Những góc nhìn Văn hoá
Nhà văn Mario Vargas Liosa quan niệm về vai trò nhà văn trong xã hội
Nhà văn Pêru/Tây Ban Nha của châu Mĩ la tinh Mario Vargas Llosa, đoạt giải thưởng Nôben về văn học năm 2010. Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới như: Thành phố và những con chó,Cuộc trò chuyện trong nhà thờ, Điếu văn bà mẹ kế, Cuộc phiêu lưu của một cô gái xấu... Ông còn nổi tiếng là người bạn văn chương thân thiết của nhà văn vĩ đại Gácxia Mackết (nhà văn đoạt giải Nôben năm 1982, với tiểu thuyết Trăm năm cô đơn). Nhưng tình bạn giữa họ bị tan vỡ, vì bất đồng quan điểm chính trị. Và sau ba mươi năm, hai người mới lại bắt tay với nhau gần đây.
Dưới đây là Cuộc trả lời phỏng vấn của ông trên Báo Tin tức Nga. Nữ phóng viên Natalia Kôchenkôva thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Phóng viên: Thưa nhà văn Mario Vargas Llosa, những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ở nước Nga chúng tôi tồn tại một khái niệm: "Nhà thơ ở nước Nga, còn cao hơn cả nhà thơ". Rất nhiều người tâm đắc với quan niệm ấy từ ngày đó tới giờ. Ngài luôn quan niệm rằng nhà văn phải quan hệ chặt chẽ với đời sống xã hội, và chính ngài đã từng là ứng cử viên cuộc bầu cử tổng thống Pêru năm 1990. Nay ngài vẫn tin rằng nhà văn phải tham gia vào việc hoạt động chính trị?
Nhà văn Mario Vargas Llosa: (Cười) Vâng, trước hết tôi vẫn là nhà văn, chứ không phải là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Nhưng tôi vẫn cho rằng nhà văn phải có bổn phận tham gia vào những vấn đề xã hội, đặc biệt là những nước còn tồn tại nhiều điều bất ổn, (lại cười) - mà những nước ấy lại chiếm số đông trên thế gian này. Tôi nghĩ rằng ở một mức độ nào đó nhà văn cần phải tham gia vào đời sống chính trị xã hội, cần phải phát biểu quan điểm của mình và bảo vệ nó đến cùng. Bà thấy đấy, khi đã dùng đến ngôn ngữ chính trị thì phải hết sức sắc sảo và đanh thép. Song điều quan trọng nhất là phải giữ được sự độc đáo và tươi mới trong tâm hồn của mình. Chính những điều ấy sẽ giúp đỡ nhà văn rất nhiều.
Tôi xin khẳng định lại rằng tôi không phải là nhà chính trị. Ở Pêru tôi bị cấm hoạt động chính trị. Đó là thời kỳ nền dân chủ bị bóp nghẹt. Chính vì vậy tôi phải lao vào hoạt động chính trị để bảo vệ dân chủ. Song tôi chỉ hoạt động với tư cách nhà văn mà thôi.
Phóng viên: Vậy tôi xin hỏi: Khi bước vào hoạt động chính trị, thì còn làm nhà văn như thế nào, thưa ngài?
Nhà văn Llosa: Điều này phụ thuộc vào chính bản thân nhà văn. Có người vừa sáng tác văn học vừa hoạt động chính trị. Song có người lại ít xuất hiện trên văn đàn khi đang làm chính trị. Tôi trân trọng cả hai dạng nhà văn ấy. Song tôi vẫn cảm thấy rằng, trong nhiều trường hợp, dẫu ta căm ghét chính trị, nhưng ta vẫn phải dùng một phương cách nào đấy để thể hiện quan điểm củamình, tranh luận trên báo về những vấn đề chiến tranh, hoà bình, về quyền sống con người, về văn hoá... Có rất nhiều vấn đề để nhà văn thể hiện chính kiến của mình. Tôi không cho rằng nhà văn phải đóng cửa và làm việc trong thư viện kín,để sáng tạo ra lịch sử...
Sự ô nhiễm thường xuyên trong quan hệ với đời sống xã hội và chính trị, sẽ là nguy cơ lớn cho văn học và nghệ thuật - đó là sự thật. Văn học có thể được sử dụng như là vũ khí để tuyên truyền, và điều này thật là tệ. Nhưng mặt khác tôi lại thấy nếu văn học tách rời hiện thực sinh động của cuộc sống thì nó sẽ trở nên nhạt nhẽo và thô kệch ngay. Những tác phẩm văn học vĩ đại bao giờ cũng phản ánh xã hội, thể hiện những vấn đề cơ bản của nó, cùng những ước mơ hy vọng của con người. Và như vậy, theo tôi, thì văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung đều có quan hẽ chặt chẽ với hiện thực cuộc sống quanh ta. Chứ không chỉ bó hẹp trong trí tưởng tượng của nhà văn đâu.
Phóng viên: Vậy theo ngài,tác phẩm văn học có thể làm thay đổi một điều gì đó trong xã hội chăng, thưa ngài?
Nhà văn Llosa: Vâng, tôi cho rằng văn học nghệ thuật luôn có ảnh to lớn đến đời sống xã hội. Chỉ có điều chúng ta không thể đo được chính xác sự ảnh hưởng ấy. Chúng ta không thể nói rằng: Tiểu thuyết, như "Chiến tranh và hoà bình" chẳng hạn, có thể đem lại một hiệu quả nào đấy. Ta không thể nhìn thấy hay cảm thấy được hiệu quả đó. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sự hình dung của tôi về cuộc sống và con người, đã được hoàn thiện thêm gấp bội, vì mình đã được đọc cuốn sách vĩ đại ấy. Văn học làm cho tâm hồn ta càng nhạy cảm hơn đối với mọi vấn đề... từ khổ đau đến hạnh phúc. Và như vậy văn học nghệ thuật luôn luôn có tác động vô cùng to lớn đến đời sống xã hội của chúng ta.
Bất kỳ chế độ độc tài nào cũng đều kiểm soát chặt chẽ và khống chế văn học, họ nhìn các nhà văn bằng con mắt dò xét nghi ngờ. Bởi vì văn học có thể phê phán nhà cầm quyền... Đó là sự thật. Vấn đề này không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chính trị, mà nó còn rộng lớn hơn nhiều. Một tác phẩm nghệ thuật tốt, sẽ là một ngáng trở đối với việc tuyên truyền chính sách của nhà cầm quyền tới dân chúng. Theo nghĩa ấy, thì văn hoá và nghệ thuật là một sự cổ vũ chân chính cho tự do. Mà tự do - chính là mục tiêu bí ẩn của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nào. Dĩ nhiên khi tiếp nhận những tác phẩm ấy, trước tiên nhất, thường là với mục đích giải trí, nhưng không chỉ là giải trí đơn thuần...
Phóng viên: Người ta đã công khai đốt cuốn tiểu thuyết đầu tay của ngài" Thành phố và những con chó",một cuốn sách nói về một trường quân sự, mà các bậc phụ huynh gửi con em của mình vào đó để được đào tạo thành những "người đàn ông chân chính". Xin ngài cho biết cuốn sách ấy của ngài đã có ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội Pêru hồi đó?
Nhà văn Llosa: Vâng, tôi không biết cuốn sách của tôi có ảnh hưởng gì đối với xã hội không.(Cười) Nhưng nó đã bị công khai đốt cháy. Đó là sự thật. Tôi cảm thấy rằng: cuối cùng thì cuốn sách của tôi cũng đạt được mục đích của mình - rất nhiều bạn đọc có thể từ đấy mà suy ngẫm về một xã hội dân chủ của nước nhà. Cuốn sách ấy tôi viết lâu lắm rồi, từ hồi còn trẻ cơ (Cười). Mãi đến đầu những năm sáu mươi tôi mới ấn hành nó.
Phóng viên: Ngài đã từng theo học ở trường quân sự. Vậy trong cuốn sách kia có phản ánh cuộc đời riêng của ngài?
Nhà văn Llosa: Vâng, tôi đã từng học ở trường quân sự vài năm. Tôi có đưa một số chi tiết riêng của đời mình vào cuốn sách, nhưng nó không phải là một cuốn tự truyện.
Phóng viên: Mấy năm gần đây ở nước Nga người ta đang bàn luận sôi nổi về những lợi ích của quân đội hợp đồng. Ngài có ý kiến gì về vấn đề này không, thưa ngài?
Nhà văn Llosa: Tất nhiên điều này quá tốt. Nhiều quốc gia cũng đang hướng tới việc này. Nghĩa là làm sao đó để cắt giảm quân đội. Hoà bình, những hiệp ước quốc tế - tất cả làm sao hướng tới quá trình giải trừ quân bị, để những chi phí khổng lồ nhẽ ra cho quân sự, chuyển sang cho việc phát triển giáo dục, y tế và văn hoá. Và như thế thì hoàn toàn có lợi cho cả thế giới của chúng ta, đúng không, thưa bà?
Phóng viên: Ngài có thể cho biết một vài thí dụ về những kỷ niệm cuộc đời riêng của ngài, đã được đưa vào tác phẩm văn học?
Nhà văn Llosa: Vâng, thí dụ như cuốn "Chiến tranh nơi tận cùng thế giới", đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Nga cách đây không lâu. Từ lâu lắm rồi, có một cuốn sách của nhà văn Brazin Eiklidesa Do Cunia làm cho tôi quan tâm. Đó không phải là một cuốn tiểu thuyết, mà chỉ là một cuốn sách nghiên cứu xã hội và lịch sử Brazin cuối thế kỷ 19. Nó nói về cuộc khởi nghĩa ở vùng đông bắc Brazin. Đây là một cuộc nổi dậy bí ẩn, vì nó được tổ chức bởi sự chuyển động cứu thế. Hồi đó chế độ quân chủ Brazin đã bị lật đổ dễ dàng, nước cộng hoà đã được thành lập. Song những sự kiện ấy diễn ra ở vùng đông bắc phải chậm hơn những một năm trời.
Vị cha đạo có tên là Conseliero đã vận động nông dân chống lại nền cộng hoà. Cha đạo giảng giải cho các con chiên rằng nền cộng hoà là công cụ của quỷ sứ, là đi ngược lại luật trời và công lý. Nông dân và những người nghèo đã nghe theo vị cha đạo kia, nổi dậy chống lại nền cộng hoà. Lập nên chế độ cộng hoà, là tầng lớp trí thức theo chủ nghĩa duy tâm. Song họ vẫn không hiểu nổi vì sao dân nghèo Brazin lại nổi dậy chống lại nhà nước cộng hoà. Họ không hiểu nổi điều này - khi các nhà trí thức không hiểu được những gì đang diễn ra trong xã hội - thì họ bắt đầu nghĩ ra học thuyết (Cười),rằng: Các phiến quân kia không phải là những người nghèo, mà là những nhà địa chủ. Và họ đã dùng quân đội hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa của nông dân với bốn chiến dịch lớn.
Đảng cộng hoà không thể hiểu nổi vì sao những người nông dân tay không, lại thắng một đội quân chuyên nghiệp có vũ khí của họ. Eiklidesa Do Cunia, tác giả cuốn sách ấy, đã từng tham gia chiến dịch thứ tư nhằm dập tắt cuộc khởi nghĩa. Ông tự hỏi mình: Chúng ta phải làm sao đây? Họ là những người nghèo, còn chúng ta là đội quân của quỷ sứ. Ông thu thập tài liệu, rồi viết nên cuốn sách có tên là Sertanư. Khi đọc nó, tôi rất kinh ngạc và quyết định sẽ viết một cuốn sách về sự kiện này. Tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ lại lịch sử cuộc khởi nghĩa ấy và phản ánh nó bằng hình thức tiểu thuyết. Cuốn sách của tôi không chỉ nói về cuộc khởi nghĩa của nông dân, mà còn đề cập tới giới trí thức Brazin bị loá mắt bởi các học thuyết và không thể hiểu nổi những gì đã diễn ra trên đất nước thân yêu của mình. Tôi chắp bút viết và ba năm sau đã hoàn thành tiểu thuyết " Chiến tranh nơi tận cùng thế giới".
Phóng viên: Bạn đọc Nga đọc cuốn tiểu thuyết "Cuộc phiêu lưu của một cô gái xấu" của ngài, cứ bàn luận với nhau và đinh ninh rằng cốt truyện tình yêu trong ấy chính là kỷ niệm riêng của tác giả. Có đúng như vậy chăng?
Nhà văn Llosa: Không, tất cả đều hư cấu đấy. Tiểu thuyết bao giờ cũng chứa đựng những kỷ niệm riêng của những con người mà người viết đã gặp trong đời. Tái tạo lại tất cả những tài liệu ấy bao giờ cũng quan trọng hơn những ký ức riêng của cuộc đời người viết. Tôi có đưa vào trong tiểu thuyết những kỷ niệm riêng của mình với nước Pháp hồi những năm sáu mươi và với nước Đức những năm bảy mươi, vì hồi đó tôi đã từng sống ở những nơi ấy. Song nhân vật thì hoàn toàn hư cấu.
Phóng viên: Khi viết tiểu thuyết nói về các ác, ngài muốn đạt tới điều gì vậy? Và ngài đã đặt ra cho mình nhiệm vụ gì khi ngài viết các cuốn tiểu thuyết: Cuộc phiêu lưu của một cô gái xấu, Điếu văn người mẹ kế...
Nhà văn Llosa: Đó là cuộc tìm kiếm: Làm thế nào tổ chức cuộc sống riêng của mình để đạt được hạnh phúc tuyệt đối. Có thể tìm ra điều ấy không? Đó là vấn đề mà nhân vật Don Rigoberto trăn trở. Và bà thấy đó. Anh ta yêu hội hoạ, văn học và âm nhạc. Anh ta đã tìm ra người đàn bà của mình là DoniaLukrexia. Và như vậy anh ta có thể tạo ra một thiên đường cho cá nhân mình. Sau đó chúng ta có thể kiểm chứng xem anh ta có được thiên đường hay địa ngục (Cười). Bởi vì điều ấy luôn bất ngờ. Hình như anh ta đã tạo lập được một cuộc sống hoàn hảo cho mình, nhưng có một điều gì đấy anh ta không kiểm soát được -và thế là tất cả lại đổi thay. Đó là ý tưởng chính mà tác giả muốn nói.
Phóng viên: Môtíp loạn luân trong cuốn "Điếu văn người mẹ kế" gợi cho người đọc liên tưởng đến tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" của nhà văn Mackết?
Nhà văn Llosa: Đây không phải là hiện thực huyền ảo kiểu như Mackết.Quả thật trong văn học Mĩ la tinh sự tưởng tượng ảo huyền rất quan trọng.Mackết, Borsec, Kortasar. Những cuốn tiểu thuyết của tôi gần với cuộc đời thực hơn là thế giới ảo huyền. Nhưng cũng có thể đó là ấn tượng sai lầm của tôi vềtác phẩm của mình...
Phóng viên: Đã nhắc tới Mackết, tôi lại muốn hỏi thêm: Các ngài đã cãi nhau dai dẳng ba mươi năm, vì bất đồng quan điểm về cách mạng Cuba.Và bây giờ hình như đã trở lại thân mật với nhau rồi, đúng như thế chăng, thưa ngài?
Nhà văn Llosa: Câu này tôi xin phép không trả lời bà. Nếu mai kia tôi và Mackết viết tiểu sử của mình, thì hẳn chúng tôi đều cùng có một cái gì đó để đập vỡ đầu nhau. Và như vậy cả tôi và cả Mackết đều không bình luận về tình thế này đâu...(Cười lớn)
Phóng viên: Vâng. Ngài đã viết một cuốn sách về nhà văn Flôbe?
Nhà văn Llosa: Vâng. Tôi đã viết về "Bà Bôvary".
Phóng viên: Ngài có quan hệvới Flôbe như thế nào vậy?
Nhà văn Llosa: Tôi cảm thấy rằng Flôbe là một nhà văn vĩ đại. Ông ấy đã viết những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, trong đó xuất sắc nhất là cuốn "Bà Bôvary". Song điều quan trọng hơn đối với tôi là hồi tôi còn trẻ, ông đã giúp đỡ tôi. Năm 1951 tôi đến nước Pháp. Cuốn tiểu thuyết "Bà Bôvary" đã gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Chính ấn tượng ấy đã thôi thúc tôi tìm đọc hết tất cả các tác phẩm của người. Khi mới bắt đầu viết cuốn này, ông chưa thực sự là chính mình, nghĩa là văn của ông còn pha tạp giọng văn các tác phẩm mà ông đã đọc. Song Flôbe lại có nhiều tham vọng lớn. Ông muốn trở thành nhà văn vĩ đại,nên đã tự phê bình mình rất nghiêm khắc. Ông viết đi viết lại mãi, dẫu đó là một chi tiết nhỏ nhất. Ông muốn trở thành thiên tài. Và có thể nói tiểu thuyết "Bà Bôvary" là một minh chứng đầy ngoạn mục cho quá trình lao động nghệ thuậtcủa ông. Tự phê bình một cách nghiêm khắc nhất những gì mà mình đã viết ra - đó là tiền đề cho những kiệt tác ra đời. Thiên tài thường chỉ có thể được sinh ra một cách tự nhiên, chứ cố gắng để thành thiên tài, quả thực công việc này thật là nan giải. Flôbe tự biến mình thành nhà văn vĩ đại, là nhờ ý chí và nghị lực phi thường của ông. Ông là một tấm gương lớn cho những ai sinh ra vốn chưa phải là thiên tài. Riêng tôi khi sinh ra chưa phải là một tài năng, nhưng tôi đã học tập tấm gương nhà văn Flôbe mà tự mình phấn đấu.
Phóng viên: Với tư cách nhà văn tham gia vào đời sống chính trị, ngài có suy nghĩ gì về những kế hoạch nhằm thoát khỏi sự khủng khoảng kinh tế hiện nay?
Nhà văn Llosa: Hiện nay chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hoá, biên giới các quốc gia không còn nữa. Tôi có cảm giác rằng chúng ta đã sống khá hơn so với trước kia. Nhất là so với những năm sáu mươi và bảy mươi của thế kỷ trước, thời mà luôn bị đe doạ bởi chiến tranh hạt nhân. Quá trình toàn cầu hoá làm cho các nước nghèo phát triển với tốc độ nhanh hơn trước đây.Và như vậy tôi nhìn sự phát triển của thế giới chúng ta bằng con mắt lạc quan, thưa bà.
(Đến đây hình như cuộc phỏng vấn đã kết thúc. Rồi đột nhiên Liosa hỏi:
- Bạn đọc Nga hiện nay có đọc tác phẩm của Brôtxky không? )
Phóng viên: Vâng, dĩ nhiên là có đọc chứ. Mới đây chúng tôi kỷ niệm sinh nhật lần thứ bẩy mươi của ông.Cũng nhân dịp ấy mà tác phẩm của ông được tái bản lại nhiều.
Nhà văn Llosa: Vậy à. Chúng tôi đã từng chơi thân với nhau. Brôtxky là một người có cá tính hấp dẫn, rất là Nga: nhạy cảm, nhân hậu và mộng mơ. Ông hiểu sâu văn học Anh và thuộc nhiều thơ tiếng Anh của các nhà thơ Anh, Mỹ.Chúng tôi đã từng sống với nhau ở Mỹ và ở Anh và cùng nhau lập ra một nhà xuất bản. Tôi rất mừng là tác phẩm của ông ấy đã được đón nhận ở nước Nga mới...
.........................
Lam Châu, dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Nguồn: NguyenthuyquynhBlog
tin tức liên quan
Videos
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Thể loại phim
Tết đến, xuân về, cùng thưởng thức dòng câu đối “đặc biệt”
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114529344
287
2304
21617
216040
0
114529344