Cuộc sống quanh ta

Kinh tế ngầm (Phần 3)

KINH TẾ NGẦM ĐỘC HẠI VÀ TÍNH PHỨC - TẠP - HỆ THỐNG CỦA NÓ
 
Các triết gia cho rằng nghiên cứu và tranh luận là vô nghĩa đối với những gì đã được phơi bày hoặc còn kín mít, mà đối tượng của nó chỉ bao gồm trong những phần hãy còn hoài nghi. Khi nói đến kinh tế ngầm là sản phẩm của mọi nền kinh tế là muốn nói bản chất của vấn đề quản lý cực kỳ khó khăn phức tạp. Chừng nào chưa hoàn chỉnh được vấn đề quản lý kinh tế ngầm vẫn còn tồn tại. Biết bao giờ mới hoàn chỉnh được vấn đề quản lý, dù là hiểu một cách tương đối? Có lý thuyết phân chia độ phức tạp của tất cả mọi thứ trên đời làm 9 cung bậc, thì cơ chế sống của cơ thể con người được xếp bậc phức tạp thứ 5, hai bậc 7 và 8 hãy còn để trống, còn vấn đề quản lý được đặt vào bậc phức tạp cao nhất, bậc 9. Từ đó có thể thấy nguyên nhân tự thân dai dẳng của kinh tế ngầm. Tuy nhiên còn có rất nhiều nguyên nhân từ các góc độ khác. Mọi người đều biết việc thu thuế ra đời cùng lúc và tồn tại song hành với bộ máy Nhà nước. Biên chế bộ máy đó phải thích ứng với ngân sách. Một khi ngân sách không nuôi nổi bộ máy một cách hợp lý, một khi nền kinh tế chính thống trì trệ không đáp ứng nổi nhu cầu thu nhập tối thiểu của một bộ phận thành viên xã hội thì họ phải tìm những lối thoái kinh tế tự phát, hoặc là hợp pháp, hoặc là phá phách bất hợp pháp. Và hôm nay phá phách một thì ngày mai phá phách mười theo quy luật “ăn không biết no” của những kẻ đã rơi vào quỹ đạo của kinh tế ngầm độc hại. Mặt khác, trong bộ máy Nhà nước, trong xã hội còn có những người bất mãn, luôn luôn không bằng lòng với phương pháp và mức độ phân phối thu nhập ở quy mô chung, họ không chịu ngồi yên và chủ động vươn tới các đặc quyền đặc lợi một cách điên cuồng, làm rối loạn đời sống kinh tế xã hội. Trong cơ chế kinh tế thời bao cấp chúng ta thấy rõ và phân biệt rõ người nông dân lao động và người nông dân đầu cơ. Phần kinh tế ngầm của nông dân cũng rất đáng kể và đáng ngại, song dù sao thì cũng chỉ là những hoạt động riêng lẻ rời rạc không kết gắn nhau và đã có sự ví von như “bị khoai tây” khi nói về tính cộng đồng của họ. Thật là không thấm bé vào đâu so với hàng triệu cái vòi đỉa đói của ý thức tư hữu ở các tầng lớp làm ăn bất chính đang bám chặt những nhân vật quyền lực thoái hoá, đang bám chặt các cơ chế chính sách đã quá lỗi thời, đang bám chặt sự tăng trưởng nói chung của công cuộc đổi mới. Vô vàn cách thức ma giáo điên rồ của quá khứ đã tái hiện vào những cái vòi mới mẻ gớm ghiếc này, nhiều lúc với cả một hệ thống cố kết hoạt động vừa lỗ liễu, vừa tinh vi.
Tính phức tạp hệ thống của kinh tế ngầm độc hại, trước hết là ở chỗ hầu hết các trường hợp gây hại nghiêm trọng của chúng đều dính dáng với kinh tế chính thống. Có hai nhận xét sơ bộ:
1. Trong các đơn vị doanh nghiệp với mức độ kinh tế ngầm cài vào chưa mạnh thì kinh tế ngầm ở trường hợp này không thể phân tuyến rạch ròi về mặt con người xã hội. Dù cho chúng vẫn là một hệ thống năng động trong cơ chế hoá thân tổ chức, có sở trường chuyển thể và thâm nhập nhanh nhạy. Đôi khi chúng cũng để lòi cái đuôi của các bộ phận hợp thành bên dưới, còn những kẻ cầm đầu bên trên thì bí ẩn, ít xuất hiện, ít thay đổi, khó tìm, khó biết.
Đây chính là lý do sinh ra một lớp người trung gian hoạt động chỉ trỏ. Chúng cũng nằm trong một giây chuỗi những vẫn có tính độc lập ngăn cách, để tự bảo vệ yên ổn cho kẻ cầm đầu, và khi cần thì thay thế, thái hồi hoặc thí mạng cái đám tốt đen râu ria chân rết một cách nhẹ nhàng.
2. ở mức độ quan hệ chặt chẽ, khi đơn vị doanh nghiệp chính thống đã bị kinh tế ngầm độc hại lấn át, đã tự nguyện hay buộc phải biến chất để hoà hợp thành chủ thể kép, vừa chính thống vừa ngầm thì chủ thể kép này hoạt động vừa công khai vừa lẩn lút với một cơ chế hoạt động vừa đóng vừa mở. Chúng hoạt động trong bóng tối, đóng kín với các cơ quan nội chính (nếu như chúng không lũng loạn được) và một số cán bộ viên chức trong đơn vị đang còn lương tâm, trách nhiệm. Đồng thời chúng là một hệ thống hoạt động mở đối với những người có quan hệ giao dịch qua các đường dây ngầm... Đó là hai vế tồn tại của chủ thể kép đó. Hai vế đó dường như luôn luôn mâu thuẫn nhau, tránh né nhau, rình mò theo dõi nhau ở trạng thái căng thẳng ôm sào làm xiếc trên dây. Và chúng vẫn liều mạng biểu diễn khi đã có một sợi dây bảo hiểm vô hình buộc chặt ngang lưng chúng - đó là ô dù các loại.
Trong quá trình phát triển kinh tế ngầm, có thể có hiện tượng lẻ rất tiêu cực, nhưng nếu chỉ diễn ra một vài lần thì không đáng ngại, chỉ cần chộp chúng vào tù là xong. Cái chính là cần chú ý đến cơ chế xã hội tái sản xuất ra chúng để gạt bỏ ngay cơ chế đó, không cho chúng được phát triển theo chiều rộng. Dĩ nhiên kinh tế ngầm còn có kiểu phát triển theo chiều sâu. Một địa phương nào đó, có thể có số vụ chiếm đoạt tài sản công cộng giảm bớt nhưng tổng số giá trị thiệt hại thì tăng lên gấp nhiều lần, khi cơ cấu tổ chức của chúng đã lớn mạnh và được nâng cao từ tích tụ. Hàng triệu cái vòi đỉa đói đang hàng giờ hàng ngày vươn ra theo chiều rộng và to mập theo chiều sâu, chắc chắn chúng sẽ không dừng lại lâu trong đường biên của một địa phương, một đất nước. Một khi nền kinh tế chính thống mở cửa thì bản thân chúng cũng muốn tìm hút những thức ăn mới lạ từ bên ngoài. Điều tất yếu ngược lại, là những chiếc vòi bạch tuộc ở các xứ sở xa lạ sẽ sẵn sàng tiếp xúc, chờ đón chúng. Và thường thường chỗ giáp ranh bao giờ cũng xuất hiện những điều đáng được chú ý theo dõi, trong đó, chắc chắn có sự mai mối của các mưu đồ hoạt động diễn biến hoà bình.
 

Phần cuối: Kinh tế ngầm độc hại và cuộc đấu tranh chống nó

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114526190

Hôm nay

2139

Hôm qua

2318

Tuần này

2740

Tháng này

212886

Tháng qua

0

Tất cả

114526190