Nhìn ra thế giới

Tập Cận Bình loại "Người kế nhiệm cách thế hệ"

Vừa qua, Tập Cận Bình đã gấp gáp (ngày 15/7 công bố miễn nhiệm chức Bí thư Trùng Khánh, ngày 24/7, chỉ sau 9 ngày quyết định lập án điều tra xử lý) hạ bệ Tôn Chính Tài, một trong hai nhân vật được thế hệ tiền nhiệm chỉ định, sẽ là người kế nhiệm thế hệ 6 của Đại hội 20, sau khi Tập hết nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2022. Đây có phải là trường hợp cá biệt của Tập hay không ? Để hiểu rõ vấn đề, cần đi ngược lịch sử các thế hệ lãnh đạo Trung Cộng đã tiến hành việc “giao ban thế hệ” (chuyển giao quyền lực) như thế nào?

Theo sự phân tích của Hà Thanh Liễn, (nhà theo dõi tình hình chính trị Trung Cộng), kể từ khi chính quyền chuyên chế Đỏ đầu tiên trên thế giới ra đời ở nước Nga đến nay, việc thay đổi người lãnh đạo cao nhất chính quyền đảng cộng sản trước nay chỉ có hai cách : một là chỉ định trước khi người lãnh đạo cao nhất qua đời, hai là sau khi người lãnh đạo cao nhất qua đời, tầng cao lãnh đạo qua sự đấu tranh qua lại nhiều lần, cuối cùng, hoặc là thần phục vào một người, hoặc là do một nhóm người lãnh đạo cùng nắm quyền. Nếu là tầng cao thần phục vào một người, là trở thành mô thức lãnh đạo tập quyền cá nhân. Nếu là nhóm người lãnh đạo cùng nắm quyền là trở thành cái gọi là mô thức lãnh đạo tập thể.

Thời kỳ, Xô Cộng cầm quyền, chưa từng xuất hiện tình hình chỉ định người kế nhiệm trước khi người lãnh đạo cao nhất qua đời. Lênin khi còn sống không vừa lòng với Stalin, nhưng sau khi Lênin mất, quyền lực cao nhất của Xô Cộng cuối cùng lại vào tay Stalin. Sau khi Stalin mất, tuy nhiều lần thay đổi người lãnh đạo cao nhất, nhưng người lãnh đạo cao nhất qua các lần thay đổi, vẫn chưa hình thành được mô thức lãnh đạo tập quyền cá nhân thực sự, vì vậy thời kỳ dài Xô Cộng vẫn trong trạng thái mô thức lãnh đạo tập thể.

Còn người lãnh đạo cao nhất Trung Cộng lại nghiêng nhiều về kiểu đẽo gọt đối với vấn đề “người kế nhiệm”. Sau khi Mao Trạch Đông phát động “Đại nhảy vọt”, cả nước lâm vào nạn đói, hàng chục triệu nông dân chết đói, để trốn tránh trách nhiệm cá nhân, Mao đẩy cái đống tan hoang này cho Lưu Thiếu Kỳ thu dọn, Mao “thoái cư” về tuyến hai. Ngày 24/9/1961, khi Mao tiếp nguyên soái Anh Quốc Mơng-Cơ-Mari (?) ở Vũ Hán, lần đầu tiên Mao báo với khách nước ngoài, người kế nhiệm mình là Lưu Thiếu Kỳ. Nhưng đó chỉ là “tung hỏa mù” của Mao mà thôi, thực tế lúc đó trong thầm kín Mao đang tìm cơ hội để đánh đổ Lưu Thiểu Kỳ. Mao phát động “đại văn cách” cũng là nhằm đạt mục đích này. Tiếp đó Mao đưa Lâm Bưu là “người kế nhiệm” và được ghi vào Điều lệ đảng hẳn hoi, thế mà hai năm sau Lâm Bưu chết không phải vì số mệnh một cách thảm hại (đến nay vẫn chưa được mở ra sự thật về cái chết của Lâm Bưu).

Sau khi Mao qua đời, vai trò Hoa Quốc Phong người được Mao chỉ định là người kế nhiệm quá non kém, nhanh chóng buộc phải từ chức.

Một loạt nguyên lão Trung Cộng Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, v.v… bắt đầu nắm quyền tập thể. Trong thời kỳ này, Đặng Tiểu Bình đứng đầu 8 vị nguyên lão nắm quyền lãnh đạo. Đặng đã chỉ định Hồ Diệu Bang là Tổng Bí thư, rồi lại bị Đặng hạ xuống, Đặng lại chỉ định Triệu Tử Dương lên thay, chẳng được bao lâu lại bị Đặng hạ xuống. Trước vụ thảm sát Thiên An Môn - 04/6/1989, Giang Trạch Dân được chỉ định kế nhiệm. Giang lên nắm quyền lại múa theo nguyên lão phái bảo thủ Trần Vân, Đặng không bằng lòng, định hạ Giang xuống, nhưng một số nguyên lão khuyên can, “sự bất quá tam”, nếu hạ tiếp Giang sẽ bất lợi cho uy tín Đặng, nên Giang không bị hạ, nhưng Đặng đã cảnh cáo “kẻ nào không cải cách thì hạ kẻ đó xuống” trong khi Đặng đi thị sát phía nam. Thời gian này vị trí người kế nhiệm của Giang bị sóng gió.

Để ổn định chính quyền Trung Cộng, cuối đời, Đặng Tiểu Bình đưa ra chủ trương chế độ hóa “thê đội người kế nhiệm” (Thê đội là hai người, một sẽ là Tổng Bí thư, một sẽ là Thủ tướng), với nội dung là trong thời gian 10 đến 20 năm (tức là chuẩn bị trước một đến hai thế hệ lãnh đạo, gọi tắt là – cách thế hệ) xây dựng “thê đội người kế nhiệm” của người lãnh đạo cao nhất đương nhiệm, giới hạn nhiệm kỳ của thành viên tầng lãnh đạo cao nhất đương nhiệm, có trách nhiệm chăm lo bồi dưỡng đối với thành viên “thê đội dự bị”, mãn khóa chuyển giao cho “thê đội người kế nhiệm.”

Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo là kết quả của lứa đầu tiên do Đặng chỉ định theo chủ trương chế độ hóa chỉ định người kế nhiệm, Hồ thay thế Giang, Ôn thay thế Chu Dung Cơ.

Thế hệ Giang Trạch Dân chỉ định “thê đội người kế nhiệm” cách thế hệ là Bạc Hy Lai, Lý Khắc Cường. Bạc Hy Lai liên quan vụ chính biến, bị hạ bệ, Tập Cận Bình thế chân ngay trước Đại hội 18.

Ở đây, nói rõ thêm, tại sao Tập Cận Bình lại lọt vào đây ? “Thê đội người kế nhiệm” trúng ý nhất đối với tầng cao thời đại Đặng Tiểu Bình phải là “hồng nhị đại”( đỏ thế hệ hai-con cái của thế hệ cách mạng thứ nhất). Nhưng phần lớn con cái của thế hệ một này, trong thời kỳ “đại văn cách” dựa vào quan hệ quyền lực của thế hệ cha, dạt vào bộ đội, lên núi xuống thôn trốn tránh, đến khi kết thúc “đại văn cách”, khôi phục thực hiện thi tuyển vào các trường đại học cao đẳng, số đã vào làm việc trong quân đội, không có điều kiện thi vào đại học. Trong số họ, số có trình độ đại học không nhiều. Số dạt về địa phương, tham gia công tác từ cơ sở, trải qua quá trình rèn luyện thực tế mà đi lên thuận lợi, nhưng cũng không nhiều. Chỉ mấy “tuyển thủ” chạy đua “đường dài Maratông” vào chính trị như Trần Nguyên con trai Trần Vân “khởi chạy” nhanh nhất, thứ đến Lưu Nguyên con trai Lưu Thiểu Kỳ, nhưng gặp sóng gió quan trường nên hai vị này nửa đường rút lui cuộc đua. Còn lại Tập Cận Bình con trai Tập Trọng Huân và Bạc Hy Lai con trai Bạc Nhất Ba tiếp tục tham gia cuộc đua, cuối cùng Tập Cận Bình “về đích”. Đến nay, thế hệ “hồng nhị đại” cũng cận kề tuổi hưu, không gian “thê đội người kế nhiệm” bị trống khuyết là cơ hội tốt cho các thế hệ Đoàn thanh niên, nhất là trong những năm Hồ Diệu Bang làm Tổng Bí thư đã chú trọng thực hiện “trẻ hóa, tri thức hóa” đội ngũ, nên có nhiều nguồn từ Đoàn thanh niên để lựa chọn. Nhưng mấy năm gần đây, hoạt động của Đoàn Thanh niên giảm sút, nhiều lần bị Tập có ý kiến. (Đối với cán bộ Đoàn, ý kiến Tập “nói khoa học công nghệ nói không xong, nói văn nghệ nói không thông, nói công việc nói không được, nói đời sống nói không trúng, nói tới nói lui, chỉ mấy câu nói suông, mấy câu sáo rỗng, cũ mèm, không có cùng với tiếng nói của thanh niên, không có cùng sở thích với thanh niên, không là con dê đầu đàn mà là đuôi dê.”) Tập phê phán gay gắt cán bộ Đoàn, không phải là có ý gì với Hồ Cẩm Đào, mà chính là chỉ Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ trực tiếp nắm, chỉ đạo công tác Đoàn thanh niên. Có lẽ vì vậy, mà Bí thư TW Đoàn Thanh niên vừa rồi cũng không trúng Đại biểu Đại hội 19.

Thế hệ Hồ Cẩm Đào chỉ định “thê đội người kế nhiệm” cách thế hệ là Tôn Chính TàiHồ Xuân Hoa sẽ kế nhiệm khi Tập Cận Bình, Lý khắc Cường mãn nhiệm.(Có tin nói Tôn Chính Tài là do Giang chỉ định, là người của Giang. Cũng có ý kiến, đây là sản phẩm của sự thỏa hiệp giữa các phái tại Đại hội 18, chứ không phải chỉ riêng của Giang.)

Vừa rồi Tôn Chính Tài đã bị Tập Cận Bình hạ bệ. Đến đây coi như chủ trương chế độ hóa xây dựng “thê đội người kế nhiệm” của Đặng Tiểu Bình bị xóa bỏ. Tại sao vậy ?

Như trên đã trình bày, từ thời Mao đến Đặng cho thấy việc lựa chọn “người kế nhiệm” thế hệ tiền nhiệm thực chất là một “trò chơi quyền lực”, là một trong các “thủ đoạn đấu đá quyền lực” của kẻ độc tài thế hệ trước với kẻ độc tài thế hệ sau, của kẻ độc tài sau đối với kẻ độc tài thế hệ trước, của thể chế độc tài chuyên trị. Cái gọi là “thê đội người kế nhiệm” không phải do tập thể Ban Chấp hành TW, chưa nói đến toàn đảng lựa chọn ra, mà chỉ là của tầng cao quyền lực (Cục chính trị, hoặc Thường vụ Cục chính trị, thậm chí chỉ do Chủ tịch đảng, Tổng Bí thư) lựa chọn, quyết định theo ý đồ của mình, nhất là phải tuyệt đối trung thành với mình, tiếp tục chịu sự chi phối điều khiển sau rèm của mình (không phải theo yêu cầu sự nghiệp chung, trung thành với sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân), rất sợ thế hệ sau phản lại mình, Như Giang khi buộc phải giao lại quyền lực cho thế hệ kế nhiệm, di chúc lại hai điều : không được xem xét lại vụ Thiên An Môn ngày 4/6/1989; không được ngơi tay đánh dẹp Pháp luân công (Chính đây là hai trong các tội lớn của Giang), và vẫn đứng đằng sau khổng chế “thế hệ kế nhiệm” - Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo. Chính vì vậy, từ Mao, Đặng, đến Giang đưa lên đẩy xuống, cài lại những “người kế nhiệm”, cuối cùng chẳng có “người kế nhiệm” nào không lâm vào cảnh thảm hại, từ Lưu Thiểu Kỳ, Lâm Bưu, Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương và ngay cả Giang Trạch Dân.

Còn thế hệ sau không tin tưởng vào  “thê đội người kế nhiệm” do thế hệ trước lựa chọn, quyết định, nên chống lại, nhẹ và gián tiếp sâu độc như Giang về bề ngoài buộc phải chấp nhận đối với thê đội người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, thực chất bên trong là bằng nhiều thủ đoạn tiếp tục khổng chế toàn diện hoạt động của Hồ Cẩm Đào để Hồ không thể làm được gì của vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy TW. Còn trực diện trực tiếp hơn như Tập Cận Bình, là nhanh chóng hạ bệ Tôn Chính Tài.

Đứng về góc độ công tác tổ chức cán bộ, đây là thể chế “quan chọn quan cho quan”, không phải “dân chọn quan cho dân”, là biến thể của thể chế “cha truyền con nối” mà nay đang tồn tại ở Bắc Triều Tiên. Một thể chế phi dân chủ, phi khoa học, lạc hậu, lạc lỏng với xu thế thời đại văn minh thế kỷ 21.

 Vậy Tập Cận Bình hạ bệ “thê đội người kế nhiệm” do thế hệ trước chỉ định, có phải là Tập xóa bỏ “chế độ hóa cơ chế chỉ định trước người kế nhiệm” như ý kiến của một số nhà phân tích đưa ra ? Không phải vậy. Tập xóa bỏ là xóa cái danh sách người kế nhiệm do thế hệ trước đinh ra, để đưa ra người của mình theo cơ chế, qui tắc theo ý định của mình định ra, nhưng về bản chất là không phải xóa cái cơ chế “quan chọn quan cho quan”, “Tổng Bí thư chọn Tổng Bí thư cho Tổng Bí thư”, “Bang chủ chọn Bang chủ cho Bang chủ” này để chuyển sang cơ chế “Dân chọn quan cho dân”, mà là Tập đã và đang tích cực định ra qui tắc của mình như đã định ra nguyên tắc “cán bộ lãnh đạo có thể lên có thể xuống”, tức là không lệ thuộc vào độ tuổi, mà tùy theo nhu cầu công việc, coi như đã xóa nguyên tắc “7 lên, 8 xuống”, và một số nguyên tắc qui định khác. Đồng thời tiến hành có bài bản, luôn điều chỉnh, loại bỏ, thay đổi, bổ sung, hoàn chỉnh dần từng bước việc bố trí “thê đội người của mình” “quân nhà Tập” cho trước mắt và lâu dài trong toàn hệ thống, từ tầng cao nhất đến các hệ thống then chốt trọng yếu nhất.

Tập đã lựa chọn và bố trí “người kế nhiệm mình” trong tương lai theo nhiều nguồn tin là Trần Mẫn Nhĩ, hiện là Bí thư Trùng Khánh, đến Đại hội 19 sẽ nhảy 3 bậc vào Thường vụ, thay  vị trí Lưu Vân Sơn, (Như Đặng Tiểu Bình, gặp người ưng ý của mình là đưa lên mấy bậc, như trường hợp Chu Dung Cơ, năm 1958 bị đánh là “phái hữu”, sau “đại văn cách” được giải oan, được đưa vào Ủy ban kinh tế quốc gia, Chủ tịch và Bí thư Thành phố Thượng Hải, rồi Phó Thủ tướng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tại Đại hội 14 được bầu là ủy viên TW dự khuyết, Đặng Tiểu Bình đã đưa lên 3 bậc là Thường vụ Cục chính trị, mấy tháng sau lên giữ chức Thủ tướng. Hoặc Giang Trạch Dân đưa Tăng Khánh Hồng, năm 2002 là Trưởng ban Tổ chức TW chỉ là ủy viên dự khuyết Cục chính trị, nhảy 3 bậc vào Thường vụ Cục chính trị. Hoặc thời Hồ Cẩm Đào đưa Lý Khắc Cường (thuộc phái Đoàn Thanh niên) nhảy 2 bậc vào Thường vụ. Tập đưa Trần Mẫn Nhĩ lên 2, 3 bậc coi là bình thường).

Suốt 5 năm qua, Lật Chiến Thư, Vương Lô Ninh được coi là hai cánh tay phải trái của Tập về đề xuất soạn thảo các văn kiện có tính tư tưởng, đường lối, ý đồ, chiến lược, chủ trương, chính sách, v.v… trên mọi lĩnh vực, nhưng Tập lại thiếu một Tư lệnh là người của mình để truyền bá ra ngoài trung thực, đầy đủ những nội dung này, mà lại luôn bị bóp méo qua hệ thống do Lưu Vân Sơn nắm, thao túng.

Trần Mẫn Nhĩ đã từng là cấp dưới và có cống hiến lớn về tuyên truyền  khi Tập là Bí thư Triết Giang. Trong thời gian dài Trẫn Mẫn Nhĩ chuyên công tác trong hệ thống cơ quan Tuyên truyền của đảng từ cơ sở đi lên Tổng biên tập Báo đảng tỉnh, rồi lên cấp cao, có thể nói là chuyên sâu về mảng Tuyên truyền, sẽ có tác dụng rất lớn đối với lãnh đạo cường quyền Tập Cận Bình. Hai bên rất hiểu rõ nhau, nhất là Trần Mẫn Nhĩ rất hiểu rõ “tư tưởng” và hệ thống lý luận của Tập, sẽ là phò tá hiệu quả cho “đại nghiệp” Tập Cận Bình. Nếu vào Thường vụ, Mẫn Nhĩ sẽ phụ trách “công trình trọng đại” thế hệ III bao gồm cả  “người kế nhiệm Tập” do Tập Cận Bình mở ra, Trần Mẫn Nhĩ sẽ là người kế nhiệm Tập sau này với trọng trạch là kế tục sự nghiệp Tập Cận Bình sau này, kể cả khi không còn Tập Cận Bình. (Lâu nay đều quan niệm Tập Cận Bình là người lãnh đạo Trung Cộng “thế hệ thứ 5”, nhưng gần đây có dư luận, tại Đại hội 19 sẽ phân chia lại các thế hệ Lãnh đạo TC : Thế hệ I là Mao Trạch Đông, trong đó bao gồm Hoa Quốc Phong; Thế hệ II là Đặng Tiểu Bình, trong đó gồm cả thời kỳ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào; Thế hệ III là do Tập Cận Bình mở ra, trong đó gồm cả “người kế nhiệm” Tập sau này. Phân chia như vậy mới làm nổi bật được ý nguyện Tập sánh vai ngang hàng với Mao, Đặng.)

Hồ Xuân Hoa, là người thuộc phái Đoàn Thanh niên, người của Hồ Cẩm Đào, cũng là người được chỉ định là “thê đội kế nhiệm” cùng với Tôn Chính Tài, xét về độ từng trải, là người có nhiều kinh nghiệm trên chính trường, Tập vẫn trọng dụng, nhưng xét về sự hiểu biết nhau và về tuổi tác không thể tiếp tục lâu dài về sau như Trần Mẫn Nhĩ, nên Tập không chọn Hồ Xuân Hoa. Nhưng từ giờ đến Đại hội 19 có thể còn có biến số từ kết quả đấu tranh, thỏa hiệp quyền lực giữa các phái ở tầng cao Trung Cộng; còn biến số ở bản thân Trần Mẫn Nhĩ xử lý các vấn đề “dư độc” của Bạc Hy Lai và các vấn đề kinh tế, xã hội, nội bộ chính trị, lòng cán lòng quân lòng dân ở Trùng Khánh thế nào. Đấy là chưa nói tới, khi đã có dấu hiệu rõ ràng sẽ là “người kế nhiệm” thì cũng là lúc trở thành “tấm bia cho mọi phía” nhắm vào, thậm chí bắn vào.

(Còn riêng quan hệ Tập Cận Bình với Trần Mẫn Nhĩ, vắn tắt thế này : Năm 2002, trước Đại hội 15, Tập mới là Quyền Chủ tịch tỉnh được điều về Triết Giang, từ đó thuận lợi vào TW khóa 16, công khai tiếp nhận Bí thư tỉnh ủy Triết Giang. Lúc này Trần Mẫn Nhĩ cũng vừa được vào Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tuyên truyền tỉnh ủy không lâu trước đó. Trong thời gian Tập chủ chính Triết Giang, Trần Mẫn Nhĩ vẫn là trợ thủ lĩnh vực tuyên truyền cho Tập. Tập rất coi trọng công tác tuyên truyền và thích viết bài đăng báo. Từ tháng 25/2/2003 đến tháng 25/3/2007, Tập đã viết các chuyên luận ngắn đến 232 bài đăng trên chuyên mục “Lời nói mới của Giang” (Chi Giang Tân Ngữ, Giang ở đây là chỉ Triết Giang) của Nhật báo Triết Giang. Những bài viết này của Tập trở thành những ý tưởng, quan niệm về lĩnh vực chính trị về cầm quyền của Tập. Tháng 5/2007, những bài viết này được tập hợp lại in thành sách  xuất bản với tên sách là “Chi Giang Tân Ngữ” và Tập Cận Bình lấy bút danh là “Triết Hân” với ý là “Sáng tạo mới Triết Giang” trong thời gian Tập ở Triết Giang. (Chữ “Hân” ở trong bút danh, vốn nghĩa là vui mừng, hân hoan, nhưng đồng âm với chữ “Tân” là mới nên lấy ý là “sáng tạo mới”). Theo phân tích của Mã Hạo Lượng, Phó Tổng biên tập Phân xã “Đại Công báo”, những người liên quan trong “Chi Giang Tân Ngữ” cùng Tập thời ở Triết Giang có Thái Kỳ, Hoàng Khôn Minh, Chung Thiệu Quân, Thự Quốc Tăng, Hạ Bảo Long, Lý Cường, Trần Mẫn Nhĩ, Ba-In-Sáo-Lũ, Lâu Dương Sinh, Ứng Dũng, Trần Đức Vinh đều là tốp độc giả đầu tiên của kho trí tuệ chính trị, phương hướng tư tưởng của “Chi Giang Tân Ngữ”, thậm chí được gọi là một đội “Chi Giang Tân Quân” (cánh quân mới của Triết Giang). Sau Đại hội 18, những người này lần lượt được điều động bố trí vào các vị trí càng quan trọng. Như Thái Kỳ được điều về làm Bí thư Bắc Kinh, Ứng Dũng về Thượng Hải, Trần Mẫn Nhĩ về Quí Châu, rồi Trùng Khánh, v.v… Riêng về Trần Mẫn Nhĩ, Tập đã đi các bước : năm 2015, Trần Mẫn Nhĩ mới là Phó Chủ tịch thường trực Triết Giang, Tập bố trí nhảy dù xuống Quí Châu làm Phó Bí thư kiêm Chủ tịch. Như vậy chỉ còn 2 năm rưỡi là đến Đại hội 17, cần mở lối cho Trần Mẫn Nhĩ đi lên. Không lâu sau đó, có quyết định của TW điều động Triệu Khắc Chí (sinh 1953) đang là Bí thư Quí Châu, về làm Bí thư Hà Bắc đến hết nhiệm kỳ,(vừa 65 tuổi, đúng với qui định tuổi nghỉ hưu đối với người đứng đầu địa phương), và Trần Mẫn Nhĩ thay thế, làm Bí thư Quí Châu. Bước tiếp theo là vừa rồi điều về làm Bí thư Trùng Khánh, thế chỗ Tôn Chính Tài. với đà này, đến Đại hội 19, nếu không gặp biến số nào, sẽ vào Thường vụ nắm lĩnh vực Tuyên truyền báo chí, quản lý “quyền tiếng nói” của Tập.)

Qua đấy để thấy đường đi nước bước của Tập đối với Trần Mẫn Nhĩ nói riêng, đối với cách bố trí dùng người, nhất là những người thân tín của Tập tuy là có chủ động tính toán các bước đi trước sau kỹ càng, chứ không phải đột nhiên, bị động, nhưng đó chỉ mới là “người tính”, chưa là đáp số cuối cùng, và liệu Trần Mẫn Nhĩ có trở thành “người kế nhiệm”  trọn vẹn đầu tiên trong lịch sử Trung Cộng hay không ? Hãy chờ xem !

(Nguồn : Mạng chính thống và không chính thống ở Trung Quốc.)

Hà Nội, 15/9/2017. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114471141

Hôm nay

2128

Hôm qua

2311

Tuần này

21621

Tháng này

217947

Tháng qua

119210

Tất cả

114471141