Những góc nhìn Văn hoá

Trần Ngọc Vương - học giả hiếm hoi của một thế hệ

 
Cách đây 15 năm, sau khi đọc Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam của Trần Ngọc Vương, tôi bị hấp dẫn bởi nhiều vấn đề anh triển khai trong cuốn sách. Khi đó tôi tự lý giải sự hấp dẫn từ hai nguyên do: vấn đề tác giả đặt ra, và cách thức tác giả tiến hành luận chứng các giả thuyết, luận điểm.

Cũng từ đó, tôi đặt Trần Ngọc Vương vào “tầm ngắm” của mình, và đã đọc hầu hết những gì anh công bố, kể cả thơ, một số giáo trình, công trình khoa học mà anh là chủ biên. Đọc và tôi cố gắng tìm hiểu tư chất và con người khoa học của Trần Ngọc Vương, sau đó đặt anh vào bối cảnh một nền khoa học xã hội và nhân văn mà tôi vẫn bảo lưu một nhận xét rằng, đang ở trong tình trạng “thiếu cây đại thụ, thừa cây lưu niên”!

Theo tôi, nếu nhìn sản phẩm nghiên cứu của Trần Ngọc Vương trong quá trình từ Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam, Văn học Việt Nam - dòng riêng giữa nguồn chung đến Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ được giới thiệu hôm nay, có thể nhận thấy các vấn đề tác giả nghiên cứu có biên động rất rộng. Thiết nghĩ, điều này hoàn toàn tương ứng với tư chất và con người khoa học của Trần Ngọc Vương. Bởi, nếu đọc và lĩnh hội Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ một cách toàn vẹn, sẽ không chỉ được tiếp xúc với một số nội dung thuần túy văn học, mà còn được tiếp xúc với một số ý tưởng, luận điểm triết học, văn hóa, lịch sử... riêng, khá sắc sảo, được xây dựng trên nền tảng một vốn liếng tri thức kim - cổ, Đông - Tây phong phú, đa dạng. Tôi tin, nếu bạn đọc nào đó quan tâm tới cuốn sách, có thể sẽ tiếp nhận, và tiếp tục suy nghĩ cùng tác giả sau khi đọc các tiểu luận được viết theo phong cách chúng ta thường gọi là “có văn”, như: Hình thái kinh tế - xã hội và kết cấu giai cấp trong lịch sử Việt Nam - mấy điểm đặc thù, Tản Viên Sơn Thánh nhìn từ lăng kính Nho giáo qua các thời đại, Con đê và vết hằn lên tính cách Việt, Vận mệnh Nho giáo qua những biến thiên lịch sử nửa đầu thế kỷ XX, Một nội lực văn hóa cần cho sự phát triển, Kiến tạo một xã hội học tập ở Việt Nam - những hạn chế từ lịch sử cần nhìn cho thấu, Nhận thức về mình là tiền đề không thể thiếu để phát triển, Tiến tới lập hệ quy chiếu mới cho việc nhận thức lại văn chương truyền thống, Giao thoa Đông Tây và sự chuyển đổi hệ hình văn học, Trần Nhân Tông - nhiều trong một, Trần Đình Hượu nửa thế kỷ tìm biết với những niềm khắc khoải trí thức...
Đọc Trần Ngọc Vương, không khó để nhận ra một đặc điểm nổi trội trong thao tác nghiên cứu của anh là sự am tường về triết học, cả triết học phương Đông lẫn triết học phương Tây. Tuy nhiên, nếu chỉ như thế, Trần Ngọc Vương sẽ không hơn một số tác giả khác; nên ở đây tôi muốn khẳng định rằng, anh đã vượt lên so với mặt bằng chung bằng khả năng sử dụng các nguyên lý, phạm trù triết học,... như công cụ có ý nghĩa thế giới quan, phương pháp luận để khảo sát đối tượng. Điều này, một mặt bảo đảm cho sản phẩm nghiên cứu của Trần Ngọc Vương không phải là các hư cấu chủ quan, đưa ra vấn đề một cách cảm tính, luận chứng theo hướng tư biện, hay “ăn theo, nói leo”; mà đó là kết quả của quá trình suy tư nghiêm túc, để anh có thể đi từ ý tưởng trừu tượng đến các khảo chứng lý luận - thực tiễn. Mặt khác, là sự bảo đảm cho tính hệ thống, tính logich, ý thức khoa học nghiêm cách khi nghiên cứu. Dường như trong công việc của mình, Trần Ngọc Vương không thỏa mãn với việc sử dụng những tri thức “thuần văn học” để giải quyết vấn đề, anh hướng tới một tiếp cận trên phạm vi rộng và bản chất hơn, là quy chiếu liên ngành triết học - văn hóa - lịch sử, theo cả hai chiều lịch đại và đồng đại. Quy chiếu này cho phép xử lý vấn đề đặt ra một cách toàn diện, thấu đáo hơn, nhưng đòi hỏi người nghiên cứu phải có một nền tảng kiến văn vững vàng, một bản lĩnh và sự kiên trì đến khả thể. Vì để khám phá bản chất một sự vật, một vấn đề, một quá trình, người nghiên cứu không thể chỉ căn cứ vào một vài hiện tượng, mà phải khảo sát nhiều hiện tượng cùng loại, thậm chí là cả hiện tượng loại biệt. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu của Trần Ngọc Vương còn thể hiện rất rõ thái độ nghiêm túc của tác giả trong thao tác tự mình xây dựng các khái niệm, giới thuyết chúng, và sử dụng như công cụ nghiên cứu độc lập. Theo tôi, cách đây 15 năm, nếu Trần Ngọc Vương không đặt ra và giải quyết đề tài “nhà Nho tài tử trong văn học Việt Nam” một cách thuyết phục về lý luận - thực tiễn, thì từ đó đến nay, khái niệm này sẽ không được đồng nghiệp sử dụng như một mặc định hiển nhiên. Và, nếu GS Trần Đình Hượu cấp cho khái niệm “nhà Nho tài tử” một nội hàm, thì Trần Ngọc Vương phát triển, ứng dụng khái niệm đó để nghiên cứu hệ hình tác giả - tác phẩm cùng khuynh hướng tinh thần, trong thời gian - không gian cụ thể, và anh đã thành công.
Trong phạm vi quan sát của mình, tôi quan tâm nhiều tới tác giả làm khoa học sinh ra trước và sau năm 1954. Đó là thế hệ đã lớn lên trong thời đoạn đất nước có nhiều khó khăn. Họ lập nghiệp vào thời bao cấp. Họ đến lứa U50 khi sự thực dụng (theo ý nghĩa tiêu cực của khái niệm này) và thói đố kỵ đang hoành hành trong đời sống khoa học. Hoàn cảnh đặc biệt của lứa tuổi đó dễ làm người ta nản chí, khi họ buộc phải lựa chọn giữa việc mưu sinh bằng cách đi vào lối mòn có sẵn, “nói theo” người khác để trình làng sản phẩm nghiên cứu vô bổ nhưng có thể đem lại danh tiếng, với việc nỗ lực học hỏi, suy nghĩ để tìm ra một sự nghiệp khoa học cần theo đuổi. Trần Ngọc Vương chọn khả năng thứ hai, để hôm nay anh đã có một tư thế học giả khó có thể bác bỏ. Vâng, có thể là còn phiến diện, nhưng nhìn vào các tác giả khoa học xã hội và nhân văn độ tuổi U50 ở Việt Nam tôi nghĩ, người như Trần Ngọc Vương không nhiều, chính vì thế, tôi coi anh là “học giả hiếm hoi của một thế hệ”. Từ trường hợp của Trần Ngọc Vương có thể đặt câu hỏi: Phải chăng hệ thống đào tạo của chúng ta có thể biến một anh cử nhân thành ông tiến sĩ, nhưng không thể biến một anh cử nhân thành vị học giả, nếu anh cử nhân ấy không thật sự có những nỗ lực tự thân?     
Như đã nói ở trên, Trần Ngọc Vương không chỉ nghiên cứu khoa học mà anh còn làm thơ. Hẳn là do vậy, đôi khi “tư chất thơ” đã “ám” vào ngòi bút (chính xác là bàn phím!) khi anh thực hiện một số tiểu luận, nhất là tiểu luận nghiên cứu lịch sử - văn hóa. Dường như ở các tiểu luận này, “tư chất thơ” đã đưa tới sự phóng túng trong việc nảy sinh ý tưởng, kết hợp với việc triển khai một số liên tưởng ít nhiều tự do của Trần Ngọc Vương. Có thể bắt gặp phong cách nghiên cứu này trong các tác phẩm Thần, người và đất Việt, Việt Nam thời Tây Sơn... của Tạ Chí Đại Trường, hay Trầu Cau - Việt điện thư, Trầu Cau - nguyên nhất thư của Nguyễn Ngọc Chương. Theo tôi, đó là cách thức để các tác giả thoát khỏi “cái khung” hình thành từ một số quan niệm lịch sử đã tồn tại như “điển chế khoa học”. Do vô số biến thiên ngoắt ngoéo của lịch sử và cả thiên tai địch họa nữa, mà tiền nhân không để lại cho chúng ta nhiều cứ liệu lịch sử xác thực. Vì thế việc việc hậu thế phải phỏng đoán về tình huống “có thể đã xảy ra” trong lịch sử là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu phỏng đoán không được điều tiết, rất dễ đẩy tới tình trạng cực đoạn, hoặc “vẽ rắn thêm chân”. Nhưng dẫu sao thì, dự đoán một khả năng hay đưa ra một giả thuyết khoa học... có vẻ cực đoan, phóng túng vẫn còn hơn là lặp lại điều mà nhà khoa học thấy chưa thỏa đáng. Và hình như đó cũng là một cách thức để khoa học tiến gần đến chân lý hơn?
Cuối cùng, tôi xin được chúc mừng anh Trần Ngọc Vương với sự ra mắt của Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, và tôi tiếp tục chờ đợi ở anh những công trình mới, hữu ích và hữu dụng./.
      
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529401

Hôm nay

2144

Hôm qua

2304

Tuần này

21674

Tháng này

216097

Tháng qua

0

Tất cả

114529401