Cuộc sống quanh ta

Sơn Tùng - Kim Côn: Tình bạn chí cốt

Chiều 17-9-2010, như thường lệ, tôi sang thăm nghệ sĩ nhiếp ảnh Kim Côn, tôi là người bạn vong niên của anh. Chị Nguyệt, vợ anh Kim Côn cho tôi biết, sáng nay chị Mai vợ anh Sơn Tùng mới cho cháu xuống thăm anh chị. Tôi xúc động. Anh Sơn Tùng đang nằm viện, chị Mai cũng không được khỏe, vậy mà anh chị vẫn hết lòng quan tâm đến anh Kim Côn trong lúc ốm đau này. Chỉ trách anh chị tuổi cao, đường xá từ Hà Nội về Sao Đỏ - Chí Linh – Hải Dương xa xôi cách trở. Tôi nhớ lại những kỷ niệm về tình bạn giữa hai anh: nhà văn Sơn Tùng và nghệ sĩ nhiếp ảnh Kim Côn...

 
Đã lâu tôi mới có dịp lại thăm nhà văn Sơn Tùng vào đúng ngày Chiếu Văn tề tựu. Mãn phép đi qua chỗ các văn nhân ngồi rộng chừng 6 mét vuông (phòng khách và sinh hoạt của nhà văn) tôi vào phòng trong thăm ông. Sau cái bắt tay ấm áp thân tình thường thấy ở nhà văn, tôi hỏi thăm sức khỏe ông và thông báo để ông được biết tình hình sức khỏe của Kim Côn, nghệ sỹ nhiếp ảnh, phóng viên đặc trách chụp ảnh Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
 
Sơn Tùng ngỡ ngàng, lặng trong giây lát, thoáng trong khóe mắt ông rơm rớm lệ… Mấy hôm nay trời trở mùa, vết thương từ thời chiến đấu ở chiến trường B trên khắp cơ thể trỗi dậy hành hạ nhà văn… Ông tạm ngừng bút, không đọc thư, tại chịu đựng để lấy lại sức.
 
Hãn hữu tôi mới có dịp thăm ông, vì thế ông cố nhổm dậy tiếp tôi cho đúng cái nghĩa gặp người ở xa tìm đến. Khởi chuyện ông muốn biết về sức khỏe Kim Côn – thường lớp tuổi ông điều họ quan tâm tới bạn bè trước tiên là tình hình sức khỏe.
 
Kim Côn ít hơn Sơn Tùng 3 tuổi, là bạn chí cốt của nhà văn. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Kim Côn tận tâm với nghiệp, được Ban Kiểm tra 12 tín dụng phục vụ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hai người sau chiến thắng 1975, đất nước thống nhất mới ngồi gần gũi nhau. Hai con người ấy đồng điệu tâm hồn, rất mực trung thành phụng thờ nghiệp lớn của Đảng, của Bác, thủy chung với bạn bè và đồng nghiệp, thương yêu rất mực người thân. Họ đến với nhau như hệ nhân quả. Họ cùng suy nghĩ, hành động xả thân bảo vệ sự nghiệp cao cả, vĩ đại của Bác Hồ…
 
Trong một chừng mực, Sơn Tùng may mắn hơn Kim Côn ở một vài điểm. Tuy là thương binh loại ¼ (thương tật nặng nhất), nhà văn sinh hoạt, làm việc, rèn luyện sức khỏe hết sức khoa học. Ông chiến đấu không mệt mỏi để giữ gìn sức khỏe tuổi già: vận động, thanh tâm ngồi thiền. Ông kiên trì trong mọi hoàn cảnh khách quan, khắc phục quy luật chi phối nhân sinh. Một thuận lợi nữa, vợ ông từng làm công tác chăm sóc sức khỏe – là một nhân viên y tế trong bệnh viện lớn ở Thủ đô nên bà chăm sóc nhà văn có bài có bản. Nhờ đó nhà văn đang bước vào tuổi tám mươi mà vẫn sung mãn về thể chất lẫn tinh thần, ngồi viết say mê, 3-4 tiếng đồng hồ liền không nghỉ diễn thuyết hàng ngày. Ông đang rượt đuổi thời gian để làm giàu thêm gia sản chữ nghĩa của ông để ngày một dầy thêm, tỏa sáng và đi xa hơn.
- Sức khỏe anh Côn thế nào? Chú vừa nói anh Côn yếu. Đừng giấu diếm tôi. Kim Côn yếu đến mức nào, ăn uống ra sao, mỗi bữa có nổi hai lưng cơm không? Chú kể tường tận anh nghe! – Nhà văn hỏi tôi dồn dập trong cơn sốt ruột.
- Thưa anh! Tôi cố vắn tắt trả lời – Anh Côn không bệnh tật gì. Anh ấy đi đứng khó khăn mà thôi, bước chân không được chắc chắn, người gầy, da xanh, tái nhợt hơn trước. Anh ấy ăn được ít, lâu nay vui buồn đều không nhâm nhi dù chỉ để đủ ấm người, nói chậm, đôi khi nói lắp, khó và ít ngủ. Tâm lý anh Côn thay đổi rõ rệt, thường trở về với quá khứ, rất dễ mủi lòng. Mỗi khi nhắc đến ai đó, nhất là những người quá cố là anh nghẹn ngào. Kim Côn khóc mỗi khi nhắc đến nhạc sỹ Văn Cao – người anh, người bạn cùng quê Hải Phòng bao năm gắn bó như thể nhạc sỹ vừa đi. Với họa sỹ Văn Len ông yêu mến, quý trọng. Xúc động nhiều mỗi khi ôn lại kỷ niệm về Phao-lô Minh Tâm – một người bạn đồng giới kính Chúa yêu nước như ông, cùng lý tưởng, đồng điệu lý chí và hành động, sớm đến với văn hóa nghệ thuật cách mạng. Nói chung tâm điểm tình cảm của họ là yêu quý lãnh tụ Hồ Chí Minh.
 
Kim Côn thường nhắc nhiều về các bậc ân nhân của ông. Cụ Hồ Tùng Mậu – Trưởng ban Thanh tra Chính phủ đã điều ông từ Kim Tân – Thanh Hóa khi ông đang làm quản giáo ở trại giam “Tứ Cường” về Ban 12, ở An toàn khu Việt Bắc. Về đây, với lòng say mê nghề ảnh, ông mạnh dạn thiết tha đề đạt nguyện vọng được cụ Vũ Đình Huỳnh chấp thuận và được tin tưởng phân công chuyên trách chụp ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bác Hồ. Kim Côn cho đấy là một định mệnh và là một vinh dự nhất trên đường hành quân theo cách mạng. Kim Côn nhắc nhiều về kỷ niệm vui buồn những năm bên cạnh cụ Vũ Kỳ, người tiểu đồng có 24 năm 7 tháng tận tụy giúp việc thư ký cho Bác.
 
Đối với Sơn Tùng, ông từ yêu quý đến nể phục đức độ, phong cách quang kim hiện trên ngòi bút của nhà văn. Sơn Tùng còn là vị ân nhân làm thay đổi cục diện đời sống tình cảm của ông, đưa ông về với mái ấm gia đình, thoát khỏi sự cô đơn lẻ loi những năm về với cuộc sống đời thường trong vai trò “ông tơ bà nguyệt se duyên”.
 
Kim Côn thường tâm sự với bạn bè ông: Nhờ có vợ chồng bác Mai – Phong, cuộc sống ông được hâm ấm trở lại, hạnh phúc như bao người khác. Ông rất mãn nguyện khi chân lý giản đơn ấy trở về với ông sau bao nhiêu năm gian nan, vất vả, vinh dự, khổ đau…
 
Cháu Hiệp, con trai út ông, đã coi vợ chồng nhà văn Sơn Tùng như vị ân nhân giáng thế bởi họ đã cho cháu có mặt trên thế gian này.
 
Kim Côn yêu quý, cảm phục, tự hào về phong cách người bạn – nhà văn Sơn Tùng. Thán phục con người trọn bề chữ Tâm. Nể phục nhà văn vì nhân văn, sống để mà viết, tuyệt nhiên nhà văn không bao giờ viết để mà sống. Sơn Tùng không ham phú quý, không lạm dụng tài năng. “Uy vũ bất năng khuất”. Nhà văn không tự cho mình là “lớn”, khiêm tốn, giản dị, độ lượng, quần chúng, bao dung. Ông không xem thường kẻ hèn kém, không kênh kiệu người có địa vị hoặc giầu có cao sang. Ông trọng tất cả mọi người tài đức. Ông không mưu danh, mưu lợi. Ông trọng cái chất Nho gia tinh tế. Qúy trọng những ai trọng nhân, trọng nghĩa, nặng tình đất nước, nặng nghĩa nhân dân. Ông sống có trách nhiệm với lịch sử, vẹn tròn chữ Trung.
 
Nhà văn Sơn Tùng – nhà nhiếp ảnh Kim Côn – đôi bạn – một cặp phạm trù đều sớm đến với cách mạng kể cả tuổi đời và thời gian. Sơn Tùng vốn giòng Nho gia – tư chất truyền thống cụ đồ xứ Nghệ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ông công tác tại vùng Nghệ Tĩnh. Nhờ đặc điểm công tác, ông có điều kiện ngược dòng lịch sử của bậc vĩ nhân Bác Hồ. Vốn người học thức, tri thức, lại có trí nhớ tuyệt vời, kiến thức nhiều mặt uyên thâm, tình cảm sâu sắc, ông hiểu ngọn ngành người dân quê Bác. Đặc biệt lịch sử, huyết thống, quan hệ xã hội, gia thế, truyền thống yêu nước gia đình quan Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của Bác Hồ. Cụ Thanh, cụ Khiêm coi Sơn Tùng như một người con tin cậy của gia đình. Ông được các cụ tin tưởng gửi gắm nhiều dòng tâm sự.
 
Nghiên cứu tìm tòi, xác minh tư liệu, để viết về Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng hết sức cẩn trọng, kỳ công, không quản gian lao, không ngại thiếu thốn dọc đường, kiên trì, khôn khéo, nhẫn nại lần theo dấu chân của Bác. Ông đã tiếp cận được với nhiều người ở nhiều thế hệ khác nhau là những “chứng nhân lịch sử”, gặp các tiền bối song thời Bác, những học trò ưu tú của Bác: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Ông gần gũi những người từng giúp việc Bác: cụ Vũ Đình Huỳnh, cụ Vũ Kỳ và những cán bộ trung kiên một lòng một dạ bước theo chân Bác. Từng sống và làm việc với Bác, trong số những người đó, nghệ sỹ nhiếp ảnh Kim Côn, người phóng viên đặc trách của Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
 
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bước vào giai đoạn quyết định, Kim Côn theo chân Bác để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử về người đang dẫn dắt toàn dân từng bước, từng bước đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Tuy sau này mới gặp nhau, Kim Côn cũng như Sơn Tùng có một điểm chung nên họ đồng cảm thân thiết, quý mến, rất mực thương nhau. Hai con người ấy kết lại thành một phạm trù. Hai người chỉ một mục đích cống hiến, nâng niu giá trị lịch sử của đất nước, bảo vệ sự nghiệp thiêng liêng vĩ đại của vị lãnh tụ trọn đời vì dân vì nước. Họ thành một đôi tri kỷ khát vọng vươn tới chân trời chân - thiện - mỹ.
 
Gần gũi nhà văn Sơn Tùng, điều ta nhận thấy trong ông ít nhiều tư chất lãnh tụ. Ông gần gũi chẳng kiêu sa. Ông dễ hòa đồng nhưng không khỏa lấp. Ông bao dung nhưng không thỏa hiệp, nuông chiều. Ông khắt khe nhưng không thái quá. Ông vui hết mình và buồn sâu lắng, tôn quý đại nhân, xem thường kẻ tiểu khí. Ông lắng nghe và nghe tinh tường, ông nói ít mà bao hàm. Ông say mê viết và nghiên cứu, làm việc đến quên mình. Ông kiên nhẫn mà linh hoạt, trực tính nhưng không cương, khát vọng không hồ đồ. Ông sẵn sàng hy sinh vì mục đích cao cả: Trọn bề chữ Trung.
 
Kim Côn – Sơn Tùng, đôi bạn một cặp phạm trù. Họ thương yêu nhau nhất mực, vui buồn có nhau. Vết thương hành hạ Sơn Tùng đau thấu xương tủy Kim Côn. Cơn sốt bất thường đến với Kim Côn rét thấu tâm can Sơn Tùng. Họ sống vì nhau, cho nhau. Tình bạn của họ chân thành, cảm động.
 
Chiến sỹ nghệ sỹ Kim Côn – Sơn Tùng, trước buổi chiều tà họ quyến luyến nhau, quan tâm lo lắng cho nhau đó là một lẽ tự nhiên – Hai tâm hồn lớn.
 
Thời gian ơi, xin người đừng quá khắt khe với họ. Họ còn nhiều lắm công việc phải làm./.
Tháng 9 năm 2010.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525845

Hôm nay

2112

Hôm qua

2283

Tuần này

2395

Tháng này

212541

Tháng qua

0

Tất cả

114525845