Xứ Nghệ ngày nay

Đưa Ví, Giặm vào du lịch: Vì sao chưa thành công?

Kể từ sau vinh danh, câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, giặm được đặc biệt quan tâm. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, tranh luận đã diễn ra. Người ta cũng không ngừng đề xuất những ý tưởng. Một trong số đó là đưa dân ca Ví, giặm vào phục vụ du lịch. Cho đến nay câu chuyện này vẫn còn dang dở và không biết có mấy ai ngồi lại để đặt câu hỏi: Tại sao?

Trong số các ý tưởng được đề xuất, chỉ có kế hoạch trình diễn dân ca Ví, Giặm tại Khu di tích Kim Liên là được tích cực triển khai hơn cả nhưng vẫn chưa thành công. Năm 2015, UBND huyện Nam Đàn phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao & du lịch đã ra một kế hoạch trình diễn với Ban chỉ đạo đầy đủ thành phần và phân công thực hiện rõ ràng cho các đơn vị. Chương trình ban đầu được biểu diễn trong khuôn viên hộ láng giềng của Bác với chủ đề "Trình diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" nhưng sau một thời gian ngắn đã phải dừng lại do nhiều lí do mà theo nhạc sỹ Nguyễn Đình Đắc từng chia sẻ là bởi chọn địa điểm, thiết kế sân khấu chưa hợp lý; chất lượng đội ngũ hát chưa cao; kinh phí ít dẫn đến trang phục biểu diễn, âm thanh,…còn chưa đáp ứng được. Rất may chúng ta chỉ biểu diễn phục vụ khách đợt cao điểm du lịch và đã kịp thời dừng lại. Nếu không, nó sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị của di sản trong mắt du khách trong cũng như ngoài nước. Sau đó, chương trình biểu diễn được chuyển địa điểm ra khoảng sân ngay lối vào Khu di tích và cũng chỉ phục vụ khách trong đợt cao điểm mà thôi. Theo ông Nguyễn Bảo Tuấn – Giám đốc Khu di tích Kim Liên thì chương trình còn mang tính “hành chính hóa”. Ông cho rằng để thực hiện thành công kế hoạch này phải chuẩn bị cơ sở vật chất riêng và có thể tiến hành bán vé. Tất nhiên, muốn làm được điều đó thì phải đầu tư kinh phí và nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn. Ông cũng nhấn mạnh hiện nay chưa hiệu quả sở dĩ bởi vẫn do các đơn vị Nhà nước làm mà chưa có sự “vào cuộc” của các doanh nghiệp tư nhân.

Có thể thấy Khu di tích Kim Liên là một địa điểm hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để triển khai đưa Ví Giặm vào phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, những gì chúng ta làm trong thời gian qua vẫn chẳng khác gì đưa đoàn văn công đến trình diễn cho bà con ở một địa phương nào đó vài hôm rồi đi. Đó không phải là tư duy làm du lịch, không phải là cách để đưa ví giặm trở thành một sản phẩm du lịch. Có lẽ chúng ta cần xác định lại để hiểu rõ thế nào là đưa ví, giặm vào du lịch trước khi lên ý tưởng triển khai.

Ngoài trình diễn Ví, giặm tại Khu di tích Kim Liên, các nhà hàng cũng chưa thể đưa Ví, Giặm vào biểu diễn lịch cố định dù đã có khách sạn lập CLB Ví, giặm (như Sài Gòn – Kim Liên ) để phục vụ hội nghị hoặc đoàn khách yêu cầu. Tuy nhiên, chúng ta không nên cổ vũ việc sẵn sàng cho một vài người hay một nhóm hát đôi ba làn điệu phục vụ khách trong nhà hàng theo yêu cầu. Lắm khi tôi cảm thấy xót xa trước cảnh một di sản văn hóa được biết đến là tinh hoa, tâm hồn của người xứ Nghệ bao đời được cất lên lạc lõng giữa những tiếng cười nói, chúc tụng, chạm ly trong nhà hàng. Phải chăng điều đó đang làm méo mó và hạ thấp giá trị của di sản?

Qua thực tế triển khai một vài ý tưởng nêu trên, chúng ta có thể rút ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chưa thành công trong việc đưa dân ca Ví, Giặm vào du lịch mà có thể tập trung ở mấy vấn đề sau. Thứ nhất, ý tưởng chưa độc đáo. Thứ hai, chuẩn bị và triển khai hời hợt, thiếu tính chuyên nghiệp. Thứ ba, thiếu nguồn lực. Trong số đó có thể nói vấn đề ý tưởng hết sức quan trọng. Cho đến nay, chúng ta vẫn chỉ loay hoay quanh mấy đề xuất: phục vụ tại các nhà hàng hay trình diễn ở khu di tích Kim Liên. Nội dung của chương trình biểu diễn không những không sáng tạo mà còn hết sức đơn giản, qua loa.

Xét một cách tổng thể, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tất cả những điều trên có lẽ là bởi chúng ta quá vội vàng. Việc nóng lòng phát huy giá trị của di sản đã dẫn đến những bước đi thiếu chắc chắn, thiếu tính khả thi. Ngoài ra, phải chăng chúng ta sẵn sàng gấp rút thực hiện mọi ý tưởng xuất hiện chỉ đơn giản vì muốn chứng tỏ với tất cả rằng thấy mình đang dành nhiều sự quan tâm, đang nỗ lực hết mình và có nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản sau vinh danh? Sự vội vàng trên , tất yếu, đã dẫn đến những nguyên nhân trực tiếp như trên và kết quả, không thể khác: thất bại. Tư duy phát huy giá trị di sản phục vụ du lịch để từ đó giúp nâng cao đời sống người dân địa phương và quan trọng hơn, tạo nguồn kinh phí để quay trở lại bảo tồn di sản là đúng. Đây cũng là cách hiệu quả để quảng bá và giúp di sản sống thực sự trong đời sống hôm nay. Tuy nhiên, dù làm gì đi nữa thì mục tiêu hướng tới phải là vì di sản chứ không phải vì lợi nhuận. Hình như chúng ta đang làm ngược lại và vì thế, sẵn sàng đánh đổi giá trị, chất lượng của những tinh hoa ấy, làm méo mó chúng chỉ vì một vài món lợi trước mắt.

Hiện nay, khi chưa có một đề án tổng thể và chi tiết gắn Ví, Giặm với du lịch thì chúng ta nên ngưng tất cả những hoạt động có tính manh mún và tự phát trong việc khai thác loại hình này phục vụ du khách để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến giá trị di sản. Việc tham khảo mô hình từ các nước trên thế giới cũng như các tỉnh khác trong nước để từ đó hình thành nên những ý tưởng mới là hết sức cần thiết.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, trước khi nghĩ đến việc khai thác giá trị Ví, Giặm, chúng ta nên nghĩ đến việc để nó sống đúng nghĩa và từ đó, sáng tạo ra những tác phẩm đặc sắc. Đây là thời gian để chúng ta không chỉ khôi phục mà còn phải tạo ra những giá trị mới, những tiết mục phù hợp với nhịp sống, hơi thở thời đại, được dàn dựng công phu và có sức hấp dẫn. Chỉ khi có được những sản phẩm tốt nhất trong tay ta mới có thể nghĩ đến mang nó giới thiệu với người ngoài như thế nào. Còn hiện nay, chúng ta khăng khăng giới thiệu và chứng minh với du khách rằng Ví, giặm là một di sản độc đáo, đặc trưng của xứ Nghệ  mà chẳng có gì trong tay ngoài một vài bài hát, câu ca đã quá quen thuộc và một chứng nhận từ UNESCO.

Vội vàng không bao giờ đưa đến sự thành công. Muốn khai thác và phát huy tốt giá trị của dân ca Ví, giặm và đưa vào phát triển du lịch, chúng ta phải có từng bước đi cho từng giai đoạn cụ thể và phải có sự đầu tư công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Hy vọng rằng những gì chưa thành công hôm nay sẽ giúp chúng ta rút ra bài học để tìm được lối đi đúng trong tương lai. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511795

Hôm nay

2121

Hôm qua

2337

Tuần này

22169

Tháng này

218668

Tháng qua

121356

Tất cả

114511795