THỜI GIAN QUA, TẠI VINH ĐÃ XUẤT HIỆN NHỮNG CÁCH LÀM DU LỊCH MỚI. DÙ NHỮNG HOẠT ĐỘNG NÀY CÒN ĐANG TRÊN CON ĐƯỜNG THỬ NGHIỆM NHƯNG ĐÃ NHÓM LÊN NGỌN LỬA HY VỌNG CHO NHỮNG ĐỔI THAY VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DU LỊCH TỈNH NHÀ.
THỜI GIAN QUA, TẠI VINH ĐÃ XUẤT HIỆN NHỮNG CÁCH LÀM DU LỊCH MỚI. DÙ NHỮNG HOẠT ĐỘNG NÀY CÒN ĐANG TRÊN CON ĐƯỜNG THỬ NGHIỆM NHƯNG ĐÃ NHÓM LÊN NGỌN LỬA HY VỌNG CHO NHỮNG ĐỔI THAY VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DU LỊCH TỈNH NHÀ.
Một tín hiệu khả quan
Một trong những đơn vị tiên phong trong hướng đi này có thể kể đến là Vinh Guru. Không lựa chọn mảng kinh doanh có thể thu về lợi nhuận nhanh và nhiều hơn, công ty chú trọng quảng bá rộng rãi hình ảnh Nghệ An và làm sao để thu hút ngày càng nhiều người tìm đến với Nghệ An. Học tập cách làm du lịch mới từ các những nơi có du lịch phát triển, Vinh Guru quảng cáo các tour chủ yếu bằng tiếng Anh thông qua các trang mạng như website công ty, TripAdvisor, mạng xã hội, trip.me… Với 4 tour chính: Pù mát 2 ngày 1 đêm, Pù Mát 1 ngày, Vinh by night, Vinh and around, nhóm đã để lại nhiều ấn tượng tốt đối với du khách nước ngoài đến với Nghệ An. Các tour du lịch này hướng đến khám phá, trải nghiệm. Du khách tham gia được tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trực tiếp trải nghiệm đời sống với cư dân bản địa. Bên cạnh đó, hiện nay nhóm đang thử nghiệm mô hình Du lịch thiện nguyện – Du lịch kết hợp dạy tiếng Anh cho trẻ em dân tộc thiểu số. Chị Nguyễn Linh, nhân viên công ty cho biết: “Xuất phát từ mong muốn phát triển du lịch bền vững, Vinh Guru đã cho ra đời du lịch thiện nguyện. Chúng tôi quan niệm, mình đã khai thác tài nguyên của địa phương thì phải làm điều gì đó để bù đắp lại. Chính vì thế 2tuần/lần, tour du lịch thiện nguyện sẽ đưa các bạn trẻ, giáo viên tiếng Anh lên dạy cho trẻ em ở bản và xa hơn mong muốn phổ cập cho người dân ở đây để họ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, phục vụ làm du lịch.”
Anh Võ Bá Nguyên – người điều hành Vinh Guru cho biết, nhiều du khách sau chuyến đi tâm sự có cảm giác Nghệ An là Sa Pa và Đà Lạt cộng lại chia đôi. Một gia đình người Bỉ, ban đầu chỉ ở lại Nghệ An như một điểm dừng chân trong lịch trình nhưng sau khi tham gia tour đã chia sẻ đây là trải nghiệm thú vị nhất tại Việt Nam mà họ có. Không chỉ người Việt mà chính các du khách nước ngoài đều băn khoăn tại sao Nghệ An có tất cả mọi điều kiện thuận lợi để làm du lịch: cảnh quan, ẩm thực, di sản văn hóa, lịch sử, con người…nhưng du lịch không phát triển được như các địa phương khác. Những ý kiến đó một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy điều mình thiếu là ở việc dám nghĩ, dám làm, dám đổi thay tư duy.
Còn nhiều việc phải làm
Cách làm của Vinh Guru là một gợi mở cho hướng đi mới tuy nhiên bản thân công ty này cũng như các hãng lữ hành khác và du lịch Nghệ An nói chung còn cần thay đổi nhiều để có được thành công.
Trước hết, đối với loại hình du lịch thiện nguyện của Vinh Guru, các hoạt động trong chuyến đi nhìn chung còn ít, thời gian trống của chuyến đi khá nhiều. Cách làm hiện nay sẽ chỉ phù hợp với người trẻ (dưới 30 tuổi), khó mở rộng đối tượng. Đội ngũ hướng dẫn viên cũng cần được bổ sung và hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới nếu muốn hướng đến tính chuyên nghiệp. Dustin Gerding, một giáo viên tiếng Anh đang sống tại Vinh chia sẻ trong chuyến du lịch thiện nguyện của Vinh Guru rằng: “Tôi đã đi 17 nước và quyết định ở lại đây bởi vẻ đẹp của Nghệ An. Điểm mạnh của Nghệ An là có cảnh sắc đẹp và con người thân thiện mà không nơi nào có được. Tuy nhiên điểm yếu là Nghệ An chưa quảng bá rộng rãi nó. Du khách gần như không biết đến và phải tự mình mò mẫm các điểm kể cả khi chưa tới lẫn khi đã tới Nghệ An. Bên cạnh đó cần có nhiều nhà hàng,khách sạn, mở rộng đường,…để tạo cảm giác thuận tiện cho du khách. Những người tìm đến Nghệ An, đặc biệt là miền Tây Nghệ An là thuộc những du khách ưa khám phá nhưng dù là du lịchkhám phá cũng cần cho họ cảm giác an toàn.” Anh nói dù là người rất yêu mến Nghệ An nhưng nếu là một du khách thì riêng Nghệ An là chưa đủ để thỏa mãn sự khám phá nên cần có liên kết với các tỉnh khác để tạo nên nhiều tour hấp dẫn hơn.
Để khắc phục được tất cả những điểm yếu của du lịch mà kể cả một du khách nước ngoài cũng dễ nhận thấy như trên, trước hết, chúng ta phải thay đổi tư duy và cách làm. Hướng quảng bá truyền thống sẽ là tốn kém và thiếu hiệu quả. Hiện cần tận dụng tốt hơn tất cả các kênh quảng bá, đặc biệt là mạng xã hội. Các clip quảng bá nên được dựng trên cốt truyện hấp dẫn, mới lạ, gợi sự tò mò, chứ không chỉ là giới thiệu cảnh trí đơn thuần.
Để tăng doanh thu của du lịch, Nghệ An cũng cần hướng đến việc làm sao để tăng chi tiêu của du khách. Bài học từ Thái Lan có thể giúp chúng ta vấn đề này. Tôi nhớ một ca sỹ trong Toy Bear bar tại Pattaya trả lời với du khách Anh khi ông ta muốn nghe bài hát mình thích mà không phải đưa tiền tip rằng: “Ở Thái Lan không có gì là miễn phí cả. Tất cả đều bắt đầu bằng cụm từ “How much” (giá bao nhiêu)”. Thực tế cho thấy không chỉ buộc phải bỏ tiền ra mà du khách đến đây phần lớn hài lòng khi được chi tiêu. Cách làm trong các điểm du lịch cũng khá thú vị khi người ta chụp ảnh du khách một cách bất ngờ. Sau đó, hình ảnh được in trên những món đồ lưu niệm đẹp mắt bày ở lối ra. Nếu thích, bạn bỏ khoảng 100 – 150 Baht để lấy, không thì thôi. Tâm lý thường là ai cũng thích thú và không ngại bỏ ít tiền để mang về làm kỷ niệm. Ở Nghệ An, nếu muốn du khách cũng không có chỗ để chi tiêu. Họ không biết mua gì và các điểm đến du lịch hầu hết đều không bán vé. Các dịch vụ vui chơi ít, nhà hàng với những món đặc sản còn thưa thớt.
Một trong những việc cần làm khác là tiến hành các cuộc khảo sát tâm lý, nhu cầu khách hàng để xác định thành phần du khách thường tới Nghệ An thuộc lứa tuổi nào? Quốc gia, tỉnh thành nào? Thích loại hình du lịch gì?..v…v… Từ đó có những sản phẩm du lịch phù hợp.
Đặc biệt, cần hướng tới trang bị ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lái xe, các điểm dịch vụ nhằm thu hút khách quốc tế. Tại Thái Lan, những điểm du lịch có khách Việt và Trung Quốc đông, hướng dẫn viên, thuyết minh viên đều có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Trung. Tại những điểm tham quan liên quan đến lịch sử, văn hóa quốc gia, nhân viên làm việc tại đây trực tiếp thuyết minh chứ không thông qua phiên dịch hay để hướng dẫn viên đoàn tự giới thiệu. Như thế mới đảm bảo được tính chính xác của thông tin về các giá trị văn hóa – lịch sử quốc gia. Muốn làm được điều này, chúng ta cần có một đội ngũ thuyết minh tại các điểm đến thành thạo về ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh và sau đó là ngôn ngữ của quốc gia nào có lượng khách đến nhiều. Hiện nay Vinh Guru cũng đã phối hợp hỗ trợ tiếng Anh cho hang taxi, cũng như hướng đến dạy tiếng Anh cho người dân tại các điểm du lịch. Đây là một ý tưởng hay và cần được nhân rộng trong thời gian tới. Chúng ta phải làm sao để mỗi người dân đều có thể là một đại sứ du lịch của tỉnh mình.
Du lịch Nghệ An đang trên đà phát triển. Người dân có nhu cầu du lịch ngày một cao nhưng chúng ta lại đang chủ yếu đưa khách trong tỉnh ra ngoài mà chưa có cách kéo khách về để tăng doanh thu cho du lịch tỉnh nhà. Thời gian tới, rất cần có những chính sách khuyến khích các hãng lữ hành trên địa bàn thu hút khách về với Nghệ An và cần có sự thay đổi đồng bộ để tạo nên một môi trường du lịch hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn.
2116
2337
22164
218663
121356
114511790