Văn hoá học đường

Nhen nhóm loại hình nghệ thuật Ca trù trong trường học

Trường THPT Diễn Châu 3 là trường học duy nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu thành lập được Câu lạc bộ Ca trù và đã tổ chức được buổi sinh hoạt chuyên đề “Dạy học gắn với bảo tồn loại hình nghệ thuật ca trù trong trường học”. Những nỗ lực của cô và trò nơi đây để Ca trù được đưa vào biểu diễn trong học đường nhằm giới thiệu đến các em học sinh một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đã được UNESCO ghi danh thật đáng ghi nhận.

Lễ ra mắt CLB Ca trù Trường THPT Diễn Châu 3. Ảnh: Thanh Loan

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, Ca trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, kết tinh những giá trị tinh thần văn hóa và lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, việc bảo tồn và gìn giữ di sản này vẫn chưa xứng tầm của nó. Nhất là trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Diễn Châu nói riêng. Mặc dù đây là một di sản gắn liền với thể thơ Hát nói được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường từ những năm 1990 nhưng việc dạy học gắn với bảo tồn di sản Ca trù vẫn chưa được chú trọng trong nhà trường.

Để nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo cho học sinh, tạo hứng thú trong học tập, đưa các giá trị tinh thần, văn hóa của dân tộc, quê hương gần hơn trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ, giáo dục ý thức trách nhiệm cho học sinh trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Ca trù, Trường THPT Diễn Châu 3 đã chú trọng đưa Ca trù vào trường học bằng nhiều hình thức như: sinh hoạt chuyên đề Ca trù, xây dựng chủ đề dạy học Hát nói Việt Nam thời trung đại, dạy học Dự án bảo tồn di sản Ca trù, hoạt động CLB Ca trù, hoạt động trải nghiệm giao lưu biểu diễn Ca trù…

Ngôi trường trong nôi của giáo phường Ca trù đại hàng Kẻ Lứ

Theo tài liệu nghiên cứu của nhà nghiên cứu Ca trù xứ Nghệ - Nguyễn Nghĩa Nguyên, xứ Nghệ có tới 4 giáo phường ca trù đại hàng là Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Kẻ Lứ (Diễn Châu), Kẻ Gắm (Yên Thành) và Cát Ngạn (Thanh Chương) cùng hàng trăm giáo phường Ca trù tiểu hàng là những gánh hát khắp các làng xã chịu ảnh hưởng của 4 giáo phường đại hàng nói trên.

Trong các giáo phường trên, giáo phường Ca trù đại hàng Kẻ Lứ là nổi tiếng và lâu đời, có một thời vàng son, rực rỡ nhất ở xứ Nghệ. Đến nay, Diễn Châu vẫn còn bảo tồn và phát triển được Ca trù, là đơn vị duy nhất đại diện cho Nghệ An tham gia các cuộc Liên hoan toàn quốc thường niên về Ca trù và giành được nhiều giải thưởng lớn.

Trường THPT Diễn Châu 3 qua 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành luôn quan tâm đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho giáo viên và học sinh; tổ chức nhiều chuyên đề văn học dân gian; chú trọng tổ chức kĩ năng sống hướng về nguồn cội cho học sinh trong các buổi ngoại khóa, trong các dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như thi gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền, thi làm mâm lễ dâng hương nhân ngày giỗ Tổ. Tự hào là ngôi trường nằm trong nôi của giáo phường Ca trù Kẻ Lứ, Trường THPT Diễn Châu 3 đã chú trọng nhen nhóm, lan tỏa loại hình nghệ thuật vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học độc đáo Ca trù trong nhiều hoạt động của nhà trường.

Ca trù đã được nhen nhóm trong lòng tuổi trẻ

CLB ca trù Trường THPT Diễn Châu 3 được thành lập từ năm 2020 theo nguyện vọng của những giáo viên và học sinh có cùng sở thích, niềm yêu mến đối với Ca trù. CLB không giới hạn số lượng nhưng những người tham gia phải có ý thức trách nhiệm, có niềm yêu mến thật sự với loại hình nghệ thuật Ca trù.

CLB do cô Cao Thị Huyền Lam, giáo viên Ngữ văn phụ trách và được chia thành các nhóm: Nhóm ca nương do em Dương Thanh Trúc làm Trưởng nhóm, với nhiệm vụ lựa chọn các bạn nữ có giọng hát tốt cùng lập thành một nhóm, liên kết với CLB Hát của nhà trường để tham gia trải nghiệm giao lưu biểu diễn. Nhóm đàn, trống do em Vũ Quốc Độ làm Trưởng nhóm, kết hợp với CLB Đàn của nhà trường. CLB sinh hoạt 2 tuần 1 lần vào chiều thứ 7, mỗi tháng một lần giao lưu với CLB của các xã và CLB Ca trù Phủ Diễn.

Thời kỳ đầu, các thành viên CLB tự tìm hiểu những kiến thức chung về loại hình nghệ thuật Ca trù thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Goolge,… sách, báo, đài, tạp chí. Các thành viên cũ tham gia hướng dẫn, cung cấp kiến thức cho các thành viên mới. Sau đó, các thành viên vừa học tập, vừa giao lưu gặp gỡ các nghệ nhân ở các xã Diễn Hoa, Diễn Liên, Diễn Yên… để tham gia các lớp học hát, đàn, phách rồi các nhóm cùng ôn tập tại trường. Khi đã khá thành thạo, các thành viên tham gia giao lưu biểu diễn trong các hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, liên hoan văn nghệ ở trường; tham gia các lớp tập huấn và biểu diễn của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Diễn Châu, của CLB Ca trù Phủ Diễn. Để CLB nhà trường hoạt động trải nghiệm đạt được kết quả, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các thành viên. Người phụ trách là cô giáo Huyền Lam đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, từ tập luyện đến các hoạt động giao lưu biểu diễn, động viên khích lệ học sinh, giúp các em mạnh dạn, tự tin thể hiện năng khiếu của bản thân. Mỗi thành viên trong CLB thực sự là chỗ dựa, niềm cảm hứng, tuyên truyền, lan tỏa tình yêu cho mọi người biết đến Ca trù.

Buổi sinh hoạt chuyên đề “Dạy học gắn với bảo tồn loại hình nghệ thuật Ca trù trong trường học” là một hoạt động mở rộng của CLB Ca trù Trường THPT Diễn Châu 3. Trong buổi sinh hoạt chuyên đề này, thầy cô và các em học sinh được nghe nghệ nhân Cao Xuân Thưởng chia sẻ về nguồn gốc, số phận chìm nổi và vẻ đẹp riêng độc đáo của Ca trù nói chung và Ca trù Kẻ Lứ nói riêng. Nghệ nhân cũng tâm sự về hành trình thắp lửa, nhen nhóm lại Ca trù của các bậc thầy tiền bối như thầy giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên và của chính mình, của CLB Ca trù huyện Diễn Châu đầy xúc động. Đó là một hành trình gian nan nhưng đầy niềm tin và hi vọng. Hình ảnh thầy Nguyễn Nghĩa Nguyên đã 80 tuổi trên chiếc xe đạp lọc cọc tới bất kì ngõ ngách vùng quê nào có hơi thở của Ca trù để học hỏi, để kết nối, để tìm nhân tố, để khơi dậy ngọn lửa Ca trù trên quê hương Hoan Châu, xứ Nghệ thật sống động, thật thấm thía. Những chia sẻ của nghệ nhân Cao Xuân Thưởng đã tiếp thêm động lực cho các thành viên CLB Ca trù Trường THPT Diễn Châu 3 và nhân lên tình yêu Ca trù trong mái trường này.

 

Các nghệ nhân biểu diễn bài Hương Sơn phong cảnh ca (lời thơ: Chu Mạnh Trinh) trong buổi sinh hoạt chuyên đề. Ảnh: Thanh Loan

Thầy cô và các em học sinh được xem các nghệ nhân CLB Ca trù huyện nhà biểu diễn, được hiểu rõ về một kép hát, về ca nương, kép đàn, quan viên với vai trò và vẻ đẹp riêng trong sự kết nối của họ. Ca nương ngọt ngào, đằm thắm, tình tứ hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp. Kép đàn đậm chất nghệ sĩ tài hoa. Quan viên thể hiện rõ khí phách của một đấng nam nhi quân tử. Nhạc cụ của Ca trù là trống, phách và đàn đáy. Trong đó đàn đáy là nhạc cụ có một không hai trong hệ thống nhạc cụ của thế giới. Mỗi lời ca của Ca trù gửi gắm bao khát vọng, hoài bão, bao tâm tư, bao triết lí cuộc đời. Giai điệu nỉ non, thánh thót hòa trong nhịp phách, nhịp đàn, nhịp trống mang đến một không gian nghệ thuật rất đặc trưng, đưa người thưởng thức về với những miền truyền thống lắng đọng sâu xa của dân tộc.

Cũng trong buổi sinh hoạt chuyên đề này, cô giáo Huyền Lam (phụ trách CLB Ca trù của nhà trường) đã chia sẻ về thực trạng của Ca trù trong các trường học hiện nay với sự day dứt, trăn trở và niềm khát khao Ca trù có đất sống, có không gian sống thực sự trong học đường.

Trong hành trình tìm hiểu Ca trù qua học liệu số, với các nghệ nhân như Ngọc Mai - ca nương từng 2 lần đạt Huy chương Bạc Liên hoan Ca trù toàn quốc cùng những trải nghiệm đầy thú vị của chính các em với Ca trù Kẻ Lứ, em Phạm Thị Phương chia sẻ: “Em phát hiện ra trong lớp có nhiều bạn có năng khiếu hát ca trù. Các bạn ấy thật giỏi. Em có thể hát không hay những em sẽ là người tuyên truyên viên xuất sắc để mọi người biết nhiều đến Ca trù. Em rất thích nghe Ca trù và sẽ nghiên cứu về Ca trù”. Còn em Võ Thị Hằng thì khẳng định: “Sau những trải nghiệm, em sẽ quyết tâm trở thành người tiên phong để bảo tồn Ca trù của Diễn Châu quê em. Yêu biết mấy giá trị tinh thần của dân tộc đã tồn tại hàng bao thế kỉ. Giá có thể sớm trở thành một ca nương lão luyện em sẽ khiến cho thật nhiều người không thể quay lưng với Ca trù”.

 

Học sinh vào vai các nghệ nhân Ca trù Ảnh: Thanh Loan

Thật mừng là trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Dạy học gắn với bảo tồn loại hình nghệ thuật Ca trù trong trường học” ấy, khi thầy giáo Phan Trọng Đông, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đặt câu hỏi cho các em học sinh: Em nào đã chớm yêu ca trù? Đã có rất nhiều cánh tay giơ lên. Ai cũng mỉm cười và hiểu rằng, Ca trù đã được nhen nhóm trong lòng tuổi trẻ và tin tưởng về sự lan tỏa của Ca trù trong ngôi trường Diễn Châu 3 này.

Bà Trần Thị Phương Thu - Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Diễn Châu khẳng định: Trường THPT Diễn Châu 3 là trường học duy nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu thành lập được Câu lạc bộ Ca trù, thật đáng khích lệ. Tin rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, niềm yêu thích ca trù của cô và trò, nghệ thuật Ca trù sẽ ngày càng lan tỏa không chỉ ở học đường mà ra cả cộng đồng.

Và tôi cũng tin như thế./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511559

Hôm nay

2222

Hôm qua

2336

Tuần này

21933

Tháng này

218432

Tháng qua

121356

Tất cả

114511559