Cuộc sống quanh ta

Chính khách và mạng xã hội

Chủ tịch Cu-ba Miguel Díaz-Canel Bermúdez vừa chơi Twitter.

Chỉ vài giờ sau khi đăng tải dòng trạng thái đầu tiên, trang cá nhân của ông đã thu hút gần 9 ngàn người theo dõi. Một ngày sau, con số này đã lên đến hơn 23 ngàn.

Nhật báo Cu-ba Granma đánh giá sự hiện diện của Chủ tịch Miguel Díaz trên mạng xã hội là một bước đi tích cực, sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết với người dân Cuba, đặc biệt là cộng đồng người Cuba ở nước ngoài. 

Trước Chủ tịch Cu-ba, thế giới đã từng có nhiều chính khách sử dụng mạng xã hội như các TT Mỹ Barack Obama, Donald Trump; bà Hillary Clinton, nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Giáo hoàng Francis,…

Trong số đó, ông Obama nổi tiếng là người đi tiên phong và đã rất thành công trong việc tận dụng tối đa lợi ích từ các phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số.

Các chính khách này hiểu rõ ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng xã hội trong thời đại số hiện nay.

Các kênh thông tin truyền thống thường chỉ phản ánh thông tin một chiều, ít chú ý sự phản biện của dư luận xã hội.

Mạng xã hội ra đời đã bù đắp được khiếm khuyết này của báo chí truyền thống, tạo sự đa chiều trong thông tin, đặc biệt là mối quan hệ tương tác giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lãnh đạo với người dân; xóa rào cản về không gian và thời gian trong truyền thông.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram,… đã và đang được nhiều lãnh đạo trên thế giới sử dụng như một 'vũ khí' quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại của mình.

Chia sẻ nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm 150 năm phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Cuba chống lại ách đô hộ của thực dân Tây Ban Nha, dòng trạng thái đầu tiên trên Twitter của nhà lãnh đạo Cuba viết: "Chúng tôi đang có mặt tại nông trang #LaDemajagua, nơi ngập tràn cảm xúc yêu nước lớn lao nhất...".

Chỉ một câu nói thôi, ông Miguel Díaz đã xóa bỏ rào cản vô hình ngăn cách vị chủ tịch nước với người dân.

Một chính khách khác là Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng đã từng khiến cư dân mạng “tan chảy” đầu năm nay khi bà thông báo tin vui mang bầu trên mạng xã hội Instagram. Nữ Tân Thủ tướng 8X này thường xuyên đăng tải các hình ảnh và hoạt động của mình lên mạng xã hội để tiếp cận người dân. Đó cũng là lý do khiến bà được rất nhiều người dân New Zealand hâm mộ.

Khi tham gia mạng xã hội, các chính khách thoát khỏi những ràng buộc lễ nghi, ngôn từ hành chính, ngoại giao và những áp lực quyền lực; đặt mình trong tâm thế của một công dân để chia sẻ mọi nỗi buồn, niềm vui trong công việc và cuộc sống.

Tham gia mạng xã hội, các nguyên thủ tương tác một cách dễ dàng, nhanh nhất đối với công chúng, tạo sự gần gũi với người dân của mình, qua đó xây dựng hình ảnh thân thiện trong con mắt nhân dân.

Thông qua mạng XH, các nhà lãnh đạo kiểm chứng các chính sách, phán quyết của mình; đo được phản ứng của dư luận để kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào đường lối và hành vi cai trị.

Họ cũng muốn chứng minh một điều đơn giản, dù là tổng thống hay thủ tướng, hay giáo hoàng thì cũng đều là con người, cũng cần các nhu cầu của cuộc sống như bao người bình thường khác.

Bởi thế, các chính khách nói trên, không cần phải nhọc công “kéo” đám mây điện toán về mà chủ động tìm đến mạng xã hội mình thích, coi đó vừa là “vũ khí” truyền tải thông điệp, chính sách vừa là trải nghiệm thú vị.

Lực cản lớn nhất cho sự phát triển ở thời đại công nghệ số là lối hành xử kiểu “mũ ni che tai”, nhắm mắt làm lơ, vô cảm trước dư luận xã hội.

Các chính khách đã và đang dùng mạng internet có lẽ không bao giờ nghĩ mình đứng trên nhân dân; chức tước chẳng qua là trách nhiệm xã hội, gánh vác để chứng tỏ chí làm trai hay “tỏ mặt anh thư” mà thôi.

Cụ Nguyễn Công Trứ xưa chẳng đã từng mong được thỏa “Chí làm trai nam bắc đông tây/Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528575

Hôm nay

2231

Hôm qua

2291

Tuần này

2848

Tháng này

215271

Tháng qua

0

Tất cả

114528575