Xứ Nghệ ngày nay

Du lịch cộng đồng ở bản Nưa: Hiệu quả kinh tế?

Trong mấy năm qua, được sự giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức khác, nhiều hộ gia đình người Thái ở Bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông) đã xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đây là một hình thức phát triển dịch vụ du lịch dựa trên các điều kiện tự nhiên và văn hóa cộng đồng ở địa phương. Những hoạt động kinh tế này bước đầu có một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, để nó trở thành một hoạt động kinh tế hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân thì vẫn còn là một vấn đề nan giải.

Bản Nưa là bản người dân tộc Thái thuộc xã Yên Khê, cách thị trấn Con Cuông hơn 7km. Năm 2011, Ban Quản lý rừng quốc gia Pù Mát kết hợp với chính quyền xã Yên Khê và một số cơ quan khác tổ chức tập huấn cho một số hộ gia đình để xây dựng tuyến đường du lịch cộng đồng Bồng Khê-Yên Khê-Lục Dạ-Môn Sơn. Bản Nưa là một trong những điểm được lựa chọn để phát triển du lịch cộng đồng. Trong bản có 5 người là Vi Thị Mơ, Lô Thị Hoa, Lô Đình Nhượng, Lương Thị In, Vi Thị Tài đăng ký đi tập huấn về các kỹ năng về đón khách du lịch, tiếp khách, lên tour, lên thực đơn và tổ chức nhóm để hoạt động du lịch. Những người tham gia khóa tập huấn còn được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm về phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) trong 3 ngày. Khi về, họ tự lập thành một tổ để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Nưa. Để tổ chức đón tiếp khách du lịch các gia đình phải có nhà sàn truyền thống rộng rãi, có lao động để phục vụ được các đoàn khách và phải đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất. Để có thể đón khách, các hộ gia đình phải đầu tư ít nhất cũng từ 40-50 triệu đồng xây dựng công trình vệ sinh khép kín, mua chăn, đệm, gối, tủ lạnh, nồi niêu bát đũa... Có gia đình đầu tư nhiều như nhà bà Lô Thị Hoa đã chi phí hơn trăm triệu, trong đó sửa sang nhà cửa và xây vệ sinh khép kín hết 67 triệu đồng, mua 50 bộ chăn, đệm, gối hết hơn 40 triệu, và gần 10 triệu mua sắm các dụng cụ khác như tủ lạnh, nồi, niêu, xoong, chảo, bát đũa.... Trong giai đoạn đầu, khi chưa được các tổ chức, cơ quan khác hỗ trợ về tài chính, các gia đình phải tự huy động, vay mượn, bán trâu bò, lợn và thậm chí mượn tiền từ anh em họ hàng. Phần lớn các gia đình ở đây đều đầu tư dàn trải, mỗi năm đầu tư vào một hạng mục, từ những trang bị cần thiết nhất và nâng cấp dần trong quá trình sử dụng đón khách. Với mức đầu tư ban đầu như vậy, dù bước đầu du lịch cộng đồng ở Bản Nưa đã có một số kết quả nhất định, nhưng nếu xét về hiệu quả kinh tế thì rõ ràng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được như kỳ vọng.

Từ năm 2012, bắt đầu có một số đoàn khách đến với Bản Nưa theo chương trình du lịch cộng đồng. Khi thông báo có khách, thì tổ du lịch cộng đồng lên thực đơn để trao đổi với khách về các món ăn, số lượng, giá cả. Trong tổ chia nhau đi liên hệ để mua thực phẩm trong bản và họp nhau cùng chế biến. Khi khách có nhu cầu xem biểu diễn văn nghệ thì tổ đi liên hệ với CLB Dân ca Thái để tổ chức văn nghệ phục vụ khách ở gia đình khách ở lại. Thường khách đến Bản Nưa chủ yếu ăn tối, xem văn nghệ rồi đi. Họ đặt các món ăn truyền thống như món mọc, xôi đỏ nếp nương, bánh sừng trâu, canh ột, nộm hoa chuối, thịt gà nướng, thịt lợn nướng ăn cùng lá móc mật, lá sú, lá lội... Trung bình một bữa ăn của một khách khoảng 100 ngàn đồng thì chi cho các khoản mua sắm đồ cũng từ 60-70 ngàn, chỉ còn lại 30-40 ngàn là tiền công cho những người tham gia phục vụ. Công sức bỏ ra để đón một đoàn khách cũng không ít. Khi có khách, thì từ buổi sáng họ đã phải chuẩn bị, mua sắm thực phẩm và liên hệ văn nghệ. Buổi chiều họ tiến hành nấu nướng, chuẩn bị nhà cửa, sân bãi để diễn văn nghệ. Sau khi khách rời khỏi bản, họ lại phải dọn dẹp... Với những đoàn khách đông người thì thu nhập còn khá hơn chứ gặp các khách lẻ chỉ vài người thì nguồn thu chẳng đáng bao nhiêu. Trong khi nguồn thu từ các dịch vụ đón tiếp khách còn thấp thì nguồn thu từ các hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ đi cùng còn chưa có do trong bản không có các gian hàng truyền thống để bán cho khách làm quà lưu niệm. Năm 2016 là năm có số lượng khách du lịch đến Bản Nưa đông nhất nhwung cũng chỉ vài trăm lượt khách. Theo số liệu của tổ du lịch cộng đồng chia sẻ thì tổng thu của các hoạt động liên quan đến du lịch của các gia đình tham gia là 107 triệu đồng, trong đó chi ra để chuẩn bị mua sắm đón tiếp khách là 65 triệu, số tiền lãi thu được là 42 triệu. Như vậy, trung bình các hộ gia đình tham gia thu được khoảng 8 triệu/năm. Điều đó cho thấy hoạt động du lịch cộng đồng rõ ràng chưa có nhiệu hiệu quả khi đầu tư ban đầu từ 40-50 triệu đồng nhưng sau 4-5 năm những hộ gia đình này chưa chắc thu lại được vốn, chưa kể phải bỏ ra nhiều công sức lao động. Như Bà Vi Thị Mơ, một người hăng hái tham gia mô hình này từ ngày đầu tâm sự: “Khi được đi tập huấn rồi tham quan ở Bản Lác về thì thấy thú vị lắm. Ở đó họ làm du lịch và có nguồn thu nhập cao và khá ổn định nên mọi người cũng rất hào hứng và mong muốn làm được. Nhưng khi bước vào làm thật thì gặp nhiều khó khăn, không chủ động liên hệ được với khách nên chủ yếu là chờ người giới thiệu đến. Khi có nhiều khách đến thì thấy có một khoản tiền khá lớn và cùng nhau tấp nập làm việc nhưng sau khi xong tính lại thì mỗi người tham gia cũng chẳng được bao nhiêu. Mỗi năm cũng chỉ được mấy tháng có khách, còn lại thì thỉnh thoảng có một vài người nên thu nhập cũng rất ít ỏi”. Vì nguồn thu còn thấp nên hoạt động du lịch cộng đồng cũng chỉ là nguồn thu thêm, là công việc phụ, họ vẫn kiếm sống bằng các nghề khác. Gia đình chị Vi Thị Mơ chủ yếu làm nông nghiệp; gia đình anh Lô Văn Nhượng thì sản xuất gạch táp-lô và nông nghiệp; gia đình chị Lô Thị Hoa có mở thêm một điểm đón và phục vụ khách ở thác Kèm nhưng cũng chủ yếu sống bằng nông nghiệp; các gia đình khác như Vi Văn Hanh, Vi Văn Sông, Lương Thị In, Vi Thị Tài cũng lấy nông nghiệp là nghề chính. Từ năm 2016, 3 hộ gia đình là Lô Thị Hoa, Lô Đình Nhượng và Vi Văn Hanh được tổ chức JICA của Nhật Bản hỗ trợ 220 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất nhằm đón tiếp khách chu đáo hơn. Nhưng như anh Vi Văn Hanh chia sẻ: “Nhà cửa và các công trình phụ đã được đầu tư khang trang nhưng chưa biết khi nào mới có khách đến ở lại. Vì không trực tiếp liên hệ được với các công ty du lịch hay các du khách nên vẫn phải chờ khi người khác giới thiệu và dẫn khách đến”.

Nguồn thu nhập từ hoạt động du lịch cộng đồng ở Bản Nưa còn thấp là do số lượng khách du lịch đến đây còn hạn chế và chưa giữ chân được khách ở lại dài ngày. Du lịch cộng đồng phát triển dựa trên hai yếu tố quan trọng là cảnh quan tự nhiên và tài nguyên văn hóa cộng đồng. Về cảnh quan tự nhiên, Bản Nưa nói riêng và xã Yên Khê nói chung có sức hút đối với du khách. Ở đây có thác Kèm, khe nước Mọc là những cảnh đẹp trong vùng cùng với một hệ sinh thái đa dạng với cảnh quan rừng núi kỳ vĩ. Ngoài ra, đây cũng là vùng trồng chè và trồng cam lớn, có những vườn chè, vườn cam khá đẹp. Tuy nhiên, môi trường tự nhiên Bản Nưa đang có những biến đổi nhanh chóng. Nguồn nước bắt đầu bị ô nhiễm, con suối chính chảy qua bản đang ngày càng nhiễm bẩn. Các cánh rừng cũng không còn giữ được hệ sinh vật phong phú như trước. Trong khi đó, các vườn cam, vườn chè, dù có định hướng phát triển kết hợp với khai thác du lịch nhưng vẫn chưa có được quy hoạch đẹp mắt. Về tài nguyên văn hóa, điểm mạnh nhất của người Thái ở Bản Nưa là còn lưu giữ được khá nhiều nhà sàn truyền thống. Hiện Bản Nưa có 152 hộ gia đình thì chỉ còn hơn 50% hộ gia đình giữ được các ngôi nhà sàn. Nhìn chung Bản Nưa không còn nhiều dáng dấp của một bản người Thái truyền thống. Bước chân đến đây, người ta ít thấy được những yếu tố văn hóa của người bản địa. Phần lớn người dân đều mặc trang phục hiện đại, chỉ còn một ít người phụ nữ lớn tuổi còn mặc bộ trang phục Thái. Các ngành nghề thủ công truyền thống bị mai một, chỉ một vài người làm nghề dệt may, thêu chủ yếu phục vụ nhu cầu cá nhân. Các sinh hoạt văn hóa văn nghệ như múa, hát dân ca cũng bị mất mát dần và ít hiện hữu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Gần đây, khi có chính sách khôi phục lại một số yếu tố văn hóa truyền thống, vừa phục vụ du lịch mà nhiều người đang nỗ lực mua sắm các trang phục truyền thống, tổ chức tập dượt lại các điệu múa, các làn điệu dân ca. Nhiều đoàn du khách đến đây đã được thưởng thức các hoạt động biểu diễn một số sinh hoạt văn hóa truyền thống, và một số món ăn đặc sản của người Thái. Nhưng các hoạt động mang tính biểu diễn, phần nào đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách dễ tính, còn những khách có nhu cầu trải nghiệm văn hóa cao, nhất là khách nước ngoài thì biểu diễn thôi là chưa đủ. Họ muốn được thưởng thức các yếu tố văn hóa của cộng đồng địa phương trong một thực tại cuộc sống hàng ngày của họ. Vậy nên, để phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả hơn, cần phải gìn giữ được cả nguồn tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa. Trước hết là bảo vệ các cảnh quan tự nhiên, tạo ra một môi trường trong sạch trên mọi phương diện. Cần quy hoạch lại một số hoạt động nông nghiệp như trồng chè, trồng cam sao cho vừa có hiệu quả về sản xuất, vừa có tính thẩm mỹ để thu hút khách tham quan, tạo điều kiện để bán nông sản tại chỗ. Những người hoạt động trong du lịch cộng đồng cũng cần phải được đào tạo, tập huấn bài bản hơn để nâng cao năng lực trong tiếp cận và phát triển mô hình này. Đặc biệt, cần bảo tồn, phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống sao cho hợp lý và hiệu quả. Nếu không khôi phục được các yếu tố văn hóa truyền thống, thì với khách du lịch, Bản Nưa sẽ chỉ là một sân khấu với những hoài niệm về nhiều nét văn hóa đã mai một. Và, nếu vậy, khó đảm bảo sẽ có được hiệu quả kinh tế khả quan từ hoạt động kinh tế du lịch./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511748

Hôm nay

274

Hôm qua

2337

Tuần này

22122

Tháng này

218621

Tháng qua

121356

Tất cả

114511748