Những góc nhìn Văn hoá

Truyện kể dân gian Thăng Long về các nhân vật tổ nghề

 
Trong truyện kể dân gian, tổ nghề được coi là nhân vật sáng tạo ra một nghề, hoặc đã mang nghề từ địa phương, vùng miền khác truyền lại cho dân làng, các nghề ấy dần dần giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân. Ở vùng đất Thăng Long, các làng nghề xuất hiện khá phổ biến và đã làm nên một nét văn hoá truyền thống đặc sắc.

Trong quá trình thờ cúng, các nhân vật tổ nghề này được gắn với các phong tục tập quán, gắn với di tích thờ cúng và gắn với truyện kể lưu truyền trong dân gian. Tìm hiểu truyện kể dân gian về các vị tổ nghề Thăng – Hà Nội, chúng tôi giới hạn trong không gian địa lí văn hóa cổ truyền vùng Thăng Long, không bao gồm các đơn vị hành chính sáp nhập với Hà Tây từ năm 2008.

1. Không gian văn hóa làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội và sự ra đời truyện kể dân gian về các vị tổ nghề
Thăng Long – Hà Nội là vùng đất diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trong quá trình phát triển đất nước ta. Đây là mảnh đất mà đã được các triều đại chọn làm nơi đóng đô. Ngay từ năm 544, Lý Nam Đế lập nước đã cho đóng đô ở thành Đại La (Hà Nội); đặc biệt vào năm 1010, Lý Thái Tổ cho rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long đã tạo ra được súc hút mạnh mẽ về dân số, trong đó các ngành nghề thủ công ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ dần kéo về tụ hội ở kinh thành; rồi trải qua các triều đại sau này như thời nhà Trần, nhà Lê…và cho đến tận ngày nay, vùng đất này vẫn là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước. Đó là cơ sở và tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt trong cuộc sống người dân, trong đó có sự phát triển của các ngành nghề thủ công.
Thăng Long với vai trò là kinh đô của nước ta trong thời gian dài, bên trong là cấm thành bao gồm các đền đài, cung điện và là nơi đầu não của nhà nước; còn bên ngoài là khu dân cư gồm những xóm làng nông nghiệp, những phố phường thủ công, các bến chợ đông đúc, tấp nập. Xung quanh kinh thành đã có rất nhiều ngành nghề liên quan đến hoạt động của người dân xuất hiện ở nơi đây.
 Trên thực tế, vùng đất Thăng Long – Hà Nội có rất nhiều làng nghề cổ truyền. Đó là làng gốm Bát Tràng, làng kim hoàn Định Công, làng chạm khắc gỗ Thiết Ứng, làng đúc đồng Ngũ Xá, làng dệt thao Triều Khúc, làng dệt lĩnh Bưởi, làng giấy Yên Hòa…Ngoài ra còn rất nhiều các làng nghề khác, đó chủ yếu là làng nghề thủ công mỹ nghệ, như: Nghề dệt chiếu cói, dệt the, dệt lụa, dệt nhiễu, thêu, thợ may, thợ mộc, nghề kim hoàn, chạm bạc, khảm xà cừ, nghề giấy, nghề mây tre, làm nón, nghề sơn, chạm khắc đá, đúc đồng, nghề gốm.... Bên cạnh các làng nghề, Thăng Long – Hà Nội còn có rất nhiều các phố nghề khác nhau như: phố Hàng Trống làm tranh dân gian, phố Hàng Thêu và nghề thêu Quất Động, phố Thợ Tiện và nghề tiện Nhị Khê, phố Hàng Khay và nghề khảm trai Chuyên Mỹ, phố Hàng Bừa và nghề rèn Hòe Nhị…Trong số 36 phố phường Hà Nội xưa đều gắn với một sản phẩm hoặc một ngành nghề cụ thể nào đó. Nguyễn Trãi trong sách Dư địa chí có viết về sự sầm uất của 36 phường Đông Kinh như sau: “Phường Tàng Kiến (Hàng Trống?) làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm võng, gấm trừu, dù, lọng; Phường Yên Thái (Bưởi) làm giấy; Phường Thụy Chương (Thụy Khê) và phường Nghi Tàm dệt vài nhỏ và lụa; Phường Hà Tân (sau gọi là Giang Tân) nung vôi; Phường Hàng Đào nhuộm điều; Phường Tả Nhất (cuối phố Huế?) làm quạt; Phường Đường Nhân (chỉ Phố Hoa Kiều) bán áo điệp. Đồ cống có gấm, đồ thêu, hương xạ cùng ba loại kim (vàng, bạc, đồng)”(1).
Để trở thành một không gian các làng nghề, phố nghề sôi động, các làng nghề truyền thống ở Thăng Long – Hà Nội đã được hợp thành từ các nguồn khác nhau. Trước hết, đó là những làng nghề mang đậm tính chất bản địa đã tồn tại sẵn từ bao đời nay, đó là những ngôi làng có truyền thống làm nghề từ lâu đời của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Các cư dân này đã sáng tạo ra những làng nghề khác nhau, như: nghề dệt lĩnh ở làng Trích Sài, làng Tần, làng Nghè, làng Dâu thuộc vùng Bưởi. Thứ hai đó là các làng nghề được hình thành do quá trình di dân, điều này có thể do biến cố lịch sử dẫn đến việc những thợ thủ công ở nhiều vùng miền khắp nơi chuyển đến vùng ven đô để lập các làng nghề, như làng Bát Tràng do người dân ở Bồ Bát (Ninh Bình) và Vĩnh Ninh Trường (Thanh Hóa) đến định cư; phố đúc tiền ở phía nam hồ Trúc Bạch do dân của một số làng ở xứ Bắc theo lệnh của vua Lý ra kinh đô phục vụ triều đình dã lập lên làng Ngũ Xá. Mặt khác, quá trình di dân do những người thợ thủ công có tài đến kinh đô làm ăn, lập nghiệp. Họ mang theo các ngành nghề của làng quê mình, đồng thời còn mang theo cả tín ngưỡng văn hóa quen thuộc trong cuộc sống sinh hoạt, như phố Tô Tịch là nơi sản xuất và bán sản phẩm của làng tiện Nhị Khê, phố Hàng Bạc là nơi hành nghề và buôn bán đồ kim hoàn của dân chạm Đồng Sâm, dân làng Định Công (Hà Nội) và dân làng Châu Khê ở Hưng Yên…Có thể nói, Thăng Long – Hà Nội là nơi hội tụ của các ngành nghề của cả khu vực đồng bằng sông Hồng. Trải qua một quá trình phát triển lâu dài đã tạo ra một không gian văn hóa các làng nghề, phố nghề hết sức phong phú. 
Sự tồn tại của các làng nghề, phố nghề là cơ sở ra đời các vị tổ nghề. Đã có rất nhiều các làng nghề khác nhau thờ những người có công sáng lập ra ngành nghề của mình làm tổ nghề. Theo thống kê của tác giả Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo trong sách Làng nghề phố nghề Thăng Long – Hà Nội(2) thì có 74 vị tổ nghề ở các ngành nghề khác nhau được thờ ở vùng đất này. Trong đó, nghề đúc đồng có 10 vị, tổ nghề gốm có 5 vị, tổ nghề dệt có 12 vị, tổ nghề rèn sắt có 8 vị, tổ nghề kim hoàn có 7 vị, tổ nghề tiện có 1, tổ nghề mộc có 1 vị, tổ nghề da có 1, tổ nghề dệt chiếu có 1 vị, tổ nghề đan giành có 1 vị, tổ nghề làm thuyền có 3 vị, tổ nghề làm lược có 2 vị, tổ nghề khắc ván in có 4 vị, tổ nghề cung nỏ có 1 vị, tổ nghề khảm trai có 3 vị, tổ nghề tạc tượng có 2 vị, tổ nghề sơn vẽ có 2 vị, tổ nghề chế kính thiên văn có 1 vị, tổ nghề chế tạo súng có 2 vị, tổ nghề xây dựng có 1 vị, tổ nghề nấu kẹo mạch nha 1 vị, tổ nghề chế đồng hồ chuông báo ngày giờ ở Việt Nam có 1, tổ nghề sáng tạo ra đàn Nam Cầu có 1, tổ nghề chế ra thủy sa mộc thành (chiến thuyền có súng phun lửa) có 1, và người đầu tiên dạy nghề làm ăngten có 1 vị. Ngoài ra, còn một số các sách ghi chép về sự tích các vị tổ nghề Thăng Long- Hà Nội, như cuốn Lược truyện thần tổ các ngành nghề(3) đã ghi chép lại một cách vắn tắt sự tích về 20 nhân vật tổ nghề, đó là các vị tổ nghề đúc đồng, tổ nghề dệt, tổ nghề dệt thao, tổ nghề dệt gấm, tổ nghề tằm, tổ nghề làm lược, tổ nghề làm giấy, tổ nghề cung nỏ, tổ nghề đấu vật,.. Sách Sự tích các vị thần Thăng Long – Hà Nội(4) đã ghi chép sự tích về 7 vị thần là các tổ nghề khác nhau, đó là tổ nghề lẫy nỏ, tổ nghề thêu lọng, tổ nghề hát ả đào, tổ nghề dát thiếc, Bà Chúa Tằm, tổ nghề dệt lĩnh, Bà Chúa Dệt.
Trong thực tế, sự tôn vinh những vị tổ nghề là một việc làm phổ biến của người dân các làng nghề ở Việt Nam, việc làm này ngoài việc ca ngợi những anh hùng lao động giỏi, nó còn là sự tri ân của nhân dân đến những người đã có công gây dựng ngành nghề. Đúng như nhận định của tác giả Kiều Thu Hoạch: “Việc thần thánh hóa những người thợ thủ công tài giỏi, những ông tổ sư các nghề vốn là một đặc điểm phổ biến của truyền thuyết ở nhiều nước. Về ý nghĩa, nó thể hiện nguyện vọng của nhân dân muốn biểu dương, ca ngợi những thành quả lao động, lý tưởng hóa nó, nâng nó lên thành những mẫu mực đẹp đẽ. Nhưng riêng ở Việt Nam nó lại mang một màu sắc khác: đó là biểu hiện cao đẹp của truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, truyền thống ghi nhớ công ơn của tổ tông, gần là ông bà, cha mẹ mình, xa hơn chung hơn là tổ tiên của dân tộc mình”(5).
Theo tín ngưỡng truyền thống của các làng nghề, khi các vị tổ nghề đã được tôn vinh thì dân làng có sự thờ cúng. Người dân có thể lập bàn thờ tổ nghề tại gia đình, vào ngày tuần tiết, sóc, vọng, giỗ tết, đều có cúng cấp. Đây là trường hợp không phổ biến. Thờ tổ nghề phổ biến nhất là do các phường nghề, làng nghề lập miếu, lập đền riêng để thờ tổ nghề của làng mình. Hầu hết các vị tổ nghề thường được thờ cúng với tư cách là Thành hoàng làng - người cai quản và bảo vệ, trông coi cho cả làng. Trong quá trình thờ cúng các vị tổ nghề, mỗi làng nghề, phố nghề đều có sự tích kể về công lao và tài năng vị tổ nghề của mình, một phần trong số đó đã được chắp thêm trí tưởng tượng của nhân dân với đôi cánh “thơ và mộng” đã góp phần tạo lên những truyện kể dân gian. Nhận xét về vấn đề này, Tác giả Đỗ Bình Trị cho rằng: “Không có gì lạ nếu những người cả đời sống ở làng ấy biết rõ về ông tổ làng mình hơn là về các vua chúa. Cố nhiên, không phải lịch sử làng xã nào và sự tích về ông tổ làng, ông tổ nghề nào cũng trở thành sáng tác nghệ thuật truyền miệng dân gian. Có “lịch sử”, có “sự tích” mới là điều kiện cần; còn phải có điều kiện đủ nữa. Tức là ngoài điều kiện có liên quan đến chất liệu (“lịch sử” và “sự tích” ấy có hàm lượng thẩm mỹ đến mức nào?), còn phải có một tài năng nghệ thuật (chủ yếu là nghệ thuật kể chuyện) biết “phù phép” để biến chất liệu ấy thành truyện kể”(6).
 Dựa vào tiêu chí của thể loại truyện kể dân gian để xác định truyện kể về các vị tổ nghề ở Thăng Long- Hà Nội, có nhiều truyện kể khác nhau. Căn cứ vào nguồn gốc và hành trạng của các nhân vật tổ nghề trong truyện kể dân gian, chúng ta có thể phân ra làm hai bộ phận khác nhau là: thứ nhất là truyện kể về các vị tổ nghề là những nhân vật được huyền thoại hóa, đó là những sáng tác dân gian thời kỳ tiền phong kiến; thứ hai là truyện kể về các vị tổ nghề là các nhân vật lịch sử, đây là một bộ phận chủ yếu đã phản ánh hiện thực lịch sử với các sự kiện và con người thời kỳ phong kiến.
2. Truyện kể về tổ nghề là các nhân vật được huyền thoại hóa
Trong truyện kể dân gian Thăng Long – Hà Nội, những nhân vật là tổ nghề được huyền thoại hóa đều mang dáng dấp của những anh hùng văn hóa, phản ánh quá trình cải biến môi trường sống của con người. Đó là những nhân vật đã có công gây dựng ngành nghề cho nhân dân bằng tài năng và đức độ của mình. Các hình tượng nhân vật này phản ánh mơ ước chinh phục thiên nhiên ở thời kỳ dựng nước và khát vọng chiến thắng kẻ thù ở giai đoạn giữ nước của dân tộc ta.
Các nhân vật tổ nghề tồn tại trong truyện kể dân gian rất đa dạng, có nhân vật được miêu tả từ sự ra đời, hành trạng và hóa thân, nhưng cũng có nhân vật chỉ nhắc đến hành trạng, đó là công lao to lớn với ngành nghề mà mình đã tạo lên. Tương truyền, Lư Cao Sơn là một nhân vật mạnh bạo và tài giỏi. Ông đã tham gia rèn ngựa sắt, roi sắt cho Thánh Gióng đi giết giặc. Sau khi Thánh Gióng giết giặc Ân và bay về trời, ông tiếp tục nghề rèn và truyền dạy nghề này cho người dân. Khi ông mất, những người thợ rào ở khắp đồng bằng Bắc Bộ thờ làm tổ sư. Truyện khác cũng kể tổ nghề đúc đồng nhưng mang dậm dấu ấn Phật Giáo kể về nhân vật Không Lộ hay còn gọi là Khổng Lồ. Nhân vật này được ghi chép trong sử sách với tư cách là một nhà sư với tên gọi Khổng Lộ, Khổng Minh Không... Ông hiện lên trên trang truyền thuyết là một con người khoẻ mạnh, hồn nhiên, hùng vĩ và cao đẹp. Có khi là một người đi đăng đó với những vết chân khổng lồ đã hoá đá; có khi là người đi tìm đồng để đúc thành chuông lớn, vượt biển khơi, diệt thuỷ quái... Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Vinh trong bài viết Hình bóng người anh hùng sáng tạo văn hoá trong truyền thuyết dân gian Không Lộ đã nhận định: “Rõ ràng trong truyền thuyết, tiến trình cuộc đời của một con người mang tên Không Lộ, chẳng qua chỉ là một cái cớ, đúng hơn, một cái “khung” để cho nhân dân dựa vào đó mà khôi phục và làm sống lại những hình thức tự sự cổ đại ca ngợi công cuộc sáng tạo văn hoá, nhằm khẳng định bản lĩnh nhân dân trong một giai đoạn phục hưng lớn của lịch sử dân tộc”(7). Qua hành trạng và việc làm, hình tượng nhân vật Không Lộ chính là biểu hiện một hình tượng anh hùng văn hoá đầy tài năng. Đây chính là hình tượng nhân vật mơ ước và lý tưởng hóa của nhân dân. Trong tâm thức dân gian, Không Lộ là hình tượng nhân vật khổng lồ và hùng vĩ, về sau Phật giáo giáo du nhập vào nước ta đã dựa vào hình tượng nhân vật này để cải biến giáo lý vốn khó hiểu và khô khan để truyền giáo. Chính điều này đã làm cho các nhân vật tổ nghề Không Lộ trong truyện kể mang dáng dấp Phật giáo hóa và ít nhiều đã phai nhạt bản chất vốn có của mình. Qua đó đã phản ánh quá trình vận động, phát triển từ tư duy huyền thoại đến tư duy tôn giáo trong nhận thức của người dân. Đến nay dấu tích thờ Không Lộ ở vùng Thăng Long vẫn còn ở số 5 phố Châu Long, quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra, nhân vật này Lộ cũng được tôn vinh là tổ sư nghề đúc đồng của nước ta và được những người thợ rào ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ thờ cúng.  
Liên quan đến việc sáng chế vũ khí giết giặc, còn có truyện kể về nhân vật anh hùng văn hóa tài ba là Cao Lỗ. Tương truyền, sau khi An Dương Vương được thần Kim Quy trao cho một cái vuốt và dặn dùng nó làm nỏ thần thì sẽ chống được giặc ngoại xâm. Viên tướng Cao Lỗ được giao nhiệm vụ làm lẫy nỏ như lời dặn của thần. Triệu Đà mấy lần đem quân sang đánh, nhưng bên này An Dương Vương sai đem nỏ thần ra bắn. Mỗi phát bắn ra hàng ngàn mũi tên tua tủa, kẻ địch dù đông đến mấy cũng đành phải lui quân. Người dân vùng Cổ Loa tôn vinh Cao Lỗ là tổ nghề lẫy nỏ tục còn gọi là “Ông Nỏ”. Hàng năm, vào ngày hội, dân làng rước một ống tre có nhiều lỗ, ở mỗi lỗ đặt một mũi tên và một chiếc lẫy bằng gỗ tượng trưng cho loại nỏ kỳ diệu của Cao Lỗ khi xưa. Hiện Cổ Loa còn di tích gò Đống Bắn, nơi dưới sự chỉ huy tài tình của tướng quân Cao Lỗ. Tác giả Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo trong sách Làng nghề phố nghề Thăng Long – Hà Nội(8) đã cho biết, vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, người ta đào được hàng vạn mũi tên đồng và tìm thấy những chiếc ống đồng dài có nhiều lỗ khoét trên thân. Đây có thể là một bộ phận của nỏ thần Liên Châu bắn một phát ra nhiều mũi tên. Điều này hợp với tục rước nỏ thần của dân chúng.
Trong truyện kể Thăng Long – Hà Nội, các vị tổ nghề là những nhân vật được huyền thoại hóa và xuất hiện chủ yếu từ thời cổ đại. Qua các truyện kể về tổ nghề rèn và tổ nghề lẫy nỏ đánh dấu một giai đoạn phát triển của hình thái kinh tế - xã hội từ thời đồ đá sang đồ đồng và đồ sắt. Cách đây khoảng vài nghìn năm, các cư dân Việt Nam ở lưu vực sông Hồng đã bước vào một thời kỳ phát triển mới đó là thời đồng thau hay còn gọi là thời kỳ Tiền Đông Sơn, thời kỳ này tương ứng với thời đại Hùng Vương. Qua truyện kể cho thấy, các nhân vật tổ nghề được huyền thoại hóa mang đậm yếu tố thần kỳ, từ sự ra đời, chiến công và sự hóa thân.

3. Truyện kể về các vị tổ nghề là nhân vật lịch sử
Khác với các nhân vật tổ nghề được huyền thoại hóa, các nhân vật tổ nghề là các nhân vật lịch sử trong truyện kể dân gian Thăng Long – Hà Nội lại là những con người bằng xương, bằng thịt, bằng bàn tay khối óc của mình đã khám phá và sáng tạo ra các ngành nghề. Các vị tổ nghề này có thực trong đời sống cư dân cộng đồng, họ có công trạng đối với làng nghề và được tôn sùng, thờ cúng. Họ nhập vào “hàng ngũ” những nhân vật thần tổ của các ngành nghề như một niềm tự hào của người dân. Họ đi vào thế giới truyện kể dân gian với tư cách là những cá nhân có công lao lớn đối với cộng đồng người dân trong một không gian sinh tồn và theo một quy luật riêng.
Hình tượng các vị tổ nghề là các nhân vật lịch sử trong truyện kể dân gian vùng Thăng Long xuất hiện rất đa dạng. Trước hết đó là các nhân vật tổ nghề của nhiều ngành nghề khác nhau. Liên quan đến trang phục và vải vóc có nhóm truyện kể về bà chúa nghề tằm, về tổ sư nghề dệt, về tổ sư nghề thêu, nghề nhuộm, tổ nghề dệt thao; liên quan đến ẩm thực có truyện kể về tổ nghề làm bún; liên quan đến nghề thủ cộng mỹ nghệ có truyện kể về tổ nghề vàng bạc, tổ nghề gốm sứ, tổ nghề khảm trai; ngoài ra còn có truyện kể về tổ nghề làm quạt, tổ nghề giấy, tổ nghề rèn... Mỗi nhân vật tổ nghề phản ánh sự phát triển của các ngành nghề trong đời sống xã hội.
Có thể nói, rất nhiều sắc màu của cuộc sống kinh thành tồn tại trong truyện kể Thăng Long – Hà Nội về các nhân vật tổ nghề. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm truyện kể dân gian về các vị tổ nghề liên quan đến trang phục của người dân. Đó là truyện kể về Bà Chúa Tằm là công chúa Quỳnh Hoa, người đã đem nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền dạy cho dân làng Nghi Tàm. Hay đó là truyện kể về tổ nghề dệt là Nguyễn Thị La với đôi bàn tay khéo léo đã dệt lên những tấm vải vừa bền lại đẹp, ai thấy cũng phải thán phục. Rồi nàng La mở mang nghề dệt, lập một phường dệt ở ven Hồ Tây. Sau khi mất, nàng được phong là Thụ La Công Chúa. Hay như truyện kể về tổ nghề dệt thao là Uy Vũ lưu truyền ở làng Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội. Ông là người đi sứ bên Trung Hoa, được tiếp xúc với nghề làm quai thao, sau khi thành thạo, ông đem nghề truyền cho dân làng. Sau khi mất, ông được tôn làm tổ sư nghề dệt thao...
Trong thực tế, ở Thăng Long – Hà Nội, nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt vải gắn bó với đời sống của người dân, sởi ấm giá rét và mang lại vẻ đẹp cho con người. Dệt vải là nhu cầu từ xa xưa của con người và vẫn được duy trì ở nhiều làng xã trên vùng đất này. Còn các ngành nghề thêu, nhuộm là những ngành nghề ra đời khi nhu cầu về cái ăn, cái mặc của con người phát triển lên một tầm cao mới, đặc biệt khi Thăng Long – Hà Nội trở thành kinh đô của đất nước thì nhu cầu về trang phục, về làm đẹp của người dân và đặc biệt là của vua chúa, quan lại phát triển mạnh. Dân gian còn lưu truyền rằng: “Ăn Bắc, mặc Kinh”.
Bên cạnh các truyện kể về tổ nghề đã sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu về về cái mặc cho người dân, còn có các truyện kể về sự trang trí, làm đẹp, đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao của con người. Đó là truyện kể về tổ nghề thêu là Lê Công Hành, truyện kể về tổ nghề quạt là người họ Đào nay còn th tại đình Phiến Thị ở số 4 phố Hàng Quạt. Rồi truyện kể về tổ nghề làm lược là bà Lý Thị Hiệu và chồng bà là một vị quan nổi tiếng Nhữ Đình Hiền. Hai ông bà cùng đi sứ sang Trung Hoa, ở bên đó, họ đã học được nghề làm lược tre. Khi trở về bà cùng chồng hướng dẫn dân làng phát triển nghề ấy...
Trong truyện kể dân gian Thăng Long – Hà Nội còn có nhiều truyện liên quan đến nghề làm kim hoàn, đó là truyện kể về tổ nghề vàng bạc là ba anh em họ Trần: Trần Hoà, Trần Điện, Trần Điều sống tại làng Định Công, huyện Thanh Trì vào cuối thế kỷ thứ VI. Truyện khác kể về tổ nghề vàng bạc Thăng Long là Lưu Xuân Tín, quê ở làng Châu Khê, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Ông từng làm quan đến chức Thượng Thư bộ lại đời Lê Thánh Tông. Ông đưa người làng lên Tràng Đúc rồi phát triển thành nghề đúc thoi vàng, thoi bạc. Phố Hàng Bạc ngày nay khởi đầu là do dân làng Châu Khê trú ngụ. Sau khi ông mất, dân làng thờ làm tổ nghề. Rồi truyện kể về Nguyễn Kim Lân đã dạy nghề cho dân làng Đồng Xâm (Thái Bình), sau này một số dân làng lên Thăng Long cư trú tại phố Hàng Bạc làm nghề kim hoàn. Họ vẫn thờ ông làm tổ sư nghề kim hoàn. Bên cạnh đó còn có truyện kể về tổ nghề giấy qùi là Nguyễn Quý Trị, người làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội...
Liên quan đến các ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác có truyện kể về tổ nghề gốm sứ, kể về tổ sư nghề gốm sứ Bát Tràng là Hứa Vĩnh Kiều. Hay truyện kể về ông tổ nghề khảm trai là Nguyễn Kim. Truyện kể về tổ nghề tiện là Đoàn Tài (Trần Tài). Truyện kể về tổ nghề làm giấy được thờ tại các làng Hồ Khẩu, làng Đông Xã, làng Yên Thái, làng Nghĩa Đô, thuộc Hà Nội... Liên quan đến văn nghệ dân gian có truyện kể tổ nghề ca công họ Vũ. Hay truyện kể về hai vị nữ tổ ca công là Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị An ở làng Phú Đô (Hà Nội). Liên quan đến ẩm thực, có truyện kể về tổ nghề làm bún ở làng Mễ Trì, Hà Nội. Liên quan đến võ thuật có truyện kể về Nguyễn Tam Trinh, tổ nghề vật võ làng Mai Động...
Các sắc diện của cuộc sống người dân Thăng Long – Hà Nội trong một thời gian dài được phản ánh qua các ngành nghề khác nhau, mà ở đó việc thờ các vị tổ nghề là một minh chứng cho sự tồn tại và phát triển ấy. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, các nhân vật tổ nghề lại có phương thức tồn tại riêng. Nếu hình tượng các nhân vật tổ nghề được huyền thoại trong truyện kể dân gian Thăng Long – Hà Nội mang dậm yếu tố hoang đường, kỳ ảo thì hình tượng nhân vật lịch sử lại gần gũi với đời sống hiện thực hơn, yếu tố thần kỳ với công trạng phi thường của nhân vật và sự trợ giúp của thần linh dần mờ nhạt đi, thay vào đó là yếu tố lịch sử và hiện thực cuộc sống. Không còn những vị thần có sức mạnh phi thường từ đâu đó xuất hiện và cũng không còn những những nhân vật khổng lồ có thể làm ra những sản phẩm đặc sắc, thay vào đó là những con người bằng xương, bằng thịt, bằng trí lực và tài năng của mình đã sáng tạo ra các ngành nghề cho dân làng.
Truyện kể dân gian Thăng Long – Hà Nội về các vị tổ nghề, một mặt phản ánh sự ra đời và tồn tại của các làng nghề nơi đây, mặt khác phần lớn các vị tổ nghề được thờ là những nhân vật ở vùng miền khác đến kinh thành Thăng Long lập nghiệp. Họ đã sáng tạo ra ngành nghề, rồi ngành nghề ấy được dân làng đem đến vùng kinh thành Thăng Long duy trì và phát triển trong chiều dài lịch sử. Do vậy, truyện kể Thăng Long – Hà Nội về các vị tổ nghề bên cạnh việc phản ánh những nét văn hóa bản địa của người dân, nó cũng đã phản ánh quá trình di cư của người dân các làng nghề, họ đã từ những vùng quê khác nhau đến vùng kinh thành nhộn nhịp và sầm uất để sinh tồn.
(9)Vương đến thế kỷ XVIII. Điều đó chứng tỏ rằng, trong chiều dài lịch sử phát triển của người dân Thăng Long – Hà Nội, hệ thống thờ Thành hoàng đã được phản ánh qua hệ truyền thuyết tổ nghề. Điều này trước hết bắt nguồn từ đời sống làng nghề ở vùng đất Thăng Long hết sức phong phú và sinh động, mặt khác nó là minh chứng cho trí tưởng tượng bay bổng của nhân dân và tín ngưỡng thờ thần phát triển mạnh mẽ ở nơi đây. Việc các nhân vật tổ nghề này được tôn vinh là những vị thần linh đã làm sống lại sức mạnh tinh thần của nhân dân. Bởi truyện kể dân gian chứa đựng trong nó tinh thần của nhân dân hướng về các ngành nghề, về các anh hùng lao động.. Nếu tính dọc theo trường kỳ lịch sử của dân tộc thì dấu ấn truyện kể dân gian xuất hiện từ thời Hùng   Qua những truyện kể về các vị tổ nghề Thăng Long- Hà Nội cho thấy, các nhân vật này được lưu truyền rộng khắp trong không gian văn hóa, hầu hết các làng nghề nơi đây đều thờ cúng ghi nhớ công ơn của họ “Tổ nghề được tôn sùng là Thành hoàng cai quản không gian thiêng cả làng”


(1) Dẫn theo Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo: Làng nghề phố nghề Thăng Long – Hà Nội. Nxb Khoa học xã hội, H, 2009, tr 57-58.
(2) Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo: Sđd, tr 293-350.
(3) Vũ Ngọc Khánh: Lược truyện thần tổ các ngành nghề. Nxb Khoa học xã hội, H, 1990.
(4) Hoàng Lê (chủ biên): Sự tích các vị thần Thăng Long – Hà Nội, H, 2008. Nxb Văn hóa thông tin.
(5) Kiều Thu Hoạch: Văn học dân gian người Việt góc nhìn thể loại. Nxb Khoa học xã hội, H, 2006, tr 59.
(6) Đỗ Bình Trị: Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian. Nxb Giáo dục, H, 1999, tr 54.
(7) Nguyễn Quang Vinh: Hình bóng người anh hùng sáng tạo văn hoá trong truyền thuyết dân gian Không Lộ. Tạp chí Văn học, số 6 năm 1974, tr 64.
(8) Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo: Làng nghề phố nghề Thăng Long – Hà Nội. Nxb Khoa học xã hội, H, 2009.
(9) Ngô Đức Thịnh (chủ biên): Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, H, 2001, tr 49.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529340

Hôm nay

283

Hôm qua

2304

Tuần này

21613

Tháng này

216036

Tháng qua

0

Tất cả

114529340