Thứ nhất, cha mẹ không nên tâng bốc, khen ngợi con mình quá mức ngay khi có mặt của nó. Điều đó không mang tính khuyến khích, ngược lại tạo cho trẻ tính tự cao, bất cần đời, kiêu ngạo, không tôn trọng người đối diện (vì trẻ cho rằng mình hơn mọi người).
Thứ hai, lời khen nên tùy theo độ tuổi. Khi trẻ còn nhỏ thì lời khen mang tính “đại trà”, nghĩa là khen mọi lúc mọi nơi nhằm tạo cho trẻ có niềm tin. Nếu trẻ càng lớn dần, nên khen ít hơn nhưng thiết thực hơn và lời khen cũng giản đơn hơn. Chẳng hạn: “Con nấu nồi cơm này cũng không đến nỗi tệ, cố gắng nhé!”, “Tuy môn toán con được điểm 10 nhưng không có nghĩa là con giỏi, hãy chứng tỏ thành tích mình bằng việc học tốt, hạnh kiểm tốt, cha (mẹ) rất hoan nghênh con”…
Thứ ba, hạn chế những lời khen cho những việc không cần thiết. Cứ một chuyện nhỏ nhặt mà khen lấy khen để sẽ làm trẻ thụ hưởng. Vì nếu không hken ngợi, ca tụng, trẻ sẽ không chịu làm bất cứ việc gì, đôi khi trẻ còn xem rằng mình là nhân vật quan trọng. Chẳng hạn khi cha mẹ nhờ trẻ rót giùm ly nước, không nên khen: “con giỏi quá!” mà cần nói: “Cảm ơn con!”.
Thứ tư, không nên khen trẻ bằng việc tặng thưởng những đồ vật có giá trị. Giả dụ, một người cha bảo rằng nếu con mình thi đậu đại học, sẽ tặng cho con một sợi dây chuyền vàng, một chiếc xe gắn máy tay ga, laptop… Những đồ vật tặng thưởng nên chỉ mang tính tượng trưng và có giá trị thấp như: đôi giày, quần áo, vé xem ca nhạc… Bởi vì giá trị càng lớn khiến cho trẻ xem chuyện học hành hay công việc nào đó như là cuộc mua bán, và theo thời gian, trẻ càng thích “ra giá” với ba mẹ những đồ vật có giá trị hơn khi ba mẹ yêu cầu trẻ làm việc gì. Nếu muốn tặng quà giá trị cho con, khi thấy cần thiết, thì cứ mua cho trong một dịp nào cũng được, chứ không nên khuyến khích trẻ theo kiểu này.
Như vậy, lời khen cũng rất cần kèm theo lời cảnh báo, nhắc nhở để trẻ biết được giới hạn hành vi của mình, cũng như giới hạn và giá trị của lời khen đó. Có như thế, lời khen sẽ biến thành “kim chỉ nam” giúp trẻ năng vận động ở hiện tại và tương lai.