.
Trước khi sang Mỹ, từ nhỏ, tôi đã đọc và đã nghe về nước Mỹ. Đại loại là nước Mỹ đẹp lắm, con người Mỹ hay lắm, có mấy tổng thống tốt lắm hay thương người nghèo, phụ nữ, trẻ em lắm. Rồi nước Mỹ xấu lắm, người Mỹ ác lắm, Chính phủ Mỹ lừa Quốc hội giỏi lắm, vân vân và vân vân. Nghĩa là có Tốt và có Xấu. Nhưng, vào tai và vào mắt tôi thì điều Xấu nhiều hơn điều Tốt.
.
Lúc chuyên tâm nghiên cứu Hồ Chí Minh và lúc có thời gian, tôi đọc những bài viết của cụ Hồ về Mỹ. Cả những đoạn, những thư của cụ Hồ trong thời Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những bức thư cực hay. Rồi đọc cả những bài báo của cụ Hồ thời kỳ Việt Nam kháng Mỹ (lấy bút danh không phải là Hồ Chí Minh) đả kích (đúng ra là phải dùng chữ “chửi” vì cụ Hồ chửi đế quốc Mỹ thật sự trong nhiều bài báo ấy). Đọc cả những bức thư cụ Hồ gửi cho các tổng thống thời chiến tranh ấy. Tôi thấy ở trong cụ Hồ có cảm tình với dân Mỹ mà không có chút nào cảm tình với những bộ óc hiếu chiến trong Chính phủ Mỹ. Lời lẽ viết thư cho tổng thống Mỹ lúc này chặt chẽ lắm. Cụ Hồ chưa học luật một cách bài bản, nhưng cụ Hồ đưa ra những lý lẽ sắc bén lắm. Văn phong, lý lẽ của cụ Hồ mang tính bình dân, ai cũng có thể hiểu được.
.
Đấy là do cụ Hồ học trong đường đời. Cụ đi nhiều nước lắm (có thể trên 30 lượt nước), đi để quan sát, để học, chứ học ở trường lớp thì lỗ mỗ lắm. Cao nhất là dở chừng làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Những vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Liên Xô năm 1938 rồi xin được xóa tên (tên lúc làm nghiên cứu sinh là LIN), được đồng ý. Thế là tìm cách về nước.
.
Nói đến cái sự học của cụ Hồ thì đặc biệt lắm. Toàn là lở dở thôi.
.
Học Trường Quốc học Huế dở dang. Sang Pháp muốn vào học Trường Thuộc địa thì không được chấp nhận. Năm 1923, sang Liên Xô thì học được mấy ngày – như là học bổ túc (hay mấy tuần lễ - chưa rõ) ở Trường Đại học Cộng sản phương Đông. Cuối năm 1924 rời Liên Xô.
.
Năm 1934 trở lại Liên Xô vào làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Những vấn đề dân tộc và thuộc địa, rồi từ đó làm nghiên cứu sinh. Đã học hết năm thứ nhất. Thi hết các môn học của năm thứ nhất, có môn được điểm xuất sắc, có môn được điểm khá, có môn được điểm trung bình. Đã nhận đề tài để viết luận án phó tiến sĩ sử học “Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á”. Bỏ học nghiên cứu sinh giữa chừng. Cụ Hồ muốn học lắm chứ. Nhưng cụ Hồ không muốn trở thành người hàn lâm, không muốn thành một giảng viên của Quốc tế Cộng sản hồi ấy. Nước Mỹ có ông Bin Ghết đang học Đại học Harvard thì bỏ học đi kinh doanh và bao nhiêu năm nay trở thành người giàu số 2, số 1 thế giới. Nhiều người ngợi ca lắm. Nhưng, cụ Hồ bỏ học là bỏ cả nghiên cứu sinh, nếu tiếp tục học thì 2 năm nữa thôi (tức là năm 1940) trở thành phó tiến sĩ sử học. Nhưng chắc là vì cụ Hồ không thích, và việc cách mạng đang nóng, nhất là ở trong nước đang rất cần cụ Hồ về.
.
Viết dài dài như vậy là để thấy cụ Hồ bỏ học không phải là đi kinh doanh hay ngại khó ngại khổ hay vì lý do cái chi chi mà tôi cho rằng, cụ Hồ chăm chăm đi thực hiện sự nghiệp ba giải phóng: 1. Giải phóng dân tộc; 2. Giải phóng xã hội; 3. Giải phóng con người. Cái giải phóng 1 là điều kiện tiên quyết cho hai cái giải phóng sau. Cái giải phóng 1 và 2 cũng là điều kiện tiên quyết cho cái giải phóng 3. Và, cái giải phóng 3 mới là cái đích cuối cùng của sự nghiệp ba giải phóng của cụ Hồ. Chính cái giải phóng 3 này mới đưa lại cái vững chắc thật sự cho hai cái giải phóng trước.
.
Cụ Hồ đi để học. Trên ghế nhà trường mà học quan trọng lắm chứ ai bảo không quan trọng đâu. Nhưng, đối với hoàn cảnh của cụ Hồ thì khó mà ngồi trên ghế nhà trường như nhiều chúng ta. Nên, cụ Hồ tự học. Tự học cả ở sách, báo cụ Hồ đọc. Mà có lúc trong tù vớ được cái nào đọc cái đó, rồi ghi chép. Cái đoạn mà cụ Hồ viết về văn hóa mà về sau này thấy rất, rất nhiều người nghiên cứu hay trích dẫn, cho đó là định nghĩa/khái niệm về văn hóa, là cụ Hồ ghi chép của ai đó vào những trang cuối của tập thơ Đường “Ngục trung nhật ký” ấy chứ.
.
Thế cho nên, thêm khía cạnh nữa, tôi cho rằng, cụ Hồ có cách biểu đạt ngôn ngữ (nói, viết, hành động) không theo lối kinh viện. Cụ Hồ chẳng có bằng cấp cái chi chi hết, kể cả ngoại ngữ. Bây giờ, trong cái thời buổi người ta hay đòi trưng ra cái bằng cấp, chứng chỉ khi đề bạt hay tuyển dụng… (mà có không ít kẻ chạy bằng cấp, mua bằng cấp, thuổng bằng cấp do học giả bằng thật…), thì tôi đồ chừng rằng, nếu cụ Hồ nộp đơn xin thi tuyển vào đội ngũ công chức nhà ta hiện nay thì cụ Hồ bị rớt đầu tiên là cái chắc!
.
Viết hơi bị dài như bên trên là bởi vì tôi muốn đưa ra một ý là cụ Hồ hiểu nước Mỹ bằng chính tâm can, bộ óc của mình, chứ không phải hiểu một cách lớt phớt. Người nào mà tự học thành tài thì có bộ óc sáng lắm và có cái tâm lành lắm. Chưa kể là cụ Hồ đã sang nước Mỹ (năm 1913). Có người nói cụ Hồ sang Mỹ hai lần, có đến Boston, rồi làm trong tiệm nào đó. Một số người sau này ở cái tiệm ấy trưng ra cả cái bàn làm bánh để chứng minh cho cụ Hồ đã làm việc tại đó – Tôi đoán mò là họ làm PR đấy thôi!). Cụ có làm vườn (thuê) cho một gia đình người Mỹ. Khi buộc phải khai lý lịch cho một tổ chức nào đó, đến mục ngoại ngữ, cụ Hồ khai thành thạo tiếng Anh đầu tiên. Tiếng Anh sinh ra ở Anh, nhưng nhiều người nói với tôi là nó phát triển mạnh nhất ở Mỹ (Tiếng Anh – Mỹ). Cụ Hồ là người biết tiếng Anh kiểu Anh – Mỹ chăng? Có thể thế lắm.
.
Bây giờ viết về cảm nhận của tôi qua hai lần đi Mỹ.
.
1) Người Mỹ làm việc có hiệu quả
.
Họ làm việc đâu ra đấy. Thực chất. Thực lòng. Không vòng vèo. Không câu nệ thủ tục rườm rà.
.
Cái này khác ta lắm. Ta mà có đoàn nước ngoài vào làm việc thì cái phòng phải thật sang. Bàn ghế, hoa hoét hoành tráng. Có môn đăng hậu đối. Thậm chí chức sắc của ta còn cao hơn đoàn họ cơ. Còn ở Mỹ, lịch làm việc của bất cứ cơ quan nào cũng đều có trước lâu lắm rồi. Đoàn của tôi sang nằm ngoài kế hoạch của họ từ trước. Nhưng, là đoàn khoa học Việt Nam làm việc với Đại học Harvard, nên họ tiếp thật lòng. Không xã giao gì hết. Đi thẳng vào vấn đề. Hiệu quả là số 1.
.
Đấy, người Mỹ thực dụng là đấy. Thực dụng thế thì ai mà chẳng muốn học theo. Có khi làm việc ở cái phòng nhỏ, rất nhỏ, mấy cái ghế lèo tèo, tưởng cứ như làm việc ở bàn ăn cơm. Nhưng, hỏi đến đâu là giải thích, bày tỏ chính kiến, quan điểm, tri thức đâu ra đấy. Ăn uống giữa chừng cũng hết sức đơn giản. Các loại đồ uống để ở góc phòng, ai muốn uống loại gì thì nhấc mông dậy mà tự phục vụ lấy. Ăn trưa không bao giờ có bia, rượu (không biết bữa chiều tối có thế không – vì bọn tôi không ăn chiều – tối với nơi làm việc).
.
Tưởng là họ ít hiểu về Việt Nam. Nhưng không. Khi gặp một số câu hỏi khó của đoàn Việt Nam thì họ đều giải thích lại câu hỏi. Lạ! Câu hỏi khó là vì người hỏi dùng tư duy của người Việt Nam lúc này. Họ hiểu tư duy của người Việt Nam hiện tại về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, tâm lý, khoa học…(có khi hơn cả người Việt Nam hiểu về người Việt Nam ấy chứ). Mang tư duy của người Việt Nam (các nhà khoa học xã hội và nhân văn hẳn hoi) mà hỏi họ thì có lẽ họ cho rằng, chúng mình bị hâm, vì các nhà khoa học và chắc là nhiều nhà khoa học ở nước khác không nghĩ theo kiểu tư duy như vậy. Tôi không viết cụ thể ở đây được.
.
2) Người Mỹ thân thiện, chu đáo
.
Chúng tôi đến Mỹ đúng vào dịp ở Washington D.C. tổ chức Lễ hội 100 năm hoa anh đào. Người đến quá đông. Dọc hai bờ sông Pôtômác, tháp Bút chì, rồi ở các công viên là những rừng cây hoa anh đào đang rộ lên. Cách 100 năm trước, Nhật hoàng tặng cho Mỹ giống cây anh đào, Mỹ nhân nó lên thành một rừng. Đó là chưa kể ở chỗ này chỗ nọ, các công sở, trường học đều có một số cây ở các góc sân trang trọng, bắt mắt. Người dự Lễ hội đông, nhưng rất trật tự và thoải mái. Các xe vệ sinh nhiều và không có mùi hôi.
.
Điều này thì tôi có so sánh chút nhé. Khi sang Pháp trước đó, người ta nói với tôi là người Pháp tỏ ý chê văn hóa Mỹ. Chê gì thì tôi không biết. Chúng tôi tham quan khu tháp Eiffel, muốn đi tiểu nhưng tìm mãi mới thấy chỗ đi, rồi thất vọng, vì nhà vệ sinh bị khóa. Nhiều người, cả Tây, đành phải tìm gốc cây thôi. Thế mới biết, chỉ riêng việc này thôi, thì văn hóa Mỹ hơn đứt Pháp. Đông, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai cãi cọ nhau. Va chạm thì có, vì quá đông mà. Nhưng cãi nhau thì không. Cắp, trộm, cướp cũng không. Các quầy nhỏ người ta mua quà gì đó thì lúc chỉ có hai người thôi, thì người Mỹ cũng xếp hàng. Rất trật tự.
.
Điều này thì giống như ở Viêng Chăn của Lào. Tôi đến Lào vào tháng 11-2005, đúng vào dịp Lễ Thạt Luổng ở đó, tôi nhập vào đoàn người Lào. Đông vô kể. Nhưng chẳng nghe thấy tiếng cãi nhau, chẳng thấy cảnh móc túi, trộm cắp, ngoài rìa của Lễ hội thì không thấy cảnh ăn uống bẩn tưởi, lộn xộn, nhếch nhác và chặt chém, chèo kéo. Việt Nam mình sao không mang sách sang Lào mà học?
.
Đoàn chúng tôi sang Mỹ được đối tác bên ấy phục vụ như thượng đế. Không có kiểu vung tay quá trán khi họ chi tiêu cho đoàn Việt Nam. Khách sạn không 5 sao 4 sao chi chi hết. Có khi đêm về ngủ khách sạn không sao nào cả. Đi tút nút cả ngày, tối về tắm rồi vật ra giường mà ngủ một giấc thẳng cẳng thì 5 sao, 4 sao mà làm gì. Thực dụng của Mỹ đấy. Thế mới hay chứ. Thế mới biết là lần sang Hàn Quốc, đối tác cho đoàn ngủ ở khách sạn 5 sao. Đi biền biệt cả ngày, tận đến 10 giờ đêm đối tác mới cho lê về khách sạn. Vội tắm, rồi ngả ngay ra giường ngủ đến sáng hôm sau dậy lại đi, rồi tối mịt mới về phòng. Chẳng biết khách sạn đó tên là gì, hướng nào, khuôn viên ra làm sao, có những dịch vụ gì. Thế thì cần 5 sao để làm gì. Phí ơi là phí.
.
Gặp người Mỹ ở đâu thì người ta cũng chào. Thế mới hay. Cười thì lúc nào cần, đúng lúc, đúng chỗ thì họ cười tươi. Khác ta lắm, lúc cần cười thì không cười, xin nụ cười thì không cho. Lúc không cần thì lại cười hô hố (Nói xấu người Việt Nam mình tý nhé). Đến thăm bức tường ở Washington D.C. ghi danh các chiến binh Mỹ tử trận tại Việt Nam, nhiều người Mỹ biết chúng tôi ở Việt Nam mới sang, họ muốn nói chuyện với chúng tôi lắm.
.
Cây cối đường phố ở thủ đô nhiều lắm. Hè phố thoáng, lát gạch nung (gốm), chứ không cầu kỳ. Mà lại đẹp, sạch sẽ vô cùng. Không như ở ta lát cái gạch đá gì đó cứ bới lên bới xuống. Ở đường nào cũng có đường có rãnh riêng cho người khiếm thị (Hà Nội có rồi, nhưng ít quá). Bây giờ mới thấm cái tai hại sao Hà Nội lại đi chặt cây, Hà Nội là là có “đường cong mềm mại”, Hà Nội có “cướp có văn hóa” – Đấy là lời của quan chức Hà Nội nói đấy. Ôi, thủ đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội có Hồ Gươm nước xanh như pha mực, có Tháp Rùa soi bóng, có Tháp Bút viết thơ lên trời xanh (Ý thơ của anh Trần Đăng Khoa); thành phố vì hòa bình mà thế sao?.
.
3) Nước Mỹ có nhiều chính khách kỳ cục
Người dân Mỹ thì như thế. Dân tứ chiếng. Nhưng đã đến định cư ở Mỹ thì là lọt vào “cái nồi hầm” văn hóa Mỹ (theo cách nói của nhà văn hóa Hữu Ngọc). Họ nhanh chóng trở thành người Mỹ thực thụ không lâu sau khi đến Mỹ, với nghĩa là mang bản sắc, cốt cách của người Mỹ, đương nhiên còn lưu giữ cái bản sắc nơi gốc.
.
Nước Mỹ có cơ chế chính trị khác nước khác. Chỉ có tổng thống, một phó tổng thống. Không có thủ tướng. Có ít bộ thôi. 300 triệu dân (nói tròn số) nhưng bộ máy vô cùng gọn nhẹ, hiệu quả. Tổng thống xuất thân từ anh bán vé số, anh đồng nát, hoặc ông doanh nhân bất động sản chưa qua một giờ nào học về chính trị – hành chính từ sơ cấp, trung cấp hay cao cấp gì (như ông Đỗ Năm Trăm – Đỗ Nam Trung bây giờ) cũng không sao hết, miễn là có “đủ tiêu chuẩn” được đảng của mình và cử tri chấp nhận. Trước khi Clinton và Đỗ Nam Trung tranh cử tổng thống Mỹ thì ít người tin là ông Đỗ Nam Trung thắng. Thế mà ông tay ngang chưa hoạt động chính trị bao giờ này lại vô Nhà Trắng đấy.
.
Người Mỹ làm sao ấy! Dễ bị chính khách lừa lắm. Mà trong đội ngũ chính khách Mỹ, có không ít người hiếu chiến thật, có suy nghĩ cực đoan thật. Họ ít có tính kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của thiên hạ. Họ thực dụng ngay cả trong chính trị, với bạn bè. Họ sẵn sàng bỏ bạn, bạn vàng hẳn hoi. Thế mới kỳ! Một nước Mỹ đa dạng: có giàu, giàu nứt khố đổ vách; có nghèo, nghèo đến không có gì để ăn. Một nước Mỹ có những khu nhà lộng lẫy, choáng ngợp; nhưng cũng có những khu ổ chuột đầy trộm cướp, tội phạm và bẩn thỉu. Một nước Mỹ đầy tính nhân văn, nhưng cũng có một nước Mỹ chuyên đi bắt nạt nước khác. Một nước Mỹ đầy đầu đạn hạt nhân bảo là để bảo vệ hòa bình và tự vệ, nhưng lại bảo tao làm được nhưng mày không được làm! Một nước Mỹ tự do, tự do hết cỡ, được mua súng (tất nhiên có điều kiện cụ thể) mà không ở đâu trên trái đất này có, nhưng quá nhiều nhà tù để hãm lại cái tự do của con người.
.
Một nước Mỹ như vậy. Tôi cảm nhận như thế không biết có đúng không?
.
Đến đây, tôi nhớ lời cụ Hồ dẫn lại "Tuyên ngôn Độc lập" của Mỹ vào trong bản "Tuyên ngôn Độc lập" ở ta mà cụ Hồ tuyên đọc chiều ngày 2-9-1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
.
Không phải ngẫu nhiên mà cụ Hồ dẫn lại Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Cụ yêu cái tinh thần ấy của Mỹ lắm.
.
Một đất nước Việt Nam đầy biến động đã được cụ Hồ đưa vào dòng chảy chung của nhân loại với triết lý “Quảng giao để phát triển”. Mà nước Mỹ chính là một cái kênh để quảng giao.
.
Cái gốc của sự phát triển, triết lý phát triển của cụ Hồ còn là ở cái tinh thần quảng giao trên một tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển đều là anh em).
.
Cụ Hồ đưa đất nước Việt Nam mở cửa ra với thế giới. Cụ quan niệm rằng, Việt Nam là một bộ phận khăng khít của thế giới, nước Việt Nam là một quốc gia bình quyền và bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới (cái quyền tự quyết của dân tộc mà cụ Hồ nhắc lại ý của chủ nghĩa Uynxơn – Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ -- trong Bản yêu sách gồm 8 điểm của nhân dân An Nam do cụ ký tên “Nguyễn Ái Quốc” gửi Hội nghị Vécxây (Pháp) năm 1919. Cụ Hồ nói "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" là nói lên cái ước nguyện và mục tiêu bình quyền và bình đẳng của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.
.
Lịch sử không đi theo con đường thẳng tắp. Nó đầy dích dắc. Cụ Hồ đã ý thức được điều đó và quyết tâm đưa đất nước Việt Nam vào một quá trình phát triển của thế giới. Ngay sau đất nước giành được độc lập, một nước Việt Nam đã cố vươn ra hoà nhập với thế giới hiện đại mà vốn trước đó Việt Nam không có điều kiện để tham gia. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước đã mất độc lập, dân đã mất tự do, nước và dân đang ở thân phận nô lệ cho kẻ khác thì còn gì để mà chơi cái sân chơi trên toàn cầu.
.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đầu tiên là cụ Hồ muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ, một nước của phe Đồng Minh chống chủ nghĩa phátxít trong Thế chiến Hai. Trong lịch sử, bây giờ nhìn lại, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ quả thật thăng trầm và tệ hại nhất là ảnh hưởng xấu của chiến tranh. Chiến tranh đã phá vỡ các mối quan hệ thân thiện, đã kéo lùi bước tiến của cả hai dân tộc. Ít ai có được cái nhìn như cụ Hồ về mối quan hệ Việt – Mỹ, kể cả phía Mỹ.
.
Cụ Hồ có sự hiểu biết khá sâu về nước Mỹ, trong đó phải kể đến cả yếu tố cụ đã ở Mỹ. Bà Lady Borton (người Mỹ, giỏi tiếng Việt) đã viết một bài (bằng tiếng Anh, đã được dịch ra tiếng Việt) phân tích rất hay trong cuộc Hội thảo khoa học quốc gia-quốc tế được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19 đến ngày 21-9-2000 với chủ đề “Việt Nam trong thế kỷ XX”.
.
Trong bài viết của mình nhan đề "Hồ Chí Minh đã biết điều đó như thế nào?", Lady Borton cho biết: bà đã trao đổi ý kiến với Sáclơ Phen (Charler Fenn) – người mà năm 1945 là trung uý, thành viên của Cơ quan Chiến lược Mỹ (OSS), tiền thân của CIA sau này, người đã giới thiệu cho Hồ Chí Minh lúc ấy có mặt tại Côn Minh (Trung Quốc) để đưa một phi công Mỹ được Việt Minh cứu về cho tướng Chennault Sở chỉ huy Không lực 14 tại Côn Minh (ngày 29-3-1945).
.
Bà Lady Borton nói lại ý của Sáclơ Phen rằng: “Đây chính là điều mà các nhà sử học Mỹ sai lầm ở chỗ họ nghĩ rằng Hồ Chí Minh đã trực tiếp trích dẫn bản “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ. Cụ không hề trích dẫn. Trái lại, cụ Hồ đã sửa đổi tài liệu đó để khẳng định cách nhìn của cụ”. Cũng theo bà Lady Borton, cụ Hồ sửa đổi ở chỗ: bản của Mỹ, chữ “con người” là “men”, còn bản Tuyên ngôn độc lập của cụ Hồ viết là “tất cả mọi người”. Điều đó thì không để chỉ “men”, tức là không bao gồm phụ nữ, tầng lớp mà ở Mỹ, những người da màu được quyền đi bầu cử vào năm 1870, còn phụ nữ thì muộn hơn – sau năm 1920. Bà Lady Borton viết tiếp: “Hồ Chí Minh thông thạo tiếng Anh. Hẳn ông biết rõ sự khác nhau giữa “con người” (men) với “người” (people)”.
.
Cụ Hồ đã dẫn cả ý của Jenfferson (Hoa Kỳ) về quan hệ giữa dân với chính phủ trong tác phẩm "Đường kách mệnh" năm 1927 và trong khi nói chuyện với đồng bào, thân sĩ của tỉnh Thanh Hoá khi cụ đi theo con đường Chi Nê (Hoà Bình) đến thăm năm 1947: “Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng…Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đập đổ Chính phủ ấy đi, và gây lên Chính phủ khác” ("Đường cách mệnh"); “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” ("Bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hoá", ngày 20-2-1947).
.
Cụ Hồ đã chủ trương cứu phi công Mỹ trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, tranh thủ sự giúp đỡ quân đội Mỹ. Cụ Hồ hy vọng với ảnh hưởng của Mỹ, vốn là một nước Đồng Minh thắng trận trong Thế chiến Hai, để có thể ngăn chặn sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp vào Việt Nam.
.
Chưa hết, hai tháng sau khi nước Việt Nam đã giành được độc lập, tức là ngày 1-11-1945, cụ Hồ vừa nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời, vừa nhân danh Hội Văn hoá Việt Nam gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ, trong đó viết rõ: “Trong suốt nhiều năm nay, họ (tức là Hội Văn hoá Việt Nam – tôi chú giải thêm) quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”.
.
Cho nên, cụ Hồ “bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp”.
.
Đó quả thật là một tầm nhìn rất xa, rất cao. Giống như một người cao cờ nghĩ được hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn nước đi. Nhưng, vẫn có những người thấp cờ, tầm nhìn thấp, không gian thì hẹp và gần. Việc không thành do có cả tầm nhìn và nhiều nguyên nhân nữa từ phía khác.
.
Tháng 9 năm 1947, trả lời nhà báo Mỹ S. Êli Mâysi (S.Elie Maissie), phóng viên hãng tin Mỹ International New service, một người quan tâm nhiều đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, cụ Hồ tuyên bố đại cương chính sách đối ngoại của Việt Nam là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
.
Và thật ngạc nhiên là cụ Hồ tuyên bố với Liên hợp quốc trong thư gửi cuối năm 1946 rằng: “Trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:
.
1. Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.
2. Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.
d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân”.
.
Ngạc nhiên là bởi vì ngày nay đọc lại những dòng trên đây, thấy cụ Hồ nghĩ xa quá, đúng quá, cứ y chang những nội dung luật Đầu tư mà Việt Nam bắt đầu khởi động năm 1987 và phát triển về sau này. Cánh cửa đã mở từ sớm, nhưng oái oăm thay, chiến tranh cứ khép nó lại một cách phũ phàng. Mà phải rất lâu, rất lâu sau, mới mở trở lại được.
.
Mọi sự cố gắng của cụ Hồ về thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với Mỹ lúc này đã bị phía Mỹ đáp trả không tích cực. Không những không ủng hộ Việt Nam mà Chính phủ Mỹ còn dính líu, can thiệp khá sâu, đứng về phía thực dân Pháp ngay trong những năm đầu của cuộc chiến tranh Việt – Pháp. Đây là hệ luỵ từ quan điểm thực dân mà Mỹ theo đuổi.
.
Trong dịp thăm nước Pháp năm 1946, khi bên cạnh phái đoàn của ta đi Hội nghị Phôngtenblô, khi đang gồng mình để cứu vãn hoà bình, ngăn chiến tranh Pháp – Việt nổ ra, cụ Hồ đã vận cả văn hoá Khổng giáo phương Đông và triết lý văn hoá phương Tây để bày tỏ cho Chủ tịch Chính phủ Pháp G. Biđôn rõ: “Sự thành thực và sự tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại. Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Nghĩa là Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác – tôi chú giải). Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới (tức Hội nghị Phôngtenblô – tôi chú giải) sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp”.