.

Giữa thời khắc thử thách quyết liệt giữa sự sống và cái chết, người dân Hà Nội vẫn không quên háo hức đón tết. Không khí chuẩn bị tết quen thuộc làm ấm lòng người: “Cánh cửa chính chợ Đồng Xuân mở toang. Người dân khu phố Đồng Xuân chen chúc nhau vào. Cái ngõ ở phố Hàng Chiếu dẫn vào chợ cũng lúc nhúc những người kéo sang (...) đây là trái tim của Hà Nội, là nơi tập trung những hàng tinh xảo của các phố phường (...) Trong những ngày áp tết, cái tên Đồng Xuân càng vang động trong lòng mọi người”[1]. Nguyễn Huy Tưởng đã ghi lại được quang cảnh của một Hà Nội bình yên ngay trong lòng chiến tranh: Vườn hoa Cửa Nam có cái sạch sẽ mịn mát của mùa khô. Bên cái bệ còn lại của tượng đầm xòe (...), một đám người khá đông xúm quanh xem một anh thợ nặn. Một quang cảnh tưởng như không còn nữa giữa cái Hà Nội đã ngửi thấy mùi tanh giá của chiến tranh. Người dân thường Hà Nội, hiếu kì và khao khát cái vui, đứng xem như để quên đi những mối lo nghĩ. Mấy đứa trẻ con len dưới chân người lớn để vào gần. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng trầm trồ khen ngợi cái tài khéo của anh thợ, tưởng như Hà Nội vẫn còn đang thời bình”[2].

Hình ảnh Hà Nội hiển hiện qua cái nhìn của nhân vật Trần Văn, chứa đựng trong đó tất cả niềm mến yêu Hà Nội, tiếc nuối những ngày tháng thanh bình, những thời khắc vinh quang của Hà Nội và đau xót uất ức bởi gót giày của kẻ thù đang giày xéo trên những con đường Hà Nội: “Gió lạnh Hồ Gươm phả vào mặt anh, làm cho anh dịu dịu. Nước hồ phẳng như gương, lá cây và váng nước xanh vẩn. Hàng liễu trên bờ phía Cầu Gỗ buông rủ những mành thấp thoáng như sương. Những con đường nhỏ lượn dưới những bóng cây cổ thụ quạnh hiu, cuốn bay vài tà áo màu còn sót lại. Cầu Thê Húc, khom khom, đã ngả màu hồng nhạt. Trấn Ba Đình ủ rũ thấp xuống như bị dìm... Những con rùa lịch sử, chiến thắng và hòa bình, khôn thấy bóng tăm trên mặt nước. Cả đến đàn cò, từ năm này qua năm khác, không bao giờ rời cái cây gạo thân cao thẳng vút và trắng toát cũng không xào xạc như mọi khi... Cái hồ yêu dấu như cũng cảm thấy dân tộc đang gặp khó khăn, và lắng xuống lo âu”[3]. Sự lạnh lẽo và nặng nề của chiến tranh đã bao trùm lên cả cảnh sắc. Người dân tán loạn tản cư, nhưng không quên dặn dò người ở lại: “nhớ giữ Hà Nội cho chúng tôi nhé”. “Phố Gia Ngư, cái phố nhỏ không có cá tính, bà con nghèo của những phố Hàng Đào, Hàng Bạc, tự vệ đang lúi húi đào những hố tác chiến bên hè”[4]. Hà Nội bé nhỏ và thân yêu của Trần Văn oằn mình trong súng đạn: “Phủ Bắc Bộ đưa lại những tiếng liên thanh cục cục rõ mồn một... Hồ Gươm nằm dúi dụi trong bóng tối... Thân cây quằn quại vặn vẹo, lá thít lên đổ xuống lạo xạo...”[5]. Một trong những hình ảnh đẹp nhất trong trang văn của Nguyễn Huy Tưởng, đó là hình ảnh những người con Hà Nội, những người yêu mến Hà Nội đều hừng hực một quyết tâm bảo vệ thủ đô. Họ đã nêu khẩu hiệu: “Mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài”; “Đầu phố Hàng Đào, phía Cầu Gỗ, sừng sững, đỏ tươi, hai chữ CẢM TỬ kẻ từ bao giờ (...). Dưới là một hàng chữ đen: “Chúng tôi, những thanh niên Hà Nội nguyện hi sinh đến giọt máu cuối cùng. Thề sống chết với thủ đô! (...) Một tự vệ đứng sau đống bao cát đầu phố Hàng Đào, chĩa cái nòng súng mút ra khỏi miệng ụ. Phố xá đều im lặng, một thứ im lặng trĩu nặng, và có một vẻ riêng đau xót, thù hằn (...) Những phố Hàng Gai, Hàng Đào, Cầu Gỗ như sát lại, những phố đằng sau như bôn tới, âm ỉ, quyết liệt, sẵn sàng”[6].

Những thanh niên Hà Nội vừa rời ghế nhà trường, chưa hết ngỡ ngàng bởi tiếng súng chiến tranh đã đẩy cuộc đời họ sang một cảnh sống khác, đã không thể giấu nổi lòng căm hận kẻ thù và nhiệt huyết với thủ đô: “Chúng ta ở lại (...). Sống, chúng ta sẽ được trông thấy thủ đô ngàn năm không còn bóng giặc. Chết, chúng ta sẽ có cái tự hào của một thế hệ đã hi sinh lần cuối cùng cho tự do của Tổ quốc (...). Rất buồn cho những kẻ đứng ngoài”[7]. Đó cũng là những suy nghĩ của chính nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - của một thế hệ say mê với lí tưởng cứu nước. Giây phút mọi người lắng nghe Dân đọc lại lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch thật xúc động, tưởng như cả Hà Nội đang im lặng, chờ đợi thời khắc vỡ òa: “Tiêu diệt thực dân Pháp! Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Toàn quốc kháng chiến rồi... Nam bộ không phải một mình chiến đấu nữa”[8]. Hình ảnh Hồ Chủ tịch dù không được nhắc đến nhiều nhưng lại là hình ảnh xuyên suốt tập tiểu thuyết, hình ảnh ấy trở thành niềm tin, thành nguồn động viên vô hình mà mãnh liệt đối với chiến sĩ thủ đô, với nhân dân Hà Nội.

Trong từng trang văn của Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội là không gian thiêng (địa linh), nó được gọi về đầy tự hào: “Hà Nội là đất chiến thắng, Hà Nội có Đống Đa, Hà Nội là đất nghĩa khí, Hà Nội có cụ Hoàng Diệu, Hà Nội là đất cách mạng, Hà Nội có vườn hoa Ba Đình. Đến lượt chúng ta bây giờ, chúng ta phải giải phóng thủ đô, như Trần Quang Khải cách đây bảy trăm năm cướp lại Thăng Long..., như Lê Lợi giải vây cho Đông Đô; như Quang Trung diệt tan quân Tôn Sĩ Nghị...”[9]. Với một cái nhìn bao quát không thời gian ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã nắm bắt được những nét riêng của Hà Nội qua việc đặt đối lập những khoảnh khắc hòa bình – chiến tranh. Chính việc đặt cạnh nhau những cảnh đối lập này làm cho tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô giàu tính điện ảnh.

... Đến Hà Nội trong Hà Nội mùa đông năm 46

Cùng trong một thời điểm lịch sử những ngày chuẩn bị nổ ra toàn quốc kháng chiến chống Pháp, bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 đã tái hiện một cách sinh động hình ảnh Hà Nội, con người Hà Nội đẹp nhất, tiêu biểu nhất ở thời điểm đó. Hà Nội mùa đông năm 46[10] là một trong những bộ phim lịch sử có tiếng vang của Đạo diễn Đặng Nhật Minh, từng nhận giải thưởng Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 năm 1999. Bộ phim nói về những ngày đầu cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong đó, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của dân tộc - trong thời điểm lịch sử cam go này đã rực sáng lên với một tấm lòng nhân từ, yêu thương bao la, luôn mong muốn đem lại cuộc sống hòa bình hạnh phúc cho nhân dân.

Dường như một phần hình ảnh Hà Nội trong Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng đã được “hiện thực hóa” một cách sinh động và chân thực trong Hà Nội mùa đông năm 46. Đồng tác giả của kịch bản phim Nội mùa đông năm 46 - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ: khi viết kịch bản, ông phải đọc và tập hợp rất nhiều tư liệu lịch sử, văn học, trong đó có tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Như vậy, bộ phim thu nạp vào trong nó hàng loạt tư liệu lịch sử, tài liệu quân sự, kinh nghiệm cá nhân của những nhân chứng sống, nó là văn bản đã được mã hóa hai lần. Tự bản thân nó đã là một liên văn bản đa dạng và sinh động.

Có một sợi dây gắn kết giữa Sống mãi với thủ đô Hà Nội mùa đông năm 46 - về mặt cảm hứng sáng tạo. Lựa chọn phản ánh cùng một thời điểm lịch sử, Sống mãi với thủ đô khắc họa toàn cảnh Hà Nội trong những ngày cuối cùng trước khi kháng chiến bùng nổ và ba ngày đầu kháng chiến còn Hà Nội mùa đông năm 46 tập trung xây dựng hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với Hà Nội trong 7 ngày cao điểm trước khi nổ ra sự kiện toàn quốc kháng chiến. Đây là sự khác biệt lớn: nếu trong Sống mãi với thủ đô, con người Hà Nội bình thường là nhân vật chính thì Hà Nội mùa đông năm 46 là lãnh tụ với sự nhấn mạnh vào các sự kiện chính trị lớn.

Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, người xem đã cảm nhận được bầu không khí đang căng thẳng dần lên bởi hơi thở chiến tranh. Bằng những thuyết minh ngắn gọn, bộ phim đã tái hiện được cơ bản tình hình chính trị tại Việt Nam từ 1945 đến thời điểm cuối năm 1946. Lúc này, quân đội Pháp vẫn quyết tâm đẩy nhanh xung đột vũ trang hòng dùng vũ lực lập lại trật tự cũ, những cuộc khiêu khích của lính mũ đỏ Pháp diễn ra hàng ngày trên đường phố Hà Nội, đặc biệt vụ lính Pháp thảm sát anh em tự vệ ở Hải Phòng như lửa đổ thêm dầu, càng khiến người dân căm phẫn. Cả Hà Nội đang căng mình để đối diện với một cuộc chiến tranh không chờ đợi. Người dân Hà Nội rục rịch tản cư, đội tự vệ thành đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống chiến tranh xảy ra. Bộ phim dành khá nhiều trường đoạn để ghi lại giai đoạn chuẩn bị kháng chiến và cuộc chiến đấu của các chiến sĩ thủ đô ở Bắc Bộ phủ. Tính chất ác liệt của chiến tranh được dồn vào tiếng súng, vào những cuộc chiến quyết liệt, vào tổn thất ở cả hai phía.

Không khí chiến tranh đang đến gần len lỏi cả vào ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Lâm - một sinh viên trường luật được cử đến làm việc tại Bắc bộ phủ, bên cạnh Hồ Chủ tịch. Số phận của gia đình anh đã gắn liền với Hà Nội, và từ đây cũng gắn liền với những biến cố lịch sử lớn của dân tộc. Cuộc kháng chiến toàn quốc cũng đã tập hợp được nhiều người Hà Nội thuộc các tầng lớp khác nhau trên cùng một chiến lũy, như anh họa sĩ Hân, cô ca sĩ Hương,.. Họ đã hòa mình vào cuộc kháng chiến để “vẽ những bức họa của đời mình” (theo cách nói của họa sĩ Hân).

Trong thời khắc nặng nề nhất, giữa cảnh tản cư tan tác, khẩn trương, Hà Nội mùa đông năm 46 vẫn có những khoảnh khắc thanh bình: đó là hình ảnh cụ đồ già mặc áo the khăn xếp ngồi bên đường viết câu đối điềm đạm, thanh thản: “Không ai thuê cả, tôi viết để tặng những người ở lại”. Hình ảnh đó gợi nhớ về không khí tết cổ truyền ấm áp, gợi nhớ cả hình ảnh người nặn tò he bên bờ Hồ Gươm ... những cảnh chiến tranh - hòa bình giàu tính điện ảnh đã nói ở trên của Sống mãi với thủ đô mà chắc các tác giả kịch bản Hà Nội mùa đông năm 46 có tiếp nhận.

Máy quay đã lựa chọn những góc quay trung cảnh, cận cảnh để thể hiện được cái “khí hậu Hà Nội” (theo cách nói của Nguyễn Tuân). Có khi nhà quay phim sử dụng kĩ thuật quay phủ, để bao quát được toàn bộ khung cảnh, toàn bộ không gian kháng chiến với bộn bề xe pháo, chiến lũy, khẩu hiệu giăng đầy các phố. Các chiến sĩ tự vệ thủ đô anh hùng mà vẫn hào hoa, trong số họ có lẽ có cả những Dân, những Trần Văn, Nguyễn Gia Định,... của Nguyễn Huy Tưởng. Những cô gái Hà Nội vẫn giữ nét sang trọng, kín đáo, vừa ngượng ngịu vừa hăng hái xin gia nhập vào đội cứu thương, gợi nhắc đến những cô Lan, cô Hương trong Sống mãi với thủ đô. Các nhà làm phim đã lựa chọn và dựng lại được những hình ảnh và những khoảng không gian đẹp và đặc trưng cho Hà Nội lúc bấy giờ: tàu điện leng keng trên phố, tiếng rao của người bán hàng rong, những ngõ phố sâu thẳm, những ngôi nhà cổ kính, cầu Thê Húc đỏ tươi, cầu Long Biên vững chãi,... Hình ảnh một vài cô gái gánh hàng hoa Ngọc Hà lướt qua bộ phim, một cụ già tản cư trở về dặn mấy anh tự vệ: “tối qua tôi xem hoa quỳnh nở nhé”, rất giản dị nhưng ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt. Bên cạnh đó, các nhà làm phim đã dàn dựng khá thành công những cảnh chiến đấu giằng co dữ dội giữa lính Pháp và chiến sĩ tự vệ thành trên đường phố, ở Bờ Hồ, Bắc bộ phủ. Xe tăng Pháp ngông ngênh giữa phố, lính Pháp xả súng vào dân thường. Máu đổ, Hà Nội mịt mùng khói lửa, rền rĩ tiếng súng đạn. Những phân đoạn này được kết nối với nhau nhờ kĩ thuật môngtagiơ[11] đặc trưng của điện ảnh, tạo nên một trật tự nhất định và sự nối tiếp nhau về mặt thời gian của diễn biến sự kiện.

Bộ phim khép lại trong trường đoạn Hồ Chí Minh cùng lớp lớp những người con của Tổ quốc trở lại chiến khu Việt Bắc để làm nên một cuộc kháng chiến thần kì, rồi 9 năm sau đó trở về tiếp quản thủ đô như lời hẹn ước, sau lưng là Hà Nội bừng bừng khói lửa. Cảnh tượng này gợi liên tưởng đến kết thúc mà Nguyễn Huy Tưởng đã hình dung trong tiểu thuyết của mình: cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội vẫn tiếp tục cho đến khi những người con Hà Nội ra đi để 9 năm sau trở lại giải phóng thủ đô.

Trong thời lượng hơn một tiếng nhưng các nhà làm phim đã khái quát được một thời điểm lịch sử có ý nghĩa lớn lao đối với vận mệnh đất nước. Làm phim về chiến tranh thì bối cảnh không thể thiếu được là những trận chiến ác liệt. Những địa điểm như Hồ Hòan Kiếm, Bưu điện Bờ hồ, phủ Bắc bộ đã trở thành “bối cảnh” cho Hà Nội mùa đông năm 46..... Đây được đánh giá là phim đầu tiên về đề tài lãnh tụ khá thành công. Bộ bim cũng có thể xem là một cách diễn giải sinh động và trung thực về hiện thực lịch sử, ở một khía cạnh khác, nó cũng là một phương thức diễn giải đối với nội dung lịch sử được phản ánh trong văn học.

Sống mãi với thủ đôHà Nội mùa đông năm 46 trong mạng lưới liên văn bản

Roland Barthes - một trong những người có đóng góp đáng kể trong việc khai triển khái niệm tính liên trong bài viết Cái chết của tác giả cho rằng: một văn bản được làm nên từ nhiều lối viết, xuất phát từ nhiều nền tảng văn hóa khác biệt, được đưa vào đối thoại với nhau, giễu nhại nhau, phản kháng nhau[12]. Như vậy, một văn bản “thực chất là một không gian đa kích thước ở đó tụ hội vô số các văn bản” và “ý nghĩa của một văn bản không hoàn toàn nằm bên trong bản thân nó mà tồn tại trong mối tương tác với các văn bản khác, nghĩa là, giữa các văn bản khác nhau”[13]. Việc Barthes phủ nhận giới hạn khái niệm văn bản (text) vào những gì được viết ra, khai phóng hàm nghĩa của nó sang đến hội họa, âm nhạc, phim ảnh, và cả những loại hình nghệ thuật khácđã cho phép tiếp cận liên văn bản mở rộng đối tượng nghiên cứu của nó, trở thành khảo sát liên ngành[14]. Xét từ quan điểm đó, người đọc có thể tiếp cận Sống mãi với thủ đô trong mối tương tác với các văn bản khác viết về Hà Nội. Qua đây cũng có thể đặt vấn đề tìm hiểu tính liên văn bản nội tại trong các sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Hệ thống kí hiệu văn hóa về Hà Nội được Nguyễn Huy Tưởng nối dài theo dòng lịch sử: từ thành Thăng Long trong quá khứ đến Hà Nội trong hiện tại. Đặc biệt là Hà Nội trong cặp tác phẩm “máu thịt”: Sống mãi với thủ đô và truyện phim Lũy hoa. Cùng một đề tài, cùng một thực tế, hai tác phẩm là hai lối kể khác nhau. Theo Nguyễn Tuân “Câu chuyện ấy đã kể bằng con chữ rồi, chưa đủ; còn cần phải tiếp tục việc kể chuyện ấy bằng hình ảnh, ghép nhiều ảnh hình diễn biến liên tục trên một cái màn trắng đã tắt hết ánh sáng chung quanh, trừ ra cái ánh sáng của câu chuyện xuyên qua phim chiếu”[15]. Xênariô Lũy hoa nếu được dựng thành phim, hẳn sẽ có những cảnh, đoạn dữ dội như trong Hà Nội mùa đông năm 46.

Hà Nội từ lâu đã trở thành một mã văn hóa cố định trong tâm thức xã hội, là đối tượng phản ánh của nhiều loại hình nghệ thuật. Lịch sử Hà Nội ngàn năm tuổi cùng với những thăng trầm của nó luôn là nguồn chất liệu đầy ắp cho các sáng tác văn học và điện ảnh. Tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng và bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 cùng chọn Hà Nội ở một thời điểm lịch sử đã cho phép người đọc “đọc” cả hai văn bản ở một mối liên hệ rộng hơn. Và sự tương hỗ giữa hai văn bản này, với hai cách thức phản ánh và nắm bắt hình ảnh khác nhau, cũng cho phép người đọc tự hoàn thiện bức tranh về Hà Nội trong khoảnh khắc lịch sử đó. Có thể hiểu rõ hơn điều này qua phân tích của tác giả Nguyễn Nam: “Việc cùng một motif xuất hiện trong các tác phẩm khác nhau tạo ra quan hệ liên văn bản giữa chúng. Những mô thức khảo sát như “hình tượng X trong các tác phẩm của tác giả Y”, hay “hình tượng X trong thể loại văn học Y” cho thấy tính đa nghĩa của một hình tượng khi được chuyển vị vào những văn cảnh cụ thể. Ở mỗi văn cảnh riêng biệt, một (hay một số) hàm nghĩa của hình tượng nổi lên, đóng vai chủ đạo, kết hợp với các yếu tố khác trong văn bản, tạo nên ý nghĩa cho một khổ thơ, đoạn văn, hay cho cả tác phẩm. Dẫu không hiển lộ và ít nhiều khu biệt với những hàm nghĩa nổi trội, các hàm nghĩa khác của hình tượng vẫn tiềm tàng, trì hoãn để, nếu có thể, sẽ được dung nạp vào trong những trường nghĩa khác được kiến lập trên cơ sở những cách đọc mới đối với bản văn”[16].

Tuy nhiên, mỗi loại hình nghệ thuật, khi phản ánh cùng một đối tượng, đều có lợi thế và hạn chế riêng. Chẳng hạn với tiểu thuyết, nhà văn có thể đưa vào nhiều tình tiết và hành động phụ, nằm ngoài “cốt truyện chính” và cho phép ngôn từ được dàn trải phóng túng, nhà văn có thể thâm nhập và mô tả cụ thể diễn biến tâm lý nhân vật. Trong khi Điện ảnh là “sự bộc lộ trực tiếp và sự cảm nhận cuộc sống trong khoảnh khắc xảy ra”, mọi sự mở rộng quanh co đều có khả năng làm lệch trung tâm chính của câu chuyện, nó đòi hỏi phải có một tuyến hành động trung tâm đậm nét, không có nhiều tình tiết và hành động phụ dư thừa. Cá tính nhân vật được thể hiện qua hành động, qua những việc làm và hành vi của anh ta.

Về phía người đọc, quá trình Đọc tiểu thuyết là một quá trình “hiển thị hoá” những gì kể trong văn bản. Họ được tự do xây dựng những tình tiết, cảnh, đoạn theo tưởng tượng của họ. Ngược lại với điện ảnh, người xem bị chi phối và phụ thuộc vào những hình ảnh đã được dựng sẵn. Hình ảnh Hà Nội từ trang văn của Nguyễn Huy Tưởng đến Hà Nội trên màn ảnh có những điểm giao thoa, trùng hợp, đó là điều dễ hiểu, bởi cả hai tác phẩm thể hiện cùng một điểm không - thời gian cụ thể, một hoàn cảnh lịch sử có thật. Điều quan trọng nhất là các tác giả đều cùng có khát vọng thể hiện một Hà Nội hào hoa mà dũng cảm phù hợp với sự chờ đợi của một công chúng độc/khán giả khó tương đồng.

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.          Minh Tùng, Phương Lan (2007), Từ vựng điện ảnh Anh - Pháp - Việt, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
2.                      Phong Lê (2010), Hà Nội trong tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 711.
3.                      Mácxen Máctanh (1984), Ngôn ngữ điện ảnh (Nguyễn Hậu dịch), Cục điện ảnh.
4.                      Đặng Nhật Minh (2005), Hồi kí điện ảnh, Nxb Văn nghệ, H,.
5.                      Nguyễn Nam (2006), Từ Chùa Đàn đến Mê thảo, Liên văn bản trong văn chương và điện ảnh, Tạp chí Văn học, số 12
6.                      Theo Nguyễn Nam (2004), Cái bóng và những khoảng trống trong văn chương (Đọc "Chuyện người con gái Nam Xương"), Tạp chí Văn học, số 4.
7.                      Nguyễn Hưng Quốc, Văn bản và liên văn bản, http://www.tienve.org/home/literature/
8.                      Lê Hồng Sâm biên soạn (2009), Chơi cùng cấu trúc, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
9.                      Erika Fischer - Lichte, Kí hiệu học nghệ thuật sân khấu điện ảnh, Bùi Khởi Giang dịch (1997), Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam, H,.
10.                 Bích Thu, Tôn Thảo Miên (tuyển chọn) (2000), Nguyễn Huy Tưởng về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H,.
11.                 Nhiều tác giả (2010), Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội.
 
 

[1] Sống mãi với thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng tuyển tập (1978), Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, tr. 346
[2] Nguyễn Huy Tưởng, Sđd, tr. 258
[3] Nguyễn Huy Tưởng, Sđd, tr. 448
[4] Nguyễn Huy Tưởng, Sđd, tr. 283
[5] Nguyễn Huy Tưởng, Sđd, tr. 448
[6] Nguyễn Huy Tưởng, Sđd, tr. 394
[7] Nguyễn Huy Tưởng, Sđd, tr. 311
[8] Nguyễn Huy Tưởng, Sđd, tr. 505
[9] Nguyễn Huy Tưởng, Sđd, tr. 403
[10] Tóm tắt nội dung phim Hà Nội mùa đông năm 46:  Lâm - một sinh viên trường Luật, tự vệ thành, được giới thiệu đến nhận công tác tại Bắc bộ phủ. Anh được giao nhiệm vụ làm liên lạc giữa Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp Sainteny. Lúc này mọi cuộc thương lượng chính thức coi như bế tắc, vì các tướng chỉ huy quân sự Pháp cố tình gây xung đột để bằng vũ khí chiếm lại thuộc địa cũ. Trước tình hình đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng duy trì mối liên lạc với Chính phủ Pháp, hi vọng tìm ra những giải pháp để giải quyết những xung đột thông qua đàm phán.
Lê - vợ Lâm trở dạ đẻ vào đúng lúc tiếng súng của cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu nổ. Lâm lao vào cuộc chiến đấu trên chiến lũy Hà Nội, trong lúc các cảm tử quân tại Bắc bộ Phủ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
[11] Môngtagiơ (dựng phim): là đặc trưng cơ bản nhất của ngôn ngữ điện ảnh, được hiểu là sự sắp xếp những khuôn hình của phim trong một trật tự nhất định và nối tiếp trong thời gian.
[12] Roland Barthes - Cái chết của tác giả, Phan Luân dịch, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2-2008
 
[13] Theo Nguyễn Nam, Cái bóng và những khoảng trống trong văn chương (Đọc "Chuyện người con gái Nam Xương"), Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4-2004.
[14]Theo Nguyễn Nam, Cái bóng và những khoảng trống trong văn chương (Đọc "Chuyện người con gái Nam Xương"), Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4-2004.
[15] Nguyễn Tuân, Lời bạt Lũy hoa, trích theo Nguyễn Huy Tưởng, về tác gia và tác phẩm, tr. 528
[16] Nguyễn Nam, Từ Chùa Đàn đến Mê thảo, Liên văn bản trong văn chương và điện ảnh, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12-2006.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529337

Hôm nay

280

Hôm qua

2304

Tuần này

21610

Tháng này

216033

Tháng qua

0

Tất cả

114529337