Những góc nhìn Văn hoá

Màu sắc kỳ ảo trong văn học thời Lý

1. Văn học thời Lý là sự mở đầu cho nhiều truyền thống tốt đẹp với những bản sắc và đặc trưng riêng biệt của văn học dân tộc. Điểm nổi bật nhất của văn học giai đoạn này là ý thức tự hào về sơn hà xã tắc, là ý chí quật cường, khẳng định chủ quyền dân tộc đã giành được, là tinh thần quyết tâm xây dựng đất nước trở thành một quốc gia hùng mạnh.

Tất cả được lồng trong âm hưởng đậm sắc thái của “tam giáo đồng nguyên” với những triết lý cao siêu về vũ trụ và con người, trong đó những tư tưởng Phật giáo vẫn có phần nổi trội và chiếm một vị trí quan trọng. Một trong những đặc sắc của văn học giai đoạn này còn ít được các nhà nghiên cứu nói đến, chính là chất kỳ ảo, siêu nhiên, tuy còn giản dị, thô phác như một sự khởi đầu nhưng không  kém phần sâu sắc, có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của văn học dân tộc trong các giai đoạn tiếp theo.

Màu sắc kỳ ảo là một trong những đặc điểm độc đáo của văn hóa, văn học Đông Á nói chung và văn học Việt Nam trung đại nói riêng. Cái kỳ vốn là một phạm trù mỹ học của văn hóa Đông Á cổ trung đại, là đặc thù tư duy của một giai đoạn lịch sử. Những tác phẩm văn xuôi nổi tiếng nhất của vùng văn học này đều chứa đựng trong nó những yếu tố “kỳ lạ”. Cái kỳ ảo đầy rẫy trong các huyền thoại tôn giáo, trong thơ ca, trong văn xuôi lịch sử và văn xuôi tự sự, là một đặc điểm của tư duy dân gian được phản ánh rõ nét trong thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, đặc biệt trong các truyền thuyết, huyền thoại dân gian đã được các nhà văn sử dụng làm chất liệu sáng tác... Ở đó cái kỳ không đơn giản chỉ là một yếu tố nghệ thuật mà còn là thế giới quan của cả một giai đoạn lịch sử dài lâu – Đó là một cách nhìn nhận và cảm thụ thế giới. Do có cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và do chưa giải thích được nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội, đối với con người thời cổ trung đại, bên cạnh cuộc sống hiện thực họ còn có một đời sống tâm linh phong phú với các vị thần, với những điều kỳ lạ siêu nhiên và một quan niệm sâu xa về thế giới bên kia... Quan niệm này xuất phát từ cái nhìn phi nhị nguyên luận trước vũ trụ của con người Đông Á thời trung đại. Ở đó không có sự phân chia rạch ròi giữa trần gian và thế giới siêu nhiên, thậm chí giữa chúng còn có sự tác động lẫn nhau một cách nhân quả. Vì vậy, việc phản ánh mặt kỳ ảo, siêu nhiên đó chẳng phải là cái gì xa lạ, phi thực tế như một thời chúng ta quan niệm. Đó chính là một phần quan trọng của hiện thực, nó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn cuộc sống và chiều sâu tâm hồn của con người thời trung đại.

2. Màu sắc kỳ ảo là một trong những đặc điểm khá rõ nét của văn học thời Lý, thời kỳ mà mối quan hệ giữa văn học viết và văn học dân gian, giữa văn học thế tục và văn học tôn giáo còn rất mật thiết. Chất kỳ ảo trong văn học giai đoạn này còn mang đậm màu sắc siêu nhiên, thô phác và gắn liền mật thiết với tôn giáo, với văn hóa, văn học và tín ngưỡng dân gian.

Ở giai đoạn đầu của văn học dân tộc đã xuất hiện một hiện tượng thơ khá lạ. Đó là những bài thơ “thần”, thơ “sấm” mang những lời lẽ khó hiểu, được gắn liền với những truyền thuyết, những huyền thoại cũng khá bí hiểm. Việc xuất hiện những bài sấm truyền, dùng lời nói kín (ẩn ngữ) để dự đoán hung cát có lẽ đã xuất hiện từ trước đời Lý, nhưng phải đến thời điểm trước và sau khi triều đại này khởi nghiệp thì hiện tượng thơ sấm mới thực sự nở rộ. Nổi bật hơn cả trong thơ sấm đời Lý là những chùm thơ bí hiểm xuất hiện rầm rộ trong giai đoạn chuẩn bị cho việc Lý Công Uẩn lên ngôi thay Lê Ngọa Triều nhà Tiền Lê. Điều độc đáo là chỉ có thể lý giải một cách thấu đáo ý nghĩa tiên tri mang tính chất thần linh của những bài thơ này khi đặt nó trong bối cảnh của những huyền thoại có liên quan, giữa chúng có sự lý giải, bổ sung mật thiết cho nhau. Đây cũng là một minh chứng tiêu biểu thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa văn học bác học và văn học dân gian ở thời kỳ đầu hình thành văn học dân tộc.

Vào những năm cuối thế kỷ X, sự tàn bạo đến ngu muội của Lê Ngọa Triều đã làm dân chúng phẫn uất và đình thần chán nản. Họ hướng về một người có tài năng đức độ lúc đó là Lý Công Uẩn. Hàng loạt tác phẩm nhân danh lực lượng siêu nhiên đã ra đời để vận động cho công cuộc thay đổi đó. Một bài thơ theo lối chiết tự đã xuất hiện trên một cây gạo bị sét đánh ở châu Cổ Pháp (quê hương Lý Công Uẩn) trong một cơn giông bão chỉ rõ việc nhà Lý lên thay nhà Lê:

Thụ căn diểu diểu,
Mộc biểu thanh thanh.
Hòa đao mộc lạc,
Thập bát tử thành.
Chấn cung hiện nhật,
Đoài cung ẩn tinh.
Lục thất niên gian,
Thiên hạ thái bình.
Nghĩa là:
Gốc cây thăm thẳm,
Ngọn cây xanh xanh.
Cây hòa đao rụng,
Mười tám hạt thành.
Đông, mặt trời mọc,
Tây, sao náu hình.
Khoảng sáu bảy năm,
Thiên hạ thái bình.[1] 
 Thiền sư Vạn Hạnh, “người thấu suốt cả ba cõi: trời, đất, người” đã giải thích tính bí hiểm, tiên tri của bài sấm trên mà Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại. Có thể hiểu như sau: Vua chết non, bầy tôi thịnh vượng; nhà Lê mất, nhà Lý sẽ lên thay; bậc thiên tử xuất hiện ở phương Đông, kẻ thứ dân mất hút ở phương Tây; trong khoảng bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình.
Dùng phương pháp chiết tự thì câu thứ ba viết thành chữ Lê (    ), câu thứ tư viết thành chữ Lý (    ), ý nói nhà Lê mất, nhà Lý lên thay. Giai đoạn này còn xuất hiện nhiều bài thơ “thần” phục vụ cho mục đích trên như bài Đại sơn (Núi lớn) tính chất thần bí khá rõ nét, bài Đại đức (Đức lớn) xuất hiện khi sư Đa Bảo chùa Kiến Sơ nghe thần đọc thơ để khen đức lớn của Lý Công Uẩn trong thời điểm vị hoàng đế tương lai đến thăm chùa; hoặc khi trong đêm tĩnh mịch sư Vạn Hạnh nghe thấy tiếng ngâm thơ vọng tới từ mộ Hiển Khánh vương (cha của Lý Công Uẩn) và ông đã sai người ghi lại được bốn bài… Trong bài Đại sơn, mục đích chính trị của tác giả bài thơ đã khá lộ liễu và tính chất thần bí, kỳ ảo cũng đậm nét hơn:
                                             Đại sơn long đầu khởi
                                            Cù vĩ ẩn chu minh
                                           Thập bát tử định thành
                                           Miên thụ hiện long hình
                                           Thố kê thử nguyệt nội
                                           Định kiến nhật xuất thanh.
Nghĩa là:
                                      Núi lớn nổi đầu rồng
                                      Đuôi rồng giấu đại công.
                                      Nhà Lý lập nên nghiệp
                                     Cây gạo hiện hình long.
                                     Trong tháng thỏ, gà, chuột
                                     Mặt trời mọc sáng trong.[2]
Suốt trong một thời gian dài, những điều linh dị như vậy cứ liên tiếp xuất hiện. Một mặt, những bài thơ chứa đựng những điều kỳ ảo đó kêu gọi, thúc đẩy những người vẫn an phận thủ thường phải suy nghĩ, mặt khác, chúng gieo hy vọng, cổ vũ những ai muốn hành động. Có thể đoán chắc rằng, những bài thơ “thần” kiểu này đã tạo được trong dân chúng đương thời không khí náo nức đón chờ vị Thánh quân xuất hiện. Ngày nay chẳng còn ai nghi ngờ nguồn gốc trần thế của những tác phẩm ấy. Và dẫu rằng chưa thể chỉ rõ tác giả của chúng là ai nhưng cũng có thể dự đoán một cách khá chắc chắn rằng họ thuộc nhóm Vạn Hạnh, Đào Cam Mộc – những người có nhãn quan chính trị cởi mở, thức thời: những người biết đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên hết, dám vì cuộc sống yên lành của trăm họ mà bỏ qua lẽ “trung quân” – vấn đề quan trọng bậc nhất của các thể chế phong kiến. Tuy nhiên, đây là giai đoạn Nho giáo còn chưa thực sự mạnh như các giai đoạn sau. Các thiền sư như Vạn Hạnh còn giữ vai trò chủ chốt trong các cuộc chính biến và thực tế lịch sử đã cho thấy ở họ có một nhãn quan chính trị khá cởi mở và tích cực. Điều đó đã diễn ra một cách tương đối hòa bình trong giai đoạn mà Phật giáo đóng vai trò như quốc giáo. Trong số các nhà sư nhiều người là những bậc trí thức lớn của dân tộc. Đó là những con người “khổng lồ” về trí tuệ và thể chất, kết tinh trong bản thân mình những tinh hoa của thời đại, của cả ba giáo và tín ngưỡng, văn hóa dân tộc. Họ vừa là những trí thức lớn, trụ cột của triều đình, đất nước, vừa là các anh hùng dựng nước và giữ nước.
Như vậy là sự ra đời của các bài thơ kỳ bí được gắn với những truyền thuyết kỳ ảo lại xuất phát từ những yêu cầu chính trị cấp bách. Hầu như những vấn đề lớn, những sự kiện chính trị quan trọng đương thời ngày nay đều có thể nhận thấy dấu vết qua những mẩu huyền thoại và những bài thơ “thần” kiểu này. Sử sách cũng ghi lại rằng, Lê Hoàn trước họa xâm lược của quân Tống đã nhờ Khuông Việt đại sư đi cầu nguyện tại núi Vệ Linh, cầu cho quân ta chiến thắng trước kẻ thù hung bạo. Trong khi tiến hành cuộc chiến trên vùng sông Như Nguyệt Lê Đại Hành cũng mơ thấy Trương Hống, Trương Hát đến xin giúp sức và đọc thơ làm kẻ thù tan rã (Điều này được ghi lại trong các thần tích dọc theo sông Cầu và trong Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp). Mô-típ được thần sông Như Nguyệt đọc thơ giúp sức đánh đuổi quân xâm lược cũng được sử dụng trong truyền thuyết về cuộc chiến chống quân xâm lược Tống của Lý Thường Kiệt sau này (Được ghi lại trong Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên và Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên) v.v…
Rất nhiều khả năng Nam quốc sơn hà đã ra đời từ một “phương thức sáng tác” như vậy. Để bài thơ trở nên linh thiêng, có sức mạnh thu phục nhân tâm, khích lệ tinh thần và thể chất của quân sĩ trước một kẻ thù hùng mạnh nhưng phi nghĩa và khiến giặc Tống phải kinh sợ mà tan vỡ thì người sáng tác – chắc chắn là một nhân vật quan trọng, tài năng đương thời buộc phải giấu kín tên tuổi mình và gán những lời thơ mang hào khí và sức mạnh chính nghĩa của dân tộc do mình sáng tác cho thần linh, vị thần bản địa nơi sẽ diễn ra cuộc chiến đấu một mất, một còn với kẻ thù xâm lược. Bài thơ trở thành “tiếng nói” của “thần”, của hồn thiêng sông núi, là ý chí của cả một dân tộc đang quyết hy sinh tất cả để bảo vệ độc lập và chủ quyền. Và thần Trương Hống, Trương Hát với sự linh thiêng nhân đôi - hai vị thần nổi danh với những chiến công chống giặc ngoại xâm và sẵn sàng chết để chứng tỏ lòng trung nghĩa – những việc làm và những đức tính vốn được cả thần linh và con người đề cao đã được chọn để thực hiện sứ mệnh mà thời đại giao phó. Vì vậy, khi nghiên cứu, tìm hiểu Nam quốc sơn hà phải luôn đặt bài thơ trong truyền thuyết, phải gắn với môtíp “âm phù dương trợ” của văn hóa truyền thống. Nam quốc sơn hà cũng đã đạt tới vẻ đẹp nghệ thuật và huyền thoại về sự ra đời của nó cũng tìm được một khung cảnh lý tưởng: Trời đêm tĩnh mịch, sông nước mênh mông, sự căng thẳng của chiến trường và huyền bí của ngôi đền… Tất cả những yếu tố đó tạo nên không khí thiêng liêng khi bài thơ được ngâm vang, tuyên bố chủ quyền độc lập và cảnh cáo kẻ thù xâm lược. Các chiến binh Đại Việt trong khung cảnh đó đã tiếp nhận bài thơ vừa với khí thế và vị thế chủ nhân của một đất nước có chủ quyền độc lập, vừa với niềm tin có màu sắc tôn giáo bên cạnh sự rung cảm nghệ thuật sâu sắc.
Nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam[3] đã cho rằng bài thơ nhiều khả năng là do thiền sư Pháp Thuận viết, nhưng ông cũng không đưa ra được chứng cứ nào thật sự thuyết phục. Tuy nhiên, có một điều dễ dàng nhận thấy là các bài thơ “thần” gắn liền với các truyền thuyết, huyền thoại giàu màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng này lại đều liên quan đến các vị thiền sư nổi tiếng đương thời như Pháp Thuận, Vạn Hạnh – họ là những nhân vật chính của thời đại và phần nào có thể ngờ rằng chính họ là tác giả của không ít bài thơ “thần”, thơ “sấm”, hoặc ít ra thì họ cũng là những người đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá những bài thơ kỳ ảo này (Lý Nhân Tông trong bài Truy tán Vạn Hạnh thiền sư đã ca ngợi: Vạn Hạnh dung tam tế, Chân phù cổ sấm thi. Nghĩa là: Vạn Hạnh thông ba cõi, Lời ông nghiệm sấm thi[4]). Chỉ có điều phương thức mà họ tiến hành mọi việc thì phần nhiều lại mang màu sắc của Đạo giáo. Điều đó có thể hiểu được khi không khí của thời đại là “tam giáo đồng nguyên” và các nhà sư nhập thế thời này nhiều người tu luyện theo phái Mật tông, một tông phái Phật giáo rất thịnh hành vào thời Lý. 
Về tính chất “tam giáo đồng nguyên” trong văn học giai đoạn này đã có nhiều nhà nghiên cứu bàn luận tới. Thiền uyển tập anh có dẫn ra câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một buổi triều kiến, khi có hai con tắc kè kêu inh tai trên nóc cung điện, đã yêu cầu thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền bắt chúng im đi. Hai vị đã dùng thần chú và phép thuật khiến hai con tắc kè lần lượt rơi xuống, khiến nhà vua phải làm thơ khen ngợi:
Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo diệc huyền
Thần thông kiêm biến hóa,
Nhất Phật, nhất thần tiên[5].
Bài thơ cho thấy, vua Lý đã coi trọng cả Phật giáo và Đạo giáo và trong các buổi triều kiến thời kỳ này luôn có cả thiền sư và đạo sĩ tham dự. Nhưng điều chúng ta thấy lạ là ngay cả nhà sư cũng có phép thuật không kém gì đạo sĩ. GS Đinh Gia Khánh cho rằng đó là những nhà sư đã “tu luyện theo giới luật của Mật tông”[6]. Cũng theo Thiền uyển tập anh thì thiền sư Không Lộ có thể “bay lên không, đi dưới nước, phục hổ, giáng long, vạn quái thiên kỳ, người ta không ai lường biết được”, thiền sư Vạn Hạnh nói ra lời nào đều như phù sấm ứng nghiệm, thiền sư Từ Đạo Hạnh có thể đốt ngón tay cầu mưa, phun thuốc chữa bệnh, có nhiều phép thuật cao cường...
Việc các nhà sư theo phái Mật tông như Pháp Thuận (925 – 990, thế hệ thứ 10 Mật giáo do Tỳ ni đa lưu chi truyền phái), Vạn Hạnh (? – 1025, thế hệ thứ 12 của truyền phái này)… am hiểu tam giáo và sử dụng một cách rộng rãi nhiều phương thuật của Đạo giáo trong hành xử là những điều cũng đã được một số bài viết đề cập. PGS Nguyễn Duy Hinh trong Người Việt với Đạo giáo đã viết: “Sấm ngữ là hoạt động Đạo giáo mượn phương thuật Tiên Tần để phục vụ Đạo giáo mà mục đích vốn có ban đầu của Đạo giáo Tam Trương là thay đổi triều đại. Cho nên sự hiện diện của sấm ngữ trong thời Lý chứng tỏ Đạo giáo Tam Trương đã du nhập vào nước Đại Việt qua tay các nhà sư tinh thông Tam giáo, chủ yếu thuộc sư môn Định Không – Vạn Hạnh”[7]. Các hiện tượng thơ mà chúng ta chỉ ra ở trên rõ ràng đã phần nào thể hiện điều đó. Một số bài sấm thi của Định Không, La Quý An, Vạn Hạnh,… được chép trong Thiền uyển tập anh ngữ lục đã được truyền bá theo kiểu này. Phật giáo và Đạo giáo, nhất là Mật giáo đã gặp được mảnh đất màu mỡ là tín ngưỡng dân gian bản địa, chấp nhận các vị thần linh được thờ phụng trong dân chúng và giữa các tôn giáo, tín ngưỡng này đã tạo nên một sự kết hợp và thâm nhập lẫn nhau một cách hữu cơ sâu sắc. Phật giáo Đại Việt ở giai đoạn thời Lý rõ ràng đã chứa đựng trong mình những yếu tố của các hệ tư tưởng, cũng như các nghi lễ tổng hợp từ các tôn giáo và tín ngưỡng khác, trong đó có con đường sử dụng Mật giáo và các phương thuật của Đạo giáo nhằm gây ảnh hưởng và thu hút sự chú ý của xã hội và chính quyền đương thời. Điều kỳ lạ là ngay trong nội dung  những bài thơ như Nam quốc sơn hà (Khuyết danh), hoặc Quốc tộ (Đỗ Pháp Thuận) - những tác phẩm quan trọng liên quan mật thiết đến vận nước - thì đều không thấy các tác giả - các bậc Thiền sư thể hiện một cách trực diện tư tưởng tôn giáo của mình. Ngược lại, trong Nam quốc sơn hà, như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, lại thể hiện không phải quan niệm Đạo Phật mà là quan niệm của Nho giáo về “sơn hà xã tắc” và tư tưởng “thiên thư”[8] mang màu sắc Đạo giáo. Phải chăng đây là một sự “hy sinh” lớn lao của Phật giáo cho sự thắng lợi của cái chung, các bậc đại sư trước những vấn đề trọng đại của đất nước đã biết lựa chọn những cách làm có lợi nhất cho vận mệnh dân tộc, nhãn quan chính trị của họ hết sức rộng mở, hay đơn giản chỉ vì sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề này còn quá hạn hẹp ?
Tuy nhiên, trong bài thơ – kệ Quốc tộ của Pháp Thuận, sáng tác để trả lời câu hỏi của Lê Hoàn về vận nước, chúng ta cũng cần lưu ý đến ý kiến xác đáng của các nhà nghiên cứu Phật giáo về hai từ “vô vi”[9]. Theo họ, “vô vi” cũng là một khái niệm đã có từ trước của Phật giáo (tiếng Phạn: Asamskrta), là tên gọi khác của chân lý, có nghĩa là không tạo tác, tức không phải do nhân duyên tạo thành nên gọi là vô vi, cũng gọi là pháp vô vi (Phạn: Asamskrta dharma). Phật giáo truyền vào Trung Quốc, các nhà dịch thuật đã mượn từ “vô vi” của Đạo giáo để phiên từ Asamskrta của tiếng Phạn. Từ “vô vi” trong một số bài thi – kệ của các Thiền sư đời Lý – Trần nên được hiểu theo nghĩa của Phật giáo là: Chân lý, Giải thoát, Giác ngộ, Bất sinh bất diệt… Do đó, câu thơ “Vô vi cư điện các” trong bài thơ của Pháp Thuận thay vì phiên là: “Ở nơi điện các không phải làm gì”[10], hoặc “Vô vi nơi điện các”[11] nên dịch thành “Giác ngộ trên điện các” sẽ hợp lý hơn, đúng với tinh thần Phật giáo hơn. Bởi sẽ là vô lý chăng khi một vị đại sư, người đang nắm giữ vận mệnh của giáo phái mình, đang cần tạo ảnh hưởng với người đứng đầu một quốc gia, lại đi khuyên đệ tử của mình (nhà vua) hãy sống và hành động theo cách thức của một tôn giáo khác (?).  
Với những dẫn giải trên đã có thể nói tới tính kỳ ảo, huyền thoại trong thơ ca thời Lý. Mỗi bài thơ ra đời, tính kỳ ảo, huyền thoại trong nội dung cũng như cách truyền bá chúng sẽ góp phần làm nên nội dung thần bí của tác phẩm, hoặc sẽ tạo nên những truyền thuyết xung quanh tác phẩm. Khi nghiên cứu, tìm hiểu các bài thơ Thiền giai đoạn này, chúng ta cũng cần phải gắn chúng với các tiểu truyện của các thiền sư. Đó là những tiểu truyện chứa đựng trong chúng những huyền thoại, truyền thuyết về tác giả của các bài thơ-kệ đó, qua đó cho ta biết bối cảnh ra đời của từng tác phẩm. Việc tách riêng phần thơ ra để tìm hiểu đã khiến cho nhiều người quên đi mối quan hệ mật thiết với cội rễ dân gian của các tác phẩm này và chỉ thấy được những triết lý khô khan trong các bài thơ.
3. Trong thể loại văn bia thời Lý, chất kỳ ảo, huyền thoại cũng rất nổi bật. Trong đó phải kể đến hai tác phẩm nổi tiếng nhất giai đoạn này: Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư chủ nước Đại Việt[12] (gọi tắt là Văn bia Sùng Thiện Diên Linh) và Bài minh bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn[13] (gọi tắt là Văn bia Linh Xứng). Đây là hai tác phẩm gắn liền với sự hưng thịnh của Đạo Phật, cũng là hai bài văn bia đạt đến một trình độ nghệ thuật đặc sắc khiến cho nhiều thế kỷ sau cũng hiếm có tác phẩm nào cùng thể loại có thể vượt qua được.
Văn bia Sùng Thiện Diên Linh là một trong vài tác phẩm đặc sắc tiêu biểu nhất của văn bia đời Lý, do vua thứ tư nhà Lý là Lý Nhân Tông (1066-1128, làm vua từ 1072) sai bề tôi là Nguyễn Công Bật, giữ chức Triều liệt, Hình bộ Thượng thư, Binh bộ Viên ngoại lang Đồng tri phiên công viện chính sự vâng sắc chỉ soạn. Bài văn bia ra đời trong bối cảnh một xã hội thịnh trị, Phật giáo đóng vai trò quốc giáo, chính vì vậy mở đầu tác phẩm là việc trình bày những triết lý cao siêu của đạo Phật, ca tụng sự nhiệm màu của đạo. Từ những triết lý về vũ trụ, về con người và những vấn đề lịch sử Phật giáo mang tính khái quát như vậy, bài văn bia đi đến những vấn đề cụ thể của đất nước, của triều đại Lý Nhân Tông, ca tụng nhà vua với tất cả những mỹ hiệu cao siêu nhất. Lai lịch Lý Nhân Tông từ lúc bà mẹ mang thai cho đến khi “nhẹ gót lên tiên” đã được huyền thoại hóa, được thể hiện bằng một lối viết đậm chất kỳ ảo. Thông thường, mỗi ông vua từ khi sắp sửa lên ngôi đã bắt đầu phải chuẩn bị cho mình những câu chuyện nói lên tướng mạo, tài đức “lạ thường” và địa vị thiên tử hợp với mệnh trường của mình trong tương lai, rồi sau khi nắm được ngôi báu trong tay vẫn rất cần những huyền thoại tỏ rõ sự trường tồn, uy quyền chế ngự muôn vật của mình. Sự ra đời của Lý Nhân Tông đã được linh thiêng hóa. Tất cả những từ ngữ tượng trưng mỹ hóa về sự khác thường của một kẻ “con trời”, một bậc thánh bên cạnh Phật tổ đều được đưa ra để khắc họa hình tượng của nhà vua: “Người rồng mắt phượng, trong ngọc trắng băng. Mắt trong mà xanh trắng rõ ràng, khác mắt hai ngươi đế Thuấn; tai đẹp mà vành dài rộng, chê tai ba lỗ Hạ Vương... Nét mặt ngọc ôn hòa, vầng trán cao sáng sủa, thực là sự anh minh của nghìn đời, vượt hẳn vẻ kỳ tú của trăm chúa”. Tài nghệ và hành động của nhà vua đều giống như thần linh: “Ơn khắp cỏ cây muông thú; trí nhanh gió táp mưa sa. Sách kinh nội điển, tinh thông đến chỗ yếu huyền, pháp thuật ngoại quyển thâu tóm được toàn ý chỉ. Đúc lời đẹp như đá vàng, sáng lòa tinh đẩu, đặt tên hay cho điện tháp, chiếu dọi xưa nay. Sành phép viết để thông thần, vận bút vua đến tuyệt diệu… Tứ thơ tóm muôn hoa của thợ trời, nhạc phổ hòa thanh âm của đạo Phật. Phép viết chữ thì cùng cứu đến huyền cơ, tài bắn cung tinh thông đến diệu thuật” v.v…
Trong bài văn bia sự thật và hư cấu, sự thật và huyền thoại không phân biệt mà hòa quyện vào nhau, và sự bất phân đó được chấp nhận như một điều dĩ nhiên trong tư duy của người đương thời. Nghệ thuật thế tục và nghệ thuật tôn giáo chưa tách bạch rõ rệt. Sự hòa quyện giữa kỳ ảo và hiện thực, giữa tôn giáo và thế tục, giữa tư tưởng của ba giáo vốn là đặc trưng của văn học đời Lý cũng đã được thể hiện rõ nét trong bài văn bia. Trong Văn bia Sùng Thiện Diên Linh cái thần kỳ không chỉ là “màn sương” bao phủ xung quanh mà đã thật sự trở thành một bút pháp nghệ thuật – một lối tư duy, một cách viết, một kiểu cảm nhận thực tại. Mục đích ngợi ca khiến nhân vật trở nên linh thiêng, khác thường và có sức thuyết phục mọi người đã đòi hỏi tác giả bài văn bia phải vận dụng tới mức cao nhất các thủ pháp nghệ thuật như tượng trưng, ước lệ… mà giai đoạn lịch sử này có thể đạt tới được. Điều đó đã tạo điều kiện cho sự sáng tạo nghệ thuật và đem tới giá trị văn học cho một tác phẩm thuộc thể loại văn học chức năng. 
Điều đặc biệt là cả sự tích Như Lai người Tây Trúc (Ấn Độ) vốn là quá khứ với tác giả Nguyễn Công Bật lẫn hành trạng của Lý Nhân Tông vị vua đương thời đều được huyền thoại hóa. Như vậy là không có sự phân biệt rõ ràng hư cấu với sự thực, phân biệt khoảng cách về không gian và thời gian giữa các nhân vật. Những điều được huyền thoại hóa lại được tiếp nhận như là những sự việc có thật đã xảy ra, qua đó thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa tác phẩm với những huyền thoại Phật giáo và cả những truyền thuyết dân gian. Hình tượng một ông vua Phật, một Đức Phật sống mang màu sắc Đại Việt đã từng bước được tạo dựng.
Màu sắc sử thi cũng khá rõ nét trong Văn bia Sùng Thiện Diên Linh với giọng văn tự tin, hào sảng, hùng biện, đặc biệt khi viết về lịch sử Phật giáo, về sự tích của Phật tổ và khi ca ngợi vị Phật sống Lý Nhân Tông. Cuộc đời và con người Lý Nhân Tông được khắc họa bằng bút pháp huyền thoại mang màu sắc sử thi: “Sao sáng đêm hiện, sông Ngân ứng vẻ trăng non; mây lành sớm bay, bệ đỏ giãi màu lụa trắng. Khí mừng vút thẳng trời xanh, hương lạ ngạt ngào cung cấm. Mười tháng hoài thai trọn cữ, tháng Giêng xuân tiết sinh người”. Người anh hùng xuất hiện giữa ánh hào quang của đất trời, vạn vật: “Cưỡi xe ngọc ra ngoài chín bệ, lên long xa rong ruổi đường vàng. Quạt lông trĩ che ở hai bên, kiệu nạm bạc vây quanh bốn phía. Lọng báu rợp trời, cờ màu lóe nắng. Sao băng dặm liễu, mây chuyển đường hoa. Hướng Trường Lô sông biếc, ngự điện báu Linh Quang. Nghìn thuyền như chớp giật giữa dòng, muôn trống tựa sấm vang mặt nước…”. Không gian và thời gian kỳ ảo đã hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh huyền ảo.
Tác phẩm thứ hai: Văn bia Linh Xứng cũng là một trong vài bài văn bia tiêu biểu thời Lý còn lại đến nay, do Giác Tính Hải Chiếu đại sư, tứ tử Thích Pháp Bảo, là người truyền pháp ở chùa Phúc Diên Tư Thánh, quận Cửu Chân, trấn Thanh Hóa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa) soạn lời. Bia được khánh thành và dựng vào ngày 3 tháng Ba năm Bính Ngọ, năm thứ bảy niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ (tức ngày 28-3-1126), nhưng thực ra bài văn bia đã được viết khoảng trước năm 1101. Bằng nghệ thuật cách điệu và tán thán nhưng giàu chất tự sự, trên tinh thần phóng khoáng, vô chấp, giàu trí tuệ, với lối kể chuyện hấp dẫn, xen kẽ nhiều hình ảnh sinh động gắn liền với sự thật lịch sử, tất nhiên cũng tràn đầy màu sắc kỳ ảo, huyền thoại, bài văn bia đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt với tài năng, đức độ và công tích lừng lẫy với dân, với nước, với đạo.
Kiểu văn phong đậm chất sử thi anh hùng, một mực tụng ca những điều cao cả trong cuộc đời nhân vật cũng là giọng điệu đặc trưng của các bài văn bia đời Lý nói chung. Nghệ thuật kết cấu tác phẩm, đi từ khái quát đến cụ thể mang màu sắc sử thi ca ngợi các anh hùng dân tộc, nghệ thuật viết văn chính luận giàu chất hùng biện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả thiên nhiên với sự nổi trội của bút pháp huyền thoại kỳ ảo, ảnh hưởng của lối xây dựng hình tượng nhân vật trong các huyền thoại Phật giáo, đặc biệt là huyền thoại về Đức Phật tổ Như Lai, lối văn phong vừa hoa mỹ, khoa trương, vừa lãng mạn, thi vị là những giá trị nổi bật của hai bài văn bia tiêu biểu, mở đầu cho những truyền thống tốt đẹp của văn học dân tộc, đặc biệt là với văn xuôi chính luận và văn xuôi tự sự.
4. Văn học thời Lý còn báo hiệu sự xuất hiện của một thể loại độc đáo khác của văn học dân tộc. Đó chính là thể loại truyện văn xuôi kỳ ảo, mà đỉnh cao là truyện truyền kỳ sau này. Trên cơ sở những tư liệu mà chúng ta có được, có thể nói, truyện kỳ ảo Việt Nam bắt đầu manh nha từ thế kỷ XIII với Ứng Minh trì dị sự (Chuyện lạ ở ao Ứng Minh) của Vũ Cao, được ghi lại trong Việt sử lược[14]. Theo Việt sử lược, Vũ Cao kể câu chuyện này nhằm ngầm can ngăn vua Lý Cao Tông (niên đại 1176-1210) bày những trò chơi hoang phí hại đến công quỹ và hao tổn sức dân, xa dời chuyện triều chính. Chỉ với những tình tiết tuy đơn giản nhưng lại có sức biến hóa kỳ ảo và gây bất ngờ cho người đọc và một cốt truyện tuy còn sơ lược nhưng lại được bố cục một cách chặt chẽ, chuyện kể của của Vũ Cao đã mang dáng dấp của một sáng tác văn học - một truyện kỳ ảo được xây dựng trên cơ sở của hư cấu nghệ thuật, với môtíp “người trần xuống thủy phủ” khá phổ biến trong văn học dân gian và trong truyện kỳ ảo Đông Á. Tác giả của nó đã xuất hiện như một “hiện tượng lạ”. Đó là một thường dân hiếm hoi bên cạnh những tác giả là quý tộc, quan lại, sư sãi lúc bấy giờ (Vũ Cao là một người hát phường trò trong cung đình, thứ bậc cùng đinh thuộc loại bị khinh rẻ nhất trong xã hội quý tộc chủ nô thời Lý-Trần). Nhưng vinh quang lại đến với ông khi có thể coi Chuyện lạ ở ao Ứng Minh của ông là tác phẩm đầu tiên mở đầu cho thể loại truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam. Điều đáng chú ý nữa là màu sắc dân gian thuần phác được thể hiện rõ nét trong tác phẩm truyện đầu tiên này. Câu chuyện như sau:
“Vừa rồi Cao đi qua bờ ao, bỗng gặp một người lạ, cầm tay dắt đi. Đến gốc cây muỗm, bỗng nhiên người đó dẫn Cao xuống nước. Cao sợ chết đuối không dám bước. Nhưng chỉ phút chốc, nước ao tự nhiên rẽ ra. Cao đi xuống đến một nơi, thấy cung điện nguy nga, thị vệ nghiêm chỉnh. Cao hỏi đây là dinh thự của ai. Người kia đáp:
- Chính là chỗ ta ở để cai quản ao này.
 Thế rồi dọn mâm chén cùng Cao uống rượu. Rượu tàn, Cao tạ ơn xin về. Người đó đưa tặng cau, tiễn lên đến gốc muỗm thì không thấy đâu nữa, mà những quả cau cầm trong tay đã hóa thành đá. Cao mới biết trong ao có thần”[15].
Ngoài Chuyện lạ ở ao Ứng Minh, chúng ta cũng cần nhắc đến các tiểu truyện về các thiền sư được ghi chép trong Thiền uyển tập anh ngữ lục. Tác phẩm được xác định là ra đời vào đời Trần (vì vậy chúng ta không đi sâu phân tích các tiểu truyện được viết bằng bút pháp kỳ ảo đó ở đây, mặc dù một số truyện trong đó chắc chắn đã được hình thành từ đời Lý). Điều đó cho thấy truyện của Vũ Cao không phải là một ngoại lệ.
                                                   *
                                                 * *
Với những tư liệu ít ỏi còn lại đến ngày nay, rõ ràng đã hình thành một bộ phận quan trọng của văn học kỳ ảo thời Lý, trong đó văn chương Phật giáo chiếm một vị trí quan trọng, góp phần thúc đẩy nền văn học Đại Việt phát triển. Xuất phát từ những ý đồ tích cực, những tác phẩm văn học kỳ ảo thời Lý đã đấu tranh cho lợi ích của Tổ quốc, đứng về phía những lực lượng tiến bộ của thời đại, kêu gọi con người hành động, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng nền văn hiến dân tộc và xác định tính chất độc đáo riêng biệt cho một giai đoạn có giá trị mở đầu cho các truyền thống tốt đẹp của văn học Việt Nam trung đại, trong đó có việc thúc đẩy sự phát triển của văn chương kỳ ảo ở các giai đoạn sau.
 
                                                               
[1] Theo Thơ văn Lý-Trần, tập I, NXB Khoa học xã hội, H, 1977, tr. 223.
[2] Thơ văn Lý-Trần, sđd, tr. 218.
 
[3] Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập II, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 473 -483.
[4] Thơ văn Lý-Trần, sđd, tr. 433.
[5] Thiền uyển tập anh, NXB Văn học, H, 1993, tr.140.
[6] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân…: Văn học Việt Nam (thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII), NXB Giáo dục, H, 1997, tr.52.
[7] Nguyễn Duy Hinh: Người Việt Nam với Đạo giáo, NXB KHXH, H, 2003, tr. 412-413.
[8] Xin xem: Nguyễn Đăng Na: Về bài “Nam quốc sơn hà”, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 2. 2002.
[9] Xin xem: Tỳ kheo Thích Phước Sơn, Cư sĩ Đào Nguyên: Một số góp ý về bộ sách “Thơ văn Lý – Trần” (Tập I và tập II) trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ” do Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Viện Nghiên cứu Phật học tổ chức tại Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2010, tr. 666-667.
[10] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân…: Văn học Việt Nam (thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII), sđd, tr.61.
[11] Thơ văn Lý-Trần, sđd, tr. 204.
 
 
[12] Thơ văn Lý-Trần, sđd, tr. 388.
[13] Thơ văn Lý-Trần, sđd, tr. 354.
 
[14] Xem Việt sử lươc, bản dịch. NXB Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H, 2005, tr. 171.
 
[15] Theo bản dịch Thơ văn Lý-Trần, sđd, tr. 534.
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529368

Hôm nay

2111

Hôm qua

2304

Tuần này

21641

Tháng này

216064

Tháng qua

0

Tất cả

114529368