Cuộc sống quanh ta

Mở luồng đảo Đá Lớn

(Nhân kỉ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma bi hùng)

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đưa tàu chiến xuống khu vực quần đảo Trường Sa, gây ra sự kiện Gạc Ma. Với số lượng nhiều, tầu lớn , họ đã đơn phương gây chiến, bắn chìm hai tàu vận tải HQ604, HQ 605, bắn cháy tàu đổ bộ HQ505, giết chết 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của ta.

Trong khi các tàu chiến của Hải quân Việt Nam hạn chế về tầm hoạt động xa, Tư lệnh Giáp Văn Cương quyết tâm đưa tầu ra Trường Sa trực chiến để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Các tàu của ta nhỏ cần đưa vào hồ neo đậu để tránh bão gió, Tư lệnh đã quyết định đưa tầu ra đảo Đá Lớn trực chiến.
Đá lớn là một đảo chìm chiều dài khoảng 17 km, chiều ngang khoảng 3 km, phía nam đảo có hồ dài khoảng 4 km, rộng khoảng hơn 1 km, khá sâu, đủ cho các loại tàu của Hải quân neo đậu. Hồ được vành san hô bao bọc, chỗ hẹp nhất khoảng 750 mét. Tư lệnh đã giao cho lực lượng Công binh Hải quân đào con kênh đào ( mở luồng ) nối thông hồ với biển. BTL Hải quân đề nghị BTL Công binh giúp thiết kế, Viện kĩ thuật công binh được giao nhiệm vụ này, do Tiến sĩ Lê Văn Chung làm chủ nhiệm đồ án thiết kế. Trung đoàn Công binh 83 được BTL Hài quân giao nhiệm vụ thi công mở luồng.
Năm 1989 tổ chức nổ thử tại đảo để hoàn chỉnh thiết kế. Anh Dần - Trung đoàn trưởng trực tiếp ra chỉ huy, anh lập - Tiểu đoàn trường chỉ huy bộ phận của Tiểu đoàn 887 thi công, anh Trung trực tiếp ra hướng dẫn kĩ thuật nổ phá để hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế.

Năm 1990 Tư lệnh Hải quân có văn bản giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Công binh 83 tổ chức thi công chính thức luồng Đá Lớn. Trung tá Tràn Đình Dần - Trung đoàn trưởng hội ý BCH và cơ quan để triển khai.
Có bàn vấn đề ai ra chỉ huy thi công? 
Tôi đề xuất đây là nhiệm vụ quan trọng và có tính đặc thù, tôi được học chuyên sâu về nổ phá qua Học viện Kỹ thuật Quân sự và chỉ huy nổ phá qua Học viện Lục quân, tôi xin đảm nhiệm chỉ huy thi công ngoài đảo, anh Bang - Trung đoàn phó kiêm TMT chỉ huy tập kết thuốc nổ trong bờ phần lớn là bom đạn và thuốc nổ cấp 5 để đưa ra đảo. Anh Dần đồng ý. 
Tôi lập kế hoạch tổ chức thi công, lực lượng của tiểu đoàn 886 do Đại uý Phạm Như Mứt chỉ huy, đại đội 5 thực hiện do Trung uý Dương Chóng - Đại đội trưởng phụ trách. Trợ lý kỹ thuật gồm: Trung uý kĩ sư Hoàng Đình Đạm, Trung uý kĩ sư Võ Hồng Khanh. Tổ bảo đảm kĩ thuật do Trung uý chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thuỵ nhân viên Ban kĩ thuật phụ trách. Các trang bị kỹ thuật, các mặt bảo đảm đồng bộ. Có 2 xuồng máy và 7 xuồng chuyển tải.

Sau khi kế hoạch được Trung đoàn trưởng phê duyệt, tôi tổ chức họp đơn vị, quán triệt nhiệm vụ, phân công cụ thể rồi tổ chức huấn luyện cho bộ đội về lý thuyết công tác nổ, các bước thi công nổ phá rất cụ thể để chuẩn bị ra đảo thực hiện nhiệm vụ.

Tháng 3/1990 tôi đưa quân ra thi công chính thức luồng đá lớn.

Viện kĩ thuật Công binh cử hai cán bộ ra giám sát tác giả, phối hợp giải quyết kĩ thuật thi công. Gồm Đại uý kĩ sư Nguyễn Văn Hưởng, đại uý cử nhân Nguyễn Văn Kháng.
Phòng Công binh hải quân cử Đại uý Nguyễn Đức Long ra giám sát của chủ đầu tư.

Lúc này gió mùa đông bắc còn lớn tầu phải đỗ ở tây nam đảo thả xuồng kéo dây dài gần 5 ki lô mét để đưa thuốc nổ vào vị trí đông bắc đảo để thi công, mỗi ngày một xuồng chỉ chở được hai chuyến, tiến độ thi công rất chậm.
Khi đó Tư lệnh Giáp Văn Cương lệnh cho 2 tầu LCU chở 2 xe tăng lội nước PT76 do anh Duyết Lữ phó - TMT của Lữ đoàn 955 chỉ huy ra trực chiến ở đảo. Anh Duyết đánh xuồng máy đến gặp tôi nói: Anh kiền ơi làm nhanh lên, nếu chậm bão đến chìm tầu mất. Tôi nói Tư lệnh giao cho chúng tôi thi công trong 5 tháng, khó khăn lắm, sóng to gió lớn, nước ngập mênh mông anh thấy đấy. Anh Duyết lại đề nghị tha thiết lần nữa, suy nghĩ một lúc rồi Tôi nói đồng ý sẽ thay đổi cách làm, nhưng nếu Tôi đánh thông luồng sớm, phải cho quân của tôi lên tầu của Anh, hai bên bắt tay nhau.
Tận dụng kết quả nổ trước đã có hai mô đá như hai đảo nhỏ hai bên cửa luồng. Tôi họp cán bộ toàn đơn vị quyết định đưa quân "đổ bộ lên đảo nhân tạo" ăn ở để thi công. Có một số cán bộ không nhất trí, trong đó có ba đồng chí phản ứng quyết liệt. 
Có đồng chí nói: Anh đưa quân lên nếu sóng đánh trôi chết người ai chịu trách nhiệm?
Tôi là chỉ huy Tôi chịu trách nhiệm. 
Tôi hạ lệnh đổ bộ lên bờ, tất cả chấp hành. Chúng tôi vác đá tôn cao nền để làm lán trại tạm ở hai bên cửa luồng ở để thi công. Tiến độ nhanh hơn hẳn so với ăn ở trên tầu. Thế rồi bất ngờ đêm ngày 5 tháng 4 vao lúc 1 giờ sáng một cơn dông bất ngờ xảy ra. Sấm sét ầm ầm dông gió nổi lên , những cơn sóng dữ chồm lên tràn qua hai đảo nhân tạo làm sập hai nhà bạt. Mưa tuôn xối xả, trời biển đen ngòm, nhữn tia chớp loé lên nhìn chiếu rõ những cơn sóng dữ tràn qua vô cùng hung dữ. Anh em hoảng loạn, tôi dùng đèn pin soi khắp cả hai bờ luồng chỉ huy bộ đôi bám chắc vào dây neo. Chiến sỹ nhốn nháo lo sợ, nhà bạt sập, sóng đánh tràn qua nồi niêu nghe loảng xoảng, sóng cuốn trôi một số vật dụng đồ đạc, tất cả đều hoang mang lo sợ. Tôi hô tất cả bám chắc vào các dây neo. Sau gần một giờ cơn mưa dông tan, tập hợp hai bờ kiểm tra quân số điểm danh, 50 người có mặt đủ, thật là mừng, mất một số đồ đạc. Chúng tôi thức trắng đêm củng cố lại lán trại họp toàn đơn vị bàn biện pháp thi công tiếp. Lấy biểu quyết ở lại đảo hay lên tầu, 100% biểu quyết ở lại đảo. Chúng tôi dừng lại 1 ngày vác đá san hô đắp thành con đê bao xung quanh lán trại để chống sóng đánh tràn qua khi giông gió rồi tiếp tục thi công.

Sấm sét mịt mùng
Gió giật đùng đùng
Nước tung bọt trắng
Sóng băng qua lều

Loảng xoảng tiếng kêu
Mưa tạt mọi chiều
Sập bay lều bạt
Nước tràn đồ trôi

Một tiếng kinh hoàng
Gió lặng mưa tan
Xếp hàng điểm số 
Lố nhố đủ đầy

Thức trắng đêm nay
Sở xoay dựng lán
Họp bàn giơ tay
Ở đây làm tiếp

Chơi vơi giữa biển
Quyết chí thông luồng
Công trình kỳ tích
In đậm đời tôi.

Một hôm đoàn xuồng 7 chiếc đang lầm lũi kéo đến giữa hồ gió mạnh quá dây bị đứt lúc đó đã gần tối. Xuồng máy bị hỏng, tôi ngồi trên xuồng cùng 4 chiến sỹ dùng xẻng làm mái chèo hai đầu cùng chèo gặp được nhau đã nắm được tay nhau nhưng sóng gió mạnh quá không đủ sức hai đồng chí đứng ở đầu xuồng đành bỏ tay ra. Tôi chỉ đạo anh em quay ngược lại về hai đầu, đoàn 7 chiếc xuồng quay về tầu, xuồng của tôi quay về mô đá lúc đó là 10 giờ đêm, trời biển đen ngòm . Đêm hôm đó tôi không thể ngủ được, không có liên lạc, không biết đoàn xuồng về đến tầu có an toàn không. Sáng hôm sau tôi cho anh em ăn cơm sớm rồi chèo xuồng ra tầu, gần đến nơi thấy anh em trên boong tầu vẫy tay, nhìn nhau mừng rơi nước mắt. Tối về đảo ăn cơm, cùng nâng ly chúc mừng anh em ta an toàn. Đồng chí Kháng cán bộ của Viện kỹ thuật Công binh nắm tay đồng chí Long ở phòng Cômg binh Hải quân khóc nức nở nói: Tôi đã nắm được tay anh mà anh bỏ ra để chúng tôi bơ vơ trên biển giữa đêm tối mịt mùng sóng to gió lớn may mà bảy chiếc xuồng với mấy chục con người lần về tầu được... anh Long nói: Tôi đã cố bám hết sức như do gió lớn qua tí nữa thì cánh tay đứt ra khỏi vai, tôi có bỏ anh đâu, chúng tôi đều rơi nước mắt.
Quá trình thi công cứ đặt đủ lượng nổ theo thiết kế rồi điểm hoả. Trước khi điểm hoả phải sơ tán lực lượng lên tầu chạy ra khỏi vùng nguy hiểm, mất rất nhiều thời gian. Là kỹ sư công sự, rồi qua Học viện Lục quân nên tôi nắm chắc về chỉ huy nổ phá. Theo lý thuyết và thực tế quan sát cho thấy lượng nổ dài chủ yếu đất đá bắn tung lên văng sang hai bên. Học môn công sự nay có dịp để kiểm tra sóng xung kích tác dộng lên công sự như thế nào. Đây là thời cơ có một không hai. Tôi quyết định làm một công sự bằng gỗ, xếp đá dầy xung quanh để một lỗ quan sát, vị trí công sự cách tâm lượng nổ 80 tấn khoảng 300 mét. Tôi cùng ba đồng chí đứng trong công sự để quan sát lượng nổ. Khi điểm hoả gây nổ đất đá nước bắn tung lên trời cao hàng trăm mét, lộ ra hố đào dài rộng rất sâu khô rang trắng toát mầu đá san hô liền khối. Mấy giây sau đất đá rơi xuống hai bên bờ luồng, một phần lấp bớt chiều sâu hố đào. Bất ngờ sóng nổ tràn vào lỗ công sự, một mầu đen ngòm bùn cát nghẹt thở, hất chúng tôi ngã văng ra công sự, chiếc máy chụp ảnh vụ nổ bị hất tung ra ướt hết thật là tiếc những tấm ảnh chúng tôi đã chụp, sẽ không bao giờ lặp lại được nữa. Mấy giây sóng xung kích qua đi, toàn thân ai cũng đen ngòm một mầu bùn nước, thoát cơn nguy hiểm, cùng nhìn nhau cười. Đoạn luồng đã được tạo ra như tính toán. Qua quan sát vụ nổ tôi đã rút ra được hai điều :
Về địa chất suốt chiều sâu của đảo là đá san hô liền khối có mầu trắng, độ đặc chắc cao rất ổn định cho công trình đặt trên nền san hô.
Lỗ của công sự hướng về phía lượng nổ bị sóng xung kích và các sản phẩm của vụ nổ tràn vào, đây là chỗ yếu nhất của công sự, cần có biện pháp bảo vệ.
Có thể làm công sự ẩn nấp cho bộ đội trên bờ luồng vẫn bảo đảm an toàn mà không cần sơ tán mỗi khi điểm hoả
Cứ như thế lượng nổ có khối lượng tăng dần, lượng lớn nhất theo thiết kế là 112 tấn để đánh thông cửa luồng. Thẳng cửa luồng phía tây đảo đã xây dựng môt nhà CI cách tâm lượng nổ khoảng gần 3 ki lô mét. Khi nổ lượng nổ 80 tấn đồng chí Nhĩ đảo trưởng đã đánh xuồng máy sang gặp tôi nói là chấn động mạnh lắm, có nguy cơ vỡ bể nước ngầm sập nhà nếu nổ 112 tấn. Tôi xem lại thiết kế đã tính toán và khảng định không sao, nhưng đồng chí ấy quyết phản đối. Tôi hội ý với các đồng chí Hưởng, Kháng cán bộ của Viện kĩ thuật Công binh giám sát tác giả và đồng chí Long cán bộ của Phòng Công binh Hải quân ra giám sát của chủ đầu tư, có đồng chí Mứt - Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn 83, thương lượng rút xuống 110 tấn, bớt đi 2 tấn và nói khi điểm hoả tôi sẽ đứng trên nóc nhà cao tầng này để anh yên tâm, đồng chí Nhĩ đảo trưởng đồng ý cho thi công tiếp. 
Tôi trèo lên nóc nhà C1 đảo Đá lớn chỉ huy vụ nổ lớn nhất và cuối cùng này. Toàn bộ cán bộ chiến sỹ lên tầu sơ tán cách xa 10 ki lô mét, trong bán kính 5 ki lô mét không ai được xuống nước, cán bộ chiến sỹ trong nhà C1 sơ tán ra ngoài hết. Tôi đứng trên nóc nhà lệnh điểm hoả. Tổ điểm hoả gồm các đồng Hưởng, Kháng, Long. Đồng chí Hưởng phụ trách ấn nút đấu điện máy điểm hoả. Một tiếng nổ đanh long trời lở đất, ngôi nhà C1 cao tầng đung đưa như một trận động đất rất mạnh nhưng vẫn bảo đảm vững chắc an toàn, bể nước ngầm vẫn an toàn, công trình có khả năng chống lại các loại bom đánh phá của đối phương. Vụ nổ đã tạo ra một cột khói bụi hơi nước bố lên cao trông như hình nấm nguyên tử suốt từ 10 giờ sáng cho đến chiều tối vẫn chưa tan. Hai chiếc tầu LCU - HQ557 và HQ559 đến cửa luồng nhưng nước trong hồ chảy ra như thác với độ chênh cao khoảng 2 mét, mãi đến 8 giời đêm mới đón được quân của chúng tôi lên tầu vào hồ neo đậu xong là 22 giờ đêm 1/5/1990. Đơn vị của tôi 50 người chia sang hai tầu, mỗi tầu chở 1 xe tăng nên chật cứng nhưng thật là vững tâm, ấm cúng. 
Thế rồi chỉ hai ngày sau vào đêm 3/5 cơn bão số 1 nổi lên ở ngay Trường Sa. Nằm trên tầu suốt đêm không ngủ được, sóng gió giật ầm ầm, tôi chảy nước mắt ra mừng vì tất cả chúng tôi và hai con tầu cùng anh em trên tầu an toàn. Kỷ niệm ấy suốt đời tôi cũng như đồng đội đã sát cánh bên nhau đào con kênh này không thể nào quên. Sau hơn hai tháng thi công, biết bao mồ hôi công sức của cán bộ chiến sĩ đã quyện vào lòng đá san hô vào muối mặn, vào những con sóng dữ giữa biển khơi để làm nên công trình vĩ đại này. Những buổi trưa hè nắng nung hừng hực thế mà các chiến sỹ vẫn nằm ngửa trên bãi san hô ngáy khò khò, tôi ngồi nhìn thật là xúc động.

Sau bữa cơm công trường
Bãi san hô lưng lửng
Giữa trưa hè hừng hực
Em nằm ngáy dửng dưng.

Những lúc thuỷ triều xuống, nước trong hồ chảy ra rất xiết, luồng chưa hoàn thành, bộ đội tập trung kéo xuồng chở thuốc nổ ngược nước vô cùng gian lao. Nhiều chuyến xuồng chìm anh em lặn xuống trục vớt sâu quá chảy cả máu tai ra như chiến sỹ Phường quê ở Thuỷ Nguyên - Hải phòng. Quá trình thi công cũng để lại cho chúng tôi những kỷ niệm thật là vui, những đêm nước cạn, một rừng san hô nổi lên khỏi mặt biển rộng bao la, tất cả mấy chục con người hô nhau đi soi tôm cá, ánh đèn pin như sao sa trên mặt biển. Tôi ngồi ở nhà nhìn ra mà lòng rộn lên niềm vui với quang cảnh không nơi nào có như ở đây. Tuy vậy cũng rất lo anh em đi xa quá nước thuỷ triều lên về không kịp là nguy hiểm đến tính mạng. Thế rồi các chiến sỹ lần lượt gọi nhau về cả, những con tôm hùm to 4 đến 5 ký đổ ra nhìn hoa cả mắt. Bộ phận nuôi quân luộc nấu cháo xì xụp ấm dạ mát lòng rôn lên những tiếng cười, nâng ly cụng chúc nhau rôm rả, làm sao mà quên được những đêm khuya giữa trùng khơi sóng vỗ cùng ngồi quây quần vui nhậu như thế này.
Những sỹ quan tham gia các mặt trong xây dựng năm 1990 ở đảo Đá Lớn gồm:
Viện kỹ thuật Công binh có Đại Uý Nguyễn Văn Hưởng, Đại uý Phạm Văn Kháng
Phòng Công binh Hải quân có Đại uý Nguyễn Văn Long - giám sát của chủ đầu tư
Trung đoàn 83: Thiếu tá Hoàng Kiền chỉ huy. Đại uý Phạm Như Mứt,
Trung uý Hoàng Đình Đạm, Trung uý Võ Hồng Khanh, Trung uý Dương Văn Chóng và một số cán bộ trung đội nữa. Tất cả chúng tôi đều tự hào đã có đóng góp công sức trí tuệ cho công trình có một không hai này ở Việt Nam.

Công trình đào kênh - đảo trùng khơi
Lượng nổ nối nhau chuyển đất trời
Quả trăm mười tấn như nguyên tử
Luồng thông, hồ đón tàu sánh đôi.

Tháng 6/1990 đoàn cán bộ của BTL Hải quân ra nghiệm thu công trình do Trung tá Trần Đình Dần - Trung đoàn trưởng đưa ra. Tàu HQ 885 lượng dãn nước 850 tấn của Đoàn 6 Hải quân chuyên đo đạc biên vẽ hải đồ ra đo trước. Luồng Đá Lớn đã thi công vượt yêu càu thiết kế. Dư 15 tấn thuốc nổ trong tổng số 1620 tấn.
Chúng tôi vào bờ với niềm vui tràn ngập trong lòng, với kỉ niệm thật tự hào sâu đậm, nó sẽ mãi mang theo trong lòng mỗi người đã tham gia xây dựng công trình có một không hai ở nước ta.

Đà Nẵng đêm 12/3/2018
(*)Thiếu tướng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 83.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522451

Hôm nay

2308

Hôm qua

2290

Tuần này

21225

Tháng này

220390

Tháng qua

121009

Tất cả

114522451