Tại hội nghị bàn giải pháp cấp bách phát triển du lịch Nghệ An được tổ chức ở Tp. Vinh năm 2009, ông Emst Sagemucller, chuyên viên tư vấn cao cấp về phát triển du lịch của Liên minh châu Âu (EU) đã thẳng thắn nhận xét: “Nghệ An chưa có hình ảnh du lịch”. Ông nói một cách thú vị: “Khi tôi hỏi bạn bè đã đến du lịch tại Nghệ An rằng hình ảnh của Nghệ An là gì thì họ đều trả lời: Kim Liên”. Theo nhận xét của vị cố vấn cao cấp này thì hình ảnh du lịch Nghệ An không có gì ngoài Kim Liên quê Bác. Cần nhớ rằng, thời điểm ông cố vấn cao cấp đưa ra nhận xét trên đây là sau 4 năm chúng ta công bố năm du lịch Quốc gia tại Nghệ An một cách hoành tráng. Và cho đến nay thì bức tranh tổng thể về du lịch Nghệ An vẫn chưa có gì thay đổi. Nghĩa là, hình ảnh du lịch của Nghệ An vẫn chỉ là Kim Liên quê Bác.
Trước tiên cần hiểu thế nào là hình ảnh du lịch. Chúng ta vẫn quen nhìn hoạt động du lịch từ góc độ những địa chỉ thu hút khách tham quan. Chúng ta chưa quen nhìn hoạt động du lịch từ góc độ là những ấn tượng lưu lại trong lòng du khách. Ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng du khách không phải là những khách sạn nhiều sao, không phải là những món sơn hào hải vị mà họ được thưởng thức, không phải là những món quà quý họ mua làm kỷ niệm. Ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách chính là những hình ảnh đẹp nhất, thơ mộng nhất, gợi cảm nhất ở những nơi mà họ đặt chân đến. Đó chính là hình ảnh du lịch, là biểu tượng trong lòng du khách, có sức hút mạnh mẽ đối với cả những người chưa đến một lần. Đến tham quan bất cứ nơi nào, nếu không có hình ảnh du lịch để lại ấn tượng đáng nhớ trong lòng du khách thì họ sẽ “một đi không trở lại” và thông điệp mà họ truyền lại cho nhiều người khác là “nơi ấy chẳng có gì đáng xem”. Trên khắp thế gới, hầu như quốc gia nào cũng có những địa chỉ du lịch hấp dẫn với những hình ảnh du lịch khiến du khách khát khao dù chỉ được đến một lần. Nước Pháp có thủ đô Paris hoa lệ với tháp Eiffel nổi tiếng. Nước Nga có điện Cremli tráng lệ, có những tượng đài hoành tráng, có những dòng sông, những thảo nguyên thơ mộng. Trung quốc có Thiên An Môn, có Vạn lý trường thành, có những khu lăng mộ cổ kính. Ai Cập có Kim tự tháp, Nhật Bản có hoa Anh đào, Hàn Quốc có mùa lá đỏ…. Việt Nam cũng có những hình ảnh du lịch để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách như: phố cổ Hội An, Non nước Đà Nẵng, Cung điện triều đình Huế, cảnh đẹp Vịnh Hạ Long, hang động Chùa Hương…Đó thực sự là những hình ảnh du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Trở lại với Nghệ An, đâu là hình ảnh du lịch? Cho đến nay, Nghệ An vẫn chỉ có hai địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách, đó là Kim Liên quê Bác và phố biển Cửa Lò. Kim Liên quê Bác hàng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm bởi đó là nơi sản sinh ra người Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới kiệt xuất Hồ Chí Minh. Nơi đây còn lưu giữ những kỹ vật gắn bó với thời ấu thơ của Bác: nếp lều tranh đơn sơ ở quê ngoại, nơi Bác Hồ ra đời; ngôi nhà tranh giản dị ở quê nội với bao kỷ niệm của gia đình Bác; những cảnh quan làng quê như cây đa, giếng nước, mái đình… Tất cả đã tạo nên hình ảnh du lịch độc đáo trong lòng du khách. Phố biển Cửa Lò có bãi cát dài trải mịn dưới chân, bốn mùa nước trong xanh, là nơi tắm biển lý tưởng cho du khách. Mặc dù du khách đến Cửa Lò ngày càng đông, và từ đây du khách hành hương về quê Bác. Nhưng Cửa Lò vẫn chưa thể xem là hình ảnh du lịch tiêu biểu của Nghệ An, bởi du khách đến đây chỉ để tắm biển, chưa phải để thưởng ngoạn các cảnh quan văn hóa. Để trở thành hình ảnh du lịch của Nghệ An, Cửa Lò còn phải phấn đấu nhiều năm để trở thành một trung tâm du lịch văn hóa của xứ Nghệ.
Ngoài hai địa chỉ trên đây, Nghệ An còn có nơi nào tạo nên hình ảnh du lịch trong lòng du khách? Câu trả lời là chưa có. Tục ngữ Việt Nam có câu “Thanh cậy thế Nghệ cậy thần” ám chỉ rằng: Thanh Hóa cậy thế vì là nơi phát tích của nhiều triều đại vua, Nghệ An cậy thần vì có nhiều vị thần linh thiêng. Quả thật, xứ Nghệ có nhiều đền chùa linh thiêng ngày càng thu hút đông đảo người đến viếng. Nhưng đó là nơi khách thập phương đến chủ yếu để thắp hương bái vọng cầu xin những điều may mắn chứ không phải tham quan du lịch. Những địa chỉ tâm linh này cũng là nơi được thống kê lượt người đến viếng để có mấy triệu lượt khách du lịch đến Nghệ An mỗi năm. Nhưng thật khó xem đây là những địa chỉ tạo nên hình ảnh du lịch của Nghệ An. Bởi nơi đây, ngoài đông đảo những người đến thắp hương bái vọng còn có đông đảo đội quan “ăn theo” với đủ thứ dịch vụ, kể cả đội quân ăn mày. Nghệ An có nhiều lễ hội và đây cũng là nơi được thống kê lượt khách du lịch. Nhưng tất cả các lễ hội đều gắn với các địa chỉ tâm linh, đông người đến chủ yếu là thắp hương bái vọng chứ đâu phải là khách du lịch.
Điểm qua vài nét trên đây để thấy rằng hoạt động du lịch của Nghệ An còn đơn điệu bởi chưa có những hình ảnh du lịch hấp dẫn.Với con số được báo cáo là hàng triệu lượt khách du lịch đến Nghệ An mỗi năm nhưng trong đó đáng được gọi là khách du lịch chỉ có những người đi tắm biển Của Lò và tham quan Kim Liên quê Bác. Khách quan mà nói, du khách đến Nghệ An đang ngày càng đông nhưng cũng đang có những hiện tượng không bình thường: khách đến nhiều nhưng chi tiêu ít (nguồn thu thấp), nhiều du khách đến một lần rồi “một đi không trở lại” (không có tính lan tỏa). Số lượng khách nước ngoài trong các bản báo cáo là hàng trăm nghìn lượt mỗi năm nhưng chỉ thấy thưa thớt trong các đoàn tham quan. Phải chăng, nguyên nhân của những hiện tượng đó là do Nghệ An chưa tạo được hình ảnh du lịch như ông cố vấn cao cấp của EU đã cảnh báo cách đây 7 năm.
Nhìn lại bức tranh tổng thể của du lịch Việt Nam chúng ta sẽ thấy có hai loại hình ảnh du lịch khác nhau: hình ảnh du lịch do thiên nhiên tạo ra và hình ảnh du lịch do con người tạo ra. Hình ảnh du lịch do thiên nhiên tạo ra như vịnh Hạ Long, hang động Chùa Hương, Non nước Đà Nẵng, bờ biển Nha Trang. Đây là những di sản vô cùng quý giá, là những công trình nghệ thuật độc đáo của thiên nhiên trải qua hàng triệu năm kiến tạo trên bề mặt trái đất, là tài sản quý giá bậc nhất của mỗi quốc gia, dân tộc. Hình ảnh du lịch do thiên nhiên tạo ra dẫu vô cùng quý giá nhưng hạn chế về số lượng, không thể mở rộng quy mô, khó thay đổi đặc trưng thẩm mỹ tự nhiên vốn có. Hình ảnh du lịch do con người tạo ra có thể phân làm hai loại, tạm gọi là loại cổ xưa và loại hiện đại. Loại cổ xưa như tháp Chàm với kiến trúc độc nhất vô nhị của người Chăm, phố cổ Hội An mang dáng dấp đô thị sớm nhất của Việt Nam, cố đô Huế ghi lại dấu ấn văn hóa của một triều đại phong kiến hưng thịnh. Hình ảnh du lịch thuộc loại cổ xưa này rất quý hiếm bởi con người hiện đại không thể tạo ra được. Đây là những di sản văn hóa có giá trị vĩnh hằng mà con người thời nay phải có tầm nhìn văn hóa mới bảo tồn được. Hình ảnh du lịch hiện đại do con người tạo ra là những công trình sáng tạo văn hóa quy mô lớn, phải đầu tư rất nhiều tiền mới có được. Đó là những trung tâm du lịch Quốc gia như khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên ở Tp. Hồ Chí Minh; khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương, khu du lịch Tuần Châu ở thành phố Hạ Long. Có những hình ảnh du lịch mang tính hỗn hợp, vừa là tác phẩm của thiên nhiên vừa là sản phẩm của con người như khu du lịch Tràng An ở Ninh Bình. Có những hình ảnh du lịch do con người hiện đại tạo ra nhưng thể hiện tín ngưỡng cổ xưa của loài người như khu du lịch chùa Bái Đính (Ninh Bình).
Đặt trong bức tranh tổng thể về hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ thấy được hình ảnh du lịch Nghệ An có thể tạo ra từ những tiềm năng nào. Nếu là hình ảnh du lịch do thiên nhiên tạo ra thì Nghệ An không có những di sản thiên nhiên thuộc loại cảnh quan thế giới như vịnh Hạ Long, hay hang động độc đáo như chùa Hương. Nghệ An có nhiều hang động ở miền tây nhưng không phải là nơi non nước hữu tình gắn với tín ngưỡng tâm linh như hang động chùa Hương để tạo nên hình ảnh du lịch hấp dẫn. Ngoài bãi biển Cửa Lò, Nghệ An còn có một số bãi biển đẹp như Cửa Hiền - Bãi Lữ ở Diễn Châu, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập ở Quỳnh Lưu, nhưng tất cả đều chưa tạo được hình ảnh du lịch. Nếu là hình ảnh du lịch do con người tạo ra thuộc loại cổ xưa thì Nghệ An không có một công trình nào trọn vẹn mà chỉ có dấu ấn của những công trình xưa như thành cổ Vinh, Lam thành, đình Hoành Sơn và một số đền chùa cổ. Nếu là hình ảnh du lịch do con người tạo ra thuộc loại hiện đại thì Nghệ An chưa có một công trình nào tương xứng với tiềm năng du lịch của “đệ nhất giang sơn”. Một số công trình thuộc loại “tầm cỡ” được đầu tư lớn như Tượng đài Bác Hồ Quảng trường Hồ Chi Minh, khu di tích Truông Bồn, đền thờ vua Quang Trung… cũng chưa tạo được hình ảnh du lịch cho Nghệ An.
Đánh giá Nghệ An là “đệ nhất giang sơn” về du lịch văn hóa - lịch sử là để tự hào về một vùng đất có nhiều danh nhân nổi tiếng vào bậc nhất của cả nước. Nhưng không phải cứ có danh nhân là có được hình ảnh du lịch hấp dẫn du khách. Danh nhân dù nổi tiếng đến đâu cũng chỉ được lưu lại trong sử sách. Hấp dẫn du khách không phải là những trang sách (dù rất quý hiếm) ghi lại cuộc đời của những danh nhân đó. Phải có hình ảnh du lịch làm sống lại cuộc đời của những danh nhân thì tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử của Nghệ An mới được khai thác. Ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nghệ An còn có những Anh hùng và danh nhân nổi tiếng như Mai Hắc Đế, vua Quang Trung, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong… Đâu là hình ảnh du lịch gắn với cuộc đời của những danh nhân nổi tiếng đó? Câu trả lời là chưa có. Lưu lại dấu ấn cuộc đời của những danh nhân vĩ đại này chỉ là những di tích lịch sử rất bình thường như: đền thờ vua Mai, nhà lưu niệm Phan Bội Châu, nhà lưu niệm Lê Hồng Phong, đền thờ vua Quang Trung (được làm mới). Nhưng tất cả đều chưa tạo được hình ảnh du lịch cho Nghệ An.
Có thể nhiều người lập luận rẳng không có hình ảnh du lịch thì vẫn có hoạt động du lịch. Đương nhiên là như vậy, nhưng vấn đề là ở chỗ hoạt động du lịch có sức lan tỏa hay không, những địa chỉ du lịch có lưu lại ấn tượng trong lòng du khách hay không. Nơi nào tạo được hình ảnh du lịch thì du khách chưa đến khát khao muốn đến, đến một lần thì ước ao trở lại, người đến trước hết lời truyền tụng cho người sau. Còn nơi nào không tạo được hình ảnh du lịch thì nếu có hoạt động du lịch cũng hết sức buồn tẻ, du khách chỉ đến một lần rồi đi không trở lại, người đến trước khuyên người sau đừng đến, cứ thế du khách thưa vắng dần. Tạo nên hình ảnh du lịch không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên và công trình sáng tạo của con người mà còn là nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, ứng xử với du khách. Một nụ cười niềm nở, một lời nói dịu dàng, một cử chỉ ân cần đều để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Công bằng mà nói thì Nghệ An có hai địa chỉ tạo được hình ảnh du lịch, đó là Kim Liên quê Bác và phố biển Cửa Lò. Kim Liên quê Bác là hình ảnh đẹp trong lòng du khách bởi đó là nơi phát tích của thời đại Hồ Chí Minh. Cửa Lò cũng là hình ảnh đẹp trong lòng du khách nhưng chỉ là hình ảnh về những ngày hè tắm biển, chưa phải là bức tranh sinh động về du lịch văn hóa. Hết những ngày hè sôi động thì Cửa Lò chỉ còn là bãi biển trống vắng. Có lẽ đó là những lý do khiến ông cố vấn cao cấp của EU chưa xem Cửa Lò là hình ảnh du lịch của Nghệ An. Ngoài hai địa chỉ trên đây còn nơi nào có thể tạo nên hình ảnh du lịch cho Nghệ An? Câu trả lời là “không thể” nếu hoạt động du lịch của Nghệ An vẫn duy trì mãi như hiện nay.
Nghệ An phát huy tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử như thế nào cho tương xứng với “đệ nhất giang sơn”. Khoảng cách từ tiềm năng đến hiện thực có thể nói còn xa và rất xa, chưa biết đến bao giờ chúng ta mới đến đích. Nghệ An đã hai lần ban hành quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch (quy hoạch 1996 - 2010 và quy hoạch đến năm 2020) nhưng vẫn là cái bóng của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa có khái niệm về hình ảnh du lịch. Một vấn đề quan trọng được các nhà lãnh đạo tỉnh nhà rất quan tâm là tăng cường quảng bá du lịch Nghệ An. Nhưng quảng bá như thế nào khi hình ảnh du lịch của Nghệ An được đánh giá là chỉ có Kim Liên quê Bác. Báo cáo tổng kết hàng năm cho thấy hoạt động du lịch của Nghệ An vẫn không ngừng phát triển, bởi số lượng du khách và doanh thu hàng năm đều không ngừng tăng. Nhưng nếu đặt câu hỏi đâu là hình ảnh du lịch Nghệ An để thu hút du khách thì vẫn chỉ có thể trả lời như ông cố vấn cao cấp của EU đã nhận xét cách đây 7 năm.
Để khép lại bài viết này, xin nhắc lại hai câu lục bát mà bất cứ người Nghệ nào cũng thuộc: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Bao giờ bức tranh họa đồ đó trở thành hình ảnh du lịch trong lòng du khách?