Cuộc sống quanh ta
"Ba chàng điên làng say"
Lê Đại tự Siêu Tùng, hiệu Từ Long, quê làng Thịnh Hào, nay thuộc địa bàn ngõ Thịnh Hào 2 đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội; thường được gọi là Xứ Lê, vì đỗ đầu xứ kỳ thi sát hạch tỉnh Hà Đông, nhưng sau đó lại hỏng thi Hương. Nguyễn Hữu Cầu hiệu Giản Thạch, đỗ cử nhân năm Bính Ngọ (1906), thường gọi là Cử Cầu hoặc Cử Đông Tác, quê xóm Cam Đường làng Trung Tự, nay là tổ 81A phường Kim Liên, Hà Nội. Hai cụ đều thuộc dòng dõi sĩ phu nổi tiếng yêu nước, có khí tiết. ẢNH : Túy hương tam cuồng
Hai cụ Xứ Lê và Cử Cầu cùng làm việc trong Ban Tu Thư của trường ĐKNT, chuyên trách biên soạn các tài liệu giảng dạy và tuyên truyền bằng chữ Hán, nhưng có lẽ vì để giữ bí mật nên không tài liệu nào có ghi tên tác giả. Các cụ biên soạn được khá nhiều tài liệu, nhưng hầu hết đều đã bị chính quyền Pháp tịch thu, tiêu hủy và cấm tàng trữ khi chúng đóng cửa trường, cấm ĐKNT hoạt động. Cho tới nay chỉ còn giữ được rất ít tài liệu; hiện mới có 3 cuốn sách chữ Hán Tân đính Luân lý giáo khoa, Quốc dân Độc bản, Quốc văn Tập độc (“độc”: đọc) đã được dịch ra Quốc ngữ và xuất bản.
Tuy ít, song chỉ đọc ba tài liệu ấy thôi, chúng ta sẽ giật mình vì thấy tư tưởng của các nhà Nho ĐKNT đã đi trước thời đại rất sớm. Chẳng hạn cách đây hơn 100 năm các cụ đưa ra những khái niệm cải cách mở cửa (“không thể như trăm năm trước nữa, cứ đóng cửa mà trị dân”), sở hữu tri thức, thương hiệu và bản quyền tác giả (“sáng chế mới, kỹ thuật của thợ lành nghề, nhãn hiệu của thương gia cũng đều đăng ký, không ai được giả mạo”), kinh tế nhiều thành phần (“nhà tư bản cũng có ích cho người nghèo”), kiến thức về các loại công ty (công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần …), các dịch vụ bưu điện, ngân hàng, trái phiếu, hối phiếu, séc, v.v…
Xứ Lê là người dịch thành công Hải ngoại Huyết thư (“Bức thư viết bằng máu gửi từ nước ngoài”, viết bằng chữ Hán) của nhà đại cách mạng Phan Bội Châu sang tiếng Việt dưới thể thơ song thất lục bát dễ nhớ; nhờ đó mà áng văn cách mạng có sức cảm hóa mãnh liệt này đã được đông đảo đồng bào ta biết đến và khơi dậy ở họ lòng yêu nước, nghĩa khí xông ra chống pháp cứu nước. Bản dịch xuất sắc ấy của cụ đã góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta. Chính vì thế thực dân Pháp rất căm ghét Lê Đại.
Trường ĐKNT mới khai trương được có 9 tháng thì đã bị thực dân Pháp đóng cửa, vì chúng vô cùng khiếp sợ trước các hoạt động chống Pháp cực kỳ hiệu quả của trường. Sau đó chúng bắt đầu trừng trị các yếu nhân của tổ chức cách mạng này. Có điều chúng không thể bắt giam họ, vì chính chúng đã ký giấy cho phép thành lập trường ĐKNT, và nhà trường cũng không vi phạm các điều cấm.
Lê Đại và một số đồng chí bị bắt năm 1908 với tội danh liên quan vụ “Đầu độc Hà Thành”, tức vụ một số binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp định đầu độc các sĩ quan Pháp đóng tại Hà Nội để mưu cướp chính quyền, song không thành công; tất cả những người tham gia vụ này đều bị xử án rất nặng. Trong tù, Lê Đại khảng khái từ chối lời hứa của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Trọng Phu nói nếu chịu khai thì sẽ được giảm tội, và còn nói cho Hoàng Trọng Phu bẽ mặt; vì thế cụ bị hắn sai tay chân đánh cho một trận thật đau. Lê Đại bị kết án khổ sai chung thân (sau được ân xá). Thực ra, cụ bị án nặng chủ yếu vì đã dịch Hải ngoại Huyết thư.
Sau khi ĐKNT bị đóng cửa, Nguyễn Hữu Cầu chuyển sang hoạt động tìm kiếm thanh niên có chí khí và giúp kinh phí đưa họ sang Trung Quốc học làm cách mạng. Năm 1915, do có kẻ phản bội, cụ bị bắt và kết án 5 năm tù với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền bảo hộ”.
Trong thời gian tạm giam, các chính trị phạm đều bị nhốt tại Hỏa Lò. Lê Đại tả lại cảnh ở đây như sau:
Giam vào bóp Hỏa Lò
Vào bậc đệ nhất ngục
Trông như động Diêm Vương
Một đàn quỷ đầu trọc
Khi thoạt mới phải vào
Ngửi tường đứng một góc
Bảo đứng đem thước đo
Bắt ngồi lấy ảnh tróc
Nghe thấy tiếng huýt còi
Chạy theo nhau lốc nhốc
Cặc bò tay quất liền
Móng heo chân đá thốc
… Mỗi người cùm một nơi
Nhìn nhau nín như thóc
Chân xích díu với tay
Đít ngồi gắn xuống bục
Nước cho một bơ đầy
Cơm phát lưng rá hộc
Uống những mùi mỡ bò
Ăn rặt đầu cá mục
Đũa rơi lấy chân quều
Bát thiếu thò tay bốc
… Mỗi ngày một lần tắm
Dái mó vẫn còn mốc
Cả ba bốn mươi người
Bắt trần truồng trùng trục
…Đêm mót phải ỉa quỳ
Ngày mỏi chỉ nằm phục …
Đầu năm 1909, Lê Đại bị đưa ra Côn Đảo. Tám năm sau, đến lượt Nguyễn Hữu Cầu ra đây, sau khi đã tù hai năm ở Bắc Giang. Nhà đại cách mạng Phan Châu Trinh tả cảnh đảo Côn Lôn như sau:
Tang thương dời đổi mấy thu đông
Cạm núi Côn Lôn đứng vững trồng.
Bốn mặt giày vò, oai sóng gió,
Một mình che chở tội non sông.
Cỏ hoa đất này cây trăm thức,
Rồng cá trời riêng biển một vùng.
Nước thắm non xanh thiêng chẳng nhẽ ?
Gian nan phù hộ bước anh hùng.
… Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con.
“Bị đày đi Côn Đảo, cầm như người đã chết” – cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại. Chế độ giam cầm vô cùng dã man, ngày lao động khổ sai, tối cùm chân nằm sàn xi măng. Gác-điêng (gardien: lính gác), ma-tà (agent de police: mật thám), xú-ba-dăng (surveillant indigène tức cai ngục người bản xứ), cạp-rằn (caporal: cai tù) tha hồ đánh chửi tù nhân. Cụ Huỳnh tả cảnh ăn cơm như sau: cứ 7 người một nhóm, 7 cái lon sắt tây, 7 đôi đũa, 1 lon cá khô nấu, 1 lon nước mắm, 1 thùng canh hoặc rau. Cơm gạo xay không giã; cá khô và canh là món ăn quanh năm.
Cá khô mặn như muối,
Cơm lức đen như sắt.
Bảy người chung một mâm,
Ngồi lết cứ xực gắt.
Cụ Cầu ra Côn Đảo vào đúng dịp thực dân Pháp thay viên chúa đảo O. Coonell đối xử tương đối tốt với tù nhân bằng chúa đảo mới là Audoand, quen gọi là “Ông lớn một tay”, vì hắn bị mất tay phải hồi Đại chiến I. Audoand đối xử rất ác với tù nhân, động một chút là phạt nặng. Vì thế hôm mồng 4 tết Kỷ Mùi (1918), trại giam tù chung thân đã bạo động nổi dậy, lính Pháp bắn chết 80 người. Về sau, Audoand bị một thuộc hạ của hắn ám sát chết, thật đáng đời.
Nguyễn Hữu Cầu làm lao động khổ sai tại cái gọi là Sở Rẫy. Cụ có làm bài thơ chữ Hán tả công việc đó:
… Phụ thạch tru mao song bệnh cốt
Môn tâm tao thủ nhất phiêu bồng
… Lâm gian ngọ tọa trần hiêu quýnh,
Hải thượng tình khan đao dữ phù …
Thơ dịch của Huỳnh Thúc Kháng:
… Khiêng đá đào tranh, hai xác ốm
Gãi đầu bóp bụng một vền tơ …
… Giấc trưa nghỉ dậy, rừng không bụi,
Cơn tạnh ngồi xem biển nổi cồn …
Tù nhân trong trại giam chính trị phạm toàn là các nhà Nho của phong trào Duy Tân và ĐKNT. Nhà tù Côn Đảo là một trường học thiên nhiên – từ của cụ Phan Châu Trinh, tù chính trị đầu tiên ra Côn Đảo – cụ nói: Làm trai giữa thế kỷ thứ 20 này không thể không nếm cho biết mùi cay đắng ở Côn Đảo. Đúng là một trường học: tại đây các tù nhân có dịp để học lẫn nhau kinh nghiệm hoạt động cách mạng, cách đối phó với chế độ giam cầm tàn ác của nhà tù, và cả các kiến thức văn hóa, văn học. Rất nhiều chính trị phạm hồi ấy là các bậc túc Nho đỗ đạt cao, như phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…Cử nhân Dương Bá Trạc tả:
Ô hay ! Côn Lôn ngỡ trường thi,
Họp mặt văn nhân đủ lưỡng kỳ.
Nhốt khám cả ngày, thơ lại chuyện,
Lập-binh [tức điểm danh (nhại tiếng Pháp)]hai dãy, Cống cùng Nghè !
Cụ Huỳnh kể: trước khi vào tù, do quen lối sống của người “có cái túi văn chương, thường ngày ngạo nghễ với đời”, các ông cống ông nghè đó không quen bợ đỡ bọn cai tù, vì thế bị chúng ghét. Một tên cai tù còn trẻ coi tù đập đá, thấy các văn nhân sức yếu làm việc chậm, hắn cầm roi đến hỏi từng người: “Mày đỗ gì ?” “Bẩm, cử nhân”, thế là hắn quất cho người đó một roi. “Còn lão này cái gì ?” “Bẩm, tiến sĩ”, người này vừa nói vừa cười nên bị hắn quất đau hơn và bảo: “Mày ăn nói vô lễ, cho một roi để từ nay biết tay tao !” Duy có người xưng là chánh tổng thì không bị roi…
Tại Côn Đảo, sau giờ lao động khổ sai, các tù nhân-nhà Nho say sưa đàm đạo và họa thơ ngâm vịnh. Sau này, khi được tự do, cụ Huỳnh đã dựa trí nhớ ghi lại một số bài thơ ấy trong tập “Thi tù tùng thoại”. Thơ văn trở thành món ăn tinh thần vô cùng bổ ích cho các tù nhân. Cụ Huỳnh kể: chính tôi đã nhờ món ăn tu dưỡng ấy mà giữ được tấm lòng không thay đổi. Cụ Cầu ra tù về nhà cảm khái nói với các con: “Chuyến đi Côn Đảo này được cái may là học thêm chữ ở cụ Đốc Đặng”. Đốc học Đặng Nguyên Cẩn nổi tiếng hay chữ, được sĩ phu xứ Nghệ coi như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu; cụ Cầu phục là phải.
Ảnh “Ba chàng điên làng say” chụp năm nào chúng tôi cũng chưa rõ, nhưng chắc chắn là sau ngày Lê Đại ra tù (1925). Sau bao năm xa cách, ba bạn thân gặp nhau trò chuyện hàn huyên, say sưa bên chén rượu rồi chụp ảnh kỷ niệm. Hiểu rằng sự nghiệp cứu nước của mình đã thất bại cay đắng và chưa tìm được lối thoát, họ đành mượn rượu để giải sầu. Rượu vào, thơ ra. Làm thơ quốc ngữ ít người bằng Lê Đại, con người có tài xuất khẩu thành chương:
“Vui cùng thơ rượu rung đùi nói
Nghĩ đến non sông ngẩn mặt ngồi.”
... “Muốn phá hết sầu, nên mượn rượu
Chẳng lui được giặc, chỉ ham thơ
Chơi cùng bằng hữu, lòng chân thật
Nghĩ đến giang sơn, dạ ngẩn ngơ”.
Niềm vui thoát khỏi địa ngục Côn Đảo vẫn không làm các chí sĩ ĐKNT quên nỗi đau của kẻ mất nước, họ ngẩn ngơ, xót xa nghĩ đến non sông gấm vóc của dân tộc mình vẫn còn bị giặc xâm lược dày xéo. Thật là những tình cảm cao cả đáng ngưỡng mộ ! Đất nước Việt Nam thời nào cũng có những người yêu nước thương nòi như vậy. Thế hệ các nhân vật ĐKNT thật xứng đáng bên cạnh các sĩ phu của các phong trào Cần vương, Duy Tân, Đông Du. Chí sĩ phong trào Duy Tân tỉnh Quảng Nam là nhà thơ-tiến sĩ Trần Quý Cáp (1870-1908) do tham gia chống thuế ở Trung Kỳ mà bị thực dân Pháp và triều đình Huế xử tội chết với hình thức vô cùng dã man là chém ngang lưng (để phải chịu nỗi đau và khiếp sợ do không chết ngay). Biết thế nhưng cụ vẫn ngẩng cao đầu bước ra pháp trường. Tiếp bước thế hệ ĐKNT lại đến thế hệ Việt Nam Quốc Dân Đảng: sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái bất thành, Nguyễn Thái Học cùng 11 đồng chí hiên ngang bước lên đoạn đầu đài, oanh liệt hy sinh vì đại nghĩa…
Giáo sư Phan Ngọc rất đúng khi viết: “Theo tôi, thế hệ những người cộng sản là nối tiếp thế hệ nhân sĩ trước đó. Có sự khác nhau về tư tưởng nhưng không có sự khác nhau về nhân cách, về truyền thống văn hóa dân tộc… Truyền thống trọng nhân cách là truyền thống văn hóa của dân tộc ta… Chẳng phải Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và vô số các nhà cách mạng đều là con cháu của những nhà Nho nổi tiếng sao ?” [Xem : Nhân đạo quyền hành, Đạm trai văn tập. Hồ Phi Huyền. Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2007]. GS Phan Ngọc đã nói lên một sự thật lịch sử: truyền thống đạo đức xa xưa của các dân tộc đều là do tầng lớp có học của dân tộc đó tạo dựng nên – như samurai của nước Nhật, sĩ phu của Việt Nam…
Nếu ảnh nói trên chụp vào Tết Bính Dần (1926) sau khi Lê Đại ra tù thì đó là dịp cụ viết câu đối:
“Đi về vừa gặp Tết, ba chén nghênh xuân, quanh gối những vui cùng tuế nguyệt;
Nghĩ lại bấy nhiêu năm, một thân cố quốc, sờ râu càng thẹn với non sông”.
Thẹn với non sông– Ôi, nỗi hổ thẹn của các chí sĩ sao mà cao cả ! Nó chẳng khác gì nỗi thẹn Phạm Ngũ Lão viết trong bài “Ngôn hoài” (Trần Trọng Kim dịch):
Công danh nam tử còn mang nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Võ Hầu.
Võ Hầu tức Khổng Minh, một tấm gương tận trung phò Chúa Lưu Bị; danh tướng văn võ toàn tài họ Phạm (con rể Trần Hưng Đạo) thật khiêm tốn khi thẹn với Võ Hầu.
Các sĩ phu ĐKNT đều lấy làm xấu hổ vì mình chưa làm tròn sứ mạng non sông giao phó, khi đành bỏ dở dang sự nghiệp cứu nước. Dường như các nhà trí thức chân chính đều tự thấy mình có một sứ mạng thiêng liêng nào đó với đất nước, dân tộc; và họ luôn lo không làm tròn sứ mạng của mình. Nỗi lòng ấy thể hiện rõ trong bài thơ chữ Hán “Côn Luân lưu biệt” cụ Cầu viết tặng các bạn tù ở lại khi cụ giã từ nhà tù Côn Đảo vào một chiều thu năm 1920. Thơ được Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (con trai thứ cụ Cầu) dịch, trong có mấy câu như sau:
… Chim phàm vừa nhốt sớm bay xa.
... Lạm danh quốc sĩ âm thầm thẹn
Buộc tội quân thù chút đỉnh qua …
Ta thấy ẩn sâu trong lòng cụ Cầu là nỗi hổ thẹn vì thấy mình chưa xứng với danh hiệu “Quốc sĩ” tức người tài nổi tiếng cả nước, và vì thấy mình chỉ bị giặc xử án nhẹ hơn so với các bạn tù khác (quân thù chỉ buộc tội chút đỉnh, cho nên vừa mới nhốt đã được ra tù), như án chung thân của các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Lê Đại v.v… Một nỗi hổ thẹn chỉ có ở những tâm hồn cao cả !
Ra tù, các chí sĩ ĐKNT tìm nhau, ôn lại những ngày hoạt động chống Pháp như nhớ lại một giấc mơ: “Vãng sự hỗn như mộng, tình si vị tận khôi” (Việc trước dường như mộng. Tình si chửa hẳn tan) – Thơ khai bút xuân Tân Dậu 1921 của cụ Cử Cầu mừng cái tết đầu tiên sau ra tù. Nghĩa là chưa ai quên sự nghiệp lớn giải phóng Tổ quốc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Nhưng vì ra tù vẫn tiếp tục bị quản thúc nên họ không thể làm gì.
Lê Đại về nhà khi đã tròn 50 tuổi, Nguyễn Hữu Cầu 42 tuổi; phong trào ĐKNT lúc bấy giờ đã tan nát, bạn bè đồng chí mỗi người một nơi. Trong hoàn cảnh bị chính quyền thực dân theo dõi chặt chẽ, hai cụ đành phải xa lánh chính trường, lui về kiếm kế sinh nhai. Lê Đại lấy hiệu mới là Từ Long, thuê nhà phố Hàng Mắm, hành nghề viết chữ Nho thư hoạ và làm câu đối, văn thơ. Nhờ văn hay chữ tốt lại có danh thơm là chí sĩ cách mạng, cửa hiệu của cụ rất đông khách.
Cụ Cử Cầu lấy hiệu mới là Đông Trì, mở cửa hàng thuốc Bắc « Lợi Nhân » ở Ngã Tư Sở, vừa xem mạch kê đơn, bốc thuốc vừa dạy Đông Y, cũng rất có tiếng. Thỉnh thoảng các bạn tù cũ đến thăm nhau. Lê Đại tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng, vui tính, thích rượu, rất nhiều bài thơ của cụ đều nhắc tới tật ấy:
“Ăn tha hồ chóng
Uống tha hồ chầy
Thích rượu lúc hát
Quên thơ khi say”.
Cụ Đông Trì tửu lượng kém nhưng cũng hay chiều bạn, vì thế có lần rượu thịt làm cụ ốm. Cụ Từ Long quen uống rượu từ hồi trẻ, có mấy câu tự trào:
“Sáu mươi lăm tuổi
Người còn phây phây
Nghêu ngao say tỉnh
Tính trẻ bầy nhầy”
Các cụ thường gặp nhau bên mâm cơm rượu. Lê Đại tả lại một bữa như thế :
“Bạn bè ngó lại còn đông đủ
Trời đất xem ra chửa đổi thay
Kệ nó lúc nào ầm tiếng sấm
Họp nhau ta cứ tít cung mây !”
Trong ảnh “Túy hương tam cuồng”, cụ Cầu khoảng dưới 50 tuổi. Suy ra ảnh này có lẽ chụp vào dịp tết đầu tiên sau khi Lê Đại ra tù, khi cụ Đại 50 tuổi, cụ Cầu 46 tuổi. Bốn chữ “Túy hương tam cuồng” do cụ Đại viết trên giấy rồi cắt ra dán lên ảnh, do dán không cẩn thận nên che mất đỉnh đầu người cao nhất (ảnh này mới sửa lại).
Tuy lo kiếm kế sinh nhai nhưng các nhà Nho bất đắc chí ấy vẫn không bỏ được cây bút. Họ thường xuyên làm văn thơ, dự bình văn nơi công cộng, hoặc gặp nhau xướng họa. Hai cụ đều có thơ dài “Tân Nữ Huấn ca” dự cuộc thi văn do Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức năm 1934 và đều đoạt giải cao. Tuy buộc phải sống cuộc đời tạm yên ả như vậy nhưng tình yêu đất nước chưa bao giờ phai nhạt trong lòng các chí sĩ; họ mong ngóng đến ngày non sông thoát khỏi ách cai trị của giặc Pháp. Khi được Dương Bá Trạc tặng tập thơ “Nét mực tình” (1937), Lê Đại có đề:
Lai láng tình trong mực chảy ra,
Đa tình ông cũng khác người ta.
Quanh năm ăn ngủ cùng nghiên bút,
Trăm mối thương yêu vị nước nhà.
Vẩy khắp non sông chưa thấm thía,
Chứa đầy trời đất vẫn bao la …
Nguyễn Hữu Cầu đề mấy câu có ý châm biếm bạn:
… Ngâm thành năm chữ tim hầu nứt,
Đọc đến nghìn bài, giặc chẳng lui.
… Chừa men, tưởng bác chừa thơ nốt,
Nghề cũ theo hoài mãi chẳng thôi…
Phải chờ đến tháng Tám năm 1945 họ mới thấy sự nghiệp giải phóng dân tộc được những người cộng sản đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thực hiện thành công, giặc xâm lược bị quét sạch khỏi nước Nam.
Song tới ngày ấy thì do bao năm bị đày đọa trong địa ngục trần gian Côn Đảo, hầu hết các sĩ phu - tù Côn Đảo đã già yếu hoặc qua đời. Nguyễn Hữu Cầu liệt một chân chỉ còn kịp bảo con cháu sửa mâm cỗ cúng để khấn báo với tổ tiên rằng giặc Pháp đã cút khỏi nước ta, Việt Nam độc lập rồi. Khấn xong, cụ đứng nghiêm nắm tay chào theo kiểu chào của Việt Minh, mắt ứa lệ sung sướng. Sau khi dặn dò các con : “Anh nào làm được việc thì liệu ra mà gánh vác. Việc tang của cha phải làm thật đơn giản, đem số tiền định làm ma chay ấy giúp vào Quỹ Quốc phòng ! ” ngày 13 tháng 7 năm 1946 cụ vĩnh biệt non sông đất nước.
Lê Đại may mắn hơn từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giúp một việc hệ trọng. Chuyện này có viết trong “Lê Đại, con người và thơ văn” (Chương Thâu và Tôn Long biên soạn; Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001), xin chép lại để bạn đọc cùng biết.
Ngày ấy, Hồ Chủ tịch có nhờ cụ Huỳnh Thúc Kháng Bộ trưởng Bộ Nội vụ tìm một người quen Nguyễn Hải Thần đến gặp nhân vật sừng sỏ này để thăm dò ý định mời Hải Thần hợp tác với Chính phủ ta. Cụ Huỳnh giới thiệu cụ Xứ Lê là bạn tù cũ của mình.
Nguyễn Hải Thần (阮海臣1878-1959) tức Nguyễn Đại Châu, còn gọi là cụ Tú Đại Từ, vì quê làng Đại Từ, huyện Thanh Trì, đỗ tú tài, trước có quen cả Xứ Lê lẫn Cử Cầu, nhưng từ năm 1905 đã ra nước ngoài nên họ không còn liên hệ với nhau. Hải Thần có một thời khởi đầu hoạt động chính trị không tồi, từng tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, do có mưu đồ ám sát Toàn quyền Pháp Albert Sarraut (nhưng không thành) nên bị Pháp xử tử vắng mặt. Hải Thần đã học trường quân sự Chấn Vũ ở Nhật, trường võ bị Hoàng Phố ở Trung Quốc. Về sau, do chủ trương sai lầm dựa vào chính quyền Tưởng Giới Thạch giúp Việt Nam chống Pháp và không hợp tác với những người cộng sản Việt Nam, Hải Thần ngày càng lún sâu vào con đường bế tắc.
Khoảng một tháng sau ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, 18 nghìn quân « Tàu Tưởng » [có tài liệu nói là 180 nghìn] chia hai lộ tiến vào Bắc Việt Nam giải giáp quân đội Nhật. Quân đoàn 93 của tướng Lư Hán đi qua cửa khẩu Lào Kai; cùng theo về còn có bè lũ Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) của Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam. Quân đoàn 62 của tướng Tiêu Văn qua cửa khẩu Đồng Đăng, đi theo có Hải Thần dẫn tay chân của “Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội” tức “Việt Cách”. Quân Tàu Tưởng đông người lại được trang bị tốt hơn lực lượng vũ trang của Việt Minh, có mưu đồ thâm hiểm « Diệt cộng sản Việt Nam, bắt Hồ Chí Minh » nhằm biến nước ta thành một quốc gia phụ thuộc nước Tàu của Quốc dân đảng Trung Quốc. Núp bóng quân Tàu Tưởng, “Việt Cách” và VNQDĐ lăm le cướp lại chính quyền từ tay Việt Minh – những người yêu nước chân chính lúc đó chỉ có súng kíp và mã tấu. Ngày 23/9/1045, thực dân Pháp chiếm Sài Gòn, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thù trong giặc ngoài, tình thế Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam rất khó khăn, vận mạng dân tộc như treo trên sợi tóc.
Về Hà Nội, “Việt Cách” khoa trương thanh thế, ra sức tuyên truyền bịa đặt nhằm tranh thủ sự ủng hộ của đồng bào ta. Nguyễn Hải Thần cố tìm cách gặp các bạn văn thời xưa. Khi có người đề nghị Cử Cầu gặp Tú Đại Từ, cụ Cử đã thẳng thừng từ chối với lý do rất đơn giản mà chí lý: “Xưa nay chưa có ai theo quân nước ngoài mà giành lại được độc lập cho người mình”. Nhưng Xứ Lê thì có nhiệm vụ phải gặp Hải Thần để thăm dò xem “Việt Cách” có định hợp tác với Việt Minh hay không.
Được Hồ Chủ tịch trao trọng trách, cụ Lê Đại vui vẻ nhận lời, về nhà thảo một bức thư để trao tận tay Nguyễn Hải Thần. Nội dung thư kêu gọi lấy đoàn kết làm trọng, đặt sự nghiệp chung của dân tộc, đất nước lên trên hết. Đọc xong bản thảo bức thư, Hồ Chủ tịch khen: “Cụ đã cao niên [cụ Lê hơn cụ Hồ 15 tuổi mà xem ra văn khí còn trên cả thanh niên một bậc nữa !”
Để hiểu tâm tư của ba nhân vật chính trong cuộc ở vào thời điểm lịch sử vô cùng đáng ghi nhớ ấy của dân tộc ta, xin hãy đọc ba bài thơ xướng hoạ của họ.
Thơ Hồ Chủ tịch gửi Nguyễn Hải Thần như sau:
“Gặp gỡ đường đời, ông với tôi
Hai vai oằn oại, gánh chia đôi
Dẫu riêng Nam Bắc, riêng bờ cõi
Cùng một ông cha, một giống nòi
Thà chịu bàn cờ thua nửa ngựa
Còn hơn miệng thế nói mười voi
Đôi lời nhắn nhủ khuyên ông nhé
Nước ngược buông câu phải chọn mồi.”
Nguyễn Hải Thần hoạ lại:
“Ông giữ phần ông, tôi phần tôi.
Đường đời gai góc phải chia đôi
Đã sinh tai mắt, sinh đầu óc
Há bỏ ông cha, bỏ giống nòi
Vì họ mang thân vào miệng cọp
Nên mình đánh bạo cưỡi đầu voi
Cờ tàn mới biết ai cao thấp
Há phải như ai, cá thấy mồi.”
Từ Long Lê Đại hoạ lại hai bài thơ trên như sau:
“Hai người đều nhận phải về tôi
Cái phải bao giờ lẽ có đôi ?
Ngồi đó nhưng lòng lo cứu nước
Hại nhau mà miệng nói yêu nòi
Thả mồi, biết ý người câu cá
Lánh bước, thương tình kẻ tránh voi
Xem đám bài Tây, đừng mắc bợm
Xúm quanh đâu đó, rặt cò mồi.”
“Cờ tàn mới biết ai cao thấp”. Khi ván cờ đi gần tới nước cuối cùng, tình hình quốc tế biến đổi nhanh chóng theo hướng bất lợi cho Tàu Tưởng, cũng tức là cho Tú Đại Từ Nguyễn Hải Thần. Ngày 28/2/1946, chính phủ Pháp và chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch ký với nhau một Hiệp định, theo đó, quân Pháp sẽ được thay thế quân Tưởng ở miền Bắc Việt Nam (bắt đầu từ ngày 1 đến 31/3/1946), chính quyền Tưởng sẽ được Pháp trả lại một số tô giới ở Trung Quốc cũng như một số lợi ích kinh tế khác. Thực ra Tưởng buộc phải rút quân khỏi Việt Nam là để dồn quân chống lại cuộc tấn công quy mô lớn chưa từng có nhằm giải phóng toàn Trung Quốc của lực lượng vũ trang do Mao Trạch Đông lãnh đạo và cũng do chính phủ Mỹ ép Tưởng nhượng bộ Pháp: Mỹ muốn Pháp tái chiếm Đông Dương để làm tiền đồn chống lại cộng sản Trung Quốc. Chính quyền Tưởng sống nhờ viện trợ Mỹ nên buộc phải nhượng bộ Pháp.
Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ gồm các nội dung chính như sau:Nước Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Khối Liên hiệp Pháp và cam đoan thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ; Chính phủ VNDCCH đồng ý để 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa và sẽ rút hết sau 5 năm; hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức, trong khi đàm phán, quân đội hai bên giữ nguyên vị trí.
Hiệp định Sơ bộngày 6/3/1946 là một thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam, nhưng thực dân Pháp không thi hành Hiệp định đó, chúng không rút quân khỏi miền Bắc .
Việc quân đội Tưởng Giới Thạch phải rút hết về nước đã làm cho « Việt Nam Quốc Dân Đảng » và « Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội » mất hết chỗ dựa, chỉ còn cách theo gót quân Tưởng chuồn về Trung Quốc. Đương kim Phó Chủ tịch nước VNDCCH Nguyễn Hải Thần cũng vậy.
Về phần cụ Xứ Lê Đại, do không thành công trong việc thuyết phục Nguyễn Hải Thần hợp tác lâu dài với Chính phủ Hồ Chí Minh, cụ không vui và mỗi khi nhắc tới chuyện ấy, cụ thường ngậm ngùi nói cái mừng của cụ ban đầu hoá ra chỉ là mừng hão mà thôi.
Lê Đại, Nguyễn Hữu Cầu và Võ Hoành là ba trong số sáu yếu nhân ĐKNT chụp chung trong bức ảnh “Ngu Sơn Lục Lão” có may mắn chứng kiến ngày nước nhà độc lập.
Riêng Lê Đại còn sống tới ngày nổ ra Kháng chiến chống Pháp, gia đình cụ bỏ nhà, tản cư về Thạch Thất, Sơn Tây. Cụ tâm sự:
“Mười bảy năm trời đã trải qua [ý nói 17 năm tù Côn Đảo]
Nước còn phải bỏ, huống chi nhà
Đã không đủ sức đua cùng trẻ
Càng có râu thêm thẹn với già
Trái đất đương xoay vòng thế giới
Số trời đã định phận sơn hà
Chắc quân xâm lược rồi tiêu diệt
Tới cuộc thanh bình cũng chẳng xa”.
Cuối năm 1947, do tuổi già sức yếu, cụ phải trở về Hà Nội và vẫn làm thơ như cũ. Bài tự thọ cuối cùng của cụ có mấy câu:
“Tuổi tôi nay mới bẩy mươi sáu
Tự mình đã thấy hơi yêu yếu …
Thế mà văn nghĩ, khí vẫn hùng
Thế mà chữ viết, tay vẫn dẻo …
Sống không bổ ích chi cho đời
Chết chẳng lưu danh gì cũng hổ !”
Tối 15 tháng 11 năm 1951, cụ vẫn đi chơi uống rượu với bạn, nhưng sáng ra thì không tỉnh lại nữa. Người cuối cùng trong “Ba chàng điên làng say” đã đi vào cõi vĩnh hằng. ■
Tài liệu tham khảo:
1- Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hóa, Cục Lưu trữ Nhà nước VN và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp xuất bản, Hà Nội, 1997;
2- Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng. Nxb VHTT Hà Nội, 2001;
3- Dương Bá Trạc, con người và thơ văn, Chương Thâu biên soạn. Nxb Phụ nữ, Hà Nội 2004.
4- Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) - một quyết sách lịch sử. Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 3/3/2011.
tin tức liên quan
Videos
Cái nhìn khác về xếp hạng đại học và công bố quốc tế
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522454
2311
2290
21228
220393
121009
114522454