Văn hoá học đường

Vụ án “chữa bài thi” nghiêm trọng dưới triều Nguyễn

Một trong những vụ án được coi là đặc biệt nghiêm trọng trong lịch sử các vụ án khoa cử Việt Nam thế kỉ XIX là vụ án chữa bài thi xảy ra vào năm Thiệu Trị thứ 1(1841) ở trường thi Thừa Thiên, liên quan đến người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương năm 1854 và cũng chính là một nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam – Cao Bá Quát.

Chuyện xảy ra vào năm 1841, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Trong khi chấm bài, ông nhận thấy có một số bài văn hay nhưng vi phạm trường quy. Không muốn vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người thực tài, Cao Bá Quát cùng với một viên Sơ khảo khác là Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài thi. Trong 24 người có bài thi được chữa lại thì có 5 người đỗ Cử nhân, đó là Hoàng Kim Minh, Lê Thiều, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Khánh, Phan Văn Trị. Thêm nữa là chuyện thí sinh Trương Đăng Trinh – cháu ruột của Đại thần Trương Đăng Quế có quyển văn thứ 2 bị nội trường đánh hỏng, phần khảo là Nguyễn Văn Siêu cho là văn lí có thể lấy được, bèn nói với quan Ngoại trường là Cao Bá Quát cho liệt Trinh vào hạng lấy đỗ, Cao Bá Quát đồng ý.

Theo luật tổ chức trường thi thì trong thời gian chấm thi, quan Nội trường và quan Ngoại trường không được gặp nhau. Thế nhưng, Chủ khảo Bùi Quỹ cho là chữ của Cao Bá Quát viết tốt, bèn gọi ra Ngoại trường viết bảng thí sinh thi đỗ. Viết xong, Cao Bá Quát được Nguyễn Văn Siêu giữ lại qua đêm để uống rượu. Đến khi tra bảng, các sĩ phu xôn xao. Giám sát trường vụ Hồ Trọng Tuấn tham hặc là trường pháp không đúng. Bộ Lễ và Viện Đô sát tra xét nghị tội, Cao Bá Quát khai nhận là: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gởi gắm, dặn dò gì cả”. Bộ Lễ và Viện Đô sát làm án dâng lên vua Thiệu Trị. Án xử Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ vào tội tử hình. Nguyễn Văn Siêu bị tội phạt trượng (đánh bằng gậy) và tội đồ (đi đày). Chủ khảo Bùi Quỹ và giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp thì hoặc phải cách, hoặc phải giáng chức.

Sự việc trên vẫn còn được lưu lại trong Châu bản triều Nguyễn như sau:

Chúng thần ở Nội các là Lâm Duy Nghĩa, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Cửu Trường phụng thượng dụ: Nay căn cứ tập tâu của Ngự sử Vũ Danh Trì, giám sát công việc trường thi Thừa Thiên trình rằng, Viên đó ở ngoài trường kiểm tra thấy Chánh phó chủ khảo Bùi Ngọc Quỹ và Trương Tiến Nhiệm sức cho sơ khảo bên trong trường là Cao Bá Quát lưu lại ngoài trường viết bảng. Đối chiếu với trường quy không hợp lệ. Lại căn cứ vào tập tâu của Cấp sự trung Hồ Ngọc Tuấn trình rằng, viên đó ở trong trường kiểm tra biết sơ khảo Cao Bá Quát lén đến phòng phân khảo Nguyễn Văn Siêu ở qua đêm không về phòng mình. Lại nghe sơ khảo Phan Thời Nhạ nói rằng Cao Bá Quát phân duyệt các quyển thi, có viết thêm 9 chữ vào chỗ bỏ sót, nhận dạng đó là chữ của Cao Bá Quát. Quyển thi đó trường ngoài đã xếp vào hạng cử nhân. Cao Bá Quát lén đến phòng Nguyễn Văn Siêu muốn thông đồng ủy thác tình riêng, xem tấu thật là đáng giận. Vả lại khuôn phép trường thi chia ra trong ngoài trường thi không được qua lại chỗ nhau để đề phòng sự gian trá. Lần này văn quyển ngoài trường đi lấy chưa xong, Cao Bá Quát lại dám lưu ở ngoài trường đến phòng của phân khảo Nguyễn Văn Siêu suốt đêm. Nguyễn Văn Siêu đã là phân khảo thì việc ngoài trường tất thảy đều biết, sao lại tiếp người điểm duyệt trong trường ở cùng chỗ suốt đêm, việc này rất đáng nghi ngờ. Huống hồ căn cứ vào tấu thì Cao Bá Quát phân duyệt văn quyển lại thêm chữ vào, có nét chữ dấu mực. Đem so sánh nét chữ dấu mực đó với  quyển gốc thì thấy không phù hợp. Nét chữ đó quả là giống với nét chữ của Cao Bá Quát như lời tâu. Điều đó không có kỷ cương luật pháp, làm nhiễu loạn trường thi. Nguyễn Văn Siêu truyền thôi giữ chức, Cao Bá Quát đóng gông và đều giao cho Bộ Lễ và Viện Đô sát hội đồng là Hồ Trọng Tuấn, Vũ Danh Trì tham khảo các điều khoản tra xét công minh, trị tội nghiêm khắc để làm nghiêm túc trường thi.

Ngày mồng 7 tháng 9 năm Thiệu Trị 1 (1841).(1)

 

Bản phụng dụ của Nội các ngày 7 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) về việc giao Bộ Lễ và Viện Đô sát điều tra, xét xử vụ Cao Bá Quát sửa bài thi ở trường thi Thừa Thiên. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn (trích 2 trang đầu)

 

Chúng thần ở Nội các là Lâm Duy Nghĩa, Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Cửu Trường phụng thượng dụ: Nay căn cứ tập tâu hỏi tội của viên giám sát công việc trường thi phủ Thừa Thiên là Khoa đạo Hồ Trọng Tuấn trình rằng: Căn cứ viên sơ khảo Phan Thời Nhạ nói rằng Cao Bá Quát người cùng Viện khi duyệt quyển thi có viết thêm các chữ vào bài thi, nhận thấy giống nét chữ của Cao Bá Quát. Trẫm lấy văn chương làm phép tắc trường quy rất nghiêm ngặt, sao lại có sự khinh nhờn này? Đã chuẩn đem Cao Bá Quát đóng gông giao cho Bộ Lễ và Viện Đô sát hội đồng tra xét rõ ràng nghị xử rồi. Nay căn cứ vào các điều Bộ Lễ tâu trình thì Phan Thời Nhạ khai Cao Bá Quát viết thêm chữ vào văn quyển thì hạng cử nhân là Nguyễn Văn Chương, hạng tú tài là Nguyễn Hưng Lễ, Nguyễn Đức Tân, Nguyễn Tam Tích, Nguyễn Công Xuyến tổng cộng là 5 người thì trên văn quyển cũng có thêm chữ, sửa chữ với sửa chữ phê. Tựu trung sơ khảo hoặc là Cao Bá Quát ghi tên hoặc là Phan Thời Nhạ ghi tên. Căn cứ vào việc Cao Bá Quát khai nhận điểm duyệt cùng Phan Thời Nhạ mưu tính bàn bạc thêm chữ, sửa chữ. Phan Thời Nhạ sợ sự việc bị bại lộ cho nên trước đã mưu tính để thoát tội. Lại căn cứ vào việc Phan Thời Nhạ khai chưa trung thực, sai đem quyển gốc trình lên thì thấy thêm chữ, sửa chữ quả nhiên dấu vết đáng nghi ngờ, có sự mờ ám riêng tư bên trong. Phan Thời Nhạ trước đã thông đồng làm việc gian trá sau lại đổ lỗi cho người. Lòng dạ gian xảo như vậy, dối trá nhiều bề thật không coi kỷ cương pháp luật ra gì. Phan Thời Nhạ truyền cách chức ngay, đóng gông và giao luôn cho bộ viện đó triệt để tra xét rõ ràng để nghiêm túc trường thi và trừ bỏ tệ nạn. Việc này cần sửa sang cho ngay ngắn, không phải tầm thường.

Ngày 16 tháng 9 năm Thiệu Trị 1 (1841) (2)

Trước sự việc này, Vua phán rằng: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát lại dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ: Bọn Quát chữa văn đến 24 quyển, tự mình hoặc phê lấy đỗ, hoặc phê bỏ đi, cũng có chỗ câu văn chữa vào lại không bằng câu văn của người làm trước, hoặc giả là do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Vậy đều cho đổi làm giảo giam hậu. Siêu cho Quát ngủ ở phòng của mình, tuy không có tình tiết gì, nhưng phép trường không thể hỗn tạp như thế được, đáng lẽ ra, cứ theo như lời bộ nghĩ mà trị tội, nhưng hãy tạm gia ơn tha cho tội đồ, mà chỉ cách chức, cho gắng sức theo làm việc ở bộ để chuộc tội. (…)”. Lại sai thự Thị lang Bộ Hình là Ngô Văn Địch, Chưởng ấn Cấp sự trung là Lê Chân cho gọi cả 5 tên ấy đến họp ở Viện Tả đãi lậu, ra đủ đầu bài cả 3 kỳ để thi lại. Khi quyển thi của 5 người ấy được dâng lên, văn đều khá, đáng lấy đỗ được cả, lại thưởng trả lại cho vào hạng cử nhân. Quyển văn của Trương Đăng Trinh tuy có sự quan ngại, nhưng văn khá thông, cũng để vào hạng lấy đỗ. Duy có cử nhân thứ 20 là Phan Văn Trị vì bài phú trùng vần, bị đánh hỏng” (3)

Sau đó, Cao Bá Quát được giảm án từ “trảm quyết” (xử chém ngay) thành án “giảo giam hậu” (xử treo cổ nhưng cho giam đợi đến sau mùa thu):

Chúng thần Nội các là Lâm Duy Nghĩa, Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Cửu Trường phụng Thượng dụ: Nay căn cứ tấu của Bộ Lễ và Viện Đô sát về việc tuân mệnh tra xét và tâu trình vụ án các quan trường thi phủ Thừa Thiên làm sai pháp luật và thiếu kiểm soát trong thi cử. Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ đã thú nhận, cả hai cùng bàn bạc lén lấy nhọ nồi (khói đèn) để thêm chữ, sửa chữ ở quyển thi của các thí sinh gồm 24 quyển. Trong đó Cao Bá Quát thêm chữ, sửa chữ 12 quyển, số dự trúng là 5 quyển; Phan Thời Nhạ thêm chữ, sửa chữ 12 quyển, số dự trúng 4 quyển. Việc làm đó không có phép tắc kỷ cương, xin đem hai tên đó xử trảm giam hậu. Các Viên Nội trường giám phúc và Ngoại trường phân khảo, chủ khảo không thể phát hiện ra mà cho trúng cách (đỗ) thì đều là hạng tắc trách. Lại tra xét đến việc Cao Bá Quát đến chỗ trường ngoài ở đó suốt đêm thì bọn chủ khảo Bùi Ngọc Quỹ cùng phân khảo Nguyễn Văn Siêu đều làm trái trường quy đem đánh gậy, cách chức để tỏ rõ pháp quy rất nghiêm ngặt. Năm trước trường thi Nghệ An có án nhiễu loạn trường quy, kính vâng thánh chỉ đem phạm nhân Nguyễn Tú trảm giam hậu để việc kén chọn nhân tài là việc lớn của quan trường, không được có tình riêng. Làm như vậy là để nghiêm túc trường quy mà đề phòng sự gian dối vậy. Trẫm làm chính sự, trước tiên thêm ý làm hứng khởi lòng người, sau đó mở các khoa thi để làm tăng thêm việc đỗ đạt. Lấy trường thi làm mở đầu cho sự tốt lành, nên bảo các quan trường thi phải nắm giữ lấy sự công bằng, không được dùng tình riêng làm bừa bãi. Dặn bảo rồi mà Cao Bá Quát, Phan Thời Nhạ vẫn dám làm nhũng nhiễu trường quy, bí mật thêm chữ sửa chữ ở quyển thi, thậm chí cân nhắc sửa cả lời phê thật rất khinh nhờn. Xem xét dặn bảo có liên quan thì ắt hết thảy đều nghiêm trị để răn bảo, lý khác không miễn cưỡng tha thứ. Căn cứ vào chỗ tâu của Bộ, Viện ấy thì là do tình cảm của người thầy trỗi dậy muốn đem phúc đến (cho trò) mà không biết rằng mình bị mắc tội. Đem sửa hơn hai mươi bài thi của các thí sinh. Tựu trung lại  những viên ấy trước đã sửa văn tự bị cách chức, cũng có chỗ sửa chữ lại không đúng như nguyên tác vì những người vượt trội lại tỏ rõ sự ngờ ngệch. Lấy việc chọn người hiền tài làm gốc, không được có tình riêng hoặc có một  đầu mối có thể làm gốc. Cao Bá Quát, Phan Thời Nhạ sửa tội thành giảo giam hậu để tỏ ý dùng pháp luật có lý có tình. Nguyên chánh, phó chủ khảo Bùi Ngọc Quỹ, Trương Tiến Nhiệm đến giám khảo, phân khảo, phúc khảo phân duyệt văn quyển cho các thí sinh mà việc thêm chữ, sửa chữ không phù hợp cũng niêm phong không kiểm tra. Bùi Ngọc Quỹ, Trương Tiến Nhiệm lại sức cho Cao Bá Quát vượt ra trường ngoài viết bảng, Nguyễn Hữu Cơ thì dự ở khán biện lại không cho đó là lỗi lầm, Nguyễn Văn Siêu thì mời đến phòng suốt đêm mà không sợ. Tuy xem xét không có tình riêng mà luật pháp trường quy há có thể làm như vậy? Những viên ấy tội chồng thêm tội quả thực đã khó chối được, lẽ ra chiếu theo án trừng trị nhưng hãy gia ân xử giảm nhẹ cho. Do đó Nguyễn Văn Siêu bị cách chức, nay án đó lại được xem xét Nguyễn Văn Siêu truyền miễn đánh gậy giao cho bộ Lại hiệu lực chuộc tội; Bùi Ngọc Quỹ, Trương Tiến Nhiệm đều đổi cách chức lưu nhiệm; bọn Nguyễn Văn Trị gồm 3 viên đều cải giáng 4 cấp lưu nhiệm; bọn Trương Hảo gồm 3 viên đều đổi giáng 2 cấp lưu nhiệm; còn các tên lấy trúng cử nhân, tú tài là bọn Nguyễn Đức Tân gồm 9 tên truyền giao cho bọn Thự tả tham tri Bộ Hình Ngô Văn Địch ra đủ đề thi của 3 trường, công minh phúc thi và xét tùy văn chương, phân hạng tâu lên đầy đủ rồi chờ chỉ. Ngoài ra y tấu lên rồi chờ chỉ. Khâm thử.

Ngày 21 tháng 12 năm Thiệu Trị 1 (1841).(4)

Cuối cùng, án Cao Bá Quát đổi sang tống ngục và “dương trình hiệu lực” nghĩa là được phép lập công chuộc tội.

Theo tác giả Nguyễn Lộc trong Văn học việt Nam (nửa cuối thế kỉ XVIII – hết thế kỉ XIX), Cao Bá Quát có lạ gì quy chế trường thi. Người đi thi làm bài phạm húy, tùy lỗi nặng nhẹ, có khi còn bị chém đầu, huống nữa là quan trường chữa bài phạm húy để lấy đậu. Cái tội “giảo giam hậu” mà Bộ Lễ nghị án chắc chắn Cao Bá Quát có thể hình dung ra được, nhưng ông vẫn cứ làm, vì như ông nói, đó là “tìm điều nhân”, là “cùng cảnh thương nhau”: “Cầu nhân vị đắc thành chiêu họa – Đồng bệnh tương lân khước lụy nhân” (Tìm điều nhân chưa chắc được đã mang tai họa đến – Cùng cảnh thương nhau lại làm lụy cho người)” (5).

Về phía triều đình khi xử vụ vi phạm quy chế thi cử, có thể nói chế độ thi cử triều Nguyễn nói chung và thời Thiệu Trị nói riêng rất nghiêm nhưng việc giảm án và việc bản án được trì hoãn qua nhiều ngày tháng cũng cho thấy vua triều Nguyễn không phải là không quý trọng người tài.

Tài liệu tham khảo:

(1) Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tờ 208, tập 9.

(2) Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tờ 230, tập 9.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập VI, Phiên dịch: Cao Huy Giu – Trịnh Đình Rư – Trần Huy Hân – Nguyễn Trọng Hân, Hiệu đính: Hoa Bằng, NXB Giáo dục, 2006, tr. 216 – 217.

(4) Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, tờ 241, tập 10.

(5) Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỉ XVIII – hết thế kỉ XIX), NXB Giáo dục, 2005, tr.528.

.............

Nguồn: Trung tâm lưu trữ QG1

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529361

Hôm nay

2104

Hôm qua

2304

Tuần này

21634

Tháng này

216057

Tháng qua

0

Tất cả

114529361