Năm 1965, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, phong trào hòa bình thế giới đưa Nguyễn Du vào hàng danh nhân thế giới. Lần đầu tiên một danh nhân Việt Nam được vinh dự này. Trong những tài liệu về Nguyễn Du cần cung cấp cho các nước để họ tổ chức kỷ niệm, cần có bản dịch Truyện Kiều. Chỉ có thể dịch ra tiếng Pháp thôi, còn các tiếng khác, mình chưa có điều kiện làm trong lúc này. Việc này đã được chuẩn bị từ năm 1963. Hồi tôi còn ở Pháp, trong nước đã giao cho tôi tìm người dịch Truyện Kiều. Tôi đã nhờ anh Phan Nhuận là một luật sư ở Paris. Anh đã vào Đảng Tân Việt, sau bị Pháp truy nã, chạy sang Pháp. Anh thường bào chữa cho anh em Việt kiều bị truy nã. Anh đã có bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Pháp rất hay, được một Nhà xuất bản lớn ở Pháp in. Cuốn đó đã trở thành bản chuẩn để các nước dựa vào mà dịch ra các tiếng khác. Anh dịch cuốn Kiều được khoảng 100 câu thì bị bệnh qua đời. Trước khi mất, anh giao cho tôi dịch tiếp.
Tôi tham khảo những bản dịch trước đây (đã có 6 bản của Nguyễn Văn Vĩnh, Nghiêm Xuân Việt...) đều thấy chưa thỏa mãn. Có người dịch ra văn xuôi, thành ra mất chất thơ của cuốn Kiều. Có người dịch ra thơ Pháp kiểu cổ điển, một câu Kiều phải dịch ra hai ba câu dài cho câu thơ đủ từ, có vần... Có người bám sát điển tích mà dịch sang tiếng Pháp, thành ra những câu rất lạ lùng. Việc dịch rất khó do 2 ngôn ngữ có nhiều điểm khác nhau. Ngôn ngữ Pháp là ngôn ngữ có tính phân tích từ lâu đời. Mỗi câu có chủ ngữ, có vị ngữ... Còn câu tiếng Việt thì không nhất thiết phải như vậy, nhiều câu thơ không có một động từ nào. Truyện Kiều có rất nhiều câu mà nếu cứ dịch ra y nguyên từng chữ thì sẽ rất khó, hoặc thành ra những câu rất ngây ngô, không còn nghĩa gì nữa. Ví dụ như câu: Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Tiếng Việt thì “tài” với “tai” là một vần, nhưng tiếng Pháp thì “tài” là talent, “tai” là travers lại chẳng có vần như nhau. Hoặc những câu ví như:
Sớm đào tối mận lân la,
Trước là trăng gió sau ra đá vàng
Câu thơ của ta nhẹ nhàng như vậy, nếu dịch ra đủ lệ bộ thì nặng nề chẳng thành câu thơ gì nữa. Tôi phải suy nghĩ rất nhiều để tìm cách dịch. Tôi dịch thành văn có tính thơ xưa, đọc lên có nhịp điệu, hàm ý một tình cảm nào trong đó. Tôi không bám sát điển tích, chỉ chuyển ý thôi...
Ngoài khó khăn về dịch thuật, còn khó khăn nữa là ở nước ta, có nhiều người vừa sính Kiều vừa sính tiếng Pháp. Vì vậy, đối với các bản dịch, không có một câu nào mà người ta không có ý kiến. Trước khi bắt tay vào dịch, có một hội đồng bàn bạc. Tôi nói là nếu giao tôi dịch trong một thời gian ngắn, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Anh em góp ý kiến tôi sẽ lắng nghe, nhưng xin cho tôi được quyết định, không buộc phải theo ý kiến áp đặt, vì chữa một chữ là phải chữa cả câu, mà chữa một câu là phải chữa cả đoạn. Nếu buộc phải theo ý kiến mọi người thì mấy năm cũng không xong. Đề nghị được chấp nhận, tôi về cố gắng hết sức, nghiền ngẫm từng câu từng chữ, sau 3 tháng nộp bản thảo. Thực ra, nếu dịch một tập thơ chưa bao giờ đọc, thì không thể nào làm trong 3 tháng. Nhưng Truyện Kiều tôi đã thấm từ bé, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.
Người Pháp đầu tiên đọc bản dịch viết tay lúc chưa in là đồng chí Charles Fourniau, Thạc sĩ sử học, phái viên của báo Humanité ở Hà Nội. Đồng chí nói: Tôi đọc bản này khác những bản dịch trước, đọc xong tôi thấy xúc động. Tôi thấy như thế là đạt.
Điều đáng chú ý là khi Phong trào Hòa bình tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du, thì có một nước anh em là Trung Quốc không tổ chức kỷ niệm, viện cớ là đánh nhau với Mỹ, không có văn chương gì cả. Nhưng theo quan điểm của chúng ta, chính giữa lúc đang đánh nhau với Mỹ như vậy chúng ta vẫn kỷ niệm nhà thơ lớn của mình, để tỏ cho thế giới biết mình vẫn vững tâm, và cũng để bảo vệ vốn văn hóa quý báu của dân tộc.
Sau khi Mỹ thả bom miền Bắc, các nước rất quan tâm đến vấn đề Việt Nam. Ngoài việc bình luận thời sự kịp thời, chúng tôi thấy cần phải làm cho thế giới hiểu rõ Việt Nam một cách sâu sắc, toàn diện hơn.
Năm 1970, Đảng Cộng sản Pháp đề nghị tập hợp những phần về lịch sử cách mạng, chống Pháp và bước đầu chống Mỹ cho đến năm 1960 in thành một cuốn Lịch sử Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một cuốn Lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp, viết theo quan điểm của chúng ta, in ở Paris. Sau đó đồng chí Charles Fourniau, Tổng thư ký Hội Pháp -Việt cũng tập hợp một số bài tôi viết đã đăng ở các báo thành cuốn Kinh nghiệm Việt Nam, nêu kinh nghiệm của Việt Nam trong đánh giặc, cải cách ruộng đất, nông nghiệp, giáo dục, y tế v.v... Hai cuốn này được dư luận thế giới rất chú ý.
Để nêu bật truyền thống của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, chúng tôi căn cứ vào những kết quả công tác khảo cổ, đưa vấn đề này ra trong một số tạp chí Etudes Vietnamiennes. Trước đây nhiều nhà khảo cổ Pháp đã tiến hành tìm kiếm, nhưng chưa phát hiện ra đồ đá cũ ở Việt Nam. Chúng ta đã tiến hành công tác khảo cổ từ năm 1955, và vẫn tiếp tục sau khi Mỹ đánh phá miền Bắc. Chúng ta đã phát hiện ra đồ đá cũ, một số đồ đá mới đến văn hóa đồ đồng. Nguồn gốc nghệ thuật đồ đồng cao như thế là ở đâu?
Trước kia, những nhà khảo cổ Pháp và Ấn Độ cho rằng, kỹ thuật này là từ ngoài vào, từ Trung Quốc hoặc những nước khác xung quanh Việt Nam. Những phát hiện mới của chúng ta cho thấy, Việt Nam đã có những đồ đá mới (trong đó có đồ gốm) có những hoa văn rất đẹp, và số trống đồng rất nhiều, không kém gì ở Trung Quốc. Ta có thể kết luận là kỹ thuật từ đồ đá mới tiến lên đồ đồng với trình độ cao như vậy là có từ nội tại, chứ không phải ở ngoài du nhập vào. Kết luận thú vị này lý giải vấn đề tại sao sau một ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc Lạc Việt (tổ tiên của dân tộc Việt Nam) vẫn giữ được độc lập một cách dai dẳng, mà không bị Hán hóa như các dân tộc khác trong khối các dân tộc Bách Việt trước đây ở vùng Hoa Nam. Chính là nhờ chúng ta đã có một nền văn hóa lâu đời từ xa xưa nên mặc dù có du nhập nhiều yếu tố của văn hóa Trung Quốc (sách học, chữ viết), nền văn hóa Việt Nam vẫn giữ được bản sắc dân tộc, một trong những yếu tố cơ bản tạo nên truyền thống độc lập của dân tộc Việt Nam.
Cũng có người nói đang đánh giặc mà lại khảo cổ, moi những chuyện đồ đá, đồ gốm cách mấy ngàn năm trước ra để làm gì. Nhưng chính giữa lúc đang kháng chiến mà chúng ta vẫn hoạt động văn thơ, khảo cổ, điều đó càng chứng tỏ nhân dân Việt Nam bình tĩnh, vững vàng, có đủ sức đương đầu với bom đạn Mỹ. Luận điểm về truyền thống văn hóa độc lập của Việt Nam từ xa xưa được dư luận nước ngoài đồng tình và càng củng cố thêm niềm tin của bè bạn vào thắng lợi tất yếu của cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam.
Cũng trên tinh thần này, chúng tôi bắt tay vào một công việc khá lớn giới thiệu nền văn học Việt Nam một cách có hệ thống: Lịch sử văn học Việt Nam kèm theo Tuyển tập văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. Được sự giúp đỡ của hai chuyên gia người Pháp là bà Franҫoise Corrèze và cô Mireille Gansel và sự hợp tác chặt chẽ của anh Hữu Ngọc, chúng tôi ra được 4 tập văn học Việt Nam, dài khoảng 2000 trang. Sau khi giải phóng miền Nam, anh Hữu Ngọc tiếp tục hợp tác với 2 chị làm tiếp 2 tập nữa về văn học dân gian, dân tộc miền núi. Bộ tuyển tập 6 cuốn dài 3000 trang là một công trình khá đồ sộ, ít thấy trong công tác tuyên truyền đối ngoại của một nước nhất là trong điều kiện một nướcnghèo nàn lạc hậu vừa phải đánh giặc, vừa phải chống thiên tai, với bao khó khăn chồng chất.
Từ năm 1968, Mỹ ngừng ném bom ở Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ, khách khứa các nước đến tìm hiểu Việt Nam ngày càng đông. Nhiều nước ở phương Tây, ở Mỹ chưa có sứ quán và các văn phòng đại diện thường trú ở Việt Nam, nên các phóng viên, nhà báo, nhà văn sang Việt Nam phải tự tìm tòi tài liệu, tìm hiểu tình hình. Ủy ban liên lạc văn hóa đối ngoại có nhiệm vụ đón tiếp và tổ chức cho họ đi thực tế. Trong công việc này, phần khó khăn nhất là trả lời những câu hỏi nhiều khi rất chi tiết của họ về kinh tế, xã hội... sao cho khỏi sơ hở, vấp váp. Những nhà báo phương Tây đến Việt Nam trong thời chiến như vậy nói chung đều là những người giỏi. Trước khi sang ta, họ đã nghiên cứu kỹ những tài liệu về Việt Nam. Họ đến Việt Nam là để nắm bắt và bổ sung những điều mới nhất. Do tôi vừa có điều kiện nắm nhiều tin tức thời sự, vừa am hiểu những vấn đề có tính lâu dài của văn hóa, lịch sử Việt Nam, nên tôi thường tiếp các nhà báo đó. Về các khách này, có nhiều chuyện vui, đặc biệt có những người sang ta để vừa viết tin về Việt Nam, vừa chia sẻ với nhân dân ta công việc bộn bề và những nỗi gian lao của thời chiến.
Tôi còn giữ ký ức sâu đậm về bà Franҫoise Corrèze, tên thật là Juliette Bacot. Bà là giáo viên và là vợ anh Nguyễn Văn Chỉ, người đã nhiệt tình cộng tác với tôi hồi còn ở Pháp. Bà đã từng viết báo về cuộc kháng chiến của Việt Nam. Sau này, bà sang Hà Nội, viết những bài phóng sự về phụ nữ, trẻ em Việt Nam rất sinh động, giúp Nhà xuất bản Ngoại văn chữa những bài dịch. Bà ở khách sạn gần nhà tôi, có hôm ở lại cùng ăn cơm Việt Nam với chúng tôi. Có lần cùng tôi về nông thôn sơ tán, ở chùa. Đêm nằm ngủ, đặt cái giường dưới chân tượng Phật, bà ta rất thú vị.
Hồi đó, chúng ta thường hay bảo vệ các nhà báo nước ngoài, mỗi khi báo động lại dồn khách xuống hầm. Chính họ lại muốn xem ta đánh máy bay như thế nào. Có chuyện buồn cười là một nhà báo năn nỉ tôi để được đi đến Vĩnh Linh tuyến lửa. Ông nói, tôi là nhà báo, bom đạn là chuyện thường. Nhưng được hai ngày thấy ông quay về. Hỏi tại sao, mãi ông mới nói: “Tôi ở với nhân dân nông thôn rất thú vị, mà bom đạn cũng không có gì nguy hiểm. Nhưng có một vấn đề rất gay go là trong đó không có một cái hố xí nào chắc chắn cả. Nhà thì bé và thấp, tôi thì cao to, nặng 80 – 90 kg như thế này, đụng vai đụng chân, cái giàn tre nó cứ lung lay kêu rắc rắc, hình như nó sắp gãy, tôi sợ quá, đành về không tiếp tục được cái phóng sự này nữa”.
Có một vị khác là tùy viên quân sự của một sứ quán anh em vào đến Quảng Bình. Đi ở đường làng, máy bay Mỹ xẹt ngang một cái, ông ta nhảy xuống hầm. Một em nhỏ khoảng 12 tuổi bảo ông ấy lên. Anh phiên dịch hỏi: “Sao thế?” - “Ông xuống hầm làm gì vô ích. Máy bay này là máy bay siêu âm. Khi nghe nó, thì nó qua mình từ lâu rồi và bom đã rơi từ lâu hoặc là đã rơi ở chỗ khác”. Ông nói trong đại chiến thế giới mình là đại tá mà về quân sự lại không biết bằng đứa trẻ con này. Hóa ra thời đó là máy bay bằng cánh quạt, chưa có máy bay siêu âm, nên ông không có cái phản xạ như đứa trẻ con của ta ở Quảng Bình, Vĩnh Linh này. Hằng ngày nó tiếp xúc với máy bay quen rồi, khi máy bay đi ngang qua là phân biệt được cái nào là “Con ma”, cái nào là “Thần sấm”...
Có một nhân vật mà tôi cũng thường được tiếp chuyện là một nhà điện ảnh Hà Lan. Ông này đã sống ở Vĩnh Linh 2 tháng liền, ở dưới hầm hào để quay một phim nổi tiếng về nhân dân Vĩnh Linh.
Cùng đi là chị Xuân Phượng, y sĩ Nhà xuất bản Ngoại văn, rất giỏi tiếng Pháp, nhanh nhẹn. Chị có phong cách Âu châu nên giỏi giao tiếp với người phương Tây rất thuận lợi, song lại bị một số người không thích. Sau đợt công tác, lúc từ biệt, họ hôn chị và chị cũng hôn mấy ông Tây trong đoàn. Số cán bộ tổ chức của ta thấy thế thì dị nghị. Sau chị chuyển sang làm điện ảnh và làm một phóng viên tích cực của chúng ta.
Có lần tôi và một nhà báo Pháp đi thăm miền Bắc vào khoảng 1965 - 1966 gì đó. Mỹ đang đánh ác liệt ở miền Nam và ném bom miền Bắc, nhiều người e Việt Nam không trụ nổi. Tình hình lúc đó căng thẳng đến mức sáng qua cầu Long Biên để đi đến Ân Thi (Hưng Yên), 2, 3 giờ chiều về phải đi cầu phao vì cầu Long Biên đã bị bom phá sập. Đến Ân Thị, tôi dẫn ông ấy thăm bệnh viện tỉnh sơ tán trong nhà dân. Phòng mổ cũng ở trong nhà dân, phía trên che một cái dù (lấy ở máy bay Mỹ rơi xuống) cho khỏi bụi. Ở đấy, chúng ta đã làm được những ca phẫu thuật như cắt tử cung, cắt dạ dày...
Lúc đi qua phòng riêng của bác sĩ viện trưởng, tôi nói: “Mời nhà báo vào đây xem phòng của bác sĩ viện trưởng”. Bác sĩ này lúc đầu kéo tay tôi lại nói phòng đơn sơ như thế này, người ta cười cho. “Cứ để ông ấy vào”. Vào đó, đúng chỉ có một bàn gỗ, một giường nhỏ, một ba lô. Trên đường về, ông ấy nói: “Ở châu Âu, những phẫu thuật như vậy phải làm ở những bệnh viện lớn, có trang bị đầy đủ. Ở những nước khác thuộc thế giới thứ ba như ở châu Phi hoặc Đông Nam Á mà tôi đã đi qua, những bác sĩ có trình độ cao làm được những việc như ở đây thì không bao giờ chịu sống trong nhà tranh với những tiện nghi đơn sơ, tối thiểu như thế này. Thấy thực tế đó, tôi tin rằng Việt Nam sẽ thắng Mỹ. Còn những chuyện chính trị 2, 3 hôm nay chưa thuyết phục được tôi. Cảnh bệnh viện sơ tán và phòng ở của bác sĩ viện trưởng đã thuyết phục tôi”.
Trong công tác tuyên truyền đối ngoại, tôi được sự hỗ trợ rất lớn của anh em ở Pháp và đặc biệt là của những anh em đã thân nhau từ hồi ở bệnh viện, đã giúp tôi chỗ ăn, chỗ ngủ, đã bảo vệ tôi hồi còn hoạt động bí mật.
Chúng ta rất cần những sách báo của Pháp, của phương Tây nói về Việt Nam như thế nào. Nhưng quan điểm cứng nhắc của một số người phụ trách cho rằng bài vở của phương Tây đều là phản động, cán bộ xem sẽ bị lây nhiễm, nên ngăn cấm. Mặt khác, do hiếm ngoại tệ, muốn xin một đôla là phải có chữ ký của Thủ tướng, nên việc mua sách báo nước ngoài bằng đôla là chuyện vô cùng khó, chẳng cơ quan nào làm được. Vì vậy, suốt một thời gian dài, chúng ta làm công tác tuyên truyền phương Tây mà chẳng có sách báo gì của họ, chẳng biết dư luận của họ như thế nào, chẳng biết họ thắc mắc những gì, chỉ lấy ý nghĩ chủ quan của mình mà nói, nên tài liệu của ta đánh không trúng.
Trước yêu cầu đó, anh em sẵn sàng giúp đỡ, đặc biệt là anh Puiseux, một sinh viên trẻ bị lao nhẹ quen tôi lúc nằm viện. Anh xuất thân từ một gia đình đại tư bản, trong họ hàng của Michelin, có đồn điền cao su và nhà máy làm săm lốp bán khắp thế giới, có cả đồn điền ở Việt Nam. Tuy vậy anh hoạt động sôi nổi và tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Lúc về Paris, anh làm Giáo sư đại học, sống độc lập, không có quan hệ kinh tế gì với gia đình nữa. Anh đứng ra lập một hội lấy tên là “Hội những người bạn của Viện” để quyên góp tiền mua sách gửi cho chúng tôi. Chúng tôi nhận được rất nhiều sách, lập thành một tủ sách từ phương Tây gửi về, nhiều cơ quan khác kể cả quân đội đều có cán bộ đến nghiên cứu. Mãi vài năm sau giải phóng miền Nam, tổ chức này vẫn còn hoạt động, ngày ngày anh Puiseux vẫn nhận tiền và đi tìm những sách hay, mới, gói ghém gửi sang Việt Nam, có đủ các loại sách, kể cả sách về khoa học xã hội, nhờ đó mà chúng tôi có thể theo dõi được sự tiến triển của khoa học xã hội phương Tây, có thêm những hiểu biết mới. Chúng tôi đã tặng thư viện Khoa học Xã hội một số sách quý, trong đó có một bộ 6 cuốn sách lớn về khoa học văn minh của Trung Quốc. Sự giúp đỡ chí tình này, chúng tôi không bao giờ quên.
Nói đến sự giúp đỡ của các bạn Pháp, tôi cũng không thể nào quên tấm lòng cao cả của những bạn Pháp đã thực sự hòa mình cùng nhân dân Việt Nam, ghé vai gánh vác mọi nhiệm vụ, chia sẻ mọi nỗi gian truân,coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Tôi nhớ đến bác sĩ Marthe, là vợ một đồng chí Việt kiều, chị học thêm 4 năm về nhi khoa. Năm 1960, lúc tôi phụ trách công tác Việt kiều ở Pháp, chị gặp tôi, đề nghị để hai vợ chồng về công tác ở Hà Nội. Tôi nói về Hà Nội thì cực lắm, vật chất đã khổ mà chỉ có công việc thôi, không có gì giải trí đâu. Chị nói tôi là đảng viên không hề gì. Thế là hai vợ chồng về Việt Nam. Chị làm việc ở bệnh viện Saint Paul. Lúc Mỹ đánh phá miền Bắc, nhiều gia đình Pháp - Việt gửi con về Paris, nhờ bà con nuôi giúp. Chị cũng biết tình cảnh của trẻ con đi sơ tán ghẻ lở bệnh tật và không khỏi lo lắng, nhưng anh chị vẫn nói: “Con cái chúng tôi là con cái Việt Nam, không có cuộc sống riêng, thôi cứ để nó đi sơ tán, không may có chuyện gì chúng tôi chịu”.
Anh đi công tác, chị ở Hà Nội một mình, trong một phòng nhỏ ở phố Quang Trung. Cuộc sống của cán bộ ở Hà Nội hồi đó, chưa có bếp điện, dầu mua cũng khó, chủ yếu là dùng bếp mùn cưa. Chị cũng như vậy. Tôi đến thăm, thấy chị ngồi ăn một mình, ăn cơm với cá kho, tôi nói đùa: “Cá kho là tiện nhất, nấu một nồi ăn ngày này sang ngày khác”. Theo quy định là người Pháp sang Việt Nam công tác thì 5 năm được về thăm gia đình một lần, lẽ ra chị đã về 2 lần, nhưng anh chị bàn với nhau là còn chiến tranh, anh chị chưa về, cũng không nhận tiền, đợi đến sau giải phóng, chị mới về thăm gia đình.
Làm việc ở khoa Nhi bệnh viện Saint Paul, chị rất tích cực, nghiêm túc, được mọi người quý mến, nhiều lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Sau khi miền Nam được giải phóng, anh Dực quê ở miền Nam, nên anh chị vào công tác trong đó. Năm 1979, đứa con trai thứ hai của chị 18 tuổi tình nguyện sang Campuchia. Vừa lo cho con, vừa làm việc quá sức vì bệnh viện thiếu bác sĩ, chị ốm rất nặng. Lúc đó có dịp vào Sài Gòn công tác, chúng tôi bàn với anh em tạo điều kiện cho chị chữa bệnh và giúp chị an tâm. Anh em bàn với Ban chỉ huy quân sự điều động con chị về đóng quân ở gần Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, chị ở lại Việt Nam, vì chị đã là người Việt Nam, một cán bộ Việt Nam, một đảng viên Việt Nam hoàn toàn.
Ai đã trải qua thời kỳ chống Mỹ ở miền Bắc không thể nào quên được những tháng năm đi sơ tán. Cũng như các cơ quan, nhà máy, bệnh viện, trường học khác, cơ quan chúng tôi cũng sơ tán tại làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách Hà Nội khoảng 30km, ngay bên bờ sông Đáy. Bộ phận chúng tôi ở làng Đa Ngưu ngay bên bờ sông. Đây là một thôn công giáo toàn tòng. Những người dân ở đây nhớ ơn cách mạng đã chia đất cho họ, nhờ vậy họ có chỗ ở và chỗ chôn cất người chết. Trước đó họ chỉ làm chài cá, quanh năm chỉ sống trên thuyền. Tôi ở nhà cụ Xiêm. Các cháu đều được đi học, có một cháu trai đi bộ đội. Chúng tôi ở với bà con công giáo nơi đây, rất vui vẻ. Hằng ngày có tin tức gì tôi thường kể lại, các cụ rất thích nghe. Có mít chín cụ cho chúng tôi một phần, được con cá to, cụ cắt cho một miếng. Trong nhà có cái hầm lớn dưới gầm giường, khi báo động thì xuống. Có lần ngồi dưới hầm với nhau, cụ nói đùa: “Nếu có quả bom nào rơi xuống trúng mình, tôi chết thì đi gặp Chúa, còn ông là cộng sản, thế thì ông đi về đâu nhỉ?”. Tôi cười: “Chết thì thôi”.
Kể đến đây tôi lại sực nhớ đến chuyện một vùng công giáo toàn tòng ở Hải Hậu (Nam Định), có một vị Trung ương gặp một cụ già, cụ hỏi: “Đúng là Đảng đã thay đổi cuộc đời chúng tôi, nên chúng tôi đi theo Đảng, nhưng khi đồng chí Bí thư xã nói sống với Đảng, chết với Đảng, thì chúng tôi thấy khó lắm. Chúng tôi chết thì ở với Chúa, chứ không ở với Đảng được”. Đồng chí Trung ương bèn trả lời: “Đồng chí Bí thư xã nói đúng phần đầu, còn vế thứ hai thì không đúng đâu”.
Bà con công giáo ở đây đều là người hiền lành, chỉ biết lao động kiếm ăn. Trong cuộc sống bình thường hàng ngày, chúng tôi cảm thấy không khí ấm áp, thân mật. Nhưng đến giờ đọc kinh hằng ngày, mỗi ngày 2 lần sớm tối, tôi nằm ở phòng nhỏ bên cạnh, tự nhiên lại cảm thấy rất xa lạ. Nhất là những lời kinh, cảm thấy có cái gì đó rất bi thảm: “Chúa cứu sinh, Chúa cứu cho chúng con...”. Cảm nhận được sự xa cách này, tôi càng thấy là vấn đề này còn rất lâu dài.
Thời sơ tán, những gia đình có con nhỏ rất khổ. Bố theo cơ quan, mẹ theo xí nghiệp, con theo trường học... mỗi người ở một nơi. Vất vả đã đành, vì lương ít phải chia sẻ 2, 3 nơi, chủ nhật phải về Hà Nội mua hàng theo tem phiếu, lại phải đi thăm con chỗ khác, một ngày đạp xe 60 - 70km là thường. Chưa nói đến dọc đường gặp máy bay... Nhưng sự thiệt thòi lớn hơn là tình trạng con nhỏ mà phải sống cách xa bố mẹ, gây nên những ảnh hưởng sâu sắc về tâm lý, tình cảm lâu dài về sau. Hồi đó, chúng ta có ảo tưởng rằng, cho trẻ con đi như vậy là sống tập thể, tức là có thể giải quyết được tất cả, có cô giáo chăm lo, bố mẹ cứ yên tâm.
Hồi đó, tôi chưa có vợ con nên rất đơn giản. Sắm được cái xe máy, đi đi về về không khó khăn gì cả. Ở nông thôn, không có quạt điện. Có hôm nóng quá, bà chủ nhà đưa cho mượn cái quạt nan, nếu quạt thì không ngủ được, thà cố ngủ rồi quên nóng đi. Vì thế có khẩu hiệu là “nóng không quạt”. Gần sông, có những con dĩn hay cắn rất ngứa, nếu gãi nước chảy ra dễ bị nhiễm trùng, thà chịu ngứa một lát rồi thôi. Lại có khẩu hiệu thứ hai “ngứa không gãi”. Khi tức giận nhau, người ta hay cãi, tôi thì chịu thôi, mất hết phổi rồi, không còn hơi nữa, cãi ai làm gì. Lại có khẩu hiệu thứ ba là “giận không cãi”. Còn anh em gán cho tôi khẩu hiệu “bẩn không tắm” thì hơi oan, vì “không bẩn thì không tắm”, chứ... Tôi ít bẩn vì bẩm sinh da rất khô. Mặt khác đi sơ tán mà lại dùng nước của bà con thật bất tiện, nên tôi ngại tắm. Nói lại chuyện này để thấy anh em đi sơ tán sống với nhau rất vui, như cùng trong một đại gia đình.
Đến cuối năm 1967, đời riêng của tôi có việc rất quan trọng. Tôi lập gia đình. Đây có thể nói là mối tình đầu thứ hai của tôi. Vì mối tình đầu thứ nhất là với cô người Pháp. Lần này, gọi là mối tình đầu thứ hai là vì đây là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên gắn bó với tôi. Hiện nay là bà xã nhà tôi đấy, là cô Nhất, một sinh viên trong tổ chức Việt kiều. Năm 1952, lúc tôi về Paris, gặp người con gái Việt kiều này, rồi cùng nhau trò chuyện, trao đổi công việc. Tại sao trong một nhóm tổ chức Việt kiều có khoảng 20 người, lại có một sự gắn bó giữa tôi và cô Nhất đến như thế, thật tôi cũng không thể hiểu được. Sau này, khi nghiên cứu tâm lý gia đình, thấy một điểm quan trọng mà sách phương Tây cũng nêu lên. Cái duyên sao kỳ lạ, hai con người xa lạ nhau mà:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Chúng tôi gắn bó với nhau từ 1953, nhưng mãi 14 năm sau mới lập gia đình. Có lẽ cũng do cái duyên nó phức tạp. Hồi đó, cô Nhất đã đính ước với anh Trần Đức Thảo. Sau đó, anh Thảo về nước tham gia kháng chiến, đặt vấn đề Nhất về nước công tác. Chúng tôi có nói với nhau là Nhất về Hà Nội, giữ lời hứa với anh Thảo. Nhất kết hôn với anh Thảo, nhưng mối tình hai người không hợp nhau. Năm 1963 tôi về nước thì hai người đã chia tay nhau rồi. Qua một thời gian để thử xem tình hình sức khỏe và công việc như thế nào, rồi chiến tranh xảy ra, nên đến cuối năm 1967 chúng tôi mới lấy nhau. Đám cưới chúng tôi tổ chức vào ngày Noel năm 1967. Thường thì Noel đến Tết dương lịch, Mỹ cũng chú ý đến dư luận quốc tế, ít thả bom, nên cả tuần được yên ổn.
Việc lấy người vợ đã từng sống lâu năm ở Pháp đối với tôi cũng là một thuận lợi. Đó là sự hòa hợp về phong cách, về cách sinh hoạt, ăn ở, đối xử. Thuận lợi hơn nữa là chúng tôi có thể trao đổi với nhau về vấn đề tâm lý trẻ em, vì Nhất làm công tác mẫu giáo, tôi lại rất quan tâm đến vấn đề này.
Sau khi chúng tôi lấy nhau, thì con nuôi của bà Nhất là cháu Thanh Bình thành con nuôi của chúng tôi, và cháu đã lên 6. Mẹ cháu mất sớm, bà Nhất nuôi cháu Bình từ lúc cháu mới sinh ra. Lúc đó Mỹ còn ném bom, phải đưa cháu đi sơ tán. Đến năm 1972, lại đi sơ tán. Thỉnh thoảng, cháu về Hà Nội 1, 2 ngày rồi phải đưa cháu đến sơ tán. Việc đưa cháu đi bằng xe máy vài chục kilômét là thường, không có vấn đề gì. Nhưng cách xã đấy chừng 1 kilômét là nó khóc rầm lên, đòi về Hà Nội, không đi sơ tán nữa. Mỗi lần gửi cháu ở chỗ sơ tán về nhà là tôi suy nghĩ rất nhiều. Đối với miền Bắc, tội ác của Mỹ, ngoài việc tàn phá thành phố, xóm làng..., còn phải kể đến tình trạng hàng triệu trẻ em ở tuổi rất cần được mẹ chăm chút, bế bồng lại phải xa cách, để lại một chấn thương tình cảm lớn. Con phải xa bố mẹ ở lứa tuổi cần xây dựng kỷ cương nề nếp, học ăn học nói... nên quan hệ giữa bố mẹ với con cái không tránh khỏi bị ảnh hưởng, việc giáo dục sau này gặp nhiều khó khăn. Theo tôi suy nghĩ, đó là hậu quả của chiến tranh mà người ta không lường trước được.