Cuộc sống quanh ta

Hồ Chí Minh với vấn đề phòng chống thiên tai

NĂM 1946, khi trả lời câu hỏi của các nhà báo,   Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm sự: “Tôi chỉ có một  sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Với tấm lòng tha thiết lo cho dân, cho nước, trong điều kiện một đất nước thường xuyên phải chịu nhiều thiên tai như nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề này và có những ý kiến, quan điểm hết sức sâu sắc, đến nay vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự.       

Tra cứu tài liệu “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000(1), chúng tôi nhận được một số kết quả đáng lưu ý. Đó là sự xuất hiện với tần số cao của các từ ngữ liên quan đến công tác phòng chống thiên tai. Cụm từ: “chống thiên tai”: 8 lần; “thiên tai”: 36 lần; “lụt”: 127 lần; “chống lụt”: 41 lần; “hạn hán”: 38 lần, “chống hạn”: 96 lần; “bảo vệ rừng”: 16 lần; “đắp đê”: 31 lần; “giữ đê”: 18 lần.
Trong một số tác phẩm viết trước cách mạng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra thiên tai là nguyên nhân gây ra nạn đói và cảnh khốn cùng cho người dân, bên cạnh sự áp bức, bót lột của giai cấp thống trị.
Trong bài “Tình hình Đông Dương” ngày 19/12/1924, Nguyễn Ái Quốc viết: “Vào tháng 10, nhiều tỉnh đã bị lụt và bão tàn phá. Những sự thiệt hại không được rõ; Chính phủ không muốn cho biết điều này. Theo những thông tin cá nhân thì có những nơi có tới nửa số dân bị chết đuối hay chết đói. Trừ Nam Kỳ, sự khốn cùng ngự trị ở khắp nơi”. (Tlđd, Tập 2, tr. 10).
Người phê phán chính quyền thực dân Pháp cấm đoán báo chí đưa tin về thiên tai, lụt lội và ngăn cấm báo chí tổ chức quyên góp đồng bào bị lũ lụt. (Tập 1, tr. 404). Người cũng phê phán chính sách vô nhân đạo của thực dân Pháp khi vẫn bắt người dân vùng bị thiên tai đóng thuế như thường lệ. (Tlđd, Tập 1, tr. 411).
Xuất phát từ tính nhân đạo của chế độ mới, để giúp người dân vùng bị thiên tai sớm ổn định đời sống, sản xuất, ngày 14/6/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 96-SL, sửa đổi bản “Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp”, trong đó quy định những vùng bị thiên tai, địch họa thì tùy theo mức độ thiệt hại sẽ được giảm hoặc miễn thuế.          
Hồ Chí Minh quan niệm thiên tai cũng là một thứ giặc, và chống thiên tai cũng là một cuộc chiến hết sức gay go, gian khổ. Tháng 6-1947, Bác viết “Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt”: “Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm...” (Tlđd, Tập 5, tr. 160). Ngày 16/7/1953, báo Nhân Dân đăng bài “Ra sức giữ đê phòng lụt” của Bác: “Giặc LỤT là tiên phong của giặc ĐÓI. Nó là đồng minh của giặc NGOẠI XÂM. Nó mong làm cho dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta. Đắp đê giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch”. (Tlđd, Tập 7, tr.96). Người nhấn mạnh: “Trong mùa mưa, công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kì quan trọng…” (Tlđd, Tập 8, tr. 398) và “…chống lụt, chống hạn cũng đều là đánh giặc, cũng khó khăn gian khổ” (Tlđd, Tập 11, tr. 136).
Với quan niệm thiên tai là kẻ thù, Người luôn quan tâm nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ, cán bộ đề cao cảnh giác, nỗ lực phòng chống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết thư, nói chuyện, căn dặn về nhiệm vụ cấp thiết này. Tháng 6-1947, trong hoàn cảnh kháng chiến ác liệt, Bác viết “Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt”. Ngày 15/6/1950, báo Sự Thật đăng bức thư “Gửi đồng bào các tỉnh có đê” của Bác. Báo Cứu quốc ngày 2/6/1952 đăng bài của Bác “Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê”; ngày 16/7/1953, báo Nhân Dân đăng bài “Ra sức giữ đê phòng lụt”. Ngày 10/6/1957, Người viết “Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão”. Nói chuyện với đồng bào ngày 6/7/1957, trước khi lên đường thăm 9 nước anh em, Bác Hồ căn dặn: “Đồng bào và cán bộ nông thôn thì cố gắng chăm lo để giành lấy vụ mùa thắng lợi, ra sức giữ đê, chống lụt, chống bão” (Tlđd, Tập 8, tr. 434). Ngày 26/10/1958, nói chuyện tại Đại hội sản xuất Đông - Xuân tỉnh Thái Bình, Bác Hồ nhắc nhở phải “Ra sức chống thiên tai như hạn hán, sâu, chuột”. (Tlđd, Tập 9, tr. 245). Ngày 7/6/1960, nói chuyện tại Đại hội sản xuất tỉnh Hà Đông, Người xem chống thiên tai cũng là một cuộc kháng chiến (Tlđd, Tập 10, trang 142). Ngày 28/7/1965, Bác viết bài “Phải sẵn sàng phòng chống bão lụt” trên báo Nhân Dân. Phòng chống thiên tai, bảo vệ nhân dân là mối quan tâm thường trực của Người.    
Qua những bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất cụ thể, chi tiết về những giải pháp, biện pháp, kinh nghiệm phòng chống thiên tai. Người quan niệm muốn chống thiên tai hiệu quả trước hết phải chú ý đến công tác dự báo, đề phòng, chuẩn bị. Người luôn nhắc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cảnh giác, tập trung chuẩn bị trước để phòng chống thiên tai. Người viết: “Tuyệt đối không nên chờ “nước đến chân mới nhảy”(2)
Nói chuyện với các đại biểu nhân dân Thanh Hoá ngày 13/6/1957, Bác căn dặn: “Năm nay việc hộ đê chống bão rất quan trọng. Thà đắp đê cao một tí, chuẩn bị nhà cửa trước, nếu không có lụt bão cũng không sao, nhưng nếu chủ quan không chuẩn bị thì thiệt hại lớn. Đắp đê chống lụt bão phải kịp thời”. (Tlđd, Tập 8, trang 405). 
Hồ Chí Minh quan niệm, muốn chống thiên tai có hiệu quả thì phải có kế hoạch cụ thể, khoa học, phân công rõ ràng, kiểm tra, đôn đốc chu đáo. Phương án chống thiên tai không phải chỉ do cán bộ nghĩ ra, mà cần xuất phát từ thực tiễn, vận dụng kinh nghiệm của nhân dân, phải bàn bạc kĩ với dân trước khi thực hiện. “Cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân…” (Tlđd, Tập 8, tr. 398). “Cán bộ phải đi xuống cơ sở cùng với đồng bào bàn kế hoạch và thực hiện kế hoạch phòng và chống lụt, bão cho tốt”. (Tlđd, Tập 10, trang 684). “Trong việc đắp đê giữ đê, kế hoạch phải rất tỉ mỉ, phân công phải rất rành mạch, chuẩn bị phải rất chu đáo, lãnh đạo phải rất thống nhất.
Cán bộ quân, dân, chính, đảng, những vùng ấy phải xem việc đắp đê giữ đê là việc chính. Phối hợp phải thật chặt chẽ. Chỉ đạo phải thật thiết thực. Tổ chức phải thật đầy đủ. Tuyệt đối chống cách khoán trắng, chống quan liêu, mệnh lệnh”. (Tlđd, Tập 7, tr.96).
Người còn nhắc nhở các địa phương vùng xung yếu cần tổ chức thực tập, diễn tập kế hoạch chống thiên tai để phát huy hiệu quả tối đa trong thực tiễn. Bác còn đặt vấn đề huy động kinh nghiệm quốc tế về chống thiên tai: “Các nước bạn sẽ giúp ta kinh nghiệm chống lụt” (Tlđd, Tập 8, tr. 32). Người tin tưởng: “Chúng ta kịp thời chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng, thì dù bão lụt to mấy cũng không sợ” (Tlđd, Tập 11, trang 479).
Khi bước vào trận chiến chống thiên tai, Hồ Chí Minh nhắc nhở cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hiệp đồng giữa các lực lượng, vượt khó khăn gian khổ. “Đồng bào cần phải đoàn kết nhất trí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, giúp đỡ nhau chiến thắng thiên tai” (Tlđd, Tập 8, tr. 398). Không chỉ trong lực lượng tại chỗ, mà còn là tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các tỉnh lân cận: “Cán bộ và đồng bào các tỉnh gần nhau phải phối hợp chặt chẽ, tích cực giúp đỡ nhau phòng và chống lụt, bão”. (Tlđd, Tập 10, tr. 684).
Hồ Chí Minh khẳng định vai trò xung kích của các lực lượng đoàn thể, thanh niên, quân đội: “Nông hội và thanh niên phải xung phong làm gương mẫu. Bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân” (Tlđd, Tập 8, tr. 398). Đặc biệt, với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Người nhấn mạnh vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ trong cuộc chiến với thiên tai. Trong bài nói chuyện với cán bộ, Đảng viên Hà Tĩnh ngày 15/6/1957, Người phê bình cán bộ, đảng viên còn coi nhẹ, thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu làm việc đắp đê chậm trễ. Người khen ngợi đồng chí bí thư chi bộ xã Kì Hải (Kì Anh) đã dầm mình trong nước lạnh, lấy thân mình chắn nước cho người dân đắp đê. (Tlđd, Tập 8, tr. 420).
Trong bài nói chuyện với nhân dân, cán bộ khi đi thăm tình hình phòng chống lụt bão tại các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và Hà Nội ngày 17/7/1962, Bác Hồ đã có những lời nhắc nhở, căn dặn hết sức cụ thể về những biện pháp phòng chống lụt bão, để bảo vệ tính mạng và tài sản người dân. “Thanh niên và dân quân phải làm nòng cốt trong các đội xung kích và đi đầu trong việc chuẩn bị phòng và chống lụt, bão. Các địa phương có đê cần tổ chức thực tập chống lụt. Ở các điếm canh đê, ngày đêm phải có người canh gác và khi có báo động phải loan báo ngay cho mọi người biết để sẵn sàng đối phó” (Tlđd, Tập 10, tr. 684).
 Với tầm nhìn và tư duy chiến lược, Hồ Chí Minh nhận thấy nguy cơ thiên tai từ nạn phá rừng của con người. Vì vậy, muốn giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phải tích cực bảo vệ rừng. Trong “Thư gửi Đại hội hợp tác xã và Đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du” ngày 11/4/1964, Người phân tích: “Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình” (Tlđd, Tập 11, 243).
Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra nhiệm vụ chống thiên tai cần phải được tiến hành song song với phát triển thuỷ lợi, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Nói chuyện với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 8/12/1961, Người nêu thực trạng thuỷ lợi ở Nghệ An còn kém và nói: “Muốn chống thiên tai, về mặt kinh tế nói chung thì phải làm tốt thuỷ lợi để chống hạn, chống úng, tranh thủ được mùa, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng tiến lên” (Tlđd, Tập 10, tr. 442). Hồ Chí Minh nêu cao vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư các công trình thuỷ lợi, chống thiên tai. Trong bài “Quốc khánh lần thứ mười của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” đăng trên báo “Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân”, bản tiếng Pháp, số 356, ngày 2-9-1955, Người viết: “Nhưng chúng tôi còn phải phấn đấu rất nhiều để khôi phục lại những ruộng đất bị bỏ hoang, sửa lại đê điều để chống lụt và xây dựng một hệ thống nông giang để đất nước chúng tôi không còn bị hạn hán và đói kém nữa…” (Tlđd, Tập 8, tr.57).
 Với cương vị là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến tình hình thiên tai trên cả nước, kịp thời thăm hỏi, động viên những vùng bị thiệt hại nặng và khen thưởng những địa phương, đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Ngày 17/11/1964, Người viết thư thăm hỏi đồng bào miền Nam bị lũ lụt gây thiệt hại nhiều về người và tài sản: “Thân ái gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam.
Vừa qua, mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời.
Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng”. (Tlđd, Tập 11, tr. 136).
Ngày 1/4/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 013-SL, thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho cán bộ và nhân dân tỉnh Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) về thành tích dẫn đầu toàn miền Bắc về công tác phòng chống thiên tai năm 1956. Ngày 19/11/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Lệnh số 102-LCT, thưởng 4 Huân chương Lao động hạng Ba cho nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang tại các tỉnh Nghệ An, Nam Hà, Hà Tây và Thái Bình vì đã có nhiều thành tích trong công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều và các công trình thuỷ lợi trong năm 1966.   
Những quan điểm, ý kiến của Hồ Chí Minh về phòng chống thiên tai cho thấy một tầm nhìn xa trông rộng, một trí tuệ sâu sắc, tinh tế. Hiện nay, thiên tai đang là vấn đề lớn của quốc gia. Theo thống kê, trong vòng 12 năm gần đây (1996-2008), bão lũ, hạn hán, các loại thiên tai khác đã làm chết 9.600 người và thiệt hại tài sản ước tính chiếm 1,5% GDP/năm. Trong năm 2010, thiên tai hoành hành ở miền Trung, bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp, các ngành, vẫn còn hiện tượng bị động, lúng túng, thậm chí thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần học tập tư tưởng và những việc làm thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phòng chống thiên tai.
 
 


(1) Từ đây, trong bài chúng tôi sử dụng dẫn chứng từ sách này, và ghi là Tlđd (tài liệu đã dẫn).
 (2) Báo Nhân dân số 4133, ngày 28/7/1965.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525839

Hôm nay

2106

Hôm qua

2283

Tuần này

2389

Tháng này

212535

Tháng qua

0

Tất cả

114525839