Nhìn ra thế giới

Thế giới lên án Trung Quốc đưa tên lửa ra Trường Sa

Với việc ngang nhiên triển khai tên lửa trái phép trên ba đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), Trung Quốc đã vượt qua một ngưỡng mới tiến đến việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Những tên lửa này được cho là nhằm mục đích tấn công, chứ không hề mang tính phòng thủ hay tự vệ như Trung Quốc rao giảng. Mỹ, Úc, Canada, kể cả Philippines đã đồng loạt lến án hành động phi pháp này của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Theo nhận định của kênh truyền hình Mỹ CNBC, loại tên lửa chống hạm mà Trung Quốc bố trí trên ba đảo nhân tạo được bồi lấp phi pháp trong nhiều năm qua, bao gồm Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Xu Bi Bi (Subi Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef) là những tên lửa được sử dụng để tấn công. Tuy nhiên, việc triển khai những tên lửa nói trên thì mới được Bắc Kinh lén lút thực hiện trong vòng 30 ngày trở lại đây, nhưng đến nay vẫn chưa dám công nhận hay bác bỏ.

Tên lửa chống hạm là để tấn công

Các loại tên lửa chống hạm YJ-12B nói trên, có thể bắn trúng tàu thuyền trong phạm vi 400 km, và tên lửa địa đối không tầm xa HQ-9B, có thể bắn hạ các máy bay hay tên lửa trong phạm vi 200 km. Đá Vành Khăn là một trong ba đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng phi pháp với đường băng dài 3.000m, với hệ thống cầu cảng, nhà chứa máy bay, các hệ thống radar và nay là các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên bố trí trái phép các tên lửa ở khu vực Trường Sa. Các hệ thống tên lửa tương tự, trước đó cũng đã được Bắc Kinh triển khai ở quần đảo Hoàng Sa. GS. Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, Washington, nhận định: “Có thể xem là Trung Quốc đang vượt qua một ngưỡng quan trọng. Các dàn tên lửa đó rõ ràng là một mối đe dọa tấn công đối với các bên tranh chấp khác, đồng thời đưa Trung Quốc gần thêm đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng biển và vùng trời ở Biển Đông”. Chuyên gia Poling nhấn mạnh, giờ đây bất kỳ tàu bè hay máy bay hoạt động gần khu vực Trường Sa đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.

Vào ngày 3/5 trước đó, Nhà Trắng cho biết đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả trước việc Trung Quốc trái phép đưa thiết bị quân sự ra Trường Sa, trong khi Bắc Kinh vẫn mập mờ trả lời câu hỏi liệu nước này có ý định quân sự hóa trên tàn vùng biển chiến lược hay không. “Chúng tôi hoàn toàn biết được việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại trực tiếp với phía Trung Quốc về vấn đề này cũng như cảnh báo những hậu quả ngắn hạn và dài hạn mà nước này sẽ phải gánh chịu”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders phát biểu trước các phóng viên. Trước đó, hôm 2/4, kênh CNBC của Mỹ dẫn nguồn tin thân cận với giới tình báo nước này cho hay, quân đội Trung Quốc đã trái phép triển khai lắp đặt các hệ thống tên lửa không đối không và tên lửa chống hạm ra quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam trong 30 ngày qua. Tuy nhiên, trong họp báo ngày 3/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại không xác nhận mà cũng không phủ nhận thông tin trên. Bà chỉ bao biện: “Hoạt động xây dựng ‘hòa bình’ của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa bao gồm cả việc triển khai các cơ sở quốc phòng cần thiết là nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Bà Oánh cũng “chua” thêm, các nước không cần phải phản ứng mạnh và không nên lo ngại hay sợ hãi, các bên liên quan nên nhìn vấn đề một cách tích cực và bình tĩnh (?!)

Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng có những hành động nhằm củng cố chủ quyền đơn phương và áp đặt trên toàn Biển Đông. Ngoài hoạt động cải tạo đất để xây dựng trái phép các cơ sở dân sự, Trung Quốc còn cho xây các căn cứ không quân, lắp đặt radar và hệ thống thông tin liên lạc, cơ sở hải quân, triển khai nhiều loại vũ khí cũng như xây dựng các đường băng phục vụ máy bay quân sự. Về phần mình, dù không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng lâu nay, chính phủ Mỹ không ít lần lên tiếng phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này. Hải quân Mỹ cũng thường xuyên điều tàu chiến và tàu sân bay tới làm nhiệm vụ tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOB). Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White từng nói: “Trung Quốc biết rằng họ được hưởng lợi từ sự tự do hàng hải ở Biển Đông và hải quân Mỹ đang làm người bảo vệ cho hoạt động này. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục sứ mệnh của mình”.

Đi ngược lại tư cách thành viên P5

Dẫn đầu các nước để phản đối hành động ngang ngược nói trên của Trung Quốc là một thành viên của “Bộ Tứ” (Mỹ—Nhật—Ấn—Úc), đó là chính phủ Úc. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm 4/5/2018 đã chính thức cảnh cáo Trung Quốc về việc triển khai tên lửa ở Trường Sa. Bà Bishop tuyên bố: “Nếu thông tin báo chí là đúng thì chính phủ Úc sẽ rất quan ngại, vì điều này trái với cam kết của Trung Quốc là sẽ không quân sự hóa các thực thể đó”. Ngoại trưởng Úc còn nêu rõ, mọi hành động quân sự hóa các thực thể địa lý ở Biển Đông đều đi ngược lại vai trò của Trung Quốc với tư cách một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trên thực tế thì ngay từ năm ngoái, giới quan sát đã ghi nhận việc Bắc Kinh xây dựng các hầm chứa tên lửa trên các thực thể này. Sau Úc đến lượt Philippines, nước từng được coi là đã bị Trung Quốc “mua” cùng với một thành viên ASEAN khác để “khóa mõm” khi nói về các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ thủ đô Manila hôm 2/5/2018, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines Hary Roque đã công khai bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở Trường Sa. Tuy nhiên, ông Roque đã cố ý giảm nhẹ tuyên bố của mình khi cho rằng những tên lửa đó “không nhắm vào Philippines”, vì quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua (?)

Trong một diễn biến trước đó nhưng có liên quan đến hành động lén lút của Trung Quốc, Thượng viện Canada ngày 24/4/2018 đã thông qua bản kiến nghị của nhiều nghị sĩ Quốc hội chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Biện pháp chỉ trích Trung Quốc của thượng viện Canada được coi là hiếm thấy khi nước này đang tìm cách mở đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Kiến nghị “lên án hành vi thù địch và leo thang” của Trung Quốc tại Biển Đông, theo tờ The Globe and Mail, kêu gọi toàn bộ các bên liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Ngoài ra, kiến nghị này còn kêu gọi chấm dứt các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa trong khu vực, yêu cầu các nước tìm giải pháp hòa bình và tôn trọng những phán quyết của cơ quan phân xử quốc tế. Biện pháp chỉ trích Trung Quốc trực tiếp của thượng viện Canada được coi là hiếm thấy. Nó được thông qua giữa thời điểm chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau đang tìm cách mở đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Trong khi đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tuyên bố “lấy làm tiếc” về cuộc bỏ phiếu mà họ cho rằng gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương.

Trong một diễn biến liên quan trước đó, theo Reuters, bản tin từ Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết nước này vừa ngang nhiên khánh thành một tượng đài trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 23/4/2018. Đây lại thêm một trong những hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh từng ngang nhiên xây dựng một đường băng và cơ sở quân sự trên đá Chữ Thập hòng phục vụ cho yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Hồi tháng 5/2017, trang Defense Times của Trung Quốc từng đưa tin nước này đã lắp đặt các bệ phóng rocket trên đá Chữ Thập với mục đích phát hiện, nhận dạng và tấn công các người nhái làm nhiệm vụ tác chiến dưới nước. Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh quân đội Trung Quốc gần đây đã ngang nhiên tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông. Cùng đó, South China Morning Post ngày 22/4 đưa tin, giới nghiên cứu Trung Quốc đang đề xuất một đường lưỡi bò mới, nối liền 9 nét đứt mà họ tự vẽ ra trên Biển Đông. Động thái này nhằm tăng sức ép cho các yêu sách (phi lý, bất hợp pháp) của Trung Quốc, theo một nhà khoa học cao cấp tham gia dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441328

Hôm nay

245

Hôm qua

2283

Tuần này

21232

Tháng này

216502

Tháng qua

112676

Tất cả

114441328