Văn hoá học đường

“Tiếng bom” Hà Giang báo hiệu gì cho nền giáo dục nước nhà?

“Quả bom” giáo dục đã nổ ở Hà Giang! “Quả bom” này nổ không chỉ báo hiệu sự khủng hoảng đến tận đáy của nền/ngành giáo dục nước nhà mà còn là chỉ số rất xấu về phương diện đạo đức và pháp luật của xã hội, sự tha hóa đến độ vô liêm sĩ của  không ít kẻ trong đội ngũ cán bộ, công chức. Tại sao con và cháu của ông Triệu Tài Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy lại cùng được nâng điểm? Đó là câu hỏi không dễ trả lời cho thấu đáo và khó có thể làm cho người dân tin mặc dù ông ấy khẳng định là hoàn toàn vô can, hoàn toàn không biết, và “rất buồn” (!?).

Sự sa sút về phẩm chất,  kỷ luật của các cá nhân là điều trông thấy, “tiếng bom”  Hà Giang còn báo hiệu những khoảng trống trong việc kiểm soát quyền lực của Đảng và Nhà nước. Nếu kiểm soát tốt quyền lực thì chắc chắn khó xảy ra vụ nổ Hà Giang. Không hoàn toàn vô cớ mà các thí sinh được nâng điểm lại chủ yếu là con em của các quan chức. Ông Vũ Trọng Lương không vô cớ mà nâng điểm cho các  thí sinh này nếu không biết đó là con em của các quan chức. Ông Lương hoàn toàn lường trước được hậu quả của việc làm của mình nếu bị phát hiện. Có nghĩa là ông ta đã bị quyền lực (hoặc đồng tiền) khuất phục; Quyền lực đã tác oai tác quái.

Tiếng bom Hà Giang, đã báo hiệu, và trở thành tiếng nói phản biện mạnh mẽ, có quyền lực đối với cách tổ chức thi cử, cách đánh giá năng lực học trò và chất lượng đào tạo của của Bộ giáo dục- đào tạo. Nếu trước đây còn có một chút băn khoăn khi xác nhận sự lỗi thời, lạc hậu, phiền hà, tốn kém, bất hợp lý của cách thi cử này thì bây giờ đã có đầy đủ chứng cứ để khẳng định điều đó.

Tiếng nổ Hà Giang, và có thể còn có ở Sơn La, và những nơi khác nữa (nếu kiểm tra nghiêm túc), đã báo hiệu sự vỡ trận của giáo dục Việt Nam. Tiếng nổ Hà Giang  thúc giục chúng ta phải bình tĩnh và sáng suốt nhìn lại nền giáo dục. Nó không chỉ buộc phải sửa đổi lại lối thi cử hiện hành mà còn phải cân nhắc về  nguyên lý, mục tiêu  đào tạo, hay là triết lý của nền giáo dục. Nếu vẫn chưa hướng đến mục tiêu đào tạo ra những con người tự do, tự chủ, có năng lực làm việc và sáng tạo mà vẫn muốn là những con người phục tùng và bị động thì các thí sinh vẫn tiếp tục bị lệ thuộc vào nền tảng giá trị xưa cũ của nền giáo dục khoa cử Khổng giáo. Đó là căn bệnh hình thức, sĩ diện, nuôi nhốt tài năng hoàn toàn xa lạ với nền giáo dục khai phóng của xã hội hiện đại. Tại sao phải cố bằng mọi giá chen chân vào các trường đại học kể cả gian lận điểm thi? Tại sao không hướng cho tuổi trẻ trung thực, khao khát tự do, tự lập, tự chủ cuộc đời mình mà phải phụ thuộc vào mảnh bằng dẫu biết rằng có thể thất nghiệp vì nó?

Phải chăng căn nguyên sâu xa là người học chưa thoát ly được tâm lý sĩ diện muốn làm thầy thiên hạ và người dạy muốn tạo ra một lớp người công cụ giỏi phục tùng.

Đồng thời với nhận thức lại toàn diện về nền giáo dục, thay đổi lề lối thi cử, cải tổ, cơ cấu lại hệ thống và cơ chế hoạt động của các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề là việc nhất thiết phải làm để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường phải có quyền tự chủ và trách nhiệm minh bạch trong toàn bộ quá trình đào tạo mới hy vọng chất lượng đào tạo cao, mới có những con người trung thực, có khả năng độc lập tư duy, có năng lực sáng tạo.

Tiếng bom Hà Giang, một tiếng vọng khác, là cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, hãy chăm lo cho con em mình bằng cách chỉ ra con đường tự do, tự chủ, tự lập và trung thực đến với tri thức và công việc thay vì chạy vạy mua bán điểm chác và bằng cấp.

“Tiếng bom” Hà Giang đã báo hiệu nhiều điều cho giáo dục  nước nhà!

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434652

Hôm nay

2272

Hôm qua

2310

Tuần này

21302

Tháng này

211700

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434652