Xứ Nghệ ngày nay

Cửu vạn ở Vinh

Cửu vạn là những người lao động tự do, đi bán sức lao động theo yêu cầu và thỏa thuận với người thuê. Dấu hiệu nhận biết các nhóm cửu vạn là họ mặc quần áo lao động, chủ yếu đi xe đạp, một số người đi xe máy, mang theo cuốc, xẻng, sảo, sọt…. Qua khảo sát 69 người thuộc 8 nhóm cửu vạn thường tập trung ở 6 điểm là tam giác quỷ, công viên trung tâm, công viên Nguyễn Tất Thành, ngã tư Đại học Vinh, cầu Kênh Bắc, đường Phan Đình Phùng, bài viết này muốn gợi mở một số nét cơ bản về cuộc sống của họ.

Nguồn gốc

Hầu hết cửu vạn đã tiếp cận chủ yếu là dân cư trú ở Vinh và các huyện phụ cận như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghi Xuân. Họ chủ yếu là nông dân đi làm thêm trong thời gian rảnh. Trong mấy năm qua, TP Vinh không ngừng mở rộng, đặc biệt là sự hình thành các khu công nghiệp và các đô thị nhỏ vệ tinh xung quanh. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã lấy đi một diện tích đất nông nghiệp khá lớn, làm cho nhiều người nông dân thiếu đất sản xuất, phải chuyển qua làm nhiều việc khác. Quá trình cơ khí hóa, hóa học hóa nông nghiệp đã giảm bớt đi rất nhiều sức lao động trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian nhàn rỗi của nông dân nhiều hơn, còn nhu cầu chi tiêu cũng tăng lên nên nhiều người tìm các công việc khác để tăng thu nhập. Trước tình hình đó, nhiều người nông dân chọn đi làm cửa vạn, bán sức ở chợ lao động để tăng thu nhập cho gia đình.

Giới tính và độ tuổi

Trong số 69 người khảo sát ở 6 điểm trên thì có 27 nam (chiếm 39%) và 42 nữ (61%). Độ tuổi ở những người lao động mà chúng tôi gặp gỡ, thấp nhất là 37 và cao nhất là 59 tuổi, chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 40 đến 50. Tỷ lệ lao động nữ cao hơn nam vì phần lớn đàn ông trong độ tuổi này hoặc họ có công việc cố định, hoặc họ đi làm dài ngày ở nơi xa, một số ở gần thì cũng có nhiều lựa chọn như đi làm xe ôm hay các việc khác mà thu nhập thường xuyên hơn. Còn với phụ nữ, việc đi làm xa sẽ gặp khó khăn do còn công việc gia đình và sản xuất nông nghiệp. Họ cũng không có nhiều sự lựa chọn trong các công việc khác. Độ tuổi trung bình những người cửu vạn là ngoài 40 tuổi, thuộc vào khoảng thời gian mà không dễ đi tìm việc lập nghiệp khác, cũng chưa thể dứt bỏ nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ở độ tuổi này, các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp cũng không tuyển dụng họ vì đã qua tuổi và thiếu các kỹ năng chuyên nghiệp.

Công việc và thu nhập

Công việc chính của cửu vạn, như cách họ nói: “gì cũng làm”. Ai có việc gì thuê thì họ đi làm theo thỏa thuận. Từ những việc nặng nhọc như đi đào móng nhà, bê vác vật liệu xây dựng, chuyển nhà… đến những việc nhẹ như lau chùi nhà cửa, nép dọn văn phòng, nhà riêng… Có những việc kèo dài cả ngày, có những việc theo buổi nhưng cũng có việc chỉ làm trong chốc lát. Hiện nay, với sự xuất hiện của nhiều công ty dịch vụ như chuyển nhà, nhà sạch, các trung tâm dịch vụ môi giới lao động nên công việc của các cửu vạn cũng bị thu hẹp lại.

Thu nhập của những người làm cửu vạn rất bấp bênh, không thể định lượng được. Như chính họ nói: “tùy mùa vụ, tùy lúc, tùy nơi, tùy việc và cả … tùy người”. Nghĩa là có những thời gian có nhiều việc làm liên tục thì thu nhập cao hơn, còn có khi mấy ngày không có việc thì ra tụ tập ngồi uống nước trò chuyện chán rồi về. Làm việc nặng nhọc thì đương nhiên tiền công cao hơn làm việc nhẹ. Có khi cùng một việc nhưng có người thuê trả cao hơn hay bồi dưỡng thêm khi thấy mình làm tốt việc, cũng có người kỳ kèo hạ giá khi mà họ có nhiều lựa chọn để thuê, thậm chí còn xoi mói để tìm cách trừ tiền. Những việc nặng như đi đào móng nhà, bê vác vật liệu xây dựng thì tiền công phải từ 250 đến 300 ngàn. Những đợt hiếm người thì phải trả trên 300 ngàn/ngày.

Nhóm và sự liên kết xã hội

Cửu vạn là một nhóm đối tượng lao động, chưa không phải là một nghề. Họ là các nhóm xã hội có quy mô nhỏ, mỗi nhóm nhỏ từ 3-5 người, có nhóm nhiều thì trên 10 người. Họ liên kết thành nhóm để vừa dễ tìm kiếm công việc, vừa bảo vệ quyền lợi lẫn nhau cũng như cạng tranh với các đối tác khác. Có những nhóm còn cử người đến các công trường tìm việc cho cả nhóm. Khi có người đến thuê làm, họ sẽ thu xếp người theo yêu cầu của người thuê và yêu cầu của công việc. Trong nhóm cũng có những nguyên tắc riêng dù họ không gọi là nguyên tắc nhóm nhưng mọi người đều hiểu. Khi có người đến thuê và chỉ định một hay một số các thành viên trong nhóm thì những người khác không ý kiến hay tranh nhau. Còn khi người thuê để họ tự thỏa thuận thì mọi người sẽ có những ưu tiên cho những người khó khăn, đang cần tiền hay người đã lâu không có việc.

Sự liên kết nhóm của các cửu vạn bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có mạng lưới xã hội cùng quê. Các nhóm chủ yếu là người cùng làng ra đi làm với nhau. Những thời điểm có nhiều việc, thu nhập khá hơn thì họ rủ nhiều người cùng quê đi làm. Nhóm tập hợp ở Phan Đình Phùng chủ yếu là người xã Hưng Thịnh qua, nhóm ở ngã tư Đại học Vinh chủ yếu là người Nghi Xuân qua và người xã Hưng Lợi, nhóm tập trung ở tam giác quỷ chủ yếu người Hưng Chính, Hưng Đông và Nghi Kim, nhóm ở cầu Kênh Bắc là người Hưng Lộc, Nghi Phú…

Tâm lý xã hội

Để mưu sinh, tồn tại trong xã hội, cửu vạn cũng phải đối diện với những tâm lý xã hội riêng, cả chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, họ có sự tự ti. Hầu hết những người cửu vạn đều chia sẻ: “Không có việc gì làm mới phải đi làm cửu vạn. Chứ có việc làm ổn định thì đã không ngồi ở đây rồi!”. Nhưng sự tự ti đó cũng có chừng mực “còn sức lao động thì còn làm để kiếm sống, có xin không của ai đâu mà xáu hổ”, và nhiều khi đó là sự lựa chọn của một số người chứ không hẳn là tình thế bắt buộc. Chị TX, quê Hưng Chính chia sẻ: “Tôi từng đi làm giúp việc nhà. Lương họ trả 3 triệu/tháng. Có tháng nhiều việc thì họ thưởng thêm. Nhưng làm được thời gian lại xin nghỉ vì cứ thấy mình “đi ở đợ” cho người ta về gặp ai cũng ngại”. Nhiều người khác cũng lựa chọn đi làm cửu vạn vì “ở nhà đi ra đi vào buồn bức, ông bà nhìn lại bảo là nhác. Ra đây với anh chị em, có việc thì làm kiếm thêm tiền, không có thì ngồi nói chuyện, cũng không ai trách mình được”. Trong mắt một số người khác, cửu vạn cũng không được coi trọng lắm. Thuê cửu vạn là sự lựa chọn mà nhiều người xem là rẻ nhất. Một cán bộ quản lý công ty xây dựng nói rằng: khi nào làm những việc nặng nhọc mà máy móc không đi vào được hay không thực hiện được thì gọi cho đội cửu vạn. Thuê cửu vạn giá rẻ và làm nhanh, còn công nhân thì để họ làm việc khác”. Nhiều người khi vận chuyển vật nặng, làm việc nặng hay làm những việc mà điều kiện vệ sinh không đảm bảo thì đều có ý kiến là “gọi mấy người cửu vạn đi làm cho nó khỏe”. Điều đó phần nào cho thấy, đối với nhiều người, cửu vạn là những người lao động hạng thấp, là lựa chọn sau cuối khi mà những người khác không làm được hay không muốn làm.

Các nguy cơ đe dọa cuộc sống của người cửa vạn

Trước hết, cửu vạn luôn phải đối diện với tình trạng thiếu việc làm. Họ đi làm là để kiếm thêm thu nhập và không có việc làm thì nghĩa là cuộc sống của họ sẽ khó khăn hơn. Công việc ngày càng ít hơn do phải cạnh tranh với các nhóm khác như các công ty vận chuyển, nhà sạch, chuyển nhà… Có những người cả tuần ra ngồi ở chợ mà không có việc gì làm. Nói như anh TN, quê Hưng Lộc lên ngồi chờ việc ở cầu Kênh Bắc: “Cửu vạn cũng như đánh đề vậy, lúc gặp thì nhiều việc, có ngày kiếm được mấy trăm. Cũng có lúc đói, cả tuần chẳng có “cuốc” nào, thì vẫn phải chịu. Vì đi làm cửu vạn thì đâu có được lựa chọn”.

Thứ hai, cửu vạn dễ bị chiếm đoạt, lạm dụng sức lao động quá mức. Cửu vạn thường được thuê làm những việc nặng nhọc, không được đảm bảo an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe với giá rẻ. Ví dụ trong một công trường xây dựng, cùng một việc là bê vác vật liệu nhưng nếu để công nhân trong công ty làm thì giá lao động sẽ cao hơn nhiều còn thuê cửu vạn thì giá thấp hơn, có khi chỉ bằng một nửa. Gia cảnh khó khăn, làm việc nặng nhọc thì nguy cơ bệnh tật sẽ cao hơn. Họ cũng có thể bị ép giá khi mà việc thì ít, người thì nhiều.

Thứ ba, cửu vạn dễ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Dù những người cửu vạn hầu hết đều ở độ tuổi trung niên, không còn trẻ, nhưng họ vẫn là đối tượng dễ bị lạm dụng. Chị HP, 37 tuổi kể lại rằng chị đi làm cửu vạn khoảng gần 3 năm nay, mỗi khi làm xong việc đồng ruộng là tranh thủ đi làm. Giữa buổi chiều mùa hè cách đây 2 năm có một người đàn ông cỡ trạc 60 tuổi đến thuê về lau chùi nhà cửa trong khoảng 1 tiếng đồng hồ với giá 100 ngàn. Đang lau chùi nhà thì chủ nhà ở sau đến ôm chầm lấy chị… May mà chị vùng vẫy và chạy ra được. “Đúng là đen đủi, gặp phải một lão dê xồm. Lần đó đã không được tiền còn mất thêm cái nón mới. Suýt nữa thì mang vạ”. Khi chị HP kể chuyện, hai người phụ nữ ngồi bên cạnh còn cười. Một người nói: “Tại em chưa có kinh nghiệm chứ ngày trước chị cũng gặp trường hợp như vậy nhiều lần. Gặp chị là chị cho chết luôn”. Điều này phần nào cho thấy nguy cơ bị lạm dụng tình dục của những người làm cửa vạn là không nhỏ. Thậm chí cả những cửa vạn là nam cũng không tránh khỏi. Anh TD, 46 tuổi, người quê Nghi Kim vào Vinh làm cửa vạn, từng có lần bị vậy. Với dáng vẻ phong trần, người to, vạm vỡ, thường có nhiều người thuê làm các việc nặng. Nhưng có lần có một người phụ nữ ngoài 50 tuổi đến thuê anh vào bê mấy chậu hoa và cây cảnh. “Mụ vừa chỉ cho mình vừa cứ đứng sát, tỳ người vào mình khiến mình phát ngượng. Làm xong mụ bảo vào nhà vệ sinh rửa ráy rồi mụ gửi tiền. Mình đang rửa thì mụ bước vào với bộ đồ mát mà và mấy tờ bạc dụ dỗ mình. Nhìn mụ gớm quá nên mình kiếm cách chuồn ngay…”. …

Tóm lại, cuộc sống của những người cửu vạn tương đối phức tạp. Là một nhóm nhỏ trong xã hội, họ có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển cũng như thường xuyên phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an ninh. Để có sự nhận thức và những chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ và giúp đỡ nhóm xã hội này, cần có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc để hiểu sâu hơn về họ../.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511741

Hôm nay

267

Hôm qua

2337

Tuần này

22115

Tháng này

218614

Tháng qua

121356

Tất cả

114511741