Cuộc sống quanh ta

Mối thù văn học 30 năm

Gabriel Garcia Marquez (Columbia) sinh 1927, giải Nobel văn học năm 1982. Mario Vargas Llosa (Peru) sinh 1936, giải Nobel văn học năm 2010. Đây là hai vị khổng lồ của tiểu thuyết hiện đại, của văn học Mỹ Latin, từng là bạn thân của nhau, thân đến mức Garcia Marquez nhận làm cha đỡ đầu cho con trai Gabriel của Vargas Llosa. Nhưng họ đã im tiếng với nhau kể từ cái ngày nhà văn Peru tung ra cú đấm tay phải vào mắt trái của nhà văn Columbia ba chục năm trước. Nguyên nhân là do đâu? Xin mời bạn đọc theo dõi sự tìm hiểu và tổng hợp của nhà báo Anh Paul Vallery.

 
Có ý kiến cho là do hai người bất đồng chính kiến với nhau. Garcia Marquez là một người thuộc cánh tả. Còn Vargas Llosa hồi trẻ yêu thích Fidel Castro nhưng sau đó đã từ bỏ lý tưởng này và chuyển sang cánh hữu, từng chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Peru nhưng thất bại. Tuy nhiên, dù cho chính kiến hai người khác nhau, nhưng đấy không hẳn là nguyên nhân của mối bất hòa giữa hai người.
 
Có ý kiến cho nguyên nhân ở đây là sự ganh tị nghề nghiệp. Mặc dù Vargas Llosa được coi cùng với Garcia Marquez là những người tiên phong của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, nhưng các tác phẩm của ông không ở cùng hàng với người đồng nghiệp. Tiểu thuyết Trăm năm cô đơn được thừa nhận rộng rãi là tác phẩm kinh điển của văn học thế kỷ XX và Garcia Marquez được nhiều người coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới. Tuy vậy, sự cạnh tranh nghề nghiệp vẫn không phải là nguyên nhân của mối bất hòa.
 
Theo Dasso Saldivar, người viết tiểu sử Garcia Marquez, thì hai người tranh nhau một phụ nữ. Năm 2002, Garcia Marquez công bố bộ truyện Sống để kể lại mà tập đầu được thông báo là cuốn tự truyện gồm ba phần. Cuốn này kể lại đời ông chỉ đến năm 1955. Nhà văn không muốn viết tiếp tập hai vì nếu viết thì ông phải kể lại vụ xô xát đã dẫn tới sự hận thù giữa hai người. “Tôi biết rằng nếu tôi viết tiếp tập hai thì tôi sẽ phải nói ra những chuyện mà tôi không muốn nói về một số quan hệ cá nhân không phải bao giờ cũng tốt đẹp”, nhà văn nói với tờ La Vanguardia vào năm 2004. Tuy nhiên, kể từ ngày ấy ông vẫn gặp gỡ bạn bè để kiểm tra lại ngày tháng và địa điểm những sự kiện còn lưu trong ký ức. (Một người bạn bảo ông: “Gabo, hãy tin vào trí nhớ, chứ không phải vào tiểu sử của ông”).
 
Vậy nếu tập hai bộ hồi ký của Garcia Marquez ra đời thì sẽ tiết lộ chuyện gì? Theo Dasso Saldivar, câu chuyện sau đây sẽ được kể lại. Ngày xưa có hai người bạn, hai con sư tử văn học nổi lên ở Mỹ Latin vào thập niên 1960. Họ khâm phục tác phẩm của nhau và ngay từ lần đầu gặp gỡ ở Caracas năm 1967 họ đã không rời nhau ra nữa. Cả hai từng là nhà văn nghèo ở Paris trước khi được hưởng những thành quả văn học của mình, hồi ấy họ sống ở Barcelona. Trong bảy năm bên nhau, một người là Mario đã dành hai năm nghiên cứu kiệt tác Trăm năm cô đơn của bạn mình là Gabriel và viết hẳn một bài dài ca ngợi nó.
 
Mario là người mê gái. Thứ nhất, vào lúc vừa tròn 19 tuổi, ông đã cưới vợ của ông chú tên là Julia, người hơn ông 13 tuổi. Cuộc hôn nhân tan vỡ, chỉ đưa lại chủ đề cho nhà văn trẻ viết nên cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện ngụy trang là Dì Julia và nhà văn quèn. Năm sau họ ly hôn, ông cưới cô em họ thứ nhất của mình là Patricia và có với nhau ba đứa con.
 
Nhưng Mario đã phản bội vợ. Ông đem lòng yêu một cô tiếp viên hàng không Thụy Điển xinh đẹp ông gặp trong chuyến du lịch. Ông để vợ ở nhà và chuyển đến Stockholm. Patricia điên cuồng, đến tìm gặp người bạn thân nhất của chồng mình là Gabriel. Sau khi bàn bạc với vợ mình là Mercedes, Gabriel khuyên Patricia ly hôn Mario. Rồi ông an ủi cô. Không một ai khác biết rõ cuộc an ủi này diễn ra như thế nào.
 
Theo những nguồn tin thân cận nhà văn Columbia thì ông đã bảo Patricia là cô nên bỏ chồng nếu anh ta quay lại. Còn những nguồn tin khác thân cận nhà văn Peru thì nói rằng ngay trong đêm ấy, Marquez đã thực hiện một thứ phản bội tồi tệ nhất (hay tốt đẹp nhất) đối với ông bạn Varrgas Llosa của mình. Nhưng rốt cuộc Mario đã quay về với vợ và Patricia đã kể cho ông nghe lời khuyên cũng như sự an ủi của Gabriel đối với cô.
 
Chuyện còn dài. Nhưng ta hãy quay về với thực tế. Một thời gian sau, hai nhà văn gặp lại nhau. Đấy là tại một rạp chiếu bóng ở Mexico, nơi giới trí thức tinh hoa của Mỹ Latin có mặt để xem buổi trình chiếu bộ phim La Odisea de los Andes của René Cardona, một bộ phim xoàng dựa trên một câu truyện hay về một vụ tai nạn máy bay trong đó các hành khách Uruguay là những vận động viên buộc phải ăn thịt một đồng đội đã chết để sống sót (Hollywood sau đó đã làm lại phim này). Khi đèn phòng chiếu bật sáng, Garcia Marquez trông thấy Vargas Llosa ngồi ở phía sau, cách mấy dãy ghế. Ông quay xuống để ôm hôn người bạn cũ, theo cách thường làm ở Mỹ Latin. Nhưng khi ông tới gần thì nhận được cú đấm trời giáng vào mắt trái. “Sau tất cả những việc ông đã làm với Patricia ở Barcelona mà ông còn dám muốn ôm tôi sao”, nhà văn Peru mặt trắng bệch nói. Khuôn mặt của nhà văn Columbia chảy máu. Một nhà nhiếp ảnh đã chớp được cảnh đó, nhưng phải mãi ba mươi năm sau bức ảnh mới được đăng lên tờ La Jornada của Mexico.
 
Thế giới của Garcia Marquez là thế giới trong đó mưa hoa rơi từ trời xuống và những tên độc tài bán cả đại dương, một thế giới đẹp vô biên và ác vô cùng; nơi tình yêu mang lại cả sự cứu chuộc lẫn sự nô lệ, nơi thực tại và mơ mộng nhòa nét vô vọng trong nhau. Trong khi đó, Patricia đã ném cả một lọ hoa và mấy cái bàn đèn ngủ vào Vargas Llosa và la toáng lên là chồng cô đã biến cô thành kẻ ngu ngốc trước bàn dân thiên hạ.
 
Những chuyện diễn ra trong 30 năm sau đó vẫn không giúp hàn gắn được tình bạn của hai nhà văn. Bên cạnh việc tìm kiếm hòa bình cho đất nước Columbia nội chiến đau thương triền miên của mình, Garcia Marquez vẫn tiếp tục ủng hộ lãnh tụ cộng sản Cu Ba Fidel Castro, người ông có quan hệ mật thiết từ lâu. Bề ngoài thì ông dùng mối quan hệ này để lấy Cu Ba làm trung gian cho những cuộc thương lượng giữa chính quyền Columbia và các đội du kích Marxit ở đó. Và ông khẳng định tình bạn của ông với nhà lãnh đạo Cu Ba chỉ thuần túy dựa trên mối quan tâm chung đến văn học: “Ít ai biết Fidel Castro là một người đọc ghê gớm, ông yêu thích và biết rất rõ văn học của mọi thời, thậm chí ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất ông vẫn có quyển sách trên tay để lấp chỗ trống”. Garcia Marquez nói, tình bạn này là xuyên chính trị, nó cho phép ông có thể nói thầm vào tai Castro những điều giúp cứu được tính mạng của nhiều nhà ly khai ở Cu Ba. Nhưng ông lại nhắm mắt trước một thực tế là Cu Ba vẫn tiếp tục thi hành án tử hình, điều mà ông phản đối dù ở bất kỳ đâu.
 
Về phần mình, Vargas Llosa phê phán kịch liệt mối quan hệ của người bạn cũ với Castro, gọi Marquez là “kẻ cận thần”. Ông nêu câu hỏi, tại làm sao khi đông đảo giới trí thức trên thế giới đã lên tiếng phê phán cuộc cách mạng Cu Ba về những chuyện như chế độ kiểm duyệt và sự đối xử với những nghệ sĩ phản đối Castro thì Garcia Marquez lại vẫn luôn trung thành với nhà độc tài này đến vậy? (Không phải một mình Vargas Llosa nghĩ thế; theo những kẻ thù chính trị của Garcia Marquez tiết lộ thì thái độ bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở đất nước vùng Caribe đã mang lại cho Marquez giải Nobel văn học khi ông mới ngoài 50 tuổi).
 
Và trong khi Garcia Marquez thoải mái với Castro thì Vargas Llosa lại chuyển sang đường lối chính trị đối lập. Ông tích cực hoạt động chính trị ở quê hương Peru và kiên trì lập trường cánh hữu của mình về kinh tế. Năm 1990 ông ra ứng cử tổng thống ở phe trung hữu với một chương trình kinh tế thắt lưng buộc bụng sẽ khiến những người nghèo nhất nước khốn đốn. Kết quả ông nhận được 34% phiếu bầu và thua một kỹ sư nông nghiệp tên là Alberto Fujimori. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2006, Llosa vận động cho một ứng viên ôn hòa, và lên tiếng: “làm sao lại có thể là ít nhất một phần ba người dân Peru muốn quay lại chế độ độc tài, thói chuyên chế, muốn sống ở một xã hội với nền báo chí nô dịch, luật pháp bị thao túng, quyền con người bị sỉ nhục một cách có hệ thống mà không bị trừng phạt”. Những điều này lẽ nào Garcia Marquez lại không hề thấy.
 
Thế là mối hận thù giữa hai nhà văn lớn của Mỹ Latin lại kéo dài. Đó là mối hận thù mà như một nhà bình luận nói, “mang tính cá nhân, kéo dài, công khai, nhỏ mọn và kết lại với cơn giận từ xưa đến mức chỉ những người trong cuộc mới có thể nhớ là nó đã bắt đầu như thế nào (mà cũng chưa chắc là họ đã nhận ra)”. Mối hận thù do hiềm khích và có đổ máu. Nó liên quan đến chính trị, đến văn học. Giờ đây nó dính cả vào sex.
 
Ngân Xuyên
Theo báo Independent (Anh), 13/3/2007.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445822

Hôm nay

237

Hôm qua

2285

Tuần này

21431

Tháng này

212081

Tháng qua

120141

Tất cả

114445822