Văn hoá học đường

Đề Ngữ văn và câu chuyện ra đề thi THPT quốc gia

Kỳ thi THPT Quốc gia đã diễn ra cách đây khá lâu nhưng dư luận vẫn còn xôn xao những câu chuyện xung quanh đề thi, nhất là môn Ngữ văn.Trên các trang báo, mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều luồng ý kiến với đủ kiểu khen, chê.Âu đó cũng là điều dễ hiểu bởi từ lâu nay, văn chương luôn nhận được sự quan tâm với nhiều góc nhìn khác nhau như thế. Không như các môn khoa học đòi hỏi sự chính xác, công thức rạch ròi, văn học nói chung và đề văn nói riêng phụ thuộc nhiều vào cảm nhận của mỗi người. Chính vì lẽ đó cùng một đề, một bài có người cho hay nhưng cũng có kẻ bảo dở. Tuy nhiên, xét cho cùng, một đề thi nói chung, đề văn nói riêng luôn cần sự logic, hợp lí, khoa học của nó thì mới đảm bảo được là thước đo trình độ của thí sinh. Chính vì thế, khi bàn luận về đề thi, thiết nghĩ, chúng ta nên xét xem cấu trúc đề, cách thức ra đề, nội dung các câu hỏi đã phù hợp với chương trình học hay chưa, đảm bảo được sự phân loại thí sinh không, có giúp phát huy được sự sáng tạo, tư duy của thí sinh không để từ đó có những điều chỉnh phù hợp hơn trong các năm sau. Chúng ta không nên quá sa đà, thậm chí suy diễn các vấn đề liên quan đến chính trị dẫu biết rằng văn học vốn dĩ khó tách khỏi cuộc sống. Trước sự xôn xao của dư luận, Tạp chí VHNA quyết định mời các GS, TS văn học, những người đang giảng dạy ngữ văn và cả thí sinh vừa tham dự kỳ thi THPT Quốc gia để trao đổi kĩ lưỡng hơn. Khi đặt tiếng nói của các em học sinh, những người trực tiếp giảng dạy bên cạnh ý kiến của nhà nghiên cứu, người từng tham gia ra đề, chúng tôi mong muốn tự nó sẽ soi chiếu lẫn nhau và nói lên được mức độ phù hợp của đề ra. Với việc sắp xếp các ý kiến theo mạch đi từ đánh giá chung về các luồng ý kiến đến những khen/chêchi tiết về đề thi năm 2018 và kết lại bằng câu chuyện ra đề nói chung; mục đích của chúng tôi không chỉlà khen/chê đến cùng đề văn, người ra đề văn năm nay mà muốn đề cập những vấn đề rộng lớn hơn. Đó là câu chuyện dạy – học văn trong trường học, là việc ra đề Ngữ văn.Chúng ta nên nhớ đây không phải là sân chơi để biểu diễn, thi thố tài ra đề của giáo viên mà điều cuối cùng cần hướng đến là các em học sinh, vì học sinh.

Trần Thanh Ngọc (Lớp 12 Văn Trường THPT Chuyên Quốc học Huế): Đề văn hay nhưng không dễ để được điểm khá, giỏi.

Là một học sinh vừa trải qua kì thi THPT Quốc gia, em có một vài cảm nhận về đề văn như sau.Về tổng quát em nghĩ đề văn năm nay giúp kiểm tra được kiến thức ở nhiều mức độ từ nhận biết đến vận dụng. Đề phân loại được thí sinh, cho phép học sinh có “đất” sáng tạo nhưng có phần hơi dài. Ngữ liệu của phần đọc – hiểu theo em thiết thực và thú vị, đặt nền cho vấn đề nghị luận xã hội sau đó. Nếu đọc kĩ, chú ý cẩn thận làm bài, em nghĩ sẽ không mất điểm nhiều.Phần nghị luận văn học khiến em khá bất ngờ.Dạng đề liên hệ không chỉ đòi hỏi nắm chắc kiến thức tác giả, tác phẩm, mà còn yêu cầu sự tư duy, đối chiếu. Cả hai tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và “Hai đứa trẻ” đều là tác phẩm có chiều sâu và cần sự cảm nhận tinh tế, thấu kĩ nên càng tăng thêm mức độ khó cho đề. Với các bạn lần đầu gặp dạng đề này chắc sẽ nhiều phần lúng túng. Đặc biệt là trong khoảng thời gian 120 phút cho cả hai phần đọc hiểu và làm văn, nếu dành nhiều thời gian suy nghĩ, phân tích thì khả năng sẽ không kịp giờ làm bài. Bản thân là học sinh chuyên Văn, đã được tiếp xúc với dạng đề trên nhưng em phải viết rất nhanh và vừa viết vừa suy nghĩ thì mới kịp xong.Tóm lại, em nghĩ đề văn năm nay là một đề hay nhưng đồng thời cũng không dễ để được điểm khá, giỏi.

Lưu Thị Thanh Trà (GV văn trường THPT Thái Lão, Nghệ An): Đề văn năm nay không chỉ đáp ứng về mặt kiến thức, nhận thức mà còn giúp giáo dục học sinh.

Tôi thấy đề thi văn năm nay rất hay, sâu sắc.Ngay sau khi đọc đề, tôi đã rất thích thú và viết ngay bài thơ “Cảm xúc sau đề thi văn”.  Đề không chỉ giúp phát huy khả năng cảm thụ văn học, tư duy sáng tạo, phản biện ở học sinh mà còn từ đó khơi dậy lòng yêu nước và trách nhiệm với đất nước. Tôi nghĩ điều đó là phù hợp với tuổi 18 của các em.Theo tôi, học sinh bây giờ không chỉ quan tâm đến việc học mà các em cũng để tâm đến những vấn đề thời sự, chính trị - xã hội. Tuy nhiên tôi không thích, không đồng tình việc nhiều người sa đà vào vấn đề chính trị liên quan đến đoạn thơ được đưa làm ngữ liệu phần Đọc  hiểu và tác giả Nguyễn Duy. Với tư cách một giáo viên trực tiếp giảng dạy, tôi thấy đề thi văn năm nay là phù hợp. Trong quá trình ôn thi các phần đọc hiểu hay làm văn, chúng tôi cũng đã cho học sinh tiếp cận với những hướng đề như thế. Do đó, nó không xa lạ hay làm khó thí sinh. Học trò của tôi phần lớn đều làm được bài. Tóm lại, tôi cho rằng, thành công của đề thi môn Ngữ văn năm nay chính là cách ra đề giúp định hướng phát triển năng lực học sinh và đề không chỉ đáp ứng về mặt kiến thức, nhận thức mà còn giúp giáo dục được các em.

Ths. Trần Văn Toản (Tổ Văn, trường THPT chuyên Quốc Học Huế): Đề văn năm nay có những điểm được nhưng cũng để lại không ít băn khoăn.

Về mặt được của đề văn, tôi cho rằng có ba điểm đáng chú ý như sau.Thứ nhất, đề thi không gây bỡ ngỡ cho thí sinh vì phù hợp với cấu trúc đề mà Bộ giáo dục đã thông báo.Các em đã làm quen với đề minh họa, đã được trải nghiệm dạng đề này trong các lần thi thử, trong quá trình giảng dạy của thầy cô.Thứ hai, năm nay Bộ đã mạnh dạn đưa thêm kiến thức tác phẩm văn học chương trình lớp 11 vào câu 2 phần làm văn. Đó là sự đổi mới khiến học sinh không thể chủ quan hoặc lơ là, quay lưng với chương trình Ngữ văn lớp 11. Để làm được, thí sinh phải nắm chắc tác phẩm, có kĩ năng phân tích, so sánh, tổng hợp.Dạng đề này ít nhiều sẽ tránh được tình trạng học đối phó, xem nhẹ môn Ngữ văn của học sinh.Thứ ba, chọn ngữ liệu là một đoạn thơ của Nguyễn Duy và các câu hỏi xoay quanh về vấn đề tiềm lực tự nhiên của đất nước. Điều đó chứng tỏ Ban ra đề đã trăn trở, suy nghĩ làm sao văn không tách rời cuộc sống.Phần đọc hiểu và câu 1 của phần làm văn đang “chạm” vào ý thức công dân của mỗi bạn trẻ Việt Nam. Vì thế, sức cộng hưởng và thu hút sự chú ý của dư luận càng lan rộng.

Bên cạnh đó, tôi cũng có những  băn khoăn. Thứ nhất là về cách diễn đạt.Ở câu 2 phần làm văn đề yêu cầu thí sinh liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (“Hai đứa trẻ” – Thạch Lam) còn khập khiễng.Vế đầu đề yêu cầu phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) là so sánh cùng một đối tượng ở hai thời điểm (Thời điểm con thuyền ở ngoài xa, khi chưa vào bờ và thời điểm con thuyền đến gần và khi đã vào bờ); còn phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu là hai đối tượng khác nhau. Vì thế để minh bạch, logic hơn và phù hợp với lượng thời gian làm bài, thiết nghĩ đề nên thay bằng liên hệ sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm xuống và khi có chuyến tàu đi qua.Diễn đạt như vậy thì mới thống nhất với yêu cầu đầu của đề và sẽ phù hợp khi rút ra nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.Thứ hai làvềnội dung của vấn đề đặt ra ở ngữ liệu được chọn trong phần đọc hiểu. Tôi nghĩ, nếu đề tập trung vào việc đánh thức tiềm lực, tiềm năng của con người (tiềm lực tâm hồn, tư duy, lý tưởng…) thì chắc sẽ thuyết phục hơn là đề cập những tiềm năng về tự nhiên - điều mà lâu nay dư luận còn nhiều băn khoăn…Bản thân tôi cho rằng, thực ra, không nhất thiết phải đưa vấn đề thời sự, vấn đề đang nóng vào trong đề thi.

TS. Lê Thanh Nga (Giảng viên Khoa Ngữ Văn, ĐH Vinh): Cái được không nằm ở những đề thi hay và cái mất không chỉ là những đề thi thi dở.

Theo quan sát của tôi, có ba luồng ý kiến đối với đề văn năm nay. Thứ nhất, cũng là nhanh nhảu nhất: khen. Thứ hai, muộn hơn một tí: chê và thứ ba, có khen, có chê. Đó là những kiểu phản ứng bình thường trong sự khác nhau, vênh nhau của tầm đón nhận, và của cả động cơ, mục đích nữa.Tôi có đọc được trong các ý kiến có những điểm hợp lý, thậm chí có thể trở thành những chỉ dẫn lý thú cho việc học văn, làm văn trong trường phổ thông.Tuy nhiên, trên đại thể, hình như đại đa số những người khen chê vẫn đang đứng ở một khoảng khá xa với đề để phán xét, thành thử khen hay chê thì cũng rất thiếu thuyết phục.Điều khiến tôi nản lòng nhất là có những chê bai nặng về quy kết, thậm chí quy kết chính trị. Tôi không hiểu mục đích của người viết, nhưng rõ ràng cách tiếp cận đó không mang lại lợi ích gì cho cái mà cả xã hội đang hướng đến: một nền giáo dục, “khoa cử” thực sự vì con người, vì dân tộc. Còn những lời khen thì thú thật là tôi thấy cứ chung chung đến mức nhờn nhợt, kiểu khen lấy được mà không hề đưa ra được một tiêu chí đánh giá nào. Cũng có một số ý kiến trách móc, nếu không muốn nói thẳng ra là “chửi” những người ra đề. Tôi xin nói thẳng: như thế là khá bất nhẫn. Phải chăng nên có một thái độ khác với họ - những người đã phải chịu thiệt thòi không ít về mặt tinh thần.Họ phải sống một đời sống biệt lập không điện thoại, không mạng xã hội, kể cả một cuộc điện thoại cho người thân. Tôi nghe kể, nhiều trường hợp có cha, mẹ, con… chết mà cũng chỉ được về thắp hương trong sự giám sát chặt chẽ của an ninh. Đặc biệt, trong tình hình đề văn thường bị mổ xẻ như hiện nay, họ là những người dũng cảm, dám âm thầm hứng chịu gạch đá, búa rìu.Thêm nữa, sai sót là rất khó tránh khỏi trong bất cứ chuyện gì của cuộc sống.Có thể tôi đứng đây để phê phán đề thi, nhưng nếu tôi làm, cái sai còn trầm trọng hơn nữa.

Điều đáng bàn nhất hiện nay, theo tôi không hẳn đã là những đề thi cụ thể, mà chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề trọng đại, sẽ chi phối đến cả chương trình giáo dục, hình thức tổ chức thi và cả đề thi. Đó là triết lý giáo dục, mục đích thi cử. Khi chúng ta chưa có một triết lý giáo dục rõ ràng, một chương trình giáo dục thực sự ưu việt và còn có sự lẫn lộn trong mục đích thi thì cái được không nằm ở những đề thi hay và cái mất không chỉ là những đề thi thi dở.

GS. Trần Đình Sử: Đề thi môn ngữ văn THPT Quốc gia năm 2018 là một đề non yếu cả về chọn ngữ liệu, chọn vấn đề, lệnh của đề.

Đề thi quốc gia môn ngữ văn phải đáp ứng hai nhiệm vụ: kiểm tra trình độ học sinh để cấp bằng tốt nghiệp phổ thông, và tuyển chọn những HS khá giỏi để đào tạo đại học theo chỉ tiêu và nguyện vọng cá nhân người thi. Về mặt sư phạm đề thi phải phù hợp chương trình đã đào tạo, phù hợp chuẩn chuyên môn, sáng rõ, có logic, không đánh đố thí sinh. Trong các tiêu chí trên tiêu chí tính sư phạm cơ bản nhất, vì thiếu nó, hai nhiệm vụ trên khó hoàn thành được tốt.Về hình thức, đề thi làm theo cấu trúc Đọc hiểu – Làm văn tự luận, theo hướng mở, dựa vào mô hình đề đã cho mẫu minh hoạ trước để GV và HS làm quen. Nội dung đề bao gồm ngữ liệu và các câu hỏi (mệnh lệnh yêu cầu thí sinh thực hiện).

Ngữ liệu của đề này sử dụng đoạn trích trong bài thơ dài Đánh thưc tiềm lực của nhà thơ Nguyễn Duy. Hồi bấy giờ đây là một bài thơ hay, dám nói lên sự thật đất nước. Nhưng đọc kĩ sẽ thấy, ngày nay, sau 36 năm, tình hình đất nước đã khác hẳn, do đó yêu cầu đánh thức tiềm lực như trong bài thơ bây giờ đã có phần không phù hợp; câu hỏi yêu cầu phát biểu về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước đã rơi vào trống không. Nói chung ngữ liệu này làm khó cho thí sinh.

Nhưng ngữ liệu là một chuyện, còn vấn đề khai thác ngữ liệu để nêu câu hỏi là một chuyện khác.Ngữ liệu có thể đã cũ, nhưng câu hỏi vẫn có giá trị kiểm tra năng lực của HS. Câu hỏi đoạn trích viết theo thể thơ gì quá dễ, không xứng với đề thi THPT. Câu hỏi chỉ ra tiềm lực tự nhiên nào cũng dễ quá. Có người bảo câu hỏi lạc sang đề địa lí, không liên quan gì đến đoạn thơ. “Câu hỏi tu từ” ở đây có vẻ như không phải giản đơn tu từ, mà là câu hỏi thật, đầy ưu tư, trăn trở của nhà thơ về một sự thật phi lí của đất nước: “còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?lòng đất rất giàu, mà mặt đất cứ nghèo sao?”. Câu hỏi đặt vấn đề cho mọi người đọc suy nghĩ để trả lời một cách nghiêm chỉnh.Cho nên câu hỏi 3 chỉ nói đến tu từ có vẻ không đúng. Câu hỏi 4: “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lưc. Tiềm lực còn ngủ yên” có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không?Vì sao?là câu hỏi hay, nó yêu cầu thí sinh đặt câu thơ vào bối cảnh (ngữ cảnh) hôm nay đề đánh giá ý thơ. Nhưng xem câu hỏi tiếp ở dưới “dựa vào đoạn trích” thì thấy là “vẫn còn phù hợp”, thì lại một “ý mớm” sai, không đúng với ngữ cảnh. Theo tôi, nếu vẫn chọn đoạn trích ấy của Nguyễn Duy,  nếu ra câu hỏi đọc hiểu, thì nên lưu ý mấy điểm sau. Thứ nhất, HS phải hiểu được hai đối lập trong đoạn thơ: Một là tài ngyên giàu mà đời sống con người quá nghèo. Ruột đất giàu mà mặt đất nghèo.Hai là ta ca hát quá nhiều về tiềm lực, mà tiềm lực ngủ yên.Hai đối lập ấy nói lên sự thật nào? Thứ hai, sau khi hiểu hai đối lập ấy, hãy cho biết  mấy chữ “đánh thức tiềm lực” có ý nghĩa gì? Thế nào là đánh thức tiềm lực?Hỏi hai điều ấy mới kiểm tra được năng lực đọc hiểu.Còn hỏi thể thơ gì, tác dụng tu từ, dưới đất có gì… chỉ là các câu hỏi vờn vuốt bề ngoài.Đề như thế là thiếu tính sư phạm, không đạt yêu cầu kiểm tra.

Với yêu cầu ở câu nghị luận xã hội, phải nói ngay rằng, chỉ từ nội dung đoạn trích thí sinh sẽ chưa hiểu thế nào là sứ mệnh đánh thức tiềm lực vì đoạn này chỉ mới nêu ra vấn đề phi lí của thực tế mà chưa nói gì về đánh thức tiềm lực. Nếu hiểu tiềm lực là tiềm lực trong lòng đất, thì học sinh sẽ nói đại loại nhứ chúng em sẽ học tập, giỏi chuyên môn,…để khai thác tài nguyên làm giàu cho đất nước. “Mỗi cá nhân” là tất cả mọi người, ai cũng có sứ mệnh. Và thế là sẽ tuôn chảy những câu văn sáo mòn, chung chung. Nếu nói về tiềm lực con người thì các em chưa hiểu. Vì vậy đề này tưởng hay mà hoá không hay.

Với câu nghị luận văn học, cách diễn đạt cho ta thấy nó là hai đề dính nhau. Câu 1 yêu cầu phân tích hai hình ảnh trong truyện của Nguyễn Minh Châu. Vế này chỉ là một đề phân tích chung chung. Câu 2 yêu cầu liên hệ với hai hình ảnh trong truyện của Thạch Lam đề nhận xét cách nhìn hiện thực của hai tác giả.Từ “liên hệ” trong câu hai sẽ gợi cho thí sinh là vấn đề mở rộng, không phải vấn đề đồng đẳng.Với hai câu này thí sinh sẽ làm thành hai bài liền nhau, không thể làm thành một bài thống nhất với một mở đề, một thân bài và một kết bài được. Thí sinh sẽ khó làm hay với đề bài này. Tại sao không yêu cầu phân tích sự đối lập chiếc thuyền ngoài xa với cảnh bạo lực trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, và sự đối lập giữa cảnh phố huyện tối tăm nghèo nàn với chuyến tàu đêm sáng rực trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam, để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai nhà văn văn. Với cách viết đề này thí sinh có một vấn đề chung để phân tích, so sánh là cách nhìn hiện thực của nhà văn. Thêm nữa, tại sao không dùng từ “so sánh” trong đề mà lại yêu cầu “liên hệ”?Để đánh đố thí sinh chăng?

Tóm lại, xét về yêu cầu sư phạm của một đề văn, đề thi môn ngữ văn THPT Quốc gia năm 2018 là một đề non yếu cả về chọn ngữ liệu, chọn vấn đề, lệnh của đề. Sự non yếu ấy sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc làm bài của thí sinh. Thực tế này đòi hỏi nâng cao chất lượng ra đề, một việc làm không giản đơn như người ta vẫn tưởng.

TS. Đặng Lưu  (Phó Trưởng khoa Sư phạm Ngữ Văn Đại học Vinh): Đưa ra đề minh họa đối với môn Ngữ văn là chuyện lợi bất cập hại.

Có lẽ các nhà quản lý chuyên môn cho rằng, đề minh họa có tác dụng định hướng giáo viên trong dạy học và giúp học sinh ôn thi hiệu quả hơn.Tôi không nghĩ thế.Chẳng hiểu các môn học khác thế nào, nhưng với môn Ngữ văn, việc đưa ra đề minh họa là chuyện lợi bất cập hại. Phải sâu sát với cách dạy học ở các trường thì mới thấy được điều này.

Xưa nay “thi kiểu gì thì học kiểu nấy” là một phản xạ tự nhiên của người dạy và người học.Hãy thử tìm hiểu tình hình dạy học Ngữ văn ở các trường THPT từ thời điểm Bộ công bố đề minh họa mà xem. Việc dạy học chỉ gút lại ở một điểm rất thực dụng: thầy cô cố nghĩ ra thật nhiều đề theo mẫu của Bộ để luyện cho trò. Những gì hay ho, hấp dẫn, sâu sắc ở các tác phẩm văn học trong giới hạn chương trình (Ngữ văn 11 và Ngữ văn 12) không còn là mối bận tâm, thay vào đó, thầy cô cố moi cho ra chuyện gì có thể móc nối được giữa một tác phẩm nào đó ở chương trình 12 với một tác phẩm khác ở chương trình 11. Điều này đâu có dễ, bởi các tác phẩm ở hai chương trình này rất xa nhau về tư tưởng, kiểu sáng tác, đề tài, chủ đề. Liên hệ, kết nối kiểu gì thì cũng cứ lộ ra những khập khiễng, cong vênh.Trăm ngàn tình huống người ôn thi cố nghĩ ra, không khác gì đua nhau “bủa lưới” đề biết đâu có cơ bắt được cái “con cá” đề thi (tức là trúng tủ). Nào là: “Bóng tối và ánh sáng trong Vợ chồng A phủ của Tô Hoài, liên hệ với Hai đứa trẻ của Thạch Lam”; nào là “Ý nghĩa bát cháo hành của Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao), liên hệ với bát cháo cám trong bữa ăn mừng dâu mới (Vợ nhặt – Kim Lân)”; nào là “Vẻ đẹp của dòng sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường liên hệ với hình ảnh dòng sông trong Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử”… Có những “đề” không khác gì chuyện tiếu lâm.Không trách được thầy cô.Cái nghề ôn thi là thế.Dân gian có câu: Trống khoan múa khoan, trống nhặt múa nhặt.

Năm ngoái, trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi đã lên tiếng phản đối đề minh họa nêu những ý kiến nặc danh (Có ý kiến cho rằng…, lại có ý kiến khác khẳng định…). Đề minh họa năm nay lại dẫn đến những cách dạy học oái oăm kiểu khác.Tác hại rõ nhất của nó là góp phần tiêu diệt những cảm xúc hồn nhiên trong tiếp nhận văn học, chấm dứt nhiều hướng tìm tòi thú vị khác về những giá trị phong phú của văn chương.Mọi năng lực cần phát triển ở học sinh sẽ bị triệt tiêu, thay vào đó chỉ còn tập trung vào một thứ “năng lực”: dựa vào mẫu đề minh họa để “dò dẫm” mong tiệm cận với đề chính thức theo kiểu cầu may.Hiện nay, tuy chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn mới chưa xuất hiện, nhưng dạy học theo hướng phát triển năng lực đã được khởi động. Với yêu cầu dạy học rất mới mẻ, tiến bộ ấy, đề minh họa ở môn Ngữ văn phải nói thẳng là phản khoa học.

Tôi cũng nghĩ rằng, chính đề minh họa đã bó buộc tư duy của những người làm nhiệm vụ ra đề cho Bộ năm nay.Với đề này, nếu có em học sinh thông minh, khi làm bài dám lớn tiếng phản bác rằng: hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” và “cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài” thực chất chẳng phải là cái nhìn hiện thực nào hết, mà chỉ là “một cách dàn dựng khéo léo của Nguyễn Minh Châu để kín đáo nêu một quan niệm về quan hệ giữa đời sống và nghệ thuật” thì thầy cô sẽ nghĩ sao? Nó khác với cách nghĩ của người ra đề 180 độ đấy.Chả lẽ có hai tư tưởng trái ngược nhau như thế mà cả hai đều là chân lý?

Tôi vẫn đinh ninh, giá như đừng bắt những người làm đề máy móc làm theo một khuôn có sẵn, mà chỉ nêu 3 yêu cầu: thứ nhất, đề phải trong phạm vi chương trình, thứ hai, đề đảm bảo có tính khoa học và có sức hấp dẫn, thứ ba, đề có khả năng phân hóa thí sinh, thì chắc chắn sức sáng tạo được giải phóng, và sản phẩm của họ sẽ không rơi vào tình trạng như ta đã thấy.

PGS.TS Phan Huy Dũng (Khoa Sư phạm Ngữ văn ĐH Vinh): Bộ không nên “cầm tay chỉ việc” cho giáo viên trong hoạt động dạy học

Quả không có gì hứng thú khi phải nói về đề thi Ngữ văn trong thời điểm/ bối cảnh bây giờ.Thậm chí, với tôi, đây là việc cực chẳng đã.Nói gì thì đề cũng đã ra, bài đã được học sinh làm và hàng chục vạn bài đó đã được giáo viên chấm. Chuyện tranh cãi về đề hầu như chỉ là chuyện của người lớn, còn đối với các em, mọi sự đã an bài, không còn đáng quan tâm.

Nếu chỉ săm soi những cái đúng – sai, hay - dở ở bản thân đề thi thì chẳng qua tôi cũng chỉ nối dài một điệp khúc vắt lê thê qua nhiều năm nay và chắc chắn còn chưa chấm dứt.Nếu chỉ mượn nội dung ngữ liệu trong đề (đoạn trích bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy) làm điểm xuất phát để phát biểu ý kiến, tôi e nhận định của mình cũng chỉ là tiếng nói phụ họa cho những phát ngôn/ phản biện sắc sảo, mạnh mẽ, quyết liệt đã được đăng tải kịp thời trên báo chí và mạng xã hội thời gian vừa qua. Hơn nữa, trong “cuộc” này, tự nhiên thơ Nguyễn Duy (nói chung) bị vướng vào thị phi, trong khi đoạn trích phản ánh không chính xác diện mạo, tầm vóc của bài thơ được ông hoàn thành từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.Nếu đặt trọng tâm vào vấn đề quy lỗi cho các cấp lãnh đạo (của Bộ), thì việc đó cũng không đáng hoặc không thỏa đáng.Đây đâu phải sự kiện/ sự cố duy nhất và lớn nhất?Vả lại, có thật sự công bằng không, khi ta “cho qua” vai trò của những người được Bộ ủy nhiệm làm công việc ra đề, với rất nhiều tin tưởng và hy vọng?

Trước hết, tôi chân thành chia sẻ nỗi khó nhọc của người ra đề và những áp lực đối với họ. Áp lực từ phía những cơn lũ chê bai, từ những vinh dự quá mức và trách nhiệm nặng trĩu được buộc vào cho việc ra đề; từ thực tế tình hình ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia; từ tình thế “múa tay trong bị” (chỉ bấy nhiêu tác phẩm có trong chương trình đó, chỉ bấy nhiêu yêu cầu đó, làm sao cho “sáng tạo” thì làm!); từ cung cách làm việc ngày “soi”, đêm “soi”, suốt gần một tháng, đối với chỉ mấy trang chữ (lúc đầu, tâm trí còn sáng láng, càng về sau nó càng mụ đi bởi nhiều thứ sợ, trong đó có cả sợ bóng sợ gió!). Đặc biệt, có áp lực từ mô hình và cấu trúc đề thi đã được xác định từ trước bởi cái gọi là “Đề thi minh họa” (tên gọi năm 2017) hay “Đề thi tham khảo” (tên gọi năm 2018).

Tôi không ủng hộ sáng kiến ban bố Đề thi minh họa/ Đề thi tham khảo như cách Bộ đã làm mấy năm nay, dù tôi đã tìm mọi lí lẽ để biện minh cho nó. Một khi đã chuyển đổi mô hình thi cử, việc nêu định hướng là cần thiết. Tuy nhiên, với trạng thái tinh thần của xã hội ta, cái do Bộ đưa xuống, dù được gắn nhãn bằng những từ khiêm nhường như “minh họa”, “tham khảo”, thường vẫn được đón nhận như là “quyết định”, “quy định”, chứa đựng sự bắt buộc. Đề minh họa có bao nhiêu câu, bao nhiêu ngữ liệu, đề chính thức ắt hẳn sẽ có bấy nhiêu, với tỉ lệ điểm phân phối y như “bản mẫu”. Ngay cả những kiểu “sáng tạo” phi lý ở phần Làm văn, một khi đã hiện diện trong đề minh họa cũng lập tức bị xem là “mẫu”, phải copy theo. “Sáng tạo” năm ngoái với kiểu đề trong đó mệnh đề dẫn có những cụm từ như “có ý kiến cho rằng”, “lại có ý kiến cho rằng”…vừa bị phê phán, phải dẹp bỏ, thì năm nay lại có “sáng tạo” khác, mà với nó, người làm bài phải liên hệ - so sánh hai đối tượng nhiều khi chẳng cùng cấp độ, chẳng ăn nhập gì với nhau. Người ta có thể vặc lại: So sánh cũng được chứ sao? Nhưng vấn đề là: Phải chăng không so sánh như thế thì tai họa sẽ xảy ra và môn văn không còn là môn văn nữa? Đừng ngây thơ nghĩ rằng với “đề so sánh”, nạn chép “văn mẫu” hay học tủ sẽ chấm dứt. Không.Một khi giáo viên đã quyết cho học sinh đỗ thì không có tình huống so sánh nào mà họ không nghĩ tới.Họ sẽ soạn thành bài để cho học sinh chép và học thuộc. Gì chứ kĩ năng ứng phó với các kiểu ra đề lâu nay giáo viên không hề thiếu!  

Tôi ngờ rằng những lập luận xoay quanh việc ban bố Đề thi tham khảo đã được xây dựng trên một nhận thức không ổn về những điều phải đem đến hay bồi dưỡng cho học sinh. Tại sao phải nhất quyết “ngoắc” vào một tác phẩm được học ở lớp 11 khi mà để làm bài văn về một tác phẩm học ở lớp 12, các em có thể phải huy động toàn bộ những gì đã được học từ các năm trước? Do đó, những lưu ý rằng phạm vi kiến thức (của đề thi) phải mở rộng ra cả chương trình lớp 11 (một phần) bỗng trở nên thừa. Ở đây đã có một sự đánh đồng vô tình và không đúng cái gọi là kiến thức với đơn vị bài học. Đơn vị bài học chỉ là phương tiện, là cơ sở ban đầu để bồi dưỡng kiến thức và phát triển năng lực. Dạy học phát triển năng lực khác xa với việc nhét vào bộ nhớ của các em mọi thứ kiến thức cụ thể lỉnh kỉnh.Điều cơ bản không phải là kiểm tra xem các em đã nhớ được bao nhiêu về tác phẩm mà phải là: qua việc thao tác trên một tác phẩm cụ thể, các em đã thể hiện được những năng lực gì mà môn Ngữ văn đã miệt mài bồi dưỡng, phát triển lâu nay? Việc tính đếm bao nhiêu phần trăm kiến thức lớp 11 và bao nhiêu phần trăm kiến thức lớp 12 bộc lộ một tư duy rất cũ về dạy học, giáo dục.

Theo tôi, Bộ không nên “cầm tay chỉ việc” cho giáo viên trong hoạt động dạy họctheo kiểu như lâu nay ta đã thấy. Một khi giáo viên được mặc định là đối tượng chỉ biết làm theo thì những sự sáng tạo mà ta thường đòi hỏi ở họ là hết sức xa xỉ. Vả lại, chúng ta đã có người đủ tầm, đủ sáng suốt để thực hiện hoạt động “cầm tay chỉ việc” đó chưa? Thực tế là chưa! Việc có thể làm là nêu định hướng và các nguyên tắc thực hiện công việc (cụ thể ở đây là việc ra đề) chứ không nên can thiệp quá sâu vào câu chuyện chuyên môn. Nếu muốn bản trường ca nhạt nhẽo bày tỏ sự thất vọng đối với đề thi và chất lượng giáo dục không còn cất lên hàng năm, chúng ta phải đổi mới tư duy thật sự trong cách chỉ đạo thực hiện hoạt động thi cử.

.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434599

Hôm nay

2219

Hôm qua

2310

Tuần này

21249

Tháng này

211647

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434599