Những góc nhìn Văn hoá

VỀ KHOẢNG 100 CÂU KIỀU CHỈ CÓ TRONG BẢN DUY MINH THỊ


1/ Trước đây , khi nghiên cứu 7 bản Kiều Nôm thế kỉ 19 ( bản Lâm Nọa Phu 1870 / LNP/ , bản Liễu Văn Đường 1871 /LVĐ/ , bản Duy Minh Thị 1872 /DMT/ , bản Quan Văn Đường 1879 /QVĐ/ , bản Thịnh Mĩ Đường 1879 / TMĐ/ , bản A.Des Michels 1884 / ADM/ và bản Kiều Oánh Mậu 1889-1902 /KOM/ ) ,chúng tôi đã tìm ra được 157 câu có từ ngữ đặc biệt , xuất hiện chỉ một mình trong riêng bản 1872 . Chúng tôi tạm gọi đó là những câu “ độc hữu “ của DMT .


Những gần đây, sau khi khảo sát kĩ hơn, chúng tôi đã loại bỏ 4 trường hợp sau đây, vì đã tự giải thích được :
---những câu có từ ngữ bị kị húy nên khác các bản không kị húy ,như kị húy LÀN thành HƯƠNG (câu 25), GIỐNG/CHỦNG thành CHỐN ( câu 853) hoặc kị húy ĐANG thành XONG,XOANG ( hai câu 1892, 2816) ;
---những câu ghi âm không chuẩn như DƯỜNG > NHƯỜNG ( c.216), GẮN BÓ > NHẮN BÓ
( c.341) , MÂY NGÀN > MÂY NHÀN (c. 2402), hay MƯỜI LĂM NĂM > MƯỜI NĂM NĂM ( 3 сâu 3020 , 3070 và 3138) ;
---những câu chữ Nôm bị sai rất nặng , chưa đính ngoa lại như ở các bản khác, ví dụ khắc ĐÓ thành NỌ, khắc ĐƯỢC NHƯ thành THÌ NHÀ, khắc PHỤ TÌNH thành RIÊNG TÌNH, khắc CHÚT thành XÓT v.v. ( xin xem các câu 850,1023,1187,1449…) ;
---và những câu sơ suất làm cho trật tự bị đảo ngược , có khi mất cả vần , như LÀM CHO đảo thành CHO LÀM ( câu 2675 ) , NGOÀI TƯỜNG đảo thành TƯỜNG NGOÀI ( câu 2771) , THAN ÔI đảo thành ÔI THAN ( câu 1065 ) v.v.
Như vậy , thật ra chì còn lại khoảng hơn 100 câu đáng được gọi là câu có dị bản “độc hữu “ của riêng bản DMT .


6/ Danh sách những câu đó như sau ( có ghi kèm theo dị bản thường thấy , đặt ở trong 2 dấu ngoặc , để tiện so sánh) :

1- Câu 30 : Pha nghề THƯ họa, đủ mùi ca ngâm (so sánh với THI họa ) * I
2- ------ 36 : Xuân xanh xấp xỉ TRÊN tuần cập kê ( ------------- TỚI tuần ) * I
3- ----- 43 : Thanh minh GIỮA tiết NGÀY ba ( ------- TRONG tiết THÁNG ba )
4- ----- 61 : CHÀNG VƯƠNG mới dẫn gần xa (-------------- VƯƠNG QUAN )
5- ------64 : SÁN QUANH ngoài cửa hiếm gì yến anh (-------- XÔN XAO )
6- ----- 68 : Xa nghe cũng MẶN tiếng nàng tìm chơi ( ---------NỨC )
7- -- ---96 : Sụp ngồi và CÁO trước mồ bước ra (-----và GẬT hoặc BẠ CỎ ) * I
8- -----101: Lại càng MÊ MẢI tâm thần (------------------MÊ MẨN )
9- ----229: NGAY ngày chơi mả Đạm Tiên (-------------BUỔI ngày ) * I
10 -----240: Nách tường bông liễu RẼ sang NGANG DUỀNH ( BAY sang TRƯỚC MÀNH )
11- -----242: Hiên tà gác bóng chênh chênh
HÃY /=hãy còn / riêng riêng chạnh tấc riêng một mình (------NỖI riêng )
12 -----274: DIỄU quanh chợt thấy mái sau có nhà (------------DẠO quanh )
13 -----285: Tấc gang ĐỘNG KHÓA NGUỒN PHONG (---ĐỒNG TỎA NGUYÊN PHONG )
14 -----287: Những từ QUÁN CÁC lân la (--------------QUÁN KHÁCH ) * I
15 ---- 288: Tuần trăng thấm thoắt nay đà TRÒN HAI (----------------THÈM HAI )
16 ---- 292: Hương còn NGÁT SỰC người đà vắng tanh (------------THƠM NỨC )
17 ---- 293: Lần theo RÀO gấm dạo quanh (-----------------TƯỜNG )
18 ----300: Hãy còn thoảng thoảng HƯƠNG THẦM chưa phai (---HƯƠNG TRẦM )
19 ----310: Mà lòng TRƯỢNG NGHĨA khinh tài xiết bao (-------------TRỌNG NGHĨA ) * I
20 ----324: ĐẮM trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn ( --------------THẦM )
21 ----325: Xương mai tính đã RÒN MÒN ( ------------DŨ//RŨ MÒN * I
22 (1)-327: NĂM TRÒN /= ngũ luân ,theo bên Phật / như cuội cung mây (---THÁNG TRÒN )* I
23 ----388: Vắng nhà được buổi hôm nay
Lấy lòng gọi chút RA NƠI tạ lòng (-------------RA ĐÂY ) ** II
24- ----401: Sinh rằng phác họa MỚI rồi ( ------------VỪA )
25- ----438: Bóng trăng đã TRỞ hoa lê lại gần ( -----------------XẾ ) * I
26- ----443: Bây giờ TỎ mặt đôi ta (---------------RÕ )
27- ----447: Tiên thề cùng SUỐT một chương (-------THẢO ) ** II
28- ----541: Trăng THỀM còn đó trơ trơ (--------Trăng THỀ ) ** II
29- ----626: Hỏi quê rằng huyện Lâm Thanh TẢN gần (------------ CŨNG )
30- ----635: Ngại ngùng NẢN /= sợ / gió e sương (--------GIỢN )* I
31- ----739: Mất người GỌI chút của tin (-------------CÒN ) * I
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
32- ----756: Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ NAY (----------------ĐÂY )
33- ----767: BỞI cha làm lỗi duyên mày ( ------------NÀY )
34- ----775: THỐT chi thân phận tôi đòi ( -----------SÁ )
35- ----784: Trời hôm mây kéo tối rầm
Rầu rầu ngọn KHÓI, đầm đầm cành sương (------------CỎ)
36- ----792: Nhị đào THÀ LẨY TAY người tình chung ( ----THÀ BẺ CHO )
37- ----799: Trên yên NHÁC THẤY THANH dao (----SẴN CÓ CON )
38- ----803: ĐIỂM SẦU một khắc một chầy (---ĐÊM SẦU hoặc ĐÊM THU )
39- ----814: Quanh năm buôn phấn bán GƯƠNG đã lề (------HƯƠNG-----)
40- ----821: Mẹo lừa đã CHỚM vào khuôn (--------------MẮC )
41- ----864: Kíp chầy thôi cũng một lần LÀ thôi (----------------------MÀ )
42- ----892: Tiếng oan đã muốn RẠCH trởi kêu lên (-------------VẠCH )
43- ----893: Vài CÂU chưa cạn chén khuyên ( -----------TUẦN )** II
44- ----937: Đổi hoa lót DƯỚI chiếu nằm (-----------XUỐNG ) * I
45- ----990: Mụ thì NGÁY NGÁY mặt nhìn hồn ngây (--- MÉT MÉT hoặc CẬP CẬP )
46- ---1021: Lặng nghe TẨM NGẨM CÚI(//CUỐI ) đầu ( ---NGẪM NGHĨ GÓT đầu )
47- ---1025: LỆ /= sợ / khi ong bướm đãi đằng (-------------SỢ) * I
48- ---1035: TƯ bề bát ngát xa trông (--------------BỐN ) ** II
49- ---1083: HÔM DAO vừa rạng ngày mai (------TAN SƯƠNG ** II
50- ---1109: Thừa cơ lén KHẼ ra đi (-------BƯỚC )
51- ---1115: Cũng liều nhắm mắt GIEO (//GIAO ) chân (---ĐƯA chân ) ** II
52- ---1141: Rằng tôi TRÓT (//XÓT) phận đàn bà (----------CHÚT )
53- ---1150: Bắt người bảo lãnh , BẮT tờ cung chiêu (--------------LÀM )
54- ---1218: Dường chau nét nguyệt , dường phai CHIỀU hồng ( -------VẺ )
55- ---1274: Sao cho XUYẾT NHỤC /= nuốt nhục / một lần mới thôi (----SĨ NHỤC ) ** II
56- ---1291: Dịp SAO may mắn lạ dường (------------ĐÂU )
57- ---1298: Bàn vây LỪA nước , đường tơ họa đàn (------------ĐIỂM )
58- ---1320: BẤN NGÒI xin hãy chịu chàng hôm nay ( ---HỌA VẦN )** II
59- ---1326: Chàng như con bướm LỰA vành mà chơi ( ---------LIỆNG )
60- ---1332: Phải dò cho đến ngọn nguồn NGÁC sông (--------LẠCH )
61- ---1337: Rồi ra RỬA phấn LAU hương ( --------RỮA ------PHAI )* I
62- ---1387: CUNG DI /theo ADM/ một thiếp thân vào cửa công ( HOÀN NGUYÊN)
63- ---1379: Công RIÊNG hai lẽ đều xong (----------TƯ) ** II
64- ---1380: Gót tiên TRÓT /=trọn vẹn / đã thoát vòng trần ai ( ---PHÚT )
65- ---1383: Hương càng SÓNG lửa càng nồng (----------ĐƯỢM )
66- ---1387: HÈ (?) thu vừa nảy giò sương ( -------- GIẬU )
67- ---1390: Phong lôi nổi trận bời bời
SỐT lòng ƠI HỠI quyết bài phân chia (---NẶNG---E ẤP )
68- ---1434: Khóc rằng oan khốc vì ta
Có nghe TRỌN trước , chả đà KẺO /=tránh khỏi / sau (LỜI..LỤY)
69- ---1443: Tại tôi XƯNG lấy một tay (-------HỨNG )
70- ---1465: KỊP THỜI sắm sửa lễ công (-----------KÍP TRUYỀN )
71- ---1486: Dễ dò rốn bể khôn lường BỤNG sông (------------ĐÁY )
72- ---1517: Chén đưa nhớ bữa ĐÊM nay (-------- HÔM ) * I
Chén mừng xin đợi đêm này năm sau
73- ---1562: Đứa thì vả miệng ,GÃ thì bẻ răng ( -------ĐỨA )
74- ---1602: Vó câu thẳng ruổi nước non XUÂN người (---QUÊ người )
75- ---1634: HƯƠNG duyên biết có vuông tròn cho chăng (--- KHUÔN )
76- ---1635: Thân sao nhiều ÁN bất bằng (----------nhiều NỖI )
77- ---1645: Thuốc mê đâu THOẮT rưới vào (---------ĐÃ )
78- ---1723: Ban ngày NẾN thắp hai bên (---------SÁP )
79- ---1759: Nàng càng ĐŨA( // ĐỔ) ngọc như chan (-------GIỌT )
80- ---1878: Hết điều CHIỀU CHUỘNG hết lời thị phi (---KHINH TRỌNG )
81- ---1898: Thoắt xem dường có ngẩn ngơ NAO tình ( -----CHÚT )
82- ---1919: MỐNG /= thu xếp / ĐƯA đến trước Phật đường (---ĐƯA NÀNG )
83- ---1928: Nhân duyên đâu lại còn mong
Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng THÔI THÔI (-------THÌ THÔI )
84- ---2008: Mà chàng THÚC THỦ ra người bó tay (---------THÚC PHẢI ) ** II
85- ---2096: Lại mang NHỮNG tiếng dữ gần lành xa (----------LẤY )
86- ---2118: Phải cung rày đã sợ BÀN MÁY CUNG (---LÀN MÁI CONG )
87- ---2242: Dẫu lìa tơ Ỷ /=đàn ỷ cầm /,còn vương tơ lòng (-----tơ Ý)
88- ---2257: Còn đang DÙI DẮNG ngẩn ngơ (-----------DÙNG DẮNG )
89- ---2260: Đồng TÌNH cùng gửi : nào là phu nhân ? (---Đồng THANH )
90- ---2489: Rằng ƠN thánh đế dồi dào (------------TRONG )
91- ---2547: Nàng càng ĐŨA ngọc tuôn dào (------TỦI // hoặc GIỌT )
92- ---2583: Thưa rằng XÓT (//TRÓT) phận lạc loài (----CHÚT phận )
93- ---2600: Xe tơ CHỬA khéo : vơ càn vơ xiên ! (--------SAO )
94- ---2623: Đạm Tiên nàng ĐÃ CHO hay (-----NHÉ, CÓ )
Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta .
95- ---2627: Cửa bồng vội THÁC /=vén/ rèm châu (---------MỞ )
96 (2)--2665: Ma GIỦI /từ cổ/ lối, quỉ đem đường (--------ĐƯA) * I
97- ---2931: Hoa trôi nước, NƯỚC xuôi dòng (--------CHẢY)
98 ---3056: Lập am rồi sẽ LÊN thầy ở chung (---------RƯỚC )
99- ---3066: Vậy đem duyên chị GÁN vào cho em (-----BUỘC )
100- --3163: Còn nhiều ân NGHĨA chan chan ( --------ÁI )
101- --3181: Thân tàn DẰN đục khơi trong ( --CHẶN hoặc GẠN )
102- --3222: Chẳng trong chăn NỆM cũng ngoài cầm thơ (---GỐI )
103- --3241: Gẫm hay muôn sự LÀ trời ( -------TẠI ) ** II


3/ Bản gốc của bản DMT / 1872 đã được G.S. Hoàng Xuân Hãn đánh giá rất cao . Giáo sư coi đây là bản “ quí nhất “,” xưa nhất “ , “gần với lời cụ Nguyễn Du hơn cả “, vì có những lí do như sau :
---đó là bản có những chi tiết cụ Nguyễn Du còn lấy hẳn từ trong nguyên tác bằng Hán văn của Thanh Tâm Tài Nhân rồi viết ra y như thế, về sau mới bỏ đi , chữa lại ;
---đó là bản có những chi tiết phù hợp với những điều được truyền tụng từ xưa, trong dòng họ Tiên Điền , theo lời của cụ Nghè Mai thuật lại , như chuyện cụ Nguyễn Du có 4 câu sau bạn bè chữa lại thành 6 câu , hoặc chuyện đổi TRỌNG NGHỈA thành TRƯỢNG NGHĨA để kiêng húy tên ông chú của nhà thơ …
---và đó là bản khi Gia Long mới lên ngôi , cụ Nguyễn Du và gia đình Cụ đã kị húy hết sức nghiêm cẩn theo đúng các lệnh triều đình ban bố năm 1803 ( 3 ) .

Như vậy trong khoảng сhừng 100 câu nói trên đây , mà các bản về sau đã khắc in khác đi , chắc hẳn phải có 2 trường hợp :
--- trường hợp nguyên tác chưa hay , hoặc bị chép sai , về sau cụ Nguyễn Du đã phải chữa lại ;
--- và trường hợp có cách diễn đạt cụ Nguyễn Du đã chọn được ngay từ đầu , nhưng những người sao chép đời sau đã vô ý nhầm lẫn hay do không hiểu thâm ý tác giả nên đã tự ý đổi khác đi.

4/ Về trường hợp cụ Nguyễn Du đã chữa lại, có thể minh họa bằng một số câu như sau :
a) ở câu 447: SUỐT MỘT CHƯƠNG > THẢO MỘT CHƯƠNG ; ở câu 541 : TRĂNG THỀM > TRĂNG THỀ ; ở câu 2008 : MÀ CHÀNG THÚC THỦ > MÀ CHÀNG THÚC PHẢI v.v. Đây có thể là những câu Cụ tự nhuận sắc lại cho hay hơn .
b) ở những trường hợp như : RA NƠI > RA ĐÂY ( câu 388 );VÀI CÂU > VÀI TUẦN ( câu 893) ;
TƯ BỀ > BỐN BỀ ( câu 1035 ) .v.v. thì có thể nguyên tác bị chép sai ,Cụ phát hiện và đính ngoa lại cho đúng .

5/ Còn ở những câu như dưới đây thì rõ ràng bản DMT đang một mình giữ lại được cho chúng ta những dị bản độc hữu rất quí , vốn có trong nguyên tác , nhưng bị đời sau tưởng sai nên đính ngoa hoặc tưởng dở nên nhuận sắc lại :
a)ví dụ ở câu 30 viết PHA NGHỀ THƯ HỌA ; ở câu 36 viết TRÊN TUẦN CẬP KÊ là rất đúng : ngay trong nguyên văn , Thanh Tâm Tài Nhân đã cho biết Kiều có tài thư pháp , chị em Kiều đang độ tuổi thanh xuân ; đổi thành THI HỌA thì bỏ mất tài thư pháp lại trùng lặp với ĐỦ MÙI CA NGÂM ở sau ; đổi thành TỚI TUẦN CẬP KÊ thì Thúy Kiều mới 15 tuổi , và cậu Vương Quan khoảng 13 tuổi sao có thể là bạn chí thân của một chàng trai tuổi 20 như Kim Trọng được !
b) ở những câu như :
Sụp ngồi và CÁO trước mồ , bước ra ( câu 96)
NGAY ngày chơi mả Đạm Tiên (câu 229 )
nguyên tác đã dùng từ ngữ vùng Nghệ Tĩnh , hiểu CÁO là “cúng bằng lòng thành “, và viết chữ NGAY như chữ NGÀY ; người đời sau không hiểu tiếng Nghệ Tĩnh nên đổi VÀ CÁO thành VÀ GẬT hoặc BẠ CỎ ,kém chất lượng hơn ; còn đổi NGAY NGÀY thành BUỔI NGÀY thì sai tiếng Việt : trước NGÀY phải nói BAN, từ BUỔI chỉ dùng được trước SÁNG,TRƯA,CHIỀU ,TỐI …mà thôi.
c) còn ở những câu như câu 325, câu 635 nguyên tác lại dùng từ ngữ cổ của thế kỉ 18 : dùng RÒN MÒN với nghỉa là “ốm o dần, gầy guộc dần đi “ ; dùng NẢN GIÓ với nghĩa là “sợ gió “ .Các bản sao chép đời sau cũng do không hiểu nên đã đổi thành RŨ MÒN , GIỢN GIÓ .

6/ Cái quý , cái cổ của bản DMT ,sự gần gũi giữa văn bản DMT với nguyên lời văn của cụ Nguyễn Du đã được G.S. Hoàng Xuân Hãn chứng minh . Đó là một điểm có thể làm cho chúng ta dễ nghiêng về các dị bản độc hữu của bản DMT . Nhưng khả năng có những dị bản chưa thực hay hoặc bị chép nhầm sau tác giả phải chữa lại là một khả năng không thể không chú ý . Do đó cần phải có một sự phân loại thành 2 trường hợp như đã nói ở trên . Có điều phân loại thế nào cho thật đúng, đó là một công việc rất khó khăn .
Chúng tôi đã phải thử tiến hành trao đổi với một số bạn đồng nghiệp , như ng mãi đến nay cũng mới chỉ có được ý kiến sơ bộ về một số câu ; xin tạm dẫn ra coi như ý kiến để tham khảo :
---Có khoảng 15 trường hợp ( đánh số * I ) được coi như là đúng chữ nghĩa của cụ Nguyễn Du ,
nhưng đã bị đời sau đổi khác đi ;
---Và khoảng 10 trường hợp (đánh số **II ) được coi như là trường hợp nguyên tác chưa thực hay , hoặc bị chép sai , nên nhà thơ đã phải tự nhuận sắc hay đính ngoa .Trường hợp này phải phục nguyên theo dị bản để trong hai dấu ngoặc ;
---Còn khoảng hơn 70 trường hợp không đánh số là những trường hợp đang còn băn khoăn , chưa ngã
ngũ hoặc chưa được khảo sát .
Như vậy rõ ràng nhiều bài toán đang treo , chưa có lời giải đáp ; và công việc nghiên cứu vẫn đang còn cần phải được tiếp tục . Rất mong được đông đảo bạn đọc hưởng ứng , tích cực tham gia , và gửi cho những kết quả thu nhận được ..


CHÚ THÍCH :
(1) Về câu 22 - Từ điển Phật giáo Hán Việt giảng về NGŨ LUÂN như sau : ” Hai cánh tay , hai đầu gối và đầu đều tròn nên gọi là NGŨ LUÂN.Ngũ luân đó chạm đất mà lễ thì …đó là lễ cung kính nhất “
Vậy NĂM TRÒN dùng để chỉ cái thân , cái lòng của một người đang hành lễ ,cầu xin một việc gì . Và câu 327 trong Truyện Kiều có thể hiểu là :
THÂN HÈN đang gửi cung mây
hoặc : LÒNG THÀNH đang gửi cung mây
(2) Về câu 2665 -Trong Việt Nam tự điển ( Khai trí tiến đức ) : GIỦI =Ma làm cho người mê mẩn mà đưa đến một chỗ nào.
(3) Xin xem bài Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều -Tạp chí Văn học số 3 - 1997 .

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529371

Hôm nay

2114

Hôm qua

2304

Tuần này

21644

Tháng này

216067

Tháng qua

0

Tất cả

114529371