Những góc nhìn Văn hoá

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (I)

Sau khi phục hồi nền độc lập vào năm 939, tổ tiên của chúng ta đã bắt tay vào việc phát triển nền kinh tế sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, trong đó, ngoại thương đóng góp một phần quan trọng. Thương cảng Vân Đồn ra đời và hoạt động dưới thời Lý-Trần là bước khởi đầu của công cuộc phát triển thương mại ở nước ta từ các thế kỷ XII-XIII. Bước sang thế kỷ XVI-XVII, sự ra đời của các trung tâm thương mại Phố Hiến và Faifo (Hội An) đánh dấu thời kỳ cực thịnh của nền ngoại thương nước Đại Việt và thương nhân người Nhật có những đóng góp đáng kể, không chỉ riêng về mặt thương mại, mà còn trong những lãnh vực khác nữa.


QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT-NHẬT 
Nói đến quan hệ Việt-Nhật trong lịch sử, hầu hết chúng ta nghĩ ngay đến sự hiện diện của người Nhật tại nước ta vào các thế kỷ 17 và 18. Song theo phát hiện của giáo sư Bùi Chí Trung, giảng dạy tại trường Đại học Aichi Shukutoku (Nhật Bản), một người Nhật tên Abe no Nakamaro (A Bội Trọng Ma Lữ) sống ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 8 và làm quan dưới đời Đường đã được vua Đường Huyền Tông cử sang An Nam đô hộ phủ (Việt Nam ngày nay) để giữ chức An Nam Tiết độ sứ. Tuy nhiên, sử sách không xác định rõ Nakamaro đã thật sự đặt chân lên đất An Nam Đô hộ phủ chưa, nếu đã thì có lẽ ông là một trong những người Nhật Bản đầu tiên đến nước ta. Cũng theo giáo sư Trung, vào cuối thế kỷ 19, nhà nghiên cứu văn hóa Yanagida Kunio có dịp đi thăm miền Trung Nhật Bản và đã phát hiện những trái dừa từ các vùng đất phía Nam bị sóng xô giạt vào bờ. Từ đó ông đề xướng thuyết cho rằng dân tộc Nhật Bản có khởi nguyên từ phương Nam, thông qua quần đảo Okinawa. Không chỉ có thế, một tài liệu khác là Nhật Bản thư kỷ (Nihon Soki) cũng đề cập đến chuyện người dân Nhật vớt được một khúc gỗ lớn trôi giạt vào bãi biển đảo Awaji ở phía Nam Kobe. Họ mang đốt chung với củi của địa phương thì ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt bốc xa nên đặt tên loại gỗ đó là Trầm thủy (tức trầm hương). Tìm hiểu kỹ, họ biết rằng khúc trầm thủy đó xuất phát từ vùng đất Nhật Nam thuộc An Nam Đô hộ phủ dưới đời Đường. 
Nghiên cứu sự giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các dòng hải lưu chảy từ phương Nam về phía Bắc đã góp phần không nhỏ trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ở khu vực phía Nam châu Á. Mặt khác, những biến động về đường lối mậu dịch tại Trung Hoa vào nửa cuối thế kỷ 14 cũng làm thay đổi bộ mặt thương mại trong vùng. Từ năm 1371, Minh triều áp dụng một chính sách khắc nghiệt về ngoại thương, cấm thuyền dân ra nước ngoài buôn bán, “một miếng ván nhỏ cũng không được phép bơi trên biển”. Mãi đến gần 200 năm sau, vào năm 1567, vua Minh Mục tông mới bãi bỏ lệnh cấm này, cho phép thuyền dân sang các nước Đông Nam Á buôn bán, nhưng không được buôn bán với Nhật Bản. Theo tác phẩm Thuyền Xa Binh Chế Khảo của Trung Quốc, 10 năm sau khi lệnh cấm được giải tỏa, tức năm 1577, đã có 14 chiếc ghe mành của thương nhân nước này chở đồng, sắt, đồ sành sứ từ Phúc Kiến tới bán ở Thuận Hóa (Li Tana – Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 vá 18 – NXB Trẻ - 1999 – trang 88). Tuy nhiên, phải chờ đến đầu thế kỷ 17, thương nhân người Hoa mới hoạt động mạnh tại Đàng Trong, khi trung tâm thương mại Faifo (Hội An) hình thành, nơi diễn ra những cuộc buôn bán lớn giữa người Hoa, người Nhật, người phương Tây, và người bản xứ. Do tàu buôn Trung Quốc còn bị cấm đến Nhật nên Faifo đã có lợi thế trở thành nơi buôn bán giữa người Hoa và người Nhật, chính quyền của các chúa Nguyễn thu về những khoản thuế quan trọng, giúp trang trải các chi phí cần thiết cho việc phát triển dân sinh, đồng thời có đủ sức mạnh chống lại 7 cuộc tấn công của quân Trịnh trong suốt 45 năm trời (1627-1672). 
Về phần Nhật Bản, lợi thế về mặt thương mại trong suốt thời gian nhà Minh cấm người Hoa giong thuyền trên biển lại đẻ ra một tệ nạn khác: bọn hải tặc mượn danh nghĩa thương nhân Nhật hoành hành trên một vùng biển rộng lớn. Trong tình hình đó, từ trước thế kỷ 17, chính quyền nước Nhật đã áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ số thuyền bè xuất nhập bằng cách đặt ra một loại giấy phép gọi là châu ấn trạng, chỉ những thuyền buôn Nhật được cấp giấy này mới có thể vượt biển ra nước ngoài. Vì thế, từ cuối thế kỷ 16 đến những thập niên đầu thế kỷ 17, số châu ấn thuyền (thuyền được cấp châu ấn trạng) của thương nhân Nhật cập bến Đàng Trong rất nhiều. Theo tài liệu còn lưu trong các văn khố của Nhật Bản, trong quãng thời gian từ năm 1604 đến năm 1635 (thời điểm cấm hẳn thuyền buôn Nhật Bản ra nước ngoài), số châu ấn thuyền cập cảng Đàng Trong là 70 chiếc, cao hơn hết so với Đông Kinh (Đàng Ngoài) 36 chiếc, Champa 5 chiếc, Chân Lạp 44 chiếc, Xiêm (Thái Lan) 56 chiếc, và Luzon 53 chiếc. Số thương thuyền của người Hoa (do không được phép đi thẳng từ Trung Quốc sang Nhật Bản) xuất phát từ Quảng Nam (Đàng Trong) đi Nhật Bản trong thời gian từ năm 1647 đến năm 1720 là 203 chiếc, so với Đông Kinh 63 chiếc, Chân Lạp 109 chiếc, Xiêm 138 chiếc, Jakarta (Indonesia) 90 chiếc (theo Li Tana – sđd – các trang 90-91, 101). Trị giá hàng hóa do các châu ấn thuyền mang vào Đàng Trong có giá trị rất cao, tối thiểu 400.000 tiền đồng, nhiều nhất trên 1.600.000 tiền đồng. Họ mua về nhiều nhất là mặt hàng tơ sống, vải thô, trầm hương, da cá mập, đường phổi, mật ong, tiêu, song mây…. là những thổ sản phong phú trong vùng. Năm 1635, Nhật Bản nhập khẩu 220.000 kg tơ thì phần mua ở Đàng Trong là 25.000 kg. 
Trong tập hồi ký xuất bản tại Pháp vào năm 1631, giáo sĩ Cristoforo Borri đã kể lại những gì mắt thấy tai nghe trong những năm ông sống ở Đàng Trong (1618-1622). Theo Borri, thị trấn Hội An khi ấy đã chia ra hai khu vực riêng biệt, một khu vực là nơi sinh sống của người Hoa, một khu vực của người Nhật, mỗi năm phiên chợ kéo dài 4-5 tháng. Đến thập niên cuối thế kỷ 17, một hòa thượng người Trung Quốc là Thạch Liêm, pháp danh Thích Đại Sán, được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang Đàng Trong thuyết pháp. Trong tập Hải Ngoại kỷ sự viết về chuyến đi này, Thạch hòa thượng đã mô tả Hội An như sau: “Vì Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh). Phần đông phụ nữ coi việc mua bán. Những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố…” (Sđd – Viện Đại học Huế - 1963 – trang 154).
Bàn về quan hệ Việt-Nhật, điều đáng tiếc là nguồn sử liệu Việt Nam quá thiếu thốn, phần lớn phải dựa vào các tài liệu bên ngoài. Song cũng có điều đáng mừng là người Nhật sở hữu một nguồn tư liệu khá phong phú về mối quan hệ giữa thương nhân nước họ với nhiều nước trên thế giới, kể cả Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh quốc. Nguồn sử liệu tiêu biểu về lãnh vực này là bộ Ngoại phiên thông thư của Kondo Juzo (1771-1829), viết xong năm 1818, gồm 27 quyển, ghi lại mối quan hệ giữa Nhật Bản với 12 quốc gia và khu vực, trong đó phần “An Nam quốc thư” chiếm 4 quyển, từ quyển 11 đến quyển 14. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm cũng đế cập đến quan hệ giữa Nhật Bản với nước ngoài như Dị quốc vãng lai ký, Cổ sự loại uyển, Hòa văn ngoại phiên thông thư …Một trong những người Việt Nam đầu tiên có điều kiện tiếp cận với các nguồn tư liệu trên là Sở Cuồng Lê Dư, người từng tham gia phong trào Đông Du vào nửa sau thập niên 1900. Đầu thập niên 1920, trên Nam Phong tạp chí số 54 phát hành tháng 12.1921, Lê Dư trích đăng nguyên văn bằng chữ Hán những thư từ trao đổi giữa chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài với Mạc phủ của Nhật Bản. Bài viết này về sau được tác giả Nông Sơn dịch ra tiếng Việt, in trong tạp chí Văn Hóa Á Châu số tháng 3-4 năm 1958.
Châu ấn trạng (shuin-jo) do chính quyền Nhật Bản cấp cho ngư dân của họ vào thập niên 1610

Tranh cổ: cảnh thương nhân Nhật yết kiến và dâng lễ vật cho quan Trấn thủ dinh trấn Thanh Chiêm - Nguồn:  baotanglichsu.vn 

Tranh cổ vẽ một chiếc châu ấn thuyền thế kỷ 17

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529226

Hôm nay

2273

Hôm qua

2334

Tuần này

21499

Tháng này

215922

Tháng qua

0

Tất cả

114529226