Mấy năm gần đây, việc phong học hàm, luôn để lại nhiều tranh luận, nhất là những tháng gần đây, chỉ thấy có vẻ ai cũng có lý (!) Người thì cho rằng nước ta đang hội nhập, nên phải theo chuẩn quốc tế, nghĩa là nội hàm của PGS/GS phải hiểu theo chuẩn quốc tế, những người khác tuy không ra mặt bác bỏ, nhưng có ý là, nội hàm phải hiểu theo đặc thù ngành, đặc thù quốc gia. Nhưng rõ ràng cũng như mọi cuộc chơi có giải, luôn phải có người cầm cái, và phải tường minh luật chơi. Như vậy nếu coi việc phong học hàm như một cuộc chơi, thì nhiều câu hỏi lập tức được đặt ra. Thậm chí người ta có thể không tổ chức cuộc chơi, nếu thấy không cần thiết, hoặc giả luật chơi còn chưa rõ ràng minh bạch, hay chưa tìm được trọng tài để người ta gửi gắm. Thật là sai lầm, nếu cho rằng số lượng có học hàm học vị cao trên đầu người ở ta còn thấp, mà kích thích tăng trưởng nhanh, thì nguy hại vô cùng. Vì đó là những thứ dứt khoát phải đạt chất lượng, nếu không sẽ chỉ phá hủy lâu dài nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Nước ta đã từng tạm dừng xét học hàm đến 5 năm, cho đến năm 2002 mới quay trở lại. Đã có ai đặt câu hỏi vì sao lại dừng, và việc dừng đó đúng hay sai chưa? Và hơn thế nữa, chắc chẳng có ai nghĩ 5 năm đó làm chậm phát triển khoa học nước nhà. Chưa kể nếu suy nghĩ tích cực và bản chất, thì 5 năm đó có khi khoa học lại phát triển thực chất hơn. Rồi còn cả một thời gian dài nước ta không tổ chức phong học hàm, đó là vì sao? Rồi có phải nhất thiết ngành nào cũng phải có PGS/GS hay không? Nhất là khi trình độ của cả ngành đó còn bất cập. Lập luận chung thì rất đa dạng, nhưng nên chăng phải xét trong khung cảnh hết sức thực tế về văn hóa, về con người, về khả năng tổ chức để thực thi, nếu không chỉ thêm phiền nhiễu, gây thêm bức xúc trong xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang cải cách hành chính, nên chăng chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ vấn đề xét học hàm hiện nay, từ mục đích, cách thức, tổ chức… đến việc có thể đoạn tuyệt với cách làm cũ.
Lưu ý rằng, trong ngạch công chức, chẳng hạn như trong giảng dạy đại học, đã có các ngạch giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp, ở các địa hạt khác cũng tương tự như vậy, và người ta tổ chức thi hoặc xét. Và dù có đạt học hàm nào, thì rồi cuối cùng khi trả lương, cũng phải xếp theo ngạch công chức. Trước đây nhiều người đã là giảng viên chính, rồi tiếp đó được nhận PGS, những người này về quyền lợi dường như không thêm được gì, có chăng chỉ giải quyết được “khâu oai” (!?) Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, có lẽ cần bóc tách rõ ràng: việc phong học hàm là phong danh, hay chuyển ngạch công chức ? Và nếu là phong danh, thì danh vì cái gì? Đặc biệt là cần làm rõ thực chất nội hàm của PGS/GS là gì, có độc lập với các ngạch công chức hay không? Rồi cần phải cụ thể hóa quyền lợi và nghĩa vụ của PGS/GS. Nếu những nội dung trên không làm rõ được, thì tự thấy ngay học hàm PGS/GS ở ta chỉ là một thứ mơ hồ, nhưng tiền thuế của dân thì bị mất thật, chưa kể nó còn có nguy cơ tạo nên một thứ bệnh dịch có hại cho nền học thuật.
Mọi cuộc chơi để tìm kiếm kẻ nổi trội đều phải xuất phát từ một nhu cầu tuyển dụng nào đó, của một ông chủ nào đó, nếu không chỉ là trò vui vô thưởng vô phạt. Ngày nay, một đại học nào đó tự chủ hoàn toàn, nhất là đại học tư, người ta có thể chỉ cần một số lượng PGS/GS nào đó trong biên chế cơ hữu, thậm chí là không có, nếu chưa tìm được người xứng đáng, vì điều này liên quan đến bố trí công việc, hoặc trả lương. Bởi vậy việc phong PGS/GS chỉ có thể có thực chất, khi mà quyền lợi và nghĩa vụ của các vị khoa bảng này, phải có một ông chủ cụ thể thực sự chịu trách nhiệm. Vì thế chỉ khi nào các cơ sở đào tạo, cũng như đơn vị nghiên cứu khoa học tự chủ hoàn toàn, thì việc phong PGS/GS mới có thể tiến tới thực chất, tất nhiên khi đó các chức danh này luôn gắn chặt với tên của một đơn vị cụ thể, chứ không thể có khái niệm “PGS/GS Nhà nước”.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong xu thế phát triển văn minh, người ta nỗ lực giải phóng nguồn nhân lực chất lượng cao, bằng việc giảm thiểu những chiếc “vòng kim cô ảo” kiềm tỏa cá nhân họ. Để làm điều này, rõ ràng mọi bằng cấp, danh hiệu cần phải đi vào thực chất. Nó thực chất không chỉ là sự tương thích giữa “cái danh” và “cái thực”, mà còn cần phải là nhu cầu thiết yếu của một xã hội văn minh. Trở lại vấn đề học hàm PGS/GS, bởi các học hàm này là học theo mô hình đại học của các nước tiên tiến, vì thế chúng ta cần phải hiểu nó như chính họ đã hiểu.