Những góc nhìn Văn hoá

Tản văn Tô Hoài

Tô Hoài sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920. Những sáng tác đầu tay của ông in từ cuối năm 1940. Chỉ trong năm 1942 ông đã cho in các tập truyện O Chuột, Nhà nghèoGiăng thề (truyện vừa), Quê người (truyện dài), Xóm giếng (truyện dài). Tính đến nay nhà văn đã có bảy thập kỷ liên tục sáng tạo với hơn 150 tác phẩm trong đó có nhiều tác phẩm được độc giả trong ngoài nước đánh giá cao.

Trong giới văn chương, nhiều người yêu mến gọi ông là bậc trưởng lão. Có nhà phê bình hình dung ông như “con khủng long cuối cùng chưa hoá thạch”. Hiển nhiên là trong sự nghiệp văn chương của Tô Hoài, tản văn được kể đến sau cùng.Tuy nhiên tản văn của Tô Hoài cũng được viết bằng một tài năng lớn, một cây bút chuyên nghiệp. Chúng tôi chỉ trình bày những cảm nhận bước đầu về tản văn của Tô Hoài ở tập Giấc mộng ông thợ dìu (Nxb Hội Nhà văn, 2006) gồm 83 văn bản.

Tản văn là một loại văn bản phổ biến hiện nay, không chỉ xuất hiện trên những ấn phẩm văn chương mà còn có ở nhiều loại ấn phẩm khác. Thuật ngữ này khác thuật ngữ tản văn trong văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam trung đại. Xét theo cấu tạo ngôn ngữ, người ta chia văn học trước đây thành ba loại: tản văn (văn xuôi), vận văn (văn vần) và biền văn (văn biền ngẫu). Trong văn học hiện đại, tản văn là một tiểu loại của ký - một loại hình ở giữa văn chương và các loại văn bản báo chí, văn bản hành chính, công vụ. Gần với tản văn còn có tạp văn. Đối chiếu nhiều văn bản được các tác giả gọi là tản văn hoặc gọi là tạp văn thật khó nhận ra sự khác biệt.
Hai đề tài bao trùm trong tản văn của Tô Hoài là môi trường nhân văn và môi trường tự nhiên.
Viết về môi trường nhân văn, tác giả chú ý nhiều hơn đến những điều không hay không đẹp, thậm chí là những sự tha hoá đáng lo ngại. Có những thói xấu đã có từ lâu nhưng trong điều kiện của kinh tế thị trường, chúng gia tăng hoặc biến tướng. Tác giả phê phán những trò trai gái nhăng nhít (Đi câu; Cái quái thai nhà nghỉ), trò dựa vào người khác để trục lợi (Nhái; Gia truyền, cổ truyền, đặc sản), nhất là bày tỏ sự dị ứng với những thói rởm mới (Chịu không đoán được; Dô! Dô! Bốp! Bốp! ), thói ăn uống “quái đản” (chữ dùng của tác giả trong Con ốc mút)… Còn nhớ những thập niên đầu của thế kỷ XX, khi văn minh phương Tây du nhập mạnh, một nhà văn xuất thân Nho học đã cảnh báo về việc hễ văn minh tiến lên một bước thì đểu giả cũng tiến theo một bước. Không rõ có đến nỗi chúng song hành như vậy hay không nhưng lời người xưa quả không viển vông, vu khoát. Người ta phân biệt văn hoá với văn minh. Là người đã sống qua nhiều giai đoạn xã hội, đã đi nhiều nơi trong ngoài nước, ở đâu và lúc nào cũng có sự quan sát tinh nhạy, Tô Hoài hiểu những lợi ích của văn minh. Đồng thời phương diện khiến ông quan tâm là những giá trị văn hoá cũng phải được nâng lên tương ứng. Quan niệm này được nhà văn nói rõ trong tản văn Thành phố, gương mặt, con người: “Thành phố đổi mới, đổi mới để gánh vác trách nhiệm của người Hà Nội mới. Gương mặt thành phố và con người thành phố. Tư thế con người thế nào, thành phố thế ấy”.
Đời sống của tự nhiên xung quanh cũng là đối tượng được Tô Hoài quan tâm bởi cuộc sống con người diễn ra trong môi trường xã hội và môi trường tự nhiên.
Tô Hoài nhiệt thành ngợi ca tác dụng cao đẹp của thiên nhiên. Thiên nhiên giúp con người tẩy rửa bớt bụi trần: “Ngoài đường bây giờ cũng nhốn nháo, chỉ chốc lát có ngồi trên bờ trông ra hồ, mặt nước hồ Thiền Quang hay hồ Tây cũng được, thì tai mắt và trong bụng mới có thể yên yên. Bởi vì chí có mặt nước, mặt nước sáng trong, mặt nước xa xa gần gần mới như muôn thuở” (Loăng quăng). Đọc tản văn Tô Hoài, người ta nhiều lần bắt gặp những minh triết về tự nhiên. Chẳng hạn: “Có lần nghĩ về hồ Tây tôi đã tưởng như mình sống cả cuộc đời cũng chưa thể thấu hiểu được cuộc sống trước sau của người, của một vòng hồ ấy” (Hồ Tây).
Tản văn Tô Hoài cũng có một cảm thức truyền thống của người trí thức Việt Nam. Đó là những khi bị sinh hoạt xã hội làm cho mệt mỏi, phiền nhiễu, con người lại muốn được quay về sống chan hoà giữa tự nhiên. Theo Tô Hoài, cuộc sống hiện nay no đủ, thậm chí dư thừa nhiều thứ, nhưng có một thứ rất cần thiết lại thiếu: “ở trong thành phố bây giờ khó lòng còn nghe tiếng chim hót, chim kêu - Không kể mấy con khướu bị giam trong lồng. Nửa đêm về sáng cũng không còn tiếng vạc đi ăn đêm về kêu xa xa tiếng một. Họa hoằn chỉ nghe chim lợn bay kêu éc éc rợn tai - Con chim lợn báo điều không tốt lành đến, ai cũng sợ” (Thịt rừng, chim trời và con bướm).
Cuộc sống của con người luôn vận động, bởi vậy, quan hệ giữa con người và tự nhiên cũng thay đổi, tất nhiên theo cả hướng thuận và nghịch. Tản văn Chuyện con chim giàu ý nghĩa triết lý. Tác giả kể mấy mẩu chuyện. Có ông lão bán chim phóng sinh ở chùa Xá Lợi. Chim cứ bán cho người ta phóng sinh xong lại trở về lồng của ông lão để trên sân thượng. Có bà nuôi được con khướu rất khôn nhưng rồi phải thả vì suốt ngày con vật cứ báo có khách mà chủ nhà ở goá, chỉ có một mình. Chuyện thứ ba là theo lời khuyên của người ta, tác giả nuôi khướu bằng thịt bò thui, kết quả là chim phổng phao, lông đen nhánh như bôi mỡ nhưng không hót nữa. Bài tản văn phê phán sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phảng phất tư tưởng “vô vi” (không làm trái tự nhiên) của Lão - Trang.
Để làm rõ hơn những chuyện nhăng nhít hiện thời, để bộc lộ thái độ không chấp nhận chúng, Tô Hoài chắt chiu những giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc, hễ có cơ hội là đưa vào tác phẩm. Nếu thấy ở đây có chút hoài cổ có lẽ cũng hiểu được.
Tản văn Tô Hoài đa dạng. Dễ thấy nhất là ở dung lượng văn bản. Có những văn bản dài như Hội làng, Hồ Tây, 36 phố phường, Những quán cóc… Có những văn bản ngắn như Cái mâm chõng, Chuyện con chó, Kỷ lục thế giới… Chủ đề cũng đa dạng. Chẳng hạn ở chủ đề ngợi ca văn hoá cổ truyền, tác giả viết về vẻ đẹp của nhiều phong tục như tết rằm (Tết rằm), những phong tục trong hội làng (Hội làng), tục nặn tò he (Con tò he)… Sự đa dạng cũng thấy ở cách trình bày sự vật và biểu hiện tư tưởng tình cảm. Có những bài tản văn như một thiên hồi ức dài, chứa chan thi vị (Hội làng, Mưa mới), có những bài chỉ như nhật ký hành trình (cụm bài Qua miền Trung), có bài như một truyện ngắn mini (Tạnh mưa, Cái cốc ba mươi năm).
Tản văn Tô Hoài giàu thông tin. Có những văn bản giàu thông tin kiểu một văn bản văn chương, được viết với ký ức phong phú, với năng lực hư cấu dồi dào, câu chữ đầy sức gợi (Tết rằm, Hồ Tây, Cây hồ Gươm, Tết năm ấy ở Tà Sùa...). Nhiều văn bản giàu thông tin kiểu văn bản báo chí, tác giả trình bày rõ quan điểm của mình bằng các luận điểm rõ ràng với các số liệu phong phú (Bảo tồn di sản phố cổ, Làng thuốc nam, Nói lại mấy cái nhầm…). Tản văn Tô Hoài có những văn bản có thuộc tính của văn chương đích thực và cũng có những văn bản cận văn chương.
Người viết tản văn có nhiều cách để làm cho văn bản giàu thông tin. Có người đưa vào nhiều kiến thức tra cứu từ nhiều nguồn. Đây là một biểu hiện của lao động công phu. Có lúc Tô Hoài cũng sử dụng cách này. Tác giả tra cứu từ điển Từ và ngữ của Nguyễn Lân, Từ điển tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển, Dư địa chí của Nguyễn Trãi để tìm những tri thức cần thiết. Tuy nhiên kiểu này rất ít.
Nhiều tản văn của Tô Hoài phong phú chất liệu, khiến cho tản văn gần gũi với những tác phẩm thuộc các thể loại khác của cùng tác giả. Có cảm giác rằng trong khi có những tác giả phải đánh vật vất vả để huy động vốn sống cho một tản văn nào đó, thì ở Tô Hoài, ngược lại, phải tiết chế để vốn sống được sử dụng có chừng mực, nhất là khi đụng đến các loài cây cỏ, chim thú hay những phong tục truyền thống, đời sống dân nghèo ngoại ô… Đây không hề là chuyện ăn may hay tự nhiên nhi nhiên mà xuất phát từ ý thức sâu xa về nghề văn. Theo ông, vốn sống là chuyện cả đời chứ không phải ăn đong cho từng tác phẩm. Có những nghịch lý ở Tô Hoài. Trong văn học Việt Nam hiện đại, ông là một trong những nhà văn chuyên nghiệp tiêu biểu, từ cách làm nghề đến chất lượng và số lượng tác phẩm. Tuy nhiên, ông cũng lại là người ít đưa ra những tuyên ngôn văn học và không thần bí hoá nghề văn. Là một người nổi tiếng trong và ngoài nước do thành tựu văn chương nhưng ông không nề hà, vẫn nhận công việc ở tổ khu phố, một việc mà ai cũng biết là mất thì giờ và không ít phiền phức, khó chịu. Tuy nhiên, bù lại, ông thêm hiểu cuộc đời và con người.
Tản văn Tô Hoài đa dạng trong cách lập ý. Có những văn bản chỉ qua mấy câu mở đầu, thậm chí chỉ cần đọc nhan đề đã hình dung được sự việc và tư tưởng tình cảm của tác giả (Cần những hương ước đời nay, Qua miền Trung, Cái quái thai nhà nghỉ…). Đương nhiên, ở những văn bản này, tính chất báo chí trội hơn. Có những văn bản, đọc hết người ta mới lĩnh hội được ý tứ cơ bản (Cái cốc ba mươi năm, Tạnh mưa, Con khướu bạc má…). Tính chất văn chương rất nổi bật ở các tản văn này. Cũng có thể coi đây là những truyện ngắn hay.
Tản văn Tô Hoài dù bàn đến những chuyện lớn hay chuyện nhỏ, dù dài hay ngắn, đều được viết với tâm thế nghiêm túc mà thoải mái. Cách đặt và giải quyết vấn đề vì thế mà thấm nhập. Câu văn vì thế mà đa dạng, rất gợi và giàu sức thuyết phục. (Tô Hoài hơn một lần phàn nàn về việc một số người đánh giá không đúng về văn ông. Họ cho rằng nhiều khi không đúng mẹo tiếng Việt, cũng có nghĩa là không trong sáng).
Sáng tạo văn chương cũng như sáng tạo các loại hình nghệ thuật khác, trước hết phải dựa vào tài năng. Tuy nhiên không thể chỉ dựa vào tài năng mà xem nhẹ các hoạt động hữu quan vì đây là tài năng nhận thức và biểu hiện con người một cách nghệ thuật. Tô Hoài từng khẳng định rằng: “Tôi cực kỳ coi trọng viết văn và viết báo, nhưng đó là hai việc khác nhau giúp tôi cả đời và nó hỗ trợ nhau trong công việc”([1]). ý kiến này góp phần lý giải thành quả thể tản văn của tác giả.          
         
                                                              



([1]) Hà Minh Đức, Tô Hoài đờ,i văn và tác phm, Nxb Văn học, 2007, tr.48.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529371

Hôm nay

2114

Hôm qua

2304

Tuần này

21644

Tháng này

216067

Tháng qua

0

Tất cả

114529371