Không bàn thêm về dung lượng cơ học của cuốn sách, người đọc sẽ cảm thấy tin tưởng ngay bởi chất lượng khoa học của công trình qua phần giới thiệu về hát nói, mà thật chất là một bài báo khoa học công phu: Hát nói, thời điểm hình thành và quá trình phát triển của chính tác giả (trang 7 – trang 42, 35 trang). Bài viết này cung cấp cho người đọc những tri thức từ cơ bản đến chuyên sâu về thể loại hát nói như: Các điều kiện xuất hiện hát nói; Hát nói, từ điệu hát ca trù đến thể loại văn học; Một hình thức đặc thù và một nội dung đặc định; Hát nói trong lịch sử dân tộc: diễn trình và đặc điểm; Vấn đề hát nói trước thế kỷ XIX; Hát nói nửa đầu thế kỷ XIX, với Nguyễn Công Trứ; Hát nói nửa đầu thế kỉ XIX, sau Nguyễn Công Trứ; Hát nói từ nửa cuối thế kỉ XIX đến Tản Đà. Từ bài viết này, người đọc sẽ biết được hai tác gia vô cùng quan trọng của thể loại hát nói, đó chính là Nguyễn Công Trứ và Tản Đà, bên cạnh đó là những tác giả như: Nguyễn Bá Xuyến, Trương Quốc Dụng, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Bá Nghi, … Nhà nghiên cứu dựa vào phương pháp luận khoa học “sự ra đời của một thể loại văn học bao giờ cũng gắn với nhu cầu xã hội nhất định và cũng là kết quả của sự vận động tự thân của văn học nhằm đáp ứng nhu cầu mới của xã hội và lịch sử” [trang 8], đã lí giải thuyết phục điều kiện xuất hiện của thể loại hát nói: “hát nói nằm trong dòng phát triển văn học theo đuổi cái đẹp mang tính dân tộc” [trang 10]. Đặc biệt là từ khảo sát thực tiễn sáng tác, nhà nghiên cứu đã đi đến nhận diện được “hình thức đặc thù” và “nội dung đặc định” để chính thức xem hát nói là một khái niệm về một thể loại văn học chính danh. Ngay từ đầu bài viết, tác giả đã khẳng định “hát nói là thể loại thơ ngắn duy nhất mà lịch sử văn học Việt Nam sáng tạo được” [trang 7]. Vâng, người đọc, cá nhân tôi muốn tranh cãi ngay với tác giả, thế còn lục bát với 2 dòng và 14 âm tiết? Hát nói, dù ngắn nhưng cơ bản là 11 dòng (ba khổ, theo cách chia văn học không phải theo nhạc ca trù) với số chữ trong câu không hạn định thì làm sao so với độ ngắn của lục bát được? Song, dường như đoán được sự tranh cãi theo thói quen suy nghĩ của người đọc về cách hiểu lục bát như một thể loại, tác giả đã trả lời ngay “Các thể lục bát, song thất lục bát chưa thành thể loại, nhưng nhờ các thể đó đã tạo nên truyện Nôm và ngâm khúc. Bộ ba thể loại: ngâm khúc […], truyện Nôm […], hát nói […] là những công tích lịch sử văn học, đã tạo nên những điển phạm cho văn học Việt Nam trung đại” [trang 7]. Như vậy người đọc có được một kinh nghiệm đọc mới, chú ý thuật ngữ, cụ thể ở đây là thể và thể loại và qua đó là một tri thức mới, thể loại thơ ngắn duy nhất trong lịch sử văn học Việt Nam là hát nói, chứ không phải lục bát. Thể lục bát (hay thêm nữa là song thất lục bát) chỉ là một đơn vị cơ sở làm nên các thể loại hoàn chỉnh như ngâm khúc, truyện Nôm. Và tất nhiên, từ đó người đọc tự liên hệ và lí giải có những trường hợp đặc biệt, một đơn vị cơ sở có thể cấu trúc thành một tác phẩm (ví dụ bài ca dao chỉ có một cặp câu lục bát chẳng hạn). Để sánh với các thể loại thơ ngắn của những nền văn học khác trên thế giới như ngũ ngôn tuyệt cú (Trung Quốc), haiku (Nhật Bản) thì Việt Nam phải là hát nói chứ không phải lục bát như nhiều người trong chúng ta đã nhầm lẫn.
Mục đích của công trình này là “cung cấp cho độc giả một tuyển tập phong phú hơn, trong đó có nhiều bài hát nói còn nằm rải rác trong các tài liệu ít được biết đến” [trang 5]. Ít được biết đến, bởi hát nói là sản phẩm của thời kì văn học trung đại, chủ yếu nguyên tác viết bằng chữ Nôm, được sao đi chép lại,nên công tác chuyên biệt của ngành văn bản học rất được tác giả công trình tuyển tập chú ý với 145 đầu sách tra cứu. Nội dung chính của cuốn sách là phần tuyển các bài hát nói của các tác giả [trang 43 – trang 567]: Nguyễn Bá Xuyến (23 bài), Nguyễn Công Trứ (81 bài), Trương Quốc Dụng (3 bài), Ngô Thế Vinh (4 bài), Nguyễn Bá Nghi (2 bài), Cao Bá Quát (16 bài), Nguyễn Quý Tân (5 bài), Đinh Nhật Thận (1 bài), Trịnh Đình Thái (4 bài), Nguyễn Đức Ý (7 bài), Võ Khoa (1 bài), Nguyễn Đức Nhu (6 bài), Nguyễn Khuyến (9 bài), Dương Khuê (13 bài), Dương Lâm (2 bài), Nguyễn Văn Giai (2 bài), Phan Văn Ái (1 bài), Chu Mạnh Trinh (3 bài), Trần Lê Kỉ (1 bài), Vũ Phạm Hàm (1 bài), Trần Cao Vân (1 bài), Nguyễn Thượng Hiền (2 bài), Phan Bội Châu (23 bài), Trần Tế Xương (9 bài), Phan Chu Trinh (1 bài), Lê Đại (1 bài), Dương Tự Nhu (8 bài), Hoàng Cảnh Tuân (1 bài), Hoàng Trọng Mậu (1 bài), Huỳnh Thúc Kháng (4 bài), Ưng Bình Thúc Giạ Thị (39 bài), Bùi Mai Điểm (2 bài), Nguyễn Văn Bình (9 bài), Nguyễn Hàng Chi (1 bài), Vũ Duyệt Lễ (1 bài), Phan Mạnh Danh (1 bài), Nguyễn Đôn Phục (1 bài), Hoàng Tăng Bí (1 bài), Nguyễn Đức Đàm (7 bài), Tản Đà (18 bài), Bùi Kỉ (5 bài), Nguyễn Văn Trình (3 bài), Á Nam Trần Tuấn Khải (5 bài), Nguyễn Hữu Tuyết (1 bài), Lê Mạnh Trinh (1 bài), Võ Quốc Vọng (2 bài), Cao Trọng Nghĩa (1 bài), Lê Văn Luyện (2 bài), Nguyễn Sĩ Giác (1 bài), Phạm Lương Hàn (1 bài), Bà Nhàn Khanh (1 bài), Tôn Quang Phiệt (1 bài), Trần Huy Liệu (2 bài), Phan Trọng Bình (1 bài), Hoàng Đăng Xuân (1 bài), Nguyễn Tuân (1 bài), Xuân Thủy (1 bài), Thanh Minh (1 bài), Chu Hà (4 bài), Vũ Hoàng Chương (1 bài), Ngô Linh Ngọc (3 bài), Nguyễn Tài Cẩn (3 bài), và 2 tác giả còn tồn nghi Nguyễn Quý Đức (1 bài), Nguyễn Hữu Cầu (1 bài) cùng với 46 bài của tác giả khuyết danh. Đây là một tuyển tập với 407 bài hát nói được sắp xếp theo tác giả từ chính xác đến tồn nghi và khuyết danh. Phần tác giả chính xác được sắp xếp theo thời gian năm sinh và có chú ý giới thiệu vài thông tin tiểu sử, giúp người đọc mở rộng hoặc cũng cố lại tri thức. Hát nói là một thể loại văn học được giảng dạy chính thức trong chương trình phổ thông, hiện nay được cấu trúc trong sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập 1 ở đơn vị bài học văn bản Bài ca ngất ngưỡng. Vì vậy, công trình Tuyển tập hát nói của Nguyễn Đức Mậu là một tài liệu tham khảo chuyên sâu rất hữu ích cho giáo viên phụ trách bộ môn Ngữ văn bậc trung học nói riêng, và những bạn đọc có quan tâm đến thể loại văn học dân tộc nói chung.
Hát nói đã từng là một thể loại được ưa chuộng sáng tác và thưởng thức. Có những bất ngờ mà tuyển tập này mang lại cho bạn đọc, chẳng hạn tác giả có sáng tác hát nói – một thể loại mà hiện nay phạm vi cộng đồng sáng tác và thưởng thức gần như là không còn, vì đã “chấm dứt cùng thế hệ Tản Đà” [trang 21], lại là những người “không lạ”, ví như nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân, nhà thơ của phong trào Thơ mới Vũ Hoàng Chương, nhà ngôn ngữ học trứ danh Nguyễn Tài Cẩn, …
Có thể, bằng Tuyển tập hát nói này, thể loại hát nóiđã được hệ thống lại, theo đólà sẽ được thưởng thức thức lại, vàđược sáng tác lại chăng? Như vậy, một cộng đồng hát nói sẽ được sống lại? Có thể lắm chứ, vì điều kiện mà thể loại này ra đời vẫn còn, đó chính là “dòng phát triển văn học theo đuổi cái đẹp mang tính dân tộc”.