Những góc nhìn Văn hoá

Vận động cải cách văn thể, tâm thái sĩ phu, và động hình của văn chương Việt Nam cuối TK XVII, TK XVIII

Tóm tắt:

Trong thời kỳ trung đại, văn chương khoa cử và văn chương sáng tác tự do có mối liên hệ hết sức mật thiết. Văn thể với tư cách vừa là hình thức thể hiện lẫn đặc điểm tinh thần chủ thể sáng tạo được thể hiện ra cũng vì thế vừa là chuyện của văn chương khoa cử, vừa là cái phản ánh tinh thần sĩ phu và hiện trạng của sáng tác văn học nói chung.

Giai đoạn cuối thế kỷ XVII, thế kỷ XVIII, nhà nho nhận thấy có rất nhiều điều bất ổn trong giáo dục, khoa cử, trong văn thể. Một cuộc vận động cải cách văn thể đã diễn ra khá sôi nổi. Có một vài vấn đề nghiên cứu được đặt ra là: Thực chất của cuộc vận động cải cách văn thể này là gì, đối tượng mà các nhà nho mong muốn cải cách là gì? Nó thể hiện những vấn đề gì ở đời sống tinh thần, mối quan tâm của tầng lớp sĩ – các tác gia của văn học? Cuộc vận động cải cách đã có tác động như thế nào đến đời sống văn học thế kỷ cuối thế kỷ XVII, thế kỷ XVIII nói chung và những tác động xã hội, văn hóa của cuộc vận động này đối với đương thời như thế nào? Bài viết bằng hướng tiếp cận văn hóa và tư tưởng, hy vọng làm rõ một số vấn đề văn học sử giai đoạn này.

1. Vận động cải cách văn thể
Quan sát diễn tiến của nho học Việt Nam cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, đặc biệt là trong giáo dục và khoa cử, người ta thấy một dạo các sĩ phu rộ lên cuộc tranh luận về vấn đề văn thể. Cuộc tranh luận này lôi kéo nhiều vị đại nho đương thời. Có một vài vị đại thần bức xúc dâng khải điều trần. Phủ chúa cũng mấy lần ban chỉ dụ có tính chất định hướng cho vấn đề văn thể. Không những thế, phủ chúa còn có cả những biện pháp và hành động thực tế nhằm chấn chỉnh văn thể.
Các ý kiến thảo luận về văn thể bắt đầu từ những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XVII, sôi động vào đầu XVIII và kéo dài tới gần trăm năm. Cho tận tới khi cuộc vận động đó lắng xuống vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người ta vẫn còn thấy dư âm của nó trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, khi những người này nói về văn thể và học thuật của một thời đã qua với những lời ca ngợi. Có người còn đề nghị vua Tây Sơn truy tặng những danh hiệu cao quý nhất trong giới nho sĩ cho Bùi Sĩ Tiêm, một đại biểu quan trọng của cuộc vận động này như các triều trước đã từng phong cho Chu Văn An[1]. Với mức độ tập trung khá cao các ý kiến của sĩ phu, với nhiều ý kiến thảo luận và hoạt động thực tiễn liên quan tới vấn đề văn thể cũng như những ảnh hưởng thực tiễn mà nó đã tạo ra trong lịch sử, chúng tôi tạm gọi đây là một Cuộc vận động cải cách văn thể.
Cải cách văn thể trở thành đối tượng hấp dẫn cho người viết bài này bởi lẽ, văn thể(文体) chỉ là một vấn đề của giáo dục và khoa cử nho học, nhưng nó lại được sĩ phu quan tâm một cách đặc biệt. Họ thảo luận về văn thể cùng lúc và xem nó như cái biểu hiện của nho phong sĩ khí, thậm chí còn can hệ tới cả vận mệnh, khí thế của quốc gia. Việc nghiên cứu văn thể với tư cách là một thành tố văn hóa, xét trong tổng thể các mối quan hệ, có thể đem lại cho ta nhiều thông tin về đời sống văn hóa, xã hội đương thời. Từ mối liên hệ văn thể-sĩ phong(文体士風,chúng ta có thể thấy nhiều điều về tâm lý, tình cảm, khuynh hướng tư tưởng (tâm thái) của tầng lớp sĩ đương thời. Và theo chiều từ bối cảnh văn hóa, đặc điểm chủ thể sáng tạo, chúng ta có thể hiểu thêm về các vấn đề thuộc phạm vi của đời sống sáng tạo văn học đương thời.
 1.1. Văn thể và vấn đề văn thể ở thời điểm 1693 (Chính Hòa năm thứ 14)
Khoa thi tiến sĩ đầu tiên năm 1442 thời Lê Sơ ở mức độ nào đó là cái mốc quan trọng đánh dấu sự hoàn bị của khoa cử nho học Việt Nam. Khoa thi tiến sĩ là biểu hiện sinh động của sự kết hợp nho học và văn học, kinh sử với văn chương. Mọi tri thức nho học đều được thể hiện bằng những hình thức văn chương với quy chuẩn ngặt nghèo và có thể chấm điểm một cách tương đối chính xác từ văn luật tới tư tưởng tình cảm. Khoa cử nho học thời Lê Sơ, đặc biệt là thời Hồng Đức[2] đạt tới độ “tận thiện tận mỹ”trong con mắt các nhà nho thời sau. Các vị hậu nho khẳng định rằng, văn chương thời Hồng Đức như vậy đã thực sự là phương tiện chọn lựa được những người tài tuấn trong thiên hạ. Các vị quan văn thời Hồng Đức đều là những vị xuất thân trong kỳ thi tiến sĩ. Ở thời điểm hoàng kim đó, người ta chỉ nhìn thấy cái tốt đẹp, cái mẫu mực, cái tích cực của khoa cử nho học.
Đọc qua những bài văn sách đình đối hiếm hoi còn ghi lại được của những văn thần nổi tiếng một thời như Nguyễn Trực[3], Lương Thế Vinh[4], Vũ Kiệt[5], Vũ Dương[6], người ta có thể thấy ở đó cái hùng hồn tâm huyết, có khí cốt của kẻ sĩ thời thịnh trị. Dẫu những bài văn đó không đề xuất được những vấn đề thực mới mẻ, những kiến giải tư tưởng độc đáo như ba bài đối sách của Đổng Trọng Thư đời Hán Vũ Đế làm thay đổi cách nhìn của một ông vua và thay đổi vận mệnh của Nho giáo, nhưng cũng có giá trị văn chương nhất định.
Tuy nhiên, khoa cử có con đường vận động khách quan, không theo ý muốn của những người lập ra nó. Tự thân nó hàm chứa những căn bệnh. Lê Quý Đôn đã nhận xét một cách khái quát về khoa cử nho học rằng, đó là thứ “học vô sở dụng, dụng vô sở học” (người đi học thì học những cái sau này ra đời không áp dụng để làm gì, và những cái áp dụng trong công việc cai trị không có điều gì nằm trong những điều đã học được). Khoa cử càng hoàn bị, thể chế càng ổn định, quy củ, trường công trường tư mọc lên khắp nơi, khoa cử thành con đường tiến thân, gắn với bổng lộc càng có sức hấp dẫn người học thì việc dạy và học cũng ngày càng trở thành một thứ “công nghệ”. Các sĩ phu đời sau cốt thi đỗ, làm quan. Mà để thi đỗ thì người ta không nhất thiết phải nhuần nhuyễn nghĩa lý kinh sách, không cần phải công phu nội tỉnh rèn luyện đạo đức nhân nghĩa. Người học chỉ cần học thuộc bài mẫu, nhớ được và nói theo được ý của các nhà chú giải. Các trường học của các ông đồ nổi tiếng có nhiều học trò đỗ đạt chẳng qua chỉ là mô hình các “lò luyện thi” chất lượng cao, rất khác với các học cung, học phái, nơi mà ông thầy là nhà tư tưởng và là người thúc đẩy những sáng tạo. Con đường vận động tự thân của giáo dục khoa cử như vậy đưa văn chương khoa cử từ chỗ còn có ý tứ, tinh thần thực chất, tới chỗ chỉ là mớ từ chương sáo rỗng, không có cốt tủy của văn chương.
Trong quan niệm của nhà nho, văn chương là thứ thiêng liêng cao quý, văn là người. Văn thể hiện tư tưởng của con người, khí cốt con người. Xem văn có thể hiểu người. Người ta có thể dùng văn để nói chí, để chuyển tải đạo lý, để giáo hóa, để di dưỡng tính tình, xem văn có thể hiểu người. Tinh thần ban đầu của “dĩ văn thủ sĩ” (lấy văn chương làm công cụ chọn lựa kẻ sĩ) là có căn cứ của nó, tức thông qua văn mà chọn người có đức độ phẩm chất. Nhưng khi đi vào khoa cử, văn chương dần không còn thể hiện tinh thần của người thi nữa. Từ vua quan tới sĩ phu trong một thời gian dài hàng thế kỷ cứ bằng lòng với thứ văn chương trường ốc như vậy. Nhưng, cũng có những lúc, những kẻ sĩ được xem là “thức giả” giật mình nhận thấy sự nguy hại của nó, ấy là thời điểm cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII mà chúng ta sẽ nói tới.
Với ý nghĩa thông thường nhất, văn thể chỉ yếu tố hình thức của các nhóm tác phẩm văn chương, nó chỉ thể tài của văn chương. Nó gồm việc cấu tứ sắp đặt bài văn theo những thể thức nhất định. Thể văn theo nghĩa đó chỉ những thể như Thi, Phú, Lục, Chế, Cáo, Chiếu, Biểu… Trong khoa cử nho học, nó là những thể văn được chọn lựa cố định và có quy định hình thức rất chặt chẽ[7]. Trong cách hiểu của nhà nho, văn thể không chỉ có vậy. Nó không chỉ là chuyện hình thức, nó còn mang hàm nghĩa là thể thái của văn chương, cũng tức văn thể chỉ cả suy nghĩ, tình cảm, phong thái của kẻ sĩ được phô diễn ra trong các hình thức văn chương. Nó bao hàm cả thế giới tinh thần mà người viết thể hiện ra. Sự thống nhất nội dung và hình thức của văn chương được đặt trọn trong khái niệm văn thể. Tựa hồ như, văn thể còn có khuynh hướng thiên về cái được thể hiện nhiều hơn là cái thể hiện. Chúng ta sẽ thấy ngay điều này ở một đoạn bình luận của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục:
 
Tôi thường bàn luận, triều đại Tiền Lê, phong độ sĩ phu đại khái có ba lần biến đổi: Hồi Lê sơ, vì sau khi loạn lạc, nho sĩ thưa thớt. Người đem thân chầu chực trong triều đường như Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cầm Hổ phần nhiều bộc lộ chí khí sáng suốt, có những lời nói quả cảm, còn những người ngao du nơi sông núi như Lý Tử Cấu, Nguyễn Thì Trung giữ tiết tháo trong trắng, không mơ tưởng đến giàu sang. Đấy là một thời kỳ thay đổi. Khoảng giữa niên hiệu Hồng Đức, mở rộng khoa cử, tuyển nhiều nhân tài, sĩ tử tập lối văn bóng bẩy, đục gọt từng câu, mong sao được đỗ để ra làm quan… Con đường bổng lộc đã mở, phương pháp thi cử cũng nghiêm ngặt, người điềm tĩnh được tiến lên, người cầu may bị sàng sảy, cho nên người tại chức ít thói cầu cạnh mà trong nước biết quý danh nghĩa. Đấy là một thời kỳ thay đổi.
 
Những lời của Lê Quý Đôn ở trên là đánh giá về sĩ phong, nhưng ông cũng coi đó là chuyện văn thể, chuyện quan hệ không thể tách rời giữa văn chương và sĩ phong. Và theo ông, tới cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, đấy là thời kỳ văn thể có vấn đề và sĩ phong thì thối nát hơn bao giờ hết.
Các triều đại xưa đặt ra khoa cử cốt chọn người cho bộ máy giúp việc của mình. Họ gọi những phẩm chất cần có của bộ máy ấy là tài. Nhưng tài ở đây là những khả năng văn chương để thể hiện vốn hiểu biết kinh sử. Cái mà các triều đại cần ở kẻ sĩ là đức hạnh để trung thành, là đức hạnh để thay vua giáo hóa dân. Cái đức hạnh đó không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của sự quán triệt tư tưởng của nho gia. Văn chương là sự thể hiện mức độ thâm nhập của kẻ sĩ vào nội dung tư tưởng của nho gia. Nho phong sĩ khí thực chất là khả năng thể hiện những tín điều đạo đức thành hiện thực cư xử, ứng đáp, tức hiện thực đạo đức. Theo nhận định của Lê Quý Đôn, văn thể thời Hồng Đức là biểu hiện thời sĩ phong cứng cỏi, tốt đẹp, tư tưởng nho gia được học tập thực sự và quán xuyến hành vi, suy nghĩ của họ. Từ thế kỷ XVI trở đi, văn chương, đặc biệt là văn chương khoa cử, không còn là biểu hiện của thực tiễn tu dưỡng đạo đức nữa. Hay nói cách khác, văn chương khoa cử đã không khiến người ta phải học tập và tu dưỡng một cách thực chất, nó không phải là cách chọn được người thực tài thực học.
Giáo dục khoa cử là con đường chính yếu nhất để Nho giáo thâm nhập vào tư tưởng người dân, là con đường bắt buộc người ta phải đọc sách thánh hiền. Nhưng đạo của Khổng phu tử không phải là thứ chỉ tụng đọc ở miệng lưỡi hay dùng trí tuệ hiểu rõ là được. Đạo của ông đặc biệt coi trọng phương diện tu dưỡng đạo đức trong thực tiễn. Kẻ sĩ phải đi từ tụng đọc kinh sách đến quán triệt những điều có trong kinh sách vào hành vi, suy nghĩ, ứng xử. Nhưng con đường vận động của việc tuyển quan thông qua việc dùng một số bài văn chương theo những thể thức cố định đã tất yếu dẫn tới chỗ, người đi thi chỉ cần theo đề cương, bài mẫu, chỉ học thuộc, nhớ giỏi, chỉ cần học những chú giải của hậu nho thay cho việc chủ động hiểu nghĩa lý chính văn kinh điển. Đó là một nguy cơ đối với nho học nói chung và nho phong sĩ khí nói riêng. Những người nhận thức được nguy cơ này đều kêu gọi cải cách văn thể, mà thực chất là cải cách khoa cử để chấn chỉnh tinh thần tầng lớp nho sĩ.
Cuộc vận động cải cách văn thể, canh tân nho học mà chúng tôi đề cập có hai khía cạnh, mà cũng có thể coi là hai mặt của một vấn đề: phê phán và đề xuất. Phê phán cái hư rỗng, đề xướng cái hữu ích thiết dụng của văn chương, nho học theo cách của nhà nho.
1.2. Từ Chính lệnh của phủ Chúa
Có thể lấy việc ban hành Chính lệnh cải cách văn thể, làm mốc cho sự bắt đầu của cuộc vận động cải cách văn thể, phục hồi thể văn thời Hồng Đức. Chính lệnh này được ban hành vào năm Chính Hòa thứ 14 (1693), nó được ghi lại trong Sử ký tục biên như sau:
 
Khôi phục thể văn đời Hồng Đức. Từ Trung Hưng đến nay những người chuyên chuộng chương cú, văn chương ngày một thấp kém và dở. Bài trường thiên đến chỗ trực đoạn tất dùng một câu “khai giảng”. Để chiếu ứng toàn đoạn thì đặt chữ “nhiên” ở đầu gọi là “quá tiếp chế”, cứ nhắm mắt mà viết thẳng ra, cho nên thực ra không có cấu từ gì cả. Thi phú, tứ lục, đều rập theo thể văn cũ, không ngại trùng lặp. Đến nay mới ra lệnh chấn chỉnh lại: Từ nay phép thi nhất nhất dùng thể văn đời Hồng Đức. Lúc làm bài văn thì tùy câu hỏi, cốt dùng ý mình nghĩ mà viết ra, hơi văn hồn nhiên, không được viết trầm theo lời văn cũ[9].
 
Sự bắt đầu của cuộc vận động được ghi lại bằng ít dòng ngắn ngủi trong chính sử, cũng không rõ nó là của quan đại thần nào đề xướng, chỉ biết nó xuất phát từ phủ chúa và nó phản ánh đòi hỏi của một thời đại.
Như trên đã trình bày, văn thể là một khái niệm chỉ yếu tố hình thức của văn chương. Nó gồm việc cấu từ sắp đặt bài văn theo những thể thức nhất định. Nhưng nếu thể văn chỉ là những thể thức văn chương như vậy thì nội dung vận động cải cách phải là vấn đề bỏ cái này, thêm cái kia… Thế nhưng trong Chính lệnh cải cách chỉ nói sơ qua vấn đề cấu trúc thông qua cách dùng chữ “nhiên” làm thể chuyển tiếp… rồi nhanh chóng đi tới một ý khác: Từ nay phép thi nhất định dùng thể văn đời Hồng Đức. Lúc làm bài thì tùy câu hỏi cốt dùng ý mình nghĩ mà viết ra, hơi văn hồn nhiên, không được viết trầm theo lời cũ. Những lời ghi trong chính lệnh này cho thấy rõ hơn văn thể là vấn đề hình thức trong mối quan hệ với nội dung, hình thức thể hiện nội dung và bao gồm cả nội dung.
Coi văn thể bao gồm cả vấn đề “cốt dùng ý mình nghĩ mà viết ra” thì chúng ta có thể hiểu thể văn ở đây là cách suy nghĩ của nho sĩ thể hiện bằng văn chương ngôn từ. Hiểu theo cách này sát hợp hơn với cách dùng từ của nhà nho đương thời. Và như vậy, cải cách thể văn không chỉ là cải cách thể thức văn chương, cách thức làm bài thơ bài văn mà còn là thay đổi cả suy tư của sĩ phu và thay đổi cả học phong, thay đổi nho phong sĩ khí. Cốt lõi của cuộc vận động cải cách này là bỏ lối văn chương cú, tầm trích phù hoa sáo rỗng, phục hồi thể văn thời Hồng Đức. Cũng theo ý rút ra từ chính lệnh cải cách thì thể văn Hồng Đức là thứ văn chương có thực chất viết ra theo ý hiểu của người viết, có ý tứ, không sáo rỗng.
Thể văn Hồng Đức theo như lời bàn của Ngô Thì Sĩ trong Bảo chướng hoằng mô gồm “Kinh nghĩa, thơ, phú, văn tứ lục và đối sách. Nhưng kinh nghĩa không câu nệ ở chương nào, cũng có khi trích vài câu trong một chương để ra đề, hỏi nghĩa, như thế nếu chẳng phải người học rộng hiểu sâu ắt không thể làm được…”[10]ải cách văn thể thực chất là tìm kiếm hình thức văn chương nào đó có thể kiểm tra được đạo đức, tinh thần thực sự của người thi, tránh học vẹt, thay đổi văn thể cốt tìm người có “thực học”, theo cách nói của Lê Thánh Tông.. Còn các thể văn khác: “Tứ lục thì dùng cổ sử, quốc sử và kết hợp với những việc của bản triều. Thơ thì hoặc dùng thể ngũ ngôn, thất ngôn hoặc trường thiên, đoản thiên. Phú thì chọn trong các thể Ly tao, liên châu tám vận, hoặc độc vận thể cổ cận. Đề mục lấy trong các sách kinh, truyện, tử, sử không câu nệ ở sách nào. Đến như hoài cổ tả cảnh thì không hạn vận”. Như vậy, thể văn Hồng Đức với phạm vi rộng rãi đòi hỏi người học phải biết nhiều biết rộng và sự suy luận, lại phải biết liên hệ với chính trị đương thời, phải quan tâm tới thực tiễn. Và c
1.3. Đến thái độ gay gắt của sĩ phu
Sau Chính lệnh cải cách văn thể được ban hành năm 1693, chúng ta thấy chính sử không ghi gì thêm về thái độ của sĩ phu và những hoạt động triển khai nó trong thực tiễn. Một thời gian sau, chúng ta lại thấy nó tái hiện với một diện mạo mới.
Năm 1731, Thái thường tự khanh Bùi Sĩ Tiêm[11] dâng chúa Trịnh một bài khải mười điều, điều trần về rất nhiều việc trong đó điều thứ bảy nói về vấn đề văn thể.   Đầu tiên, Bùi Sĩ Tiêm phân tích vai trò của khoa cử, quá trình hoàn thiện và lưu biến của khoa cử và văn chương khoa cử từ đầu thế kỷ XV tới cuối thế kỷ XVII:
        Văn chương là công cụ kén học trò, là thứ của tô điểm nhà nước. Văn thể  triều ta bắt đầu chấn chỉnh từ đời Thiệu Bình (Lê Thái Tông 1434-1438), đại thành ở đời Hồng Đức, từ ấy đến nay được nhiều người giỏi, xây nền thịnh trị vẫn có thể hình dung được. Đến trung gian một lần biến đổi mà thành ra thể văn noi theo các sách xưa, lại biến đổi lần nữa thì thành thứ văn tầm chương trích cú. Những điều quan hệ đến thế đạo cũng theo đó mà có thể khảo xét được.
Bùi Sĩ Tiêm nhắc lại chính lệnh cải cách văn thể niêu hiệu Chính Hòa, nhưng khẳng định tính hiệu quả thấp của nó trong thực tế, đồng thời phân tích sâu hơn vào những vấn đề bất ổn của khoa cử, đặc biệt là văn chương khoa cử đương thời:
 
Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680-1705)[12] bắt đầu khôi phục lại thể văn Hồng Đức. Lúc bấy giờ rừng nho khua động, vườn văn dấy lên, lại nhìn thấy cái tốt đẹp của văn minh. Nhưng thể văn ấy chỉ thi hành ở kỳ thi hương, thi hội mà thi đối sách ở điện đình vẫn dùng lối văn cũ. Chưa đầy 20 năm mà đầu đề ra trong kỳ thi hội lại chia ra từng điều, giải nghĩa từng câu như cũ. Kẻ ra đề thi thì chọn những bài văn người ta ít học đến để thí sinh cầu may khó làm nổi. Quan chấm trường thì hâm mộ việc ám tả lời cũ mà quên việc lược giảng tâm thuật. Thậm chí cho thánh kinh là dấu vết cũ kỹ, cho cổ sử là câu chuyện nhàn đàm, chỉ chăm chăm vào những lời nói phù phiếm trong đối sách của chư tử để làm câu thần diệu mở đầu. Rút cục làm cho sĩ tử trong một thời coi thường việc học kinh mà chỉ nghiên cứu các sách linh tinh. Có người chỉ viết một bài trong “Thập khoa sách lược”[13] đã được lấy đỗ cao, còn về học thuật cứu chữa thời thế thì không có lấy một nửa chữ coi được. Có người chỉ sành một mục ở “Tứ đạo”, ở “Đề cương”[14] để giật giải thi, mà mưu lược sửa chữa tệ hại không có một lời nào có thể dùng được. Xét đến lúc đưa ra làm việc thì vào Hàn lâm không làm nổi thể văn tứ lục, đi chấm trường xem văn của người thì mụ người hoa mắt. Lấy văn chương như thế thì sự trông mong được giá trị như khuê như chương, đẹp đẽ như phủ như phất sao có thể đáp ứng được.
 
Sau khi đã phân tích một cách hùng hồn những điều bất ổn trong cách tuyển sĩ, trong văn chương khoa cử và hệ quả của nó là chỉ chọn được một lớp nhà nho kém năng lực, tác giả đề ra một số kiến nghị:
 
Vậy kính xin: Dốc lòng tôn sùng cái học chính thống, chấn hưng phong thái nhà nho, khôi phục lối văn hồn hậu đời Hồng Đức, thay đổi lối viết văn chi ly đời trung cổ. Phàm các sách “Ngốc trai”[15]. “Đề cương”, “Tứ đạo” nhất thiết cấm hẳn. Người đi học không được học theo các sách ấy, quan trường không được ra đề bài dựa vào các sách ấy. Việc hỏi thăm về văn sách nên giảm bớt điều mục mà cầu ở thiết thực cốt yếu. Văn cổ thì hỏi đại lược phải trái để xem học lực nông sâu của học trò. Văn kim thì hỏi những việc thời vụ cơ nghi để xét mưu trí cao thấp. Khoa trường theo đấy mà chọn người, người đi học theo đấy mà tiến thân, như vậy không có thể văn nào mà không xuất phát từ lẽ chính đáng.
 
Điều thứ bảy bản điều trần kết thúc bằng sự mô tả một viễn cảnh tươi sáng nếu phủ chúa biết lắng nghe và có những biện pháp thực tiễn. Những kiến nghị của ông là kiến nghị về vấn đề văn thể, văn chương, nhưng viễn cảnh tốt đẹp mà ông vẽ ra lại không chỉ là vấn đề văn chương khoa cử. Viễn cảnh đó còn thể hiện ở cả văn chương ngoài khoa cử, văn chương để trị quốc bình thiên hạ, cả vấn đề phẩm chất, năng lực quan lại nói chung, cao hơn nữa là vấn đề của thế đạo:
 
Sẽ thấy bực túc nho học rộng đi thi có thể dễ đỗ, còn bọn “nhãi ranh học vẽ” hết lối để đánh lộn sòng. Người đỗ đại khoa đều có lối văn kinh luôn hữu dụng, người ra làm quan đều sẵn cái học tu tề trị bình, các bậc hiền tài cùng tiến mà thế đạo cũng được rõ ràng phát huy. Như vậy gọi là chấn chỉnh thể văn để khích lệ người hiền tài vậy[16].
 
Đây là một điều bàn về văn thể và học thuật một cách tỉ mỉ. Vì là một bài chính luận nhằm đạt tới sức thuyết phục tối đa nhắm đến người có quyền lực tối cao nên Bùi Sĩ Tiêm trình bày rất hùng hồn và rõ ràng. Tác giả của bản điều trần đã phân tích tình hình cụ thể, chỉ ra những nguy cơ, những tệ hại trong giáo dục và khoa cử đương thời, cuối cùng đưa ra những kiến nghị và biện luận cho những kiến nghị đó. Qua lời của Bùi Sĩ Tiêm, chúng ta biết được Chính lệnh 1693 đã có những tác động nhất định tới thực tiễn, nhưng không triệt để và sau một thời gian ngắn nó lại rơi vào lãng quên.
 
Về căn bản, Bùi Sĩ Tiêm vẫn tiếp nối tinh thần của cuộc cải cách được đề ra trên 30 năm về trước nhưng có sự phân tích tỉ mỉ sâu sắc hơn. Ông tập trung vào phê phán lối văn chương phù phiếm sáo rỗng không phát huy được học lực quảng bác, chỉ chăm chăm vào đề cương, văn mẫu. Bùi Sĩ Tiêm chỉ ra nguyên nhân sâu xa đưa lại tình trạng văn chương sáo rỗng là do chấp nhận các sách đề cương văn bài mẫu trong dạy và ra đề, chấm thi. Điều đó khiến cho sĩ tử thành những con vẹt mà không chịu nắm lấy nghĩa lý của thánh kinh. Tri thức của họ không phải là tri thức thực trong quá trình đọc sách, họ chỉ cần học thuộc. Ông đề nghị cấm học đề cương vắn tắt, văn bài mẫu, người học phải học rộng hiểu sâu, học thực.
 
Điều đáng chú ý thứ hai trong bài điều trần là tinh thần quay về phục hồi cái học chính thống. Cái học chính thống là cái học như thế nào? Cũng theo tinh thần của bài điều trần, cái học chính thống là lối học thời Hồng Đức, đối lập với tầm trích, đề cương là phải học kinh và sử để nắm lấy nghĩa lý của thánh hiền. Chúng ta thấy có nét gặp gỡ trong xu thế phê phán, chấn chỉnh học phong giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ở Trung Quốc, Tống Nho khi chú lại kinh cũng đưa ra khẩu hiệu phục hồi Khổng Mạnh, quay về “nghĩa hàm nguyên thủy” của thánh kinh, tôn sùng đạo thống. Nho học đời Thanh khi phê phán Tống Nho cũng cho rằng Tống Nho xuyên tạc kinh điển, phải phục hưng nho học Khổng Mạnh. Cuộc vận động cải cách văn thể ở ta, như lời Bùi Sĩ Tiêm, vấn đề nóng bỏng cũng là chấn chỉnh để quay về cái học chính thống. Cái học chính thống là cách học cách thi thời Hồng Đức, là đề cao việc tìm hiểu trực tiếp, thực sự trong thánh kinh và chư sử, tìm trong đó những bài học phục vụ kinh thế, nhưng nó cũng có ý ám chỉ tư tưởng chính thống của nho gia nói chung. Cái học chính thống là tư tưởng nhân nghĩa trung chính, đạo quân thần phụ tử của Khổng Mạnh. Có thể nhận thấy ở đây tinh thần tôn phù chính thống. Khi Bùi Sĩ Tiêm dâng khải, chúa Trịnh bất bình và truất hết quan chức của ông, đuổi về quê. Nhà chúa nổi giận không thể chỉ vì vài ý tưởng canh tân khoa cử, những điều khác trong bản điều trần động chạm tới cả những chuyện phế lập trong phủ chúa, chuyện quan hệ vua-chúa và cả tư tưởng tôn phù chính thống toát ra từ toàn bản điều trần. Tôn chính thống cũng có nghĩa là một sự phê phán chúa Trịnh tiếm quyền, vượt phận, không thực hiện nghĩa vụ bề tôi đối với vua Lê.
 
Điều cần chú ý thứ ba trong bản điều trần là vấn đề tinh thần kẻ sĩ. Mục đích chấn chỉnh văn thể suy cho cùng là chấn hưng tinh thần kẻ sĩ. Nhu cầu chấn chỉnh thể văn cũng nảy sinh từ chỗ sĩ phong “có vấn đề”. Kẻ sĩ - sản phẩm của khoa cử - như Bùi Sĩ Tiêm đánh giá là thiếu cả năng lực văn chương, thiếu phẩm chất đạo đức và năng lực giải quyết công việc chính trị. Nguyên nhân của nó là do không học kinh điển nho gia tới nơi tới chốn. Điều này cũng có nghĩa là ông phê phán cả thế hệ các nhà nho bỏ quên cái học chính thống, không biết tới đạo cương thường, tới lễ nghĩa liêm sỉ. Cũng có đủ lý do để suy luận xa hơn một chút, sự a dua của sĩ nhân đối với các hành vi của nhà chúa cũng là một biểu hiện sự sa sút của nho phong sĩ khí, xa rời chính đạo.
 
Điều đáng chú ý thứ tư là thứ văn chương Bùi Sĩ Tiêm đưa ra làm mục tiêu cho việc canh cải hướng đến là thứ văn chương phục vụ mục đích kinh bang tế thế, mục tiêu thiết dụng rõ ràng. Trong bài phải có tới 6 lần Bùi Sĩ Tiêm nói tới tác dụng kinh luân hữu dụng của học thuật, của văn chương với những cách nói khác nhau:
- Học thuật cứu chữa thời thế
- Mưu lược sửa chữa tệ hại
- Lối văn kinh luân hữu dụng
- Cái học tu tề trị bình
- Cầu ở điều thiết thực cốt yếu
- Hỏi những việc thời vụ cơ nghi
 
Qua đó có thể thấy sự đòi hỏi tính chất phục vụ kinh thế của văn chương, của nho học đang là vấn đề cấp bách. Tinh thần chuộng học có thực chất, chuộng học thuật phục vụ kinh thế là rõ ràng. Bài khải 10 điều khá dài của Bùi Sĩ Tiêm được trích dẫn nguyên vẹn trong chính sử cũng là một việc hiếm hoi trong các bộ sử. Nó chứng tỏ những người viết Sử ký tục biên (Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn, Ninh Tốn, Phạm Nguyễn Du…) rất chú ý tới bài khải này.
 
Sau Bùi Sĩ Tiêm, chúng ta lại được biết tới một bài khải khác gửi chúa Trịnh, trong đó cũng có một điều quan trọng bàn về thể văn và học thuật của Ngô Thì Sĩ. Điều thứ tư của bài khải nói về “chỉnh đốn thể văn”. Ngô Thì Sĩ mở đầu bằng việc mô tả văn thể Hồng Đức và khẳng định đó là thứ văn thể mẫu mực nhất và việc áp dụng nó trong khoa cử là hợp lý, có thể chọn được nhân tài:
 
Văn chương có quan hệ đến vận đời mà đạo tìm kiếm người tài phải coi việc giáo hóa là trước nhất. Khoảng đời Hồng Đức, cách chọn kẻ sĩ cũng thông qua các loại kinh nghĩa, thơ, phú, văn tứ lục và đối sách. Nhưng kinh nghĩa không câu nệ ở chương nào, cũng có khi trích vài câu trong một chương để ra đề, hỏi nghĩa, như thế, nếu chẳng phải người học rộng hiểu sâu ắt không thể làm được. Tứ lục thì dùng cổ sử, quốc sử và kết hợp với những việc của bản triều. Thơ thì hoặc dùng thể ngũ ngôn, thất ngôn hoặc trường thiên, đoản thiên. Phú thì chọn trong các thể Ly tao, liên châu tám vận, hoặc độc vận thể cổ cận. Đề mục lấy trong các sách kinh, truyện, tử, sử không câu nệ ở sách nào. Đến như hoài cổ tả cảnh thì không hạn vận. Như thế nếu không phải người học nhiều sử sách, phong phú ngôn từ cũng không dễ gì làm được.
 
Tính mẫu mực của văn thể Hồng Đức được tác giả nhấn mạnh ở việc nó yêu cầu người học phải có thực học mới đáp ứng được các yêu cầu làm bài. Văn chương khoa cử thời kỳ mẫu mực ấy có thể loại bỏ được những kẻ cầu may và khuyến khích cả người đã đỗ đạt không ngừng học tập để cầu tiến bộ:
 
Cho nên những người có thực học đều phải lo hoàn thành văn bài của mình đâu có thừa sức làm hộ người khác. Kẻ học hành kém cỏi thì những lo nộp quyển trắng bị tội nên đã liệu trước không dám liều lĩnh vào thi. Vì thế nơi trường ốc những tệ mua bán văn chương mờ ám, thi cử cầu may không cần dập mà cũng tắt. Kẻ đã đỗ đạt cũng không dám tự mãn mà còn đọc sách chờ khi khảo hạch sẽ đối đáp được rạch ròi để khen điều hay, ngăn điều xấu. Nếu không thì như Dương Minh Châu học nghiệp không tấn tới phải giáng làm chức tự thừa. Nguyễn Quý Nhã khảo hạch lạc vận phải làm tri huyện. Cũng bởi vậy mà những kẻ tham dự vào chuyện khoa cử chẳng ai không có thực học, chẳng đến nỗi lóa mắt vì năm sắc mà thành mê lẫn. Đương thời khoa cử chọn được nhiều người tài, điều đó đến nay còn là câu chuyện đẹp, người đời hay bàn tới.
 
Ngô Thì Sĩ tập trung phân tích những bất ổn trong văn chương khoa cử đương thời, ông đề cập tới cụ thể từng loại văn chương, từ bài sách vấn tới bài kinh nghĩa, tứ lục, thơ phú, sự phân tích của ông tiếp nối tinh thần và quan điểm của Bùi Sĩ Tiêm và có phần cụ thể hơn:
 
Ngày nay chỉ đề bài văn sách trường thứ tư là còn ít nhiều giữ được thể cách thời Hồng Đức, còn chuyện tìm moi những điển tích sâu kín phải chăng người ra đề chỉ cốt chọn đoạn nào thí sinh không thể nhớ được thì cho là tài. Thí sinh trái lại chỉ chạy theo sự dễ dãi nông cạn, cốt sao cho lọt mắt quan trường thì cho là hay, việc kết hợp giữa cổ sử và chính sự đương thời cũng thiệp liệp cẩu thả, ứng đối không điều gì có giá trị thiết thực và văn tứ cũng chẳng đoạn nào đáng xem. Kinh nghĩa chẳng qua quanh quẩn trong vài chục đề, thí sinh học thuộc lòng rồi cứ thế chép ra. Văn chương ở trường đệ nhất coi như thế là đủ. Tứ lục thơ phú thì theo khuôn sáo tầm thường cũ kỹ. Kẻ học giỏi dư sức làm xong bài của mình thì gà bài cho người khác. Kẻ vô học phần lớn nhờ sức người mà gặp may. Cho nên trong số thí sinh đỗ tam trường ít có bài văn lý khả thủ; thậm chí người tài thì rơi rụng, kẻ vô học lại đỗ, cũng vì cớ ấy, lâu dần thành nếp, người đi học yên lòng theo thói thường, cố chen chân trong chốn thi cử để may ra thi đậu thì làm quan, văn thể ngày một thấp kém, nhân tài ngày một mòn mỏi. Nếu không một phen chấn chỉnh, thay đổi nếp cũ, thần e rằng chỉ trong vài chục năm nữa sẽ rơi vào con đường ti tiện không còn văn chương nữa.
 
Những kiến nghị của Ngô Thì Sĩ cũng là những kiến nghị rất cụ thể, có ý kiến cho từng thể văn. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh hiệu quả của việc chính đốn thể văn đối với tinh thần kẻ sĩ:
Thần mạo muội nghĩ rằng việc dạy dỗ nơi trường ốc, việc lựa chọn trong khoa cử nên nhất nhất theo thể văn đời Hồng Đức, kinh nghĩa thì bỏ lối tóm tắt sơ lược, sách vấn thì cấm các điều vụn vặt. Tứ lục và thơ phú thì theo thể thức ngày trước, chọn một vài nho thần học rộng biết nhiều cho làm học quan để dạy tập các sinh viên ở Quốc Tử Giám. Còn trường học ở các quận các tỉnh cũng dựa theo đó mà ban bổ. Phải lấy sự chăm lười giỏi dốt làm tiêu chuẩn để thăng cấp, giáng cấp cho các học quan và lấy văn chương thuần túy làm căn cứ xếp loại học trò, cốt làm cho thể văn do đó mà biến đổi. Kẻ học phải bỏ lối tầm chương trích cú mà theo đuổi việc học rộng biết nhiều. Bỏ kiểu văn thấp thỏi yếu đuối mà rèn luyện phong cách hùng hồn mạnh mẽ. Như thế nghiệp học mới thành tựu lớn và nhân tài cũng xuất hiện đông đảo đủ để cung cấp cho việc sử dụng của nhà nước. Tiên nho nói “Thánh nhân để ơn đến muôn đời sau ắt thấy ở chỗ gây dựng nhân tài một đời”. Đó mới là điều rất lớn.
 
Nội dung bài điều trần kết thúc bằng những ngôn từ thường gặp trong các văn bản dâng vua chúa, nhưng cũng có chút ý vị khích lệ người cầm quyền:
 
Nay vâng đức thánh chúa thông minh quyết đoán, sự cường thịnh về việc võ đã vượt hẳn thời xưa, thì việc sửa đổi sĩ khí chấn tác văn phong dùng để giúp đỡ nghiệp lớn, ca ngợi thái bình lại càng rất cần cho ngày nay vậy[17].
 
Bài khải của Ngô Thì Sĩ về căn bản là tiếp nối tinh thần của Bùi Sĩ Tiêm. Ta có thể nhận thấy ở đó sự am hiểu sâu sắc tình hình thực tế khoa cử và cả sự nếm trải cá nhân qua sáu bảy lần hỏng thi của chính ông. Ngô Thì Sĩ một lần nữa nhắc tới tính cấp bách của việc sửa đổi thể văn, chấn hưng học thuật. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh tác hại của lối tầm chương trích cú trong giáo dục và khoa cử đối với văn chương và học thuật, ông coi việc sửa đổi thể văn là việc làm nhằm sửa đổi sĩ khí, chấn tác văn phong. Quan niệm này cũng khẳng định thêm rằng sửa đổi thể văn đối với các nho sĩ đương thời là cả vấn đề sửa đổi nho phong sĩ khí.
 
Đáng chú ý là trong bài khải Ngô Thì Sĩ hai lần nhắc tới từ “thực học”. Ở đây cần hiểu khái niệm thực học trong cách dùng của Ngô Thì Sĩ có nghĩa gì? Thực học (實學) là từ chỉ một trào lưu học thuật thoát ra từ sự phê phán Tống Nho một cách tương đối toàn diện, chủ trương quay về Khổng Mạnh truyền thống, đề cao văn chương học thuật hữu dụng thiết thực phục vụ kinh thế tế dân[18] của các nhà nho Trung Quốc cuối Minh đầu Thanh. Còn khái niệm thực học theo cách dùng của Ngô Thì Sĩ không như thế. Theo văn cảnh của bài khải của Ngô Thì Sĩ thì thực học[19]được dùng với nghĩa chỉ cái học có thực chất, nắm được ý nghĩa của kinh sách, đối lập với lối học tầm trích sáo rỗng từ chương. Nghĩa căn bản là đối lập với thuộc lòng từ chương không có ý kiến riêng. Như vậy thực học theo cách dùng của Ngô Thì Sĩ có nghĩa hẹp hơn nghĩa chỉ tinh thần chính của một trào lưu ở Trung Quốc. Ngô Thì Sĩ nhắc tới thực học và văn thể, sĩ phong thời Hồng Đức, vì vậy, một cách tốt nhất, chúng ta xem xét một phát ngôn của chính Lê Thánh Tông về vấn đề này, đó là bài thơ Thực học của ông:
 
                        Tâm chính gia tề nhất quán chi,
                        Thù phi trùng triện đấu thần kỳ.
                        Vị nhân vị kỷ nghi tiên biện,
                        Hy thánh hy hiền vụ trí tri.
                        Khổng Mạnh văn chương thùy hậu thế,
                        Y Chu sự nghiệp tá minh thì.
                        Sĩ phong đôn thượng chân nho xuất,
                        Dực ngã hy triều đại hữu vi[20].
                (Quán xuyến một cách thống nhất[21] đạo chính tâm, tề gia[22]
                Khác hẳn với loại kẻ sĩ chỉ biết tranh nhau khoe câu chữ đẽo gọt xảo khéo kỳ lạ.
                Nên phân biệt trước tiên lối học vị kỷ hay học vị nhân[23],
                Lối học hy thánh hy hiền[24] chuộng ở chỗ hiểu biết cho đầy đủ.    
                Văn chương (phải) như văn chương của Khổng tử, Mạnh tử còn lưu hậu thế,
                Sự nghiệp (phải) như sự nghiệp của Y Doãn, Chu Công[25] giúp cho những đời vua sáng.
                Sẽ thấy bậc chân nho sĩ phong cao thượng đôn hậu xuất hiện ở đời.
                Phù giúp cho triều đại sáng láng của ta nên sự nghiệp lớn.)
 
Xem xét kỹ những điều Lê Thánh Tông đề cập tới trong bài Thực học nói trên, ta thấy ông quan niệm về thực học hoàn toàn là chuyện tu dưỡng đạo đức. Thực học với nghĩa là tu thân dưỡng tâm theo chuẩn mực của đạo Khổng- Mạnh tới chỗ có biểu hiện thực sự trong đạo đức, nhân cách. Người tu dưỡng phải biến giáo điều của kinh sách thành thực tiễn đạo đức và hiện thực tinh thần sinh động ở nơi bản thần chứ không phải chỉ học thuộc câu chữ kinh điển mà không có một hiện thực đạo đức tương ứng. Điều đó cũng có nghĩa là nhấn mạnh công phu nội tỉnh tu dưỡng. Điều mà Lê Thánh Tông nói tới: lối học vị kỷ, lối học hy thánh hy hiền đều chỉ tâm tính học của nhà nho. “Vị kỷ chi học”(為己之學)là học truy cầu sự hoàn thiện của đạo đức cá nhân, học để thành kỷ, thành nhân, khác với lối học vị nhân, học những điều mà người khác cần, mà những điều người khác cần đó có thể là kỹ xảo, là tri thức không phải là đạo đức cá nhân. “Hy thánh hy hiền”(希圣希賢)cũng là tinh thần tu dưỡng đạo đức, ngày ngày hoàn thiện mình để đạt tới nhân cách và tinh thần của bậc thánh bậc hiền. Học vị kỷ, học hy thánh hy hiền là tinh thần quan trọng trong tâm tính học (心 性 学) nho gia, nó được đề xướng từ Khổng Tử, tiếp nối bởi các nho gia thời Chiến Quốc và đặc biệt được các vị đại nho đời Tống như Nhị Trình, Chu Hy đề cao. Vì vậy cũng có thể khẳng định thêm rằng, thực học như cách nói của Lê Thánh Tông là chỉ người học tập chú ý tới nghĩa lý của sách vở, chú ý công phu nội tỉnh, tu dưỡng đạo đức và có đạo đức thực sự, lấy đó làm gốc rễ cho trị quốc bình thiên hạ. Quan điểm thực học đó là tư tưởng chính thống, cốt lõi của nho gia suốt mấy nghìn năm. Như vậy, quan niệm thực học của Ngô Thì Sĩ là giống với quan niệm của Lê Thánh Tông. Nó thể hiện tinh thần của những người đề xướng cải cách văn thể là tác văn hữu ý, nắm được nghĩa lý kinh sách và đối lập với hư rỗng từ chương. Đây là một điều rất đáng chú ý. Với việc đề xướng thực học đối lập với hư học xét trong phạm vi giáo dục và khoa cử, đối lập với văn chương tầm trích hư rỗng không thực chất. Rõ ràng, cho dù không sâu sắc và toàn diện, không ra đời từ sự phê phán một trào lưu học thuật trước đó, chỉ phê phán trong phạm vi văn chương cử tử, nhưng cũng phải thừa nhận tinh thần “sùng thực truất hư” cũng đã được các nho sĩ Việt Nam đương thời nhận thức đến, xuất phát từ nhu cầu tự thân của những vấn đề phát sinh trong nền giáo dục khoa cử và học thuật.
 
1.4. Nhìn trên diện rộng
Ngoài hai bản điều trần quan trọng nói trên, trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XVII cho đến gần suốt thế kỷ XVIII, tinh thần cải cách, chấn hưng nho phong sĩ khí đó được nhiều nhà nho hưởng ứng, góp tiếng tạo thành một trào lưu, một tiếng nói chung, xu hướng chung của cả một thời đại.
 
Ngay năm 1693, sau khi Chính lệnh cải cách thể văn vừa được ban hành, Tham tụng Nguyễn Danh Thực[26] dâng bài khải nói về đào tạo nhân tài, trong đó có đề cập tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài, có đưa ra những giải pháp cụ thể, nhất là việc chấn chỉnh việc dạy và học ở Quốc Tử Giám.
 
Năm 1697, sau khi Chính lệnh cải cách ban ra được ít lâu, một sự kiện có một không hai trong lịch sử giáo dục và khoa cử diễn ra. Tiến sĩ Ngô Sách Tuân, người huyện Tiên Sơn (Hà Bắc) vì việc vi phạm nguyên tắc của giám quan khi ông đi làm giám thí trường Thanh Hóa mà bị tử hình. Đây là vị tiến sĩ duy nhất trong lịch sử bị tử hình vì lý do liên quan đến khoa cử.
 
Năm 1728, người ta còn nhắc nhiều tới sự kiện Tham tụng Nguyễn Công Hãng[27] dẫn quan văn vào Quốc Tử Giám luyện tập thể văn bát cổ. Công Hãng cho rằng: “Lối học kinh nghĩa là rập theo khuôn sáo cũ không có cốt tủy văn chương. Còn thể văn bát cổ thì lập ý đẻ chữ có thể dùng để thu người tài lạ, vì muốn biến đổi thể văn nên đem quan văn vào Giám luyện tập thể văn ấy để cổ vũ nho phong sĩ khí[28]. Về việc làm này, Lê Quý Đôn tỏ ý không tán thành. Lê Quý Đôn cho “Như thế là không đúng[29]. Ông cũng cho rằng lối văn chương bát cổ là thứ văn trang sức phù phiếm không quan thiết gì đến chính sự, đồng thời lại là lối văn chương quá khó, quá gò bó đối với sĩ tử. Nếu dùng thể văn bát cổ ngay trường nhất thì sĩ tử chẳng ai còn dám đi thi nữa[30]. Theo Lê Quý Đôn phân tích thì việc làm của Nguyễn Công Hãng có phần trái ngược với tinh thần cải cách. Nhưng điều này lại được các sử gia viết Đại Việt sử ký tục biên ghi công, cho rằng cách làm của Nguyễn Công Hãng là làm với tinh thần tìm tòi giải pháp và tìm kiếm “lối văn có thể thu được người tài lạ”. 
 
Cũng nhân việc phê phán Nguyễn Công Hãng, Lê Quý Đôn bày tỏ quan điểm của mình về thể văn, về học thuật:
 
Tôi thiết nghĩ như thế là không đúng (chỉ việc làm của Công Hãng - NKS). Bởi vì đặt ra khoa cử tuy có thi, từ, phú, sách, luận, thể thì văn hoa, thể thì chất thực, thể chế khác nhau nhưng tóm lại chỉ là dùng lời nói suông để chọn người, mà người ta cũng dùng lời nói suông ứng đối lại, thực ra thì đến khi thi thố ra việc làm, vẫn không phải ở những điều ấy, vả lại căn cứ vào văn chương trong mấy bài thi nơi trường ốc, chỉ biết sơ lược đại khái, làm gì mà có thể xem xét hết được nhân tài? Chỉ vì việc kén chọn nhân tài không có phương pháp nào khác nữa, cho nên người trên phải mượn con đường này để thu hút người tài tuấn, người dưới cũng mượn con đường này để làm cái thang tiến mà thôi[31].
 
Qua đoạn bàn bạc trên, chúng ta có thể thấy ý kiến của Lê Quý Đôn có hơi khác với các nho sĩ khác. Ông không những nhận thấy cái hư nát trống rỗng của văn chương dùng trong khoa cử đương thời mà còn nhận thấy sự hạn chế nằm ngay trong bản thân chế độ khoa cử. Đó chỉ là dùng lời nói suông mà đáp lại lời nói suông, khi ra thi thố ở đời thì không phải ở đó, không thể căn cứ vào đó để chọn người tài được. Nhưng Lê Quý Đôn không thể đưa ra một cái gì khác, không thể phê phán việc học tập và khoa cử một cách sâu sắc triệt để, cải cách cả nội dung giảng dạy và tri thức trang bị cho học sinh như Nguyễn Trường Tộ làm sau này. Lê Quý Đôn chỉ thấy rằng vì triều đình không biết dùng cách nào khác mà phải dùng đó thôi. Nhưng dù sao nhận thức của Lê Quý Đôn về thực chất và tính hữu dụng thiết thực của văn chương, học thuật cũng đã sâu sắc hơn nhiều người đương thời khác một bậc.
 
Trong suốt khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XVIII, theo ghi chép của các bộ chính sử, chúng ta cũng thấy có nhiều ý kiến khác nói về vấn đề cải cách văn thể, yêu cầu sửa đổi chấn chỉnh nho phong sĩ khí. Các chúa Trịnh cũng nhiều lần ra chỉ dụ nói về chấn chỉnh học phong, tôn sùng kinh sử, khuyên sĩ tử chuyên cần, ban các sách đại toàn, cấm học đề cương vắn tắt. Năm 1726 vì không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi hương, triều đình đã cho các cống sĩ ra ngoài bãi sông Hồng thi lại và loại ra tới 17 người, trong đó có con trai thượng thư Lê Anh Tuấn. Các năm 1747, 1765, 1771 cũng có những cuộc thi lại như vậy, loại ra nhiều sĩ tử, nhiều học quan, giám quan bị biếm chức hoặc bị phạt. Đây là điều hiếm có ở các giai đoạn khác. Nó cho thấy việc khoa trường lúc đó tồn tại khá nhiều tệ nạn và triều đình cũng đã mạnh tay trong việc chấn chỉnh. Năm 1732, để tránh lối học đề cương vắn tắt, chương cú triều đình đã cho khắc in ban bố các sách kinh điển đại toàn như Ngũ kinh đại toàn, Tứ thư đại toàn cho các địa phương.
 
Cũng trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XVIII, hoạt động trong các trường học từ quốc học đến các trường tư đều có những chuyển biến trong việc dạy và học. Theo mô tả của Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút và của Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký thì thời gian này ở nhà Quốc học (Giám) rất sôi động không khí học thuật, thảo luận bàn bạc, đây là thời kỳ được các tác giả đánh giá là không khí học thuật thịnh nhất ở nhà Quốc học. Bùi Dương Lịch viết:
 
Lúc này triều đình tôn chuộng nho học… Những buổi giảng hàng ngày, ở Quốc Tử Giám, triều đình sai quan ở ngự sử đài và quan khoa đạo thay phiên nhau giảng tập. Mồng một ngày rằm có kỳ văn khóa, các quan đại thần trong triều đều đến trường Quốc học nghe bình duyệt, người học rất đông, ai nấy đều được chuyên nghiệp…[32]
 
Ở trường tư của Thám hoa Vũ Thạnh ngay tại kinh thành Thăng Long việc dạy có những biểu hiện khác trước, như: dạy cả văn lẫn võ, không chỉ dạy Tứ thư, Ngũ kinh đến chỗ tinh vi mà còn dạy cả những tri thức phục vụ kinh bang tế thế. Bản thân Vũ Thạnh được đánh giá rất cao trong việc đóng góp vào quá trình canh cải. Phan Huy Chú viết về Vũ Thạnh trong Lịch triều hiến chương loại chí:
 
Trung Hưng về sau, văn chương theo lối tầm chương trích cú nên trở thành ti lậu. Văn ông (Vũ Thạnh) làm ra có tính thanh thoát, đổi lối trần hủ thành thanh tân, mà người đương thời đua nhau học theo, từ đây văn thể được đổi mới[33].
 
Còn Nguyễn Tông Quai, người học trò xuất sắc của Vũ Thạnh cũng được Phạm Đình Hổ đánh giá là một người “có nhiều tìm tòi trong lĩnh vực thi luật lúc bấy giờ”. Vũ Thạnh và Nguyễn Tông Quai là những người đi theo tinh thần cải cách bằng hành động thực tiễn.
 
2. Văn thể và tâm thái của sĩ phu
2.1. Cuộc vận động cải cách văn thể với những nội dung và biểu hiện như đã phân tích ở trên cho thấy tâm trạng của tầng lớp sĩ phu có những xáo động, băn khoăn, không hài lòng với thực tế đang diễn ra. Họ nhìn thấy những nguy cơ. Trên bề mặt, họ nhìn thấy những mớ văn chương sáo rỗng xuất hiện đầy dãy trong những kỳ thi và cả ở các sáng tác tự do. Nhưng điều khiến những nho sĩ tiên ưu cảm thấy bất an lại không phải chỉ ở đó. Khoa cử dùng thứ văn chương như Bùi Sĩ Tiêm và Ngô Thì Sĩ phân tích để chọn người sẽ khiến cho người đi học không hướng tới nghĩa lý của kinh sách. Điều đó cũng có nghĩa là người đi học không hướng tới việc tu thân sửa kỷ theo chuẩn mực của nho gia. Mục tiêu của khoa cử là thông qua chấm văn chương mà tìm lấy những người có đạo đức nhân cách tốt đẹp, năng lực trị quốc bình thiên hạ theo cách của đức trị thể hiện ra văn chương. Và như vậy mối lo chính của sĩ phu là vấn đề tu dưỡng của kẻ sĩ, đạo đức kẻ sĩ, tức mối lo lắng hướng vào cái “hữu chi ư nội”(cái có ở tinh thần nội tại), để từ đó “hình chi ư ngoại” (thể hiện ra văn chương).
 
Giáo dục và khoa cử như họ phân tích không phải là con đường khuyến khích người học hướng tới chân tài, thực học, không khuyến khích học rộng biết nhiều, không chọn được người có tinh thần thanh cao cứng cỏi của kẻ sĩ. Sự không hài lòng này có thể xuất phát từ việc phẩm chất và năng lực của nhà nho đương thời không đáp ứng được những nhu cầu mới của công việc cai trị đất nước. Từ khoảng cách hơn hai thế kỷ nhìn lại, chúng ta thấy đầu thế kỷ XVIII xuất hiện nhiều nhà nho có tầm tri thức và cái học kinh bang tế thế không kém gì thời Hồng Đức. Ở một vài phương diện còn vượt trội hơn cả thời Hồng Đức. Những nhân vật đa năng, văn võ toàn tài như Lê Anh Tuấn, Nguyễn Nghiễm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ… khá đông. Như vậy, việc bất an, kêu ca về sĩ phong đương thời có lẽ dồn nhiều vào vấn đề tâm tính và thái độ chính trị của họ. Có thể nó là sản phẩm của thái độ bất bình với việc chúa Trịnh lấn át vua Lê, nhưng nhiều người không dám công khai lên tiếng phản đối, trừ Bùi Sĩ Tiêm. Từ chỗ không dám bày tỏ họ chuyển sang thất vọng với tinh thần của cả thế hệ nhà nho nói chung.
 
Có thể nhìn việc các nhà nho kêu gọi chấn hưng nho phong sĩ khí, khôi phục chính học, tôn sùng cái học chính thống là dòng bảo thủ, sự hồi ứng  mang tính phản tư trước những biến động của học thuật và tinh thần trí thức. Họ phê phán cái hủ bại trong văn chương khoa cử, trong nền giáo dục là đúng, là một sự thực lịch sử. Tuy nhiên, sự hồi ứng bảo thủ này cũng là dấu hiệu cho thấy biểu hiện của sĩ phu có nhiều vấn đề không phù hợp với học phong chính thống. Tâm tính học không phải là vấn đề được coi trọng nhất. Các sĩ phu thời Hồng Đức được ca ngợi về mặt cốt cách, tinh thần cũng như về văn chương, nhưng về học thuật và các hoạt động chính trị thì thực sự họ khá mờ nhạt trong lịch sử. Cả số đông các trạng nguyên, bảng nhãn của thời Lê Thánh Tông không biết làm gì để cứu chữa thời thế khi ông vua mẫu mực này qua đời. Họ chỉ biết tuẫn liệt để tỏ lòng trung khi không biết làm thế nào cứu được ngai vàng cho nhà Lê vào thập kỷ 20 của thế kỷ XVI. Như vậy, khẩu hiệu khôi phục học phong Hồng Đức thực chất là khôi phục tâm tính học, khôi phục học đại toàn. Việc Nguyễn Công Hãng cho sĩ tử tập làm thể văn bát cổ, theo ông ta nó có thể kén được người tài lạ. Nhưng có lẽ ông đã không thật tích cực và cấp tiến khi đồng nhất cái tài tìm chữ, đặt câu của thể bát cổ với tài cần cho việc kinh bang tế thế, trị quốc an dân. Có thể những sa sút của giáo dục khoa cử trong việc truyền bá tư tưởng nho gia chính thống đã là một trong các điều kiện đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển trọng tâm từ đề cao đạo đức tâm tính sang cầu học thực tiễn cuối XVII đầu XVIII. Bùi Sĩ Tiêm là người phê phán học phong hư rỗng hủ nát mạnh nhất, nhưng khó có thể nói rằng trong sự kêu gọi hùng hồn của ông không có yếu tố bảo thủ.
 
Tuy số đông “chúng khẩu đồng từ” về việc khôi phục thể văn thời Hồng Đức, chấn hưng phong thái nhà nho, lấy sĩ phong Hồng Đức làm mẫu mực, nhưng trong đại trào ấy, chúng ta có thể nhận thấy những nỗi niềm đa chiều của họ. Tinh thần bảo thủ đan xen với tinh thần cách tân. Những động thái trong vấn đề văn thể là chuyển biến ở dòng chính thống của tư tưởng nho gia đương thời.
 
2.2. Ở một bình diện khác, vận động cải cách văn thể bộc lộ những nét mới trong tư tưởng kẻ sĩ. Thực tế đang đặt ra những đòi hỏi mà năng lực và phẩm chất tầng lớp trí thức quan liêu không đáp ứng được. Họ muốn có một phen thay đổi. Trước nhu cầu thay đổi, với bài học kinh nghiệm học được từ kho kinh, sử, tử, tập, họ quay về quá khứ để tìm hình mẫu. Họ tư duy theo con đường của nhà nho nói chung, tức khi cần thay đổi hiện thực, đề xướng cải cách, họ hoặc chú giải, thảo luận lại kinh điển nho gia, hoặc lấy lại một mẫu mực trong quá khứ để làm biểu tượng. Thời Hồng Đức là một lựa chọn cho cái mẫu mực lý tưởng. Nhưng thời Hồng Đức được đưa ra làm mẫu không phải một thời lịch sử khách quan đã qua, mà là một mong muốn trong tưởng tượng. Họ đề cao tiết tháo và chí hướng của kẻ sĩ Hồng Đức, nhưng khi bàn cụ thể, họ lại đề xuất cả những vấn đề mà thời Hồng Đức chưa chú trọng, đó là cái học kinh thế. Trong bài khải của Bùi Sĩ Tiêm và Ngô Thì Sĩ, và các ý kiến khác đều thống nhất ở việc đề cao tinh thần hướng về học thuật hữu dụng, thực lực giải quyết công việc cai trị của tầng lớp trí thức quan lại. Tâm thái của sĩ phu muốn hướng tới một mẫu người mới: mẫu người có thực tài thực lực để giải quyết vấn đề của thời cuộc.
 
Những vấn đề mà các sĩ phu phê phán, như học vẹt, không nắm kinh điển tới nơi tới chốn, tu tâm dưỡng tính không đầy đủ… theo con mắt của các nhà nho chính thống là tệ nạn, nhưng nhìn từ góc độ khác, chính việc chỉ biết có tâm tính, quá đi sâu vào phương diện nội thánh coi nhẹ thực hành đạo trị giống như con đường của các nhà nho đời Tống lại là một loại tệ hại khác. Các nhà nho kêu gọi thay đổi, và thực tế chúng ta thấy đã có thay đổi, nhưng sự thay đổi lại diễn ra không phải như những gì họ nghĩ tới, hoặc mong muốn. Trong đời sống tinh thần của kẻ sĩ đương thời, có xuất hiện những cái mới, nhu cầu mới, nhận thức mới, nhưng cái mới không đủ mạnh và không có hệ thống để sĩ phu giải quyết theo những hướng phê phán quyết liệt hơn, toàn diện hơn các lĩnh vực của nho học. Sản phẩm của nó là trạng thái mới cũ đan xen, hòa hỗn. Đó chính là tâm thái một thời của sĩ phu. Chính họ sẽ tạo ra những thay đổi, nhưng là những thay đổi trong giới hạn.
 
2.3. Những đề xuất cải cách của sĩ phu dẫu chỉ là từ góc độ văn thể, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn thấy ở đó tinh thần tự nhiệm, tự gánh vác trách nhiệm xã hội. Họ đề cao đạo đức tiết tháo của kẻ sĩ thời Hồng Đức, nhưng xét cho cùng chính họ đã năng động để nhận thức hoàn cảnh và năng động để thực hiện hơn các nhà đạo đức thời thế kỷ XV- XVI. Khi người ta tự phản tỉnh, nhận ra sự yếu kém của mình và cả giai tầng mình, bất bình với chính giai tầng mình, đó cũng là những dấu hiệu của sự tự cường và thay đổi có thể diễn ra. Chỉ nhận thức và phản tỉnh không chưa dẫn tới những thay đổi trong thực tế, nhưng những sự thay đổi thường phải được bắt đầu từ sự nhận thức lại và tinh thần phản tỉnh. Họ đã dũng cảm để nhận thức lại, để phê phán, để cầu tiến, để canh cải.
 
Trong thực tế sự năng động của kẻ sĩ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII đã đem lại những thành tựu học thuật, thành tựu trong hoạt động chính trị, quân sự và thành tựu văn chương đáng kể. Có thể xem thế kỷ XVIII như là một thời kỳ phục hưng của văn hóa và học thuật, tính chất phục hưng đó thực sự bắt đầu từ sự phản tỉnh và nhận thức lại của tầng lớp trí thức.
 
2.4. Qua nội dung các đề nghị cải cách văn thể, ta thấy sĩ phu mong muốn có một thứ văn chương mới thể hiện trung thực tâm tư tình cảm. Kẻ sĩ cần có tinh thần và năng lực thực sự để làm gốc cho văn chương và cần có thứ văn chương thể hiện tốt nhất trạng thái tinh thần tình cảm và đạo đức đó. Có tâm tính học tốt là có căn cốt cho văn chương. Tinh thần thực học mà một số nhà nho đề xuất có hai phương diện: Có thực một đời sống tinh thần đạo đức để làm gốc rễ cho văn chương và có những năng lực để kinh bang tế thế. Dĩ nhiên trong cách nghĩ của nhà nho, hai điều này không thể tách rời. 
 
Trong suy nghĩ của các nhà nho chính thống, đạo đức trong tinh thần nội tại của các cá thể là cái đảm bảo cho chất lượng văn chương. Nhưng trong thực tế, tinh thần nội tại không chỉ có đạo đức, nó còn những tình cảm tự nhiên, những giá trị tinh thần khác thuộc về con người cá thể. Ở thời Nho giáo đương thịnh, tính duy lý của Nho giáo còn mạnh mẽ thì mọi yếu tố của đời sống tinh thần được nhất thể trong đạo đức, phù hợp với đạo đức. Nhưng ở thời kỳ sức chế ước của đạo đức yếu đi, lý tính yếu đi, con người không còn thấy thỏa mãn ở sự tự lạc tự tại của đạo đức nữa, những tình cảm tự nhiên, nhu cầu thể hiện năng lực cá nhân, những nhu cầu tâm linh và tôn giáo khác có điều kiện thể hiện. Việc bộc lộ tình cảm tự nhiên lại thành ra một xu trào và nó đan xen cùng với sự thể hiện đạo đức một cách chân thành.
 
Nhìn một cách tổng quan, tâm thái của tầng lớp sĩ phu cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII là một trạng thái động. Sự vận động đó theo nhiều hướng khác nhau, nhưng nó đều đặt mục tiêu phải thay đổi tình hình có quá nhiều bất ổn đã được nhận thức. Động hình đó của tầng lớp trí thức - lực lượng sáng tác văn học - là một yếu tố quan trọng tạo ra cái động hình của văn chương đương thời. 
 
3. Văn thể và động hình của văn chương thế kỷ XVIII
Tinh thần của cuộc vận động cải cách văn thể, những trăn trở suy tư của tầng lớp sĩ phu đã có những tác động nhất định tới đời sống sáng tác văn học thế kỷ XVIII, hay nói cách khác, nó đã phần nào được thể hiện ra trong thực tế sáng tạo văn học đương thời. Bài viết này sẽ không và không thể đề cập một cách toàn diện mọi vấn đề của văn học đương thời, mà chỉ từ những tinh thần quan trọng của cải cách văn thể để nhìn nhận thực tế sáng tác văn học đương thời. Có hai loại đối tượng cần chú ý. Thứ nhất: thực tế sáng tác của một số tác giả được người đương thời đánh giá là có những biểu hiện rõ ràng về thay đổi trong văn thể và có ảnh hưởng thực tế đến các sáng tác của chính những người đề xướng và kêu gọi cải cách. Tìm hiểu việc có hay không những thay đổi trong sáng tác văn học ở họ vừa là góc nhìn hợp lý và logic để xem sự ảnh hưởng của vận động cải cách văn thể tới thực tế sáng tác, vừa theo một chiều ngược để hiểu chính quan niệm về văn thể và thay đổi văn thể mà các sĩ phu đã đề xướng. Thứ hai: nhìn một cách toàn cảnh đời sống văn học giai đoạn thế kỷ XVIII trên những hệ vấn đề mà cải cách văn thể đã đề cập tới.
 
3.1. Văn chương của những người trực tiếp có liên quan tới cuộc vận động
Những tên tuổi được các công trình của Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú nhắc tới có liên quan và có tác động trong cải cách văn thể có khá nhiều, chẳng hạn: Nguyễn Công Hãng, Vũ Thạnh, Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sĩ Đống, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, Ngô Thì Nhậm… trong đó nổi bật nhất và được đánh giá cao nhất là Vũ Thạnh và Nguyễn Tông Quai.
 
Vũ Thạnh (1664-?), tự là Phác Phủ, người Đường An (nay là xã Nhân Quyền, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương). Ông sống và hoạt động chủ yếu vào những năm tháng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục (Quyển 20, từ tờ 168a tới 174b)chép tất cả 24 bài thơ của Vũ Thạnh cùng lời tiểu dẫn. Hiện nay ngoài tài liệu này ra, chưa thấy có văn bản nào khác ghi chép thơ văn của ông. Lời tiểu dẫn tờ 168a cho ta biết một số thông tin như sau:
 
Niên nhị thập tam, đăng Chính Hòa Kỷ sửu khoa Thám hoa. Sĩ lịch Bồi tụng Hồng lô tự khanh hành thiêm đô ngự sử. Tọa ngôn sự bãi quy , hậu tái khởi dụng, sĩ chí tự khanh. Tính thông dĩnh, bác lãm phần tịch, kỳ học vô sở bất thông, hiếu dụ hậu học. Nhân dĩ thành danh giả thậm chúng. Tự Trung hưng lai, văn học câu ư đối ngẫu, khí ích ty nhược, chí Thạnh nhi hậu phản chi ư cổ. Văn thể vi chi nhất biến. Sĩ phu hàm tôn sư chi. Sở trứ hữu Hào Nam văn tập hành thế. Tử Vũ Huy đăng Vĩnh Thịnh Nhâm thìn tiến sĩ, sĩ chí Hữu thị lang.
        (Ông năm 23 tuổi, đỗ thám hoa khoa Kỷ sửu niên hiệu Chính Hòa (1685), từng giữ chức Bồi tụng, Hồng lô tự khanh, Hành thiêm đô ngự sử. Vì bàn việc trái ý chúa bị bãi chức, sau lại được phục dụng, quan tới chức Tự khanh. Ông bản tính thông minh, học rộng, sở học của ông không gì không thông, chú ý dẫn dắt kẻ hậu học. Vì thế học trò ông đỗ đạt thành danh rất nhiều. Từ Trung hưng tới nay, văn học đều sa vào chú ý đối ngẫu, khí khái lại càng nhu nhược thấp kém, Vũ Thạnh một phen làm cho trở về với chuẩn tắc thời cổ, văn thể một phen biến đổi. Kẻ sĩ đều tôn làm thầy. Trước tác của ông có Hào Nam văn tập lưu hành ở đời. Con là Vũ Huy đỗ tiến sĩ khoa Nhâm thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh, làm quan tới chức Hữu thị lang.)
 
Đọc cả 24 bài thơ của Vũ Thạnh, có thể thấy thể tài khá phong phú, có 4 bài cổ thể và 20 bài cận thể (thi luật). Trong 20 bài cận thể có bài đề vịnh, thù tạc tặng tiễn, có bài ca ngâm, tự thán, đề trên các vật dùng, có một số bài ngẫu thành, cảm tác… Về mặt văn thể, Vũ Thạnh sử dụng hầu hết các thể thơ vẫn thường được các thi nhân dùng. Khi Lê Quý Đôn chọn các bài thơ của Vũ Thạnh, chắc chắn ông cũng có ý chọn lựa một diện mạo phong phú về thể tài trong sự nghiệp sáng tác của Vũ Thạnh. Thu hút sự chú ý là những bài Vô cầu ngâm, Tự thuậtNhàn thích ngâm. Ba bài này dung lượng dài nhất và cũng thể hiện tập trung những tư tưởng tình cảm của ông. Những bài này có thể đã được viết vào thời điểm ông bị biếm trích, bày tỏ ý chán ghét quan trường, muốn cầu tự do tự tại. Hai bài Vô cầu ngâm Nhàn thích viết rất phóng khoáng, ý tứ phong phú, chứa nhiều cảm xúc, tâm sự. Trong văn chương trung đại, sau những bài Phóng cuồng ngâm của Tuệ Trung thượng sĩ, Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi, mấy bài ca của người tiều phu núi Na trong Truyền kỳ mạn lục,… đến đây mới lại được thấy những bài ca ngâm ý tứ phóng dật hấp dẫn như vậy.
 
Vô cầu ngâm
                                        Thủ tố vị,
                                        Lãn doanh cầu.
                                        Ngoại khước cùng thông nhưỡng hỷ ưu,
                                        Cam thiển chuyết,
                                        Quả mưu du.
                                        Lượng tài chủy phận giác nghi hưu,
                                        Mỹ ngọc minh châu phi bất trọng.
                                        Ná kham năng chúc dữ khinh đầu,
                                        … …
                                        Tùng thanh văn chẩm điệm,
                                        Trúc ảnh nhập liêm câu.
                                        Địa tích trần ai hướng,
                                        Sơn thâm cảnh sắc u.
                                        Trì hạ oa minh đương cổ xúy,
                                        Đình tiền viên khiếu trợ ngâm âu.
(168A)
                                        … …
                                        Tình khan dương liễu ngạn,
                                        Tuyết phiếm diễm khê châu.
                                        Thanh nhàn thính dã địch,
                                        Khiển hứng thướng tằng lâu.
                                        Thùy thị yên ba nhất đình khách,
                                        Thùy thị nhân gian vạn hộ hầu.
(168B)
 
(Vô cầu ngâm
                                        Không chức vị,
                                        Ngại mưu toan tìm kiếm.
                                        Bỏ ngoài lẽ được thua, rũ trừ mừng vui lẫn ưu lo,
                                        Chịu tiếng là nông cạn vụng về,
                                        Ít mưu tính kế sách.
                                        Lượng tài biết phận, rõ là nên nghỉ,
                                        Châu ngọc quý giá sao có thể chịu bán hay vứt bỏ dễ dãi[34].
                                        … …
                                        Tiếng thông reo vẳng vào gối chăn,
                                        Bóng trúc xuyên qua rèm cửa.
                                        Đất mở bụi bặm bay,
                                        Núi vắng cảnh sắc thanh u.
                                        Nêu hùa theo tiếng ếch kêu dưới ao,
                                        Hòa cùng tiếng vượn kêu trước sân.
                                        ……
                                        Trời tạnh ngắm bờ dương liễu,
                                        Ngày tuyết chơi thuyền nơi khe nhỏ.
                                        Thanh nhàn nghe tiếng sáo đồng quê,
                                        Lúc hứng bước lên lầu.
                                        Ai là người khách trên thuyền chốn khói sương?
                                        Ai là vạn hộ hầu trong nhân gian?)
 
Còn bài Tự thuật lại thể hiện khá chân thật cảnh sinh nhai khó khăn, phải vất vả lo cái ăn cho một gia đình đông đúc, cùng cái ấm lạnh của nhân tình thế thái. Bài này cũng có thể được viết trong thời gian nhàn quan. Các bài Tự cảnhTự thán cũng là những bài đầy tâm sự. Ngay cách đặt đầu đề cho các bài cũng đã hàm ý rằng những bài thơ ấy được viết ra là do sự thôi thúc của một tình cảm, tư tưởng nào đó không thể không bộc bạch. Cũng không ngại dài dòng dẫn thêm một bài thơ của Vũ Thạnh để thấy thêm cái đặc sắc trong thơ của ông, bài Tư quy điền ngẫu thành:
 
                                Phiêu linh tứ hải nhất phong bình,
                                Yếm kiến trần đồ quát nhĩ thanh.
                                Tụ tán bi hoan thương vãng sự,
                                Thương hoàng nùng đạm duyệt nhân tình.
                                Ngao ngao bách khấu, đề huề trọng,
                                Niểu niểu cô thân, niệm lự tinh.
                                Thùy thị Tô môn[35] tiều phố địa,
                                Hiêu hiêu khuyến mẫu túc bình sinh.
                                (Một cánh bèo gió đưa phiêu dạt khắp bốn biển,
                                Chán xem đường trần đầy những chuyện trái tai.
                                Buồn vui tan hợp, cảm thương cho chuyện đã qua,
                                Xanh vàng đậm nhạt, đã thấu hết nhân tình.
                                Trăm miệng ồn ào, coi trọng sự hòa hữu,
                                Một thân vò võ, đầy những suy nghĩ lo âu.
                                Ai là người ở đất ẩn dật Tô môn?
                                Một khoảnh ruộng tự cày lấy, đủ cho cả một đời người.)
 
Xét lại lời tiểu dẫn, cũng tức là sự đánh giá của Lê Quý Đôn, có thể thấy Vũ Thạnh được đánh giá rất cao ở điểm: “Tự Trung hưng lai, văn học câu ư đối ngẫu, khí ích ty nhược, chí Thạnh nhi hậu phản chi ư cổ. Văn thể vi chi nhất biến”. Khi đã đánh giá người khác như vậy, chắc chắn Lê Quý Đôn cũng lấy đó là phương châm chỉ đạo để chọn thơ. Nói cách khác, 24 bài thơ còn lưu trong Toàn Việt thi lục là những bài được chọn để minh chứng cho sự mới mẻ thanh tân, đổi mới của Vũ Thạnh trên phương diện văn thể lúc bấy giờ. Xét về hình thức thể hiện, chúng ta không tìm thấy điều gì thực sự mới trong số bài thơ còn lại của Vũ Thạnh, ngoài việc không câu nệ ở đối ngẫu, tìm hình thức thơ ngắn dài, cổ thể, cận thể khác nhau tương đối linh động phù hợp với nội dung cần diễn đạt. Nhưng cái tình ý dạt dào, tâm tư phóng túng, chí khí bàng bạc, việc thực, tình thực chất chứa đầy trong từng câu thơ thì quả thực là khác xa so với những câu chữ gò gẫm sáo rỗng của văn chương khoa cử. Nhìn văn thể đúng theo ý biểu đạt của các nhà nho đã được trích trong phần đầu của bài viết thì những nhận xét của Lê Quý Đôn cũng như nhiều nho sĩ khác về sự đổi mới văn chương của Vũ Thạnh và ảnh hưởng của nó tới giới sĩ phu đương thời quả thực là bất hư truyền.
 
Người được nhắc đến thứ hai là Nguyễn Tông Quai (1693-1763) húy Oản, tự Quai, hiệu Thư Hiên, người làng Sâm, xã Phúc Khê, huyện Ngự Thiên (nay là xã Hòa Tiến, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình). Ông chính là một học trò xuất sắc của Vũ Thạnh[36]. Phạm Đình Hổ có nhận xét về Nguyễn Tông Quai trong Vũ trung tùy bút:
 
Thơ đời Lê Trung Hưng thì chỉ câu nệ về khuôn phép, xu thế thấp kém, không kể làm gì. Trong khoảng đời Vĩnh Hựu, Cảnh Hưng (đầu thế kỷ XVIII) các bậc tiền bối danh công có nhiều ông lưu ý về mặt thi luật, Nguyễn Tông Khuê (một âm đọc khác của chữ Quai - NKS) thực là tay lãnh tụ về thời ấy[37].
 
Ý kiến của Phạm Đình Hổ là một gợi ý quan trọng. Hiện nay, tác phẩm của Nguyễn Tông Quai còn lại gồm một tập thơ lục bát viết về hành trình chuyến đi sứ Trung Quốc có tính chất nhật ký, đặt tên là Sứ trình tân truyện. Một tác phẩm khác của ông có tên là Ngũ luân tự chủ yếu thể hiện luân lý đạo đức nho gia. Ngoài ra, phần thơ của ông hiện nay còn lưu chủ yếu là hơn 60 bài thơ vịnh sử tập hợp trong Vịnh sử thi quyển[38]. Nhìn qua các sáng tác của Nguyễn Tông Quai, ta thấy hầu như nó cũng không có gì thực sự khác biệt về thể tài so với các tác giả đương thời. Nhưng những bài thơ trong Vịnh sử thi quyển có nhiều nét đáng chú ý. Câu hỏi ở đây là những tìm tòi về thi luật, hay cái mới xét về phương diện văn thể của Nguyễn Tông Quai theo cách đánh giá của Phạm Đình Hổ là ở chỗ nào? Phần thơ vịnh sử của ông khả dĩ giải đáp được vấn đề này. Đây là phần thơ ca được các nhà nho cho là chính thống nhất. Những sáng tác này cũng được người đời tôn vinh bằng cách chọn chúng đặt trong một tập hợp tác phẩm mà các tác giả của chúng được ca ngợi là những con hổ, hay những người tài của đất Thăng Long - Trường An tứ hổ, hay An Nam đại tứ tài. Cái mới của bộ phận văn chương đặc biệt chính thống này nằm ở đâu? Các bài thơ của Nguyễn Tông Quai được trích trong Vịnh sử thi quyển được viết bằng hai thể thất ngôn luật và thất ngôn tuyệt, những thể thơ hay được dùng trong thơ vịnh sử. Về phương diện dùng hình thức thơ, Nguyễn Tông Quai không khác các nhà thơ vịnh sử khác và cũng không khác Vũ Thạnh. Nhưng câu chuyện sẽ khác rất nhiều khi ta so sánh thơ vịnh sử của ông với những người nổi tiếng về thơ vịnh sử tiền bối, như Lê Thánh Tông, Đặng Minh Khiêm, Hà Nhậm Đại. Thông thường, thơ vịnh sử lấy các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử làm đối tượng ngâm vịnh. Nếu thơ vịnh vật dựa vào đặc tính tự nhiên của vật để qua đó thể hiện, ký ngụ chí hướng hoặc phẩm chất tinh thần thái độ của người đề vịnh, thì trong thơ vịnh sử người ta căn cứ vào những tình tiết, đặc điểm nhân cách, đạo đức, hành trạng của nhân vật để biểu thị ý khen chê, ca ngợi, hoặc khuyến cáo, răn dạy người đời. Về phương diện tư tưởng và mục đích, thi nhân có điểm gần với sử gia. Nhà nho khi đề vịnh về nhân vật lịch sử thường căn cứ vào chuẩn mực của luân lý đạo đức của nho gia. Người đề vịnh cũng thường nhân danh đạo đức để phán xét. Ví dụ tập thơ Thoát Hiên vịnh sử thi của Đặng Minh Khiêm, ông chia các nhân vật cần đề vịnh thành từng nhóm, theo mô hình nhân cách, chẳng hạn nhóm đế vương, nhóm danh nho, nhóm trung thần… Và đương nhiên việc đặt họ thành nhóm đã nói trước thái độ của tác giả đề vịnh. Chẳng hạn, khi Đặng Minh Khiêm vịnh về Trần Nguyên Đán:
               
                Tảo thướng Côn Sơn thoái lão chương,
                Du du bất quản quốc hưng vương (vong).
                Đương niên Mộng Dữ do vi thác,
                Hưu phú cầm thi phúng Nghệ hoàng.
                (Sớm dâng biểu xin cáo lão về Côn Sơn,
                Tháng ngày đằng đẵng, nước còn hay mất chẳng hề quan tâm.
                Đương thời còn đem Mộng Dữ[39] gửi cho người khác,
                Thôi đừng làm thơ chim[40] để phúng thích Nghệ hoàng nữa)
 
Đọc bài thơ, ta thấy ngay được ý khen chê của tác giả đối với nhân vật lịch sử. Trong thơ vịnh sử thế kỷ XV-XVI, thường thường những nhân vật lịch sử nổi tiếng, cả chính diện hay phản diện thì mới được chọn vịnh. Đi vào những bài thơ vịnh sử của Nguyễn Tông Quai, các nhân vật được ông chọn vịnh rất nhiều người không phải là những nhân vật lịch sử nổi tiếng. Tiêu chí chọn vịnh của ông cũng không phải là những người có sự nghiệp lẫy lừng, đạo đức mẫu mực hoặc đạo đức có vấn đề cần phê phán. Ông cũng không đứng từ góc độ nhà đạo đức để phán quyết một lời khen hay lời chê. Ông chú ý tới những con người có những số phận đặc biệt. Xin dẫn vài bài trong số đó[41]:
 
Nhân Trệ
                             Vương cơ túc túc Hán gia tần,
                             Bất thẩm hà vi vị trệ nhân.
                             Hình ngoại trạng hồ tân nhược cựu,
                             Xí trung tượng tiếu giả hoàn chân.
                             Vọng phu dị sái Trường Lăng lệ,
                             Đố phụ nan khôi động bích trần.
                             Dã giác tẫn kê kim cổ hoạn,
                             Đồ cô thường sử áng hoài nhân.
(Lợn người[42]
                   Vương cơ nghiêm trang là phi tần nhà Hán[43] 
                   Không hiểu tại sao gọi là lợn người?
                   Hình thức bề ngoài mập mờ mới mà như cũ,
                   Hình ảnh người trong chuồng xí giống hệt, giả mà hoá thật.
                   Trông chồng mà giọt lệ Trường Lăng dễ nhỏ [44]
                   Người đàn bà ghen tuông đến cả những mảy bụi ở trên vách cũng khó lòng từ bỏ.
                   Vẫn biết “gà mái” là mối họa xưa nay [45]
                   Là nguyên nhân những kẻ “đồ cô” luôn phải lo lắng suy nghĩ[46].)
 
 
Mỹ nữ đồ
                             Cơ hãm cao phương chú kính du,
                             Thiện trần nhụ tử hữu tư đồ.
                             Hào đoan tả xuất phu cơ dị,
                             Chỉ thượng trang thành cốt cách thù.
                             Đố kỵ Yên Chi tranh đoạt sủng,
                             Thần linh thiên tử lại vô ngu.
                             Thị đồ bản thị hư nhi thực,
                             Hán nữ chung văn viễn giá Hồ.
(Bức tranh mỹ nữ[47]
                   Bị tên nghệ sĩ “thích đi ngang về tắt” ngầm ám hại [48]
                   Thằng trẻ con giỏi vẽ làm ra bức tranh ấy[49].
                   Chẳng duyên cớ gì mà lại vẽ một nốt ruồi dị thường[50],
                   Tô vẽ trên giấy thành ra một dung mạo khác lạ.
                   Phải làm vợ vua Hung Nô (là do) lòng người ghen ghét đố kỵ,[51]
                   Cũng vì bậc thiên tử cho việc linh ứng của thần là không có thật[52]
                   Bức tranh đó vốn là hư mà lại là thật,
                   Cuối cùng người con gái Hán ấy đi phải cống sang Hồ.)
 
Không khó để có thể nhận ra cái mới trong thơ vịnh sử của Nguyễn Tông Quai. Ông vịnh không phải để thể hiện thái độ đạo đức, để khen hay để chê, phán xét, nghị luận như các nhà sử học. Ông chú ý tới những nhân vật cuộc đời nhiều nỗi éo le, uẩn khúc, những số phận đặc biệt. Ông vịnh để bày tỏ kín đáo sự cảm thông, chia sẻ, đồng tình. Như vậy ông vịnh để thể hiện một thứ tình ý, suy tư về những nỗi niềm trong cuộc đời, sự cảm nhận về nhiều vấn đề mà nhân sinh con người phải đối mặt, những nghịch lý… chứ không phải vấn đề đạo lý. Cái mới và cái khác biệt của Nguyễn Tông Quai về mặt văn thể, thi luật có thể ở chính điểm đó, tức một thứ tinh thần, tình cảm chân thực của chủ thể làm nền tảng vững chắc và sức cuốn hút cho thi ca. Khi kêu gọi tác văn phải hữu ý, người ta hy vọng một thứ văn chương có tâm tính được tu dưỡng làm nền làm gốc rễ, nhưng trong thực tế cái ý để làm văn, cái nền được đắp chắc lại không còn là những vật liệu cũ nữa, nó là thế giới của ý, của tình mới mẻ được đưa vào. Về nguyên tắc thì vẫn đúng như người ta kêu gọi nhưng thời đại đã khác, cái ý cũng đã khác.
 
Về những người đề xướng cải cách, kiến nghị cải cách, ta cần phải tìm hiểu sáng tác trước hết là của Bùi Sĩ Tiêm. Đáng tiếc là hiện nay ông không lưu lại sáng tác thơ văn nào ngoài chính bài khải 10 điều dâng chúa Trịnh trong đó có một điều nói về giáo dục khoa cử và văn thể. Tuy nhiên, chỉ một bài ấy thôi cũng đủ để minh chứng cho một loại văn chương và tinh thần của sĩ phu. Bùi Sĩ Tiêm (1690- ?) người Kinh Lũ, huyện Đông Quan, nay thuộc xã Đông Kinh huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông đỗ tiến sĩ năm 1715, ngoài 40 tuổi giữ chức Thái thường tự khanh. Năm 1731, Trịnh Giang ra dụ kêu gọi bầy tôi hãy trình bày những điều thiết thực cốt yếu có quan hệ tới thời cuộc để thi hành vào chính sự. Dụ ban ra cuối tháng 5, đầu tháng 6, Bùi Sĩ Tiêm dâng tờ khải trình bày 10 điều cần kíp. Điều thứ nhất: Ông thẳng thắn nêu mối nghi ngờ của dư luận về việc chúa Trịnh ức hiếp vua Lê. Điều thứ hai: Phê phán tệ hối lộ, tham nhũng công khai ở triều đình. Điều thứ ba: Lên án tệ nạn cường hào ức hiếp dân chúng, chiếm đoạn ruộng đất, khiến dân chúng đói khổ phiêu tán. Điều thứ tư: Nêu nỗi khổ của dân chúng trong việc phu phen binh dịch cung đốn. Điều thứ năm: Phê phán tệ bổ quan tràn lan bừa bãi, “quan nhiều dân ít”. Điều thứ sáu:Nói về năng lực của bộ máy quan liêu, đề nghị thanh lọc bộ máy quan liêu, loại trừ những kẻ nhũng nhiễu dân chúng. Điều thứ bảy: Nói về tệ nạn văn chương thi cử chuộng tầm chương trích cú học vẹt, không hữu ích với trị đạo, không chọn được người thực tài hữu đức, đề nghị chấn hưng thực học để đào tạo nhân tài. Điều thứ tám: Nêu những tệ nạn trong việc xử kiện. Điều thứ chín:Cần thiết phải cử các quan có trách nhiệm đi điều tra tình hình thực tế của dân chúng các địa phương. Điều thứ mười: Phê phán việc buông lỏng quản lý đối với người nước ngoài tới khai thác tài nguyên rừng và mỏ kim loại. Bài khải dâng lên, Trịnh Giang xem xong nổi giận, ra lệnh tước hết quan chức của Bùi Sĩ Tiêm, đuổi về quê. Nguyên nhân chính của sự nổi giận này là bài khải đã động chạm tới điều cấm kỵ mà nhà chúa không muốn nghe, tức nội dung điều thứ nhất. Sau khi Bùi Sĩ Tiêm mất, đến đầu niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê Hiển Tông, triều đình xét ông là người trung thực, truy tặng hàm Tham chính đại học sĩ, tước Trung tiết hầu, cấp cho ruộng đất để thờ cúng. Bài khải 10 điều nói trên của Bùi Sĩ Tiêm là một ví dụ sinh động cho lối văn kinh luân hữu dụng, gắn với việc thời vụ, với chính trị đương thời. Những suy nghĩ nung nấu, ý thức trách nhiệm, sự chính trực khảng khái, cứng cỏi của kẻ sĩ có khí tiết được thể hiện bằng nhữnng ngôn từ hùng hồn thống thiết (có thể thấy qua trích đoạn điều thứ bảy đã dẫn ở phần đầu bài viết) chứng tỏ hành động và văn chương của ông là mẫu mực mà ông muốn kẻ sĩ cần có. Lời nói và hành động ở Bùi Sĩ Tiêm là hoàn toàn thống nhất.
 
Người thứ hai mà chúng ta cần chú ý tới là Ngô Thì Sĩ (1726-1780). Tác phẩm của ông còn lại khá phong phú để khảo sát. Trong các tập Anh Ngôn thi tậpKhuê ai lục của Ngô Thì Sĩ, thơ văn thực sự có nhiều nét mới mẻ. Không khí của cuộc sống thực, cái đời thường, cái chân tình chân tính thể hiện đầy ắp trong thơ. Về điều này, Trần Thị Băng Thanh đã nhận xét:
 
Không thể nói rằng ông đã đem đến những đề tài mới. Nông thôn, học trò, quan chức, thậm chí cả tình yêu và gia đình, là những vấn đề mà văn học các thời đại trước đều đã đề cập đến. Song cái mới, cái đặc sắc của Ngô Thì Sĩ chính là ở cách nhìn nhận lý giải của riêng ông[53].
 
Tác phẩm khiến người nghiên cứu ngày nay chú ý nhiều chính là Khuê ai lục - một tập thơ khóc thương người vợ trẻ bạc mệnh. Người ta cho rằng đó là những tiếng khóc vợ “khác lạ”. Khác lạ so với cách thể hiện tình cảm thông thường của các nhà nho “trung đạo nhi hành”(theo chuẩn mực mà hành động và thể hiện). Nhà nho đặc biệt chú ý tới sự làm chủ và điều tiết tình cảm. Trạng thái tình cảm lý tưởng là “lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương”(Vui mà không cuồng loạn bồng bột quá, buồn mà không bi thương quá). Đó là cái đẹp trung hòa về tình và lý, lấy lý để chế ước tình. Khuê ai lục lại dễ dàng truyền tới cho người ta cảm giác về cái ủy mỵ và buồn thương, thậm chí là thảm thương. Chẳng hạn chùm 10 bài Thập tư (Mười nhớ), ông viết:
               
                Tư quân vô kế trước quân y,
                Thặng phức lan huân thượng vị hy.
                Tử tế nhận phùng quân thủ trạch,
                Nữ công do thị thống nhân phi.
        (Nhớ nàng không có cách nào, đành đem áo nàng ra mặc,
        Hương lan thơm phưng phức còn chưa phai.
        Ngắm nghía kỹ đường kim mũi chỉ còn in dấu tay nàng,
        Đau đớn thay, tài nữ công còn đó mà người đã khuất)
(Bài thứ 4)
 
Hay trong 10 bài Thập bất tất tư (Mười điều không nên nhớ) tự khuyên mình hãy đừng nhớ, hãy quên nàng đi, ông lại viết:
 
                        Bất tất tư quân khổ phất cầm,
                        Phất cầm chuyển giác thống dư tâm.
                        An tri tái thế tương phùng hậu,
                        Ái hải ân nguyên bất cánh thâm.
                (Không cần nhớ nàng, hãy lau kỹ cây đàn của nàng,
                        Lau cây đàn lòng ta lại đau đớn.
                        Biết đâu rồi đây được gặp nhau ở kiếp sau,
                        Thì bể ái nguồn ân chẳng càng thêm sâu.)
(Bài thứ 2)[54]
 
Về Khuê ai lục, Trần Thị Băng Thanh cũng đánh giá:
 
Ở “Khuê ai lục” Ngô Thì Sĩ không hề “làm văn”, nhưng mỗi lời thơ lời văn của ông lại rất truyền cảm, nó thấm vào lòng người đọc, tạo nên một sự cảm thông khiến ngày nay ta còn thấy rất gần gũi với những suy nghĩ tình cảm của ông. Điều đó được tạo nên do sự chân thực của tình cảm ông[55] (NKS nhấn mạnh)
 
Có thể nhận thấy rõ sự khác biệt rất xa giữa những bài thơ của Ngô Thì Sĩ so với những bài thơ gò gẫm ngôn từ chuộng hình thức, đầy điển cố, chữ sách mà nghèo nàn ý tứ. Thơ ông xuất phát từ cái tình chân thực của ông, nó tùy ý tùy tứ mà được viết ra, đúng như tinh thần ông đề xuất trong kiến nghị về văn thể. Còn cái tình của ông và sự bộc phát theo cách của ông lại là một khía cạnh cần thảo luận ở một chỗ khác.
 
Ngoài các tập thơ, Ngô Thì Sĩ còn rất nhiều bài khải điều trần về các vấn đề thời sự, những kiến nghị về việc khai mỏ, giáo dục, việc thuế khóa, chiêu dụ lưu dân để khẩn hoang, việc khu xử nơi biên trấn… tập hợp trong Bảo chướng hoằng mô. Đoạn bàn về văn thể nằm trong bài khải điều trần về bốn việc, gồm: Một là:Định rõ lại phép khảo khóa. Hai là: Quy định rõ lại việc kiện cáo. Ba là:Truy sùng các bậc tiên nho. Bốn là: Chỉnh đốn văn thể[56]. Ở bộ phận văn chương này, thực sự ta cũng thấy nổi bật tinh thần dùng văn chương để kinh luân hữu dụng.
 
Nhìn lại thực tế các sáng tác văn học của những người trực tiếp liên quan tới vận động cải cách văn thể, có mấy điểm đáng chú ý:
Thứ nhất: Văn chương của họ là văn chương có cốt tủy, tức tùy ý tứ viết ra, có khí chất, mà không phải thứ câu chữ gò gẫm vô hồn. Việc dùng thể tài cũng tùy nhu cầu biểu đạt không câu nệ vào một loại hình thức nào. Nhìn từ khung cảnh văn chương khoa cử học vẹt, tầm chương trích cú như sự mô tả ở phần đầu bài viết và sự thiếu vắng các tên tuổi và tác phẩm lớn của thế kỷ XVII, thì đây là một sự chuyển biến, là trạng thái đang vận động của văn học.
Thứ hai: Có sự chuyển biến, từ chỗ thiên về đạo đức, nhân cách sang thể hiện vấn đề tình cảm, tư tưởng của con người cá thể, tìm sự đồng cảm đồng điệu, ký thác, tâm sự. Đây là cũng là một biểu hiện hình thế vận động của văn chương.
Thứ ba: Sĩ nhân đã thực sự chú ý tới dùng văn chương hùng hồn để bàn về những việc thời vụ cơ nghi, hy vọng làm chuyển biến đời sống chính trị và thực tiễn cai trị.
Thứ tư: Nhìn từ các sáng tác văn chương của những người đã được chú ý phân tích ở trên ta thấy, họ là những người có thực học.
 
3.2. Nhìn lướt toàn cảnh sáng tác văn chương thế kỷ XVIII
Trong các phần trình bày ở trên, bài viết đã mô tả những suy tư, đòi hỏi của tầng lớp sĩ về một loại văn chương có thể kén được người chân tài thực học, những mong muốn của họ về việc gia tăng năng lực trị quốc bình thiên hạ, năng lực kinh bang tế thế của nhà nho. Con đường để đạt tới điều đó được bắt đầu từ việc điều chỉnh trong khoa cử, bỏ lối văn chương tầm trích, học vẹt, hướng tới người ta phải tu thân dưỡng tâm thực để làm cốt tủy cho văn chương. Lấy sự tu dưỡng và rèn luyện tài đức là gốc của con đường tiến thân.
 
Theo họ, khoa cử thay đổi, người đi học cũng buộc phải đổi theo để đáp ứng yêu cầu khoa trường. Vẫn theo logic đó, văn thể thay đổi nho phong sĩ khí sẽ thay đổi… Tinh thần chung của cuộc vận động, hay định hướng giá trị và tâm thái của sĩ phu như vậy cũng có những tác động nhất định tới nhiều mặt của sinh hoạt xã hội, văn hóa học thuật và đặc biệt là các sáng tác văn học lúc bấy giờ.
 
Cần nhắc lại một tinh thần quan trọng của cải cách văn thể là tinh thần tác văn hữu ý, văn chương phải là cái thể hiện của tình ý chân thực, cái thể hiện và cái được thể hiện phải thống nhất với nhau, trong đó tinh thần nội tại của chủ thể phải làm gốc rễ. Đề xuất tinh thần trên, người ta mong mỏi lại được thấy thứ văn chương như thời Hồng Đức, thời văn chương hùng hồn, và quan trọng hơn, nó là cái biểu hiện của tâm tính kẻ sĩ được tu dưỡng theo những chuẩn mực của thánh hiền. Chúng ta có thể nhìn thấy định hướng giá trị này thể hiện khá rõ trong văn chương đầu thế kỷ XVIII, ở những tác gia không được nhắc tới ở trên. Quả thật, thực tế sáng tác văn chương đã đi mạnh theo đường tác văn hữu ý, thậm chí là quá nhiều loại ý tứ. Có điều cái ý tứ, cái tinh thần chủ thể được thể hiện ra văn chương thì lại hầu như vượt ra ngoài tầm những gì mà những người như Bùi Sĩ Tiêm mong muốn. Cái được thể hiện ra văn chương đúng là tình ý phong phú, nhưng nó lại không chỉ là đạo đức và nhân cách, không phải chỉ là chính khí can trường thiết thạch của sĩ phu đã qua công phu nội tỉnh. Thời đại đã khác, tinh thần của con người đem ra thể hiện ra văn chương đã khác rất nhiều.
 
Đặng Trần Côn, một danh sĩ đầu thế kỷ XVIII, chỉ bằng việc chắp lại những câu thơ thu nhặt chủ yếu trong Nhạc phủ đã tạo nên một tác phẩm làm kinh ngạc làng văn: Chinh phụ ngâm. Xét về hình thức thì nó sản phẩm của lối học cường ký, học thuộc, nhớ lâu của văn chương cử tử và không khác mấy so với thứ văn chương mà các nhà nho đã phê phán ở trên. Nhưng điều lạ và đáng chú ý là với những “cú được trích”, những “chương được sưu tầm” chắp nhặt đó Đặng Trần Côn đã thổi vào nó một linh hồn và sức sống mới. Khúc ngâm mà ông viết ra đã thể hiện những cung bậc cực phong phú và sâu sắc của tình cảm, tâm lý con người. Nỗi cô đơn của người chinh phụ, ý thức về hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc trần thế, ý thức về giá trị của tuổi xuân con người... là những điều tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm này. Tác phẩm của ông được các nhà nghiên cứu ngày nay thống nhất đánh giá cao và coi đó như sự tiên khởi của dòng văn chương đề cao tinh thần nhân văn. Thành tựu của Đặng Trần Côn không thể phủ định được rằng nó cũng có những quan hệ trực tiếp với cách học và cách rèn luyện văn chương khoa cử. Vấn đề là khi mục tiêu sáng tạo và ý thức về sự sáng tạo thay đổi, những vấn đề lớn lao khác và những điều kỳ diệu khác cũng có thể diễn ra. Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra đời được nhiều người hâm mộ, họ tiếp tục tái sáng tạo nó, thông diễn nó sang một hình thức văn bản mới - các khúc ca Nôm. Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm và nhiều người khác còn lưu danh gắn liền với sự khởi sáng của Đặng Trần Côn.
 
Cải cách văn thể đề cao yếu tố thực, trọng thực, chuộng thực chất. Cái thực mà họ mong muốn được thể hiện ra văn chương là cái thực của trí tuệ và tinh thần đạo đức mang tính nội tại của người làm văn chương. Nhưng điều này được thể hiện ra trong văn học thế kỷ XVIII không chỉ có vậy. Cái thực được mở rộng hơn, nó bao gồm cả yếu tố thực, mối quan tâm tới cả hiện thực của tâm trạng lẫn hiện thực của đời sống xã hội, con người. Có thực một xu hướng gia tăng yếu tố hiện thực trong văn học đương thời. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt các tác phẩm văn học có tính chất ghi chép mô tả thực tế thuộc các thể loại truyện, ký, chí, lục, tùy bút, tạp trở... đã xuất hiện hầu như đồng thời, như Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề... Thành tựu cao nhất của hướng phản ánh tái tạo hiện thực này là sự ra đời của tác phẩm mang nhiều đặc điểm của tiểu thuyết chương hồi Hoàng Lê nhất thống chí. Sự gia tăng yếu tố hiện thực có thể còn nhìn thấy cả trong một bộ phận văn chương tưởng như ít có liên hệ với hiện thực, chẳng hạn thể loại chí quái truyền kỳ. Đặt trong tương quan so sánh, người ta thấy ở Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm cái thực, yếu tố thực gia tăng và có phần áp đảo yếu tố kỳ, so với Truyền kỳ mạn lục thế kỷ XVI. Trong các sáng tác thơ chữ Hán, truyện Nôm, ngâm khúc, yếu tố hiện thực được biểu hiện bằng những khát vọng sống mang tính thế tục, cảm tính và trực tiếp. Đó là tiếng than của người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, đến tiếng khóc vợ “khác lạ” của Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du... Người ta thấy chất hiện thực đã rất đậm trong các sáng tác với nhiều sắc thái biểu hiện khác nhau. Phản ánh thực tại như nó vốn có, tái tạo hiện thực một cách nghệ thuật, các sáng tác thế kỷ XVIII chưa đạt tới trình độ như vậy, nhưng có thể nói, nó có nhiều tính chất và yếu tố hiện thực. Xu hướng hiện thực trong văn học thời kỳ này có liên hệ mật thiết với tinh thần “nói đúng cái có trong tâm” mà các nhà nho đã đề cập.
 
Ảnh hưởng đậm nhất của tinh thần cải cách văn thể là mối quan tâm của sĩ phu tới năng lực của tầng lớp trí thức, quan lại, vấn đề tài năng, và giá trị của tài năng trong việc xây dựng hình tượng trung tâm của các sáng tác văn học. Chưa có thời kỳ nào hình tượng nhân vật đa tài xuất hiện nhiều trong văn học như thời kỳ này. Thế kỷ XVIII, nhiều nho sĩ không chịu bó hẹp tầm hiểu biết trong những tri thức mà chế độ khoa cử tuyển quan yêu cầu, họ chú trọng mở rộng kiến văn ra nhiều lĩnh vực. Tìm kiếm tri thức là một hứng thú, là phương tiện để theo đuổi mục đích kinh bang tế thế. Trong giới nho sĩ nhiều người, ngoài văn chương cử tử còn học võ bị, binh pháp, thiên văn, địa lý, nông học, toán học... Tinh thần đề cao học vấn rộng rãi đã tạo ra những con người đa tài đa năng, những bộ óc bách khoa tri thức nhất thời trung đại. Điều đó tạo ra trong xã hội tâm lý sùng thượng tri thức, trọng tài năng. Sử còn ghi lại học trò Vũ Thạnh không chỉ được truyền thụ Cửu kinh đến chỗ tinh vi mà còn được học võ thuật, binh pháp và các môn tiểu học (học làm các cộng việc thực tế, phân biệt với đại học là học về đạo đức, chính trị). Lê Hữu Trác chán ngán khoa danh, theo đuổi y nghiệp một cách say mê tự giác, quyết đứng đầu Việt y và đã làm được như vậy. Ngô Thì Sĩ vừa là văn nhân, nhà khảo cứu, sử gia, người am tường quân sự, hành chính, ngoại giao và là nhà hoạt động chính trị. Lê Quý Đôn văn võ song toàn, triết, sử, địa lý, phong tục, nông học đều am tường... Đến lớp sau như Phan Huy Chú bách khoa tri thức; Phạm Đình Hổ đủ tài sơ phác vài ba bộ sách công cụ và khảo cứu; Nguyễn Công Trứ, người có tài kinh thế, quân sự, hành chính và là nhà thủy lợi đại tài... Nho học theo hướng thực học đã tạo ra lớp nhà nho đa tài hơn bất cứ giai đoạn nào trước đó. Tri thức, tài năng thành tiêu chuẩn, thành niềm kiêu hãnh của các nho sĩ đương thời. Điều đó đã để lại dấu ấn đậm trong văn học, là tiền đề của mối quan tâm phổ biến tới cái tài, tới sự xuất hiện hình tượng các nhân vật đa tài, cậy tài trong các tác phẩm văn học. Tài đã thành vấn đề thường trực, thu hút sự quan tâm của đa số người sáng tác, thành “nỗi ám ảnh” nho sĩ. Phan Huy Ích trong lời tựa viết cho công trình Ngô gia văn phái đồ sộ, đã nhận xét về ba thế hệ văn chương họ Ngô:
 
        Cụ Tuyết Trai tài cao học rộng...
        Ngọ Phong (Ngô Thì Sĩ) đựơc núi sông hun đúc, đã hiểu thấu khí bao la của trời đất, nắm được tinh hoa của sách vở... điển hình về tinh vi uyên bác.
        Ông Hy Doãn (Ngô Thì Nhậm)... văn ông ý tứ diễm lệ, vừa hàm súc vừa phóng khoáng, thơ văn càng viết càng hay, lại bao quát được Bách gia, khu khiển được Cửu lưu, cái tài uyên bác thông đạt đã thành ngọn cờ chót vót trong rừng nho.
 
Thay cho ngợi ca cái hay cái đẹp của văn chương ba vị kể trên, Phan Huy Ích ngợi ca cái tài uyên bác trong văn chương của họ. Ngô Thì Nhậm trong “Thư gửi cho ông em thứ hai bàn về văn chương” có nhận xét về thơ của Trần Danh Án: “Hiện nay, kiếm được người có học, có tài như người này thực là khó”. Ngô Thì Nhậm cũng không quên trích lại bài thơ đáng quý của Trần Danh Án:
 
                                Tài nhiều bị đời ghét
                                Học rộng bị người ghen
                                Thông minh lẫn hỗn độn
                                Sắc sảo mất bản nhiên.
 
Ngô Thì Nhậm có ý chê Trần Danh Án là gần với thuyết Trang, gọi là kẻ sĩ có “tài văn” thì được chứ gọi là kẻ sĩ “bác văn ước lễ” thì không được. Khi phải đắn đo bàn bạc với ông em, xem có nên kết bạn văn chương với họ Trần hay không, Ngô Thì Nhậm cho rằng ông ta thông minh sắc sảo, mà “Thông minh sắc sảo đâu phải cái gì thái quá, chỉ sợ không được như thế thôi”. Với nhận xét ấy, vấn đề “tài” hay “thông minh sắc sảo” đã là cái gì đó “lấn sân” tiêu chí “bác văn ước lễ” có từ quan niệm văn chương của Khổng Tử. Các nhà nho truyền thống thường e sợ bị chê là vô đức, vô hạnh chứ không sợ bị chê là bất tài. Thế kỷ XVIII, tài thành một vấn đề khác hẳn. Người ta công nhiên thừa nhận nó thành một cái đẹp, thành một phẩm chất không thể thiếu ở người làm văn chương, thơ hay phải do tài năng sáng tạo ra chứ không phải cứ có nội dung hợp đạo là hay. Mối quan tâm phổ biến, thường trực tới tài đã tạo dựng nên hàng loạt hình tượng nhân vật đa tài trong văn thơ. Hình tượng nhân vật đa tài xuất hiện trong các tác phẩm văn học rất đa dạng, nhiều thành phần, nhiều mẫu loại; nhưng dù là ai, loại người nào, họ cũng đều được mô tả tỉ mỉ về các dạng tài năng. Ta gặp nàng Bích Châu trong truyện “Hải khẩu linh từ” (Truyền kỳ tân phả - Đoàn Thị Điểm), cung phi của Trần Duệ Tông, giỏi thơ văn, dâng vua bản điều trần bày tỏ phương kế trị nước, gọi là “Kê minh thập sách”. Nàng được người phụ nữ đa tài Đoàn Thị Điểm mô tả là người có năng lực trí quân trạch dân, hơn cả các đấng mày râu áo mũ xênh xang quanh vua. Nàng am tường lý số, biết cả chuyện sống chết và biết xả thân vì chí kinh thế. Nhân vật Liễu Hạnh trong truyện của Đoàn Thị Điểm cũng là một tài nữ nổi tiếng, hai lần xướng họa thơ cùng Phùng Khắc Khoan. Nhân vật Phương Hoa trong truyện khuyết danh Phương Hoa tân truyện còn tài tới độ giả trai đi thi đỗ tiến sĩ, không cốt để vinh thân phì gia như những ông nghè khác mà chỉ cốt gặp vua tố cáo tội ác của Tào Trung úy và minh oan cho người yêu. Có thể nói đỉnh cao nhất của ảnh hưởng quan niệm trọng tài, trọng uyên bác trong nho học tới việc xây dựng hình tượng văn học là sự xuất hiện hình tượng nhân vật cậy tài trong văn học.  
 
Có thể thấy rõ dòng lưu chuyển lớn của văn chương thời đại là từ thể hiện đạo đức, thuyết lý đạo đức sang phô diễn tình cảm, từ đề cao giá trị đạo đức sang đề cao giá trị tài năng, từ mối quan tâm đặc biệt tới con người xã hội, chức năng phận vị sang quan tâm tới con người cá nhân.
       
 Cái nhìn hồi quy, thay cho lời kết
Bài viết đã đi từ vận động cải cách văn thể tới động thái tinh thần tầng lớp nho sĩ, tới sự chuyển hình của văn học. Đó là một cách đặt vấn đề, và cũng là một hướng đề nhìn nhận văn học thế kỷ XVIII. Văn học thế kỷ XVIII nằm trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ và sâu sắc, đó là điều có thể khẳng định. Tuy nhiên cũng có thể đặt vấn đề theo một cách khác, tức không loại trừ khă năng, trong xu thế vận động mạnh của văn chương sáng tác tự do, tâm tính lực lượng sáng tác có những điều chỉnh, người ta nhìn lại văn chương khoa cử, thứ văn chương ít biến động nhất và nhàm chán nhất, thấy nó lạc lõng và không thể chịu đựng thêm nữa. Người ta tấn công vào văn chương khoa cử như là phá đi một rào cản cho những kẻ sĩ có tâm tư tình cảm và giá trị tinh thần mới mẻ được tiến thân. Nếu nhìn theo hướng này, sự biến động của văn chương sáng tác tự do, của những luồng tư tưởng phi chính thống là yếu tố đi trước và nó đã quay trở lại tấn công vào thành trì của những quan điểm chính thống, văn hóa chính thống bảo thủ. Đây chỉ là một khả năng, một phán đoán theo cách khác, không nên loại trừ, nhưng có phần khó phù hợp với hiện thực, bởi lẽ tinh thần quan trọng của các đề nghị canh cải là quay về với chuẩn mực đã được thiết lập thời Hồng Đức chứ không phải phá bỏ các chuẩn mực.
 
Dẫu nhìn từ góc độ nào đi nữa, vẫn có thể khẳng định rằng tâm thái sĩ phu thế cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII có nhiều biến động, nó tương thông và quan hệ mật thiết với sự chuyển hình của văn học đương thời.
  Chú thích


[1] Theo lời Ngô Thì Nhậm trong Kim Mã hành dư.
[2] Hồng Đức - niên hiệu của vua Lê Thánh Tông, từ 1470 tới 1497.
[3] Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên khoa thi năm 1442.
[4] Lương Thế Vinh (1441-?) người thôn Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ trạng nguyên năm 23 tuổi, khoa thi Quý mùi, niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) đời Lê Thánh Tông.
[5] Vũ Kiệt (?-?) người xã Sa Lung, huyện Tây Chân, nay là thông Sa Lung, xã Đồng Sơn, huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu tuất niên hiệu Hồng Đức 9 (1478).
[6] Vũ Dương (1472-?), người thôn Man Nhuế, huyện Thanh Lâm, nay thuộc thành phố Hải Dương. Ông đỗ trạng nguyên năm 22 tuổi, khoa thi Quý sửu niên hiệu Hồng Đức 24 (1493) đời Lê Thánh Tông.
[7] Quy định chặt chẽ của các thể tài văn chương là yếu tố đầu tiêu giúp cho việc đánh giá văn bài đạt tới sự khách quan nhất định. Những bài vi phạm quy chuẩn hình thức bị loại đầu tiên trong quy trình chấm. Vì thế, có thể giải thích được tại sao phú luật và thi luật đời Đường ra đời và sự hoàn thiện thể chế khoa cử là song sinh, cùng thúc đẩy lẫn nhau.
[8] Kiến văn tiểu lục (bản dịch). 1977. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, tr.260.
[9] Sử ký tục biên (bản dịch). 1991. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, tr.40. Bản chữ Hán A1415 (Thư viện Viện Hán Nôm: TVHN), tờ 14.
[10] Ngô Thì Sĩ. Bảo chướng hoằng mô - Điều thượng tứ sự khải.
[11] Bùi Sĩ Tiêm (1690-?): người Đông Hưng, Thái Bình, đỗ đình nguyên hoàng giáp năm 1715.
[12] Ở đây ý nhắc lại Chính lệnh cải cách 1693.
[13] Thập khoa sách lược - Sách của Lưu Định Chi, hiệu là Ngốc Trai đời Minh biên soạn. Nội dung nói tới 10 điều mà kẻ sĩ phải tu dưỡng, dựa theo các tiêu chuẩn chọn học trò của nhà Tống.
[14] Tứ đạo: tức “Tứ đạo trường sách”. Sách này và “đề cương” đều là những sách soạn những bài văn mẫu cho sĩ tử học thuộc theo để làm bài thi, nếu đúng đề chỉ cần chép vào là đỗ.
[15] Ngốc Trai, chỉ Thập khoa sách lược.
[16] Sử ký tục biên (bản dịch). 1991. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, tr.128-129. Bản chữ Hán A2089 (TVHN), Quyển 22, tờ 14-15.
[17] “Bảo chướng hoằng mô - Điều thượng tứ sự khải” (bản dịch của Trần Thị Băng Thanh), trong Ngô Thì Sĩ. 1987.Nxb Hà Nội.
[18] Trào lưu thực học đời Thanh là đối tượng học thuật lớn, đã có nhiều công trình trên thế giới nghiên cứu về vấn đề này. Xin xem, chẳng hạn các công trình: Cát Vinh Tấn (chủ biên). Trung Quốc thực học tư tưởng sử. 1994. Thủ đô sư phạm đại học xuất bản xã, Bắc Kinh; Cát Vinh Tấn. 2003. Trung Quốc thực học văn hóa đạo luận. Trung công Trung ương đảng hiệu xuất bản xã, Bắc Kinh…
[19] Vấn đề thực học mà Ngô Thì Sĩ nói tới hoàn toàn phù hợp với quan niệm của Lê Thánh Tông, thể hiện trong bài thơ Thực học(实学.
[20] Phiên âm dẫn theo: Mai Xuân Hải (chủ biên). 1994. Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, tr.404. Phần dịch nghĩa, chú thích không theo văn bản trên.
[21] Nguyên văn có ý nhắc tới lời Khổng Tử nói: “ngô đạo nhất dĩ quán chi”, ý chỉ đạo của Khổng Tử lấy tu dưỡng đạo đức nhân nghĩa làm tư tưởng quán xuyến, xâu chuỗi học thuyết.
[22] Chính tâm (làm cho tâm mình ngay thẳng chính đính) và tề gia (sắp đặt, trị lý việc nhà một cách yên ổn trật tự) là hai khâu trong “Bát điều mục”[Tám khâu] của sách Đại học nói về quá trình đi từ tu dưỡng nội tâm tới thi hành ra chính trị một cách tuần tự tốt đẹp. Tám khâu đó gồm: thành ý, chính tâm, cách vật, trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
[23] Cái học vị kỷ và cái học vị nhân: Lời Khổng Tử trong sách Luận ngữ, nói về hai lối học: “cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân”. Vị kỷ là lối học coi trọng sự hoàn thiện đạo đức, nhân cách của bản thân người học, học để thành nhân, để hoàn thiện mình. Học vị kỷ là tiếp thu lý thuyết từ kinh điển nhưng biến các giáo lý thành thực tiễn đạo đức của mình, hướng nội điều tiết, tu dưỡng. Học vị nhân là lối học cốt học lấy tri thức mà người khác đang cần để phục vụ họ, không coi trọng tu dưỡng đạo đức nội tại.
[24] Hy thánh hy hiền:Noi theo và phấn đấu để thành thánh, thành hiền. Đây là câu nói mà nhà nho hay dùng, chẳng hạn Trình Di trong bài “Nhan tử sở hiếu hà học luận” (Cái học mà Nhan Hồi ham thích là cái học gì), đã giải thích rõ: “Thánh hy thiên, hiền hy thánh, sĩ hy hiền”, nghĩa là thánh noi theo trời, bậc hiền noi theo bậc thánh, còn kẻ sĩ thì noi theo người hiền và phấn đấu thành người hiền. Khổng Tử có 3000 học trò nhưng chỉ khen Nhan Hồi là người hiếu học, vì Nhan Hồi học để hoàn thiện đạo đức, nhằm thành thánh thành hiền. Các nhà nho đời Tống đặc biệt đề cao lối học hy thánh hy hiền, tức học tập đặc biệt coi trọng công phu nội tỉnh để hoàn thiện đạo đức.
[25] Y Doãn, Chu Công: Hai bầy tôi giỏi và có đạo đức cao đẹp phù giúp đắc lực cho hai triều đại vua Thành Thang nhà Thương và Vũ Vương nhà Chu.
[26] Nguyễn Danh Thực (1631-1694): đỗ thám hoa năm 1659, người Hà Bắc.
[27] Nguyễn Công Hãng (1680-1732): đỗ tiến sĩ năm 1700, người Hà Bắc, ông cùng Lê Anh Tuấn là hai đại thần có nhiều việc làm nhằm chấn hưng kinh tế xã hội đầu thế kỷ XVIII.
[28] Sử ký tục biên. Sđd, tr.40.
[29]Xem Kiến văn tiểu lục - thể lệ.
[30] Xem Kiến văn tiểu lục - thể lệ.
[31] Lê Quý Đôn. 1977. Kiến văn tiểu lục - thể lệ (bản dịch). Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, tr.93.
[32] Bùi Dương Lịch. 1993. Nghệ An ký (bản dịch). Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, tr.318.
[33] Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí - Nhân vật chí.
[34] Nhà nho thường ví phẩm chất, năng lực và đạo đức nhân cách của mình như viên ngọc quý, nếu vua biết trọng dụng thì dâng tặng, không biết thì cất giấu đi cho riêng mình. Câu này Vũ Thạnh ngụ ý: nhà vua chưa biết trọng dụng ông.
[35] Tô Môn: Tên một ngọn núi thuộc dãy Thái Hành phía Tây Bắc tỉnh Hà Nam Trung Quốc, là nơi Nguyễn Tịch và Tôn Đăng ở ẩn.
[36] Xem “Năm thế hệ thầy trò sự bắt đầu và kết thúc của trào lưu chấn hưng Nho học thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX”. Mấy vấn đề Nho giáo Việt Nam. 1998. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
[37] Phạm Đình Hổ. 1997. “Vũ trung tùy bút”, phần “Thể thơ” (bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến). Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam. Nxb Thế giới. Hà Nội, tập II, tr.107.
[38] Vịnh sử thi quyển tập hợp nhiều thơ vịnh sử của 4 tác giả: Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Trác Luân, Nguyễn Tông Quai và Ngô Tuấn Cảnh. Nhóm các tác giả này được người đời tôn xưng là Tràng An tứ hổ, hay An Nam đại tứ tài…
[39] Mộng Dữ: con của Trần Nguyên Đán.
[40] Cầm thi (Thơ chim): Thơ mượn lời con chim để nói tình trạng đem con gửi cho quạ nuôi hộ. Câu này nói Trần Nguyên Đán chê Nghệ Tông gửi con cho Hồ Quý Ly trông coi, nhưng chính ông cũng đem con gửi cho Quý Ly để tránh họa sau này.
[41] Hai bài thơ chọn bất kỳ làm ví dụ ở đây trích từ văn bản Vịnh sử thi quyển, ký hiệu A1314. Phần dịch nghĩa và chú thích của Quách Thu Hiền, tài liệu dịch chưa công bố. 
[42] Nhân trệ: Theo “Lã Hậu bản kỷ” trong Sử ký, Hán Cao Tổ lúc còn sống có người thiếp yêu là Thích Cơ, sau khi Hán Cao Tổ chết, Lã Hậu bèn chặt chân tay Thích phu nhân, móc mắt đốt tai, cho uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu, và gọi là “con lợn người”.
[43] Vương Cơ: chỉ Thích Cơ.
[44]Trường Lăng: một địa danh ở Thiểm Tây nơi có lăng tẩm của Hán Cao Tổ.
[45] Kê tẫn: chỉ Lã Hậu (xem chú thích bài “Tứ hạo vi phụ”).
[46]Đồ cô: chỉ Trần Bình và Chu Bột, hai vị cựu thần diệt được họ Lã giữ vững cơ nghiệp họ Lưu.
[47] Mỹ nữ: chỉ Chiêu Quân, tức Vương Tường là con gái cả của Vương Trung, tri phủ châu Việt. Chiêu Quân từ nhỏ đã xinh đẹp thông minh, miệng cười nghiêng nước nghiêng thành, đàn giỏi như Bá Ấp Khảo (đời Chu), viết chữ và vẽ tranh rất đẹp.
[48]Kính du: đi tắt đi ngang, chỉ việc làm không đàng hoàng.
[49]Thiện trần nhụ tử: chỉ Mao Diên Thọ. Thời Nguyên đế nhà Hán có cung nữ tiến cung. Cung nữ thì nhiều, do đó đặt ra lệ sai họa sĩ vẽ tranh các cung phi dâng vua. Nhà vua xem tranh ưng ai thì người đó được hầu đêm. Lúc ấy trong những thợ vẽ Mao Diên Thọ (người Đỗ Lăng) vẽ truyền thần chân dung rất giỏi trông như người thực. Bởi vậy nhiều cung nữ tranh nhau đem vàng bạc hối lộ Diên Thọ để được vẽ chân dung mỹ miều hấp dẫn.
[50]Chiêu Quân lúc tiến cung không hối lộ Mao Diên Thọ nên Diên Thọ vẽ nàng hơi buồn và chấm một nốt ruồi ở gò má, theo sách tướng thì đó là tướng mạo không lành.
[51] Yên Chi: Hoàng hậu vợ vua Hồ (nguyên văn).
[52] Câu này muốn nói đến chuyện vua Hán Nguyên Đế đã từng nằm mơ thấy Chiêu Quân và thề sẽ lấy nhau nhưng nhà vua lại không cho đó là thực.
[53] Trần Thị Băng Thanh. 1987. Ngô Thì Sĩ. Nxb Hà Nội, tr.38.
[54] Các bài trích của Ngô Thì Sĩ trên đây đều theo Ngô Thì Sĩ. Sđd, tr.157-163.
[55] Ngô Thì Sĩ, Sđd, tr.38.
[56] Các bài khải trong Bảo chướng hoằng mô được Trần Thị Băng Thanh trích dịch và giới thiệu trong Ngô Thì Sĩ, Sđd, tr.173-191.
 
 
Thư mục tài liệu tham khảo
1.    Sử ký tục biên. 1991. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.
2.    Đàm Văn Chí. 1992. Lịch sử văn hóa Việt Nam - sinh hoạt trí thức kỷ nguyên 1427-1802. Nxb Trẻ. Tp.HCM.
3.    Phan Huy Chú. 1972. Lịch triều hiến chương loại chí. Bản dịch của Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn.
4.    Lê Quý Đôn. 1977. Kiến văn tiểu lục. Nxb Hà Nội.
5.    Mai Xuân Hải (chủ biên). 1994. Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.
6.    Trần Đình Hượu. 1999. Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại.Nxb Giáo dục. Hà Nội.
7.    Trần Đình Hượu. 2001. Các bài giảng về tư tưởng phương Đông.Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội.
8.    Trần Trọng Kim. 2001. Nho giáo.Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội.
9.    Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương. 2001. Văn học Việt Nam thế kỷ X-đầu thế kỷ XVIII. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
10. Đinh Gia Khánh. 2000. Tổng tập văn học Việt Nam.42 tập.Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.
11. Phạm Thế Ngũ. 1965. Văn thể lược giảng. Quốc học tùng thư xuất bản. Sài Gòn.
12. Nguyễn Q Thắng. 1998. Khoa cử và giáo dục Việt Nam.Nxb Văn hóa. Hà Nội.
13. Bùi Dương Lịch. 1993. Nghệ An ký. Nxb Hà Nội.
14.Nguyễn Lộc. 1997. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII hết thế kỷ XIX.Nxb Giáo dục. Hà Nội.
15. Bùi Duy Tân, Lại Văn Hùng (tuyển chọn và giới thiệu). 2007. Lê Thánh Tông tác gia và tác phẩm.Nxb Giáo dục. Hà Nội.
16. Trần Nghĩa (chủ biên). 1997. Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam. 4 tập. Nxb Thế giới. Hà Nội.
17. Trần Thị Băng Thanh. 1987. Ngô Thì Sĩ. Nxb Hà Nội.
18. Trần Thị Băng Thanh. 1992. Ngô Thì Sĩ những chặng đường thơ văn. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.
19. Ngô Đức Thọ (chủ biên). 1993. Các nhà khoa bảng Việt Nam. Nxb Văn học. Hà Nội.
20. Đại Việt sử ký toàn thư (Hoàng Văn Lâu dịch chú). 1998. 4 tập. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.
21. Nguyễn Tài Thư (chủ biên). 1993. Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tập 1. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.
22. Trần Ngọc Vương. 1995. Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
23. Trần Ngọc Vương (chủ biên). 2007. Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX, những vấn đề lí luận và lịch sử. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
24.葛 榮 晉(Cát Vinh Tấn). 1994. 中國實學思想史 (Trung Quốc thực học tư tưởng sử). Thủ đô sư phạm đại học xuất bản xã. Bắc Kinh。
25. 葛 榮 晉 (Cát Vinh Tấn). 2003. 中國實學文化導論 (Trung Quốc thực học văn hóa đạo luận).Trung cộng Trung ương đảng hiệu xuất bản xã. Bắc Kinh.
26. 汪 小 洋 (Uông Tiểu Dương), 孔慶 茂 (Khổng Khánh Mậu). 2005. 科擧文体研究 (Khoa cử văn thể nghiên cứu). Thiên Tân cổ tịch xuất bản xã.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529339

Hôm nay

282

Hôm qua

2304

Tuần này

21612

Tháng này

216035

Tháng qua

0

Tất cả

114529339