Cuộc sống quanh ta

Hạnh Phúc

. khi một xã hội đua nhau tiêu dùng mà coi thường sáng tạo?

. khi tự do của người này xâm phạm tự do của người khác?

Khuya, mở trang web của một người bạn, tôi thấy ông đang đứng hát cùng một nhóm Quan họ Đặng Xá trên đất Bắc Ninh. Thật hoan hỉ và xôn xao. Ngồi cạnh, vợ tôi kêu: “Trời ơi! Sao mà có người vô tư hồn nhiên đến vậy. Say rồi thì phải!”. Câu nói của bà xã làm tôi sực tỉnh, đang nợ một phỏng vấn nhân cái ngày gọi là Hạnh phúc của nhân loại. Tôi liên lạc và hẹn gặp ông, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ… Sau mấy câu thăm hỏi, tôi vào việc luôn.

Trần Đương (TĐ): Ông có hạnh phúc không vậy?

Nguyễn Hùng Vĩ (NHV): Vừa có vừa không. Đúng hơn là lúc có lúc không. Nhưng chung cục cho đến nay, tôi là người may mắn. Chữ “hạnh phúc” vốn có nghĩa là gặp điều may, là cái mình kỳ vọng được thỏa mãn khiến người ta hài lòng, vui vẻ.

 Mà nói ông nghe, ông bà ta có câu tục ngữ hay lắm: Ngu si hưởng thái bình. Nghe qua thì thấy nó nặng nề nhưng ngẫm ra thì nó có triết lý đấy. Có lúc phải cứ “đắp trốc đắp tai” lại khi mà những điều mình mong mỏi không có khả năng, không có cơ may thành quả. Ngồi mà sầu não vì mưa đá tan tành cả 6 sào lạc đang xanh kia thì không giải quyết được gì. Bỏ qua, cười thôi, làm việc khác đỡ đau đầu. Tôi là vậy để có cái gọi là hạnh phúc.

TĐ: Nhưng tóm lại, theo ông, thế nào gọi là hạnh phúc?

NHV: Nhiều quan niệm lắm. Có khi tóm lại nhưng vẫn phải nói dài.

Theo tôi, hạnh phúc là một trạng thái tâm lí tích cực xuất hiện vào thời điểm người ta đạt được một kỳ vọng tốt đẹp nào đó. Lúc đó, người ta lâng lâng vui vẻ, thỏa mãn, hài lòng, hào sảng và…hào phóng.

Kỳ vọng thì muôn vẻ. Con người bình thường, không ai sống mà không có kỳ vọng cả. Tuy nhiên, có thể qui kỳ vọng vào các loại sau đây:

Thứ nhất, kỳ vọng về sức khỏe, về tiện nghi, về kinh tế. Cái này là nền tảng. Có thực mới vực được đạo. Dân dĩ thực vi thiên/tiên. Người xưa từng bảo vậy. Từ chưa có đến khi giành được một cái, người ta khoái lắm. Đang ốm mà lành bệnh, đang đói mà có củ khoai mẹ mót trên cát về, chưa có nhà làm được nhà, chưa có xe sắm được xe, chưa có biệt thự mua được biệt thự…Nó hạnh phúc ngời ngời. Anh Nguyễn Duy viết câu thơ trong khổ mở đầu bài Đánh thức tiềm lực: Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm / Rồi đi xa hơn – đẹp và giầu / và sung sướng hơn…

Thứ hai, kỳ vọng về sự hiểu biết. Cái này rất con người, là bản năng người. Biết nói là biết hỏi, những câu hỏi mênh mông của trẻ lên ba. Đi học vẫn hỏi: Thầy dạy cái gì kì vậy? Đi làm vẫn hỏi: Sao sếp nói một đằng làm một nẻo. Về hưu rồi hỏi: Dòng họ nhà mình từ đâu đến rồi lọ mọ viết gia phả. Sắp xuống miệng lỗ vẫn hỏi: Thằng lớn sao chưa về? Tại sao vậy, vì không hiểu là không chịu nổi, là ấm ức, là băn khoăn, là đau khổ. Phải hiểu cho ra. Từ chưa hiểu đến hiểu, cái thời điểm đó nó sung sướng làm sao.

Thứ ba, kỳ vọng về sự tôn trọng và thương yêu. Ai cũng muốn được tôn trọng. Gia đình tôn trong nhau, láng giềng tôn trọng nhau, đồng nghiệp tôn trọng nhau, cộng đồng tôn trong cá nhân, thể chế tôn trọng công dân…Giàu có, hiểu biết nhưng về làng không ai tôn trọng cả thì cũng không có hạnh phúc. Phải thiện tâm, từ thiện, nhân ái. Làm từ thiện không chỉ cho người được hướng đến, mà cho nhu cầu chính mình được thừa nhận, đó là một hạnh phúc cao cả, tự thân, mang tính người sâu thẳm. Nó là một giá trị.

Thứ tư, kỳ vọng về sự sáng tạo. Nghĩ ra một cách mới để hành động, cách ôm một bó lúa hơn người chẳng hạn. Giải xong một bài toán, viết xong một giai điệu, sáng chế một công cụ, sáng tạo một giải pháp, phát hiện một định đề, một quy luật…người ta sướng như điên, cởi truồng mà chạy, mồm kêu “Ơ rê ka!”. Hàng vạn nhà sư tu khổ hạnh, định thiền để phát hiện quy luật vũ trụ và con người. Người ta có hạnh phúc về sự sáng tạo…

Thứ năm là tự do. Đây là hạnh phúc ở đẳng cấp cao nhất. Được sống, hành động tốt đẹp theo mình thích, thoát khỏi các cuộc họp vô bổ và ngán ngẩm, đã tự do lắm rồi. Được nói những điều mình nung nấu lại càng tự do hơn. Người xưa sẵn sàng từ bỏ chốn phồn hoa đô hội để ẩn dật là họ đã đạt đạo, trải đời. Thấy rong chơi trong cuộc phù du này đã đủ, sinh kí tử quy, họ về với cố viên, thích thảng. Đủng đỉnh hoàng hôn dắt tay / Trông thế giớiphút chim bay (Nguyễn Trãi). Vũ trụ cũng chỉ là một chớp mắt, một sát na… huống chi con người tục lụy.

Cả năm kỳ vọng đó, mỗi khi đạt được một chút, người ta thấy hạnh phúc hiển hiện. Quý trọng lắm chứ.

TĐ: Nhưng trên đời có ai đạt được thế đâu?

NHV: Đúng vậy. Hạnh phúc có các tính chất khác nhau:

Tính người là đầu tiên. Nó là khái niệm thuộc về con người, thuộc về nhân bản. Mọi cố gắng của nhân loại, mọi sự phát triển của tôn giáo, triết học, tư tưởng không qua cái ý thức cội nguồn, bản thể của đại đạo “Hiếu sinh”. Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh (Nguyễn Trãi).

Tính phổ quát là một đặc tính quan trọng. Người nào, lúc nào, hoàn cảnh nào cũng có thể thỏa mãn một kỳ vọng lớn hay nhỏ. Nó phổ quát cho mọi cá thể và cho mọi thể chế. Có hạnh phúc cá nhân và có hạnh phúc cộng đồng. Nó là bản chất của cái gọi là nhân quyền. Hồ Chí Minh, trong bản tuyên ngôn lập quốc, trích Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mĩ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Tính thực tiễn thì quá rõ. Hạnh phúc rất thực, rất đời thường, rất cuộc sống. Nó tuyệt đối không thể là bánh vẽ. Nó là trải nghiệm. Ai cũng trải nghiệm hạnh phúc của mình, người nghèo khó nhất đến người giàu có nhất. Hạnh phúc là cõi Niết bàn đi chăng nữa thì mục tiêu chính vẫn là để cho con người hạnh phúc hơn trên thế gian này với nhau.

Tính tương đối và tính vận động liên tục. Kỳ vọng không bao giờ đứng im. Cuộc sống cũng vậy. Có rồi lại muốn có thêm, được rồi lại muốn được thêm. Bất tận, phong phú, phức tạp từ thực tế đến quan niệm. Và nó sẽ mãi mãi biến đổi theo sự phát triển ngày càng nhân văn hơn, nhân bản hơn. Có nhiều quan niệm khác nhau vì từng người, từng thiết chế tinh thần có những hoàn cảnh, trải nghiệm và quy chiếu khác nhau.

Tính lí tưởng như là phẩm chất của khái niệm này. Ai, tôn giáo nào, triết lí nào cũng mong muốn sự hoàn mĩ hoàn thiện của mục tiêu hạnh phúc cao cả. Và họ bảo vệ cái quan niệm đó. Nó đòi hỏi sự hài hòa của hạnh phúc cộng đồng và hạnh phúc cá nhân, giữa cộng đồng này và cộng đồng khác. Hạnh phúc của thực thể này không vi phạm quyền hạnh phúc của thực thể khác.

TĐ: Nhưng có người cho rằng, thời chiến tranh, con người quý trọng nhau hơn, hạnh phúc hơn bây giờ?

NHV: Cái đó có phần đúng nhưng chỉ là một mặt thôi. Đó là mặt thứ ba tôi nói, hạnh phúc khi kỳ vọng của sự tôn trọng, sư yêu thương đạt được. Còn lúc đó không ít những số phận đau khổ. Không thể đánh đổi cái thời này để lấy thời đó được.

Nhưng ngày nay, kỳ vọng đã gấp nhiều thời trước trên mọi mặt. Cơ hội để đạt những kỳ vọng cao quá đó là vô cùng khó khăn. Vậy, con người ta sẽ bất hạnh hơn vì điều đó.

TĐ: Về hạnh phúc của cộng đồng, ông thấy trong thời hiện đại, nhân dân Việt Nam được hạnh phúc như thế nào?

NHV: Có mấy lần rồi. Cách mạng Tháng 8 là một, từ một nước thuộc địa trở thành công dân một nước độc lập. Chiến thắng Điện Biên Phủ là hai: ta thắng Tây. Chiến thắng mùa Xuân năm 1975: thống nhất giang sơn. Khoán 10 cho nông nghiệp: nông dân lại có ruộng của mình để cày. Lúc đó sướng lắm. Đó là những lần đáng nhớ.

TĐ: Vâng. Chúng ta cũng đã có những lúc được sướng vì có được những cái đang mong muốn, đang cần. Nhưng bây giờ thì…chúng ta xếp hạng tận thứ 94 rồi?

NHV: Đó là theo tiêu chí của họ chứ không phải tiêu chí ở góc nhìn của tôi. Nó là một thông số để chúng ta động tâm suy nghĩ. Tôn trọng cách làm của họ nhưng tôi cho rằng, bắt đầu từ công cuộc đổi mới, các giá trị của hạnh phúc càng ngày càng bị đảo lộn và khó hứa hẹn một tương lai sáng sủa. Từ đang rất nghèo, chúng ta lao vào phát triển kinh tế cho bằng người. Kỳ vọng thứ nhất, về sức khỏe, tiện nghi, sự giàu có… lớn quá, lấn át những kỳ vọng khác.

Trí thức gặp nhau chỉ hỏi đề tài, đề án của mày được bao nhiêu, sắp mua xe chưa, chứ không quan tâm nó đem đến hiểu biết gì, đem đến sự tôn trọng như thế nào, có bao nhiêu phần trăm sáng tạo, có giúp con người tự do hay không?. Làm một việc tốt cho cộng đồng nhiều khi cũng bị hiểu nhầm, bị nghi ngại là mình đang có mưu đồ gì?

Cái đó thành nếp nghĩ, cách đánh giá “đẳng cấp” phổ biến. Không những thế nó thành phương châm hành động cho con người, cho nhóm lợi ích, cho nạn tham nhũng, cho cuộc giành giật, đổi chác quyền hành.

Nó sẵn sàng vứt giá trị của sự tôn trọng giữa con người với con người vào sọt rác. Đẳng cấp là tiền bạc. Khoe giàu là cuộc đua của các “nghệ sĩ”. Một xã hội đua nhau tiêu dùng mà coi thường sáng tạo. Một xã hội mà tự do của người này xâm phạm tự do của người khác.

Đó là cuộc sống hạnh phúc chăng?                                                                                          

TĐ: Rất cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị hôm nay.

Hà Nội – Nghệ An 19-21/3/2017.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522906

Hôm nay

2156

Hôm qua

2282

Tuần này

21680

Tháng này

220845

Tháng qua

121009

Tất cả

114522906