Cuộc sống quanh ta

"Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính", sau 10 năm nhìn lại...

Ngày này 10 năm trước, hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ bị cơ quan an ninh điều tra bắt giam vì đưa tin ủng hộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong vụ PMU18.

Ngay trong ngày hôm sau, 13-5, báo Thanh Niên đưa trên trang nhất cái tít “2 nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt vì đưa tin vụ PMU 18” và dành 2 trang chứng minh nhà báo Nguyễn Việt Chiến vô tội. Báo Tuổi Trẻ cũng đưa tin, bài bảo vệ phóng viên của mình. Ban Tuyên giáo Trung ương không có chỉ đạo gì, nghĩa là báo chí có quyền đăng tiếp.

Ngày hôm sau nữa, 14-5, Thanh Niên tiếp tục dành 2 trang bảo vệ nhà báo Nguyễn Việt Chiến với cái tít giật trên trang nhất “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”. Bạn đọc gửi thư dày đặc trên email và gọi điện thoại tới tấp ủng hộ cái tít “lịch sử” này của Báo Thanh Niên. Hôm đó, cấp trên chỉ đạo dừng thông tin.

Như vậy là Thanh Niên (và cả Tuổi Trẻ nữa) đã nói được những gì cần phải nói để bảo vệ phóng viên của mình trước khi bị cấm không cho nói. Là Tổng thư ký tòa soạn, khi đăng loạt bài này tôi chỉ nghĩ đơn giản : Những người làm báo nhân danh bảo vệ sự thật bảo vệ lẽ phải, nhân danh bảo vệ những người yếu thế, bảo vệ những người lương thiện bị oan sai, nhưng sự thật, lẽ phải, người yếu thế, người lương thiện bị oan sai ngay trong cơ quan của mình mà mình không dám bảo vệ thì không những không đủ tư cách làm báo mà còn không đủ tư cách làm người nữa. Tôi biết Tổng Biên tập và các anh trong Ban Biên tập cũng nghĩ như tôi, nên Thanh Niên chấp nhận trả giá. Cái chức Tổng Thư ký tòa soạn tôi vốn đã không muốn làm ngay từ đầu, nên mất cái chức đó chẳng làm tôi buồn vui gì. Nhưng vì cái tít “lịch sử” đó mà tôi làm liên lụy đến sự nghiệp của anh Nguyễn Công Khế và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Quốc Phong, sau khi các anh bị mất chức tôi cảm thấy áy náy, mặc dù tôi biết các anh không bao giờ chấp nhận sống hèn để duy trì “sự nghiệp” của mình.

Và một cuộc truy bức vô tiền khoáng hậu trong lịch sử báo chí đã diễn ra. Một loạt các nhà báo bị mất chức, bị thu thẻ nhà báo và một loạt nhiều nhà báo hơn bị cơ quan an ninh triệu tập thẩm vấn. Tại báo Thanh Niên, anh Quốc Phong và tôi bị thẩm vấn nhiều nhất, riêng tôi bị thẩm vấn 13 buổi.

Cán bộ điều tra hỏi : “Anh có biết tờ báo có cái tít “Phải trả tự do…” như một triệu tờ truyền đơn chống Đảng và Nhà nước không ?”. Tôi trả lời rằng tôi không nghĩ có sự đồng nhất giữa Bộ Công an với Đảng và Nhà nước. Bộ Công an, cũng như Bộ Y tế, Giáo dục, Giao thông… mỗi khi làm sai báo chí vẫn lên tiếng phản đối, đó là chuyện bình thường lâu nay, không ai nghĩ phản đối những việc làm sai của những bộ này là “chống Đảng và Nhà nước” cả. Hỏi : “Anh có biết Thanh Niên đã thông tin sai không ?”. Tôi trả lời không, vì xung quanh vụ PMU18 Thanh Niên đã đăng bài liên tục trong 3 năm qua, chưa có một cơ quan nào nói Thanh Niên viết sai sự thật cả, đây là lần đầu tiên tôi nghe các anh nói Thanh Niên đăng sai.

Cơ quan an ninh điều tra lôi ra tất cả những tin, bài, ý kiến bạn đọc về vụ tham nhũng tại PMU 18 mà Thanh Niên đã đăng từ năm 2006 cho đến lúc bấy giờ, trong vòng ba năm, để truy bức tôi rằng Thanh Niên sai trái. Trong đó có cả những bài của nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Đăng Tuấn, nhà thơ Thanh Thảo…, các vị này đều bị cơ quan an ninh liệt vào hàng “địch” cả. Tôi tự hỏi, ông Trần Bạch Đằng khi làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn Gia Định trong kháng chiến, lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nông Đức Mạnh làm những việc gì, nhưng tôi đã không nói ra vì các điều tra viên có thể không biết ông Trần Bạch Đằng là ai, họ có nhiệm vụ mang những bài của ông ấy ra truy bức là do sự chỉ đạo của cấp trên của họ.

Những người làm báo nên lưu ý điều này nữa : tuyệt đối không được bịa ra bất kỳ một ý kiến nào nhân danh bạn đọc ủng hộ quan điểm của báo. Tôi đã phải chứng minh tất cả những ý kiến bạn đọc đăng trên Thanh Niên về vụ PMU18 đều có nguồn gốc và trung thực. Tôi cũng phải chứng minh một số thư gốc gửi đến Thanh Niên dài hơn cái thư được đăng, nhưng cái thư rút gọn được đăng hoàn toàn giữ được nội dung mà người viết thư muốn nói. Không ai chỉ ra được bất kỳ sự giả dối nào trên Thanh Niên. Người ta chỉ cần chỉ ra sự giả dối dù rất nhỏ thì tòa lâu đài chính trực mà chúng ta dày công xây đắp có khả năng sụp đổ.

Cho đến những buổi thẩm vấn cuối, điều tra viên bảo : “Anh có bị bắt hay không là phụ thuộc vào ý kiến của các cụ và phụ thuộc vào sự thành khẩn của anh”. Tôi nói, tất cả những gì thuộc trách nhiệm của tôi là hoàn toàn minh bạch diễn ra trên mặt báo, các anh có thể đếm từng chữ mà luận tội. Tôi đã ký tất cả các biên bản hỏi cung mà không cần phải xem lại. Các điều tra viên bảo tôi nên đọc kỹ lại trước khi ký, tôi bảo không cần. Tôi không cần đọc vì tôi cho rằng những cuộc thẩm vấn này là bất hợp pháp, tôi ký là tôi giúp các điều tra viên có cái để báo cáo với cấp trên, nếu tôi bị bắt thì tòa có thể “đếm từng chữ” trên báo mà luận tội chứ những biên bản này thì có giá trị gì. Còn việc điều tra viên bịa ra cái gì đó để gây bất lợi cho tôi  sau này tôi cũng không quan tâm luôn, vì tôi cũng chắc chắn không làm chính trị.

Điều tôi muốn nói khi kể lại câu chuyện này, là Việt Nam ta pháp quyền đã bị xé bỏ dưới thời ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng, cho nên cơ quan an ninh chỉ làm theo “ý kiến của các cụ” chứ không làm theo luật pháp. Tuy vậy, cũng còn có chút may mắn là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo bắt tiếp 4 nhà báo là anh Quốc Phong và tôi ở Báo Thanh Niên, anh Bùi Thanh và anh Đà Trang ở Báo Tuổi Trẻ, tôi có nghe nói là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lúc đó là ông Trần Quốc Vượng đã không đồng ý, vì vậy mà chúng tôi mới thoát tù.

Cũng còn một chút an ủi nữa. Là tại thời điểm đó, tôi được tặng Giải báo chí quốc gia với loạt bài đăng trên Thanh Niên “Euro 2 và chất lượng xăng dầu – những “nỗ lực” làm nhỏ đất nước”. Loạt bài đó đã tấn công mạnh mẽ vào sự gian trá về chất lượng xăng dầu của nhóm lợi ích khủng tại Tổng công ty Xăng dầu và Bộ Thương mại. Sự thật là không thể chối cãi, nhưng không ai bị điều tra xử lý.

Qua vụ đàn áp báo chí chống tham nhũng trong vụ PMU 18, ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng chính thức thay luật pháp bằng "ý kiến các cụ". Thanh Niên và Tuổi Trẻ từng là hai tờ báo hậu thuẫn mạnh mẽ nhất công cuộc Đổi Mới và nhà nước pháp quyền dưới thời ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải, đã bị hai ông trên đập nát để răn đe ý định bảo vệ pháp quyền của các tờ báo khác.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522494

Hôm nay

226

Hôm qua

2325

Tuần này

21268

Tháng này

220433

Tháng qua

121009

Tất cả

114522494