Cũng rất đáng nói là có những tập quán mới nhưng không văn minh đang hình thành trong những dịp này. Đáng phê phán nhất là nạn phong bì quà cáp. Họ lợi dụng những ngày này để biếu xén, thậm chí là quà cáp quá mức. Ngày 8.3, ngày 20.10 họ tặng quà cho thủ trưởng và cả vợ của thủ thủ trưởng. Cấp dưới tranh nhau đi lễ vợ thủ trưởng. Tặng hoa cấp trên, người thân cấp trên, tặng hoa cô giáo…nhưng không mấy ai không có phong bì “bảo kê”, “bảo hiểm” cho hoa! Nhiều người dị ứng, phản ứng với thói xấu mới này nhưng bất lực vì nó đã trở thành thói quen ăn sâu vào nếp sống xã hội hiện thời. Nhiều bà mẹ là nông dân, công nhân, viên chức đã phải phát khóc lên vì một năm ít nhất phải 4 lần đi lễ cô giáo cho con, ngày Tết nguyên đán, ngày 8.3, ngày 20.10 và ngày 20.11. Không đi không được vì sẽ bị tập thể phụ huynh, nhất là những người khá giả coi thường và cô lập, đó là chưa nói có những giáo viên sẽ “mặt nặng mày nhẹ”. Hội lớp, nếu không có “Mạnh thường quân”, phải chia đều thì những người làm ăn khó khăn cũng “khóc dở mếu dở”, bỏ không xong mà theo thì cũng “méo mặt”. Ngay như nghề báo, một nghề trong muôn nghề của xã hội, nhưng Ngày nhà báo, không như ngành nghề khác, không những được tổ chức rầm rộ mà hầu hết các cơ quan, địa phương đều “đi tết” các cơ quan báo chí, và các nhà báo “thân thiết”.
Xã hội tôn trọng quyền sinh hoạt hội hè, đó là một chất kết dính xã hội; tôn trọng truyền thống lịch sử là nền tảng của hiện tại và tương lai. Nhưng không vì thế mà không tìm ra cách tôn vinh và học hỏi lịch sử, cách sinh hoạt hội hè một cách sâu sắc và thiết thực thay vì cách làm phô trương hình thức, tốn kém, lãng phí và gây ra nhiều mệt mỏi, phiền phức không hay như lâu nay.
Mệt mỏi vì các hội hè lắm rồi!