Cuộc sống quanh ta

Hội Doanh nghiệp & Hội thơ Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh - Một cộng đồng văn hóa Nghệ

Cuộc di cư đến xứ người mưu sinh cũng lắm lối lắm đường, người thành công, kẻ thất bại. Dầu là góc độ nào cũng đáng để chúng ta phải suy nghĩ để thấy được thực tế, nhằm bảo ban nhau, động viên nhau vượt qua thăng trầm mà tồn tại và vươn lên.

Người di cư vào đất phương Nam, nhất là TP HCM làm ăn có mặt đầy đủ các vùng miền của cả nước. Tuy nhiên, cộng đồng người xứ Nghệ đã và đang là một hiện tượng nổi trội có một không hai. Họ đã góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM. Và đặc biệt là dẫu giữa cuộc sống phồn hoa xứ người vẫn coi trọng, nâng niu, bảo vệ cội nguồn văn hoá xứ Nghệ, trong lòng luôn canh cánh nhớ về nguồn cội, nhớ về quê hương xứ sở.
Bước chân ly hương đến đất khách quê người, khi khoác trên vai hành lý ra đi, trong lòng ai cũng ấp ủ biết bao hy vọng. Hy vọng cải thiện cuộc sống lam lũ, nghèo thiếu; Hy vọng ngày nào đó sẽ lập nghiệp như nhiều người trước đó đã ra đi. Nhưng, thực tế chồng chất bao khó khăn và thử thách, có khi đến nghiệt ngã, và có cả những cạm bẫy chốn phồn hoa thị thành, nơi mà mọi người phải cật lực đua chen để tồn tại.
Hiện nay, đã hình thành lên một lớp người xứ Nghệ ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng đã thành công. Họ trở thành những  chủ nhân thực sự. Đó là những con người chịu thương, chịu khó, biết mưu cầu, biết cần cù và nhẫn nại. Họ học từ cuộc sống, trưởng thành từ trường đời. Họ biết nối kết các quan hệ cuộc sống để cùng nhau tương trợ, dẫn dắt nhau đến thành công.
Tiêu biểu cho lớp người này là những anh chị em Hội Doanh nghiệp Nghệ - Tĩnh tại Thành phố HCM. Hội nghề nghiệp có tính chất đồng hương đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Hội là những người con xứ Nghệ đùm bọc yêu thương, hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong kinh doanh. Danh tiếng của hội đã vượt qua biên giới quốc gia, lôi cuốn anh chị em người Nghệ trên khắp thế giới cùng tham gia. Từ ý tưởng một người, với 3 người nhóm họp ban đầu, nay danh sách trên 300 người, với trên 100 người sinh hoạt thường xuyên. Hội là mối liên kết trao đổi giữa TP HCM với hai tỉnh Nghệ an và Hà Tĩnh. Với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng, ngoài tác nhân xúc tác đầu tư, hội còn làm trách nhiệm cổ vũ, nối kết và phát huy truyền thống cội nguồn quê hương, giữ dìn bản sắc văn hoá xứ Nghệ. Qua hội, đã giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động là dân Nghệ, giải quyết lực lượng lao động dôi dư, được xem như một nguồn bổ sung thu nhập cho quê hương.
Với nghĩa tình quê sâu nặng, hội đã cùng sát cánh với nhiều tổ chức xã hội làm công tác từ thiện nhiều tỉ đồng ở nhiều vùng miền gặp thiên tai, nhất là hai tỉnh Nghệ An và Hà tĩnh .
Với sự hỗ trợ và theo dõi của các vị tiền bối cách mạng, các cấp lãnh đạo qua các thời kỳ của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, hội tập hợp các doanh nhân, các nhà trí thức, các nhà hoạt đông các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật.v.v…thành một khối đoàn kết.
Ngay buổi đầu manh nha thành lập, Hội đã quyết định hành động đầu tiên là kêu gọi và xúc tác đầu tư về quê nhà. Cùng với đoàn doanh nhân TP HCM do chủ tịch Thành phố Lê Thanh Hải dẫn đầu, năm 2003 đã về Nghệ An thiết lập chương trình đầu tư. Dấu ấn đầu tiên là việc đầu tư công viên trung tâm thành phố Vinh, với chủ đạo là Tập đoàn Nam Long, Ông chủ Nguyễn Xuân Quang là PCT Hội có quê ngoại ở xứ Nghệ. Với sự vận động hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ mà đứng đầu và có công lớn là ông Bí thư Tỉnh uỷ Lê Doãn Hợp. Phải nói rằng, từ đó, hầu hết các công trình đã và đang đầu tư tại Nghệ An và Hà Tĩnh đều mang dấu ấn của Hội. Hiện nay, tên tuổi ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt kiều gốc Hà Tĩnh, Chủ tịch tập đoàn VABIS gắn liền với hàng loạt dự án tại Vũng Áng, Xuân Thành, Vinh…
Để mở rộng giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, anh chị em hội viên                   còn tham gia Câu lạc bộ Doanh nhân Sài gòn, Câu lạc bộ Việt kiều.   Năm 2008, Hội cùng với CLB DNSG tổ chức chương trình “Doanh nhân Sài gòn về thăm quê Bác” - một cơ hội giao lưu và tìm hiểu đầu tư. Hàng năm, thường  xuyên giao lưu với các đoàn nghệ thuật của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhằm tạo điều kiện cho hội viên, bà con đồng hương, nhất là thế hệ trẻ, con cháu tiếp xúc và hiểu biết nghệ thuật truyền thống quê hương.
Trong các cuộc họp thường kỳ, hội tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về chính trị , kinh tế, xã hội. Những cuộc nói chuyện đầy bổ ích của các vị lãnh đạo cao cấp như nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Viện trưởng viên chiến lược kinh tế Trần Đình Thiên v.v…vô cùng bổ ích và hấp dẫn cho bước đường làm ăn của hội viên.
Năm 2010, Hội kỷ niêm 5 năm thành lập chính thức, được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi thư chúc mừng, đặc biệt có ba đoàn đại biểu của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và TP HCM tới dự.
Song song tồn tại bên cạnh là Hội thơ Nghệ - Tĩnh tại TP HCM, với gần trăm hội viên. Đi đầu thành lập và duy trì hoạt động là các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng gốc Nghệ.  Hội thu hút cả những nhà thơ yêu xứ Nghệ khắp mọi miền, đang sinh sống và làm việc tại TP HCM và các vùng lân cận. Hội thơ gồm những bậc cao niên đến các anh chị em còn lứa tuổi thanh niên. Đặc biệt, có nhiều nhà doanh nghiệp cũng là nhà thơ.
Cứ mỗi chủ nhật đầu mỗi tháng, Hội thơ sinh hoạt. Trầm lắng và bay bổng đặc sản Nghệ trong thơ ca. Hội đã xuất bản chung 3 tập thơ “Thao thức Lam Hồng” (2008), “Tìm về lời ru” (2009) và “Tự tình với biển” (2010); Ngoài ra , các nhà thơ đều xuất bản ấn phẩm riêng của mình.
Qua các kỳ sinh hoạt, các tập thơ, chúng ta nghe văng vẳng tiếng quê, nghe âm thanh của sông Lam, núi Hồng, tiếng thở của một vùng cố hương “địa linh nhân kiệt”. Thơ của anh chị em mang nặng nỗi nhớ quê hương đến da diết, cháy lòng. Thơ của họ bồi hồi hoài niệm về tuổi thơ, về những lưu luyến của những con người xa xứ...  Hãy lắng nghe trong đó những âm ngữ, cú từ đặc sắc xứ Nghệ, dẫu mô tả quá khứ vất vả nhưng hào hùng, hoặc hiện tại trăn trở nhưng tràn trề hy vọng. Việc sử dụng từ, làn điệu gốc Nghệ mặc nhiên tồn tại trong thơ của những người xa xứ một cách mạch lạc, chân chất, nhưng rất thơ. Ví  như :“Xa quê tôi nhớ mần răng/ nhớ bãi sông Cả cải trổ vồng”; “Khi mô em trở về ngoài nớ/ nhớ mang vô vài nắm lá lằng”; “Người Nghệ chân chất, tình quê thắm/Tận xứ Hoàng Mai vô đèo Ngang” v.v…Rất “rặt Nghệ” nhưng rất thơ.
Không gì khác, từ hiện thực cuộc sống đến thơ ca, ta thấy  người Nghệ ở đâu, làm gì cũng luôn hướng về quê hương, luôn giữ dìn bản sắc và truyền thống của quê hương. Ơi quê hương yêu dấu, ở trong phương nam, trong TP Hồ Chí Minh này đang có một cộng đồng người Nghệ rất đoàn kết, yêu thương và vì nhau, và hơn hết, cao cả hơn nhiều lần là luôn nhớ về quê hương, yêu thương quê hương và phấn đấu để làm rạng danh quê Nghệ...
     

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525839

Hôm nay

2106

Hôm qua

2283

Tuần này

2389

Tháng này

212535

Tháng qua

0

Tất cả

114525839