Cuộc sống quanh ta

Việt - Nhật: Cảm hứng, lịch sử và thực tại

Đất nước “Mặt trời mọc” đã tự cách tân bản thân ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử để tối đa hóa nguồn lực quốc gia và quyền tự trị của mình phù hợp với bối cảnh quốc tế trong từng giai đoạn. Chính những hiệu ứng cách tân (đổi mới) ấy có thể là nguồn cảm hứng và kinh nghiệm cho Việt Nam nếu đất nước này thực sự muốn tối ưu hóa các nguồn lực của mình bằng công cuộc hội nhập toàn diện vào các định chế khu vực và thế giới.

Không phải ngẫu nhiên, tuần lễ đặc biệt vừa qua trong bang giao Việt—Nhật được bắt đầu bằng buổi họp báo của Bộ Ngoại giao, tại đó, người phát ngôn của ta đã kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế cấm đánh cá trên Biển Ðông của Trung Quốc. Thông báo chính thức được Trung Quốc ban bố về điều chỉnh và áp dụng cái gọi là “quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển” mà phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, lại rơi đúng vào ngày 28/2. Sau đó một hôm, ngày 1/3, Trung Quốc lại điều ba tàu hải cảnh tới tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Trả lời phỏng vấn trên truyền thông Nhật Bản trước khi Nhật hoàng đến Hà Nội, tân Đại sứ xứ “Mặt trời mọc” Umeda Kunio tại Việt Nam đã nhận xét: Việt Nam đang quan sát chặt chẽ xem liệu Tổng thống mới của Mỹ sẽ có những chính sách như thế nào, những khoảng trống quyền lực phát sinh ở Biển Đông rồi đây sẽ ra sao và bằng cách nào Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc[1] Chừng ấy nhân tố nổi lên vào cùng một thời điểm cho thấy chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên ở Việt Nam từ 28/2—5/3 của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko có ý nghĩa quan trọng nhường nào đối với việc tăng cường hơn nữa các mối liên hệ song phương Nhật—Việt.  

Kinh tế, chiến lược và văn hóa

“Thời báo Hoa Hạ” (chinatimes.cc)[2], một tờ báo có tiếng trong làng báo chí Trung Quốc, với số lượng phát hành đứng đầu trong các báo chuyên về tài chính - kinh tế, ngày 1/3 đã đăng bài về bang giao Nhật—Việt nhân chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Bài viết công bố kết quả của một cuộc điều tra từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Hoa Kỳ) cho thấy, có tới 82% người Việt Nam được hỏi có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản. Con số này cao hơn rất nhiều so với số người có thiện cảm với Trung Quốc “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, với tỉ lệ chỉ đạt 19%.  Vấn đề ở đây không chỉ vì, Nhật Bản là quốc gia láng giềng cung cấp viện trợ nhiều nhất, đối tác hợp tác kinh tế thương mại có giá trị nhất, nước đầu tư ở vị trí thứ hai, du lịch lớn thứ ba, đối tác thương mại đứng thứ tư ở Việt Nam. Theo số liệu chính thức của Việt Nam, trong 20 năm qua, Nhật đã cung cấp cho Việt Nam tới 90 tỉ USD vốn ODA, ký kết trên thực tế đạt 73,68 tỉ USD, bình quân mỗi năm được 3,5 tỉ USD. Đa số các công trình hạ tầng trọng điểm đều do Nhật Bản xây dựng, với chất lượng hàng đầu. Thương mại giữa hai nước trong 10 năm trở lại đây bình quân mỗi năm tăng trưởng 13,9%. Năm 2006 kim ngạch hai chiều đạt mức 9,93 tỷ USD, đến năm 2015 đã tăng gấp gần 3 lần, đạt 28,49 tỷ USD và đến năm 2016 đạt mức 30 tỷ USD.  

Động lực của quan hệ Nhật—Việt còn ở chỗ, Việt Nam và Nhật Bản hiện đang chủ động phối hợp để giữ được cân bằng chiến lược trong khu vực. Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật và tán đồng việc tăng cường quan hệ đồng minh Nhật—Mỹ. Việt Nam cũng đánh giá cao các cuộc gặp giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump mới đây. Nhật Bản và Việt Nam có lập trường chung về vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải cũng như phản đối việc dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng tại hai khu vực Biển Đông. Theo Đại sứ Nhật tại Việt Nam, hai nước không ngừng tăng cường hợp tác trên lĩnh vực an ninh, Nhật Bản giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng xã hội chất lượng cao, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam. Những vấn đề như hợp tác phát triển nguồn lực, phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Nhật cũng hết sức quan trọng. Tương lai, Nhật Bản sẽ thiết lập Tổng Lãnh sự tại Đà Nẵng, địa điểm quan trọng đối với khu vực Biển Đông và là địa phương có trên 100 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động. Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật, lịch sử (Huế là nơi có nhiều di tích của Việt Nam nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của Nhật trong vấn đề bảo tồn) và văn hóa (nhã nhạc Việt Nam được du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ VIII) là hai lý do chính để cả Việt Nam lẫn Nhật Bản đồng tình chọn Huế làm một điểm đến của Nhật hoàng.

Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Hà Nội và cố đô Huế vào thời điểm Việt Nam đang kỷ niệm 110 năm Phong trào Đông Kinh nghĩa thục, 10 năm gia nhập WTO và 30 năm công cuộc đổi mới. Những mốc son lịch sử này, dẫu cách đây đã hàng trăm năm tuổi hay có nguồn gốc từ những thập niên gần đây, đều từng gắn bó sâu xa tới các chuyển động bền vững trong bang giao Nhật—Việt. Đông Kinh nghĩa thục, đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, trên thực tế đã được hun đúc bởi tinh thần “ngòi bút mạnh hơn gươm giáo”[3] và lấy cảm hứng một phần từ triết lý giáo dục của tiên sinh Fukuzawa, từ triều đại Khánh Ứng (Keio), tức trước cả triều đại Minh Trị. Kỷ niệm mối duyên khởi giữa Đông Kinh Nghĩa thục Việt Nam với Khánh Ứng Nghĩa thục Nhật Bản, các thế hệ người Việt và người Nhật giờ đây hẳn thấy rất rõ bang giao Nhật—Việt ngày nay không chỉ được bắt đầu từ những mối đe dọa chung hiện hữu trên Biển Đông và Hoa Đông. Tình bằng hữu giữa hai quốc gia chúng ta vốn từng được ươm trồng, vun đắp từ xa xưa của lịch sử. Bước sang kỷ nguyên hiện đại hóa, quan hệ song phương Việt—Nhật liên tục được nâng cấp. Từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược, từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược sâu rộng… Mỗi thay đổi kịch tính trong cục diện khu vực đều gióng lên hồi chuông cảnh báo và đều dẫn đến những khúc quanh mới đầy năng động trong cả bang giao song phương lẫn đa phương.

Trên thực tế, cả hai nước đều đang cần đến “bộ gien” (genome) của nhau không chỉ vì sự phát triển của Việt Nam và sự thịnh vượng của Nhật Bản.“Bộ gien” của người Nhật là biết cách đối phó với sức ép của bên ngoài bằng chủ động cải cách và mở cửa từ rất sớm. Chính “cuộc thoát Á, nhập Âu” thuở nào đã làm cho nước Nhật trở nên “modern nhất” (theo nghĩa hiện đại hóa sớm nhất) trong lòng Á châu. Còn “bộ “gien” của người Việt? Điều này có thể còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nếu thiếu “bộ gien” ấy, Việt Nam đã bị mất nước bao phen và người Việt giờ này chắc chắn đang giao tiếp bằng một thứ ngôn ngữ khác! Có lẽ chưa có ai so sánh hai “bộ gien” ấy một cách thần tình như chính Toàn quyền Đông Dương  Paul Doumer: “Phải tới tận Nhật Bản mới có một tộc người có phẩm chất của người Việt Nam và giữa hai dân tộc này chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xa xưa…”[4]  Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra[5], ít có quốc gia nào trong lịch sử lại kiên định với lợi ích quốc gia hoặc ý thức sâu sắc về các mối quan hệ quyền lực chằng chịt xung quanh đất nước mình như Nhật Bản. Đối với xứ Phù Tang, các yếu tố giúp định hướng chiến lược ngày nay về cơ bản vẫn y hệt như xa xưa trong lịch sử. Nhật Bản luôn theo đuổi quyền tự trị và vị thế được tôn trọng trong hệ thống quốc tế dựa trên sự tính toán về sức mạnh địa-chính trị của khu vực và sự chung sống với cấu trúc quyền lực quốc tế hiện hành. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay đang khát khao một cuộc cách mạng thể chế để tái cấu trúc toàn bộ kinh tế và xã hội. Nhìn sang đất nước “Mặt trời mọc”, Nhật Bản đã tự cách tân bản thân ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử để tối đa hóa nguồn lực quốc gia trong từng giai đoạn. Chính những hiệu ứng cách tân (đổi mới) ấy có thể là nguồn cảm hứng và kinh nghiệm cho Việt Nam nếu chúng ta thực sự muốn phát huy tối đa các nguồn lực của mình bằng công cuộc hội nhập toàn diện vào các định chế khu vực và thế giới.

Ngược với thực tại

Một trong những bất ngờ trong tuần qua chính là cuộc tái ngộ với Phó Tổng Thư ký Đoàn Thanh niên Nhật Bản Kiyonori Hokamura. Là nhà hoạt động xã hội kiêm viết báo, anh có mặt ở Hà Nội và Huế những ngày Nhật hoàng thăm Việt Nam. Cùng ôn lại những kỷ niệm Thu—Đông Tokyo các năm 2015—2016… Hokamura sôi nổi nhắc lại buổi diễn thuyết của người viết bài này trước 11.231 thành viên của các tổ chức dân sự từ khắp mọi vùng miền nước Nhật về tề tựu tại Vũ đạo trường Nippon Budokan (Tokyo) vào cái buổi chiều đáng nhớ ấy[6]. Lần này, câu chuyện xoay quanh bí quyết nào đã giúp Nhật Bản thoát ra khỏi sự lệ thuộc văn hóa đối với Trung Quốc trước khi người Nhật tiếp xúc với Tây phương. Yếu tố nào khiến người Nhật đã tự giải phóng tư tưởng của mình, từ bên trong, chứ không phải dưới áp lực của bên ngoài? Tại sao sự đột phá tư tưởng ấy lại có thể diễn ra trong quá trình tranh luận giữa các tín đồ Khổng giáo với nhau, chứ không phải giữa họ với “ánh sáng mới” đến từ Tây phương? Nói cách khác, bằng cách nào quá trình “thoát Trung” trong tư tưởng của người Nhật lại xẩy ra trước khi Minh Trị hiện đại hóa nước Nhật để bắt kịp Tây phương? Người Nhật đã đi trước một bước, giải phóng tư tưởng sau đó mới giải phóng chính trị và kinh tế[7]. “Cái này hơi ngược với Việt Nam”—Hokamura cười buồn.

Như một kỷ niệm đã đến lúc có thể giải mật… Cách đây hai chục năm có lẻ, người viết bài này cũng được chứng kiến quá trình chuẩn bị cho một trong “tứ trụ” của Việt Nam lần đầu tiên thăm Nhật Bản. Cuộc tranh luận giữa các chuyên gia lúc bấy giờ chính là bài học quý báu về việc biết lấy “lợi ích quốc gia làm tối thượng”. Khi chuẩn bị diễn văn cho Thủ tướng đọc trước Quốc hội Nhật Bản (Japanese Diet), một vài ý kiến đề nghị phải đưa nạn đói năm 1945 vào nội dung. Các ý kiến khác đề nghị không chủ động đề cập vấn đề “tế nhị” ấy với bạn. “Kéo cưa lừa sẻ” mãi, cuối cùng Thủ tướng[8] đồng ý bỏ đoạn dự thảo đề cập đến nạn đói (đúng như quan điểm của Bộ Ngoại giao). Khi sang đến Nhật, tại buổi lễ long trọng ở Diet, chính phía Nhật Bản (chứ không phải ai khác) đã chủ động nói về đến nạn đói và lấy làm tiếc về biến cố lịch sử đáng buồn ấy. Ôi, văn hóa chính trị Nhật Bản! Nếu ta học được cái tinh tế trong cách hành xử của người Nhật. Nếu ta khắc phục được tình trạng “tu nghiệp sinh” ăn cắp vặt ở Nhật, khiến câu chuyện cá nhân thành nỗi buồn quốc thể[9]. Và rồi còn bao nhiêu cái “nếu” khác nữa…. Phía trước bang giao Việt—Nhật, vốn đang rất sâu đậm và thân thiết, là cả một bầu trời liên Á vẫn còn rộng mở.

Trong một lần được mời trở lại Đại học Takushoku, tác giả bài báo này cũng quan tâm đến tin Nhật Hoàng Akihito muốn thoái vị. Nhưng rồi không ai trực tiếp trả lời câu hỏi nhậy cảm ấy, do sự tôn kính của người Nhật đối với nhà Vua. Từ Thiên hoàng đầu tiên năm 600 trước Công nguyên đến nay chỉ có một dòng chính duy nhất trị vì trên xứ sở hoa Anh Đào (Sakura). Lịch sử tinh khiết ấy không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Thuộc dòng dõi hoàng tộc lâu đời ở Nhật Bản, Ngài được coi là hậu duệ của “Nữ thần Mặt trời” và thừa kế Ngai vàng Hoa cúc từ đời này sang đời khác. Phải chăng lần này, Nhật hoàng muốn thoái vị là để tăng thêm cơ sở cho việc thay đổi Hiến pháp? Nếu đúng vậy thì Nhà Vua đã đặt lợi ích quốc gia—dân tộc lên trên cả lợi ích của triều đại. Ngài thừa kế ngai vàng từ cha là Hoàng đế Hirohito vào năm 1989. Theo Hiến pháp, vai trò hoàng đế là “biểu tượng của quốc gia và sự đoàn kết của dân tộc”. Với sứ mệnh ấy, Nhật hoàng Akihito đã chọn con đường phụng sự theo cách gần gũi với thần dân. Phong cách bình dân của Nhật hoàng Akihito đã khiến người dân hết sức thương mến ngài. Trước lúc lên ngôi, Nhật hoàng cũng phá vỡ truyền thống hoàng gia khi vào năm 1959, ngài đã cưới một thường dân là Michiko Shoda. Lúc bấy giờ, cô là sinh viên một trường Thiên Chúa giáo, con gái người bán ngũ cốc mà Thái tử Akihito thuở ấy đã làm quen trong một Câu lạc bộ thể thao.

Sáng 3/3, Nhà vua và Hoàng hậu đã dự tiệc trà do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân chủ trì trước khi rời Hà Nội. Đây cũng là hoạt động trong ngày cuối cùng ở Hà Nội của Nhật hoàng và Hoàng hậu trước khi vào Huế. Nhà vua Akihito đã chia sẻ trong bài phát biểu về chuyến thăm Việt Nam vừa qua: “Những năm gần đây, các lãnh đạo của Việt Nam, đứng đầu là các Chủ tịch nước tiền nhiệm đã sang thăm Nhật Bản và mời chúng tôi thăm chính thức Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tôi vô cùng cảm kích vì được sang thăm Việt Nam lần này”. Trong thời gian ở Hà Nội, Nhà vua và Hoàng hậu đã hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại các dịp hội kiến, Nhà vua và Hoàng hậu cảm ơn tình cảm của nhân dân Việt Nam thông qua việc bảo tồn và giữ gìn các di tích và kiến trúc Nhật Bản tại Hội An và sự hỗ trợ của người dân trong việc khắc phục hậu quả động đất sóng thần tại Nhật Bản năm 2011. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời báo Asahi Shimbun đã phát biểu: “Chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu đặt một dấu mốc lịch sử, là một biểu tượng hết sức có ý nghĩa về tình hữu nghị giữa hai dân tộc, mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược hợp tác sâu rộng giữa hai nước”./.



[3] “Calamvs gladio fortior” là Tiêu ngữ (Slogan) của Đại học Keio Gijuku Daigaku, Tokyo (慶應義塾大学), cơ sở giáo dục bậc cao lâu đời nhất ở Nhật, do Fukuzawa Yukichi thành lập vào năm 1858 ở Edo (Tokyo) với mục đích ban đầu là giảng dạy về phương Tây. Trường có 11 campus ở Tokyo và Kanagawa với 9 ngành học, bao gồm: Văn chương, Kinh tế, Luật, Kinh doanh và Thương mại, Y, Khoa học và Kĩ thuật, Quản lí Chính sách, Thông tin Môi trường, Dược.

[5] Green, Michael (2008). “Japan in Asia”, in David Shambaugh & Michael Yahuda (eds), International Relations of Asia (Maryland: Rowman & Littlefield Publishers), pp. 170-191. http://www.academia.edu/5419761/INTERNATIONAL_RELATIONS_OF_EDITED_BY

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434758

Hôm nay

229

Hôm qua

2349

Tuần này

21408

Tháng này

211806

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434758