Cuộc sống quanh ta

Nhớ đồng nghiệp Nguyễn Đăng Na

Tôi hơn PGS Nguyễn Đăng Na đến mấy tuổi, vẫn được anh gọi bằng “chị”, theo lệ "hương đảng trọng xỉ", tôi cũng không băn khoăn gì. Tôi không nhớ đã cộng tác với Nguyễn Đăng Na từ khi nào, nhưng mối quan tâm về những vấn đề trong chuyên môn giữa chúng tôi càng về sau càng nhiều gặp gỡ. Ví như Thơ văn thời Lý Trần, Truyện truyền kỳ, thể ký và nhiều đề tài nhỏ khác. Không phải chúng tôi luôn có ý kiến, quan điểm thống nhất, nhưng mỗi khi có vấn đề khó, biết ý kiến sẽ trái nhau, chúng tôi lại vẫn “gọi” đến nhau. Giữa tôi và PGS Nguyễn Đăng Na cũng có vài kỷ niệm mà đứng trên phương diện đồng nghiệp tôi rất nhớ.

Kỷ niệm đầu tiên là việc tôi biên tập bài của Nguyễn Đăng Na gửi đăng Tạp chí Văn học. Tôi không nhớ đó là số nào và bài tên gì, nhưng hôm ấy Biên tập viên đi vắng, Tòa soạn nhờ tôi đọc, sửa giúp. Bài viết liên quan đến một câu dịch trong sáchLuận ngữ, đó là câu Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ hĩ. Thông thường người ta dịch là: “Đánh vào các mối dị đoan thì cái hại ấy sẽ hết”. Nhưng Giáo sư Cao Xuân Huy khi dạy chúng tôi giảng phải dịch là: “Nghiên cứu sâu sắc các mối dị đoan thì cái hại ấy sẽ hết vậy”. Thày còn nói thêm: Đối với các mối dị đoan không phải là “đánh” mà phải tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi thì mới không có hại. Nguyễn Đăng Na dịch theo ý thầy, chẳng biết lúc biên tập bài, nghĩ thế nào tôi lại sửa lại theo cách hiểu thông thường. Khi báo ra, Tạp chí văn học nhận được thư chất vấn, tác giả rất bức xúc, nói đại ý rằng chỉ biết ôm báo mà khóc vì ý kiến thầy sâu sắc như thế, sáng tạo như thế mà học trò lại để “người ta” làm hỏng hết cả! Tôi cũng nhớ là đã được học thầy câu ấy và đúng là thầy dạy như thế. Tất nhiên là tôi có lỗi với tác giả bài báo và cả với thày Cao Xuân Huy mà chúng tôi ai cũng kính trọng. Báo hại Tạp chí văn học phải đính chính, và tôi cũng rút được một kinh nghiệm sâu sắc trong công việc biên tập. (Tuy nhiên đối với các công trình tập thể có chủ biên thì có khác).

Kỷ niệm thứ hai là về một công trình chung không thành. Tôi không nhớ thời gian cụ thể, nhưng cũng đã lâu lắm, có lẽ lúc đó cả anh Na và tôi đều chưa có học hàm học vị gì, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Quốc tử giám Nguyễn Quang Lộc có đặt tôi tổ chức viết cho Văn miếu một công trình Nho giáo trong Văn học. Tôi rủ Nguyễn Đăng Na tham gia, đặt anh viết bài Văn học Nho giáo thời Lý Trần. Công trình đã triển khai, diện mạo đã hình thành. Bài của anh Na cũng là một bài quan trọng, tôi hối thúc anh nộp bài. Cũng phải mấy lần, anh mới đem đến cho tôi, nhưng mới chỉ có một nửa và tôi cũng đã sơ bộ biên tập. Bài viết chất lượng, có những đề xuất, lý giải tôi thấy đến nay vẫn còn tính khoa học và cập nhật. Không hiểu vì sao, Văn miếu không thúc đẩy hoàn thành công trình và không có kế hoạch xuất bản, tôi bỏ không làm tiếp, Nguyễn Đăng Na cũng không nộp thêm cho tôi phần hai. Đến nay tôi vẫn còn giữ bản thảo đó, có cả mấy dòng thư ngắn anh viết cho tôi. Hôm nay xin trân trọng chuyển lại cho gia đình, tôi nghĩ đây là một kỷ vật quý mà tôi, với nhiệm vụ chủ biên (một công trình không thành) đã giữ gìn cẩn thận.

Thứ ba là một chuyện về đào tạo. Nghiên cứu sinh của tôi làm Luận án về đề tài Thể loại Kí trong văn học trung đại. Biết Nguyễn Đăng Na cũng nghiên cứu vấn đề này và cũng biết anh rất khó tính, nghiêm khắc, luôn đòi hỏi phải có ý kiến mới, nhưng tôi vẫn quyết mời anh chấm Luận án cho nghiên cứu sinh của tôi. Quả là khi làm việc với anh, nghiên cứu sinh của tôi cũng “bị thẩm vấn” đến khó khăn, nhưng rồi thày trò chúng tôi nhờ vậy mà thêm quyết tâm tìm lý lẽ để khẳng định luận điểm của mình. Tôi cũng không nhớ vì những lý do gì mà nghiên cứu sinh của tôi "ngâm" luận án quá lâu; giữa khoảng thời gian đó, có lần tặng sách cho cô ấy, Nguyễn Đăng Na còn đùa: "Em bảo vệ luận án đi, có Bằng (LA) to Bằng (LA) bé đâu mà làm kỹ thế!". Và cuối cùng nghiên cứu sinh của tôi bảo vệ tốt, luận án được cho điểm xuất sắc (tôi nhớ thế). Tôi cũng biết khi chấm anh còn chê điều này điều khác, nhưng anh cũng đã chấp nhận nhiều luận điểm "tranh cãi" và ghi nhận nghiên cứu sinh có những đóng góp tốt. Vui hơn nữa là sau đó nghiên cứu sinh của tôi còn được anh rất quý, trọng thị, trên con đường học thuật, thày trò tiếp tục trao đổi, giúp đỡ, cộng tác nhiều hơn cả người thày đầu tiên là tôi. Ngược lại, tôi cũng thấy anh mời tôi chấm Luận án cho một vài nghiên cứu sinh của anh. Trong những luận điểm khoa học của nghiên cứu sinh, có ít hoặc nhiều điều tôi không nhất trí, tôi cũng nhận xét rõ, nói hết ý phản bác của mình, nhưng nói chung tôi thấy hài lòng vì học trò của anh làm việc nghiêm túc, cố gắng tìm kiếm, phát hiện. Một nghiên cứu sinh nên là như thế và thầy mới không mắc cái lỗi “giáo bất nghiêm”.

Tôi nghĩ rằng trong công việc nghiên cứu, nhất là nghiên cứu văn học cổ, nếu vấn đề nào mọi người cũng đều nhất trí với nhau thì sẽ chẳng có phát hiện và chắc chắn sẽ bỏ sót nhiều giá trị đích thực. Nguyễn Đăng Na không chịu “tận tín” ở những người đi trước. Anh luôn luôn tìm kiếm, đề xuất, phát hiện, đưa ra những luận điểm khoa học, cách dịch mới; lý giải của anh có điều có thể làm thay đổi cách hiểu cũ, có những điều còn để ngỏ chưa thể khẳng định và có những điều phải bàn cãi. Có thể nêu mấy ví dụ. Có trường hợp rất thuyết phục, chứng tỏ sự giải mã thành công, như bài Ngôn hoài của Không Lộ. Bài này nguyên đã có những cách dịch được coi như thành truyền thống mà chính Nguyễn Đăng Na cũng đã từng đồng ý:

Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

           Hữu thời trực thướng cô phong đính

                       Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

Bài thơ này, khi tham gia “công trình chung không thành” với tôi, Nguyễn Đăng Na cũng vẫn theo cách hiểu truyền thống của các học giả tiền bối Ngô Tất Tố, Đinh Văn Chấp..., anh giảng: “Câu đầu thể hiện tư tưởng Đạo giáo; câu thứ hai mang tư tưởng Nho giáo (dịch nghĩa: Tình quê lai láng vui suốt ngày không chán); hai câu cuối là tư tưởng Phật giáo. Nhưng sau này anh đã nghiên cứu sâu hơn, đã giải mã và đưa ra lý giải đúng. Chắc chắn đó là thời anh có thêm bút danh Ưu Đàm. Có lần tôi hỏi anh Ưu Đàm là ai, anh chỉ cười. 

Tôi cũng có nhiều điều không đồng tình với cách lý giải của Nguyễn Đăng Na như giữa Kê minh thập sách Thập điều khải, cách đánh giá có phần khe khắt của anh về Đoàn Thị Điểm, những đề xuất về thể loại mạn lục, tân thanh, cách tính ba trăm năm ở câu thơ trong bàiĐộc Tiểu Thanh kí... Hoặc cũng có những ý kiến của anh đề xuất tôi thấy không “tin” nhưng vẫn thấy cần phải suy nghĩ, tìm kiếm những chứng cứ thuyết phục cho cách lý giải của mình, tiêu biểu như chuyện cánh cò trong bài Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông. Tôi biết anh nói cò không ăn đêm là đúng, nhưng câu thơ nếu hiểu là “cò bay trên cánh đồng bên dưới” thì tôi lại thấy ý thơ không thuận và hồi nhỏ khi còn “chạy tản cư” tôi từng thấy buổi chiều cò ăn trên cánh đồng. Ý nghĩ này cứ ám ảnh trở đi trở lại đến nỗi tôi đã tra vấn nhiều “lão nông tri điền” và mỗi lần đi đâu xa, về buổi chiều tôi cứ nhìn quanh tìm xem cò trên cánh đồng có đúng như kí ức của mình hồi nhỏ hay phải như ý kiến Nguyễn Đăng Na, để giải mã câu thơ của Phật Hoàng... Cuối cùng thì ông xã tôi (hiện đang nghiên cứu Minh triết Việt) sốt ruột bảo: “Thơ thì phải hiểu theo cách cảm, nhà thơ nói những cảm xúc của mình, những ấn tượng của mình, suốt một quãng thời gian từ chiều đến mờ tối, cò xuống đồng ăn rồi bay về,… thời gian chỉ là ấn tượng, chi li quá mất thơ đi”. Tôi cho rằng nói như thế cũng phải và yên tâm với cách lý giải của mình. Cũng vậy, mạn lụctân thanh, tôi chỉ có thể đồng ý với anh là “cái đuôi” ấy thể hiện ý tưởng sáng tác của tác giả, nhiều tác giả, và tất nhiên nó kéo theo ít nhiều thủ pháp nghệ thuật, nhưng không thể coi là thể loại... 

Trong nghiên cứu, khó tránh khỏi những lý giải cực đoan, khiên cưỡng, hoặc chưa đủ lý lẽ thuyết phục, thậm chí sai lầm. Nhưng nếu mỗi đề xuất đều có thể khiến đồng nghiệp phải xem lại cách lý giải của mình, phải để tâm tìm kiếm lý lẽ, dù đồng tình hay phản bác, phân vân ... thì đó cũng là một thành công. PGS Nguyễn Đăng Na đã làm được điều đó. Chỉ tiếc là thuở sinh thời anh, tôi cũng ngại tranh luận, lẽ ra nên có nhiều cuộc “cãi nhau” với anh. Tôi coi trọng những đóng góp, thành công của anh và luôn coi anh là một đồng nghiệp tốt, có thể cộng tác trong công việc, lẽ ra phải nên thân thiết hơn. Trong một tương lai nào đó, nếu cùng "nhàn du" ở một phương trời xa xôi nào đó, chắc tôi sẽ đến thăm anh để nghe anh gọi bằng “chị” và có thể lại tiếp tục “cãi nhau” về cánh cò, vềThập điều khải, Thập sách, Tân thanh...

Ngờ rằng anh không từ chối. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522909

Hôm nay

2159

Hôm qua

2282

Tuần này

21683

Tháng này

220848

Tháng qua

121009

Tất cả

114522909