Xứ Nghệ ngày nay

Hệ thống thư viện tỉnh Nghệ An - Một cái nhìn gần

Không tính loại hình thư viện trường học, Nghệ An hiện có 01 thư viện tỉnh, 19 thư viện cấp huyện, thành, thị (huyện Nghĩa Đàn và thị xã Hoàng Mai chưa có thư viện) và 177 thư viện cấp xã. Trừ Thư viện tỉnh và một số ít thư viện huyện, xã đang có bạn đọc dù giảm nhiều so với trước, còn lại hầu hết đang hoạt động èo uột, cầm chừng nếu không muốn nói là đang chết dần, chết mòn.

Thư viện tỉnh Nghệ An được xếp vào loại hiện đại nhất khu vực Bắc miền Trung với tòa nhà 7 tầng (khánh thành năm 2010), trang thiết bị được đầu tư sắm mới toàn bộ, đủ các yếu tố để trở thành thư viện điện tử kỹ thuật số. Vốn sách, tài liệu của thư viện tỉnh cũng rất phong phú. Sách phục vụ bạn đọc bình thường: trên 260.000 bản, sách địa chí: trên 10.000 bản, sách về Bác Hồ: trên 5.000 bản, sách Hán Nôm: trên 3.000 bản, sách lưu động, luân chuyển: trên 15.000 bản, sách nói (phục vụ người khiếm thị: 2.000 bản). Hàng năm, Thư viện tỉnh luôn bổ sung sách mới (từ 12-15 nghìn bản). Vậy nhưng, theo ông Dương Duy Tiến - Giám đốc Thư viện tỉnh cho hay, lượng bạn đọc đến thư viện giảm nhiều so với trước đây. Để “kéo” bạn đọc về với thư viện, Thư viện tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bạn đọc, như chỉ cần có chứng minh thư, thẻ học sinh là có thể mượn sách đọc, rút ngắn thời gian làm thẻ (chỉ sau 5 phút là có thẻ). Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động, như: nói chuyện chuyên đề, tọa đàm giới thiệu sách. Tổ chức nhiều phòng đọc sách: Phòng đọc thiếu nhi, phòng đọc sách Hán Nôm, phòng sách địa chí, tổ chức tập huấn cho bạn đọc về cách sử dụng máy tính, cách truy tìm, khai thác thông tin qua mạng,… Những nỗ lực của Thư viện tỉnh cũng chỉ kiềm chế được việc giảm số lượng bạn đọc trong 2 năm nay, còn để thu hút bạn đọc trở lại đông như trước đây là rất khó.

 Ở ngay TP. Vinh, trung tâm hành chính của tỉnh, nơi tập trung rất nhiều trường Đại hoc, Cao đẳng, nhiều cơ quan nhà nước lại được đầu tư nhiều mà hoạt động của Thư viện tỉnh còn khó khăn như vậy huống hồ thư viện cấp huyện, xã ở vùng nông thôn thiếu thốn đủ thứ, từ cơ sở vật chất, vốn sách, báo và thiếu cả sự quan tâm của chính quyền các cấp.

Cơ sở vật chất tạm bợ, vốn sách nghèo nàn là tình trạng chung của hầu hết thư viện huyện trong tỉnh từ nhiều năm nay. Toàn tỉnh hiện chỉ có các huyện Nam Đàn và Yên Thành là có nhà Thư viện tách riêng độc lập ra khỏi trụ sở Trung tâm Văn hóa thông tin, Thể thao huyện, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Quỳ Châu, thị xã Thái Hòa, thư viện nằm trong khuôn viên Trung tâm VHTT-TT nhưng tách khỏi nhà làm việc cùng với nhà truyền thống và diện tích cũng khá rộng (từ 100-150 m2). Còn lại các huyện, thị khác, thư viện được bố trí một phòng trong nhà làm việc của Trung tâm VHTT-TT huyện, không có không gian riêng; bàn ghế, giá tủ đã hư hỏng nhiều. Huyện Diễn Châu, thư viện được bố trí ở tầng 2 của Trung tâm khuyến nông huyện, thật cách lế. Diện tích phòng thư viện ở nhiều nơi chưa đảm bảo (các huyện Con Cuông, Tương Dương, Đô Lương, chưa đầy 50m2, Quế Phong, Anh Sơn: 20 m2, cá biệt huyện Kỳ Sơn chỉ có 10m2. Hai huyện điểm văn hóa của tỉnh (Anh Sơn và Quỳ Hợp) vẫn chưa có thư viện theo đúng nghĩa. Chị Trần Thị Dĩnh - cán bộ bảo tàng kiêm thư viện huyện Anh Sơn cho biết: Phòng thư viện kiêm văn thư, hành chính chỉ có 20m2, chẳng có nơi phục vụ bạn đọc tại chỗ. Còn chị Trương Thị Kim Chi - Giám đốc Trung tâm VHTT-TT Qùy Hợp thì chia sẻ, sách báo của thư viện được cất vào kho từ đầu năm 2016 mà công trình cải tạo, nâng cấp hội trường (thư viện dự tính ké vào đây) chưa biết đến bao giờ mới xong. Nhưng phòng đọc rộng, hẹp không quan trọng bằng vốn tài liệu. Không có nơi đọc tại chỗ, bạn đọc có thể mượn sách về đọc ở nhà, không có sách hay, sách mới, sách phù hợp với nhu cầu bạn đọc mới là điều đáng buồn. Tìm hiểu ở các huyện, thị cho thấy vốn sách quá nghèo nàn cả về số lượng và chủng loại. Trong số các thư viện huyện, thì Thư viện huyện Yên Thành có vốn tài liệu nhiều nhất với xấp xỉ 14.000 bản sách, 25 đầu báo tạp chí. Các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ có vốn sách trên 12.000 bản và trên dưới 15 đầu báo, tạp chí. Các huyện, thị Anh Sơn, Quế Phong, TX Thái Hòa, vốn sách từ 8.000-10.000 bản. Vốn sách dưới 4.000 bản gồm các huyện: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Kỳ Sơn, … Thư viện huyện Kỳ Sơn không có đầu báo, tạp chí nào. Trừ huyện Yên Thành có bổ sung sách mới hàng năm (bình quân 36 triệu đồng/năm liên tục từ 2011-2016, 2017 chuyển trụ sở mới đầu tư 8 giá sách trị giá 50 triệu đồng) còn các nơi khác, nhiều năm nay hầu như không có bổ sung. Có một thực tế ở tất cả các huyện, thị là vốn sách đã cũ và nhiều loại sách được cấp, phát, tặng lại không phù hợp với nhu cầu của bạn đọc ở nông thôn nên thư viện đều chung cảnh “đìu hiu chợ chiều”. Chị Sầm Thị Hằng, cán bộ thư viện huyện Quỳ Châu cho biết, Thư viện huyện có 5.032 bản sách thì hơn 1.000 bản là sách được cấp (do Nhà nước đặt hàng Hội Văn nghệ dân gian xuất bản) không ai đọc. Mỗi năm, kể cả đối tượng được miễn phí thì thư viện huyện chưa cấp nổi 40 thẻ bạn đọc, chủ yếu là học sinh, một số cán bộ hưu trí còn người dân đến thư viện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả những huyện có phong trào đọc sách trước đây như Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành,… số lượng bạn đọc đều giảm hẳn. Chị Hồ Thị Thủy - Thư viện Quỳnh Lưu chia sẻ, trước đây, thư viện Quỳnh Lưu cấp 500 thẻ bạn đọc mỗi năm, phục vụ không xuể, mấy năm nay chỉ còn khoảng 100 thẻ. Ngày đông lắm thì có khoảng mươi người đến mượn, nhiều ngày không có ai đến. Là người có thâm nên 22 năm làm thủ thư ở Thư viện huyện Nam Đàn, chị Hoàng Thị Mai không khỏi chạnh buồn về sự èo uột của thư viện lâu nay: “Trước đây, nhất là từ khi có dự án Bill gate, có ngày thư viện phục vụ tới hơn 300 bạn đọc, mệt nhưng vui. Mấy năm nay, bạn đọc thưa thớt quá, nhiều ngày không có ai đến”. Buồn và nản là tâm trạng chung của rất nhiều thủ thư khi được hỏi về hoạt động của thư viện hiện nay. Họ buồn vì lĩnh vực chuyên môn của họ chưa được đối xử công bằng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Họ buồn vì lãnh đạo cấp trên thiếu sự nhìn nhận một cách đầy đủ, đúng đắn về vai trò của hoạt động thư viện nên chưa có sự quan tâm đầu tư một cách đúng mức. Lâu nay, các huyện chỉ lo quan tâm hoạt động bề nổi như văn nghệ, thể thao còn thư viện thì chịu phận “con rơi”. Một thủ thư hoàn toàn có lý khi chia sẻ với tôi rằng: “Đầu tư cả mấy chục triệu, có khi cả trăm triệu đồng tham gia một hội diễn văn nghệ. Hội diễn xong là trôi, chẳng đọng lại cái gì. Trong khi đầu tư vài chục triệu mua sách cho thư viện thì giá trị còn lại là mãi mãi nhưng lại chẳng có”. Nhiều lãnh đạo Trung tâm VHTT-TT huyện cũng bộc bạch rằng, hàng năm, có quá nhiều giải thể thao rồi hội diễn văn nghệ mà giải nào, hội diễn nào cũng phải tham gia, thật tốn kém, ngân sách cấp lại quá eo hẹp và không có phân khai tài chính cho mục bổ sung sách nên mảng thư viện phải chịu thiệt thòi.

Một khi hoạt động thư viện bị coi nhẹ thì thủ thư cũng ngậm ngùi cùng chung số phận. Rất ít thủ thư được làm việc đúng chuyên môn nghiệp vụ của mình. Còn lại hầu hết được xem là cán bộ “tổng hợp”, kiêm nhiệm đủ việc, bảo tàng, văn thư, phục vụ,… Do ít hoạt động và ít được phát huy chuyên môn, ít va chạm với thực tế nên dù cán bộ thư viện huyện phần lớn tốt nghiệp đại học chuyên ngành thông tin thư viện, độ tuổi cũng rất trẻ nhưng lại an phận thủ thường, không tâm huyết, không yêu nghề chỉ quan niệm có suất biên chế nhà nước ăn lương rồi làm việc gì cũng được. Một số cán bộ tâm huyết nhưng cấp trên không quan tâm, không tạo điều kiện để làm việc thì cũng nản. “Không có đầu tư thì làm gì có sách mới, làm gì tổ chức được các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, thi kể chuyện qua sách,… Không có kinh phí thì tâm huyết đến mấy cũng chịu,…” - chị Sầm Thị Hằng chia sẻ thêm.

  Thư viện huyện ngày càng èo uột, không có bạn đọc nên mấy năm nay, các huyện với sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh đã đưa sách về gần với bạn đọc hơn trông qua việc xây dựng thư viện và tủ sách cơ sở ở các xã, xóm. Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT huyện Thanh Chương cho biết, toàn huyện đã xây dựng được gần 30 thư viện, tủ sách cơ sở, trong đó thư viện xã Cát Văn có trên 2.000 bản sách và hoạt động rất tốt. Các thư viện xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu, Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu), xã Phúc Thành, Tân Thành (Yên Thành),… có vốn sách khá phong phú (từ 3.000-5.000 bản) và phát huy tốt vốn sách tại thư viện. Đặc biệt, thư viện xã Phúc Thành ngoài 3.000 bản sách còn có 5 máy tính kết nối internet, có thủ thư chỉ làm nhiệm vụ ở thư viện không phải kiêm nhiệm gì, mỗi năm bổ sung trên dưới 15 triệu tiền sách. Các tủ sách cơ sở ở xóm 2 Bắc Thành, xóm Lạc Thiện xã Hồng Thành, xóm Phú Yên, xã Văn Thành, xóm Vĩnh Tiến xã Nhân Thành, làng Phụng Luật xã Hợp Thành (Yên Thành), tủ sách dòng họ Hoàng (Diễn Cát, Diễn Châu), dòng họ Đào (xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương), họ Hồ (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu), họ Đặng (xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên),… cũng hoạt động khá hiệu quả. Nhưng thư viện, tủ sách cơ sở hoạt động thực sự hiệu quả như đã nêu trên không được nhiều. Rất nhiều TV/TSCS được xây dựng mang tính phô diễn là chính (để đủ tiêu chí công nhận các danh hiệu văn hóa hay nông thôn mới) mà không phát huy được tác dụng.

Nhìn gần về hoạt động của hệ thống thư viện tỉnh Nghệ An thấy rằng, bạn đọc quay lưng với thư viện, với văn hóa đọc truyền thống không phải là không thích sách mà là do không có sách hay, sách phù hợp và thiếu các hoạt động phụ trợ khuyến khích việc đọc sách. Đã đến lúc, các thư viện phải đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình hoạt động để thu hút bạn đọc. Thư viện tỉnh, từ năm 2017 đã đưa xe phục vụ lưu động “Ánh sáng tri thức” (do Bộ VHTT&DL cùng tập đoàn Vingroup tài trợ) với 5.000 bản sách, 10 máy tính có kết nối internet, ti vi, màn chiếu và một số thiết bị phục vụ bạn đọc khiếm thị đi phục vụ được 50 điểm ở 8 huyện, thành trong tỉnh và đang tiếp tục thực hiện ở các địa phương khác trong tỉnh. Mới đây, Thư viện tỉnh cũng đã khai trương phòng đọc sách doanh nhân (100% vốn xã hội hóa) theo mô hình cà phê - sách, kết nối với không gian ngoài trời, khu vui chơi trẻ em; tạo nên tổ hợp phòng đọc sách thư giãn, giao lưu, gặp gỡ lý tưởng. Nơi đây hỗ trợ các doanh nhân, các học sinh, sinh viên, thanh niên và bạn đọc được cập nhật thông tin phong phú về quản trị doanh nghiệp, các cơ hội, môi trường đầu tư kinh doanh, định hướng nghề nghiệp, kinh nghiệm khởi nghiệp, giới thiệu việc làm…Đây là một mô hình mới mà các huyện có thể tham khảo. Về phía chính quyền các cấp, nên có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò của thư viện đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho nhân dân, nhất là vai trò của thư viện đối với việc xây dựng đời sống văn hóa trong nông thôn mới để có sự đầu tư hợp lý. Ngành Văn hóa & Thể thao, khi xây dựng thang điểm để đánh giá xếp loại cuối năm đối với các huyện, thành, thị, điểm hoạt động thư viện cũng cần tương xứng với các hoạt động văn nghệ, thể thao. Có như vậy các địa phương mới quan tâm chăm lo cho hoạt động thư viện.

Xin được kết thúc bài viết này bằng lời chia sẻ của các thủ thư: “Tôi muốn được làm đúng chuyên môn nghiệp vụ của mình”, “ Tôi muốn hoạt động thư viện được đối xử công bằng như các hoạt động chuyên môn khác”, “Tôi ước mỗi năm thư viện huyện được đầu tư vài chục triệu đồng cho việc mua sách thì hoạt động của thư viện sẽ khác”,…

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511744

Hôm nay

270

Hôm qua

2337

Tuần này

22118

Tháng này

218617

Tháng qua

121356

Tất cả

114511744