Trong 19 tiêu chí của xã NTM, có 2 tiêu chí về văn hóa là rất khó đạt. Nội dung của 2 tiêu chí đó là: Nhà văn hóa (NVH), khu thể thao (KTT) từ xã đến thôn phải đạt chuẩn về diện tích quy hoạch, quy mô xây dựng, trang thiết bị, cán bộ vận hành, kinh phí hoạt động, nội dung hoạt động,…; Có 70% số thôn trở lên phải được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” liên tục từ 05 năm trở lên.
Trước hết, hãy nói về NVH, KTT. Theo quy định chuẩn (tại Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL, ngày 30/5/2014 của Bộ VH,TT&DL), NVH xã có diện tích tối thiểu là 500 m2, tổi thiểu 200 chỗ ngồi (đồng bằng), 300 m2,150 chỗngồi (miền núi) và 200 m2, 100 chỗ ngồi (vùng núi cao, xã đặc biệt khó khăn); có các phòng chức năng (hành chính, thư viện, thông tin truyền thanh, câu lạc bộ, tập các môn thể thao đơn giản); các công trình phụ trợ (nhà xe, khu vệ sinh, vườn hoa),… Ngoài sân vận động có diện tích tối thiểu 90mx120m (10.800 m2), KTT xã phải có diện tích tối thiểu 2.000 m2 (đồng bằng), 1.200 m2 (miền núi) và 500 m2 (vùng núi cao, xã đặc biệt khó khăn) và có dụng cụ TDTT đảm bảo theo công trình TDTT và các môn TT của từng xã,… Quy định là như vậy nhưng trong thực tế, phần lớn các xã NTM đều không đạt đầy đủ các nội dung của tiêu chí. NVH có thể đủ diện tích nhưng không đủ các phòng chức năng và không có vườn hoa; KTT ở đồng bằng cũng khó đủ diện tích chứ nói gì ở miền núi. Thậm chí có xã ở đồng bằng như Hưng Tiến (Hưng Nguyên) đón chuẩn NTM từ năm 2014 nhưng đến nay SVĐ xã vẫn chưa làm xong, 2 NVH thôn phải xây lại cho đạt chuẩn đến nay mới san lấp xong mặt bằng. Nhưng đó mới chỉ là phần vỏ, cái quan trọng là kinh phí hoạt động và nội dung hoạt động. Quy định chuẩn của Bộ VHTT&DL là phải đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên ổn định hàng năm nhưng thử hỏi mấy xã đáp ứng được điều này. Mỗi xã vùng đồng bằng, mỗi năm tổ chức 4 cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ, 6 cuộc thi đấu thể thao, xã miền núi tương tự là 2 cuộc và 4 cuộc, duy trì hoạt động thường thường xuyên 5 CLB (ở đồng bằng), 3 CLB (ở miền núi); phòng thư viện, đọc sách báo hoạt động tốt,… theo như quy định chuẩn là không thể. Ngay như TX Thái Hòa đã được công nhận đạt chuẩn NTM rồi, nhưng theo ông Tô Sơn - Trưởng phòng VHTT thị xã cho biết, mỗi phường, xã cũng chỉ được cấp 12 triệu đồng/năm cho các hoạt động VHTT-TT, trong đó 4 triệu đồng phải chi cho hoạt động của Ban chỉ đạo Toàn dân ĐKXD ĐSVH. Chỉ còn 8 triệu đồng làm sao tổ chức được 2 cuộc Hội diễn văn nghệ, 4 cuộc thi đấu thể thao, 4 cuộc tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và các hoạt động khác?
Lâu nay, các NVH, KTT từ thôn đến xã là nơi tổ chức hội họp là chính, còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, vui chơi giải trí, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trường của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, kiến thức khoa học kỹ thuật, giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống, nếp sống,… thì không được nhiều. Theo báo cáo thì thôn nào cũng có đội văn nghệ, thể thao nhưng hoạt động không thường xuyên. Hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên ở thôn thu hút 50% trở lên số dân (vùng đồng bằng) và 30% số dân (vùng miền núi) tham gia; Hoạt động TDTT thường xuyên thu hút 25% trở lên số dân vùng đồng bằng và 15% trở lên số dân ở miền núi tham gia như quy định của chuẩn NTM là không thể. Đối với trẻ em, giành 30% thời gian hoạt động (đồng bằng) và 20% thời gian hoạt động (miền núi) cho hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí ở NVH, KTT cũng chỉ là quy định chuẩn trên giấy mà thôi. Và như vậy, để có được 117 xã NTM thì việc cho “nợ” một số chỉ tiêu và “lỏng” trong thẩm định NVH, KTT từ xã đến thôn là điều khó tránh khỏi
Đối với tiêu chíxã NTM phải có 70% số thôn trở lên phải được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” liên tục từ 05 năm trở lên cũng vậy.Để đạt được chỉ tiêu về số lượng xã đạt chuẩn NTM đã đề ra hàng năm, Hội đồng thẩm định của tỉnh đã “linh động” công nhận đạt chuẩn cho những xã chỉ cần có 70% số thôn trở lên được công nhận “Thôn văn hóa” là được. Còn việc phải giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” liên tục từ 05 năm trở lên thì không tính đến. Anh Nguyễn Vinh Quang, Phó phòng Nếp sống văn hóa gia đình Sở VH,TT&DL khẳng định rằng, nếu cứ xét đằng sằng theo quy định thì số lượng xã NTM của tỉnh hiện nay sẽ ít hơn nhiều. Ngay từ khi thẩm định để công nhận danh hiệu Thôn văn hóa, ở các địa phương đã có sự linh động cho nợ một số nội dung của các tiêu chí văn hóa (ví dụ như diện tích quy hoạch, quy mô chỗ người chưa đủ, các công trình phụ trợ NVH, KTT thôn: trang thiết bị hoạt động, nhà để xe, tường bao, công trình vệ sinh, còn thiếu…). Nhiều thôn, đón chuẩn văn hóa rồi nhưng các khoản nợ mãi vẫn chưa trả được. Và như vậy, chất lượng Thôn văn hóa đã không cao. Đến khi thẩm định để công nhận đạt chuẩn NTM lại có sự linh động tiếp.
Không riêng gì văn hóa mà các tiêu chí khác, như: Môi trường, chợ, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, về trình độ chuyên môn của cán bộ công chức trong bộ máy, giáo dục,... cũng được cho nợ một số nội dung để đạt chỉ tiêu về số lượng. Từ đó, nhiều xã được công nhận đạt chuẩn NTM trong tình trạng “chín ép”. Vì “chin ép” nên nhìn bề ngoài ở các xã NTM, chỉ thấy đường giao thông, nhà văn hóa, trụ sở xã là hoành tráng, còn những thay đổi về chất trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì chưa thấy được nhiều..
Với việc cho nợ một số tiêu chí như trên, nếu các xã đạt NTM rồi, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí thì không phải bàn nhưng trong thực tế, chất lượng ở một số xã NTM đang có dấu hiệu giảm sút. Xã Diễn Thành (Diễn Châu) đón chuẩn NTM chưa đầy năm thì trường tiểu học bị rớt chuẩn quốc gia do thiếu 3 phòng học, các phòng chức năng (thiết bị giáo dục, thư viện, phòng truyền thống và hoạt động đội không đủ diện tích). Xã Đô Thành (Yên Thành) đạt chuẩn NTM từ năm 2014 nhưng đến thời điểm này, Trường tiểu học 1 của xã còn thiếu 7 phòng học, học sinh phải học 2 ca, học cả thứ 7. Theo thầy Vương Quốc Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhanh lắm cũng phải đến tháng 12 các phòng học xây thêm mới được đưa vào sử dụng. Và một loạt xã NTM vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Khảo sát ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, TX Hoàng Mai cho thấy, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong 8 tháng đầu năm nay ở các xã NTM rất cao: Quỳnh Liên (TX Hoàng Mai): 37,7%; Diễn Tháp, Diễn Hồng, Diễn Mỹ (Diễn Châu): 32-34%; Sơn Thành (Yên Thành): 30%, Phúc Thành (Yên Thành): 29,7%; các xã Bắc Thành, Long Thành (Yên Thành), Diễn Yên, Diễn Thành (Diễn Châu): từ 26-29%. Chị Trần Thị Lương, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Diễn Châu chia sẻ: Việc sinh con thứ 3 trở lên chiếm tỷ lệ cao, không chỉ ở những gia đình sinh con một bề do tâm lý của người dân bây giờ, đa số muốn sinh thêm con để đề phòng rủi ro do bệnh tật hay tai nạn giao thông.
Các danh hiệu chuẩn văn hóa hay chuẩn NTM đã công nhận thì phải đầy đủ các nội dung mới đảm bảo chất lượng, giá trị của danh hiệu. Danh hiệu không hoàn chỉnh thì chỉ là danh hão mà thôi. Thiết nghĩ, công tác thẩm định danh hiệu xã đạt chuẩn NTM (bao hàm cả xã chuẩn quốc gia về y tế, thông đạt chuẩn văn hóa, trường học đạt chuẩn quốc gia,…) trong thời gian tới cần đặt ra yêu cầu: kỹ lưỡng, chính xác và khách quan. Cần loại bỏ “bệnh thành tích”, cho “nợ” tiêu chí và “lỏng” trong đánh giá. Về phía các địa phương, cần khắc phục nguy cơ lệch hướng: chạy đua thành tích, chạy theo phong trào, nặng công trình, nhẹ các tiêu chí khác, nhất là xây dựng mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.